Thứ Sáu Ngày 08/03/2013
Tuần III Mùa Chay Năm C
Mc 12,28-34 |
BÀI ĐỌC I: Hs 14, 2-10
"Chúng tôi sẽ
không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm
ra".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Chúa phán: Hỡi Israel , hãy trở về với Chúa là
Thiên Chúa ngươi, vì ngươi đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang
lấy lời Chúa và trở về với Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: "Xin hãy xoá bỏ
mọi tội ác, và nhận điều lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ
không giải thoát chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói
rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ
mồ côi tìm được sự thương xót".
Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu
thương họ, vì Ta đã nguôi giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và
đâm rễ như chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như
cây ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi
núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ
được lừng danh như rượu Liban.
Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi
không? Chính Ta sẽ nhậm lời và săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương
nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi sẽ sinh hoa kết quả.
Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này,
ai là người sáng suốt biết được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là
đường ngay thẳng và những người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác
sẽ gục ngã trên đó". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 80, 6c-8a. 8bc-9.
10-11ab. 14 và 17
Đáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của
ngươi, hãy nghe Ta răn bảo (x. c. 11 và 9a).
1)
Tôi đã nghe lời nói mới lạ rằng: Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang gánh nặng, tay
ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân ngươi cầu cứu, và
Ta giải thoát ngươi. - Đáp.
2)
Ta đáp lời ngươi từ trong áng mây vang ran sấm sét, Ta thử thách ngươi gần suối
nước Mêriba. Hỡi dân tộc Ta, hãy nghe Ta răn bảo, Israel , ước chi ngươi biết nghe lời
Ta! - Đáp.
3)
Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể
ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi
Ai-cập. - Đáp.
4)
Phải chi dân của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối Ta mà ăn
ở: Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc đá
chảy ra. - Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:
Phúc
cho những ai thành tâm thiện chí giữ lấy lời Chúa, và nhẫn nại sinh hoa kết
quả.
PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34
"Thiên Chúa của
ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến
Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng
nhất?"
Chúa
Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: 'Hỡi Israel , hãy nghe đây: Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi'. Còn đây là giới răn thứ
hai: 'Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi'. Không có giới răn nào
trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm!
Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người, chẳng có
Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha
nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước
Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Đó là
lời Chúa.
SUY NIỆM : Hãy Yêu Mến
Thiên Chúa
Cha thánh Gioan Maria
Vianey thiết tha yêu mến Chúa và các linh hồn. Ðã mấy chục năm liền, ngài giam
mình trong tòa giải tội mỗi ngày mười tám tiếng đồng hồ để đưa các tội nhân trở
về với Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng nỗi bận tâm về
cảnh nghèo túng cơ cực của các tín hữu. Chính ngài đã lập nên các cô nhi viện,
các lớp mẫu giáo và sẵn sàng cho người nghèo tất cả những gì ngài có và khi
ngài kiếm được.
Sau khi ngài qua đời,
tòa án giáo phận điều tra về thành tích của ngài để lập hồ sơ xin phong thánh,
thì có một cụ già quê mùa, nghèo khó đến làm chứng như sau: Hồi ấy trời đã tối,
tôi thấy cha Gioan M. Vianey đi giúp tuần đại phúc ở một xứ nọ về, giữa đường
vắng chỉ có tôi với ngài. Vừa gặp tôi, ngài liền lên tiếng chào chúc vui vẻ như
sau: "Chào ông. Bấy lâu nay công việc làm ăn ra sao? Mạnh giỏi thế nào? -
Dạ cám ơn cha, con cũng thường thôi. Nhưng chẳng giấu gì cha, con túng thiếu
quá, mất mùa liên tiếp ba vụ liền. Cha Vieney trả lời: "Tội nghiệp. Tôi
thương ông và các cháu lắm. Chúng nó rất ngoan". Vừa nói, ngài vừa xỏ tay
vào túi áo, lục soát khắp cùng mà chẳng tìm được một xu nào. Nhìn trước nhìn
sau, ngài ghé vào tai tôi và nói nhỏ: "Ông chịu khó đợi một chút
nhé".
Tôi vâng lời đứng đợi,
cha rón rén đi ra một lùm cây, mấy phút sau ngài trở lại trao tận tay tôi một
vật và nói: "Tôi không còn gì khác, ông vui lòng cầm lấy cái này và đem
bán mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, lần sau nếu có gì, tôi sẽ giúp
thêm". Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động thì cha đã bỏ đi xa rồi.
Anh
chị em thân mến!
Hằng ngày chúng ta đã bỏ qua bao nhiêu dịp
thuận tiện để sống tình thương bác ái, đã ngoảnh mặt làm ngơ trước những nài nỉ
xin giúp đỡ của anh chị em xung quanh. Là người Kitô hữu, chúng ta biết rõ nằm
lòng Lời Chúa dạy "Yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính
Chúa đã làm gương". Nhưng chỉ biết mà thôi thì chưa đủ, cần phải thực hành
Lời Chúa dạy thì mới vào được nước Ngài.
Vì vậy, nhận biết lề luật yêu thương của Chúa
đã là bước đầu cần thiết để tiến vào nước trời. Vị luật sĩ trong đoạn Tin Mừng
hôm nay đã được Chúa Giêsu khuyên ông là ông không còn xa nước Thiên Chúa bao
nhiêu, vì ông đã nhận biết, đã thuộc lòng giới răn của Thiên Chúa. Nhưng đạo
Chúa không phải để cho người ta biết mà thôi, nhưng còn phải đem ra thực hành
trong cuộc sống hằng ngày.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắn nhủ như sau: Con mang một
đồng phục, con nói một ngôn ngữ. Bác ái là dấu chứng để biết con là môn đệ của
Chúa, là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất. Bác ái là sinh ngữ số một mà thánh
Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần. Là ngôn
ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên thiên đàng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ gặp
thấy những phiền phức, những thử thách đòi buộc lòng bác ái nhỏ hẹp của chúng
ta phải mở rộng thêm ra. Trong các đức tính nhân phẩm của mỗi người, không có
hai người giống nhau, đừng vơ đũa cả nắm. Ðời người không phải là một cuốn băng
Cassette đã được sang từng sơ-ry giống nhau. Bác ái không có biên giới, nếu có
biên giới thì không còn là bác ái nữa.
Chúng ta cần có một con tim rộng mở như Chúa,
để có thể yêu thương như Ngài và cùng với Ngài chúng ta thực thi đức bác ái.
Ðức ái không nên có hậu ý hay vụ lợi. Sao con trách móc khi người ta phủi ơn
con. Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con: "Ai
làm cho người hèn mọn ngất trong các anh em là làm cho chính Ta".
Lạy Chúa, xin thương
giúp con canh tân đời sống theo lời dạy của Chúa. Xin ban cho con một quả tim
mới để con biết yêu thương anh em thật lòng qua việc làm cụ thể. Ước chi mỗi
tối, trước khi lên giường ngủ con có thể nói được rằng: suốt ngày hôm nay tôi
đã sống yêu thương thực sự. Lạy Chúa, xin hạy giúp con thực hiện được niềm mơ
ước này. Amen
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu
Tuần III MC
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mến Chúa
và yêu người là hai cột trụ của cuộc đời.
Phạm
tội là xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân. Khi phạm tội, con người mất tình
nghĩa với Thiên Chúa, và làm tổn thương mối liên hệ với tha nhân. Để nói lại
nhưng mối liên hệ này, con người phải ăn năn trở lại và yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn; và yêu tha nhân như chính mình.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh hai điều căn bản này. Trong Bài Đọc I, tiên-tri
Hosea kêu gọi Israel
hãy nhận ra tội của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân mà ăn năn trở
lại. Thiên Chúa là Đấng xót thương, Ngài sẽ tha thứ mọi tội, cho dân trở về, và
giúp dân sinh hoa kết trái trong cuộc sống. Trong Phúc Âm, khi một người muốn
tìm hiểu đâu là giới răn quan trọng nhất trong cuộc đời, Chúa Giêsu đã tuyên bố
long trọng và rõ ràng hai giới răn: Mến Chúa và yêu người.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.
1.1/
Khi sống xa Chúa, con người phải chịu mọi hình phạt: Tiên-tri Hosea họat
động trước thời kỳ vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay đế quốc Assyria
(721 BC). Đọan văn chúng ta đọc hôm nay là chương cuối cùng của Sách, có lẽ
được viết trong hay sau thời gian lưu đày tại Assyria .
Tội lớn nhất của Israel
là tội phản bội Thiên Chúa, quay lưng lại với Ngài để sụp lạy các tà thần, nhất
là Thần Baal. Tiên tri đã nhiều lần cảnh cáo Vua cũng như dân, nhưng họ không
chịu nghe lời, và Tiên-tri quả quyết: “Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã
vấp ngã.”
Tuy
nhiên, Israel
vẫn còn hy vọng, vì Thiên Chúa là Chúa của tình thương. Tiên-tri kêu gọi họ:
“Hỡi Israel ,
hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Hãy trở về với Đức Chúa, mang
theo lời cầu nguyện.” Lòng xám hối thực sự phải kèm theo lời thú tội và cầu
nguyện, không phải chỉ dâng các lễ vật hy sinh hời hợt bên ngòai. Hãy thưa với
Người: "Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng
lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ.”
Israel
sa ngã là vì đã không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa, mà trông cậy nơi
sức mạnh lòai người. Việc trở lại đòi họ nhận ra sự điên rồ của niềm cậy dựa
này: “Chúng con sẽ không cầu cứu với Assyria, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã,
cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài
kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm."
1.2/
Khi sống trong Chúa, con người sinh hoa kết trái: Thiên Chúa xác tín lời khuyên bảo của
Tiên-tri. Ngài bảo đảm niềm hy vọng, nếu họ thực tình ăn năn trở lại: “Ta sẽ
chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta
sẽ không còn đeo đuổi chúng. Với Israel Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên
như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Liban. Họ sẽ đâm chồi nẩy lộc, sum sê
tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Liban. Chúng sẽ trở về cư ngụ
dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng
sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượu Liban.”
Liên
hệ giữa Thiên Chúa và Israel
được ví như cây và trái. Israel
chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu gắn liền với cây: “Ta như một cây trắc bá xanh
tươi, chính nhờ Ta mà ngươi trổ sinh hoa trái.” Hình ảnh này cũng được Chúa
Giêsu dùng trong Tin Mừng Gioan: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh
em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với
cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em
là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh
nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Jn 15:4-5).
Câu
10 được thêm vào, theo văn chương khôn ngoan, có lẽ bởi các kinh-sư, những
người viết Sách TT Hosea: “Ai đủ khôn ngoan để hiểu được điều này, đủ thông
minh để biết được điều ấy? Quả thật đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên
con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải
té nhào.”
2/
Phúc Âm: Điều răn nào đứng đầu?
2.1/
Điều răn đứng đầu là: “Nghe đây, hỡi Israel ,
Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực
ngươi.”
-
Thiên Chúa là Chúa duy nhất; ngòai Ngài ra, chẳng còn ai khác. Điều đơn giản
như thế, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Có những người vì lợi nhuận nên đã
tạo ra bao thứ thần để chính mình và người khác tôn thờ: Thần Tài, Thần Vệ-Nữ,
Thần Mặt Trời, Thần Sông, Thần Núi.
-
Vì Thiên Chúa yêu thương con người, nên Ngài đã dựng nên mọi sự, quan phòng, và
sắp xếp để con người được hưởng hạnh phúc cả đời này và đời sau; nên con người
phải đáp trả bằng cách yêu thương Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí
khôn và hết sức lực của con người. Có những người thay vì yêu thương Thiên
Chúa, và biết khôn ngoan dành thời giờ và nỗ lực cho Ngài, lại khờ dại yêu
thương những tạo vật Thiên Chúa dựng nên: tài tử, minh tinh, thần tượng thể
thao, nhà cửa, xe cộ … và dành hầu như tất cả thời gian cho các lòai thọ tạo
này.
2.2/
Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có
điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."
-
Sau Thiên Chúa là đến con người. Con người phải yêu tha nhân như chính mình vì
nhiều lý do: (1) Mọi người đều là con của Cha chung trên trời: điều gì làm cho
tha nhân là làm cho chính Chúa; (2) Tất cả là chi thể của một thân thể là Đức
Kitô: một chi thể đau là tòan thân đau; và (3)Tất cả đều góp phần vào việc làm
cho đời sống tốt đẹp hơn: mỗi người phụ trách một công việc, thiếu việc nào cũng
gây xáo trộn trong cuộc sống.
-
Những tội xúc phạm đến tha nhân: (1) Đặt của cải và lợi lộc vật chất lên trên
con người, điều này gây ra những bất công xã hội; (2) Khinh thường dùng tha
nhân như đồ vật thay vì coi trọng tha nhân như một con người; (3) sống ích kỷ
chỉ biết quan tâm tới chính mình.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Hai mối liên hệ nền tảng trong cuộc sống là mối liên hệ với Thiên Chúa và với
tha nhân. Để gìn giữ hai mối liên hệ này luôn tốt đẹp, chúng ta phải yêu mến
Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương tha nhân như chính mình vậy.
-
Phạm tội là làm tổn thương cả hai mối liên hệ này. Để hàn gắn, con người phải
xám hối quay về để làm hòa với Thiên Chúa qua Bí-tích Giải Tội, và làm hòa với
nhau trong cuộc sống.
-
Một khi đã sống hòan hảo hai mối liên hệ căn bản này, chúng ta đã đạt được đích
điểm của cuộc đời, và không gì có thể ngăn cản chúng ta vào Nước Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
Mc 12, 28b - 34
1 Ghi nhớ : Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất, ngươi phải yêu mến Người.
2 Suy niệm : Để hứng nước vào cho đầy lu, người ta có thể mang lu ra giữa trời cho từng hạt mưa rơi vào, Nhưng cũng có thể để vào mái nhà nơi máng xối chảy xuống.
Luật Chúa tuy nhiều nhưng chỉ là những chi tiết cho con người hiểu rõ và thực hành. Chung qui cũng quay về một mối là tình yêu. Bởi vì yêu mới làm cho con người sống. Nhưng yêu ai ? yêu cái gì ? Dĩ nhiên là yêu cái đẹp, yêu sự hoàn hảo. Con người nếu cứ đi tìm những cái đẹp được Thiên Chúa dựng nên mà không yêu mến Thiên Chúa, thì như thánh Augustinô đã nói: " thật là vô duyên" vì cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài. Bởi Chúa mới là vẽ đẹp vừa rất xưa vừa luôn mới, Chúa mới là sự hảo trọn vẹn.
Thế nhưng, cũng như mắt ta không thể nhìn thẳng vào mặt trời mà phải qua những vật trung gian, chúng ta chỉ có thể yêu Chúa qua hình ảnh của Ngài, con người, mà thôi. Thánh Gioan đã nói: Ai nói yêu mình yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em là người nói dối.
3 Sống Lời Chúa: Mến Chúa, yêu người là chu toàn lề luật
4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa nơi anh chị em, để con yêu mến Ngài.
08/03/13 THỨ SÁU TUẦN 3 MC
Th. Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
Mc 12,28-34
Th. Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
Mc 12,28-34
THỐNG HỐI THỰC SỰ
“Yêu
mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như
chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
Suy niệm: Vị
kinh sư này nhìn nhận Chúa Giêsu là bậc thầy mà ông thán phục: “Thưa Thầy,
hay lắm, Thầy nói rất đúng” (c. 32); và ông cũng đưa ra một nhận định
chuẩn xác: mến Chúa, yêu người “là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”
(c. 33). Với tinh thần khiêm tốn, ông để cho Lời Chúa đành động tâm hồn
mình. Chúa Giêsu xác nhận “Ông không còn xa nước Thiên Chúa” (c.
34). Có thể nói, ông là hình ảnh đại diện cho những người thành tâm thiện chí,
muốn trở về với Thiên Chúa với tâm hồn thống hối thật sự.
Mời Bạn:
Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhấn mạnh “mối tương
quan không thể chia lìa giữa đức tin và đức ái”: “Đời sống kitô hữu giống
như việc liên lỉ leo lên núi thánh để gặp gỡ Thiên Chúa và rồi xuống núi mang
theo tình yêu và sức mạnh lãnh nhận được từ nơi Ngài, nhờ đó phục vụ anh
chị em mình bằng tình yêu của chính Thiên Chúa” (số 4). Mùa Chay là mùa
của bác ái yêu thương; đó chính là dấu chỉ của một lòng thống hối thực sự. Tôi
có dám đi ra khỏi con người kiêu căng ích kỷ của tôi để “yêu Chúa hết lòng và
yêu tha nhân như chính mình” không?
Chia sẻ: Sứ điệp Mùa Chay cho biết, hành vi bác
ái cao độ nhất là “Phúc Âm hoá”, là loan báo Tin Mừng cho anh em. Chúng ta thực
hành điều này thế nào?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái để tỏ lòng sám hối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết quay về với Chúa mỗi ngày bằng những
việc làm cụ thể. Xin cho con biết sống đức ái theo ý Chúa muốn. Amen.
Điều răn đứng đầu
Suy niệm:Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật, các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema, kinh này được người Do-thái đọc sáng chiều mỗi ngày :“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29). Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Và ngài kết luận : “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).
Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh. Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất : yêu mến. Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân : đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do-thái cách đây hai ngàn năm. Đó cũng là câu trả lời của ngài cho các kitô hữu hôm nay. Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30). yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác, vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước. Ăn ngay ở lành không đủ. Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành. Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân. Thương người như thể thương thân. Nhưng đối với tôi thương thân là gì ? Tôi cần gì trong cuộc sống ? Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ… Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.
Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu. Ông hỏi, nhưng không có ý thử ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí. Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ, dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.
Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó. Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn, nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.
Lời nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm.
Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
8 THÁNG BA
Chúng Ta Được Năng Lực Biến
Đổi Của Thiên Chúa Chạm Đến
Chúng
ta đọc thấy trong Thông Điệp Dives in
misericordia: “Dụ ngôn Người Con Đi Hoang diễn tả một cách đơn giản
nhưng rất thâm sâu về thực tại hoán cải. Dụ ngôn này là mô tả cụ thể nhất của
tình yêu và lòng thương xót.” Qua dụ ngôn, chúng ta thấy được cách mà tình yêu
và lòng thương xót của Thiên Chúa phục hồi và thăng tiến những gì tốt đẹp. Tình
yêu và lòng thương xót này thậm chí có thể rút ra được điều tốt từ bất cứ hình
thức sự dữ nào trong thế giới chúng ta.
Tình
yêu và lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa chính là nền tảng sứ điệp
cứu độ của Đức Kitô. Xuất phát từ tình yêu và lòng thương xót ấy, Thiên Chúa đã
giao hòa thế gian với chính Ngài trong Đức Kitô. Chúng ta nhận ra rằng Đức
Giêsu cũng dạy các môn đệ Người phải biết yêu thương và nhân hậu. Sứ điệp ấy
không bao giờ ngừng thôi thúc con tim và hành động của các môn đệ Đức Kitô. Nơi
họ, tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với nhau không bao giờ bị chao đảo bởi
sự dữ ; trái lại, tình yêu ấy vượt thắng mọi sự dữ (Rm 12,21).
Như
vậy, dụ ngôn Người Con Đi Hoang cho chúng ta thấy cách mà tình yêu và lòng
thương xót của Thiên Chúa biến đổi đời sống của tội nhân, cách mà con người cũ
bị đẩy lùi và vượt qua. Ngay cả những tội lỗi đã bén rễ và những thói xấu trầm
kha cũng bị nhổ rễ bởi ơn hoán cải. Đức Kitô đã đem lại sự sống mới này cho con
người “bằng Máu Người đổ ra trên Thập Giá” (Cl 1,20). Trong Đức Kitô, tội nhân
trở thành “một tạo vật mới”. Trong Đức Kitô, tội nhân được hòa giải với Thiên
Chúa là Cha.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 08-3
Thánh
Gioan Thiên Chúa, tu sĩ
Hs 14, 2-10; Mc 12, 28b-34
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi
Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức
lực ngươi” (Mc12,29-30)
Khi nói đến yêu mến
Thiên Chúa, chúng ta không còn xem đây là một điều luật, hay như là một điều
răn phải giữ, hay là phải tránh. Nhưng đây là một sự liên đới cần thiết cho
cuộc sống đời này lẫn đời sau. Mọi sự sống và mọi hiện hữu của các tạo
vật đều do Thiên Chúa yêu thương mà Ngài đã tạo thành dựng. Trong đó, riêng con
người là một tao vật được Ngài tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và Ngài trao
quyền cai quảng cả vũ trụ; và Ngài còn ban ơn Cứu Độ. Để đáp lại tình yêu chỉ
có tình yêu. Đối với Tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cần phải biết đón nhận
và hiệp thông.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 08-03
THÁNH GIOAN THIÊN CHÚA
Tu sĩ (1495 - 1550)
Tu sĩ (1495 - 1550)
Gioan sinh ngày 8 tháng
3 năm 1495 tại Bồ Đào nha. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng đạo đức
và đầy lòng bác ái. Lúc 9 tuổi Ngài bỏ nhà trốn đi, theo một nhà mạo hiểm đã
khéo kích thích trí tưởng tượng của tuổi thơ. Mẹ Ngài đã qua đời sau ba tuần
đau khổ vì không biết số phận của con trẻ ra sao. Còn cậu bé bi bỏ rơi, thiếu
thốn mọi sự nên đành ở đợ nuôi thân.
Ngài giúp việc cho một
nhà tiểu nông, hàng ngày lo đi chăn chiên, cho đến khoảng 20 tuổi. Chán với
cuộc sống đều đều, Ngài đăng lính đi chiến đấu ở Phontarabia. Thật bất hạnh khi
kiếp sống suy đồi của các bạn đồng ngũ đã lôi kéo Ngài tới chỗ mất cả lòng kính
sợ Chúa. Nhưng Chúa đã không bỏ rơi kẻ Ngài đã chọn. Ngày kia, khi đem thức ăn
cho súc vật. Gioan bị té ngựa và bị trọng thương không còn cử động và nói năng
gì được nữa. Nhận biết được mối nguy đang đe dọa thân xác tâm hồn, thánh nhân
khấn cầu Đức Trinh Nữ và hứa sẽ sửa mình. Nhưng khi vừa hết bịnh, Ngài lại trở
về đường cũ.
Chúa quan phòng vẫn
tiếp tục thể hiện tình thương bằng một hình phạt khác. Vị chỉ huy trao cho
Gioan canh giữ chiến lợi phẩm. Nhưng vì bất cẩn sao đó mà chiến lợi phẩm biến
mất. Gioan bị án xử giảo, bất kể mọi phân bua kêu khóc. Đến giờ hành hình, may
có một cấp chỉ hy cao hơn can thiệp Ngài mới được tha với điều kiện là bị giáng
cấp. Bất mãn, Gioan trở về chủ cũ và được tiếp đón niềm nở. Gia chủ còn đề nghị
gả con cho Ngài nữa, nhưng Ngài đã từ chối và chỉ sống như một kẻ chăn chiên vô
tội.
Mười năm sau Gioan lại
đăng lính làm pháo thủ trong cuộc viễn chinh đánh phá Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh
kết thúc, binh đội Tây Ban nha được giải ngũ. Gioan muốn trở về quê nhà. Nhưng
người cậu cho biết mẹ Ngài đã qua đời ba tuần sau ngày Ngài bỏ nhà ra đi, cha
Ngài cũng mới qua đời tại một tu viện thánh Phanxicô, những lời trách móc xâu
xé tấm lòng của đứa còn hoang đàng... Gioan quyết sửa những ngông cuồng của
tuổi trẻ và muốn hiến thân phục vụ người nghèo khổ yếu đau.
Gioan quyết định đi Phi
Châu để giúp đỡ các Kitô hữu bị bắt làm nô lệ, với hy vọng được chết vì đạo.
Tới Gibraltar, Ngài gặp một nhà quí tộc bị thất sủng và phải đi đày. Cùng ông
đáp tàu tới Ceuta ,
Ngài đã phải làm việc để kiếm tiền nuôi ông chủ chẳng may ngã bệnh và lâm cảnh
cùng quẫn. Đồng thời Ngài đã vào các nhà tù, an ủi các tù nhân và săn sóc họ.
Vị lãnh Chúa qua đời. Gioan nhận lệnh của một tu sĩ Phanxicô truyền phải trở
lại Tây Ban Nha là nơi Thiên Chúa đã cho Ngài biết các ý định của Ngài.
Gioan trở lại Gibraltar . Ngài xin trời cao soi sáng và để nuôi thân
Ngài đi bán rong giày dép và tranh ảnh, nhưng vẫn luôn lo cải hóa các tâm hồn.
Một ngày kia Ngài gặp
trên đường một đứa trẻ cùng khổ đáng thương với cặp giò trần trụi bị nứt nẻ vì
sỏi đá. Ngài vác nó trên vai, dừng lại nghỉ, đám trẻ chỉ cho vị ân nhân một
trái lựu (Grenade) có mọc cây thánh giá và nói: - Hỡi Gioan Thiên Chúa, trái
lựu (Grenade) sẽ là thánh giá của ông.
Rồi đứa trẻ biến mất.
Gioan hiểu chính Chúa Giêsu là đứa trẻ Ngài đã giúp đỡ. Bây giờ Gioan đi
Grenada để sống đời bác ái và thống hối. Thánh giá đầu tiên của Ngài là đã bị
coi như một kẻ điên, phải chịu mọi thứ sỉ nhục và bị đối xử tàn tệ, Ngài hành
hương viếng Đức Bà Guadalupê, vừa bán củi khô để sinh sống. Cuối cuộc hành
hương Ngài thấy Đức Trinh Nữ cúi xuống và đặt hài nhi vào tay Ngài với y phục
để bao bọc cho Ngài.
Như vậy ơn gọi của Ngài
là giúp đỡ những người nghèo khổ của Chúa Giêsu Kitô. Khi qua Oropezo, Gioan đã
chữa lành một phụ nữ nghèo. Trở lại Grenada với số tiền kiếm được và
với những của trợ cấp, Ngài thuê một căn nhà để thu họp những người khốn khổ,
cho các người yếu đau bệnh tật trú ngụ. Ban chiều, Ngài vác giỏ đi ăn xin. Với
hai cái xoong trên vai Ngài la lớn :- Ai muốn hành thiện, xin tiếp tay với tôi
đây ?
Ngài trở về nhà mang
đầy những thực phẩm. Niềm vui cũng thật lớn lao khi Ngài dẫn về nhà vài trú
nhân mới, một đứa trẻ bi bỏ rơi. Ưu tư của Ngài không ngừng lại nơi các thân
thể bệnh tật. Ở đâu nghĩ là có linh hồn hư mất, Ngài liền đến cải hóa. Ngài chỉ
nghĩ tới việc cứu vớt họ.
Lần nọ Ngài mang về một
người hấp hối mình đầy thương tích. Khi lau rửa và cúi xuống hôn chân bệnh
nhân, Ngài thấy những lỗ đinh chói sáng. Và Chúa, vì chính Ngài, nói: - Gioan
đầy tớ trung tín của cha, mọi việc thiện con làm cho những người nghèo khổ, là
con làm cho chính Cha. Cha đếm từng bước chân con đi và cha sẽ ân thưởng cho
con.
Bệnh viện tràn ngập ánh
sáng khiến cho người ta ngỡ là một đám cháy.
Ngày kia có một đám
cháy thật, ở bệnh viện Hoàng gia tại Grenada, Gioan lao vào ngọn lửa mang các
bệnh nhân ra ngoài, rồi trở lại kéo các bệnh nhân khác. Thật là một phép lạ,
khi ra khỏi lò lửa một Ngài vẫn sống.
Trong một trận lụt,
Ngài cũng thực hiện những chuyện lạ lùng như vậy.
Giám mục truyền gọi
Gioan Thiên Chúa đến, mặc cho Ngài y phục và từ đó Ngài và các môn sinh vẫn
mặc. Khi đó Gioan Thiên Chúa đã thiết lập một hội dòng để giúp đỡ những người
yếu đau bệnh tật. Dòng sẽ lan rộng trên khắp thế giới, Ngài xây thêm một nhà
thương mới. Để trả nợ, Ngài phải đi quyên tiền ở Valladelid. Nhưng có quá nhiều
người nghèo vây quanh đến nỗi không đã phân phát hết số tiền quyên được. Người
bạn chỉ trích, Ngài đáp lại: - Này anh, người ta tặng ban cho ở đây hay ở Grenada,
cũng luôn là vì Chúa, bởi vì Thiên Chúa ở khắp nơi và trong mọi người nghèo.
Gioan tận tụy với mọi
người đau khổ không phân biệt. Ngài ngã bệnh khi tổng giám mục Grenada kêu
tới. Ngài đi ngay và là để nghe trách cứ vì đã nhận cả những người cứng lòng.
Thánh nhân trả lời: - "Nếu con chỉ nhận những người công chính, bệnh xá
của chúng con sẽ trống vắng ngay, và làm sao có thể lo lắng cho các tội nhân.
Hơn nữa con nhận biết mình chưa làm tròn hết bổn phận, cũng như con hổ thẹn mà
thú thực rằng trong nhà thương, Gioan Thiên Chúa là tội nhân duy nhất đã ăn của
bố thí một cách vô ích".
Nghe những lời này, vị
giám mục cảm động đến rơi lệ và ca tụng Gioan. Ít lâu sau, Ngài ban các bí tích
cuối cùng cho thánh nhân. Sắp chết Gioan còn thực hiện một điều lạ lùng, Ngài
được biết một người thợ dệt sắp thắt cổ vì quá cực khổ, Ngài liền vội vã ra đi,
tới thẳng người xấu số sắp kết liễu cuộc đời và cứu ông ra khỏi cơn tuyệt vọng
.
Vào giờ phút cuối cùng,
thánh nhân thú nhận ba thứ lo lắng làm se thắt lòng Ngài, là bất xứng với ơn
phúc đã lãnh nhận, ưu tư cho những người nghèo mắc cỡ mà Ngài đã bỏ qua không
trợ giúp được và những món nợ Ngài đã mắc phải vì các người xấu số.
Các y tá đã nhận Gioan
Thiên Chúa làm thánh bảo trợ.
(Daminhvn.net)
08 Tháng Ba
Phục Sinh
Một linh mục
Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: "Mỗi ngày,
khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông
còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi
chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn
xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".
Nhưng một ngày
kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng
lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không
trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng
dậy được không? Ông có muốn đi không?". Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn
tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói:
"Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ
nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi
với tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi
được".
Nghe xong tâm sự
của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ
của ông sẽ thành sự thật".
Trong bài giảng
thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị cộng
đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi
vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi
chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được
chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông
cố gắng tập đi đứng một mình.
Lễ Phục Sinh đến.
Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài
giảng hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giêsu đã Phục
Sinh để sống một cuộc sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào
khả năng trao tặng nhau những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em,
ông bạn của chúng ta đã được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi
mời ông đứng dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên
một phần tử. Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy
bầu khí nhà thờ lúc ấy tràn đầy sức sống".
Tin
mừng thuật lại như sau: sau mẻ lưới đầy cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm
tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và cá trao cho các ông ăn. Phần các môn
đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó là Ngài. Ðây là phương thế Chúa
Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào Ngài trải qua mọi thời đại: tự
nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn cảm nghiệm sự hiện diện của
Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau tất cả những gì mình có.
(Lẽ
Sống)
Thứ Sáu 8-3
Thánh Gioan của Thiên Chúa
(1495 - 1550)
Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Ðêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa. Cả hai đi ăn xin từ làng này sang làng khác cho đến khi Gioan ngã bệnh nặng. May mắn, nhờ một người tá điền trong vùng chăm sóc và nhận làm con nuôi nên Gioan mới sống sót. Anh làm nghề chăn cừu cho đến khi 27 tuổi thì gia nhập quân đội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống với nước Pháp. Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.
Khi trở về đơn vị, anh giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc. Bởi đó họ tìm cách đánh lừa để anh rời bỏ nhiệm sở, vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi quân đội sau khi bị đánh đập và lột hết của cải. Anh phải đi xin ăn trên đường trở về nhà cha nuôi, trở lại nghề chăn cừu.
Khi chăn cừu, Gioan có nhiều thời giờ để suy niệm về ơn gọi của mình. Vào lúc 38 tuổi Gioan quyết định sang Phi Châu để chuộc những Kitô Hữu bị bắt. Nhưng trong khi chờ đợi ở bến tầu
Ở Tây Ban Nha, ban ngày Gioan làm phu khuân vác bến tầu, ban đêm ngài đến nhà thờ để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách đem lại cho ngài niềm vui đến độ ngài quyết định phải chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Gioan bỏ nghề khuân vác và đi bán sách dạo, lang thang từ phố này sang phố khác để bán sách thiêng liêng và ảnh các thánh. Khi 41 tuổi, Gioan sang
Sau khi nghe giảng về sự ăn năn sám hối của vị giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là Chân Phước Gioan Avila, Gioan trở về nhà, xé tất cả các sách đời, phân phát tiền của và các sách đạo cho mọi người. Gioan lang thang với quần áo rách nát, than khóc về tội lỗi của mình như một người điên, và bị trẻ con cũng như mọi người chế nhạo.
Bạn bè đưa Gioan vào dưỡng trí viện để chữa trị, là nơi ngài bị trói và bị đánh đập. Cho đến khi Chân Phước Gioan Avila đến thăm và cho biết là sự sám hối của ngài đã đủ 40 ngày, như Ðức Kitô xưa ăn chay trong sa mạc, thì Gioan trở lại bình thường và được đưa sang một khu vực khác, lành mạnh hơn. Ở đây, Gioan nhanh nhẹn giúp đỡ các bệnh nhân khác, và bệnh viện cũng không phiền hà khi có một người trợ tá làm việc không công. Cho đến khi ngài tuyên bố là sẽ mở một nhà thương khác thì họ cho ngài xuất viện.
Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi. Ban đêm, ngài lấy những đồng tiền kiếm được mua thực phẩm và quần áo cho những người nghèo sống dưới gầm cầu hoặc trong các căn nhà hoang phế. Bởi thế, bệnh viện đầu tiên của ngài là các đường phố ở
Cuộc sống của ngài đã bị chỉ trích bởi những người không thích hành động bác ái vội vàng hấp tấp. Có lần, khi gặp một gia đình đi xin ăn đang đói, ngài chạy vội vào một căn nhà gần đó, lấy cắp nồi cơm và đem cho họ. Lần khác, khi thấy các em bụi đời quần áo rách nát, ngài vào tiệm quần áo và mua quần áo mới cho chúng. Dĩ nhiên, là mua chịu!
Tuy nhiên sự vội vàng ấy đã giúp nhiều người sống sót trong một vụ hoả hoạn ở nhà thương mà ngài đã liều mình xông vào lửa, bế các bệnh nhân ra ngoài. Vào lúc ấy, nhà cầm quyền quyết định dùng súng đại bác để phá hủy một phần nhà thương nhằm ngăn chặn ngọn lửa khỏi cháy lan sang thì ngài đã ngăn cản họ, và vội vàng leo lên mái nhà dùng chiếc búa rìu tách rời phần bị cháy. Ngài thành công, nhưng đồng thời cũng rơi theo mái nhà hực lửa đang sụp đổ. Trong khi mọi người hồi hộp cho số phận vị anh hùng cứu tinh thì lạ lùng thay, Gioan bước ra khỏi đám lửa một cách bình an vô sự.
Khi thánh nhân lâm bệnh nặng thì ngài nghe tin cơn lũ lụt đang trôi dạt những cây gỗ quý về gần thành phố. Không bỏ lỡ cơ hội, ra khỏi giường bệnh, ngài đi vớt gỗ trên dòng sông đang chảy xiết. Và khi một trong những bạn đồng hành của ngài bị rớt xuống sông, ngài đã không nghĩ đến bệnh tình cũng như sự an toàn cho chính mình mà đã nhảy theo cứu vớt. Ngài thất bại không cứu được người ấy, và chính ngài thì bị sưng phổi. Ngài từ trần ngày 8 tháng Ba, ngày sinh nhật thứ năm mươi lăm của ngài, chỉ vì sự yêu thương vội vàng mà đó là động lực của toàn thể cuộc đời ngài.
Thánh Gioan của Thiên Chúa được đặt làm quan thầy của người bán sách, thợ in, bệnh nhân, bệnh viện, y tá, lính cứu hỏa và được coi là người sáng lập tổ chức Sư Huynh Bệnh Viện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét