Các Giám mục Áo hoan nghênh
việc đưa môn đạo đức vào chương trình giảng dạy ở trường học
Trước việc ngành giáo dục nước này đang lên kế hoạch đưa bộ
môn giáo dục đạo đức vào trong chương trình giảng dạy như một sự lựa chọn thay
thế cho môn tôn giáo, Hội đồng Giám mục Áo hoan nghênh sáng kiến này và khẳng định:
“Giáo dục đạo đức sẽ trở thành một nhiệm vụ cơ bản của hệ thống các trường học ở
Áo, đây là một lựa chọn tốt cho mọi người”.
Ngọc Yến - Vatican News
Trong một tuyên bố được ký bởi Đức ông Peter Schipka, Tổng
thư ký Hội đồng Giám mục, Hội đồng Giám mục Áo hoan nghênh việc đưa vào trường
học môn đạo đức bắt buộc cho tất cả các học sinh không tham gia các giờ học tôn
giáo. Các Giám mục viết: “Hơn 20 năm kinh nghiệm của các trường học thí điểm về
giáo dục đạo đức đã cho thấy ở cấp trung học, hình thức dạy học này đã được chứng
minh là hợp lệ và giờ đây nó sẽ được áp dụng trong hệ thống trường học”.
Hội đồng Giám mục tin rằng những học sinh đã rút lui khỏi
môn giáo dục tôn giáo cũng như các em không theo một tôn giáo nào, không đăng
ký môn giáo dục tôn giáo như một môn học tự do, thì môn học đạo đức này sẽ đem
lại lợi ích cho các em. Các Giám mục nhận định: “Trước những thách đố ngày càng
tăng của một xã hội đa nguyên, giáo dục đạo đức là điều cần thiết cho tất cả
các học sinh, kể cả các em không tham gia môn học tôn giáo”.
So với kế hoạch nghiên cứu của thí nghiệm trường học về đạo
đức, các kế hoạch nghiên cứu của giáo dục Công giáo đã cho thấy “từ lâu, tất cả
các chủ đề liên quan đến giáo dục đạo đức cũng là vấn đề của giáo dục tôn
giáo”. Cụ thể, các vấn đề cơ bản của cuộc sống con người, quyền con người và
quyền cá nhân, mối quan tâm đối với các nền văn hóa và tôn giáo khác, giáo dục
để tự đánh giá và bảo vệ môi trường và khí hậu, cũng như các vấn đề đạo đức xã
hội và kinh tế, và thúc đẩy sự phát triển chung về nhân cách của học sinh.
Trong môn tôn giáo, các chủ đề này được dạy từ một quan điểm
minh bạch và cụ thể theo tôn giáo của các học sinh. Đồng thời, chúng được thảo
luận trong bối cảnh của các vị trí tôn giáo và ý thức hệ khác nhau. “Thảo luận
hợp lý” này về nội dung của giảng dạy đạo đức và tôn giáo cho phép học sinh đối
diện với chính căn tính của mình. Giáo dục tôn giáo khởi xướng suy tư và thảo
luận, đồng thời khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập và phê bình; cũng như dẫn
học sinh đến một cách tiếp cận các tôn giáo và biết nhìn đạo đức theo cái nhìn
của các tôn giáo khác nhau. (CSR_4979_2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét