Trang

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

“Tháng lịch sử của người da đen”, còn được biết với tên “tháng lịch sử của người Mỹ gốc Phi châu”  được cử hành vào tháng 2 hàng năm tại Canada và Hoa kỳ, để tưởng nhớ những nhân vật và sự kiện quan trọng của người Phi châu ở ngoài châu lục này. Vào năm 1926, “tuần lịch sử của người đen” được thành lập và sau đó được mở rộng thành “Tháng Lịch sử của người da đen” vào năm 1969 và được cử hành lần đầu tiên ở Kent State vào tháng 2 năm 1970. Năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm lập quốc của Hợp chủng quốc, tức là Hoa kỳ, “Tháng lịch sử của người da đen” được chính quyền Hoa kỳ chính thức nhìn nhận. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Hoa kỳ, có những người đã dấn thân bênh vực và giúp đỡ những người gốc Phi, và cha Bernard J. Quinn là một trong những nhân vật đã gây ảnh hưởng nhiều trên đời sống của cộng đồng những người gốc Phi.
Cha Bernard J. Quinn, thụ phong Linh mục năm 1912, đã chống lại suy nghĩ của người cùng thời với cha, làm mọi sự với hết khả năng của mình để chiến đấu cho sự bình đẳng sắc tộc. Cha Quinn đã đến gặp đức cha Charles Edward McDonnell của giáo phận Brooklyn lúc bấy giờ và xin đức cha mở một sứ vụ tông đồ cho người da đen, vì cha thấy rằng trong khi Giáo hội đang dấn thân giải quyết các nhu cầu của người nhập cư châu Ấu thì người Mỹ gốc Phi châu lai bị bỏ qua. Đức cha McDonnell, đang quá lo lắng cho sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất, nên đã từ chối yêu cầu của cha Quinn. Đức cha cần số đông các linh mục hoạt động như các linh hướng ở nước ngoài, nên một hoạt động tông đồ mới trong giáo phận không nằm trong chương trình của ngài. Cha Quinn đã đáp lại chương trình của đức cha, trở thành linh hướng, đồng hành với kế hoach của đức cha. Cha được gửi đến trợ giúp một binh đoàn ở Pháp, và cha đã được gặp một người bạn mới, đó là thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, hay còn gọi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cha Quinn được gửi đến Alençon, nơi sinh của thánh Têrêsa và sau khi đọc cuốn tự thuật “Chuyện một tâm hồn” của thánh nữ, cha đã yêu mến ngài. Cha đã có cơ hội đến thăm ngôi nhà của thánh nữ và dâng Thánh lễ tại đó vào ngày 2 tháng 1 năm 1919, sinh nhật của thánh nữ. Đó là một đặc ân đối với cha, vì cha là linh mục đầu tiên dâng Thánh lễ tại đây.
Trở về lại giáo phận ở Hoa kỳ, cha Quinn lại xin đức cha mở hoạt động tông đồ cho người Mỹ gốc Phi. Cuối cùng cha đã được phép của đức cha, thành lập một giáo xứ mới cho các tín hữu người Mỹ gốc Phi ở Brooklyn. Cha đã tìm được một nhà thờ Tin lành cũ, tu sửa lại và làm phép và dâng kính thánh Phêrô Claver vào ngày 26 tháng 2 năm 1922. Cha đã phó thác cộng đoàn của mình cho thánh nữ Têrêsa Hài đồng và sau đó cha thành lập Nhà Quan Phòng Bông Hoa nhỏ để giúp đỡ các trẻ em mồ côi người Mỹ gốc Phi. Mỗi tuần, giáo xứ của cha tổ chức các buổi cầu nguyện tuần 7 ngày kính thánh Têrêsa. Mỗi thứ hai, khoảng 10 ngàn người mộ đạo tham dự vào tuần 7 ngày. Cha Quinn đã chứng kiến những phép lạ chữa lành, cả linh hồn và thể xác trong những tuần kính thánh Têrêsa này.
Những nỗ lực của cha Quinn giúp đỡ cho cộng đoàn người Mỹ gốc Phi đã bị nhóm Ku Klux Klan, gọi tắt là 3K, một hội kín ủng hộ thuyết thượng đẳng của người da trắng, chống sự bình đẳng của người da đen, chú ý. Họ đã đốt viện mồ côi của cha hai lần trong cùng một năm. Nhưng điều này không ngăn cản được cha Quinn; cha đã xây dựng lại cô nhi viện bằng gạch và bêtông. Khi cha nhận những lời dọa giết, cha nói với các giáo dân: “Cha tình nguyện đổ đến giọt máu cuối cùng cho người cuối cùng trong anh em.” Nhìn thấy những thành công của giáo xứ đầu tiên, cha Quinn đã thành lập thêm một cộng đoàn thứ hai, đó là cộng đoàn thánh Biển đức thành Moor ở Jamaica, Queens.
Cha Quinn qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1940 sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hàng ngàn người đã tham dự lễ an táng của cha. Công trình của cha để lại vẫn hoạt động đến ngày hôm nay. Theo Thời báo New York, viện mồ côi của cha vẫn là nền tảng hoạt động của chương trinh “Bông Hoa nhỏ cho Trẻ em và Gia đình” của giáo phận New York, với các hoạt động phục vụ trong vùng Queens, ở Brooklyn và Long Island. Năm 2010, Đức cha Nicholas DiMarzio của giáo phận Brooklyn đã mở án phong thánh cho cha Quinn và đã mở cuộc điều tra về cuộc đời của ngài. Cha Quinn trở thành gương mẫu và người cầu khẩn cho nước Mỹ trong giai đoạn đất nước cần được chữa lành những vết thương do những chia rẽ sắc tộc gây nên. (Aleteia.it 21/02/2017)
Hồng Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét