Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Thánh Vịnh 78 C

Thánh Vịnh 78 C

Tuy dân Israel bất trung như Giavê Thiên Chúa vẫn nhân từ thương xót họ: Tv 78 C
Thánh vịnh 78 là một sáng tác mang ảnh hưởng của trường phái Đệ Nhị Luật và nhắm mục đích  khắc ghi sâu đậm nơi tâm trí những người tham dự phụng vụ bổn phận ghi nhớ các biến cố quá khứ, là các điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm cho Israel cũng như các bất trung của cha ông, để họ biết lượng định đúng đắn giá trị các kỳ công ấy của Thiên Chúa, tránh xa các bất trung của cha ông, và trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
Thánh vịnh gồm phần mở đầu, các câu 2-11; các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong sa mạc, các câu 12-31; sự bất trung của thế hệ cha ông và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với họ, các câu 32-41; từ các việc kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện bên Ai Cập cho tới lúc chiếm được Đất Hưá, các câu 42-52; sự bất trung của dân Chúa và việc Thiên Chúa bỏ rơi dân Israel thời các Thủ Lãnh, các câu 56-64; việc thức tỉnh ơn huệ của Thiên Chúa với sự tuyển chọn vua Đavít, các câu 65-72.
Các câu 32 tới 41 trình bầy thái độ sống bất trung của dân Israel, cũng là sự bất trung của nhân loại trong tương quan đối với Thiên Chúa. Cho dù biết bao nhiêu điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm cho họ, để thoả mãn những gì họ xin, dân Israel vẫn còn phạm tội (c. 32) và phạm tội nhiều lần (cc. 40-41), khiến cho Thiên Chúa phải đánh phạt họ (c. 33). Việc đánh phạt ấy đưa họ tới chỗ hoán cải (cc. 34-35). Nhưng rất thường khi nó chỉ là sự trở về ngoài môi miệng, chứ không phải từ tận đáy tâm lòng (cc.36-37). Nhưng Thiên Chúa đại độ, lại thương hại tha thứ cho họ, làm nhẹ bớt sự đánh phạt và không huỷ diệt họ hoàn toàn, như tội lỗi của họ đáng bị (cc. 37-39).

“Thế mà dân cứ phạm thêm bao tội lỗi, chẳng buồn tin việc lạ Chúa làm, nên kiếp sống họ, Người diệt đi trong khoảnh khắc, tuổi đời họ, Người chấm dứt thình lình. Khi Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa,
mới trở lại và mau mắn kiếm Người, mới nhớ rằng: Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ. Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người. Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí.  Chúa nhớ rằng: thân phận chúng: bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về. Trong sa mạc, bao lần dân làm phản, trêu giận Người giữa chốn hoang vu. Khiêu khích Chúa, họ thử đi thách lại, làm cực lòng Đức Thánh của Ít-ra-en,  không còn nhớ tay quyền năng của Chúa, quên ngày Chúa cứu khỏi ách quân thù.
“Họ còn phạm tội”: tác giả thánh vịnh có trong trí tất cả dây xích tội bất trung và các vụ nổi loạn mà dân Israel đáp trả lại lòng quảng đại của Thiên Chúa trong sa mạc, cách riêng các vụ nổi loạn tiếp theo phép lạ chim cút như kể trong chương 11 sách Dân Số, và sau vụ thám thính Đất Hứa như kể trong chương 13 cùng sách.
“Người đánh tan các ngày của họ”: ám chỉ sự cương quyết của Thiên Chúa làm cho toàn thế hệ Israel ra khỏi Ai Cập chết hết trong sa mạc, mà không được vào Đất Hứa như viết trong chương 14 sách Dân Số: “Giavê lại phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron: "Cho tới bao giờ cái cộng đồng hư đốn này cứ tiếp tục lẩm bẩm kêu trách Ta? Ta đã nghe thấy toàn những lời cằn nhằn, đám con cái Ít-ra-en này cứ lẩm bẩm chống Ta. Ngươi hãy nói với chúng: Ta thề -sấm của Giavê - Ta sẽ xử với các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta. Trong sa mạc này, thây các ngươi sẽ ngã gục: trong các ngươi, tất cả những người đã được kiểm tra đăng ký, từ hai mươi tuổi trở lên, mà đã cằn nhằn chống Ta, không một ai sẽ được vào đất mà Ta đã giơ tay thề sẽ đưa các ngươi vào cư ngụ, ngoại trừ Ca-lếp, con của Giơ-phun-ne, và Giô-suê, con của Nun. Còn các trẻ con mà các ngươi cho rằng sẽ bị bắt làm chiến lợi phẩm, thì Ta sẽ đưa chúng vào, và chúng sẽ được biết đất các ngươi đã chê bỏ. Còn các ngươi, thây các ngươi sẽ ngã gục trong sa mạc này. Và con cái các ngươi sẽ đi lang thang trong sa mạc bốn mươi năm, chúng sẽ mang lấy tội phản bội của các ngươi cho tới khi tất cả các ngươi thành thây ma trong sa mạc. Theo số ngày các ngươi đã đi do thám đất -bốn mươi ngày- mỗi ngày tính là một năm, các ngươi sẽ phải gánh chịu tội ác của các ngươi bốn mươi năm, và các ngươi sẽ biết Ta trừng phạt những kẻ bất tuân như thế nào.” (Ds 14,26-34).
“Chỉ có Thiên Chúa là Đá Tảng của chúng”: là biểu tượng diễn tả Thiên Chúa là sự cứu thoát và ơn cứu độ hay được nhắc tới trong các thánh vịnh. Tác giả thánh vịnh 18 cầu nguyện với Chúa: “Lạy Giavê là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” (Tv 18,3). Đó cũng là hình ảnh được nhắc tới trong chương 32 sách Đệ Nhị Luật ghi lại bài ca của ông Môshê: “Người là Núi Đá: sự nghiệp Người hoàn hảo, vì mọi đường lối Người đều thẳng ngay. Chúa tín thành, không mảy may gian dối, Người quả là chính trực công minh… Giơ-su-run mập ra, nó hất chân đá hậu -ngươi mập, béo, phát phì- nó đã bỏ Thiên Chúa, Đấng đã làm ra nó, Núi Đá độ trì nó, nó đã khinh thường… Núi Đá sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường, ngươi quên Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi… Làm sao một người đuổi được một ngàn người, và hai người khiến mười ngàn người trốn chạy, nếu không phải vì Núi Đá của chúng đã bán chúng đi, và Giavê đã nộp chúng rồi?  Vì núi đá của chúng không phải như Núi Đá của chúng ta. Chính kẻ thù chúng ta đều công nhận.” (Đnl 32,4.15.18.30.31).
“Chúng phỉnh phờ Người với cái miệng chúng”: diễn tả thái độ sống đạo giả dối, hời hợt bề ngoài của dân Do thái, trong khi tâm lòng họ thì xa Ngài.
“Ngài đã tỏ ra thương xót”: đây là hình ảnh của Thiên Chúa của cuộc  Xuất hành, như viết trong chương 34 sách Xuất Hành: “Giavê! Giavê! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì” (Xh 34,6-7). Chính với Ngài mà ông Môshê đã bầu cử cho dân Israel khi họ nổi loạn khiến cho Giavê muốn tiêu diệt họ như kể trong chương 14 sách Dân Số. Và Thiên Chúa đã xót thương không tiêu diệt họ.
“Người nhớ rằng chúng chỉ là thịt xác”: việc nhớ lại loài người mỏng giòn phải chết khiến cho Thiên Chúa nhân từ với dân Israel. Tác giả thánh vịnh 103 cũng ghi nhận: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi. Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103,14-16). “Con người là cơn gió thoảng qua và không trở lại”: đó cũng là nhận xét của tác giả thánh vịnh 39: “"Lạy Giavê, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng…Chúa trị tội nhằm sửa dạy con người,
điều họ tha thiết, Ngài làm tiêu tan như mối đục, thật con người chỉ như hơi thở… Xin ngoảnh mặt đi cho lòng con thanh thoả, trước lúc thân này phải ra đi và không còn nữa” (Tv 39,5-7.12.14).
“Dấng Thánh của Israel”: là tước hiệu của Thiên Chúa, thường xuất hiện trong các lời tiên tri của ngôn sứ Isaia, vắng bóng trong sách Đệ Nhị Luật, chỉ tái xuất hiện ở đây và trong hai thánh vịnh 71,22 và 89,19.
Các câu 42-55 của thánh vịnh 78 trình bầy các bất trung của Israel đuợc dẫn nhập bởi việc xưng thú lỗi lầm. Đoạn này là diễn văn kỷ niệm nhắc lại việc Thiên Chúa giải phóng dân được tuyển chọn khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, “với cánh tay mạnh mẽ”. Việc giải phóng ấy truớc hết được nhìn trong các phép lạ tai ương nổi tiếng đã khiến cho Pharao Ai cập áp bức dân Do thái phải để cho họ ra đi (cc.43-51) và sau cùng dân Israel tới “núi gia nghiệp” tức là Đất Hứa (cc. 54-55).
“Khi Người tung ra những điềm thiêng bên Ai-cập và bao dấu lạ trong cánh đồng Xô-an. Kìa nước sông nước suối, Người biến ra máu hồng, khiến cho dân Ai-cập không thể nào uống nổi. Người sai mòng đến cắn, ếch nhái làm tan hoang, cào cào ăn lúa má, châu chấu phá mùa màng; mưa đá huỷ vườn nho, sương muối diệt cây vả, dịch tàn sát chiên dê, thời khí hại bò lừa. Người trút lửa giận lên đầu dân Ai-cập, nào lôi đình, nào thịnh nộ với gian truân, đó là cả một đạo hung thần. Người để cho cơn giận tung hoành mặc sức, sinh mạng chúng, Người chẳng dung tha, nhưng bắt phải chết vì dịch tễ. Người giết mọi con đầu lòng Ai-cập, là tinh hoa của dòng giống họ Kham. Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ, nhưng quân thù họ bị biển khơi chôn vùi. Chúa đưa dân vào miền thánh địa là vùng núi non tay Người đã chiếm. Trước mặt họ, Người đuổi dân ngoại đi, đo đất chia làm phần gia sản, cấp cho mọi chi tộc Ít-ra-en, để họ tới dựng lều cư ngụ.”
“Người đã làm các điềm lạ bên Ai Cập”: loan báo đề tài chính của đoạn này là miêu tả các tai ương Thiên Chúa giáng xuống trên Pharao và dân Ai Cập, như kể trong sách Xuất Hành chương 7 câu 14 tới chương 11 câu 10.
“Người đổi sông ngòi của chúng thành máu”: Đó là tai ương thứ nhất (Xh 7,14-25). “Gửi ruồi nhặng tới”: là tai ương thứ 4 (Xh 8,16-20) sau ếch nhái là tai ương thứ hai (Xh 7,6-8,10) và muỗi. “Trao mùa màng của chúng cho cào cào chấu chấu ăn sạch là tai ương thứ 8 (Xh 10,1-19). “Ngài tàn phá với mưa đá” là tai ương thứ 7 (Xh 9,13-25), “Ngài giao chúng cho ôn dịch ” là tai ương thứ 5 (Xh 9,9.11). “Ngài để cho cơn giận tung hoành mặc sức …qua việc gửi các sứ giả của huỷ diệt “ là giết con đầu lòng của chúng là tai ương thứ 10 (Xh 11,1-6; 12,9). Các sứ giả tai họa chắc hẳn đây là việc khuếch đại văn chương hay thơ văn gương mặt của thiên thần tàn sát, hay Thần Tru Diệt như được nhắc tới trong sách Xuất Hành chương 12 câu 23.
“Đất Kham” là từ cổ xưa ám chỉ Ai Cập (Tv 105,23.27; 106,12).
“Ngài đem dân đi như một đàn chiên và dẫn nó tới nơi chắc chắn”: Sau tai ương cuối cùng Pharaô xin dân Israel mau mau ra khỏi Ai Cập. Và con đường hướng tới tự do được miêu tả như nơi an ninh. Khi quan quân Ai Cập đuổi theo dân chúng sợ hãi kêu lên Giavê, và Ngài đã ra tay can thiệp khiến quân binh của Pharaô phải chết chìm trong Biển Đỏ.
“Ngài làm cho họ đến được miền đất thánh thiện”: là lược đồ tổng kết của biến cố Xuất hành, từ Biển Đỏ cho tới Đất hứa, và bỏ qua các chặng ở giữa đã được nhắc tới trong phần trước của thánh vịnh. Đây cũng là lược đồ trong bài ca của ông Môshê sách Xuất Hành chương 15: “Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự… Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy Giavê, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên.” (Xh 17,13.17).
“Miền đất thánh” là Đất Hứa và nủi là núi Sion, nơi Thiên Chúa chọn làm nơi ngự trị. Chúa đánh đuổi các dân ở đây là các dân tộc Canaan, như cỏ xấu hay cây không sinh trái, bị Thiên Chúa bứng đi để lấy chỗ làm vườn nho của Ngài (Tv 80,9-10)
TV 78 C
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét