Thứ Tư
Ngày 06/03/2013
Thứ Tư
Tuần III Mùa Chay Năm C
BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 1. 5-9
"Các ngươi hãy
tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môi-sen nói với dân chúng rằng: "Hỡi
Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải
thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa
cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa
là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của
Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu;
các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của
các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ
nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt'. Không một
dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng
ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào
khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt
các ngươi hôm nay không?
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình.
Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các
ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy". Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 147, 12-13. 15-16.
19-20
Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen
Chúa (c. 12a).
1)
Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi
Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái
ngươi trong thành nội. - Đáp.
2)
Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.
Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi
trắng. - Đáp.
3)
Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người
cho Israel .
Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các
huấn lệnh của Người. - Đáp.
CÂU XƯỚNG
TRƯỚC PHÚC ÂM: Xh 33, 11
Chúa
phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và
được sống".
PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19
"Ai giữ và dạy
người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không
đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có
qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi
sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và
dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại,
ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước
Trời". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Luật Vĩnh Viễn
Có một tín hữu nọ đi tới một quán ăn, anh biết
quán ăn có nhiều món cá lạ, nhưng là ngày thứ sáu buộc phải kiêng thịt mà trong
lòng thì lại thích ăn thịt. Vì thế, trước hết anh gọi những món cá mà anh biết
chắc chắn chẳng bao giờ có, anh nói: "Cho tôi dĩa cá sấu; cho tôi dĩa cá
voi..." Chủ quán trả lời: "Không có. Không có". Thế rồi anh ta
tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đó là con đã gọi
nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi, con đành phải gọi một tô phở bò tái mà ăn trong
ngày thứ sáu kiêng thịt vậy". Cầu nguyện xong, anh thi hành liền, anh tự
tạo ra những lý do, những hoàn cảnh để khỏi phải bị lỗi luật Chúa.
Anh
chị em thân mến!
Nếu không có lòng mến Chúa thật thì con người
sẽ tạo ra trăm phương nghìn cách để an ủi mình và chuẩn cho mình khỏi phải tuân
giữ luật Chúa, giải thích Lời Chúa theo sở thích riêng tư. Bài Tin Mừng hôm nay
nhắc nhở chúng ta hãy sống trung thành với Luật Chúa cho đến cùng.
Vào thời Chúa Giêsu, các giới lãnh đạo tôn
giáo dân Do thái là những người biệt phái, những người Pharisiêu. Họ là những
kẻ muốn bảo tồn luật Chúa trong lời dạy của Môisê và các tiên tri. Nhưng những
thay đổi trong lịch sử đặt ra những vấn nạn mới và thôi thúc họ phải giải thích
áp dụng luật Chúa vào hoàn cảnh mới. Tinh thần ham danh lợi, vụ hình thức đã
làm cho họ lạc đường, đến nỗi bị Chúa Giêsu quở trách là những kẻ giả hình
giống như những cái mả tô vôi. Họ hăng say buộc kẻ khác tuân giữ những truyền
thống của con người, của tiền nhân để lại mà bỏ quên luật Chúa.
Khi giải thích lại những lời dạy của Môisê và
các tiên tri, Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ là Ngài không đến để hủy bỏ lề luật,
nhưng là để kiện toàn lề luật. Cần tuân giữ luật Chúa với tinh thần mới, tinh
thần của chính Ngài trao ban cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã kêu gọi bằng một sự
nghiêm chỉnh dấn thân của mọi đồ đệ để sống trọn vẹn sứ điệp của Ngài: "Ai
hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy sẽ
là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời".
Qua mọi thời đại, Giáo Hội không ngừng kêu gọi
những con cái mình kiểm điểm lại đời sống mình để canh tân nếp sống mỗi ngày
một tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy lắng nghe những lời sau đây của Ðức cố Hồng Y
Phanxicô Xaviê nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng":
Ngôi Lời đã nhập thể và Ðức Chúa Cha đã phán:
"Ðây là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời
Ngài". Ngài là sự sống, con chỉ sống bằng tinh thần của Người. Người là sự
thật, con chỉ tìm lời dạy của Người. Người là đường, con chỉ bước theo chân
Người.
Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý
lịch, có thứ công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận
những phần Công giáo trăm phần trăm, hạng công giáo vô điều kiện, đó là họ đã
bỏ mọi sự mà theo Ngài.
Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu,
nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy
nhiên, đừng vì thế mà phơi bày những khuyết điểm và gương xấu cho mọi người,
cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu để Chúa làm phép lạ mỗi ngày.
Lời Chúa không bao giờ qua đi, Hội thánh Chúa
sẽ vượt qua mọi thử thách, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhất quyết sống
trung thành đến cùng với ơn gọi Kitô hữu của mình.
Lạy Chúa, trong những
ngày canh tân đời sống của Mùa Chay, xin Chúa thương ban cho con một ý chí mạnh
mẽ, một niềm tin xác tín sâu xa và nhất là xin Chúa ban cho con ơn gọi Chúa
ban. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Tư Tuần III MC
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lề Luật
của Thiên Chúa bảo vệ đời sống con người.
Con người khó chịu khi phải tuân giữ luật lệ,
vì nó ngăn cản không cho con người làm những gì họ muốn làm. Họ coi luật lệ như
là một chướng ngại, giới hạn tự do của con người. Nhưng luật lệ tốt lành được
làm ra là để bảo vệ con người: chính đương sự, môi trường sống, và những người
chung quanh. Lề Luật được ví như hàng rào giữ con người khỏi bước ra ngòai phạm
vi giới hạn; vì nếu bất tuân bước ra ngòai, con người sẽ phải lãnh nhận thiệt
hại và ngay cả cái chết.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những lợi ích
của Lề Luật trong cuộc sống con người. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật xác
tín Lề Luật là kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa, vì nó giúp con người đạt mọi
điều tốt lành và tránh được mọi điều nguy hiểm. Trong Phúc Âm, nhiều người nghĩ
Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses và các ngôn sứ; nhưng
Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để kiện tòan Lề Luật.”
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phải học biết và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa.
1.1/
Lề Luật là kho tàng vô giá vì phát xuất từ Thiên Chúa: Người Do-thái hết sức
hãnh diện về Lề Luật, và họ có lý do để làm như thế: vì nó phát xuất từ Thiên
Chúa. Có ai hiểu biết sản phẩm hơn người làm ra nó? Thiên Chúa không những tạo
dựng nên con người, mà còn tất cả môi trường sống chung quanh con người. Ngài
biết con người tưởng nghĩ gì, thích muốn gì, và thích làm gì. Ngài biết điều gì
tốt cũng như điều xấu cho con người, con người không biết như vậy nếu không
chịu học hỏi. Vì thế, Ngài ban cho con người Lề Luật để con người thi hành để
đạt được điều tốt và tránh điều xấu. Còn ai là người khôn ngoan hơn, xứng đáng
hơn, để ban hành những Lề Luật này cho con người hơn Thiên Chúa? Đó là lý do
Ông Moses hỏi dân: “Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định
công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”
1.2/
Thi hành Lề Luật bảo đảm mọi kết quả tốt đẹp cho cuộc sống: Lề Luật Thiên Chúa
ban ra là để thi hành, chứ không phải chỉ để đóng khung tôn kính. Ông Moses
truyền cho dân: “Hỡi Israel ,
hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra
thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức
Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em.”
Vi
phạm Lề Luật hay không chịu thi hành là sẽ phải chấp nhận mọi thiệt hại và ngay
cả cái chết. Ông Moses cũng cảnh cáo dân: “Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận
giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho
những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em
biết.”
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật.
2.1/
Người Do-thái tưởng Chúa Giêsu đến bãi bỏ Lề Luật: Các cuộc tranh luận
của Chúa Giêsu và người Do-thái thường xoay quanh các vấn đề của Lề Luật: thanh
tẩy, giữ ngày Sabbath, ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
Nhiều người trong họ nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật và dạy dân chúng
khinh thường Lề Luật. Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, Chúa Giêsu muốn giúp
họ sửa sai những quan niệm và áp dụng của họ về Lề Luật:
-
Người phân biệt giữa Lề Luật của Thiên Chúa và của con người: “Các ông khéo lấy Lề
Luật của các ông để vô hiệu hóa các giới răn của Thiên Chúa.” Ví dụ: Giới luật
thứ bốn trong Thập Giới truyền phải thảo hiếu cha mẹ bằng cách phải phụng dưỡng
các ngài. Các kinh-sư và biệt-phái dạy: "Người nào nói với cha với mẹ
rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là "coban" nghĩa là lễ phẩm
đã dâng cho Chúa" rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha
mẹ nữa” (Mk 7:11-12). Con người có bổn phận phải giữ các Luật của Thiên Chúa;
họ có thể từ chối không giữ luật của con người nếu những luật này ngược lại với
những gì Thiên Chúa dạy.
-
Người phân biệt giữa tinh thần của Lề Luật và cách áp dụng Lề Luật: “Lề Luật làm ra vì
con người chứ không phải con người cho Lề Luật” (Mk 2:27). Ví dụ: Ngày Sabbath
làm ra vì con người; vì thế, chữa bệnh trong ngày Sabbath là điều được phép
làm. Chính các kinh-sư và biệt-phái cũng làm như thế, khi họ kéo các con vật
của họ rơi vào hố trong ngày đó; thế mà họ lại khó chịu khi thấy Chúa Giêsu
chữa bệnh trong ngày Sabbath (Mt 12:1-12).
-
Để chứng minh sự hiểu biết sai của họ về Luật thanh tẩy, Người phân biệt cái
nhơ bẩn bên ngòai và sự ô uế trong tâm hồn: "Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong
con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào
lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?" Như vậy là Người
tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. "Cái gì từ trong con người xuất ra,
cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất
những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác,
xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều
xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mk
7:18-23).
2.2/
Chúa Giêsu đến để kiện tòan Lề Luật: Để sửa sai quan niệm của họ về Ngài, Chúa
Giêsu tuyên bố rõ ràng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses
hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết
trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Chúa
Giêsu làm gì để kiện tòan Lề Luật? Chương 5 của Matthew chứa đầy những giáo lý
tòan hảo của Chúa Giêsu trên Lề Luật; ví dụ:
-
Khi Ngài dạy phải thanh sạch ngay từ trong tâm hồn: "Anh em đã nghe
Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn
người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt
5:27-28).
-
Khi Ngài dạy các môn đệ phải yêu thương kẻ thù: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu
thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng
chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có
làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh
em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt
5:46-48).
-
Khi Ngài dạy bán hết gia tài và phân phát cho người nghèo khó: "Nếu anh muốn
nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ
được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19:21).
-
Khi Ngài cầu xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một như Cha Ngài và Ngài là
một: “Con
ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian
sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”
(Jn 17:23).
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lề Luật của Thiên Chúa ban là cho sự thiện hảo của con người. Chúng ta phải
biết quí trọng và mang ra thực hành trong cuộc sống để đạt lợi ích cho cá nhân,
gia đình, và xã hội.
-
Làm theo những gì Chúa Giêsu dạy là tiến trình nên trọn lành và tránh các tội.
Không một thần minh hay con người nào trong vũ trụ này dạy chúng ta cách tốt
đẹp hơn Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Mt 5, 17 - 19
1 Ghi nhớ: Thầy đến không phải là để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn.
2 Suy niệm: Người ta chỉ trở nên khôn khi biết giữ vẹn tròn những khuôn phép, biết hành xử chừng mực. Mà chừng mực đó từ đâu mà có? Có thể do con người đặt ra, nhưng dầu cho con người lập ra đi nữa cũng phải lấy Thiên Chúa làm chuẩn, bởi vi chỉ có Chúa mới là chân lý, là sự hoàn hảo như Chúa Giêsu đã có lần nói: anh em hãy trở nên hoàn hảo như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn hảo.
Đã là hoàn hảo thì không thể làm gì để có thể tốt hơn được nữa.
Luật của Chúa chính là Lời của Thiên Chúa được ban cho con người mỗi ngày một rõ ràng hơn qua các ngôn sứ và kết hoàn tất nơi Đức Kitô Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa, để con người noi theo đó mà trở nên hoàn thiện. Ai không theo chuẩn mực này, tự ý sửa đổi thì không thể đạt đến mức hoàn hảo.
3 Sống Lời Chúa: Điều giả dối, con chê con ghét, Luật pháp Ngài, những mến cùng yêu.
4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, "xin mở mắt cho con nhìn thấy, luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao" Và cũng xin cho con luôn nhớ rằng " Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời"
06/00/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC – C
Mt 5,17-19
Mt 5,17-19
KIỆN TOÀN
CHỨ KHÔNG PHÁ BỎ
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để
bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là
để kiện toàn.” (Mt 5,17)
Suy niệm: Có
vẻ như Đức Giêsu là người coi thường luật lệ Do Thái: nào là không giữ luật rửa
tay, nào là chữa bệnh trong ngày Sabát… Thế mà ở đây, Ngài lại cho rằng mình
không phá bỏ, nhưng lại hoàn thành lề luật!
Thật
ra, Ngài lên án cách giữ luật theo hình thức và phá bỏ những luật lệ mà các
thầy rabbi bày vẽ và áp đặt trên người khác một cách vô nhân đạo.
Hơn
nữa, Ngài làm cho lề luật có được ý nghĩa trọn vẹn. Thiên Chúa là Đấng ngự nơi
bí ẩn, thấu suốt mọi bí ẩn, do đó, nên việc giữ luật chỉ có giá trị khi đạt
được điều quan trọng nhất: đó là “công bình, nhân nghĩa và thành tín” (Mt
23,23).
Mời Bạn:
Đừng tuân giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời, 6 điều răn Hội thánh và tất cả các
luật lệ như một nô lệ, như một cái máy, nghĩa là vì áp lực từ bên ngoài, một áp
lực do Hội thánh, do đoàn thể, do xã hội hoặc do dư luận, lời khen tiếng chê
của người chung quanh. Bạn hãy giữ luật với cả tâm hồn, với lòng yêu mến và với
niềm tin tưởng rằng luật sẽ đưa ta đến hạnh phúc thật sự.
Sống Lời Chúa:
Trong các luật lệ của Hội thánh, của đoàn thể, khoản nào tôi hay sai lỗi hoặc
coi thường hơn cả? Tôi có phương cách nào để khắc phục?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường có dị ứng với mọi thứ luật lệ nào
chúng con không ưa thích. Xin cho chúng con biết nhận ra mục đích của luật lệ
trong đời sống và vui vẻ tự nguyện tuân giữ. Xin cho lề luật không chỉ được in
nơi sách vở, nhưng cũng được in đậm nét nơi tâm hồn chúng con.
Kiện toàn
Suy niệmVào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do-thái thuộc Hội Đường
thường chỉ trích các người Do-thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô, coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do-thái giáo. Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này. “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17). Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo, bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn, do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài. Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa. Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.
Có một dòng chảy liên tục
trong khoa sư phạm của Thiên Chúa. Ngài huấn
luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử. Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của
Thiên Chúa. Đức Giêsu không phá những công
trình đi trước, ngài kiện toàn. Lời giáo huấn
của ngài vừa liên tục với, vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng, khi ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người, mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt
5, 22). Vượt qua về chiều sâu, khi ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong
(cc. 27-28), khi ngài đưa ra những đòi hỏi tận
căn trước đây chưa hề có về việc chẳng những
không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48). Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha
(c. 45).
Đức Giêsu mời chúng
ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được ngài kiện toàn. Luật ấy là lời giáo huấn của ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ
con. Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám
vào mặt chữ, ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và
tha nhân. Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé
của các điều răn chỉ vì yêu, và “dạy người ta
mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20), đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.
Lời nguyện:Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự : tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn
Nguyễn Cao Siêu, S.J.
“Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người
cao cả trong Nước Trời”.
Trung
tín giữ điều nhỏ nhất“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải làđể bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (Mt. 5, 17-18)
Ý Thiên Chúa và sách thánh đã viết ra đều phải được kiện toàn. Cho nên Đức Giê-su nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”. Điều mới Đức Giê-su thực hiện, không hoàn toàn khác biệt, mà là kiện toàn luật đã có. Lề luật và lời các tiên tri viết về mặc khải của Thiên Chúa, không phải đã hoàn tất. Ý Thiên Chúa tỏ ra qua lề luật và lời tiên tri được bày tỏ dần dần cho đến thời Đức Giê-su ngự đến.
Lề luật và lời các tiên tri có một ý nghĩa mới nhờ mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su đã tuyên bố chắc chắn về những mặc khải cuối cùng của Thiên Chúa, Người đã kiện toàn mặc khải cho chúng ta từ nay cho tới mãi mãi. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép quay lại quá khứ do loài người đặt ra như Mô-sê cho phép rẫy vợ, như cấm chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Sự kiện toàn này của Đức Giê-su không cho phép chỉ làm những điều luật đã viết trước đó.
Luật tiếp tục tồn tại, nhưng được kiện toàn những gì luật còn thiếu sót cho đến khi Đức Giê-su kiện toàn lần chót. Sự kiện toàn bắt đầu mặc khải từ khi Chúa Giê-su giảng dạy vì Người là lời Thiên Chúa. Đức Giê-su không phải chỉ kiện toàn lề luật bằng lời dạy, mà còn bằng chính bản thân Người, bằng chính đời sống Người, bằng chính sự nhập thể và cuộc đời tại thế của Người.
Chúng ta phải giữ những điều răn nhỏ mọn nhất với quyết tâm cam kết toàn diện con người chúng ta, với tình yêu mến hảo hạng. Như vậy mới giải thoát chúng ta khỏi mọi kiêu căng của lòng trí, khỏi thứ trí thức tôn giáo hay khỏi cái lối thuần túy giữ “đạo tại tâm”, bỏ lơ, trễ nải với lối sống giữ đạo khiêm tốn hiện tại thường ngày.
Chúng ta biết quan tâm giữ cặn kẽ những điều nhỏ mọn, thì chúng ta được đánh giá để xếp hạng trong nước trời, không phải chúng ta được đánh giá theo ý tưởng, hay theo khuynh hướng bản thân, theo tính tình mỗi người … mà theo toàn bộ, toàn bộ trao phó cho chúng ta tất cả những điều nhỏ nhất, tất cả đều quan trọng đối với nước trời.
J.M
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
6 THÁNG BA
Cha Mừng Đón Tội Nhân Về Nhà
Muợn lời Thánh
Phao-lô trong Thư 2 Cô-rinh-tô, Giáo Hội nói với chúng ta: “Phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều
do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với
Ngài, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr 5,17-18).
Trong ánh sáng của
những lời đó, chúng ta nhận hiểu sứ điệp của dụ ngôn Người Con Đi Hoang. Thiên
Chúa, Đấng hòa giải chúng ta với chính Ngài trong Đức Kitô, tự biểu hiện qua dụ
ngôn này trong hình ảnh người cha. Ngài niềm nở tiếp đón con mình khi anh ta
trở về nhà và kêu lên: “Con đã lỗi phạm … Con không đáng được gọi là con của
cha nữa” (Lc 15,21).
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-3
Đnl 4, 1. 5-9; Mt 5, 17-19
LỜI SUY NIỆM: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em
không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào
Nước Trời” (Mt 5,20).
Các kinh sư và người Pharisêu họ quan niệm về công chính là thi
hành mọi đòi hỏi của Luật, và khi tuân giữ đúng Luật là xem như đã chu toàn bổn
phận; và khi ấy Luật không có quyền gì trên họ nữa. Nhưng đối với Chúa Giêsu,
Ngài đòi hỏi nơi người Ki-tô hữu sống là: yêu thương và tha thứ; khiêm tốn đón
nhận sự tha thứ của tất cả mọi người. Luôn chứng tỏ lòng biết ơn tình yêu của
Thiên Chúa. Chỉ có sống cho tình yêu và vì tình yêu mới không giới hạn con
người chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
06 Tháng Ba
Những
Tác Phẩm Ðể Ðời
Nguyện đường
Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức
Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi
các vị Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp
quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo
tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của
Michelangelo.
Bất cứ du khách
nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được
vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía
dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm
tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo
đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.
Nhà danh họa của
chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không
biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức
Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: "Michelangelo, chừng nào ông
mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại:
"Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn:
"Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa
thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức
Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...".
Có những bản nhạc, có
những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ.
Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt
tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ
dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.
Danh họa và điêu khắc
gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để
lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng
Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao
giờ mai một với thời gian.
Tuy nhiên, cái bất hủ
nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một
cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết
của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền
tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.
Thiên Chúa không tạo
dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế
danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như
một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa.
Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và
nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 6-3
Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi
(c. 1240)
S
|
Là con cháu của một dòng dõi quý tộc, có lần Sylvester bán gạch và đá cho Thánh Phanxicô để ngài xây dựng lại ngôi thánh đường. Và sau đó không lâu, khi Sylvester trông thấy Thánh Phanxicô và Bernard ở Quintavalle phân phát tài sản của Bernard cho người nghèo, Sylvester than phiền rằng ông không được trả xứng đáng với số gạch mà ông đã bán, và ông đòi hỏi xin thêm.
Mặc dù Thánh Phanxicô biết ơn và trao thêm cho Sylvester một số tiền, nhưng không bao lâu ông tràn ngập mặc cảm tội lỗi vì số tiền ấy. Ông bán hết tất cả tài sản, bắt đầu cuộc đời sám hối và đi theo Thánh Phanxicô. Sylvester trở nên một người thánh thiện và siêng năng cầu nguyện, và là một người được Thánh Phanxicô quý mến -- một bạn đồng hành, và là người mà có lần Thánh Phanxicô đã hỏi ý kiến. Chính Sylvester và Thánh Clara đã trả lời Thánh Phanxicô rằng ngài phải phục vụ Thiên Chúa bằng cách đi rao giảng hơn là tận hiến trong sự cầu nguyện.
Có lần trong thành phố kia là nơi cuộc nội chiến đang bùng nổ, Sylvester được Thánh Phanxicô ra lệnh đến xua đuổi ma quỷ. Ở cổng thành, Sylvester lớn tiếng kêu: "Nhân danh Thiên Chúa toàn năng và qua đức vâng lời tôi tớ Chúa là Phanxicô, tất cả ma quỷ phải ra khỏi đây." Ma quỷ đã ra khỏi thành và sự bình an trở lại với thành phố.
Sau cái chết của Thánh Phanxicô, Sylvester đã sống thêm 14 năm nữa và ngài được chôn cất gần thánh nhân trong Thánh Ðường Thánh Phanxicô ở
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét