Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

05-07-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN năm A


05/07/2020
 Chúa Nhật 14 Thường Niên năm A
(phần I)

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10
"Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi".
Trích sách Tiên tri Dacaria.
Ðây Chúa phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1).
Xướng: 1) Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
4) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13
"Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30
"Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.
"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hãy Sống Theo Thần Khí
Ngày Chúa Nhật, chúng ta họp nhau đông đủ để được Chúa dạy dỗ và nhất là nuôi dưỡng, hầu mạnh sức hơn tiếp tục cuộc sống ở giữa trần gian như những người con Chúa. Hôm nay Chúa tỏ ra tha thiết. Người kêu gọi chúng ta đang gồng gánh nặng nề, hãy đến với Người để Người bổ sức, hồi sinh. Vậy, chúng ta hãy chú ý đón nhận mọi lời từ miệng Chúa phán ra để chuẩn bị rước lấy chính Thịt Máu Người hầu thánh lễ này sẽ thật sự bổ sức cho chúng ta.
Chúa bắt đầu nói với chúng ta về chính Người qua bài sách Zacarya. Rồi tựa vào gương sáng của Người, Người khuyên nhủ chúng ta đi vào đường lối Người đã đi. Và nếu chúng ta chấp nhận, Người sẽ ban Thần Linh của Người đến giúp đỡ.

A. Trước Hết, Ðây Là Khuôn Mặt Thật Của Chúa
Nhiều ngôn sứ đã được sai đến nói với loài người về Thiên Chúa chúng ta. Ðặc biệt trong những giai đoạn bi thảm của lịch sử Dân Chúa. Dần dần người ta đã biết chờ mong một vị thiên sai cứu thế. Nói đúng hơn, Dân Chúa đã dần dần trông cậy Chúa là Cứu Chúa. Người sẽ cứu Dân như đã làm trong lịch sử, đặc biệt khi đưa Dân ra khỏi Aicập. Hơn nữa, lần cứu độ này sẽ có tầm mức rộng lớn. Chúa sẽ thi hành Lời Hứa với tổ phục Abraham và đưa mọi dân tộc vào hạnh phúc vô tận của dòng dõi được tuyển chọn.
Nhưng ở thời tâm lý Dân Chúa còn nặng mặt thế tục và cụ thể, người ta chỉ biết mong đợi một cuộc cứu độ trong uy quyền và võ lực. Người ta tin Chúa sẽ cứu Dân, nhưng chắc Người sẽ cứu với cánh tay mạnh mẽ của Ðấng uy hùng chiến sĩ. Người ta khó hiểu được những lời ngôn sứ Zacarya hôm nay nói. Lời của ông thật rõ ràng. Chúa sẽ đến. Chắc chắn như vậy. Người sẽ đến như Ðấng công chính, hay nói đúng hơn, với tư cách của Vị đến để xét xử công minh, phân biệt dứt khoát người lành-kẻ dữ. Người cũng sẽ đến như Ðấng cứu chuộc, và nói đúng hơn như Vị được cứu vớt, tức là như đấng được lãnh trọn ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Bằng hai từ ngữ và danh xưng đó, Zacarya đã loan báo chính Ðấng mà muôn dân đang trông đợi. Người ta đang chờ Ðấng đến tái lập công chính, đem ơn cứu độ cho mọi dân. Thế mà vị Ngôn sứ lại nói Ðấng công chính xét xử và cứu thế độ nhân sẽ đến. Hơn nữa, ông còn tuyên bố Người là Hoàng đế, và lời này thật hợp với tâm lý những người đang chờ mong vì họ không thể nào không tưởng tượng Cứu Chúa sẽ là Hoàng đế của Dân Người.
Nhưng Zacarya đã bắt đầu đi xa quan niệm của người ta và đi ngược với suy nghĩ của họ khi mô tả thêm: Cứu Chúa sẽ là Ðấng khó nghèo và sẽ đến ngồi trên lưng lừa, một con lừa con rất nhỏ. Ai chấp nhận được những lời như thế? Nhất là người ta đang nhìn thấy một vị tân hoàng đế đi lên: một nhà vua Hylạp mà danh hiệu là A-lịch-sơn. Ông đang đánh đông dẹp tây. Ðế quốc của ông không ngày nào không bao trùm thêm một số đất đai. Danh tiếng của ông nơi nào cũng biết. Ông lại còn trẻ, khoảng độ 30. Ðó mới thật là hình ảnh về Vị Hoàng đế thống trị hoàn vũ. Thế mà Zacarya lại tuyên bố Cứu Chúa là con người nghèo khó, cỡi lừa chứ không ngồi trên ngựa trận, mà lại là một con lừa rất nhỏ, hiền từ nếu không phải là yếu đuối. Không, Cứu Chúa không thể như vậy, vì như vậy Người sẽ là một đứa con nít đứng cạnh hoàng đế A-lịch-sơn đại thắng. Các người nghe Zacarya đã bịt tai, đã cố quên những điều vừa nghe, để cố bám lấy hình ảnh quen thuộc về Cứu Chúa. Thế nên khi Ðức Yêsu Kitô đến cứu đời, phần đa số dân chúng đã không nhận ra Người là Ðấng muôn dân trông đợi. Chỉ có một lần khi Ðức Yêsu vào Yêrusalem ngồi trên lừa con, những trẻ thơ ngây đã đón nhận Người như Vị Cứu Thế. Nhưng chỉ trong giây lát thôi. Và những đầu óc suy nghĩ trong Dân là kỳ mục và biệt phái vẫn phủ nhận vị tiên tri nghèo khó đến ngồi trên lưng lừa.
Thật uổng, bởi vì người ta đã không chịu nghe tiếp những lời tiên tri của Zacarya. Ông đã nói thêm: "Xe trận, Ta sẽ cất phăng khỏi Ephraim, và ngựa trận khỏi Yêrusalem. Và Ta sẽ nói lên thái bình cho chư quốc". Ðó là những lời thật thích hợp về Chúa cứu dân. Mọi ngôn sứ đều loan báo và mọi người đều tin tưởng. Ðấng Thiên sai cứu thế sẽ hủy bỏ chiến tranh cho cả hai miền Bắc Nam Dân Chúa, sẽ tái lập hòa bình cho Ðất Nước của họ và triển khai thái hòa cho chư quốc.
Zacarya nói đúng truyền thống các tiên tri và y như Lời Chúa đã từng hứa hẹn. Ông chỉ cho thấy một điểm khác, nói đúng hơn, một điều mới: Ðấng thi hành công cuộc cứu thế sẽ khó nghèo và hiền lành. Nhưng tại sao lại không có thể như thế! Ðavít không là vị hoàng đế khó nghèo và hiền lành sao? Ngay cả Môsê khi được mang tên "cứu vớt" cũng chỉ là một trẻ nhỏ nằm trong một cái thúng ọp ẹp, trôi nổi trên dòng sông Nil. Người ta ít nhìn vào lịch sử Dân Chúa. Họ hay ngưỡng vọng nề nếp của các dân tộc chung quanh. Họ hy sinh lời nói của Zacarya để duy trì hình ảnh về một hoàng đế A-lịch-sơn chẳng hạn. Nhưng suy nghĩ của họ không giống như của Chúa. Ngài không chịu người ta tưởng tượng ra Ngài. Người ta muốn chấp nhận Ngài thì phải chấp nhận đúng Ngài và chính Ngài, chứ không phải là ngẫu tượng xuyên tạc bản chất của Ngài.
Và bản chất của Ngài, Zacarya hôm nay đã loan báo rõ ràng. Và Chúa Yêsu đã thực hiện như vậy. Người bảo ta hôm nay hãy đến học với Người để trở nên như Người là Ðấng có lòng hiền từ và khiêm nhường. Không ý tứ, hôm nay chúng ta cũng sẽ giống như người Dothái ngày xưa. Họ đã bỏ rơi Lời Chúa. Muôn khỏi như vậy, chúng ta phải làm gì?

B. Hội Thánh Là Môi Trường Ðón Nhận Chúa
Không phải Zacarya đã không chuẩn bị tâm hồn người nghe đón nhận mạc khải của ông. Trước khi tuyên bố Ðấng đem hòa bình đến cho muôn dân không cỡi ngựa trận nhưng ngồi trên lưng lừa con, ông đã muốn tạo bầu khí khi viết: "Hãy nhiệt liệt nhảy mừng, nữ tử Sion! Reo hò lên, nữ tử Yêrusalem!" Ðó là những tiếng kêu mời đi vào một cuộc liên hoan thánh. Một cuộc rước phụng vụ chẳng hạn. Vì những lời ấy gợi lên hình ảnh một Ðavít hôm nào nhảy múa trước Hòm Bia Thánh đang được người ta khiêng về đặt ở Sion. Nói cách khác, để đón nhận lời mạc khải về Thiên Chúa đến cứu dân trong khó nghèo và khiêm nhu, người ta phải đặt mình vào bầu khí đạo đức, phải trở nên đơn sơ vô tội để có thể thấy tất cả những gì cao cả thì đơn sơ và thanh bạch.
Trước khi kêu gọi chúng ta đến trường học hiền từ và khiêm nhu trong lòng, Chúa Yêsu cũng đã làm như thế. Người đã ngước mắt lên trời cầu nguyện. Người cho người ta thấy ở trước mắt Thiên Chúa không có những hạng thông thái và khôn ngoan kiểu thế gian, nhưng chỉ có những trẻ nhỏ. Thiên Chúa là Thượng đế nhưng lại không như các hoàng đế. Càng những hoàng đế như Nabucôđônôsor lại càng xa với Người. Vị hoàng đế này cỗ tiệc linh đình với quần thần và tài cán trong nước. Nhưng không một ai đọc được mấy chữ mà một ngón tay vừa viết ra ở trên tường. Những khối óc nổi tiếng thông thái nhất cũng tái mét mặt đi không biết đọc làm sao. Thế mà một em bé, một đứa nhỏ trong Nước Trời, tên là Ðaniel đã đứng ra đọc vanh vách, rồi giải nghĩa phân minh. Quả thật, Thiên Chúa đã ban trí tuệ cho những kẻ khiêm nhường và bé mọn hiểu các mầu nhiệm của Người.
Chúa Yêsu đã ý thức rõ điều ấy, Người chắc chắn rằng chỉ những trẻ thơ ấu mới được Chúa Cha mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thế nên, trước khi kêu gọi chúng ta đến với Người để học biết Người, và nhận biết Người đến giải cứu chúng ta khỏi các gánh nặng tội lỗi, Người đã muốn tạo một bầu khí cầu nguyện và đạo đức. Người là như Zacarya khi muốn mạc khải con người đích thực của Cứu Chúa. Thái độ ấy cho phép chúng ta kết luận: phải sống trong bầu khí phụng vụ, phải ở trong cộng đoàn cầu nguyện, phải hiệp nhất với Hội Thánh mới đón nhận và hiểu được Thiên Chúa với đường lối cứu thế của Người. Không ra khỏi não trạng của thế gian, xác thịt, sẽ không sẵn sàng đón nhận mạc khải cứu sống của Chúa; sẽ không chấp nhận đường lối khó nghèo của Phúc Âm để được an thái trong tâm hồn.
Vậy làm thế nào để có tinh thần đơn sơ bé mọn? Bài thư Phaolô đã trả lời cho chúng ta.

C. Anh Em Hãy Sống Theo Thần Khí
Chúng ta hết thảy đều vất vả và gánh nặng. Không nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai chúng ta, để có cuộc sống đầy đủ và an vui cho bản thân và gia đình. Những gánh nặng đó sẽ trở nên nhẹ nhõm khi trong mình có sức mạnh và vui tươi. Nhưng khốn nỗi chính trong lãnh vực của tâm linh thường khi chúng ta cũng vất vả và nặng nề. Xác thịt đè nặng trong các ham muốn của tính dục. Nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần chúng ta. Và sức mạnh của con người cũ không chịu buông tha để chúng ta đi theo Chúa. Dùng tiếng của thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, chúng ta dường như còn mắc nợ xác thịt, nghĩa là còn sống theo nó nhiều quá. Và như vậy, chúng ta còn sống xa Thiên Chúa, chưa đi vào đường lối khó nghèo Người vạch ra và còn cảm thấy nặng nề chưa được giải thoát.
Hôm nay Chúa Yêsu gọi chúng ta đến với Người. Người muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Ðúng hơn Người muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác nhẹ nhàng thoải mái đến nỗi sẽ phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Người nói: Hãy mang lấy ách của Ta vào mình, hãy thụ giáo với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn.
Chúng ta có thể lấy làm lạ vì sao Chúa lại dùng tiếng "ách". Cựu Ước đã dùng tiếng đó để nói về Lề Luật. Chúa tiếp tục dùng theo nghĩa đó. Người công nhận Luật nào cũng có khi làm cho khó chịu. Hơn nữa đối với Chúa, Luật nào cũng chỉ làm khổ con người. Luật Dothái không đem lại giải thoát. Luật lương dân cũng vậy. Không phải bản chất lề luật là làm khổ người ta. Chính lề luật vẫn tốt. Nhưng con người đã thêm thắt vào lề luật. Họ áp dụng theo dục vọng, khiến cuối cùng luật tốt lành của Thiên Chúa đã bị lãng quên vì bộ mặt rườm rà của các truyền thống loài người.
Luật Dothái ở thời Chúa Yêsu là một thí dụ điển hình. Nội dung cốt yếu của nó là lòng nhân nghĩa trong giao ước; nhưng dần dần người ta không còn nhớ các bổn phận nhân nghĩa nữa mà chỉ còn thắc mắc về việc giữ lễ lạc. Vì thế Chúa Yêsu mới thấy người ta đang vất vả dưới ách lề luật. Người kêu gọi họ đến để Người cất ách nặng ấy đi cho và thay vào ách của Người tức là Luật mới của Người. Luật của Người có lòng hiền từ và khiêm nhường. Nói đúng hơn nữa, Người sẽ đổ Thánh Thần xuống trong lòng chúng ta để chúng ta có Luật mới của Người là tình mến.
Thế nên thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thánh Thần. Nếu có Thánh Thần ở trong mình thì tuy thân xác còn vất vả ở đời này vì tội lỗi, tâm hồn cũng đã được sinh động và hân hoan nhờ sự sống của Thần Khí. Và như Thần Khí đã khiến Ðức Kitô phục sinh thế nào, thì Người cũng làm cho chúng ta được phục hồi mạnh sức khi thân xác còn vất vả vì thân phận tội lỗi.
Chúng ta có thể nói lên kinh nghiệm về những lần có dồi dào tình mến ở trong lòng thì mọi vất vả bề ngoài trở nên nhẹ nhõm. Chúng ta hãy từ đó suy lên lời của Thánh Tông đồ và sẽ hiểu Lời Chúa khi kêu gọi chúng ta nhận lấy ách của Người để được nghỉ ngơi trong tâm hồn.
Giờ đây Chúa cũng đến với chúng ta trong Bí tích khó nghèo và khiêm cung. Tấm bánh nhỏ có là gì ở trước mắt thế gian. Nhưng đức tin nói đấy là Thần Khí Ðức Kitô đến với chúng ta, để khi ở trong tâm hồn, Chúa dạy chúng ta sống hiền lành và khiêm nhường như Người là Ðấng khó nghèo. Những ai cố gắng đi vào con đường đó sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thật sự ngay cả khi đang vất vả gánh nặng. Chúng ta hãy tin, hãy đến, hãy tham dự Bí tích khó nghèo, hãy nhận lấy Thần trí của Chúa; và Thần trí của Chúa sẽ giúp chúng ta sống.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm A
Bài đọcZec 9:9-10; Rom 8:9, 11-13; Mt 11:25-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống hiền hậu và khiêm nhường như Đức Kitô.
Khi so sánh tiêu chuẩn của Nước Trời với tiêu chuẩn của thế gian, chúng ta nhận ra những khác biệt quan trọng: tiêu chuẩn của Nước Trời thường đối nghịch với tiêu chuẩn của thế gian. Các bài đọc hôm nay chỉ cho ta thấy những khác biệt và lý do của chúng.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah (6 BC) tiên báo Đấng Thiên Sai sẽ vào Thành, không bằng những cỗ xe ngựa dành cho những vị vua chiến thắng khải hoàn; nhưng Ngài sẽ cỡi trên lưng một lừa con, vẫn còn theo sau một lừa mẹ. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu không được làm nô lệ cho tính ích kỷ của xác thịt; nếu không, họ sẽ chết. Các tín hữu đã được Đức Kitô giải thoát để sống theo Thánh Thần, nếu họ để cho Thánh Thần hướng dẫn, họ sẽ được sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải Mầu Nhiệm Nước Trời không được mặc khải cho những người khôn ngoan, thông thái; nhưng được mặc khải cho những người bé mọn (nêpios). Ngài mời gọi tất cả những ai đang cảm thấy những gánh nặng, mệt mòi, và chán chường của cuộc sống, hãy đến với Ngài và học hỏi hai nhân đức hiền hòa và khiêm nhường của Ngài, họ sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.
1.1/ Đấng Thiên Sai sẽ đến cách hiền lành và khiêm nhường: Trình thuật chúng ta đọc hôm nay được các học giả xếp loại thuộc về Zechariah thứ hay đệ nhị. Phần này ít nhấn mạnh tới việc xây dựng Đền Thờ sau khi lưu đày, nhưng tập trung trong việc loan báo triều đại của Đấng Thiên Sai sắp tới. Trong số 12 tiên tri nhỏ, Zechariah có lẽ là ngôn sứ cho chúng ta biết nhiều chi tiết nhất về cuộc đời của Đấng Thiên Sai.
Trình thuật hôm nay là một điển hình. Ông cho chúng ta thấy trước Ngày Đấng Thiên Sai long trọng vào thành Jerusalem. Đây là dấu chỉ để nhận ra Đấng Thiên Sai: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.” Khi thấy dấu hiệu này, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy vui sướng reo hò!” Biến cố long trọng vào thành Jerusalem của Chúa Giêsu hoàn thành lời tiên tri này (Mt 21:5-11; Jn 12:12-15).
1.2/ Đấng Thiên Sai sẽ cai trị cả hoàn cầu: Tuy hiền hòa và khiêm nhường như thế; nhưng Ngài sẽ chinh phục cả hoàn cầu và lên ngôi cai trị toàn cõi đất, chứ không phải chỉ cai trị dân tộc Israel mà thôi. Cách Ngài chinh phục và cách Ngài thống trị hoàn tòan khác biệt với cách của các hoàng đế của thế gian: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ephraim và chiến mã khỏi Jerusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”
2/ Bài đọc II: Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
Chương 8 của Thư Rôma phải được đọc chung với chương 6-7. Lý do là vì con người đã được Đức Kitô giải phóng để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, Lề Luật, và sự chết để sống theo Thần Khí. Nhiều người hiểu lầm thánh Phaolô là ngài quảng bá tư tưởng: con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô là được cứu độ và không cần làm gì cả. Trong chương 8, thánh Phaolô cắt nghĩa con người được Đức Kitô giải phóng khỏi phải làm nô lệ cho tính xác thịt, để được tự do sống theo Thần Khí.
2.1/ Sống theo tính xác thịt: là sống theo các cảm xúc của con người như sự tham lam của con mắt, sự ham muốn của trái tim, và mọi đam mê dục vọng. Người sống theo tính xác thịt chẳng khác chi loài cầm thú, vì chúng hành động theo bản năng tự nhiên; nhưng con người không được phép sống như thế, vì ngoài thân xác, Thiên Chúa còn ban cho con người có linh hồn, trí tuệ, và ý chí để điều khiển các quan năng của xác thịt. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em.” Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Kitô ngự trong các tín hữu để hướng dẫn và ban sức mạnh để các tín hữu có thể sống theo sự thật, những gì Đức Kitô dạy bảo: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.”
2.2/ Sống theo thần khí của Đức Kitô: Thánh Phaolô liệt kê ba lợi điểm của những người sống theo Thần Khí:
(1) Thần Khí làm cho con người được sống: Sống theo thần khí mới là sống thật, sống theo tính xác thịt là làm nô lệ cho tội lỗi và hậu quả là cái chết.
(2) Thần Khí làm cho con người được trở nên công chính: bằng tin và thực hành những gì Đức Kitô truyền dạy. Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người nên công chính.
(3) Thần Khí sẽ làm cho con người sống lại từ cõi chết: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
3/ Phúc Âm: Hãy học với Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
3.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:
- Giấu (krupto): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.
- Mặc khải (apo krupto) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
- Kẻ bé mọn (nêpios): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người muốn lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.
3.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là "epiginôskô," biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy từ bên trong.
3.3/ Xét mình trước tôn nhan Thiên Chúa: Mệt mỏi có thể là do lao động (thể xác) hay do sức ép của cuộc sống (tinh thần). Mệt mỏi thể xác có thể được phục hồi bằng việc nghỉ ngơi; mệt mỏi tinh thần phải được chữa trị bằng phương cách tâm linh. Chúa chỉ cho con người biết làm sao để tránh những mệt mỏi tinh thần này.
Tại sao chúng ta đã cố gắng hết sức mà vẫn không thành công? Có thể chúng ta đã không biết cách làm việc để đạt kết quả tốt đẹp? Có thể chúng ta lo lắng quá độ những gì không cần phải lo quá như vậy? Có thể chúng ta đang làm theo ý, theo cách, và theo đường hướng của chúng ta mà không phải là ý, cách, hay đường hướng của Thiên Chúa? Đức Kitô mời gọi chúng ta nhìn lại để học cách làm việc sao cho thành công hơn! Ngài muốn chúng ta quẳng đi những mối lo không cần thiết! Hay chú trọng đến những gì là quan trọng thay vì những cái quá nhỏ nhặt thiển cận!
3.4/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bát Phúc. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học nơi Đức Kitô cách lãnh đạo: không bằng cách phô trương quyền hành và danh vọng; nhưng bằng cách khiêm nhường phục vụ và yêu thương mọi người.
- Vì Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi làm nô lệ cho xác thịt và ban Thánh Thần, chúng ta phải luôn cố gắng để sống theo sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
- Chúng ta cần học nơi Đức Kitô hai nhân đức: hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành để luôn biết đối xử nhân hậu với tất cả mọi người. Khiêm nhường để nhận ra chỗ đứng hèn hạ của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


05/07/20 CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – A
Mt 11,25-30


HỌC VỚI GIÊ-SU
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Những ai muốn mở trường dạy học, những gia sư muốn có nhiều môn sinh đến “bái sư học đạo” phải “quảng cáo,” giới thiệu mình là những người có năng lực chuyên môn, có đủ bằng cấp, học hàm, học vị… Thầy Giê-su lại mời gọi mọi người đến học với mình theo cách khác, không phải vì Ngài thông thái, quyền năng mà vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường”. Hiền lành là phẩm chất của người sống tình yêu đối với tha nhân một cách trọn vẹn. Khiêm nhường là điều kiện thiết yếu để có thể lãnh nhận mặc khải Nước Trời. Ngài tuyên bố những ai tự coi mình là khôn ngoan thông thái lại là những người không thể nào lĩnh hội được mặc khải ấy. Như vậy, người ta chỉ có thể vào Nước Chúa bằng cách sống hiền lành và khiêm nhường như chính Ngài đã nêu gương cho chúng ta mà thôi.
Mời Bạn: Bài học căn bản cho đời sống người ki-tô hữu là “hiền lành” và “khiêm nhường”. Tuy nhiên, thực hành bài học đó lại không hề dễ dàng khi mà chúng ta bị cái tôi của mình chi phối. Cụ thể, khi gặp trái ý hay khi phải đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng đánh mất tư chất hiền lành và khiêm nhường vốn có nơi mỗi người chúng ta. Bạn hãy xét mình xem bạn có thực sự hiền lành và khiêm nhường như Lời Chúa dạy không?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm kiềm chế tính nóng nảy, không la mắng hay nặng lời cho dù gặp điều trái ý.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường đích thực trong tâm hồn để con can đảm thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

ÁCH CỦA TÔI ÊM ÁI (5.7.2020 – Chúa nhật 14 Thường niên, năm A)
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu. Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: “Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.


Suy nim:
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại
Gánh nặng phải mang vì người khác...
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh).
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc và được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG BẢY
Tính Tự Trị Của Các Vật Thụ Tạo
Mặc dù cách diễn tả của Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt giữa nguyên nhân đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được đặt ra bởi con người thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến mức nào? Đâu là vai trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng thế giới?
Theo đức tin Công Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan phòng của Ngài có thể hiện diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn có được một sự tự trị nào đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến mầu nhiệm này. Một đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể là chính chúng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực, tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế mà Thiên Chúa cai quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được sự tự trị nào đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).
Sự quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong “tính tự trị của các loài thụ tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của Thiên Chúa đều được thể hiện. Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy được nhận ra nơi mọi sự với đầy sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn chừa lại nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng và phát triển thế giới. Đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05-7
Chúa Nhật XIV thường niên
Dcr 9,9-10; Rm 8, 9.11-13; Mt 11, 25-30.

Lời suy niệm: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.”
Với đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Người biết rõ tâm hồn từng người một, những ai có tâm hồn khiêm nhường, đơn sơ đón nhận sứ điệp của Người; và những ai kiêu ngạo, tự cao với suy luận của mình không chấp nhận Tin Mừng của Người. Với những người đón nhận Người,  thì Người hứa sẽ dẫn đưa và cho họ hiểu biết rõ về Người và Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn trung thành đi theo Chúa. Vui sống với Tin Mừng. Để đức tin của chúng con ngày càng được trưởng thành.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân
Ngày 05-07: Thánh ANTÔN MARIA GIACARIA
Linh mục (1502 - 1539)

Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm, mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với người nghèo khổ, làm gương cho con.
Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường về học, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin cho con được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.
Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp phải cấp bằng tiến sĩ ưu hạng, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng đây lại là thời Luthênô nổi dậy. Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.
Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói: - Nào chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.
Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.
Năm 1528, lúc được 36 tuổi, Antôn được thụ phong linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu "người cha dân tộc". Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.
Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: - "Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác".
Ngài dạy họ phải quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm như vậy được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa, và nếu kinh nguyện chưa nên của ăn nuôi sống linh hồn. Các linh mục và cả hàng giáo sĩ đã bắt đầu. Chiều về anh em họp nhau lại để thú tội. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những việc nặng nhọc trong khi một số khác đi ăn xin cho người nghèo.
Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói: - Bạn sẽ được thấp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.
Năm 1530, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là "Dòng chị em các thiên thần".
Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín.
Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói:- Mẹ ơi ! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.
Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1593, linh mục trẻ 36 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.
(daminhvn.net)


05 Tháng Bảy
Con Người Tự Do
Ðại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Ðộ có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Khi còn trẻ, tôi cảm thấy tràn đầy năng lực... Một buổi sáng nọ, tôi ra khỏi nhà và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn". Thế là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến. Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại và nói với tôi: "Ta đưa ngươi vào cung hầu hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho ngươi quyền hành". Ngẫm nghĩ, không biết dùng quyền hành để làm gì, tôi đành lặng lẽ bỏ đi...
Tôi tiếp tục ra đi và hô lớn: "Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn". Chiều hôm đó, có một cụ già ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.
Tôi tiếp tục ra đi và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị với tôi: "Tôi thuê anh và bù lại, tôi sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi". Tôi cảm thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến vào bóng tối...
Khi tôi rời bỏ căn nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã người trên thảm cỏ và ngủ thiếp. Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi: "Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi không có gì để cho anh cả". Tôi đón nhận ngay giao kèo của cậu bé. Và chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát. Những người qua lại ngỏ ý muốn thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự cảm thấy mình là một con người tự do.
Không gì quý bằng độc lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một cách rất xác thực vào đời sống Ðức Tin của chúng ta... Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để làm cho chúng ta được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do khỏi danh vọng, tiền bạc và tất cả những gì ràng buộc con người...
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét