19/07/2020
Chúa Nhật 16 Thường
Niên năm A.
(phần II)
Phụng vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật 16 Thường niên năm A
Kn 12,13.16-19;
Rm 8,26-27; Mt 13,24-43
THIÊN CHÚA CÔNG MINH VÀ NHÂN ÁI
“Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30)
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Bài đọc trích từ sách
Khôn Ngoan trình bày những điểm giáo lý quan trọng về Thiên Chúa của dân
Israel.
Trước hết, đó là Thiên
Chúa duy nhất, Đấng chăm sóc mọi loài; ngoài Ngài ra chẳng còn có thần nào khác
(Kn 12,13). Niềm tin độc thần của dân Israel thường bị thách thức bởi tập tục
thờ đa thần của các dân tộc xung quanh và không ít lần dân Israel đã phản bội
Thiên Chúa của mình khi chạy theo các thần của ngoại bang. Vì thế, kính sợ
Chúa, một Thiên Chúa duy nhất, được xem là đầu mối của khôn ngoan (G 28,28; Tv
110,10).
Sau nữa, đó là một
Thiên Chúa toàn năng, đầy sức mạnh, nhưng hành động công minh (Kn 12,16). Đối với
dân Israel, Thiên Chúa là Đấng đã dùng quyền năng và sức mạnh mà đưa họ thoát
khỏi cảnh nô lệ Ai Cập mà vào đất hứa. Thiên Chúa tiếp tục thể hiện sức mạnh của
Ngài trên dân và hằng xử công minh với họ, theo đó những ai biết kính sợ quyền
năng Ngài sẽ được bảo vệ, còn những ai bất tuân, chống đối thì sẽ bị trừng trị
(Kn 12,17).
Cuối cùng, đó là một
Thiên Chúa nhân ái. Dù có thể dùng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn nhưng lại
dùng lượng từ bi cao cả mà cai quản dân và luôn xét xử khoan hồng vì Ngài làm
chủ được sức mạnh quyền năng của Ngài (Kn 12,18). Thiên Chúa không dùng sức mạnh
quyền năng để đe dọa phạt tội dân mỗi khi họ sai lỗi, nhưng ban ơn sám hối cho
người có tội. Đó chính là niềm hy vọng của những ai trót phạm tội nhưng biết
sám hối ăn năn (Kn 12,19).
2. Bài đọc 2
Thánh Phaolô dành
chương 8 của thư gửi tín hữu Rôma để nói về vai trò của Thần Khí trong đời sống
Kitô hữu. Quả vậy, Thánh Phaolô cho thấy rằng Thần Khí đóng một vai trò rất
quan trọng và đa dạng trong đời sống tín hữu, mà một trong số đó là sự trợ giúp
của Thần Khí trong việc cầu nguyện.
Thánh Phaolô khẳng định
rằng chính Thần Khí trợ giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết
cầu nguyện thế nào cho phải. Sự “yếu hèn” ở đây không nhằm ám chỉ về mặt thể lý
mà về tương quan với Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng khi con người không
biết cách thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, không biết cách cầu nguyện.
Khi không biết phải cầu nguyện gì, cầu nguyện ra sao, không tạo được mối tương
quan thân tình với Thiên Chúa thì con người ở trong tình trạng “yếu hèn”. Vì thế,
con người cần đến sự trợ giúp của Thần Khí để thoát khỏi tình trạng “yếu hèn” bằng
đời sống cầu nguyện.
Thần Khí như là trung
gian chuyển lời cầu nguyện của con người lên trước ngai Thiên Chúa. Nhờ Thần
Khí, lời cầu nguyện của con người không những phù hợp, phải đạo mà còn được hướng
đến đúng đối tượng là chính Thiên Chúa. Hơn nữa, lời cầu nguyện chắc hẳn sẽ dễ
được Thiên Chúa đoái thương nhậm lời khi được dâng lên bằng “tiếng rên xiết
khôn tả” của chính Thần Khí. Qua cách nói “rên xiết khôn tả”, có lẽ thánh
Phaolô muốn nhấn mạnh đến tính chất tha thiết của lời cầu nguyện nhờ Thần Khí.
Sự tha thiết thể hiện lòng thành sẽ dễ được Thiên Chúa đoái nhận.
Lời khẩn cầu tha thiết
của Thần Khí được Thiên Chúa là Đấng “thấu suốt tâm can” lắng nghe và thấu hiểu
vì Ngài biết Thần Khí muốn nói gì. Hơn nữa lời cầu nguyện do sự trợ giúp của Thần
Khí luôn theo đúng thánh ý Thiên Chúa. Như thế, lời cầu nguyện nhờ Thần Khí bảo
đảm hai điều quan trọng: một là lời cầu nguyện luôn đẹp lòng và đúng theo thánh
ý của Thiên Chúa; hai là lời cầu nguyện sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và chấp nhận.
Tóm lại, dù thân phận
con người thật yếu hèn vì không biết cầu nguyện sao cho phải, nhưng nhờ sự trợ
giúp của Thần Khí bằng những tiếng van nài tha thiết, lời cầu nguyện của con
người đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài thương đoái nghe và nhậm lời.
3. Bài Tin Mừng
Tin Mừng Mátthêu dành
chương 13 trình bày các dụ ngôn về Nước Trời. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng
ta được nghe ba trong số các dụ ngôn đó. Mỗi dụ ngôn trình bày một khía cạnh
khác nhau về Nước Trời.
Qua các dụ ngôn trong
bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nêu lên một vài điểm để suy gẫm.
Thứ nhất, Chúa Giêsu
khẳng định rằng những gì được coi là thuộc về “con cái của ác thần” trong thế
giới này không phát xuất từ ý định tốt lành của Thiên Chúa mà là do kẻ thù của
Thiên Chúa là ma quỷ gieo rắc. Cũng như ông chủ mùa gặt không cho phép nhổ cỏ
lùng khỏi ruộng lúa, Thiên Chúa, dù biết tác hại của sự dữ trong thế giới này,
vẫn chấp nhận cho nó cùng tồn tại với sự lành cho đến ngày tận thế. Lý do của sự
trì hoãn này là vì không muốn làm tổn hại đến sự lành khi tìm cách loại bỏ sự dữ.
Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm bảo vệ và vì lợi ích của những người
lành.
Thứ hai, mùa gặt là
ngày quyết định số phận của cỏ lùng khi mà các thợ gặt có thể dễ dàng tách biệt
nó với lúa mà đốt đi. Sự dữ như cỏ lùng, dù có giống lúa đến mấy, cũng không thể
lẩn tránh hoặc che dấu thân phận thật của mình trong ngày tận thế khi đứng trước
sự soi xét công minh của Thiên Chúa. Những thiệt thòi, cay đắng, ngột ngạt của
người lành như lúa khi phải sống chung với cỏ lùng, rốt cuộc cũng được ân thưởng
xứng đáng trong ngày sau hết khi mà “người công chính sẽ chói lọi như ánh mặt
trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13,43).
Thứ ba, Nước Trời và
những giá trị tốt lành của Nước Trời đôi khi có thể rất nhỏ bé như hạt cải được
gieo trong ruộng hay mong manh như nắm men trong thúng bột hoặc bị chèn ép bởi
sự dữ, bởi ma quỷ như lúa phải sống chung với cỏ lùng trong ruộng, nhưng không
có sức mạnh nào có thể ngăn cản hay bóp nghẹt sức sống và sự lớn mạnh của Nước
Trời. Hạt giống Nước Trời một khi đã được Thiên Chúa gieo vãi vào thế gian này
sẽ lớn lên và trổ sinh hoa trái bất chấp những cản trở, phá hoại của sức mạnh sự
dữ. Tất cả đều không nằm ngoài sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Các dụ ngôn làm nổi bật
sức sống mãnh liệt của hạt giống Nước Trời mà Thiên Chúa gieo vãi vào thế gian.
Nước Trời và những giá trị tốt lành của Nước Trời rồi sẽ chiến thắng trong ngày
tận thế, dù trong hiện tại có thể phải trải qua nhiều khó khăn thử thách do sự
dữ gây nên. Thiên Chúa thấu biết và vẫn kiên nhẫn đợi chờ để hạt giống Nước Trời
sinh hoa trái dồi dào đầy kho lẫm của Ngài trong ngày sau hết.
II. GỢI Ý THỰC HÀNH
1/ Bài đọc trích từ
sách Khôn Ngoan giới thiệu một Thiên Chúa duy nhất, đầy quyền năng và giàu lòng
nhân ái. Tôi có xác tín rằng Thiên Chúa mà tôi tôn thờ là Thiên Chúa độc nhất của
cuộc đời tôi, hay tôi đang tạo ra những “chúa” khác để tôn thờ? Tôi có đặt trọn
niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa quyền năng, Đấng hằng gìn giữ, bảo vệ
tôi hàng ngày? Tôi có thâm tín rằng Thiên Chúa mà tôi tôn thờ là Đấng giàu lòng
nhân ái, sẵn sàng tha thứ cho tôi mỗi lần tôi phạm tội nhưng biết sám hối ăn
năn?
2/ Thư thánh Phaolô gởi
giáo đoàn Rôma nhấn mạnh tầm quan trọng của Thần Khí trong đời sống cầu nguyện
của con người. Thiếu cầu nguyện, con người trở nên “yếu hèn”. Tôi có nhận ra sự
yếu hèn của tôi khi tôi bỏ lơ việc cầu nguyện hay không biết cầu nguyện thế nào
cho phải? Tôi có biết cậy nhờ sự trợ giúp của Thần Khí trong đời sống cầu nguyện?
Tôi có để cho Thần Khí hướng dẫn để đời sống cầu nguyện của tôi luôn đẹp lòng
Chúa và được Ngài nhậm lời?
3/ Các dụ ngôn trong
bài Tin Mừng làm nổi bật hình ảnh Nước Trời. Dù hạt giống Nước Trời rất khiêm tốn
và nhỏ bé khi gieo, nhưng sẽ phát triển, lớn mạnh và sinh hoa kết trái mà không
sức mạnh nào có thể ngăn cản hay tiêu diệt. Tôi có tin rằng hạt giống Nước Trời
đã được gieo trong hồn tôi sẽ lớn lên từng ngày bất chấp những khó khăn? Tôi có
chăm bón để hạt giống Nước Trời nhanh lớn lên? Tôi có biết gieo hạt giống Nước
Trời nơi tâm hồn của những người khác?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ và luôn kiên nhẫn. Trong một thế giới
xen lẫn giữa ánh sáng và bóng tối, sự thiện và sự ác, điều tốt và điều xấu; Người
vẫn mong chờ chúng ta trưởng thành mỗi ngày và không ngừng hoàn thiện. Tin tưởng
vào tình thương và lòng Chúa thương xót, chúng ta cùng hiệp ý cầu xin.
1. “Nước trời giống
như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức
Giáo Hoàng, các Giám Mục và linh mục luôn nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng, để
đem sứ điệp Lời Chúa và niềm vui cứu độ cho mọi người trong thế giới hôm nay.
2. “Hãy cứ để cả lúa
và cỏ lùng mọc lên cho đến mùa gặt.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người
luôn ý thức rằng sự dữ trong thế giới này phát xuất từ kẻ thù của Thiên Chúa, để
biết lên án và tránh xa sự dữ; đồng thời, luôn nỗ lực thực thi những điều tốt
lành.
3. “Hạt giống tốt
chính là con cái Nước trời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các kitô hữu đang sống
giữa bóng tối thế tục, luôn trung thành với các lời khuyên phúc âm, can đảm làm
chứng cho niềm tin Kitô giáo, hầu tỏa chiếu ánh sáng Tin Mừng cho mọi người
chung quanh.
4. Thánh Phaolô quả
quyết: “Có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta.” Xin cho mọi người trong
cộng đoàn chúng ta ngày càng thêm tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần,
để biết lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Người trong mọi hoàn cảnh.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban tặng
Thánh Thần, để Người thúc đẩy chúng con hoán cải và không ngừng biến đổi nên tốt
lành như lòng Chúa mong ước. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 16 TN Năm A
CHÚA
KIÊN NHẪN VÀ KHOAN DUNG
Lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-30)
Sợi chỉ đỏ :
Mặc dù Thiên Chúa rất
mạnh và đầy uy quyền, nhưng Ngài đối xử rất khoan dung với những kẻ tội lỗi để
chờ cho họ ăn năn sám hối (bài đọc I : Kn 12,13.16-19). Bởi thế tác giả
Thánh vịnh 85 gọi Thiên Chúa là “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất
mực khoan dung (đáp ca). Ở đời này, người tốt kẻ xấu lẫn lộn. Nhiều người mong
Thiên Chúa trừng trị kẻ xấu, nhưng Thiên Chúa khoan dung (Tin Mừng (Mt
13,24-43) vẫn cho chúng có thời gian hoán cải (dụ ngôn lúa và cỏ lùng). Thiên
Chúa cũng kiên nhẫn chờ cho những yếu tố tốt dần dần phát huy ảnh hưởng của
mình (dụ ngôn hạt cải và nắm men).
– Bài đọc II (Rm
8,26-27) (Chủ đề phụ)
Anh chị em thân mến
Ở đời có nhiều chuyện
xấu và nhiều người xấu. Chúng ta không thích, chúng ta muốn dẹp sạch những thứ
xấu xa ấy đi. Chúng ta còn cầu xin Chúa dùng uy quyền của Ngài để tiêu diệt
chúng. Thế nhưng hình như Chúa không nghe lời cầu xin của chúng ta. Sự xấu và
người xấu vẫn còn đó. Tại sao thế ?
Chúng ta hãy để ý lắng
nghe Lời Chúa giải thích về vấn đề này, và chúng ta hãy xin Ngài chỉ cho chúng
ta một cách sống thích hợp trong cuộc đời lẫn lộn tốt xấu này.
– Tuy bản thân chúng
ta đầy khuyết điểm, nhưng chúng ta thường khắt khe với những khuyết điểm của
người khác.
– Không ít lần chúng
ta nuôi ý muốn làm hại những người có va chạm với mình.
– Có khi chúng ta
trách Chúa vì Ngài đã không sớm giải thoát chúng ta khỏi những bất công mà
chúng ta gặp phải.
Các chương 10-19 của
sách Khôn ngoan chứa đựng những suy tư về cách hành xử của Thiên Chúa qua những
biến cố lịch sử. Dân Chúa đã nhiều lần bị kẻ thù làm khổ. Mặc dù cuối cùng rồi
Thiên Chúa cũng giải thoát họ, nhưng họ vẫn ấm ức sao Chúa không ra tay sớm,
sao Ngài không tiêu diệt chúng cho hết sạch.
Câu trả lời là :
những kẻ thù ấy cũng là thụ tạo của Chúa, cũng được Ngài yêu thương. Cho nên mặc
dù Ngài có đầy đủ sức mạnh và uy quyền để tận diệt họ, nhưng Ngài chỉ sử dụng sức
mạnh đối với kẻ ngoan cố. Còn đối với những kẻ mà Ngài còn hy vọng họ hoán cải
thì Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối để được thứ tha.
Tv 85 là lời cầu nguyện
của người công chính bị bách hại. Mặc dù thế, tác giả đã thấu hiểu tấm lòng của
Thiên Chúa, cho nên một mặt tác giả nài xin “Lạy Chúa, xin nghe lời tôi khẩn
nguyện, và quan tâm đến tiếng tôi van nài”, nhưng mặc khác tác giả cũng cầu
nguyện cho những kẻ bách hại mình sớm nhận biết tội lỗi của họ, để rồi “Các dân
tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, họ sẽ thờ lạy Ngài và họ sẽ ca tụng danh
Ngài”.
– Dụ ngôn lúa và cỏ
lùng : dụ ngôn này phản ảnh hai thái độ trái ngược nhau. Thái độ của con
người (biểu nhiên nơi các đầy tớ) là bất nhẫn trước kẻ xấu và muốn diệt trừ
chúng. Thái độ của Thiên Chúa (chủ ruộng) là kiên nhẫn chờ cho đến thời gian
phán xét (mùa gặt) mới ra tay.
– Hai dụ ngôn hạt cải
và nắm men : hai dụ ngôn này vừa cho thấy sức phát triển rất mạnh của Nước
Trời, vừa nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa : Ngài không nóng vội, nhưng
kiên nhẫn chờ cho hạt cải thành cây to và nắm men làm dậy cả thúng bột.
Thánh Phaolô nói đến
vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc cầu nguyện :
– Vì chúng ta yếu đuối
không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nên Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng
ta cầu nguyện.
– Chúa Thánh Thần ở
trong chúng ta sẽ cầu nguyện đúng theo thánh ý Thiên Chúa.
– Chúa Thánh Thần cầu
nguyện trong lòng ta một cách rất diệu kỳ “bằng những tiếng than khôn tả”.
Có lần Liên Hợp Quốc
đã chọn nguyên một năm làm “năm quốc tế về lòng khoan dung” để giảm thiểu
khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại.
Bao dung là nhân từ,
kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải
họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu : một người làm gì
đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Do nóng vội, có khi ta không suy nghĩ kỹ xem
biết đâu chính ta có gì sai lỗi nên người kia mới cư xử với ta như vậy. Khi người
kia bị ta tấn công, họ cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đũa
ta. Thế là hai bên cứ leo thang. Thực ra có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như có mấy
ai hoàn toàn xấu. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt,
hoàn toàn đúng và người ta là xấu, hoàn toàn sai.
Trên bình diện cá nhân
và khu xóm, bất bao dung khiến người ta khó sống chung hòa thuận với nhau. Trên
bình diện quốc tế, bất bao dung dẫn đến những cuộc chiến tranh khu vực. Mà xung
đột và chiến tranh chẳng mang lại ích lợi gì, chỉ toàn gây hại. Chính vì trên
thế giới có quá nhiều cuộc chiến tranh khu vực cho nên Liên Hợp Quốc mới thấy cần
đề ra một năm quốc tế về lòng bao dung.
Muốn bao dung thì phải
biết mình và biết người : biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có
những điều tốt. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái
xà trong mắt mình đã.
Thiển cận là chỉ thấy
gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong. Do thiển cận
nên người ta bất bao dung, mất kiên nhẫn.
Thiên Chúa có thể bao
dung và kiên nhẫn vì Ngài vừa thấy hiện tại vừa thấy tương lai, vừa thấy bề
ngoài vừa thấy bề trong.
Nghe bài dụ ngôn “cỏ
lùng” hôm nay, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông
nào lại để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình ! Nhưng dụ ngôn là
dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề.
Vấn đề của dụ ngôn là
lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Kinh xưa
có câu : “Hỏi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai ?” Chúng ta ưa thích phân biệt
lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được
chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Cái lý đo nhiên là vậy. Rất đơn giản. Nhưng cuộc
sống không đơn giản như vậy.
Trong cuộc sống, có những
lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái
mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa
nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội
biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu
không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ. Vậy
chẳng ai nên tự phong là lúa tốt, rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Có lần
Chúa đã nói thẳng với những người tự phụ : “Tôi nói thật, bọn thu thuế, bọn
gái điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông kia đấy !”
Qua bài dụ ngôn, Chúa
dạy chúng ta lòng nhân từ, kiên nhẫn, và tin tưởng vào sự lành. Hãy tin rằng sự
lành sẽ tuần tự triển khai tốt đẹp, mặc dầu có sự dữ kè bên. Sự lành thậm chí
còn có sức cảm hóa được sự dữ. “Kẻ lành” Monica đã cảm hóa được “kẻ dữ”
Augustinô và cả hai mẹ con cùng trở nên những vị thánh lớn trong Giáo Hội.
(Trích số đặc biệt báo Công giáo và Dân tộc, năm 1998, trang 223-224)
Những ai đã từng xem
cuốn phim Schindler’s List hẳn đều ghê tởm vai chính của phim
đó, tên là Oskar Schindler, một đảng viên Đức quốc xã, đã từng giết hại rất nhiều
người.
Thế nhưng nhiều người
đã từng biết ông thì lại ca tụng ông như một ân nhân cứu mạng cho hàng ngàn người
khỏi bị Đức quốc xã giết. Thậm chí có người còn nói : “Ông ta là cha, là mẹ
và là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi”.
Sự thật là thế
nào ? Sự thật, Oskar Schindler không phải là một vị thánh, mà là một con
người với nhiều dằng co mâu thuẫn : trước hết ông là một người chồng bất
trung đã bỏ vợ và chạy theo một cuộc sống ăn chơi thác loại ; ông cũng là
một người công giáo nhưng lại không sống đạo ; ông là đảng viên đảng Quốc
xã Đức từng tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh do đảng này phát động ; chính
ông đã thú nhận rằng ông hy vọng khi chiến tranh thắng lợi thì ông sẽ có hai
cái rương đầy vàng ; ông còn hành hạ nhiều người do thái….
Nhưng bên trong ông lại
có một con người khác. Đó là một người tốt. Nhiều lần đang cư xử như một người
xấu, ông lại hướng về bên trong con người tốt ấy. Thấy những từ nhân bị hành hạ
tàn nhẫn, ông không chịu nổi và nhiều lần dám đứng lên bênh vực họ. Hai lần ông
đã bị bỏ tù vì những hành động như thế.
Sự thật về Oskar
Schindler là như thế : vừa là quỷ dữ vừa là thiên thần, trong lòng ông vừa
có cỏ lùng vừa có lúa tốt.
Sau nhiều năm phải sống
trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhenitsyn đã nghiệm ra được những ý
tưởng sau :
Tôi đã học được một
bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù.
Tôi đã hiểu một người
trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.
Tôi đã dần dần nhận ra
rằng đường biên giới phân chia giữa tốt và xấu không nằm giữa các nước hay các
giai cấp hay các đảng phái chính trị, mà nằm ngay trong lòng mỗi người.
Ngay trong những trái
tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.
Và ngay trong trái tim
tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.
Khi đến mùa gặt, rơm rạ
bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được
cất vào kho.
Lạy Chúa, khi đến ngày
chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.
Xin bàn tay khôn ngoan
của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại ; nhưng đối với những
gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.
CT : Anh chị em thân mến
Thiên Chúa là Đấng từ
bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Người luôn kiên nhẫn đợi
trông kẻ có tội ăn năn trở lại. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Hội Thánh luôn tạo
điều kiện thuận lợi / để kẻ tội lỗi luôn có thể quay về với Chúa / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho các kitô hữu / biết nhận ra tình thương của Hội Thánh là mẹ
chúng ta.
2- Ngày nay / người
tốt kẻ xấu vẫn còn sống lẫn lộn ngay trong lòng Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho các vị mục tử / kiên nhẫn cảm hóa những kẻ tội lỗi / bằng chính tình
thương tha thứ của Đức Kitô / Vị Mục Tử nhân lành.
3- Cuộc sống trần
gian ngày hôm nay / quyết định số phận mai ngày của người kitô hữu / Chúng ta
hiệp lời cầu xin cho mọi tín hữu / biết luôn cố gắng sống bác ái yêu thương / tận
tuỵ phục vụ trong khiêm tốn / để trở nên muối ướp mặn đời / và ánh sáng cho trần
gian / Nhờ đó họ sẽ được Chúa ; tưởng thưởng trong ngày phán xét chung.
4- Ngay trong chính
bản thân mỗi người / vẫn hiện diện song song hai khuynh hướng tốt và xấu /
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn xứ đạo chúng ta / luôn biết chế ngự
thói xấu bằng cách cố gắng sống theo Lời Chúa dạy / siêng năng lãnh nhận các bí
tích hòa giải và Thánh lễ / đồng thời tuân theo lời giáo huấn của Hội Thánh.
CT : Lạy C, chúng con thường hay xét đoán người khác rất
khắt khe mà hầu như quên xét lại chính bản thân mình. Xin giúp chúng con biết
can đảm dứt khoát với tật xấu này, để chúng con có thể noi gương Chúa mà sống
nhân từ với mọi người hơn. Chúng con cầu xin nhờ…
– Trước kinh Lạy
Cha : Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Thiên Chúa là Cha
chúng ta dạy chúng ta biết nhân từ như Ngài, biết tha thứ cho anh em như Chúa
đã tha thứ cho chúng ta.
– Sau kinh Lạy
Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình
an giữa thế gian này còn chen lẫn lúa tốt và cỏ lùng. Nhờ Cha rộng
lòng thương cứu giúp…”
Chúng ta sắp trở lại
cuộc sống phức tạp : điều xấu điều tốt lẫn lộn, người lành người dữ sát
cánh bên nhau. Anh chị em hãy cố gắng thực hành lòng bao dung nhân từ mà Lời
Chúa vừa dạy chúng ta.
Lectio Divina:
Chúa Nhật XVI Thường Niên (A)
Sunday 19 July, 2020
Lectio Divina | Lectio
Divina Năm A
Sự phát triển nhiệm
mầu của Nước Trời
Lòng kiên nhẫn của
Thiên Chúa
Mt 13:24-43
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Thần Khí Chúa của
Chân Lý, Đấng được sai đến bởi Chúa Giêsu để hướng dẫn chúng con đến sự toàn chân,
xin hãy soi sáng tâm trí chúng con để chúng con có thể hiểu được lời Kinh
Thánh. Lạy Thần Khí Chúa, Đấng đã rợp bóng trên Đức Maria và khiến
Bà trở thành đất màu mỡ để Lời Thiên Chúa có thể nẩy mầm, xin hãy thanh tẩy tâm
hồn chúng con khỏi mọi trở ngại hướng về Lời Chúa. Xin hãy giúp
chúng con noi gương Đức Maria biết lắng nghe với trái tim trong sạch và tốt
lành để hướng về Lời Chúa đang nói với chúng con trong cuộc sống và trong Kinh
Thánh, để chúng con có thể tuân giữ Lời Chúa và thu gặt được hoa trái qua sự
kiên trì của chúng con.
2. Bài
Đọc
a) Phân
đoạn bài Tin Mừng:
Bài Tin Mừng gồm có ba
dụ ngôn, một đoạn tạm nghỉ, và lời giải thích về dụ ngôn đầu. Ba dụ
ngôn của cỏ lùng và lúa mì (13:24-30), hạt cải (13:31-32) và men (13:33), có
cùng một mục đích. Chúng được dùng để hoàn chỉnh những kỳ vọng của
dân chúng trong thời Chúa Giêsu là những người nghĩ rằng Triều Đại Thiên Chúa sẽ
đến với sự sôi nổi và lập tức loại trừ bất cứ điều gì trái với
nó. Xuyên qua ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giải thích cho những
người đang lắng nghe là Người không đến để khôi phục lại Nước Trời bằng vũ lực,
nhưng để từ từ mở ra một kỷ nguyên mới, trong lịch sử hằng ngày, trong một cách
thông thường không ai để ý. Thế nhưng việc làm của Người có một sức
mạnh cố hữu, năng động và mãnh lực cải biến thay đổi dần dần lịch sử từ bên
trong theo như kế hoạch của Thiên Chúa … nếu người ta có mắt để nhìn thấy!
Trong đoạn Tin Mừng
13:10-17, giữa dụ ngôn người gieo giống và lời giải thích, tác giả Tin Mừng đã
chêm vào cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ nơi Chúa giải thích cho
các ông lý do tại sao Người dùng dụ ngôn nói với đám đông (13:34-35).
Tiếp theo là lời giải
thích về dụ ngôn cỏ lùng và lúa mì (13:36-43). Điều nổi bật trong lời
giải thích này là, trong khi nhiều chi tiết của dụ ngôn được diễn giải, nhưng
không hề có một lời nào đề cập đến điều cốt lõi của bài dụ ngôn, đó là cuộc đối
thoại giữa ông chủ và những người giúp việc về việc cỏ lùng mọc lên lẫn với lúa
mì. Nhiều học giả suy luận rằng lời giải thích về bài dụ ngôn không
hẳn nói ra từ Chúa Giêsu, mà từ tác giả Tin Mừng là người đã thay đổi ý nghĩa
nguyên thủy của bài dụ ngôn. Trong khi Chúa Giêsu có ý hiệu chỉnh lại
sự thiếu kiên nhẫn về Đấng Thiên Sai của những người đương thời, Mátthêu nói về
những Kitô hữu kém nhiệt tình và khuyến khích họ, gần như đe dọa họ, với sự
phán xét của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dụ ngôn và lời giải thích là một
phần của văn bản kinh điển và, vì thế, cả hai cần được lưu ý bởi vì cả hai đều
hàm chứa Lời của Chúa nói với chúng ta ngày
nay.
b) Phúc
Âm:
24-30: Khi ấy Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng
dân chúng rằng: “Nước Trời giống như người kia gieo giống tốt trong
ruộng mình. Trong lúc mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến
gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ
bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: ‘Thưa
ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ
lùng tự đâu mà có?’ Ông đáp: ‘Người thù của ta đã làm như
thế.’ Đầy tớ nói với chủ: ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi
xin đi nhổ cỏ.’ Chủ nhà đáp: ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ
lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên
cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: ‘Các anh
hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa vào lẫm
cho ta.’”
31-32: Người lại nói với họ một dụ ngôn khác mà rằng: “Nước
Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt nó bé nhỏ
hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành
cây, đến nỗi chim trời đến nương náu ngành nó.”
33: Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà
rằng: “Nước Trời giống như men người đàn bà kia lấy đem đi trộn vào
ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men.”
34-35: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy
với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ
ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời
dụ ngôn: Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian.”
36-43: Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về
nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: Xin Thầy giải
thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp lại
rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế
gian. Còn hạt giống là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái
gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận
thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy
cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con
Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác
khỏi Nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc
nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của
Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm
nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong
việc suy gẫm cá nhân.
a) Phản ứng của bạn đối với sự dữ mà bạn thấy
trong thế gian và trong chính bản thân mình là gì? Đó là phản ứng của
những người giúp việc hay của ông chủ?
b) Đâu lànhững dấu hiệu về sự hiện diện của Nước Trời mà bạn
có thể thấy trong thế gian và trong đời sống của bạn?
c) Hình ảnh nào về Thiên Chúa xuất hiện trong ba dụ ngôn
này? Đó có phải là hình ảnh Thiên Chúa của bạn không?
5. Chìa
khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn
đào sâu hơn vào trong bài Tin Mừng.
a) Triều
Đại Thiên Chúa:
Trong hai bản tóm tắt
mà Mátthêu viết cho chúng ta về sứ vụ của Chúa Giêsu, ông trình bày Chúa đi rao
giảng Phúc Âm hay Tin Mừng Nước Trời và chữa lành (4:23;
9:35). Thành ngữ “Triều Đại Nước Trời” xuất hiện 32 lần trong Tin Mừng
Mátthêu. Cũng giống như “Nước Thiên Chúa”, chỉ được tìm thấy một lần
trong Tin Mừng Mátthêu, trong khi nó được dùng thông thường hơn trong phần còn
lại của Tân Ước. Như một vấn đề tôn kính, người Do Thái không chỉ
tránh việc xử dụng Danh Thánh của Thiên Chúa như được mặc khải cho ông Môisen
(xem Xh 3:13-15), mà cả chữ “Thiên Chúa” cũng được thay thế bằng những chữ khác
nhau như “Thiên Đàng” hoặc “Trên Trời”. Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng,
là thánh sử chính tông Do Thái nhất, tuân thủ theo phong tục này.
Dù sao, thành ngữ ấy
không thấy trong Cựu Ước, nơi chúng ta thường thấy ý tưởng xem Thiên Chúa như vị
quân vương cai trị dân Do Thái và toàn vũ trụ và tương đương với chữ của Tân Ước
“Thiên Chúa ngự trị”. Trong thực tế, Vương Quốc Thiên Chúa, như được
trình bày trong Tân Ước, vượt trên hẳn mọi tác động của Thiên Chúa là Đấng ngự
trị và tình huống mới như là một hệ quả của quyết định của Người. Thiên
Chúa luôn luôn là Vua, nhưng bởi vì tội lỗi, dân Do Thái và toàn thể nhân loại
đã chối bỏ vương quyền của Người và tạo ra tình trạng đi ngược với kế hoạch ban
đầu của Chúa. Vương Quốc Thiên Chúa sẽ được thiết lập khi tất cả mọi
vật một lần nữa ở dưới sự cai quản của Người, đó là khi nhân loại chấp nhận sự
ngự trị của Người và từ đó nhận thức được kế hoạch của Chúa.
Chúa Giêsu công bố việc
thời đại mới này đang đến gần (xem ví dụ Mt 3:2). Vì lý do nào đó,
thực tế về Vương Quốc Thiên Chúa đang được hiện hữu và mong đợi nơi Người và
trong cộng đoàn Người thành lập. Tuy nhiên, Giáo Hội chưa hẳn là Nước
Trời. Nước Trời phát triển một cách mầu nhiệm và từ từ cho đến khi
nó đạt đến sự viên mãn vào lúc tận thế.
b) Lý lẽ
của Thiên Chúa:
Thực tế về Nước Trời
và sự phát triển của nó, như được mô tả bởi Chúa Giêsu, đặt để chúng ta trước mầu
nhiệm của Thiên Chúa, Đấng mà sự suy nghĩ không giống những suy nghĩ của chúng
ta. Chúng ta nhầm lẫn giữa vương quyền và vũ lực, và áp đặt, và chiến
thắng khải hoàn. Chúng ta muốn những việc làm được thực hiện trên một
quy mô lớn lao. Chúng ta thấy sự thành công như một điều tán tụng
đoan chắc và liên quan đến nhiều người. Tuy nhiên, đây là những cám
dỗ quyến rũ ngay cả cộng đoàn, và thay vì phục vụ Nước Trời, cộng đoàn lại tự
chống đối Nước Trời. Thiên Chúa, về phần Ngài, ưa chuộng tiến hành
chương trình của mình qua các việc nhỏ, đơn sơ và tầm thường và trong khi chúng
ta luôn vội vàng hoàn tất các chương trình của chúng ta, Thiên Chúa lại chờ đợi
với lòng kiên nhẫn và khoan dung tuyệt vời.
6. Thánh Vịnh
145
Bài Thánh Ca dâng
lên Đức Chúa là Vua
Lạy Thiên Chúa con thờ
là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!
7. Lời Nguyện
Kết
Quả thế, Chúa yêu
thương mọi loài hiện hữu,
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.
Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?
Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.
Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi ?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?
Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.
Quả vậy, lạy Đức Chúa,
sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật.
Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.
Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.
Nhưng Ngài là Đấng
công chính, cai trị muôn loài thật công minh.
Và kết án kẻ không đáng trừng phạt là điều xa lạ đối với Chúa quyền năng.
Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài.
Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh ;
còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể xử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
Và kết án kẻ không đáng trừng phạt là điều xa lạ đối với Chúa quyền năng.
Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài.
Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh ;
còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể xử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
(Trích sách Khôn
Ngoan 11:24 – 12:2, 15-18)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét