Trang

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Những tiến bộ trong hệ thống kiểm soát các hoạt động tài chính của Vatican


Những tiến bộ trong hệ thống kiểm soát các hoạt động tài chính của Vatican
Tiến sĩ Carmelo Barbargall

Hôm thứ Sáu 03/7/2020, Cơ quan Thông tin Tài chính gọi tắt là AIF, một tổ chức của Tòa Thánh-Quốc gia Thành Vatican với chức năng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã cho công bố bản báo cáo về hoạt động của Cơ quan trong năm 2019. Nhân dịp này, tiến sĩ Carmelo Barbargallo, chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính đã có một bài tham luận, đưa ra một cái nhìn tổng quát về những hoạt động, những vấn đề liên quan đến AIF trong thời gian qua và những hoạt động tiếp theo trong tương lai.
Ngọc Yến - Vatican News
Trong bài tham luận, trước hết, vị chủ tịch nói về lịch sử thiết lập của Cơ quan. Theo đó, Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) là một cơ quan mới của Tòa Thánh, được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI thành lập vào cuối năm 2010 và bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Từ khi thành lập cho đến nay, sự lớn mạnh của các hoạt động trong các lãnh vực không thay đổi: quy định, thông tin tài chính, giám sát. Như thế, AIF được công nhận là một cơ quan có thẩm quyền trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Vào cuối tháng 11 năm ngoái (2019), tiến sĩ Barbargallo được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính. Trong niềm vinh dự được giao nhiệm vụ, ông tin rằng AIF sẽ có thể đóng góp để các các hoạt động tài chính của Tòa Thánh tiếp tục được chính xác và minh bạch. Nhân dịp này vị tân Chủ tịch đã cho hệ thống tài chính quốc tế biết rằng AIF sẽ cung cấp sự hợp tác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Sau 6 tháng, các kết quả đạt được đã cho thấy giá trị của các cam kết đó. Theo tiến sĩ Barbargallo, đây là nỗ lực của tất cả đồng nghiệp của ông và của tất cá các Cơ quan khác của Tòa Thánh.
Tiếp đến, ông Chủ tịch nói về các hoạt động cũng như những vấn đề liên quan đến Cơ quan Thông tin Tài chính trong những tháng vừa qua và cả trong tương lai, bao gồm: hợp tác quốc tế, hợp tác nội bộ, hoạt động giám sát, việc quản trị và nhân viên, quy chế mới và việc ban hành nội quy, và cuối cùng là cuộc gặp gỡ với Moneyval, Cơ quan Giám sát rửa tiền châu Âu sẽ thực hiện tại Vatican vào tháng 9 này.
1/Hợp tác quốc tế
Trước hết liên quan đến lĩnh vực hợp tác quốc tế. Ngày 13/11/2019, AIF đã bị đình chỉ từ Tập đoàn Egmont, một mạng lưới các đơn vị tình báo tài chính ở cấp độ toàn cầu. Nhưng việc đình chỉ đã được gỡ bỏ sau một thời gian ngắn, nhờ AIF thu thập thông tin, tài liệu và cung cấp thông tin diễn ra theo cách phù hợp với các tiêu chuẩn bảo mật thông tin tình báo do Egmont thiết lập.
Việc ký hiệp định giữa AIF và Văn phòng Tổng Kiểm Toán mang tính quyết định rất nhiều. Cơ quan cũng đã trấn an các đối tác quốc tế: theo bản ký kết, việc thu thập tài liệu và thông tin bí mật sẽ được tiến hành theo tiêu chuẩn bảo mật thông tin tình báo do Egmont thiết lập.
2/Hợp tác nội bộ
Không chỉ quan tâm đến sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, AIF còn chú ý hợp tác nội bộ; và theo ông chủ tịch điều này rất quan trọng.
Giữa tháng Hai và tháng Sáu có bốn ký kết quan trọng đã được thực hiện:
Ký kết đầu tiên được thực hiện vào ngày 13/2 với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Bộ Kinh tế trong lĩnh vực giám sát và kiểm tra các tổ chức phi lợi nhuận có văn phòng đăng ký tại Quốc gia Thành Vatican và Phủ Thống Đốc.
Lần ký kết thứ hai được thực hiện vào ngày 20/2 với Bộ Kinh tế trong việc giám sát và kiểm tra các Cơ quan Công quyền của Tòa Thánh-Quốc gia Thành Vatican.
Lần thứ ba được thực hiện vào ngày 28/4 với Văn phòng của vị Chưởng tín tức là vị Tổng Kiểm Sát của Vatican và Hiến binh Vatican về việc cộng tác và trao đổi thông tin.
Lần ký kết mới nhất được thực hiện vào ngày 16/6 với vị Tổng Kiểm Toán trong việc hợp tác và trao đổi thông tin.
Các ký kết này sẽ giúp AIF có nhiều cơ hội để hợp tác với các cơ quan này.
Các nhân viên đã được tăng cường đáng kể và các văn phòng đã được tổ chức lại, đã bổ nhiệm hai thành viên mới của ban quản trị. Với sự hỗ trợ và các hướng dẫn cụ thể của các thành viên các tổ chức, hoạt động giám sát đối với Ngân hàng Vatican hy vọng sẽ chuyên sâu hơn để hoàn thiện tốt trách nhiệm của mình.
3/Tăng cường hoạt động giám sát
Liên quan đến các hoạt động giám sát về chống rửa tiền và bảo đảm an toàn cho các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tài chính, AIF thực hiện dựa trên các quy tắc chung đo chính AIF ban hành.
Để cung cấp một cơ sở kỹ thuật và pháp lý chi tiết hơn cho các hoạt động thẩm tra từ xa và tại chỗ, trong những ngày gần đây AIF đã phê duyệt hai hướng dẫn giám sát cụ thể.
Trong năm 2019, AIF đã thực hiện hai cuộc thanh tra Ngân hàng Vatican (IOR), Lần thứ nhất vào tháng Sáu, mục đích để xem có phù hợp với khuôn khổ luật pháp và qui luật về các dịch vụ trả tiền, cũng như để xem Ngân hàng có đầy đủ các điều kiện để gia nhập hệ thống trả tiền của các nước Âu châu, gọi tắt là SEPA hay không, và thực tế Ngân hàng Vatican đã hội đủ điều kiện để tham gia hệ thống SEPA. Thanh tra có kết quả tốt. Và lần thứ hai vào tháng Tám, mục đích để xem Ngân hàng Vatican có phù hợp với các qui luật phòng ngừa và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố hay không, và biện pháp được đề ra có tiến hành tốt hay không. Cả trong lãnh vực này, Ngân hàng Vatican được nhìn nhận là hoạt động tốt, hợp qui luật.
Trong năm nay, vào tháng Năm cuộc thanh tra cũng đã bắt đầu được tiến hành. Kết luật đáng giá sẽ được đưa ra vào cuối tháng này
4/Tăng cường việc quản trị và nhân viên
Một vấn đề không thể không nói đến đó là việc quản trị và nhân viên phục vụ cho AIF. Ông chủ tịch cho biết mặc dù có những khó khăn trong thời điểm đại dịch, nhưng về mặt nhân lực AIF đã có những bước tiến triển thành công trên các lĩnh vực liên quan.
Trước hết ở vị trí quản trị: Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã bổ nhiệm tiến sĩ Giuseppe Schlitzer làm Giám đốc và tiến sĩ Federico Antellini Russo làm Phó Giám đốc. Tiếp theo, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm nữ tiến sĩ Antonella Sciarrone Alibrandi, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Thánh Tâm làm thành viên của Hội đồng Quản trị.
Theo tiến sĩ Barbargallo tất cả các thành viên mới này đều có những kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực tài chính ở cấp độ cao. Ông tin những người mới được bổ nhiệm sẽ có thể đưa ra những đóng góp quan trọng cho các chiến lược và hướng đi cho AIF.
Trong sáu tháng qua, nhân sự của AIF đã tăng gấp đôi. Cơ cấu được tổ chức lại bằng cách giao phó phối hợp của hai Văn phòng: Giám sát-Quy định và Thông tin Tài chính cho hai viên chức đã có kinh nghiệm.
Việc đổi mới quản trị, như tăng cường và hợp lý hóa cơ cấu hoạt động là điều kiện cần thiết để AIF có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động của mình.
5/Quy chế mới và việc ban hành nội quy
Trong bài tham luận ông Chủ tịch của Cơ quan Thông tin Tài chính còn nói đến Quy chế mới và việc ban hành nội quy.
Ông cho biết trong thời gian qua, Cơ quan đã có những hoạt động tích cực cho hai điều này. Ông hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ có những qui chế và nội quy mới cho AIF.
Đầu tiên, việc thay đổi tên của Cơ quan sẽ được sắp xếp, đổi thành Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính (ASIF), nhằm tăng cường cả hai “linh hồn” hoạt động của Cơ quan, không chỉ về trí tuệ, mà còn là giám sát, điều hành.
Về cơ cấu quản trị của AIF, qui chế mới chú ý đến vai trò của Hội đồng Quản trị, sẽ nhấn mạnh vai trò chủ động của Chủ tịch trong việc xây dựng chiến lược của AIF, nhưng luôn ở dưới sự kiểm soát của chính AIF. Đồng thời, vai trò của giám đốc và phó giám đốc, những người chịu trách nhiệm về hiệu lực và hiệu quả của hoạt động của AIF sẽ được tăng cường.
Việc cải cách quy chế cũng sẽ cho phép xem xét lại tổ chức nội bộ, để đảm bảo hoạt động tốt hơn cho các hoạt động của các văn phòng khác nhau.
Moneyval
Cuối bài tham luận, Chủ tịch AIF đã nói đến cuộc gặp gỡ với Moneyval, Cơ quan Giám sát rửa tiền châu Âu sẽ thực hiện tại Vatican vào tháng 9 này. Theo ông, đây là chuyến viếng thăm có tầm quan trọng đặc biệt, dự kiến sẽ diễn ra tại Vatican vào ngày 29 tháng 9 và sẽ kéo dài khoảng hai tuần. AIF sẽ dẫn đầu cho phái đoàn của Vatican cho cuộc gặp gỡ quan trọng này.
Trong thời gian qua, kể từ cuộc họp chính thức với Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican diễn ra trong năn 2012, Cơ quan Giám sát rửa tiền châu Âu đã theo dõi giám sát từ xa nhiều tiến bộ đã thực hiện từ quyền tư pháp cho mục đích chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Kết quả của nó có thể phụ thuộc vào cách thẩm quyền của thị trường tài chính đối với quyền tư pháp của Vatican.
Theo Chủ tịch AIF; đánh giá của Moneyval rất rộng: nó sẽ liên quan đến cả khung pháp lý tổng thể và việc thực hiện hiệu quả. Vì thế, AIF cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng sẵn sàng. Cần phải trình bày những tiến bộ đạt được trong hệ thống kiểm soát và sự hợp nhất ổn định của AIFsau thời gian có nhiều biến động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét