31/03/2017
Thứ sáu tuần 4 Mùa Chay.
Bài Ðọc I: Kn 2, 1a.
12-22
"Chúng ta hãy
kết án cho nó chết cách nhục nhã".
Trích sách Khôn Ngoan.
Những kẻ gian ác suy
nghĩ chín chắn, đã nói rằng: "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó
không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách
chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết Thiên Chúa
và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của chúng
ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống của
nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta như
rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó thích hạnh
phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha. Vậy chúng
ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy
đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con
Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối
nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại
không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì
người ta sẽ cứu nó!" Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của
chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên
Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa
thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 17-18.
19-20. 21 và 23
Ðáp: Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường (c. 19a).
Xướng: 1) Chúa ra mặt
chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu
và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
2) Chúa gần gũi những
kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập nát. Người hiền đức gặp
nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát. - Ðáp.
3) Ngài gìn giữ họ
xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu chữa linh hồn tôi
tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền
bồi tội lỗi. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Tv 94, 8ab
Hôm nay, các ngươi đừng
cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.
Phúc Âm: Ga 7, 1-2. 10.
25-30
"Chúng tìm cách
bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi
lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái
đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em
của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại
đi cách kín đáo.
Có một số người ở
Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta
đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận
ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ
đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".
Vậy lúc bấy giờ Chúa
Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các
ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực
ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì
Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu,
nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Do lai của Chúa.
Không ai trong chúng
ta đã chọn lựa được sinh ra; không ai trong chúng ta đã chọn lựa chủng tộc, cha
mẹ, dân tộc để sinh ra. Nếu được chọn lựa để sinh ra một lần nữa, có lẽ đa số
chúng ta sẽ chọn lựa cho mình một cuộc sống khác.
Thế nhưng, với Chúa
Giêsu thì không như thế. Ngài là người duy nhất trên trần gian đã chọn lựa cho
mình tất cả để sinh làm người. Ngài đã chọn một người mẹ, một nơi sinh và những
hoàn cảnh trong đó Ngài sẽ trưởng thành. Nếu phải chọn lại một lần nữa, có lẽ
Chúa Giêsu cũng sẽ không thay đổi cuộc sống ấy, một cuộc nghèo khổ, tăm tối. Dĩ
nhiên, chúng ta không thể hiểu được hoàn toàn tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa một
cuộc sống như thế.
Cuộc sống nào cũng là
một mầu nhiệm. Cuộc sống của Con Thiên Chúa làm người lại càng là một mầu nhiệm
đối với chúng ta hơn. Vào thời Chúa Giêsu, đa số những người Do Thái đều có một
suy nghĩ giống nhau về thân thế của Chúa Giêsu. Họ biết rõ Ngài là con bác thợ
mộc Yuse, và Mẹ Ngài là bà Maria. Họ cũng biết rõ từ Nazaret không bao giờ có
thể xuất phát một nhân vật tài ba nào cho dân tộc. Họ biết quá rõ về Ngài,
nhưng chỉ biết theo sự hiểu biết và phán đoán của con người mà thôi.
Qua các thời đại, nhiều
người đã tốn hao bút mực để viết về cuộc đời Chúa Giêsu. Đối với nhiều người,
Ngài có thể là một vĩ nhân, một con người ý thức mình có sứ mệnh đặc biệt.
Nhưng Ngài cũng chỉ là một người như mọi người, nghĩa là cũng sinh ra, sống một
thời gian rồi cũng qua đi như mọi người. Trong khi đó, đối với kitô hữu, Chúa
Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa. Họ tin ở lời Chúa như được ghi trong Tin Mừng
hôm nay: “Ta không tự mình mà đến, nhưng có Đấng sai Ta mà các ngươi không biết
Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài và Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”. Tin Chúa
Giêsu là Con Thiên Chúa làm người chính là biết nhìn xuyên qua cuộc sống lam lũ
tăm tối của Ngài để nhận ra quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Tin Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa cũng chính là nhận ra giá trị của cuộc sống âm thầm ấy như một
thể hiện của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Chọn lựa cuộc sống
nghèo hèn ấy và sau này tiếp tục sống thiết thân với những người cùng khổ bất hạnh,
Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho chúng ta thấy phẩm giá cao cả của con người. Dù
nghèo hèn đến đâu, mỗi người sinh ra trên đời cũng đều có giá trị cao cả bất khả
nhượng. Chọn lựa cuộc sống nghèo hèn và chấp nhận cái chết thê thảm nhất, Chúa
Giêsu cũng muốn nêu bật giá trị và ý nghĩa của cuộc sống con người. Cái nghèo
hèn trở nên sự giầu sang, cái mất mát trở thành lợi lộc, cái yếu đuối trở thành
sức mạnh mang lại sự sống.
Mùa chay, mùa của hoán
cải, chúng ta được mời gọi thay đổi trước tiên cái nhìn của chúng ta. Tin nhận
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận Ngài, là đi vào cái nhìn của
Ngài. Mùa chay là mùa quay trở lại với anh em. Ước gì cái nhìn của chúng ta đối
với anh em không dừng lại theo những tiêu chuẩn thông thường của người đời,
nhưng được mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung, tha thứ của Chúa. Ước
gì cái nhìn của chúng ta về cuộc sống không đóng khung trong những phán đoán
thông thường của người đời, nhưng được hướng dẫn bởi những tâm tình tin tưởng,
phó thác, lạc quan của chính Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần IV MC
Bài đọc: Wis
2:1, 12-22; Jn 7:1-2, 10, 25-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin thế nào sẽ
sống như vậy.
Nhu cầu học hỏi để biết
phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do: Tin thế nào sẽ thực hành như vậy. Nếu
một người biết đúng, người đó sẽ thực hành đúng; ngược lại, nếu người đó biết
sai hay không biết, làm sao người đó có thể hành động đúng được? Vì thế, con
người phải học hỏi và được dạy dỗ không ngừng để biết phân biệt phải, trái.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của việc biết sai về Thiên Chúa và về
Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phơi bày suy luận sai lầm
và hành động ác độc của những người không tin nơi Thiên Chúa và cuộc sống đời
sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính để thử xem đức tin của người công
chính có thắng vượt được những tra tấn dã man mà họ nghĩ ra! Trong Phúc Âm, vì
không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và cách cứu độ của Ngài, người Do-thái
tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin sai lầm về Thiên Chúa và về cuộc đời
1.1/ Niềm tin của những
người vô thần dẫn tới hành động ác độc của họ:
(1) Niềm tin sai lầm:
Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi
chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái,
niềm tin về đời sau của họ rất mơ hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban
cho những ai bước đi trong Lề Luật của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và
hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà
Maccabees (3rd tới 2nd BC), niềm tin vào sự sống
lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan cũng được viết trong
khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin chết là hết và không
có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải thóat người công chính và
trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.
(2) Hành động ác độc của
người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như vậy. Vì không tin đời sau, nên bao nỗ lực
của họ dành cả cho đời này. Họ ghét người công chính, không phải vì người công
chính làm hại họ, nhưng vì lối sống của những người công chính làm cho lương
tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ
làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố
cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu biết chính nhờ lương tâm cắn rứt, sẽ
giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà quay trở về với đàng ngay nẻo chính!
Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu, họ mất sức mạnh để ra ngòai ánh sáng.
Họ muốn tất cả mọi người
phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và bất an khi thấy có người nào sống
khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu
không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.
Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.” Đây là thái
độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ lạm dụng tự do ngôn luận để bắt ai
cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc kinh hay thinh lặng trước giờ học, bắt
tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình dục ở tuổi mới lớn, bắt người tin
Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống thuốc phá thai …
1.2/ Cần phải học cho biết
đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu biết
sai lầm và những hành động ác độc giữa con người với con người, tất cả đều cần
học biết về Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều trước
tiên con người phải nhận ra là có Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng và
quan phòng của Ngài trong vũ trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu biết Ngài
là ai và các ý định của Ngài khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý định cho con
người cả đời này và đời sau.
Con người cũng cần phải
học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa: Giữa Thiên Chúa và con người
có một sự khác biệt vô cùng, như tiên-tri Isaiah tuyên bố: tư tưởng và đường lối
của Ta không phải là tư tưởng và đường lối của các ngươi; như Trời cao hơn đất
thể nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy. Vì thế, để
thử xem có Thiên Chúa hay không bằng cách đánh đập những người công chính là
chuyện khôi hài. Ngài có kế họach riêng cho con người phải theo, và Ngài không
thay đổi kế họach đã có vì thách thức của con người.
Hơn nữa, ngay cả những
cực hình mà những người vô thần dùng để thử thách những người công chính cũng nằm
trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần thiết để con người chứng tỏ niềm tin
vào Ngài. Những người vô thần không chỉ thử thách Thiên Chúa, mà còn muốn nhìn
thấy sự thay đổi niềm tin của người công chính vì sợ cực hình, như lời họ nói:
“Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn
nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ
được Thiên Chúa viếng thăm."
2/ Phúc Âm: Niềm tin sai lầm về Đấng Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động
sai lầm.
2.1/ Niềm tin sai lầm vào
Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên của
người Do-thái là họ quá quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc
Thiên Chúa của Ngài. Điều sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh ra và
nơi Ngài lớn lên như trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số người
tuyên bố hôm nay chứng tỏ họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết
ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người
xuất thân từ đâu cả.” Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của Đấng
Thiên Sai: “Phần ngươi, hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị
tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh
Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5:1).
Hành động sai lầm: Vì
không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai, nên những
người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết Ngài, chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của
Người chưa đến.
2.2/ Cần học hỏi để biết
Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy
trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông
biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng
chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì
tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi." Hôm qua, chúng ta đã
nói về 5 chứng nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều
hơn 2 nhân chứng mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức
Kitô sẽ tiếp tục mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương
Khó, cái chết và sự sống lại của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kiến thức về Thiên
Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con người rất cần thiết
cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người. Nếu
chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ tin và làm
theo những gì chúng ta suy nghĩ.
- Tất cả những kiến thức
này đã được mặc khải và viết lại trong Kinh Thánh. Chúng ta cần bỏ thời gian để
học hỏi trước khi có thể thi hành Kế Họach Cứu Độ theo đường lối của Thiên
Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Ga 7,1-2.10.25-30
“XIN CHO CON BIẾT
CHÚA”
“Các ông biết tôi ư?
Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ?” (Ga 7,28)
Suy niệm: Từ chìa khóa trong
đoạn Tin Mừng này là động từ “biết”
được lặp lại cả thảy sáu lần. Trong Thánh Kinh, động từ biết vừa
có nghĩa là hiểu biết, nhận thức của lý trí, đồng thời, còn có nghĩa là kết
hiệp, thông hiệp nên một, như đôi vợ chồng “biết” nhau đến mức “mình
với ta tuy hai mà một,” như khi nói “A-đam
biết E-va vợ mình, và bà mang thai” (Kn 4,1). Những người
biệt phái, luật sĩ tưởng mình biết Đức Ki-tô, nhưng sự hiểu biết của họ hạn hẹp
ở nghĩa thông thường, chưa kể là họ biết sai về Chúa nữa. Chúa Giê-su nhắm đến
nghĩa sâu xa của sự hiểu biết khi nói: “Tôi, tôi biết Chúa Cha, bởi vì
tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (c. 29).
Mời Bạn: Chúng
ta có khi tự hào rằng mình đã biết Chúa nhiều; trong khi thật ra, sự hiểu biết
của chúng ta về Chúa còn hời hợt, nông cạn, và có khi hiểu sai nữa là đàng khác
nữa. Mùa Chay là “nhịp mạnh” của đời Ki-tô hữu để ta đào sâu
hơn sự hiểu biết Chúa, từ lý trí đến ý chí: từ nhận biết đến yêu mến, và để ta
kết hiệp nên một với Chúa bằng một tình yêu nồng nàn hơn, cao độ hơn.
Chia sẻ: Bạn
đã làm gì để tìm hiểu về giáo lý, Thánh Kinh
và những kiến thức đó giúp bạn hoán cải cuộc sống thế nào?
Sống Lời Chúa: Để
biết Chúa hơn, mến Chúa hơn, hôm nay tôi nghe, đọc, suy niệm Lời Chúa và kết
hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể với sự chú ý cầm trí và tâm tình sốt sắng.
Cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa,
xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa...” (Th. Âu-tinh). Xin cho
sự hiểu biết đưa con đến chỗ yêu mến, gắn bó với Chúa nhiều hơn, nhất là trong
Tuần Thương Khó sắp đến. Amen.
(5 phút lời Chúa)
Giờ của Người chưa đến (31.3.2017 – Thứ sáu Tuần 4 Mùa Chay)
Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu. Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.
Suy niệm:
Lễ Lều là một đại lễ hàng
năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.
Đây là một lễ rất vui,
kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36).
Mục đích chính là để tạ
ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,
và còn để nhớ lại tình
thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.
Lễ Lều là một lễ hội tưng
bừng và long trọng bậc nhất.
Những người tham dự cắm
trại trong các lều làm bằng cành lá,
được dựng trên mái nhà,
gần nhà hay ngoài đồng.
Mỗi buổi sáng có lễ rước
nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.
Mỗi tối, tiền đình phụ nữ
nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.
Đức Giêsu đã không muốn
bỏ qua lễ hội này,
dù lên Đền thờ Giêrusalem
bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,
vì người Do thái, nghĩa
là giới lãnh đạo Do thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.
Đức Giêsu đã chọn giải
pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).
Nhưng vào giữa kỳ lễ,
Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).
Đức Giêsu dám đối mặt với
thế lực đang đe dọa Ngài.
Ngài bình tĩnh giảng ngay
nơi Đền thờ,
trước những thượng tế,
những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Họ chẳng dám làm gì Ngài,
vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).
Xảy ra cuộc tranh luận
giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Chẳng có chút thiện cảm
nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.
Họ tin vào điều này một
cách vững chắc :
“Khi Đấng Kitô đến, chẳng
ai biết Người đến từ đâu” (c. 27).
Nguồn gốc của Đấng Kitô,
đối với họ, phải là một điều bí ẩn.
Họ không tin Đức Giêsu là
Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”
Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu
là dân vùng Nazareth,
làm nghề thợ mộc, sống
với cha mẹ là Giuse và Maria.
Tự hào về cái biết đúng
nhưng không đủ ấy của họ,
đã khiến họ ngừng lại nơi
nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.
Đức Giêsu thật là Đấng
Kitô.
Và đúng như dân
Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.
Đức Giêsu biết nguồn gốc
của mình.
Ngoài gốc nhân loại, Ngài
còn gốc thần linh, gốc từ trời.
Ngài không tự mình mà
đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.
Ngài xuất thân từ Thiên
Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).
Dân Giêrusalem không thấy
được trọn vẹn con người Đức Giêsu.
Họ đã giết Đấng Kitô đang
ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.
Làm sao tôi có thể nhận
ra Đức Kitô cao cả
đang ở bên những người
tầm thường tôi gặp mỗi ngày?
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự
sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy
vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu
thương,
từ chiến tranh đến hòa
bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Chân phước Têrêxa
Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BA
“Thầy Mà Lại Rửa
Chân Cho Con Ư?”
Việc cử hành bí tích của
Bữa Tiệc Ly gắn liền với việc rửa chân cho các tông đồ. “Đức Giêsu biết rằng:
Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp
trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi
áo ngoài ra, và lấy khă mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa
chân cho các môn đệ và lây khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,3-5).
Chính lúc ấy, Người gặp
phải sự phản kháng của Phê-rô. Phê-rô cương quyết từ chối, ông nói: “Ai đời Thầy
mà lại rửa chân cho con, không thể như vậy được !”
Trước đó, trình thuật
Tin Mừng cho thấy Phê-rô cũng đã nhiều lần phản kháng Đức Kitô tương tự như vậy.
Sau khi môn đệ này tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đức
Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn của Người. Thế là, Phê-rô lên tiếng phản đối,
ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16,22).
Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa hằng sống – thế sao Người có thể nói về cuộc khổ nạn và cái chết thập giá?
Thiên Chúa là Chủ Tể tối cao của mọi loài. Ngài là Chúa trời đất. Vậy, làm sao
Ngài lại có thể chịu thua con người? Làm sao con người có thể bắt Ngài phảûi chết?
Lần ấy, Đức Giêsu đã
nghiêm khắc quở mắng Phê-rô. Có lẽ Người đã không hề quở mắng ai khác một cách
nặng nề đến như thế.
Nhưng tại Bữa Tiệc Ly,
Đức Giêsu đã không quở mắng Phê-rô. Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở ông rằng “Nếu
Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8).
Và Phê-rô đồng ý để Thầy rửa chân cho mình.
Tại sao Phê-rô phản đối
Đức Giêsu khi Người báo trước cuộc khổ nạn và cái chết thập giá? Có lẽ bởi vì
ông đã nhận biết thần tính của Đức Kitô: “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa
hằng sống” (Mt 16,16).
Tuy nhiên, “không ai
biết Con ngoại trừ Cha” (Mt 11,27). Chính Chúa Cha mạc khải thần tính của Chúa
Con cho Phê-rô. Song đó cũng chính là lý do tại sao Phê-rô lập luận: Thầy là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, vậy cớ sao Thầy nói rằng Thầy sẽ bị xét xử và bị
giết chết bởi con người? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự
sao? Há Thiên Chúa không phải là Chủ Tể tuyệt đối của sự sống sao?
Và làm sao Con Thiên
Chúa hằng sống và là Chủ Tể mọi sự lại cư xử như một tôi tớ? Làm sao Người lại
có thể quì xuống trước mặt các tông đồ và rửa chân cho họ được? Làm sao Người lại
có thể quì xuống dưới chân Phê-rô được nhỉ?
Phê-rô đang cố bảo vệ
hình ảnh Thiên Chúa do … chính ông nghĩ ra!
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31 – 3
Kn 2, 1a.12-22; Ga
7, 1-2.10.25-30.
Lời suy niệm: “Các ông biết
tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu tự mình mà đến. Đấng đã sai
tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết
Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”
Theo niềm tin phổ quát
của người Do-thái là Đấng Mêsia xuất hiện một cách thình lình và không ai biết
Người và Người từ đâu đến. Mặc dầu trong Kinh Thánh có nói: “Phần ngươi, hỡi
Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là
nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,6). Trong lúc Người được
sinh ra họ chỉ biết trên con chữ, để trình báo cho vua Hêrôđê mà thôi, chứ
không đi tìm gặp. Để rồi họ chỉ biết Người là con bác thợ mộc ở làng Nadarét mà
thôi.
Lạy Chúa Giêsu. Trong
hiện tại các bậc cha mẹ Công Giáo đang quá chú trọng đến việc học hỏi văn hóa,
mà xem nhẹ việc học hỏi Giáo lý của con cái mình. Xin Chúa cho mọi phụ huynh ý
thức về việc học hỏi giáo lý của con cái mình hơn để con cái ngày càng trưởng
thành trong đức tin.
Mạnh Phương
31 Tháng Ba
Chọn Lựa
Ðời người là một
chuỗi những chọn lựa và quyết định. Có những quyết định liên quan đến người
khác. Có những chọn lựa thay đổi cả một đời người. Có lẽ quyết định nào cũng
làm cho chúng ta ray rứt, dằn vặt.
Một chủ nông trại nọ
thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại: Công việc xem ra thật
đơn giản: chỉ cần phân loại các loại củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn,
trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ... Sau một ngày làm việc, người
thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc: gương mặt của anh trông hốc hác và
thất sắc hẳn. Ðược hỏi lý do, anh giải thích như sau:: "Công việc của ông
giao phó không phải là một công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc
đó là phải chọn lựa".
Chọn lựa và quyết định
là cả một gánh nặng đối với con người, bởi vì không ai có thể làm điều đó thay
thế cho chúng ta cả. Chúng ta cần người khác chỉ bảo, chúng ta cần người khác
góp ý, nhưng quyết định vẫn là phần của chúng ta.
Thú vật dường như
không có chọn lựa vàquyết định. Tất cả đều được điều khiển bởi cái mà chúng ta
gọi là bản năng. Con chim có trhể làm được một cái tổ vô cùng tinh vi mà không
cần phải học hỏi, cũng như không sợ phải sai lầm. Trong khi đó thì khả năng tưởng
chừng như vô song, con người vẫn cứ phải rơi vào lầm lẫn này đến lầm lẫn nọ.
Lầm lẫn, nghi ngờ, bất
an, vô định là số phận của con người. Ðiều đó làm cho con người day dứt, khổ
đau, nhưng đồng thời cũng nói lên giá trị cao cả của con người. Chính vì những
giới hạn bất toàn của con người, mà con người càng cảm nhận được sự trợ giúp của
Thiên Chúa... Khi nhìn ngắm vũ trụ bao la, khi nhìn lại thân phận bé nhỏ yếu
hèn của mình, tác giả Thánh Vịnh thứ 8 đã phải thốt lên: "Lạy Chúa, con
người là chi màChúa phải bận tâm?".
Bé nhỏ trong vũ trụ, bất
toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là một con số vô
danh. Dưới ánh mắt yêu thương và hằng quan tâm của Thiên Chúa, mỗi một con người
là một giá trị độc nhất vô nhị, là đối tượng của một tình yêu độc nhất.
Chúa Giêsu đã đến
trong trần gian để nói với chúng ta điều đó: Hai con chim sẻ không đáng giá một
hào, vậy mà không một con nào rơi xuống đất theo ý Cha cả, huống chi là con người.
Thiên Chúa đã yêu
thương con người: đó là lý do khiến chúng ta phải luôn đặt tất cả tin tưởng vào
Ngài... Nhưng mò mẫm và lầm lỗi trong cuộc sống chỉ là những nẻo quanh co,
nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ đưa chúng ta đến thành công, bởi vì Thiên Chúa yêu
thương chúng ta và không ngừng dẫn dắt chúng ta.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan
7:1-2,10,25-30
Thứ Sáu, 31 Tháng 3, 2017
Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa và là Cha của chúng con,
Chúng con nhận mình là con cái của Chúa,
Những người biết rằng Chúa yêu thương chúng con,
Và Chúa kêu gọi chúng con sống đời sống của Đức Giêsu, Con Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm
Để sống cuộc sống này trước sau như một,
Không phải để khoe khoang, không phải để quở trách người khác,
Mà chỉ vì chúng con biết rằng
Chúa là Cha của chúng con
Và chúng con là con cái của Chúa,
là anh chị em của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc
Âm – Gioan 7:1-2, 10, 25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ
Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người.
Lúc đó, gần đến lễ Trại của người Do Thái.
Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không
đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói:
“Đây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa, ông ta đang nói công khai mà không ai
nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách
đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô? Tuy
nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết
Người bởi đâu”. Vậy lúc bấy giờ Chúa
Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất
thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các
ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết
Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.
Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa
tới giờ Người.
3. Suy
Niệm
- Trong suốt các chương 1 đến 12 của
sách Tin Mừng Gioan, người ta nhận ra sự mặc khải Chúa Giêsu làm cho các môn đệ
và cho người ta tăng dần lên. Cùng lúc
và theo cùng tỷ lệ tương tự, việc siết chặt và phản đối của các thủ lãnh Do
Thái đối với Chúa Giêsu ngày càng gia tăng, đến điểm quyết định phải giết Ngài
(Ga 11:45-54). Chương 7, trong đó chúng
ta suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, là một sự lượng định ở giữa cuộc hành
trình. Nó giúp ta đoán trước được điều gợi
ý tại hồi kết cục.
- Ga 7:1-2: Chúa Giêsu quyết định đi dự lễ Trại ở
Giêrusalem. Địa lý của cuộc đời Chúa
Giêsu trong sách Tin Mừng Gioan thì khác với địa lý trong ba sách Tin Mừng kia. Nó hoàn chỉnh hơn. Theo các sách Tin Mừng kia, Chúa Giêsu đi lên
Giêrusalem chỉ có một lần, lần mà Chúa bị bắt và bị kết án tử hình. Theo sách Tin Mừng Gioan, Chúa đi lên
Gierusalem ít nhất là hai hay ba lần để dự lễ Vượt Qua. Đây là lý do tại sao chúng ta biết rằng cuộc
đời công khai của Chúa Giêsu dài khoảng độ ba năm. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng
chính Chúa Giêsu đã hơn một lần đi về Giêrusalem, nhưng không đi cách công
khai; Chúa đi cách kín đáo vì tại xứ Giuđêa, dân Do Thái đang muốn giết Chúa.
- Trong chương 7 này cũng như trong
các chương khác, tác giả Gioan nói về “người Do Thái” và về “dân Do Thái các
người”, như thể ông và Chúa Giêsu không phải là người Do Thái. Cách nói này cho thấy tình trạng của sự đổ vỡ
bi thảm xảy ra vào cuối thế kỷ thứ nhất giữa những người theo đạo Do Thái (Hội
Đường) và các Kitô hữu (Giáo Hội). Trải
qua nhiều thế kỷ, lối nói này trong Tin Mừng Gioan đã góp phần làm cho việc chống
lại người Do Thái phát triển. Ngày nay,
thật là rất quan trọng nên tránh khỏi loại bút chiến này để không cổ vũ cho việc
chống lại người Do Thái. Chúng ta không
bao giờ có thể quên rằng Chúa Giêsu là người Do Thái. Chúa được sinh ra là người Do Thái, sống như
một người Do Thái và chết như một người Do Thái. Người đã nhận được tất cả hình thành của mình
từ tôn giáo và văn hóa Do Thái.
- Ga 7:25-27: Những nghi ngờ của dân Giêrusalem về Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem và
Người nói chuyện công khai cho những ai muốn nghe Người. Dân chúng vẫn còn mơ hồ. Họ không biết rằng các giới chức thẩm quyền
đang muốn giết Chúa Giêsu và Người không lẩn trốn họ. Có thể nào các giới chức thẩm quyền sẽ tin
vào Người và nhận ra rằng Người là Đấng Cứu Thế không? Nhưng làm thế nào Đức Giêsu lại là Đấng Cứu
Thế được? Mọi người đều biết rằng Người
xuất thân từ Nagiarét, nhưng không ai biết xuất xứ của Đấng Cứu Thế, từ đâu đến.
- Ga 7:28-29: Lời minh xác về phần của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói về nguồn gốc của mình. “Các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ
đâu”. Nhưng điều mà người ta không biết
là ơn gọi và sứ vụ mà Chúa Giêsu nhận được từ Thiên Chúa. Người đã không tự ý mình mà đến, giống như bất
kỳ ngôn sứ nào, Người đã đến để tuân theo một ơn gọi, đó là bí mật của cuộc đời
Người. “Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi
không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài,
vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.
- Ga 7:30: Giờ của Người chưa đến. Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng
tới Người, “vì chưa tới giờ Người”.
Trong Tin Mừng Gioan, người quyết định giờ và các sự việc sẽ xảy ra
không phải là những kẻ cầm quyền, mà là Chúa Giêsu. Người là Đấng định giờ (xem Ga 2:4; 4:23;
8:20; 12:23-27; 13:1; 17:1). Ngay cả tại
thời điểm Người bị đóng đinh vào Thập Giá, chính Chúa Giêsu là Đấng quyết định
giờ chết của mình (Ga 19:29-30).
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Tôi sống với mối quan hệ của tôi với
người Do Thái như thế nào? Đôi khi tôi
có nhận ra rằng có ý tưởng khích bác người Do Thái trong tôi không? Tôi đã thành công trong việc loại bỏ nó
chưa?
- Giống như vào thời Chúa Giêsu,
ngày nay cũng vậy, cũng có nhiều ý tưởng và ý kiến mới về những việc nói về đức
tin. Tôi đã làm gì? Tôi có khư khư giữ lấy những ý tưởng cổ hủ và
khép kín bản thân mình trong đó không, hay là tôi cố gắng tìm hiểu tại sao, lý
do cho sự đổi mới không?
5. Lời
nguyện kết
CHÚA cứu mạng các người tôi tớ,
Ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
(Tv 34:24)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét