Trang

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

15-07-2020 : THỨ TƯ - TUẦN XV THƯỜNG NIÊN - THÁNH BÔNAVENTURA, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH - Lễ Nhớ


15/07/2020
 Thứ tư tuần 15 thường niên.
 Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
 Lễ nhớ


* Chào đời khoảng năm 1218 ở Ba-nho-rê-gi-ô, tỉnh Vitécbô, Bônaventura theo học triết lý rồi thần học ở Paris, sau đó dạy các tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn.
Khi được chọn làm tổng phục vụ, người đã chu toàn nhiệm vụ một cách khôn ngoan, đã soạn thảo hiến chương nhằm giúp anh em sống luật dòng thánh Phanxicô. Là một nhà thần học sâu sắc, theo trường phái thánh Augustinô, người nghiên cứu và giảng dạy lộ trình đưa linh hồn về với Thiên Chúa. Được đặt làm hồng y giám mục Anbanô.
Người qua đời năm 1274 giữa lúc Công Đồng Lyon đang họp.

BÀI ĐỌC I:    Is 10, 5-7. 13-16
“Cái cưa có thể tự cao tự đại đối với thợ cưa sao?”
Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa phán: “Khốn cho Assur, là cây roi cơn giận của Ta. Cây gậy trong tay nó là cơn thịnh nộ của Ta. Ta sẽ sai nó chống lại dân ngoại dối trá, và truyền lệnh cho nó đi chống lại dân chọc giận Ta, để nó cướp bóc, mang chiến lợi phẩm về chà đạp dưới chân như bùn ngoài đường phố. Nhưng chính nó không đồng quan điểm như vậy, và lòng nó không tưởng nghĩ như thế. Trái lại, lòng nó ưa thích phá hoại, và huỷ diệt nhiều dân tộc. Vì chưng, nó nói rằng: ‘Tôi đã dùng sức mạnh cánh tay tôi, và dùng sự khôn ngoan của tôi mà làm việc ấy, vì tôi thông minh. Tôi đã dời đổi biên giới các dân, đã cướp lấy kho tàng các vua quan, và như người hùng, tôi lật đổ truất phế các thủ lãnh. Tay tôi lấy của cải các dân như bắt tổ chim. Tôi vơ vét cả hoàn cầu như lượm các trứng rơi, không một ai đập cánh hoặc mở miệng kêu la’.
“Lẽ nào cái rìu lại khoe mình với kẻ cầm rìu sao? Lẽ nào cái cưa lại tự cao tự đại với thợ cưa sao? Lẽ nào cây roi có thể chống lại người cầm roi, và cây gậy có thể nâng tay người cầm gậy sao, vì nó chỉ là gỗ cây? Bởi đó Chúa tể là Thiên Chúa các đạo binh sẽ gửi sự điêu tàn đến giữa cảnh mầu mỡ của nó; và từ dưới cảnh vinh quang của nó, một ngọn lửa sẽ bốc cháy lên như ngọn lửa của một đám cháy”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 93, 5-6. 7-8. 9-10. 14-15
Đáp:  Chúa sẽ không loại trừ dân tộc của Chúa (c. 14a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, chúng chà đạp dân riêng Chúa, và làm khổ gia nghiệp của Ngài. Chúng bóp cổ khách kiều cư, người quả phụ, và chúng sát hại những kẻ mồ côi. – Đáp.
2) Chúng nói rằng: “Chúa không nhìn thấy, và Thiên Chúa nhà Giacóp cũng chẳng hay”. Đồ ngu xuẩn trong dân, các ngươi nên hiểu biết; lũ dại khờ, bao giờ các ngươi mới nhận ra? – Đáp.
3) Đấng làm ra tai, há chẳng biết nghe? Đấng nặn ra mắt, há không nhìn thấy? Đấng giáo dục chư dân, há không sửa lỗi? Đấng dạy bảo thiên hạ, há chẳng thông minh? – Đáp.
4) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Người. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 11, 25-27
“Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thưa rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Cần Trở Nên Bé Mọn
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: "Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn".
Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người.
Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo sự soi sáng của Thánh Thần để đến với Chúa và anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 15 TN2
Bài đọcIsa 10:5-7b, 13-16; Mt 11:25-27

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho người bé nhỏ khiêm nhường.
Càng giầu có, văn minh, tiến bộ bao nhiêu, con người càng sống xa Thiên Chúa bấy nhiêu. Triết gia hiện sinh F. Nietzsch tuyên bố: “Tôi đã giết Thiên Chúa.” Các ông tổ của thuyết cộng sản đã tuyên bố: “Tôn giáo chỉ là thuốc phiện làm mê ngủ con người.” Kể từ cuộc cách mạng Pháp đến nay, vì khoa học mang lại cho nhân loại nhiều thành quả: xe hơi, máy bay, vệ tinh, điện tín, điện thoại, máy vi tính… nhiều người chủ trương phải xét lại tất cả mọi lãnh vực, ngay cả lãnh vực niềm tin. Vì chủ trương như thế, nên nhiều người đã bỏ đạo; vì họ cho khoa học có thể cắt nghĩa tất cả các hiện tượng trong trời đất mà không cần nại đến sự hiện hữu của Thiên Chúa như người xưa thường tin.
Các bài đọc hôm nay muốn cho con người thấy chủ trương như thế chỉ là hoang tưởng, là đánh lừa chính mình. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn con người nhận ra chân lý: Thiên Chúa quan phòng mọi sự trong trời đất. Ngài có thể dùng Assyria như dùng một chiếc roi để đánh phạt con cái Israel. Sau khi đã hoàn thành mục đích Ngài có thể bẻ gãy cây roi bằng cách dùng thế lực của Babylon để tiêu diệt thế lực của Assyria, và cứ như thế. Tất cả chỉ là cái búa rìu trong tay thợ, và chiếc búa rìu làm sao hiểu được ý tưởng của người dùng nó? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa, nhưng với mục đích dạy dỗ các môn đệ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao?
1.1/ Assyria không hiểu sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Isaiah nhìn thấy trước những ngày mà Thiên Chúa sẽ dùng Assyria như dùng chiếc roi để sửa phạt con cái Israel, vì họ xa rời Thiên Chúa và không chịu tuân giữ những điều Ngài truyền dạy.
Assyria không hiểu ý định của Thiên Chúa. Họ nghĩ họ thắng được Israel và các quốc gia khác là do sức mạnh quân sự của họ. Vì thế, họ hãnh diện tuyên xưng thành quả đạt được: “Nhờ sức mạnh tay ta, ta đã hành động, và nhờ sự khôn ngoan của ta nữa, vì ta thông minh. Ta đã xoá bỏ ranh giới các dân tộc và chiếm đoạt những kho tàng của chúng. Như một đấng anh hùng, ta đã khuất phục dân cư.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria.
Ngôn sứ Isaiah cho thái độ kiêu ngạo của Assyria là hoang tưởng. Ông ví thái độ của Assyria như chiếc rìu trong tay người thợ, hay như chiếc cưa trong tay người cầm cưa. Ngôn sứ đặt câu hỏi cho họ: “Cái rìu lại lên mặt với kẻ cầm rìu mà chặt hay cái cưa tự đại với người kéo cưa sao? Như thể ngọn roi kéo được kẻ giơ nó lên, cây gậy nhấc được kẻ không phải là gỗ vậy!” Họ sẽ phải mở mắt để nhận ra họ chỉ là chiếc roi Thiên Chúa dùng để đánh phạt con cái Israel mà thôi.
Vì tội kiêu ngạo và ác độc, Thiên Chúa sẽ bẻ gãy cây roi Ngài đã dùng. Ngài sẽ dùng Babylon để tiêu diệt Assyria, Babylon sẽ như “một ngọn lửa sẽ bốc lên như ngọn lửa một đám cháy” để thiêu rụi Assyria. nhưng cả hai đều không hiểu ý định của Thiên Chúa. Vua quan Babylon nghĩ họ thắng Assyria được là do sức mạnh quân sự của họ.
2/ Phúc Âm: Tại sao những người bé nhỏ hiểu được mầu nhiệm Nước Trời?
2.1/ Thiên Chúa thích mặc khải cho những kẻ bé mọn: Có mấy từ chuyên môn chúng ta cần hiểu ở đây:
– Giấu (kru,ptw): có hai trường hợp: (1) Cất giấu đi để đừng ai nhìn thấy; ví dụ: giấu vàng trong ruộng. (2) Giấu kín để đừng ai khám phá ra; ví dụ: giấu tông tích hay những điều bí ẩn của mình. Chúa Giêsu muốn nói về trường hợp thứ hai này.
– Mặc khải (avpokalu,ptw) có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
– Kẻ bé mọn (nh,pioj): có thể chỉ một trẻ nhỏ hay những ai chưa tới tuổi thành niên như luật pháp ấn định (ví dụ, 18 tuổi).
(1) Thánh Phaolô so sánh tình trạng không trưởng thành của các tín hữu như trẻ thơ, họ nhìn những vấn đề thiêng liêng dưới con mắt của trẻ thơ. Họ vẫn còn bú sữa, chứ chưa thể lãnh nhận thức ăn dành cho người lớn, những người đã trưởng thành (te,leioj) (I Cor 3:1).
(2) Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sofo,j, suneto,j) với kẻ bé mọn (nh,pioj), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ. Khi con người lãnh nhận kiến thức về Thiên Chúa, họ phải có thái độ của trẻ: cái gì cũng là mới cả với các em.
2.2/ Kiến thức về Thiên Chúa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là “evpiginw,skw,” biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: Ai thấy Thầy là thấy Cha. Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa và không hoàn toàn vào sức mình.
– Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí; không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Không hiểu được một vấn đề không chỉ có nghĩa là điều ấy vô lý; mà còn có nghĩa là mình dốt không hiểu được điều ấy.
– Chúng ta không thể hiểu được Mầu nhiệm Nước Trời nếu Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, không mặc khải cho chúng ta. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

15/07/2020 – THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 11,25-27

BÉ MỌN TRƯỚC THIÊN CHÚA
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Người leo núi có những tâm trạng trái ngược nhau. Đứng ở dưới mặt đất bằng, tầm mắt người ta thật hạn hẹp; nhưng khi leo lên tới đỉnh núi, chưa kịp thoả mãn niềm tự hào vì chinh phục được đỉnh cao thì ngay lập tức lại thấy mình thật bé nhỏ và bị nhấn chìm trước quang cảnh đang trải rộng dưới chân. Có thể mượn tâm trạng đó để cảm nghiệm sự sâu thẳm vô biên của Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Có dám từ bỏ vị trí lè tè chật chội của cái tôi ích kỷ và đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống thánh thiện, lúc đó người ta mới thấy được sự nhỏ bé của mình và đồng thời cảm nhận được sự cao cả thánh thiện của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Bạn không nhất thiết phải là người mù chữ thất học mới có thể đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Trái lại, như người ta thường nói: “Càng học càng thấy mình dốt”, điều kiện ban đầu để đến với Thiên Chúa không phải là bằng cấp này, học vị kia mà là thái độ khiêm tốn. Chính nhờ nhận biết mình bé mọn bạn có thể sẵn sàng đón nhận mạc khải của Chúa. Và một khi đã bước vào thế giới của mầu nhiệm, bạn sẽ càng thấy mình bé mọn và càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn nữa.
Chia sẻ: những kinh nghiệm của bạn trên con đường tìm gặp Chúa: những thử thách bạn đã trải qua; những sự ngọt ngào Chúa đã cho bạn cảm nếm…
Sống Lời Chúa: Trước khi cầu nguyện, bạn có một cử chỉ diễn tả tâm tình khiêm tốn trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin hướng dẫn con theo chân lý của Người.
(5 Phút Lời Chúa)


Suy Niệm : Cha mặc khải

Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).
Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.
Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.
Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG BẢY
Con Người Tự Viết Nên Lịch Sử Của Chính Mình
Được ban cho trí khôn và linh hồn bất tử, con người bắt đầu hành trình của mình trong thế giới. Con người bắt đầu viết nên lịch sử của chính mình. Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – luôn luôn sát cánh với con người mọi nơi mọi lúc trong cuộc hành trình ấy. Cũng trong sách Huấn Ca, chúng ta đọc thấy: “Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Ngài, và không bao giờ giấu mắt Ngài được” (Hc 17,15).
Tác giả Thánh Vịnh cũng thốt lên cùng ý nghĩa này:
“Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con…
Hồn con đây Ngài biết rõ mười mươi;
xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì” (Tv139, 9-10.14-15).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15/7
Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Is 10, 5-7.13-16’ Mt 11, 25-27.

LỜI SUY NIỆM: “Vào lúc ấy. Đức Giêsu cất tiếng nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. ”
          Với lời nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” Khi nói điều này, Chúa Giêsu không có ý lên án năng lực trí thức của con người; những điều Người lên án chính là tính kiêu căng tự mãn với trí thức của con người.
            Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa cất tính kiêu ngạo ra khỏi tâm hồn và trí óc của chúng con; nhưng ban cho chúng con tâm hồn đơn sơ, khiêm nhượng, để chúng con biết mở rộng tâm trí đón nhận ơn ban của Chúa Thánh Thần. Để chúng con biết lắng nghe, hiểu biết Lời Chúa và đem ra thực hành trong ngày sống của chúng con.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 15-07: Thánh BÔNAVENTURA
Giám mục, tiến sĩ hội thánh.(1221 – 1274)

Sinh năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, thánh Bonaventura là con ông Giovanni di Fidanza và bà Ritella. Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa. Người mẹ vội ẵm Ngài tới gặp thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh. Sung sướng, người mẹ kêu lên: “Obuona Ventura” (Ôi biến cố phúc hậu). Từ đó Giovanni mang tên Bônaventura. Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.
Tới tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris, trung tâm ánh sáng thời đó. Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales nhận xét: – Anh giống như Adam chưa hề phạm tội.
Ngài kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô. Ngỡ ngàng về sự hiểu biết của bạn mình. Thomas hỏi Bonaventura xem Ngài đã học sách nào ? Bonaventura chỉ cây thánh giá trả lời: – Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi. Tôi học Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Năm 1257, Ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế Ngài phải đối diện rất là phức tạp. Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm. Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi Ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng. Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, Ngài đã ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng. Sau đó Ngài liên tiếp thăm viếng không biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này.
Chính Ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân. Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài. Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Au Châu, trước mặt vua Luy IX Đức giáo hoàng. Luôn luôn Ngài thu phục được cảm tình của thính giả.
Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi Ngài: – Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng. Còn chúng con, chúng con có thể làm gì được ?
Bonaventura trả lời: – Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.
Thầy dòng hỏi tiếp: – Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không ?
Thánh nhân trả lời: – Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.
Thày dòng vui vẻ la lớn: – Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.
Ngài còn tiếp: – Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.
Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy. Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và thánh kinh. Chúng ta có thể kể đến cuốn “chú giải luật dòng Phanxicô”, “hạnh tích thánh Phanxicô” nhất là cuốn “hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa”.
Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng: Đức giáo hoàng Grêgoriô X truyền cho thánh Thomas và thánh Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến đức giáo hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình.
Cùng với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng giám mục thành York mà Đức giáo hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương quyết và can đảm của Ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và Avéoes… Nhưng Đức giáo hoàng Grêgoriô X đã quyết định đặt Ngài làm hồng y cai quản giáo phận Albanô và truyền Ngài về Roma ngay.
Khi hai sứ thần mang mũ hồng y đến, Ngài còn đang rửa chén. Ngày 28 tháng 5 năm 1273 Ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của đức giáo hoàng. Phần đóng góp của Ngài vào sự hợp nhất Giáo hội Hy lạp và Roma tại công đồng Lyon thật lớn lao.
Nhưng khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274. Đức Sixtô IV phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1482 và đức Sixtô V đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1858. Người ta gọi Ngài là “Tiến sĩ sốt mến”.
(daminhvn.net)


15 Tháng Bảy
Dây Chuyền Của Liên Ðới
Một người Ả Rập nọ có một con ngựa rất đẹp… Ai thấy cũng gợi lòng tham muốn. Một người láng giềng tìm đủ mọi cách để mua cho kỳ được con ngựa, nhưng chủ nhân vẫn một mực từ chối. Không còn biết làm cách nào để thuyết phục chủ nhân, người đó đành phải nghĩ ra mưu kế để chiếm đoạt.
Biết người chủ ngựa thường hay đi qua sa mạc, hắn mới cải trang thành một người hành khất nằm rét run bên vệ đường. Người chủ ngựa là một người tốt bụng, gặp bất cứ ai hoạn nạn cũng đều ra tay cứu giúp. Vừa thấy người hành khất, người đó cảm thấy thương hại, mới đề nghị trở về một quán trọ để săn sóc.
Khi người chủ ngựa vừa mở miệng đề nghị, thì tên bất nhân mới than thở: “Ðã mấy ngày nay, tôi không có được một hạt cơm trong bụng, lấy sức đâu để leo lên ngựa”. Nghe thế, con người tốt bụng xuống ngựa để giúp người hành khất leo lên lưng ngựa. Nhưng vừa leo lên lưng ngựa, tên bất lương hiện nguyên hình… Hắn giựt dây cương và thúc vào hông ngựa mà chạy… Người chủ ngựa đáng thương chỉ còn biết nhìn theo mà hối tiếc! Nhưng ông cũng cố gắng chạy theo và nói với tên bất lương như sau: “Ngươi đã ăn cắp con ngựa của ta. Nhưng ta sẵn sàng bỏ qua cho. Ta chỉ xin ngươi một điều là đừng bao giờ kể cho bất cứ ai nghe mưu mẹo ngươi đã dùng để cưỡng chiếm con ngựa của ta. Một ngày nào đó, sẽ có những người bệnh thật sự nằm rên rỉ bên vệ đường và kêu cầu sự giúp đỡ. Ta e ngại rằng sẽ không còn ai dám dừng lại để cứu giúp kẻ hoạn nạn nữa”.
Dè dặt, thủ thế, nghi kỵ có lẽ là thái độ thường tình của tất cả những ai đang sống dưới chế độ độc tài. Lừa lọc, phản bội, tố cáo lẫn nhau đã khiến cho lòng người mỗi ngày một thêm khép kín… Sợi dây chuyền của khép kín mỗi lúc một dài ra và quấn lấy con người.
Mỗi một hành động xấu, trong dây chuyền của tình liên đới, đều gia tăng đau khổ cho người khác. Khi tôi lừa đảo, không những hành động của tôi chỉ trực tiếp hãm hại một vài người có liên hệ, nhưng nó cũng góp phần giảm thiểu niềm tin của không biết bao nhiêu người xung quanh. Khi tôi bạo động, không những tôi chỉ xúc phạm đến người trong cuộc, nhưng hành động của tôi cũng xóa mờ đi phần nào lòng tự ái của nhân loại… Tôi là một phần của nhân loại. Cả nhân loại sẽ đau đớn rên rỉ vì một vết thương của tôi cũng như vì một nhát gươm của tôi.
Người Kitô luôn được mời gọi để nhìn nhận hình ảnh của Chúa nơi mọi người và đón nhận mọi người như anh em của mình. Trong cái nhìn ấy, cuộc sống của chúng ta phải luôn hướng đến người anh em của chúng ta: niềm đau của người anh em cũng chính là niềm đau của chúng ta, hạnh phúc của người anh em cũng chính là hạnh phúc của chúng ta.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét