Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

26-03-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm A

26/03/2017
Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A
(phần I)


Bài Ðọc I: Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a
"Ðavit được xức dầu làm vua Israel".
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: "Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua".
Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: "Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?" Và Chúa phán cùng Samuel: "Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn". Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: "Chúa không chọn ai trong những người này". Samuel nói tiếp: "Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?" Isai đáp: "Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên". Samuel nói với Isai: "Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về". Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: "Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó". Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 5, 8-14
"Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi thế, thiên hạ nói: "Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết, và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống".

Phúc Âm: Ga 9, 1-41 (bài dài)
"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy". Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết".
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một tiên tri".
Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy". Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó".
Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi". Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy". Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến". Anh đáp: "Ðó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù". Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói "Chúng tôi xem thấy", nên tội các ngươi vẫn còn".
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa" (chữ Silôe có nghĩa là được sai)". Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn". Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây".
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một Tiên tri". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Con cái sự sáng
Bài Thánh thư và bài Tin Mừng cho phép ta nếu muốn, có thể gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Ánh Sáng; nhưng như vậy phải tách riêng bài sách Samuel. Và cũng là dịp để ta thấy: không tất nhiên các bài đọc bao giờ cũng phải chung một đề tài. Tuy nhiên Phụng vụ luôn có chủ ý khi chọn những bài đọc khác nhau. Như hôm nay, đang Mùa Chay, cần giáo huấn tân tòng và tín hữu, Phụng vụ có thể đề xuất nhiều đề tài khác nhau để tiến hành việc giáo huấn mau lẹ và đầy đủ hơn. Chúng ta thử nắm hết các lời giáo huấn trong Chúa nhật này.

A. Bài Sách Samuel
Samuel được sai đi xức dầu phong vương cho Ðavít. Câu truyện đơn sơ, dễ hiểu và có vẻ thuộc loại văn lịch sử. Nhưng trong Kinh Thánh, nhất là trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhiều khi "vẻ" văn lịch sử chưa chắc đã là văn sử. Người xưa thích kể chuyện khi dạy dỗ. Ở đây có lẽ cũng thế. Tác giả kể việc xức dầu phong vương cho Ðavít thật rõ ràng. Cả nhà Ðavít đều chứng kiến. Thế mà ở đoạn sau đó, tức chương 17,28 sách 1Samuel lại cho ta thấy Eliab, người anh cả của Ðavít, lại cư xử với em như với một đứa nhỏ chẳng có giá trị gì. Rồi trong 2Samuel đoạn 2,4 và 5,3 lại nói đến việc xức dầu cho Ðavít làm vua Yuđa và Israel như đã không biết gì về việc Samuel đã xức dầu cho Ðavít. Như vậy nếu coi bài đọc chúng ta vừa nghe như một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện lịch sử, mượn câu chuyện lịch sử Ðavít đã được xức dầu làm vua một lần nào đó (và việc này có thật) để đưa ra một lời dạy dỗ, thì ý của tác giả thánh thế nào?
Ông muốn nói rằng: Ðavít đã được một tiên tri xức dầu làm vua. Vương quyền Ðavít nhận được có ơn tiên tri. Uy quyền của ông bởi Thiên Chúa. Vua Israel là người được Thiên Chúa chọn, là đấng xức dầu của Người, là người được Thần trí Chúa hướng dẫn. Như vậy, trong lịch sử Dân Chúa sẽ có một sự tiếp nối liên tục giữa thời các Thẩm phán và thời các Hoàng đế. Các hoàng đế tuy làm vua nhưng cũng được như các thẩm phán, là những bậc được Chúa chọn để ban Thần trí hầu cứu dân trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của lịch sử. Nói tóm lại, Ðavít được nhà tiên tri xức dầu làm vua, thì vua Ðavít sẽ có Thần trí của Thiên Chúa hướng dẫn và ngài sẽ cứu thế, cứu dân.
Do đó Phụng vụ Mùa Chay thật có lý để dùng bài Cựu Ước này. Ðức Kitô Con Vua Ðavít, là Ðấng đã được xức dầu, thì cũng là Ðấng Cứu Thế. Và nếu được phép suy nghĩ tỉ mỉ hơn nữa, dường như Phụng vụ còn muốn nói thêm: như Ðavít là em út trong nhà, có bộ mặt khôi ngô sáng sủa đã được chọn một cách chẳng ai ngờ, thì Ðức Kitô cũng sẽ cứu thế theo phương thức chẳng ai đoán được. Người sẽ sống khiêm nhu, bé nhỏ và sẽ chết trên Thập giá. Nhưng nhìn vào sự thánh thiện trong sáng của Người, muôn dân đã thấy bừng lên ơn cứu độ.
Một bài học như thế đáng cho chúng ta, tín hữu cũng như tân tòng, suy nghĩ trong Mùa Chay và suốt cả cuộc đời. Chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên Tri và là Cứu Thế. Và chúng ta hãy xem trong bài Tin Mừng hôm nay Người đã cứu thế cách nào?

B. Bài Tin Mừng
Người là Ðấng, như Chúa nhật trước đã cho ta biết, lấy công việc làm theo Ý Ðấng đã sai Người, làm lương thực hàng ngày. Hôm nay Người cũng khẳng định như thế, và nói bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào các việc của Ðấng đã sai chúng ta (c.4). Hiện giờ thì còn là ngày, vì "khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian" (c.5).
Và sự sáng thì phải soi sáng. Vậy có một người mù từ thuở mới sinh đang đứng đó. Môn đồ không hiểu vì sao có sự kiện ấy. Còn Ðức Kitô ý thức mình là sự sáng, nên thấy ngay đây là công việc Chúa Cha gửi đến cho mình. Người chữa anh ta khỏi.
Câu truyện có thể đến đó là xong. Nó đã đủ để chứng minh: Ðức Kitô là sự sáng. Nhưng khốn nỗi, không những Người là sự sáng nhưng còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian; khiến Yoan phải viết thêm: thế gian đón nhận sự sáng ấy như thế nào? Và đó là ý nghĩa của phần còn khá dài trong bài Tin Mừng hôm nay.
Phần này quảng diễn một khẳng định mà Yoan đã viết ngay ở đầu cuốn Tin Mừng của người: sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sáng (1,5). Quả thật, việc Ðức Yêsu mở mắt người mù đã như ánh sáng bùng lên trước mặt mọi người. Ai ai cũng bàn tán hỏi nhau (c.8), chẳng làm sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi... nhưng đã không triệt được sự sáng. Rõ ràng Yoan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, như thế, còn nói lên mầu nhiệm Chúa sống lại của Phụng vụ ngày Chúa nhật và của đích điểm Mùa Chay Thánh.
Chưa hết! Tác giả Yoan còn tiếp tục. Người mù bị các Biệt phái tống cổ ra ngoài. Ðức Yêsu được tin. Người đi tìm anh ta, ban cho anh ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Ðúng như lời Chúa nói: "Ta đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù".
Tác giả Yoan muốn cảnh tỉnh chúng ta đó. Công việc của Thiên Chúa đã hiện tỏ (c.3); mầu nhiệm Phục sinh đã sáng rực. Ai khiêm cung sẽ được soi sáng; còn ai tự phụ sẽ lại đui mù.
Như thế bài Tin Mừng cũng là một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện. Ðoạn văn trong sách 1 Samuel đã cho chúng ta thấy Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên tri, là Cứu thế. Bản Tin Mừng Yoan nói thêm: Người đã đến trong thế gian như sự sáng, mà tối tăm không triệt được, để ai mù được thấy, ai sáng sẽ mù; để ai tin Con Người thì được rỗi (c.35) và ai không tin sẽ còn nguyên tội lỗi.
Riêng chúng ta đã tin Chúa rồi thì thế nào?

C. Bài Thánh Thư
Thánh Phaolô đáp: "Xưa kia anh em là tối tăm nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng; anh em hãy đi đứng như con cái sự sáng. Mà hoa quả của sự sáng là mọi việc nhân lành, công chính và chân thật".
Những lời ấy đủ để đưa hết thảy chúng ta đi vào con đường của sự sáng. Nhưng không biết chúng ta có nên khiêm tốn hơn không và thú nhận có lẽ mình cũng còn cần phải được soi sáng? Câu cuối cùng trong bài thư Phaolô có vẻ gợi lên điều đó. Và tác giả khuyên chúng ta hãy đứng lên để được Ðức Kitô chiếu soi.
Kìa xem người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban thêm ơn đức tin. Anh ta đã biết nói sự thật với tất cả mọi người, và dần dần biết biện phân phải trái, khiến các Biệt phái phải bực tức thốt ra lời thú nhận tự ti mặc cảm.
Chúng ta cũng sẽ tăng thêm giá trị cho chúng ta khi chúng ta để Người chiếu soi. Mà Người thường làm công việc này qua Sách Thánh, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua cả việc học tập và suy nghĩ trong yên lặng vì con người có học mới sáng, và có sáng mới làm được những công việc nhân lành, công chính và chân thật.
Như vậy, chúng ta hãy đến xin Ðức Kitô soi sáng cho chúng ta không những trong Thánh lễ này, mà còn trong mọi lúc chúng ta suy nghĩ, học hành, đọc sách vở và nhất là Sách Thánh.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Mùa ChayNăm A
Bài đọc: 1 Sam 16:1b, 6-7, 10-13a; Eph 5:8-14; Jn 9:1-41 (9:1, 6-9, 13-17, 34-38).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ánh sáng và bóng tối, nhìn thấy và đui mù
Có mắt nhìn không có nghĩa là nhìn thấy, vì có rất nhiều những việc xảy ra chung quanh mà con người có mắt vẫn mù lòa không thấy. Chẳng hạn, biết bao nhiêu kỳ công của Thiên Chúa phơi bày trước mắt con người, mà nhiều người vẫn không nhận ra sự hiện hữu của Ngài và tin vào Ngài. Hay vì biết bao công ơn và tình yêu của cha mẹ dành cho mà một người mới có được như hôm nay, thế mà họ vẫn chẳng nhận ra để rồi tiếp tục sống vô ơn như mọi sự tự nhiên có.
Các bài đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc biết nhận ra và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Samuel thứ nhất tường thuật sự kiện Thiên Chúa chọn David làm vua. Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn bên trong và coi nhẹ những vóc dáng bên ngoài; ngược lại, ngôn sứ Samuel coi trọng vóc dáng bên ngoài vì không thấy được những đức tính cao đẹp trong tâm hồn. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô phải sống đời sống mới trong Đức Kitô, vì ngài không chỉ nhìn thấy những tai hại của nếp sống cũ mang lại, mà còn nhìn thấy những lợi ích của đời sống mới khi họ chịu để cho Lời của Đức Kitô hướng dẫn cuộc đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan không chỉ tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh; nhưng còn tường thuật tiến trình đức tin trong việc anh nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng niềm tin nơi Ngài. Ngược lại với tiến trình của anh là diễn tiến dần dần trở nên đui mù của những kẻ tự nhận họ sáng mắt và biết Lề Luật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.
1.1/ Samuel tuy là ngôn sứ nhưng ông chỉ biết đánh giá theo dáng vẻ bên ngoài: Khi Đức Chúa đã truất phế vị vua đầu tiên của Do-thái là Saul, Ngài sai ngôn sứ Samuel chuẩn bị sẵn dầu đến Bethlehem, vào nhà ông Jesse, vì Ngài muốn chọn một trong những người con trai của ông này làm vua. Khi ông Jesse cho dẫn ra người con cả, Samuel nghĩ đấy là người Đức Chúa muốn xức dầu tấn phong, vì Eliab vừa là con cả, vừa có dáng bộ to lớn của ông vua; nhưng Đức Chúa cho Samuel biết không hội đủ điều kiện để làm vua theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Ngài nói với Samuel: "Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng." Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuel, nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: "Đức Chúa không chọn những người này."
1.2/ Thiên Chúa chọn và thần khí Đức Chúa nhập vào David: Samuel hỏi ông Jesse: "Các con ông có mặt đầy đủ chưa?" Ông Jesse trả lời: "Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên." Ông Samuel liền nói với ông Jesse: "Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây."
David vừa là đứa con út vừa không có bộ vó của một ông vua như Saul. Nếu xét theo tiêu chuẩn của con người, David không xứng đáng làm vua; nhưng Đức Chúa đã chọn và xức dầu tấn phong cậu. Tại sao? Trước tiên để cho mọi người thấy đó là việc làm của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người. Ngài có thể biết một trẻ yếu ớt theo tiêu chuẩn con người thành một vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử của Do-thái. Thứ hai, tiêu chuẩn làm vua của Do-thái phải là người biết kính sợ Thiên Chúa và lo lắng cho dân được an cư lạc nghiệp, Đức Chúa đã nhìn thấy những nét đẹp này nơi tâm hồn của David mà người đời không thấy được.
2/ Bài đọc II: Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!
2.1/ Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Ephesô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa.” Ngài có ý muốn nói khi các tín hữu lãnh nhận bí-tích Rửa Tội, là họ đoạn tuyệt với mọi bóng tối của cuộc sống cũ với những thói quen xấu xa và đam mê bất chính của nó; để mặc lấy Đức Kitô là ánh sáng và sự thật. Họ không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn phải thực hành những gì Ngài dạy để trở nên những con cái của ánh sáng, những người luôn biết làm những gì chân thật, biết sống công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Để có thể thực hiện những điều này, họ phải dứt hẳn ngay cả việc nói tới những tội lỗi cũ, vì nó tạo cơ hội cho họ trở về với nếp sống cũ.
2.2/ Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi: Thánh Phaolô liệt kê một số công dụng của ánh sáng và đồng hóa ánh sáng với Đức Kitô.
(1) Ánh sáng phơi bày mọi chỗ tăm tối: Ánh sáng chiếu tỏa đến đâu là bóng tối bị xua tan đến đó. Tất cả những khuyết điểm, xấu xa, tội lỗi chỉ có thể bị vạch trần nhờ ánh sáng. Người ta chỉ có thể đánh lừa người khác hay phạm tội trong những nơi tối tăm hay dưới ánh đèn mờ.
(2) Khi được phơi bày, mọi tội lỗi sẽ mất đi: “Bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng.” Bao lâu con người còn ở trong bóng tối, tội lỗi còn thống trị con người; nhưng nếu con người có can đảm đi ra khỏi bóng tối và sống trong ánh sáng, con người sẽ từ bỏ tội lỗi, biết sống thánh thiện, và trở thành con cái của ánh sáng. Những người phạm tội thích ở trong bóng tối để ánh sáng không phơi bày tội lỗi của họ; nhưng những người ghét tội thích ở trong ánh sáng để những việc lành của họ được tỏ lộ ra (Jn 3:20-21).
(3) Đức Kitô là ánh sáng cho con người: Khi chịu phép Rửa Tội, con người được trao cho cây nến sáng và được dặn: “Hãy mang lấy ánh sáng của Đức Kitô.” Vì thế, Ngôi Lời là ánh sáng thật soi chiếu trần gian, như lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Ánh sáng đồng nghĩa với Lời Chúa, nếu một người chịu để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời và sống như vậy, họ sẽ ra khỏi chốn tối tăm và bước vào ánh sáng; nhưng nếu con người không chịu để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời, họ sẽ ngủ mê trong bóng tối, tử thần sẽ hướng dẫn và cướp đi cuộc đời của họ.
3/ Phúc Âm: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!"
3.1/ Người mù được Chúa Giêsu chữa cho nhìn thấy cách thể lý: Truyền thống Do-thái đồng hóa bệnh tật với tội lỗi (Jer 31:29-30), đó là lý do các môn đệ hỏi Người, khi họ nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"
Chúa Giêsu trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” Ngài không bác bỏ sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt; nhưng Ngài muốn nói tới những trường hợp người chịu bệnh là lý do để mọi người nhìn thấy công trình của Thiên Chúa và tin vào Ngài.
Rồi Ngài nói tiếp: “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." Có hai tư tưởng quan trọng Chúa Giêsu mặc khải trong câu này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian như Ngài đã nói ở nhiều nơi (Jn 1:4-9, 3:19-21, 5:35, 8:12, 9:5, 11:9-10, 12:35-36, 46), để họ nhìn thấy và tin vào Ngài. Thứ hai, mỗi người đều được Thiên Chúa ấn định cho một thời gian để làm việc cho Ngài, Chúa Giêsu cũng vậy. Tất cả mọi người phải làm việc của Thiên Chúa khi còn có thể, một khi đã mãn hạn, có muốn làm nữa cũng không làm được. Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa". Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
3.2/ Người mù được soi sáng trong hành trình đức tin: Một điều làm Tin Mừng Gioan khác với Tin Mừng Nhất Lãm là Gioan không chỉ tường trình phép lạ; nhưng còn để ý đến những phản ứng của con người khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm. Trong trình thuật hôm nay, có hai phản ứng trái ngược nhau: phản ứng gia tăng đức tin của anh mù được sáng, từ chỗ không biết đến chỗ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu; và phản ứng của những người Pharisees, từ chỗ sáng mắt đến chỗ phủ nhận phép lạ và gọi Chúa Giêsu là người tội lỗi.
(1) Người mù được sáng không biết Chúa Giêsu là ai trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu lẫn lộn. Có 3 phản ứng khi nhìn thấy anh mù lần đầu tiên được sáng: Phản ứng thứ nhất của những người hoài nghi, họ nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" Phản ứng thứ hai của những người xác quyết, họ nói: "Chính hắn đó!" Phản ứng thứ ba của những người phủ nhận, họ nói: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!"
Còn chính anh mù được sáng thì quả quyết: "Chính tôi đây!" Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?" Anh ta trả lời: "Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: "Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."
(2) Người mù được sáng tuyên xưng Chúa Giêsu là ngôn sứ trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu mù: Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisees. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sabbath. Vậy, các người Pharisees hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy."
Có một cuộc tranh luận xảy ra giữa họ về việc chữa bệnh trong ngày Sabbath và uy quyền của người chữa bệnh. Trong nhóm Pharisees, có người nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbath." Kẻ khác vặn lại: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh mù được sáng chắc chắn đã nghe cuộc tranh luận của họ, và cũng tự suy nghĩ về người đã làm ơn cho mình, anh tuyên xưng: "Người là một vị ngôn sứ!"
(3) Người mù được soi sáng phần trí tuệ để nhận ra Chúa Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà đến trong khi những kẻ sáng mắt và làm thầy dạy kết tội Chúa Giêsu là người tội lỗi.
Có một sự kiện khác thường xảy ra là những người Pharisees điều tra cha mẹ của anh mù. Chúng ta thử tìm hiểu tại sao họ làm như thế? Có thể họ không tin anh đã mù thật và muốn lấy lời chứng từ cha mẹ anh. Điều này cha mẹ anh đã làm chứng: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." Có thể họ muốn biết về người chữa bệnh cho anh. Điều này cha mẹ anh không trả lời, có thể vì họ không biết hay vì sợ, như Gioan chú thích: “Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” Sự kiện người Do-thái trục xuất các Kitô hữu ra khỏi hội đường chỉ xảy ra trong công đồng Jamnia, vào năm 90AD. Nhiều học giả cho trình thuật điều tra cha mẹ anh được thêm vào sau này.
A. Những người tự nhận mình là bậc thầy của thiên hạ vì tự ái kết tội Chúa Giêsu là người tội lỗi. Tuy đã nhận được lời chứng từ cha mẹ anh, họ vẫn không tin. Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." Rồi họ lại hỏi anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?" Anh mù được sáng bắt đầu bực mình vì họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi một câu, anh châm biếm họ có lẽ cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng. Họ mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Moses. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Moses; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến." Và họ hạ nhục anh: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.
B. Anh mù được sáng dùng lý luận để nhận ra Chúa Giêsu phải đến từ Thiên Chúa: Anh mù được sáng đưa ra một sự kiện mà không ai có thể phủ nhận được: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" Rồi anh chất vấn uy quyền làm thầy dạy của họ: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." Anh không biết Lề Luật vì mù, nhưng anh không mất khả năng suy tư. Anh nhận ra lời cáo buộc của họ về người làm ơn cho anh là điều không đúng, và anh nhận ra Ngài phải đến từ Thiên Chúa.
(4) Người mù được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu trong khi những người sáng mắt trở nên đui mù.
A. Người mù được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu: Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi Người gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
Chúng ta có thể hiểu phần nào tâm trạng của anh: bị mù từ lúc mới sinh nay được chữa sáng, không một ai chia sẻ nỗi vui mừng với anh; trái lại, anh còn phải trải qua hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác, và sau cùng họ trục xuất anh khỏi hội đường. Chỉ một Người không chỉ chữa lành cho anh, nhưng còn đón nhận anh khi mọi người ruồng bỏ. Làm sao anh lại không tin nhận Người ấy!
B. Những người sáng mắt trở nên đui mù cách thể lý: Những người Pharisees có mắt mà không nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm thì cũng như mù vậy. Hơn nữa, họ còn được Chúa Giêsu nhắc nhở: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!" Nhưng vì kiêu ngạo và tự ái, họ còn tự biện bác: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" Đức Giêsu bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy," nên tội các ông vẫn còn!" Họ tuy không nhìn thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, nhưng đã có lời của hai nhân chứng, và theo Lề Luật, lời của hai nhân chứng đủ để cho họ tin. Hơn nữa, nếu họ chịu suy nghĩ đến ngọn nguồn như anh mù được sáng, họ cũng sẽ nhận ra Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa; nhưng họ để cho tính kiêu ngạo và tự ái làm mù mắt của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy tập nhìn và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Để được như thế, chúng ta phải để cho Lời Chúa soi sáng và thấm nhập tâm hồn.
- Khi chứng kiến những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm nơi tha nhân, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận đến ngọn nguồn để nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải. Đừng bao giờ để những tự ái, ghen tị, và lợi nhuận thống trị, để rồi chúng ta từ chối luôn cả những gì Thiên Chúa thực hiện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Ga 9,1-41

MỞ ĐÔI MẮT ĐỨC TIN


Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù.” (Ga 9,39)

Suy niệm: Với tình yêu kiên nhẫn, cô Anne Sullival đã giúp cho bé Helen Keller vừa bị mù vừa câm điếc vượt lên số phận cách kiên cường. Không chỉ biết đọc biết viết, Helen Keller đã tốt nghiệp đại học và trở thành giáo sư sử dụng được năm thứ tiếng. Chúa Giê-su không những cho anh mù bẩm sinh nhìn thấy bằng đôi mắt giác quan, Ngài còn mở cho anh đôi mắt đức tin nữa. Chúng ta cùng học kinh nghiệm sống đức tin của anh: - anh có cảm nghiệm sâu đậm về một lần gặp Chúa Giê-su và được Ngài chữa lành (8-11); - dù chỉ đơn thương độc mã, anh vẫn mạnh mẽ bảo vệ niềm tin vào Chúa Giê-su (13-17) và làm chứng về Ngài bằng một lập luận vững chắc (30-33); - lẽ sống của anh bây giờ chính là TIN Chúa Giê-su, cho dù có bị bách hại, kể cả bị cha mẹ bỏ rơi (18-34); - và đôi mắt đức tin của anh được mở hoàn toàn khi anh tuyên nhận Đức Giê-su và sấp mình thờ lạy Ngài (37).

Mời Bạn: Xin Chúa mở cho chúng ta đôi mắt đức tin để chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân từ, Ngài đang hiện diện, bao bọc và làm trong chúng ta những việc kỳ diệu. Để nhờ đó chúng ta luôn biết sống tin tưởng và phó thác nơi Người, nhất là những lúc ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm.

Chia sẻ một cảm nghiệm gặp gỡ Chúa trong đời sống của mình.

Sống Lời Chúa: Tập nhìn thấy Chúa trong công việc và trong mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin mở lòng con để con hiểu ý Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa, xin mở tai con để con nghe lời Chúa và xin mở miệng con để con nói Lời Chúa cho mọi người.
(5 phút lời Chúa)

THY LÀ ÁNH SÁNG TH GIAN (26.3.2017 – Chúa nht 4 Mùa Chay, Năm A)
Chúng ta ai cũng s b mù, nhưng lm khi ta li t làm cho mình nên mù lòa, khi không chp nhn thc tế v bn thân, khi né tránh s tht và không mun nghe ai.


Suy nim:
Ðức Giêsu đã chữa một người mù từ lúc mới sinh,
một người lớn lên trong bóng đêm dầy đặc.
Ngài cho anh được thấy ánh mặt trời lần đầu tiên,
thấy khuôn mặt của những người thân thuộc.
Nhưng quan trọng hơn, anh đã thấy và tin vào Ðức Giêsu,
Ðấng là Ánh Sáng của thế giới.
Sau khi được sáng mắt,
anh đã bước vào một cuộc hành trình đức tin đầy cam go.
Lúc đầu, Ðức Giêsu chỉ là một người mà anh không rõ.
Sau đó, anh dám khẳng định trước mặt mọi người
Ngài là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến.
Cuối cùng, anh đã sấp mình để bày tỏ lòng tin vào Ngài.
Ðức tin của anh lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.
Ngược với thái độ hồn nhiên và bình an của anh
là thái độ bối rối bất an của giới lãnh đạo.
Họ cứ hỏi đi hỏi lại về cách thức anh được chữa lành.
Cha mẹ của anh cũng được điều tra cẩn thận.
Trước những lập luận vững vàng của anh,
họ chỉ biết chê anh là dốt nát và tội lỗi.
Dựa vào một quan niệm hẹp hòi về việc giữ ngày sa bát,
họ khẳng định Ðức Giêsu đã phạm tội khi chữa bệnh,
tuy họ vẫn không hiểu tại sao một người tội lỗi
lại có thể mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo không muốn coi Ðức Giêsu
là người của Thiên Chúa,
vì điều đó đòi họ phải thay đổi lối nghĩ và lối sống đạo,
thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông,
nhất là đòi họ phải tin và theo Ngài.
Họ tự hào mình hiểu biết và đạo đức.
Chính niềm tự hào này đã khiến họ khép lại,
không có can đảm chấp nhận mình sai lầm,
và cố chấp ở lại trong bóng tối.
Mù không phải là một tội.
Cố ý không muốn thấy mới là tội đáng kể.
Chúng ta ai cũng sợ bị mù,
nhưng lắm khi ta lại tự làm cho mình nên mù lòa,
khi không chấp nhận thực tế về bản thân,
khi né tránh sự thật và không muốn nghe ai.
Như những người mù xem voi,
mỗi người chúng ta chỉ thấy một phần của thực tại,
một phần nhỏ của chân lý.
Cần khiêm tốn để nhận mình mù,
mù về chính mình, mù về lãnh vực mình thông thạo,
vì điều mình biết chỉ là phần nổi của tảng băng,
vì con voi không giống như cái cột nhà hay cái quạt.
Thay vì cãi nhau do có cái nhìn khác nhau,
chúng ta có thể bổ túc cho nhau,
để dần dần đến gần chân lý trọn vẹn.
Cầu nguyn:

Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG BA
Hãy Tung Hô Vạn Tuế Đức Vua
“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Vạn tuế trên các tầng trời.” Những lời ấy đã được nhiệt liệt hô vang bởi tất cả những người đến Giê-ru-sa-lem mừng đại lễ Vượt Qua. Những lời ấy vang lên – đặc biệt từ môi miệng trẻ em – khi đám đông chào đón Đức Giêsu vào thành mừng lễ. Vì thế, mối liên hệ giữa giới trẻ với biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cử hành của Giáo Hội vào Chúa Nhật Lễ Lá. Đức Giêsu vẫn tiếp tục kêu gọi các bạn trẻ của thời đại chúng ta. Người nói: “Hãy đến! Hãy chào mừng Ta là Vua và là Đức Chúa của các con”.
Chúng ta hãy hướng nhìn về Đức Kitô trong tinh thần này. Người là Đấng đã vào Giê-ru-sa-lem trên lưng lừa con, ứng nghiệm các lời ngôn sứ xưa. Các tông đồ đã trải áo choàng trên lưng lừa cho Đức Giêsu vào Thành Thánh. Và khi Người đến gần triền dốc chân núi Ô-liu, toàn thể đám đông – cả già lẫn trẻ – đã hoan hô nhiệt liệt. Họ “bắt đầu lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa vì những việc đầy quyền năng mà họ đã chứng kiến” (Lc 19,37).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26 – 3
Chúa Nhật IV Mùa Chay
1Sm 16, 1b.6-7.10-13a; Ep 5, 8-14; Ga 9, 1-41.

Lời suy niệm: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh. Được thánh Gioan dành trọn chương 9 để trình bày. Giúp cho mỗi người chúng ta thấy rõ sự quan tâm của của Chúa Giêsu: “Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh.” (c.1) Chúa Giêsu đánh tan quan niệm sai lạc của các Tông đồ về bệnh tật, liên đới với tội: “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được thể hiện nơi anh.” (c.3). Chúa Giêsu chữa lành với lòng tin của người mù: “Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa. Vậy anh ta đến rửa ở hồ,... và khi về thì nhìn thấy được.” (c.7) Và sau khi anh được sáng mắt thì đã xãy ra một phiên tòa, phiên tòa này muốn chối bỏ căn cước chính của anh mù, nhưng dưới ánh sáng sự thật và niềm tin của anh mù, anh nói : “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết; Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.” (c.30). Và cuối cùng Chúa Giêsu đã nói với những người Pharisêu: “Nếu các ông đui mù, thì các ông chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: Chúng tôi thấy; nên tội các ông vẫn còn” (c.41)
Lạy Chúa Giêsu. Con mắt của chúng con cũng có lắm lúc bị mù, mù vì danh lợi, mù vì ích kỷ, mù trước sự nghèo khó, bệnh tật của người anh em. Xin Chúa đến cứu chữa chúng con để chúng con nhìn thấy được những gì người anh em đang cần đến chúng con để chúng con biết mà phục vụ vì Chúa.
Mạnh Phương


26 Tháng Ba
Mua Nghĩa
Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quuân là tướng quốc nước Tề.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?". Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?". Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".
"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".
Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.
Ở đoạn 25 của Phúc Âm Thánh Matthêô, Chúa Giêsu nêu rõ lúc đó những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là:
- Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.
- Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.
- Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.
- Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.
- Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét