07/05/2017
Chúa Nhật 4 PHỤC SINH năm A
Chúa Chiên lành.
Cầu cho ơn thiên triệu Linh Mục và Tu sĩ.
(phần I)
Bài Ðọc I: Cv 2, 14a.
36-41
"Thiên Chúa đã
tôn Người làm Chúa và làm Ðấng Kitô".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một
Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết
chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và
làm Ðấng Kitô".
Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng,
nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm
gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong
anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận
lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi
người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến".
Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng:
"Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp
nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn
người gia nhập đạo.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a.
3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu
thốn chi (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn
chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ
ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở
dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo
mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng
con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những
kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
- Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi
ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư
lâu dài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Pr 2,
20b-25
"Anh em đã trở
về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải
nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi
làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một
gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và
nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại;
bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh;
chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để
một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của
Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ
đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử
tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 1-10
"Ta là cửa chuồng
chiên".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo
thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối
khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn
chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy
sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài,
kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không
theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".
Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ
Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên.
Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta
là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của
nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn
Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Nhật Ơn
Thiên Triệu
Chúa Nhật hôm nay (thường) là Chúa Nhật Ơn Thiên
Triệu để cầu nguyện cho các ơn gọi và đặc biệt ơn gọi Linh mục chăn dắt đoàn
chiên của Chúa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩa mới thêm vào gần đây. Chứ trước kia Phụng
vụ chỉ quen gọi Chúa nhật này là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, vì lẽ các bài đọc
nhấn mạnh việc Chúa là Mục tử. Chúng ta muốn hiểu biết ơn gọi Linh mục để khao
khát, cầu nguyện, cổ võ và nâng đỡ, phải nhìn vào Ðấng là Mục tử các linh hồn.
Có yêu mến Người và các tư cách của Người, chúng ta mới thấy muốn được Người
chăn dắt và mới tha thiết với ơn gọi Linh mục. Tiếc là Phụng vụ không thể đọc hết
cho chúng ta nghe cả bài Tin Mừng Yoan về Chúa Chiên Lành, vì dài quá. Chúng ta
chỉ được nghe khúc đầu thôi và khúc này lại nói đến cửa ràn chiên hơn là nói đến
chính Chúa chiên. Nhưng hiểu kỹ, khúc Tin Mừng vừa nghe vẫn phong phú và có thể
soi sáng cho hai bài đọc kia.
A. Chúa Kitô Là Cửa
Ràn Chiên
Muốn nhận ra sức mạnh của đoạn văn Yoan, chúng ta
nên biết: bấy giờ ở Yêrusalem người ta mừng lễ cung hiến (10,22). Ðền thờ
Yêrusalem được Salomon xây đã bị tàn phá. Sau lưu đày người ta xây lại. Nhưng
dưới thời đô hộ Hylạp nó biến thành một ngôi đền ngoại đạo. Nghĩa quân Macabê nổi
dậy, đánh đuổi bọn Hylạp xâm lăng, cung hiến lại Ðền thờ vào năm -165. Hàng
năm, người Dothái kỷ niệm ngày trọng đại này. Nó vừa có ý nghĩa tôn giáo, tức
là thanh tẩy Ðền thờ; vừa có ý nghĩa dân tộc, là xua đuổi những kẻ làm cho Ðền
thờ ra ô uế. Vào thời Chúa Yêsu, bầu khí lễ cung hiến rất căng thẳng. Dân chúng
chờ đón một Macabê mới đến giải phóng Ðất nước khỏi ách Rôma; những chính trị
gia xôi thịt muốn lợi dụng cơ hội để xưng vương xưng tướng; nhà cầm quyền canh
chừng mọi xáo trộn. Chính trong bầu khí ấy, người Dothái hỏi Chúa Yêsu: "Nếu
quả Ông là Ðức Kitô, xin nói trắng ra với chúng tôi" (c. 24). Ðầu óc họ thật
đã quá căng thẳng. Vì thế một lời Chúa nói ra sẽ vô cùng quan trọng. Không những
Người ý thức như vậy; Người còn tăng thêm phần quan trọng cho lời Người sắp nói
khi long trọng mở đầu bằng những tiếng như sau: "Quả thật, quả thật, Ta bảo
các ngươi...".
Ðó là lời giáo đầu của một sấm ngôn, của một sứ điệp
đến từ Thiên Chúa. Lời ấy nhắm thẳng vào đối thủ, những người Dothái đầu mục
trong dân. Họ là trộm là cướp, chứ không phải là người chăn chiên. Lời ấy có lẽ
cũng nhắm những kẻ lăm le muốn xách động quần chúng để lên chức lãnh đạo. Vì tất
cả họ chỉ là những kẻ "không ngang qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng lên từ
chỗ nào khác". Có gì làm chứng điều ấy? Chúa Yêsu không cần dài dòng,
không cần triết lý. Người thực tế và đi sát với quần chúng. Người chỉ vào họ mà
bảo: "thì cứ xem, chiên không đi theo người lạ, nhưng trốn tránh người ấy,
vì chúng không nhận biết tiếng những người xa lạ". Chính phản ứng của
chiên lột mặt nạ bọn trộm cướp.
Lời Chúa thật minh bạch và xác đáng. Người Dothái
có thể giận lắm, nhưng không làm gì được. Rõ ràng Chúa Yêsu phủ nhận tư cách
lãnh đạo của họ. Nhưng Người không thể để chiên không có người chăn, dân không
có người phục vụ. Người chưa nói thẳng: "Người chăn chiên tốt, chính là
Ta!" (c.11). Người bắt đầu phác họa chân dung người mục tử đích thực để
dân nhận ra người chăn chiên tốt, người lãnh đạo thật. Người nói: Người chăn
chiên ngang qua cửa mà vào; được người giữ cửa mở cho; chiên nghe tiếng người ấy;
kẻ ấy gọi tên từng con, xua chiên của mình ra và đi trước chúng.
Toàn là những nét tả thực tế và chân thật; nhưng
hiểu theo bình diện Nước Trời, đó là những nét phác ra hình ảnh Ðức Kitô. Người
không đến tự ý, nhưng được Chúa Cha sai phái. Những kẻ giữ giao ước của Chúa
đón nhận Người. Họ nghe lời Người; Người gọi tên họ; Người dẫn đưa họ ra khỏi
chốn tội lỗi cầm giữ để đi đến chỗ nghỉ ngơi, có cỏ xanh rì bổ sức. Và khi đi
như vậy, chính Người sẽ đi trước mở đường cứu rỗi cho các linh hồn.
Chúng ta phải giật mình trước những lời lẽ minh bạch
trên. Hình ảnh người mục tử xưa nay của chúng ta thụ động và ủy mị quá! Có thể
đó là một hình ảnh thi vị: người chăn chiên dịu dàng đang ôm một con chiên trên
cổ, giữa một cánh đồng thật xanh, xa xa nhiều con chiên đang gặm cỏ ngoan
ngoãn. Hình ảnh Chúa Yêsu vẽ ra về người mục tử thì lại khác: đó là người đến với
đàn chiên, hiểu biết chiên và dẫn chiên ra khỏi chỗ tù hãm, đi đến những chân
trời đầy sự sống. Ðó là hình ảnh một Môsê dẫn chiên ra khỏi đất nô lệ, băng qua
sa mạc cằn cỗi và tiến vào Hứa địa tràn sữa và mật. Ðó là hình ảnh một Ðấng Cứu
thế đến cứu dân và đưa dân vào hạnh phúc trường sinh. Hình ảnh ấy vẽ trước về Ðức
Yêsu Tử nạn-Phục sinh; và vì vậy, đoạn Tin Mừng này được đọc sau ngày Chúa sống
lại.
Phải thú thật, Lời Chúa mới nghe ai đã hiểu? Chính
vì vậy mà Yoan viết: người Dothái không hiểu Ngài nói những gì với họ (c.6). Bó
buộc Ngài phải nói lại và nói trắng ra. Ngài lại phải trịnh trọng mở đầu bằng
những tiếng: quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi. Bao nhiêu kẻ đã đến trước
Ta, hết thảy đều là trộm là cướp.
Chắc chắn Chúa không có ý nói đến những tiên tri
được sai đến trước Người đâu. Những vị ấy đã "vui mừng nghĩ đến ngày của
Người". Họ đã rao giảng về Người, vì Luật pháp và Tiên tri đều làm chứng
cho Người. Họ đã "đi qua cửa ràn chiên là chính Người mà đến" bởi lẽ
chính vì Người mà họ đến. Ở đây, Người nhắm thẳng vào địch thủ, những người
Dothái đầu mục trong dân, những kẻ "có đến thì chỉ để đánh cắp, sát hại và
hủy diệt" (c.10). Nói theo Êzêkiel, họ là mục tử xấu, ích kỷ và chỉ lo bóc
lột chiên. Họ chất lên vai kẻ bề dưới những gánh nặng mà chính họ không đưa cả
đến ngón tay ra mà động vào.
Thế nên người mục tử tốt, phải là kẻ biết bỏ mình
để phục vụ chiên. Ðó là dấu chỉ chắc chắn về người chăn chiên thật. Do đó, Chúa
kết luận: "Ta đã đến là để chiên được có sự sống và có một cách dồi
dào". Lời này dĩ nhiên chỉ ứng nghiệm khi Chúa đã chịu chết và sống lại.
Người đã hy sinh mạng sống mình để chúng ta nhận được dư đầy ơn Thánh Thần, biểu
hiện sự sống mới phong phú dồi dào.
Thành ra một lần nữa ta lại thấy vì sao Phụng vụ đọc
bản Tin Mừng này trong mùa Phục sinh. Và đoạn trích hôm nay có hai phần nhưng
cùng một ý. Chúa Yêsu muốn khẳng định với những kẻ muốn biết Người là ai rằng:
Người là Chúa Chiên chân thật và duy nhất. Người hiểu biết chiên với tình trạng
khổ sở hiện tại của nó. Người sẽ đưa nó ra, giải phóng nó, đi trước nó, chịu đựng
mọi cuộc tấn công thay cho nó, hy sinh mạng sống vì nó, để nó được sự sống dồi
dào.
Nhưng thật ra, đó chỉ là những tư tưởng sâu kín của
bản văn; chứ theo mặt chữ, Chúa Yêsu chỉ trực tiếp nói Người là Cửa chiên; gián
tiếp Người mới nói mình là Chúa Chiên. Cửa chiên và Chúa chiên là hai quan niệm
khác nhau, nhưng trong ý Chúa Yêsu cũng chỉ là một. Khi nói mình là Cửa chiên,
Người chỉ nhằm nêu lên ý nghĩa và công dụng của cửa ràn là cản trở người lạ và
để cho chiên ra vào tự do và sinh sống thoải mái. Ðó là công việc và phận sự của
Chúa chiên: xua đuổi sài lang cướp phá đàn chiên và dẫn chiên đến đồng cỏ thảnh
thơi. Chúng ta không nên câu nệ vào danh từ, vì chữ viết thì giết chết, nhưng
phải tìm ra tinh thần trong chữ viết để nuôi sống mình. Mà giáo lý ban sự sống
cho chúng ta nơi bản văn Tin Mừng này là: Ðức Yêsu Kitô, qua việc Tử nạn và Phục
sinh đã chứng tỏ Người là Chúa chiên thật, Chúa chiên tốt, đã dùng sự chết của
mình để dẫn chúng ta ra khỏi tội và đi đến sự sống dồi dào. Chúng ta hãy đi
theo Người.
B. Theo Ðức Kitô
Thánh Phêrô khuyên nhủ chúng ta như vậy trong hai
bài Công vụ và Thánh thư. Nói với dân chúng trong ngày lễ Ngũ Tuần, thấy họ đầy
thiện chí muốn được ơn cứu độ, Vị Tông đồ trưởng vạch ra cho họ con đường phải
đi: hãy ăn năn và chịu rửa nhân Danh Ðức Kitô để lĩnh ơn tha tội và ơn Thánh Thần
(c.38).
Ăn năn thống hối, không phải là việc xưa nay người
ta không biết. Lãnh phép rửa, người ta cũng đã làm khi nghe Yoan giảng. Ðiều mới
lạ trong đề nghị của Phêrô là tin vào Ðức Yêsu Kitô, người mà họ đã giết. Như vậy
niềm tin này bao hàm sự công nhận việc làm trước đây của họ là tội lỗi và nhận
thức Ðức Yêsu Kitô bây giờ đã được tôn vinh và được đặt làm Thẩm phán của kẻ chết
và kẻ sống. Người ta phải "từ bỏ, thoát ra khỏi thế hệ tà vạy" là
hàng ngũ tội nhân của những kẻ đã giết Chúa Yêsu, để bước sang hàng ngũ của Người,
tức là đi theo, nhập vào đàn chiên của Người.
Nói thực ra, trước đây họ chẳng theo ai, họ giống
như chiên lạc bơ vơ, trôi dạt như bọt biển theo sóng gió. Lúc họ dùng tay kẻ vô
đạo giết Chúa, họ cũng chỉ tạm thời cùng hô như bọn đầu mục xúi bẩy; sau đó họ
lại tan rã như chiên lạc. Giờ đây Phêrô bảo họ hãy "quay mặt về với Ðấng
chăn dắt linh hồn anh em" là Ðức Yêsu Kitô.
Việc thống hối ăn năn và lãnh nhận phép Rửa bây giờ
có ý nghĩa mới. Ðó là những việc làm nhân Danh Ðức Yêsu, những việc phục tùng
Người và để kết hợp với Người, những việc đi qua Người như cửa chiên để tìm thấy
sự sống mới mà hiệu quả tức thời là được tha thứ tội lỗi và đổ đầy Thánh Thần.
Những việc đó, chúng ta đã làm khi tin và chịu
phép Rửa tội nhân Danh Ðức Yêsu. Nhưng chúng ta còn phải làm khi ăn năn và chịu
phép Giải tội để trở về với Ðấng chăn dắt linh hồn chúng ta mỗi khi chúng ta đã
dại dột trẽ ngang lạc đàn đi làm việc tội lỗi. Giờ đây, đang ở trong đàn chiên
Chúa, chúng ta phải làm gì?
Bài thư Phêrô dẫn chúng ta đi xa hơn, mặc dầu
trong bài Tin Mừng Yoan đã bảo chúng ta biết thái độ của chiên tốt là biết tiếng
mục tử và đi theo Người. Chúng ta phải nghe tiếng Chúa nói trong Kinh Thánh mà
đi theo lời mục tử. Thế mà trong mùa Phục sinh này luôn luôn chúng ta được nghe
đi nhắc lại lời sau đây: Luật pháp và Tiên tri đã tiên báo Ðức Kitô phải chịu
đau khổ để vào nơi vinh quang. Người đã chết để chúng ta được sống. Người mục tử
tốt đã thí mạng sống mình cho chiên. Bài thư Phêrô lấy lại hình ảnh Người Tôi tớ
đau khổ trong sách Isaia để kể lại cuộc Tử nạn-Phục sinh của Ðức Kitô và khuyên
bảo chúng ta hãy đi theo vết chân của Người. Vậy như Người đã chịu thương khó
vì chúng ta, thì chúng ta phải coi như là ơn gọi và ân sủng khi được kiên trì
chịu thử thách và đau khổ.
Chắc chắn thư Phêrô được viết vào lúc Giáo hội
đang gặp bắt bớ ở nhiều nơi. Nhưng nếu cứ quay mặt nhìn vào Ðấng Mục tử chăn dắt
linh hồn chúng ta, thì chắc chắn lời khuyên kiên trì chịu thử thách kia vẫn thường
xuyên có giá trị. Vì nếu chúng ta phải dõi theo vết chân Người, thì vì Người là
người mục tử đích thực, đến giải phóng chiên, dẫn đầu đi trước và bỏ mạng mình
vì chiên, thì chiên nào cũng phải sẵn sàng trở thành Chiên Vượt qua. Và có như
vậy mới được lãnh nhận sản nghiệp Lời Hứa dành cho chúng ta từ đời đời.
Nói gì xa xôi, giờ đây tham dự Thánh Lễ là hướng
nhìn về Ðấng chăn dắt linh hồn chúng ta. Người sẽ tỏ ra là Mục tử đích thực và
tốt lành, đi trước chúng ta trong mầu nhiệm Tử nạn để trở thành Cửa chiên đưa
chúng ta vào kho tàng ơn thiêng và sự sống dồi dào trong Thiên Chúa. Cử hành mầu
nhiệm này nơi bàn thờ lẽ nào chúng ta lại không sẵn sàng tiếp nối trong đời sống
để nỗ lực phấn đấu xây dựng cuộc đời thánh thiện hơn?
Hôm nay, ngày Ơn Thiên Triệu, hiểu hơn về Người Mục
tử chân thật, ý thức hơn về vai trò của Người trong đời sống chúng ta, ai lại
không khát khao nhìn thấy trong Giáo hội có nhiều kẻ bắt chước Người, tiếp nối
vai trò của Người để dẫn đưa chiên ra khỏi nơi khổ sở, đi đến chốn đầy sự sống
thảnh thơi? Chúng ta xin Chúa ban cho Giáo hội được thêm nhiều đấng chăn chiên
như vậy. Chúng ta cầu xin và giúp đỡ để các vị mục tử đảm đang thi hành sứ vụ
đi đầu và hy sinh. Chính chúng ta cũng phải theo dõi vết chân Ðấng chăn chiên tốt
để cả chiên mẹ chiên con trong Giáo hội làm thành một đàn chiên theo một Chúa
Chiên.
Xin Ðấng là Mục tử các linh hồn ban tinh thần để
chúng ta hết thảy là những chiên biết nghe tiếng Người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm A
Bài đọc: Acts
2:14a, 36-41; 1 Pet 2:20b-25; Jn 10:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao có thể phân biệt sự
thật từ sự gian tà?
Sống trong thế giới vàng thau lẫn lộn, không dễ gì
để phân biệt vàng khỏi thau, sự thật từ những sự gian trá, và người yêu mình thực
sự khỏi những người yêu vì lợi nhuận. Tuy vậy, nếu một người biết cẩn thận suy
nghĩ và học hỏi, vẫn có những cách giúp họ khỏi bị lẫn lộn. Vàng đã có lửa, sự
thật đã có những mặc khải của Đức Kitô, và người yêu thực sự cần có thời gian để
thử xem họ có kiên trung làm việc lành và chịu đựng gian khổ hay không.
Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta một số
những tiêu chuẩn để nhận ra sự thật từ sự gian tà, người yêu thương chúng ta thật
và những người chỉ lạm dụng để tiêu hủy chúng ta. Trong bài đọc I, Phêrô và các
tông đồ vạch ra cho dân chúng tại Jerusalem biết họ đã nhầm lẫn nghe theo những
nhà lãnh đạo gian dối của Thượng Hội Đồng để đóng đinh Đấng Thánh của Thiên
Chúa. Trong bài đọc II, tác giả Thư Phêrô I chỉ cho thấy người tín hữu thật là
người được ơn Thiên Chúa ban cho biết bắt chước gương Đức Kitô để làm việc
lành, chịu đau khổ, và kiên tâm chịu đựng đến cùng mà không báo thù, vì biết
Thiên Chúa sẽ phân xử cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ cho các tín hữu biết
người lãnh đạo thực sự là những người phải đi ngang qua Ngài để chăm sóc chiên;
tất cả những người đi lối khác đến với chiên đều là những kẻ trộm và kẻ cướp.
Người mục tử thật giúp chiên sống dồi dào; trong khi kẻ làm thuê chỉ tìm cách
tiêu diệt mạng sống của chiên.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng tôi phải làm gì?
1.1/ Con người đã phạm tội
khi tham dự vào việc đóng đinh Đức Kitô: Một trong những sứ điệp chính của
việc làm chứng cho Chúa Giêsu bởi các tông đồ là thuyết phục mọi người tin Ngài
chính là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa mà Lề Luật và Ngôn Sứ đã hằng nói tới.
Trong trình thuật của CVTĐ hôm nay, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn
tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh em miền Judah và tất cả những người đang
cư ngụ tại Jerusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói
đây. Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: “Đức Giêsu mà anh em đã treo
trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô."
1.2/ Hai điều kiện để được
hưởng ơn cứu độ: Còn gì đau đớn hơn khi hết thế hệ này đến thế hệ khác
mong đợi sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai, đến khi Ngài xuất hiện thì lại từ chối
và nhẫn tâm đối xử với Con Thiên Chúa còn thua kém một tên trộm cướp. Khi đã thấu
hiểu tội của mình, các người Do-thái đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng
các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?" Phêrô liệt
kê cho họ hai điều phải làm.
(1) Hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Kitô: Phép Rửa
mà Phêrô nói tới bao gồm hai phần chính: thứ nhất để được ơn tha tội, và thứ
hai để được lãnh nhận ân huệ của Chúa Thánh Thần. Hai điều này đã được Thiên
Chúa hứa từ ngàn xưa, và giờ đây được hiện thực trong con người Đức Kitô và
công cuộc cứu độ của Ngài. Phép Rửa này được ban cho mọi người ở mọi nơi, chứ
không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Israel mà thôi.
(2) Hãy tránh xa thế hệ gian tà: Nhìn lại cuộc đời
Đức Kitô và cách thức con người đối xử với Ngài, mở mắt cho chúng ta nhìn thấy
sự gian trá của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Chúng ta tự hỏi: Tại sao họ
không nhận ra những sự thật mà Chúa Giêsu mặc khải? Tại sao các môn đệ đã từng
được chứng kiến các phép lạ nhiệm mầu và tình yêu của Thầy Chí Thánh dành cho họ,
lại có thể nhẫn tâm phản bội, chối từ, và chạy trốn để Ngài phải đương đầu với
Cuộc Thương Khó một mình? Tại sao những người trong Thượng Hội Đồng, những con
người tự nhận kính sợ Thiên Chúa và thông biết Lề Luật lại có thể gian dối luận
tội Ngài phải chết như vậy? Tại sao nhà lãnh đạo tối cao như Philatô không đủ
can đảm để phóng thích Chúa Giêsu, dẫu biết rằng chỉ vì ghen tức mà họ tìm cách
giết Ngài?
Chúng ta không dám kết tội những người đương thời
với Chúa Giêsu, vì chúng ta sợ không dám trả lời cho câu hỏi: “Tại sao giờ đây
chúng ta đã thấu hiểu tình thương của Thiên Chúa, mà chúng ta vẫn tiếp tục phản
bội Ngài qua việc tiếp tục làm nô lệ cho tội lỗi?” Chúng ta chỉ biết đấm ngực
xét mình, và cố gắng tránh xa thế hệ gian tà bằng cách luyện tập và sống nhân đức
hơn.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo
Người.
2.1/ Hãy bắt chước Chúa
Giêsu kiên trung làm việc lành và chịu đau khổ: Ba điều quan trọng tác
giả khuyên các tín hữu phải bắt chước Đức Kitô.
(1) Làm việc lành: Nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô trên
dương thế, Ngài không gây một thiệt hại nào cho dân chúng. Trái lại, đi tới đâu
là Ngài thi ân giáng phúc tới đó: hết chữa bệnh, trừ quỉ, đến giảng dạy, mặc khải
và rao giảng Tin Mừng. Đến độ Ngài có thể thách thức những kẻ muốn ném đá Ngài:
Trong tất cả các việc Ta đã làm, đâu là việc các ngươi đã dựa vào để ném đá Ta?
(Jn 10:32). Ngài không chỉ làm việc lành cho những người cùng thời; nhưng còn
cho tất cả con người thuộc mọi thời đại đều được hưởng những công nghiệp của
Ngài qua các bí tích.
(2) Phải chịu đau khổ: Tuy không gây đau khổ cho
ai; nhưng hầu như mọi người đều gây đau khổ cho Ngài: Judah phản bội bán Thầy
chỉ có 30 đồng; Phêrô, tông đồ trưởng chối Ngài ba lần trong cuộc Thương Khó;
các tông đồ đều bỏ Ngài chạy trốn hết; những người trong Thượng Hội Đồng cáo
gian để buộc tội Ngài; quân lính vả mặt, chế giễu, nhổ nước bọt, đội cho Ngài
mão gai, đánh đòn, và đóng đinh Ngài trên Thập Giá; dân chúng đòi tha cho
Barabba, một tên cướp, thay vì Người đã chuộc tội cho mình; và tất cả mọi người
vẫn tiếp tục xúc phạm đến Ngài. Có thể nói được rằng không một ai trên đời này
chịu đau khổ nặng hơn Ngài, dù chẳng phạm tội chi cả.
(3) Kiên tâm chịu đựng: Dù bị phản bội, tra tấn,
nhục mạ, giết chết cách oan uổng, Chúa Giêsu vẫn không phản ứng, dù Ngài có uy
quyền để phạt chết tất cả những kẻ gây đau khổ cho Ngài. Tác giả thư Phêrô I diễn
tả sự chịu đựng của Chúa Giêsu: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu
đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.” Đức
Kitô có thể chịu đựng tất cả những bất công này là vì Ngài biết chắc Thiên Chúa
sẽ dành cho Ngài phần chiến thắng. Tác giả kêu gọi các tín hữu noi gương Đức
Kitô, vì “anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế.” Tuy nhiên, việc noi
gương Đức Kitô để làm cả ba điều này là điều không dễ dàng. Ai làm được cả ba
điều này là do ơn Thiên Chúa ban, và họ chắc chắn sẽ cùng được chiến thắng và
thống trị với Đức Kitô.
2.2/ Lý do phải bắt chước
Đức Kitô: Có ít nhất hai lý do khiến chúng ta phải bắt chước gương Đức
Kitô kiên trung làm việc lành và chịu đau khổ.
(1) Vì chúng ta đã được hưởng hiệu quả những hy
sinh của Đức Kitô: Tác giả viết: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào
thân thể mà đưa lên cây thập giá... Vì Người phải mang những vết thương mà anh
em đã được chữa lành.” Nếu đã được hưởng những hiệu quả của cuộc Thương Khó và
cái chết của Chúa, khi đến lượt chúng ta phải hy sinh cho tha nhân, chúng ta
cũng phải làm như vậy để sinh lợi ích cho tha nhân.
(2) Sau khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc
đời công chính: Đức Kitô không chỉ chết cho tội của chúng ta, nhưng Ngài còn
ban ơn thánh đầy đủ qua các bí-tích để chúng ta có thể sống cuộc đời công chính
và nhân đức. Khi sống cuộc đời công chính, chúng ta sẽ không còn làm nô lệ cho
tội nữa, mà thực sự sống tự do theo sự thúc đẩy của Thánh Thần. Nếu chúng ta
không để ý tới khía cạnh phải sống nhân đức, chúng ta sẽ dễ dàng quay trở về với
nếp sống cũ. Vì thế, tác giả khuyên: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con
chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.”
3/ Phúc Âm: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Trình thuật cho ta hai dấu chính để nhận ra ai là
người chăn chiên thật.
3.1/ Phải đi qua cửa chuồng
chiên: Cửa là dấu chỉ cho người có được quyền được vào hay không. Người
vào qua cửa mà vào là mục tử; người leo qua lối khác vào là kẻ trộm hay kẻ cướp.
Phong tục của người Do-thái có hai cách để giữ chiên ban đêm: Nếu ở xa làng mạc,
người mục tử sẽ kiếm những hang đá chỉ có một lối ra vào để lùa chiên vào đó,
và người mục tử sẽ nằm ngủ ngay giữa cửa. Ai vào bắt chiên sẽ phải đi ngang qua
anh. Nếu ở gần làng mạc, họ sẽ mang chiên tới gởi ở một nơi chung, và có người
giữ cửa cho vào. Người giữ cửa biết rõ ai là mục tử và số chiên anh có.
Chúa Giêsu tự nhận Ngài là Cửa chuồng chiên: ai
qua Ngài mà vào là người mục tử thật; ai không qua Ngài mà vào, là kẻ trộm kẻ
cướp. Có ít nhất hai cách hiểu những lời này. Thứ nhất, ai nhân Danh Ngài mà
chăn chiên, là mục tử thật; ngược lại là kẻ trộm cắp. Thứ hai, ai dạy những đạo
lý của Ngài là mục tử thật; ai dạy những đạo lý của mình hay của người khác là
mục tử giả hiệu.
3.2/ Phải lo cho tính mạng
của đoàn chiên: Dấu hiệu thứ nhất không đủ để nhận ra người mục tử tốt
lành, vì có những mục tử nhân danh Chúa vào cửa để tìm chiên không phải để lo
cho tính mạng của chiên, nhưng là để tìm lông chiên và thịt chiên. Điều này đã
được Thiên Chúa cảnh giác nhiều lần trong sách ngôn sứ Ezekiel.
Nghề chăn chiên bên Palestine rất khó và hao mòn sức
lực, vì đồng cỏ và suối nước không có nhiều. Nếu người mục tử muốn cho chiên mạnh
khỏe, anh phải chịu khó đi xa để tìm đồng cỏ màu mỡ và suối nước trong lành.
Bên cạnh đó, địa thế cao nguyên của Palestine rất hiểm trở vì có nhiều núi đá dựng
đứng, nếu trượt chân rớt xuống vực là mất mạng, bên cạnh đó, người chăn chiên
còn phải bảo vệ đàn chiên mình khỏi nanh vuốt chó sói và tay của những kẻ trộm
cướp.
Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài
đến để làm cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài đi tìm con chiên lạc, băng
bó con bị thương, vỗ béo con gầy còm... Người mục tử chăm sóc phần hồn cho các
tín hữu cũng phải noi gương Chúa Giêsu khi chăm sóc các tín hữu. Họ không thể
chỉ để ý đến lông chiên, thịt chiên; nhưng phải lo lắng đi tìm các tín hữu đã bỏ
đạo lâu năm, chữa lành những tâm hồn đau thương dập nát, và làm cho các tín hữu
luôn sốt sắng trong việc thờ phượng và giữ đạo.
Tuy người mục tử đã làm hết cách để chăn chiên,
thái độ của con chiên cần thiết cho sự chăm sóc và bảo vệ. Thái độ cần thiết nhất
của chiên là phải nhận ra tiếng của chủ mình và đừng đi theo người lạ hay đi
hoang, vì chủ chiên không thể bảo vệ những con chiên như thế. Thứ đến, chiên
cũng cần biết tuân giữ những mệnh lệnh của chủ, chứ đừng chỉ làm theo ý mình;
vì chiên chưa đủ khả năng để tự chăm sóc mình, và nhận ra những gì cần thiết
cho cuộc đời mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy cố gắng học hỏi Kinh Thánh để nhận
ra sự thật và tránh xa sự giả trá. Nếu không học hỏi Kinh Thánh, chúng ta sẽ
không bao giờ có thể nhận ra sự gian trá của thế gian.
- Chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô để kiên trung
làm việc lành và chịu đau khổ cho tha nhân, để họ cũng được hưởng ơn cứu độ như
Ngài đã làm cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Ngày cầu nguyện cho
ơn thiên triệu Ga 10,1-10
THẬP GIÁ, CĂN CƯỚC
KI-TÔ HỮU
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà
vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.”
(Ga 10,1)
Suy niệm: Các ki-tô hữu thời đế quốc Rô-ma
bị bách hại đã dùng dấu hiệu con cá để nhận diện nhau. Những ai không biết mật
hiệu ấy ắt hẳn không thuộc cộng đoàn mà có thể là “kẻ trộm, kẻ cướp.” Ngày nay,
các nhân viên khi đến cơ quan làm việc phải xuất trình thẻ căn cước để xác nhận
mình thuộc về công ty, chứ không phải là kẻ gian phi đến để phá hoại. Căn cước
một người thuộc về Đức Ki-tô không nằm ở tấm thẻ bên ngoài mà ở chính cuộc sống
của họ được đóng dấu ấn thập giá, khi họ đi qua cánh cửa là Đức Ki-tô, đó là dấu
ấn của người mục tử đích thực “liều mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
Mời Bạn: Giữa
lòng thế giới hôm nay, trước những quan niệm thế tục về cuộc sống con người;
thay vì Thiên Chúa, người ta tôn thờ tiền bạc, quyền lực, lạc thú; nhiều lúc
chúng ta cũng đã hoang mang, có khi chao đảo: Đâu là dấu hiệu thuộc về Đức
Ki-tô một cách đích thực? Phải chăng lắm khi bạn đang để “kẻ trộm, kẻ cướp” -là
những gì không mang dấu ấn thập giá của Đức Ki-tô- đột nhập vào cuộc sống của bạn,
của gia đình, cộng đoàn bạn? Bạn nhớ, dấu ấn ki-tô hữu chính là thập giá Chúa
Ki-tô.
Chia sẻ: Có
khi nào bạn để mình bị “ăn trộm” mất căn tính ki-tô hữu của mình chưa? Bạn làm
thế nào để lấy lại?
Sống Lời Chúa: Chọn thực
hiện một giá trị Tin Mừng để sống đúng căn tính kitô hữu của mình.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa Giê-su, Chúa đã đến, để cho mọi người được sống và sống dồi dào. Xin
cho con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Chúa, và để cho Lời Chúa dẫn
dắt cuộc đời con.
(5 phút Lời Chúa)
TÔI ĐẾN ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG (7.5.2017 – Chúa nhật 4 Phục sinh, Năm A - Chúa nhật Chúa Chiên Lành)
Giáo Hội thiếu ơn gọi là do lỗi của mỗi người chúng ta. Cần phải cầu nguyện và cũng cần phải canh tân cuộc sống.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Gioan,
Ðức Giêsu thường ví mình
với điều cụ thể:
“Tôi là bánh, là Ánh
Sáng, là Ðường...”
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, Ngài ví mình như Mục tử.
Người mục tử chân chính
đi qua cửa mà vào chuồng chiên.
Anh gọi chiên của anh
bằng một tiếng gọi riêng,
chiên nhận ra tiếng của
anh và đi theo.
Còn mục tử giả hiệu thì
trèo tường mà vào chuồng.
Chiên không theo anh ta,
nhưng sợ hãi chạy trốn,
vì chúng không nhận biết
tiếng người lạ.
Ðức Giêsu gọi những mục
tử giả hiệu là trộm cướp.
Họ chỉ đến để giết hại và
phá hủy đàn chiên.
Còn Ngài đến để chiên
được sống, và sống dồi dào.
Giữa chiên và Ngài có một
mối dây thân thiết:
“Tôi biết chiên tôi và
chiên tôi biết tôi.”
Chiên đã trở thành điều
vô cùng quý giá đối với Ngài,
đến nỗi Ngài dám hy sinh
mạng sống mình cho chúng.
Giáo Hội muốn đặc biệt
dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh,
để cầu nguyện cho ơn gọi
linh mục, tu sĩ.
Ðây là vấn đề sống còn
của Giáo Hội.
Nhiều nơi trên thế giới
đang thiếu linh mục trầm trọng,
nhiều nhà thờ phải giao
cho giáo dân coi sóc.
Cũng có những dòng tu
phải đóng cửa cơ sở của mình
vì không có lớp người trẻ
kế tục.
Giáo Hội hôm nay cũng như
mai ngày
vẫn cần đến sự hướng dẫn
của các mục tử
để đoàn chiên được sống
trong đồng cỏ xanh tươi.
Giáo Hội vẫn cần đến các
tu sĩ sống đời thánh hiến,
để thế giới hiểu được thế
nào là tình yêu,
thấy được những thực tại
vô hình,
và vươn lên khỏi cái tự
nhiên, bình thường, hợp lý.
Ðược làm Kitô hữu là một
ơn gọi của Thiên Chúa.
Mọi Kitô hữu đều có nhiệm
vụ làm chứng cho Tin Mừng,
nhưng một số người được
mời gọi đặc biệt
để dấn thân cách trọn vẹn
hơn cho Nước Chúa
và bắt chước Ðức Giêsu
tận căn hơn.
Chúng ta băn khoăn trước
câu hỏi
tại sao Giáo Hội hôm nay
thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Vì đời tu không hấp dẫn
người trẻ?
Vì bầu khí của thời đại:
thực dụng, hưởng thụ,
Mất cảm thức về đức tin,
xa lạ với Thiên Chúa?
Hay vì chúng ta chưa có
can đảm để cổ võ ơn gọi?
Trong sứ điệp năm 1996 về
ơn gọi,
Chân phước - giáo hoàng
Gioan Phaolô II đã nhắc đến việc phải chăm lo cho mảnh đất
nơi hạt giống ơn gọi được
nảy mầm và lớn lên.
Mảnh đất đó là cộng đoàn
giáo phận và giáo xứ.
Ngài đã phác họa những
nét chính của cộng đoàn này như sau:
Một cộng đoàn biết lắng
nghe Lời Chúa.
Khi đã quen nghe tiếng
Chúa trong Thánh Kinh,
người trẻ sẽ dễ nghe được
tiếng Chúa mời gọi
vang lên từ sâu thẳm của
con tim mình.
Một cộng đoàn biết chuyên
tâm cầu nguyện,
dành ưu tiên cho đời sống
tâm linh,
coi trọng việc cầu nguyện
riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa.
Chỉ trong bầu khí trầm
lặng của cầu nguyện,
người trẻ mới dám đáp lại
tiếng Chúa kêu mời,
quên mình để phục vụ cho
lợi ích của tha nhân.
Một cộng đoàn biết hăng
say làm việc tông đồ,
khao khát làm cho muôn
dân trở thành môn đệ Chúa.
Từ đó những bạn trẻ quảng
đại sẽ được thúc đẩy
dâng trọn đời mình để làm
cho Chúa Kitô được nhận biết.
Một cộng đoàn quan tâm
phục vụ người nghèo,
chọn đứng về phía những
người khổ đau, túng thiếu.
Cộng đoàn này sẽ sản sinh
những bạn trẻ
biết phục vụ vô vị lợi và
hiến thân vô điều kiện.
Như thế ơn gọi chỉ nảy nở
từ vùng đất màu mỡ.
Nó là hoa trái của một
Giáo Hội đầy sức sống.
Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ
cho nhiều ơn gọi.
Nhiều ơn gọi sẽ làm cho
Giáo Hội mạnh hơn.
Giới trẻ hôm nay không
thiếu lòng quảng đại,
không thiếu lý tưởng và
những ước mơ cao cả.
Họ cần có ai đó giúp họ
gặp được Ðức Giêsu,
say mê con người Ngài,
và chia sẻ nỗi bận tâm
của Ngài về thế giới.
Họ cần có ai đó giúp họ
nghe được tiếng kêu
của bao người đói khát
chân lý và công lý,
giúp họ cảm nhận được bổn
phận lớn lao
là xây dựng trái đất
thành mái ấm yêu thương.
Giới trẻ cần những người
thầy, người bạn
dám sống điều mình tin
giữa muôn vàn khó khăn
và giúp họ đứng vững
trước cơn lốc của cám dỗ.
Giáo Hội thiếu ơn gọi là
do lỗi của mỗi người chúng ta.
Cần phải cầu nguyện
và cũng cần phải canh tân
cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con
những linh mục
có trái tim thuộc trọn về
Chúa,
nên cũng thuộc trọn về
con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng
tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và
từng người,
nhất là những ai nghèo
khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết
với Chúa
để các ngài giới thiệu
Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con
bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình
Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say
mê con người,
hy sinh đời mình để bảo
vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn
Sống thật.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG NĂM
Chúng Ta Kiếm Tìm Sự
Tự Do Đích Thực
Mùa Phục Sinh là mùa cử
hành một cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta cảm
nhận Đức Kitô Phục Sinh là một thực tại. Cử hành mùa Phục Sinh cũng chính là
múc lấy nguồn sức sống vô giá cho mỗi người trẻ bước đi trong cuộc đời. Đức
Giêsu khai mở cho ta nhìn thấy tương lai của mình và Người mời gọi chúng ta đón
nhận tiếng gọi của Người bằng con mắt đức tin. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta gặp
gỡ sự tự do đích thực; vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài cho
con người và cứu độ con người.
Thiên Chúa cứu chúng
ta ra khỏi sự điêu vong, khỏi sự chết, khỏi tình cảnh thất vọng, khỏi những xáo
trộn ngổn ngang, khỏi vòng cương tỏa của sự dữ.
Đức Kitô Phục Sinh đem
ta về với sự thật và sự sống sung mãn bằng con đường vượt thắng tội lỗi. đó
chính là sự tự do đích thực. Đức Kitô trở thành nền móng của sự tự do mới mẻ
này. Mỗi bạn trẻ đã từng biết Đức Kitô đều được mời gọi sống triệt để sự tự do ấy
bằng cả tâm hồn.
Các bạn trẻ không thể
tiếp tục lãnh đạm với những giá trị lớn lao này – những giá trị mà định mệnh của
nhân loại tùy thuộc vào đó. Các bạn trẻ không thể thụ động đối với xã hội hay đối
với chính mình. Một khi người trẻ nhận hiểu được sự tự do đích thực, việc nhận
hiểu đó sẽ đặt ra cho họ trách nhiệm và thôi thúc họ trao ban ý nghĩa đích thực
cho mọi hành động của mình. Tự do không phải là một món đồ vật để có thể bị liệng
bỏ đi – như rất nhiều thứ bị liệng bỏ đi trong xã hội tiêu thụ của chúng ta hôm
nay. Đó là một đảm nhận có tính nền tảng, một tiếng gọi thúc bách chúng ta sống
hết mình cho sự thật.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07 – 5
Chúa Nhật IV Phục
Sinh
(Chúa Nhật Chúa
Chiên Lành)
Cầu cho ơn thiên
triệu linh mục và tu sĩ
Cv 2, 14a.36-41;
1Pr 2, 20b-25; Ga 10, 1-10.
LỜI SUY NIỆM: “Tôi bảo thật
các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp;
nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.
Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
Trong ngày lễ Chúa Nhật
Chúa Chiên Lành, Giáo Hội cho chúng ta biết được: Chúa Giêsu là cửa để “chiên
ra vào” Dẫn đưa vào sự sống: “gặp được đồng cỏ”
Lạy Chúa Giêsu. Trong
cuộc sống của mỗi người chúng con chứng kiến biết bao cánh cửa, ngăn cách và dẫn
đưa con người vào đường tội lỗi và sự chết. Xin Chúa thương ban cho chúng con
được ơn bước vào cửa ràn chiên của Chúa để chúng con được sống và sống đồi dào.
Mạnh Phương
07 Tháng Năm
Truyền Giáo
Một buổi tối nọ,
viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia
đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu
chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì
cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm
được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một
luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào
đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa
chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy
một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc
ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được
nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh
tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến
Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc
đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than
van rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld
nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình
giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng
sao?
Nghĩ thế, anh bèn
quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô
đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối
cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống
với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu
cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang
cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống
của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất
cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho
Chúa.
Có những nhà truyền
giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô
Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện
và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền
giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm
thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.
Âm thầm hiện diện.
Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo
mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy
sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét