Trang

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

17-05-2017 : THỨ TƯ - TUẦN V PHỤC SINH

17/05/2017
Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 15, 1-6
"Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: "Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê". Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa"(c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8
"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Sự kết hiệp thâm sâu
Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.
Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.
Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.
Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần V PS
Bài đọcActs 15:1-6; Jn 15:1-8.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô Giáo?
Mỗi dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I, Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ bị cắt bỏ ra ngoài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Có cần phải cắt bì và giữ Lề Luật để được cứu độ?
1.1/ Theo các tín hữu Pharisees: Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ." Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì (Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy. Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt bì.
(2) Lề Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Moses." Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi; luật do con người làm ra có thể thay đổi.
- Lề Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
- Những luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).
1.2/ Theo Phaolô và Barnabas: Dân Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái. Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại. Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ vào Đức Kitô.
Tuy vấn đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.
2/ Phúc Âm: Sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.
Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn."
(1) Lời Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn, và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay: "Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em."
(2) Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: "Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được."
(3) Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
- Mỗi khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
- Việc bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

17/05/17    TH TƯ TUN 5 PS
Ga 15,1-8

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

“Cành nho không thể sinh trái nếu không ở lại với thân nho.” (Ga 15,4)

Suy niệm: Với sự tiến bộ của y học ngày nay, người ta có thể nối lại một cánh tay hay một cẳng chân lỡ bị đứt lìa. Nhiều nạn nhân nhờ đó khỏi bị mất tay, chân một cách oan uổng. Nhưng ai cũng rõ, phải làm việc này nhanh hết sức, vì một chi thể đứt rời không thể sống được lâu ngoài cơ thể. Ta dễ hiểu hàm ý của Đức Giê-su qua hình tượng cành và thân nho: cành nho, nếu lìa khỏi thân nho, không thể sống, nói chi đến chuyện sinh hoa trái! Nhưng Ngài không có ý nói chuyện thực vật học. Ở đây Người đang trình bày Tin Mừng; và điều Người muốn xác quyết là: “Ai ở lại trong Thầy thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” Một trong những phương thế để ở lại trong Chúa Ki-tô là “Giê-su hoá” đời mình như thánh Phao-lô đề nghị: “Không phải là tôi sống mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi.”
Mời Bạn: Mỗi khi nhìn một cây nho, hay bất cứ cây gì khác, bạn tập liên tưởng rằng Chúa Giê-su là cây và bạn là cành. Bạn cần gắn liền với Chúa Giê-su như cành cần dính liền với thân cây, để thực sự sống và để thực sự nên hữu ích.

Chia sẻ: Trong nhịp sống quay cuồng hôm nay, ta phải làm sao để không bị nuốt chửng trong những miệt mài săn đuổi các giá trị phàm tục và tạm bợ? Phải làm sao để không những biết dành cho Chúa Giê-su một chỗ trong cuộc sống mình mà hơn thế nữa để nhận Người là chính trung tâm của đời mình, là giá trị nền tảng của mọi giá trị khác?

Sống Lời Chúa: “Giê-su hóa” đời mình bằng cách thường nghĩ đến Người, nói về Người, tìm gặp Người, nói với Người, nghe Người nói, ngắm Người làm…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là cây nho, còn con là cành, xin cho con biết luôn gắn kết với Chúa. Amen.
(5 phút lời Chúa)

Thy là cây nho (17.5.2017 – Th tư Tun 5 Phc sinh)
Vinh quang ca Cha không nghch vi s trin n tht s ca con người. S èo ut, cn ci ca chúng ta mi là ni nhc cho Thiên Chúa.


Suy nim:
Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.
Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,
mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).
Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.
“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu nguyn:

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.

Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG NĂM
Một Vương Quốc Không Thuộc Thế Giới Này
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Kitô nói với các Tông Đồ một cách rất rõ ràng về việc Chúa Thánh Thần sẽ đến. Sau khi Người sống lại, Người lại nhắc lại lời loan báo và lời hứa ấy “về điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4 – 5).
Rồi các Tông Đồ hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc It-ra-en không?” Các Tông Đồ vẫn tỏ ra không hiểu. Giống như những đồng bào Do Thái của các ông, các ông nghĩ rằng Đức Kitô sẽ cứu họ khỏi ách đàn áp chính trị.
Câu trả lời của Đức Giêsu: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1, 7). Có những thời gian khác nhau trong lịch sử thế trần: những thời gian của các dân tộc và của các quốc gia, những thời gian của cầm quyền và những thời gian của suy vong. Nhưng ở đây Đức Giêsu đang nói đến một thời gian khác: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Đức Giêsu đang đề cập đến một thời gian khác hẳn, một lịch sử khác hẳn, một vương quốc khác hẳn với vương quốc trần thế của It-ra-en. Thánh Thần sẽ đưa anh em ra khắp các phố phường của Giê-ru-sa-lem; và rồi sẽ sai anh em đi tới tận những chân trời góc biển xa xôi. Anh em sẽ rao giảng cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi văn hóa, mọi lục địa.
Các thánh vịnh cũng nói lên cùng âm hưởng ấy: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân” (Tv 47, 2 – 3. 9). Vương quốc vốn “không thuộc thế gian này” ấy lại được mặc khải một lần nữa trong những lời này. Chúng ta nhớ lại biến cố thăng thiên – trong đó Đức Kitô được tôn dương làm Vua cao cả trên các tầng trời.
Vương quốc ấy được nhận ra xuyên qua lịch sử của mọi dân tộc và mọi quốc gia. Nó được nhận ra nơi Đức Kitô trong tư cách là sự hoàn thành mọi sự.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17 – 5
Cv 15, 1-6; Ga 15, 1-8.

LỜI SUY NIỆM: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được.”
Chúa Gêsu đang mời gọi mỗi người chúng ta phải biết sống đời sống hiệp thông với Chúa với Giáo hội của Chúa, chính nhờ sự hiệp thông này chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái tốt lành, nếu chúng ta không sống với sự hiệp thông này thì đời của chúng ta sẽ phải khô héo. Người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó cháy đi.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Cây Nho chúng con là cành. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn được hiệp thông với Chúa với Giáo Hội của Chúa để chúng con được sống và sinh nhiều hoa trái cho mình và cho mọi người chung quanh chúng con.
Mạnh Phương


17 Tháng Năm
Ði Một Ðoạn Ðường Với Chúa
Người Ấn Ðộ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh: "Con có thể đi với Ta một quãng đường không?". Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: "Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?".
Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa... Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước... Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.
Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: "Này con, con có mang nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ".
Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng". Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình... Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét