Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

01-04-2017 : THỨ BẢY - TUẦN IV MÙA CHAY

01/04/2017
Thứ bảy đầu tháng, tuần 4 Mùa Chay


Bài Ðọc I: Gr 11, 18-20
"Con như chiên con hiền lành bị đem đi giết".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: "Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến tên nó nữa".
Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 7, 2-3. 9bc-10. 11-12
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài, xin cứu con khỏi mọi người đang lùng bắt, và xin giải thoát thân con, kẻo có người như sư tử chộp bắt hồn con, xé nát ra mà không ai cứu gỡ. - Ðáp.
2) Xin minh xét cho con, thân lạy Chúa, theo sự công chính và vô tội ở nơi con. Nguyện cho chấm dứt sự độc dữ kẻ ác nhân, và xin Ngài củng cố người hiền đức, khi Ngài lục soát tâm can, ôi Chúa công minh. - Ðáp.
3) Thuẫn che thân con là Thiên Chúa, Ðấng cứu độ những kẻ lòng ngay. Thiên Chúa là vị công minh thẩm phán, và Thiên Chúa hăm doạ hằng ngày. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".

Phúc Âm: Ga 7, 40-53
"Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: "Ông này thật là tiên tri". Kẻ khác nói: "Ông này thật là Ðấng Kitô". Người khác nữa lại nói: "Ðấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Ðavit, và từ làng Bêlem, quê hương của Ðavit?" Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: "Tại sao các ngươi không điệu nó tới?" Các người thừa hành thưa rằng: "Chẳng hề có ai nói như người ấy". Các người biệt phái trả lời rằng: "Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật". Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: "Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?" Nhưng họ trả lời rằng: "Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa". Sau đó ai về nhà nấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðón nhận sự thật
Những người chống đối Chúa Giêsu kiên quyết bảo vệ lập trường sai lầm của mình. Họ tự hào rằng mình am hiểu Kinh Thánh, rằng mình thông thạo lề luật, và họ khư khư căn cứ vào sự hiểu biết của họ để mô tả hình ảnh của một Chúa Kitô theo trí tưởng tượng của họ và kết quả là họ đã không gặp được Ngài.
Nhóm người tán thành Chúa Giêsu thì ứng xử theo lối khác. Họ lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói, quan sát những việc Chúa Giêsu làm. Họ thấy cả những lời nói và việc làm này có một sự thật, một tình thương, một sức giải phóng tâm hồn. Thế là họ tin vào Người, họ không lý luận bằng chữ nghĩa, họ chỉ nghe ngóng với con tim. Lời lẽ của họ thật là đơn sơ: "Ông này là vị ngôn sứ. Ông này là Ðấng Kitô". Người ta có thể nói rằng hãy nhắm mắt lại để thấy, hãy bịt tai lại để nghe. Quả thật, có nhiều điều chúng ta chỉ có thể thấy được, nghe được, hiểu được bằng cách vượt lên khỏi lối nhìn, lối nghe và lối hiểu thông thường dựa vào hình tướng bên ngoài.
Lạy Chúa, lắm lúc con cũng thường đánh giá mọi chuyện dựa theo cái vỏ bên ngoài của chúng và giải thích chúng dựa theo những kiến thức tôn giáo xã hội mà mình thụ đắc được, những lúc đó, con tưởng mình đã nắm gọn chân lý trên tay và con lớn tiếng phê phán chỉ trích đủ điều, con không ngờ rằng nhiều lúc mình chỉ như gã mù xem voi. Mù vì thiên kiến hẹp hòi, mù vì kiêu căng tự mãn, mù vì những ghen ghét giận hờn. Làm nô lệ cho những tật xấu, những tội lỗi, những mù quáng tinh thần này, con không thể nào gặp được Chúa. Xin Chúa cho con biết đón nhận sự thật với tâm hồn đơn sơ và một con tim đổi mới, cởi mở. Xin ban cho con Thánh Thần Chúa, thanh tẩy con với mọi tội lỗi, giúp con thoát khỏi mọi sự mù quáng để nhận ra Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần IV MC
Bài đọcJer 11:18-20; Jn 7:40-53.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải suy xét trước khi buộc tội người công chính.
Khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho được mọi lý do để có thể buộc tội người đó: gây mâu thuẫn cá nhân hay các nhóm, tìm người làm chứng gian, cắt nghĩa sai luật lệ; nhưng không bao giờ tiết lộ lý do chính của việc buộc tội.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những người định bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các thượng tế và kinh sư thi hành âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Ngài. Một mặt họ gởi các vệ binh đi bắt Chúa Giêsu, một mặt họ tìm cách chia rẽ để kéo dân về phía họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Âm mưu để giết tiên-tri Jeremiah.
1.1/ Âm mưu của bọn ác nhân: Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tiên tri phải nói những gì Thiên Chúa truyền cho ông nói. Tiên tri tố cáo tội ác của nhà Judah và hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn phác họa một âm mưu để thủ tiêu Jeremiah. Họ bảo nhau: "Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!" Mục đích của họ là để khỏi phải nghe những lời tố cáo của tiên tri, và phi tang nhân chứng để tiếp tục con đường gian ác của họ.
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa: Nhưng kẻ thù của tiên tri Jeremiah đã không biết uy quyền của Thiên Chúa, Đấng gởi tiên tri đi. Ngài không những cho Jeremiah biết âm mưu của chúng, mà còn dùng Vua Babylon như cây roi để đánh phạt họ và đem đi lưu đày.
Tiên tri Jeremiah tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, và cầu xin: “Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.”
Con người phải rất cẩn thận khi tố cáo những người được Thiên Chúa sai tới, vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời, và Thiên Chúa sẽ xét xử phân minh cho họ.
2/ Phúc Âm: Âm mưu giết Đức Kitô:
2.1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do chính yếu họ muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa Giêsu và họ sẽ mất hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường thuật: Khi thấy dân chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó. Bấy giờ người Pharisees bảo nhau: "Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!" (Jn 12:19).
2.2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:
(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các thượng tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng bị hoang mang và chia rẽ:
- Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một ngôn-sứ. Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả!”
- Khi thấy kẻ khác cho: "Ông này là Đấng Kitô." Họ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?" Sự thật Kinh Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt được mục đích khi thánh-sử Gioan tường thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.”
(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisees. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Đây là phản ứng có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không biết nhiều về Lề Luật và Kinh Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về các thượng tế và kinh-sư. Họ có lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên, nên chưa có thành kiến với Ngài.
(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây ông đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người (Exo 23:1, Deut 1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án không thể kết án họ khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo tiến trình này khi buộc tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để làm chứng cho Ngài, khi ông phải đối diện với sự tức giận của họ.
(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa Giêsu, nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo Ngài. Họ tức giận:
- Với các vệ binh: Họ mắng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người khác cũng phải hành động như họ.
- Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Luật của các Rabbi có 6 điều ngăn cấm trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ, không tin vào lời chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ làm cha nuôi của những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái, và không đi chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen” không biết Lề Luật, nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục đích của họ!
- Với Nicodemus: Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Galilee sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta thường để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý đến việc giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.
- Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng ta đừng bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì chúng ta sẽ phải trả giá máu của họ đổ ra.
- Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự thật; cho dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới giải thóat con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

01/04/2017 - THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53
BÊNH VỰC CHÚA

Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy.” (Ga 7,45-46)
Suy niệm: Trong tác phẩm “Chuyện Tử Tế”, nhà văn Trần Văn Thủy đã có một nhận xét sâu sắc như sau: trong thời chiến tranh, cảnh sống, đi lại, suy nghĩ của người nghèo là đề tài phim ảnh, phóng sự. Nhưng khi đã bình ổn, người nghèo bị biến mất trên phim ảnh, không ai nhớ tới họ, chẳng ai bênh vực họ. Chúa Giê-su từng bị dân Do Thái lãng quên như thế; thậm chí họ còn tìm cách bắt giết Ngài. Thế nhưng, vẫn còn một số người yêu chuộng sự thật, bênh vực Chúa Giê-su. Những vệ binh và ông Ni-cô-đê-mô, mỗi người một cách, lên tiếng bênh vực Chúa trước đám đông quyền lực đang tìm cách hại Chúa. Các vệ binh làm chứng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”; ông Ni-cô-đê-mô viện dẫn luật Mô-sê: không được kết án ai mà không có chứng cứ. Dù những lời bênh vực của họ không làm thay đổi lòng dạ độc dữ của những người có quyền, nhưng họ minh chứng lòng mến Chúa và sự thật.
Mời Bạn: Có bao giờ bạn lên tiếng bênh vực Chúa và Giáo Hội chưa? Có bao giờ bạn bênh vực các linh mục, các tín hữu đang đảm trách công việc trong giáo xứ của bạn chưa? Thay vì trách móc, bạn hãy bênh vực Chúa, bênh vực Hội Thánh và anh chị em tín hữu.
Sống Lời Chúa: Nói những lời khích lệ với lòng biết ơn hoặc lên tiếng bênh vực Chúa và Hội Thánh.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết tôn trọng sự thật, cam đảm bênh vực Chúa và Hội Thánh, nhất là biết bênh vực những người cô thế cô thân.
(5 Phút Lời Chúa)

Ông này là Đng Kitô (1.4.2017 – Th by Tun 4 Mùa Chay)
 Xin Chúa cho ta hn nhiên như các v binh, và can đm nói s tht như ông Nicôđêmô.


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô
vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.
Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).
Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu.
Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng
đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).
Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15).
Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).
Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,
còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).
Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.
Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.
Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).
Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,
chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.
“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).
Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.
Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.
Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế.
Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,
Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.
Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,
nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).
Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.
Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.
Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).
Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17).
Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.
Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.
Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:
“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).
Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê.
Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25).
Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.
Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.
Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô.
Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.
Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,
và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.
Cầu nguyn:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TƯ
Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn
Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?
Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.
Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.
Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01 – 4
Gr 11, 18-20; Ga 7, 40-53.

LỜI SUY NIỆM: “Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao?
Dân chúng khi đã chứng kiến mọi việc Chúa Giêsu làm, và nghe những giáo huấn của Người; với cung cách sống của Người đã đưa đến những tranh luận về nguồn gốc của Người; với những liên quan đến nguồn gốc của Đấng Kitô mà người ta đang mong đợi. Điều này ngày hôm nay mỗi người chúng ta nhờ có Giáo Hội, nhờ có các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân, giúp mỗi người trong chúng ta nhận ra Chúa Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Thiên Chúa Thật, và là Đấng Cứu Độ duy nhất của mỗi người và của toàn thể nhân loại, cũng như toàn thể các thụ tạo khác, đã được Chúa Cha tạo dựng với ơn ban của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con luôn học biết về Chúa để đời sống đức tin của chúng con ngày càng trưởng thành hơn trong việc thờ phượng Chúa và phục vụ lẫn nhau, đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bị loại bỏ ra bên ngoài lề xã hội.
Mạnh Phương


01 Tháng Tư
Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con
Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình... Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn... Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.
Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.
Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 7:40-53
Thứ Bảy, 1 Tháng 4, 2017


Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay                             




1.  Lời nguyện mở đầu



Lạy Chúa, là Thiên Chúa toàn năng,

Khi đám đông dân chúng gặp gỡ Con Chúa,

Người đã trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ:

Người ảnh hưởng đến đời sống của họ

Cách này hay cách khác.

Nguyện xin cho chúng con chấp nhận Người hoàn toàn

Và dọn sẵn sàng chính mình để dành chỗ cho Người

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng con, ngay cả khi đau khổ.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con, rằng với Người

Chúng con có thể luôn tìm kiếm và làm theo ý Chúa.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.    



2.  Phúc Âm – Gioan 7:40-53



Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng:  “Ông này thật là tiên tri”.  Kẻ khác nói:  “Ông này thật là Đấng Kitô”.  Người khác nữa lại nói:  “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao?  Nào Kinh Thánh chẳng nói:  Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavít, và từ làng Bêlem, quê hương của Đavít?”  Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người.

Trong số đó, có một ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người.  Vậy khi những người thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng:  “Tại sao các ngươi không điệu nó tới?”  Các người thừa hành thưa rằng:  “Chẳng hề có ai nói như người ấy”.  Các người biệt phái trả lời rằng:  “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao?  Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu?  Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”.

Nicôđêmô là người đã tới gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng:  “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?”  Nhưng họ trả lời rằng:  “Hay ông cũng là người Galilêa?  Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”.  Sau đó ai về nhà nấy.



3.  Suy Niệm



-  Trong chương 7, thánh Gioan khẳng định rằng đã có những ý kiến khác nhau và có nhiều hoang mang trong dân chúng về Chúa Giêsu.  Những họ hàng thân thích đã nghĩ một đàng (Ga 7:2-5), dân chúng lại nghĩ đàng khác (Ga 7:12).  Một số người nói rằng:  “Ông này thật là tiên tri!” (Ga 7:40).  Kẻ khác lại nói:  “Ông ta mê hoặc dân chúng!” (Ga 7:12).  Một số người ca ngợi:  “Ông ấy là một người tốt!” (Ga 7:12).  Kẻ khác nữa lại chỉ trích Người:  “Ông này đã không được giáo dục, đã không học hành gì cả!” (Ga 7:15).  Nhiều ý kiến.  Mỗi người đều có lý lẽ riêng của mình, trích từ Kinh Thánh hay từ Truyền Thống.  Nhưng không ai nhớ đến Người Tôi Tớ Thiên Sai, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12; 61:1-2).  Ngày nay cũng thế, có nhiều cuộc thảo luận về tôn giáo, và tất cả mọi người đều trích Kinh Thánh để biện minh cho lý lẽ của mình.  Như trong quá khứ, việc tương tự cũng xảy ra ngày nay, nó xảy ra nhiều lần đến nỗi mà những kẻ bé mọn đã bị đánh lừa bởi những bài thuyết giảng của những người cao trọng, và thỉnh thoảng, thậm chí bởi những bài thuyết giảng của những người thuộc về Giáo Hội nữa.   

-  Ga 7:40-44:  Sự hoang mang trong dân chúng.  Phản ứng của dân chúng thì rất đa dạng.  Có người thì nói:  Ông này thật là tiên tri.  Kẻ khác nói:  Ông này thật là Đấng Thiên Sai; Đấng Kitô.  Những người khác nữa cho rằng:  Ông này không thể là Đấng Cứu Thế được vì Đấng Cứu Thế xuất thân bởi dòng dõi Đavít, và từ làng Bêlem, và ông này xuất thân từ Galilêa!  Những ý kiến khác nhau về Đấng Thiên Sai tạo ra sự chia rẽ và tranh cãi. Có một số kẻ định bắt Người, tống giam Người, nhưng họ không dám ra tay.  Có lẽ vì họ sợ dân chúng (xem Mt 14:2).

-  Ga 7:45-49:  Lập luận của kẻ cầm quyền.  Trước đây, đứng trước phản ứng của người dân thiên về Chúa Giêsu, người Biệt Phái đã sai vệ binh đi bắt Người (Ga 7:32).  Nhưng vệ binh trở về tay không.  Họ đã hết sức thán phục khi nghe người ta bảo nhau rất rõ ràng:  “Chẳng hề có ai nói như người ấy!”  Người Biệt Phái phản ứng lại:  “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao?”  Theo lời người Biệt Phái nói rằng:  “Đám tiện dân này không biết gì về Lề Luật” và để cho bản thân mình bị Chúa Giêsu lừa dối.  Điều đó như thể họ nói rằng:  “Không, chỉ có chúng ta, những thượng tế, là người khôn ngoan hơn và chúng ta không để cho mình bị mê hoặc!”  Và họ cho rằng dân chúng là “kẻ chết tiệt”!  Các giới chức tôn giáo thời ấy đã đối xử dân chúng hết sức khinh miệt.

-  Ga 7:50-52:  Lời bênh vực Chúa Giêsu của ông Nicôđêmô.  Trước lời lập luận ngu ngốc này, tính chân thật của ông Nicôđêmô nổi dậy và ông lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu:  “Chớ thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì không?”  Phản ứng của những người khác là họ cho rằng ông Nicôđêmô đang chế giễu họ:  “Nicôđêmô, ông cũng là người Galilêa sao?  Hãy đọc kỹ Kinh Thánh đi, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa!”  Họ chắc mẩm!  Cầm quyển sách của quá khứ, họ tự bảo vệ mình chống lại tương lai đang đến và quấy nhiễu họ.  Ngày nay, nhiều người vẫn tiếp tục làm điều tương tự.  Họ chỉ chấp nhận điều mới lạ nếu điều ấy hợp với ý tưởng riêng thuộc về quá khứ của họ.



4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân



-  Ngày nay, những ý kiến khác nhau mà mọi người có về Chúa Giêsu là gì?  Và trong cộng đoàn của bạn, có những ý kiến khác nhau gây ra hoang mang không? 

-  Có những người chỉ chấp nhận sự mới lạ mà thuận với ý tưởng của họ và thuộc về quá khứ.  Còn bạn thì sao?



5.  Lời nguyện kết



Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con

Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết mọi lỗi lầm

Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

(Tv 51:1-2)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét