Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

26-03-2017 m: (phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY năm A

26/03/2017
Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm A
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 4 Mùa Chay, năm A
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A

1 Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ

“Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8b-9)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I

Sau khi vua Saul bị Thiên Chúa gạt bỏ, ngôn sứ Samuel tỏ ra buồn rầu, thương tiếc cho vị vua tiên khởi của Israel (1 Sm 16,1a). Thiên Chúa thể hiện sự quan tâm của Ngài đối với dân Israel bằng cách cẩn thận tuyển chọn và chuẩn bị cho dân một vị vua khác, một vị vua lẫy lừng trong lịch sử dân Chúa.

Câu chuyện tuyển chọn vua Đavít cho thấy tầm quan trọng của Samuel trong vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Samuel được Thiên Chúa sai đi để thực hiện điều Ngài muốn và Samuel đã vâng theo cách trung thành. Để có thể làm theo ý Thiên Chúa, chắc hẳn Samuel phải có khả năng nghe được “tiếng nói” của Ngài. Lắng nghe, hiểu và trung thành thực hiện điều Thiên Chúa muốn vì lợi ích của dân Chúa là những phẩm chất cần thiết của một vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân Ngài.

Qua câu chuyện Thiên Chúa tuyển chọn vua Đavít, chúng ta nhận thấy rằng cách nhìn nhận và đánh giá của Thiên Chúa không giống với con người vì “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7). Những gì xem ra nổi bật, những gì có thể thấy được cách dễ dàng bên ngoài lại không phải là tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, những phẩm chất sâu kín bên trong tâm hồn đáng giá hơn gấp bội phần những gì hời hợt bên ngoài. Chắc hẳn việc Thiên Chúa chọn Đavít gây ngạc nhiên cho nhiều người, ngay cả những người thân cận nhất. Quả vậy, người được Thiên Chúa chọn lựa không nằm trong sự tính toán của con người.

2. Bài đọc II

Thánh Phaolô dùng hình ảnh bóng tối và ánh sáng để so sánh tình trạng giáo đoàn Êphêxô trước và sau khi tin vào Đức Kitô. Nhờ đức tin và phép rửa, người Kitô hữu được thoát khỏi bóng tối tội lỗi và u mê để bước vào ánh sáng (x. 1 Tx 5,4-8; Rm 13,12-14). Trong Chúa Kitô, người Kitô hữu trở nên ánh sáng, nghĩa là chiếu tỏa những gì là thánh thiện, công chính và chân thật (Ep 5,8-9); đồng thời người Kitô hữu được mời gọi ăn ở như con cái của ánh sáng, là tìm kiếm những gì đẹp lòng Thiên Chúa (Ep 5,10).

Hơn nữa, một khi sống như con cái ánh sáng, người Kitô hữu được mời gọi xa lánh bóng tối; và một mặt, đừng cộng tác với những việc làm vô ích của con cái bóng tối, mặt khác, cần vạch trần những việc làm đen tối, lén lút ấy ra nữa (Ep 5,11). Để xua tan bóng tối, người Kitô hữu cần phải chiếu tỏa ánh sáng như những ngọn đèn (x. Mt 5,14-16), như những nguồn sáng (Pl 2,15) ở giữa thế gian.

Chính Đức Kitô là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian để chiếu soi mọi người (Ga 1,9). Một khi có ánh sáng của Đức Kitô tỏ rạng thì bóng tối cũng vì đó mà dần bị đẩy lùi (1 Ga 2,8). Trong ánh sáng phép rửa của Đức Kitô, những người đang ngủ mê trong bóng tối được đánh thức, những người ở dưới sự kềm tỏa của tội lỗi và cái chết, được ánh sáng của Đức Kitô làm cho trỗi dậy (Ep 5,14).

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng là một câu chuyện cảm động mà ngang qua đó tác giả Tin Mừng thứ tư chuyển tải những điểm thần học quan trọng.

Câu hỏi của các môn đệ “thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù?” (Ga 9,2) đặt ra một vài vấn nạn. Phải chăng bệnh tật thể lý là hậu quả của tội lỗi? Phải chăng được tha tội có nghĩa là được chữa lành khỏi bệnh tật? Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giêsu đã từng chữa người bại liệt bằng cách tha tội cho anh ta (Mc 2,1-12; Mt 9,1-8; Lc 5,17-26). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng, “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa nơi anh” (Ga 9,3). Công trình nào vậy?

Câu chuyện cho thấy sự bi đát của người phải sống trong tình trạng mù lòa. Trong suốt câu chuyện này, tác giả Tin Mừng thứ tư đã sử dụng đến mười ba lần tính từ dùng để chỉ tình trạng mù lòa của con người (tuflos/tufloi). Ở đây ta thấy có sự đối nghịch đến vô lý: “sự mù lòa” của người bị mù từ khi mới sinh và cả “sự mù lòa” của người sáng mắt. Nếu như anh chàng mù từ khi mới sinh khao khát được thấy ánh sáng, thì những người sáng mắt không cho là mình “bị mù” nên không khát khao ánh sáng, không khát khao được thấy; họ không những không muốn thấy mà còn dựa vào luật ngày Sabát để ngăn cản sự khát khao ánh sáng của người khác.

Đối nghịch với tình trạng “mù lòa” là tình trạng “thấy”. Thánh sử dùng hai động từ Hy Lạp để diễn tả tình trạng “thấy” hoặc “cho thấy”: blêpô (9 lần) và anablêpô (7 lần). Dù sự “mù lòa” là một thực tại không thể tránh, thì khát khao được “thấy” cách mãnh liệt của anh mù, dù phải vượt qua bao trở ngại, đã được Đức Giêsu “cho thấy”. Thì ra không phải cứ “muốn thấy” là có thể “thấy”, hoặc cứ sáng mắt là có thể “nhìn thấy” mà là được chính Đấng là ánh sáng (Ga 8,12; 9,15) “cho thấy” mới được.

Sự mù lòa không hẳn phát xuất từ nguyên nhân của tội, nhưng sống trong sự mù lòa là đang bị tội lỗi che lấp ánh sáng. Không phải tội lỗi của anh ta hay của ai khác làm cho anh ta bị mù, nhưng tình trạng “mù” của anh là vì anh đang sống trong sự kềm tỏa của tội; tình trạng “mù” như thế xảy ra ngay cả khi không có khiếm khuyết về thị giác, “mù” cả khi đang sáng mắt. Không phải vì tội dẫn đến tình trạng mù lòa về thể lý, nhưng kẻ tưởng mình sáng mắt, tưởng mình trong sạch mà không cần ánh sáng thì vẫn sống trong tình trạng đui mù, tình trạng tội lỗi.

Nhờ nước của Đấng được sai phái (Silôác) thanh tẩy mà anh mù từ khi mới sinh được nhìn thấy. Công trình của Thiên Chúa là cuộc chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối: cũng như ánh sáng xua tan bóng tối, nhờ quyền năng của Đức Giêsu mà bóng tối tội lỗi bị đẩy lùi.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1/ Thiên Chúa có thể nhìn thấu suốt tâm can con người và luôn đánh giá cao những phẩm chất của tâm hồn. Trong Mùa Chay, các Kitô hữu được mời gọi ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái theo tinh thần Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 6,1-18). Mùa Chay đã qua đi nửa chặng đường, phải chăng tôi đã quên lời mời gọi này? Hay tôi chỉ sống lời mời gọi này với những hời hợt bên ngoài để mưu cầu sự tán dương, khen ngợi của người đời, hơn là để Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ ân thưởng cho tôi?

2/ Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống như con cái của ánh sáng, là sống thánh thiện, công chính và chân thật. Tôi có đang sống trong bóng tối để lẩn tránh ánh sáng của Đức Kitô? Tôi có chọn sống như con cái ánh sáng? Tôi có để cho ánh sáng của Đức Kitô biến đổi con người tôi mỗi ngày để nên thánh thiện hơn, công chính hơn, chân thật hơn?

3/ Sự mù lòa về thể lý gây đau khổ cho con người có khiếm khuyết về thị giác, sự mù lòa về tinh thần làm cho con người không nhận ra ánh sáng của Đức Kitô. Phải chăng tôi bị “mù” dù vẫn sáng mắt? Tôi có để cho ánh sáng của Đức Kitô thanh tẩy tôi khỏi mọi vẩn đục trong tâm hồn, để tôi bước đi trong ánh sáng của Người?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong Đức Kitô, tất cả chúng ta đã được thanh tẩy và trở nên con cái sự sáng. Chúng ta có bổn phận chiếu tỏa những gì là thánh thiện, công chính và chân thật cho thế gian. Với tâm tình tạ ơn và quyết tâm sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Đức Kitô là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian để chiếu soi mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục, các Linh mục, cùng mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực loan báo Đức Kitô Ánh Sáng cho thế giới hôm nay qua đời sống chứng tá của mình.

2. Anh mù thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, tôi tin” rồi sấp mình thờ lạy Người. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết điều hành đất nước trong sự tôn trọng và yêu mến sự thật, để người dân có cơ hội đón nhận Tin Mừng cứu độ và tự do sống theo ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô.

3. Xã hội hiện đại đang bị che khuất bởi bóng tối của gian dối, bất công và bạo lực. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang sống trong bóng tối hoặc là nạn nhận của bóng tối được ơn nhận biết tình trạng của mình, luôn tích cực đẩy lui sự dữ bằng cách tránh xa và can đảm lên án những việc làm đen tối.

4. Người kitô hữu được mời gọi sống như con cái sự sáng ở giữa thế gian. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết làm cho ánh sáng Tin mừng tỏa chiếu trong môi trường và hoàn cảnh của mình bằng một đời sống tốt lành, luôn yêu chuộng công bình và tích cực thực thi bác ái.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhận những nguyện ước chân thành của chúng con, và ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn ơn gọi làm con cái Chúa và là ánh sáng ở giữa thế gian. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

SCĐ CHÚA NHỰT IV MC A

CHỦ ĐỀ :

THEO CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC ÁNH SÁNG


Đức Giêsu chữa một người mù  (Ga 9,1-41)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc Cựu Ước : Thiên Chúa soi sáng cho Ông Samuel chọn xức dầu phong vương cho Đavít.

- Bài Tin Mừng : Đức Giêsu chữa một người mù bẩm sinh.

- Bài đọc Tân Ước : "Xưa anh em đã từng là bóng tối, nhưng bây giờ, nhờ kết hợp với Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng".



I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Mỗi sáng thức dậy, chúng ta mở mắt ra, chúng ta nhìn cuộc đời, nhìn những việc sẽ phải làm trong ngày, nhìn những người chung quanh… Nhưng có khi nào chúng ta nhìn tất cả những điều ấy bằng ánh sáng của Chúa không ? Nếu nhìn bằng ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ thấy mọi sự một cách rất tuyệt vời như anh mù được Đức Giêsu chữa sáng mắt trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ước gì sau Thánh lễ này, mắt chúng ta cũng được mở ra để thấy mọi sự theo một cái nhìn mới.



II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Nếu trong đời sống chúng ta có những điều gì còn mờ ám, hãy nhận diện chúng và nhìn chúng bằng cặp mắt của Chúa.

- Nếu ánh sáng lương tâm của chúng ta đã quá lu mờ, thì hãy xin Chúa chữa lành.

- Nếu chúng ta cố tình che đậy ánh sáng chân lý, thì hãy sám hối và xin Chúa thứ tha.



III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc Cựu Ước : 1 Sm 16,1b.6-7.10-13

- Saul là vua đầu tiên của Israel. Nhưng vì Saul nhìn và giải quyết các vụ việc theo quan điểm chính trị và ý riêng hơn là ý Chúa nên Chúa bỏ ông. Chúa bảo Samuel đến nhà ông Giêsê để xức dầu phong một người khác làm vua.

- Giêsê có tất cả 8 con trai. Thoạt đầu Samuel đã muốn xức dầu cho Êliab một người cao lớn khoẻ mạnh. Nhưng Chúa bảo "Không phải người phàm nhìn sao, Thiên Chúa cũng nhìn thế, bởi người phàm chỉ trông thấy điều lộ trước mắt, còn Yavê trông thấy điều ẩn đáy lòng" (c 7). Cuối cùng, theo sự soi sáng của Chúa, Samuel đã chọn xức dầu cho Đavít, đứa nhỏ nhất, đứa mà Giêsê coi thường nên ban đầu không đưa ra.

- Câu chuyện cho thấy ý nghĩa chính : cái nhìn của Thiên Chúa không giống cái nhìn của loài người, vì loài người quen nhìn vẻ bề ngoài, còn Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng.

2. Đáp ca : Tv 22

Thánh vịnh này minh họa ý tưởng "Chúa là Ánh sáng" bằng hình ảnh "Chúa là mục tử" : Ngài dẫn dắt chúng ta như mục tử dẫn dắt đoàn chiên. Cho dù có khi Ngài dẫn ta qua những chỗ u tối, khô cằn, gập ghềnh… nhưng nơi đến cuối cùng là suối nước, bóng mát và đồng cỏ.

3. Bài đọc Tân Ước : Ga 9,1-41

Câu chuyện Đức Giêsu chữa một anh mù bẩm sinh. Một số chi tiết đáng lưu ý :

- Đức Giêsu đã làm tới 2 phép lạ : chữa cặp mắt thể xác cho anh này có cái nhìn loài người, và chữa cặp mắt đức tin cho anh này có cái nhìn Thiên Chúa. Cái nhìn thứ hai quan trọng hơn, chính do cái nhìn này mà anh đã quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu (cử chỉ tôn thờ : "Người chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi") và tuyên xưng "Lạy Chúa, con tin" ; và Gioan viết bài từng thuật này cũng vì muốn trình bày cái nhìn đức tin ấy.

* Bài học : nhìn bằng cặp mắt thể xác là một điều quý, nhưng biết nhìn bằng cặp mắt đức tin mới quan trọng hơn.

- Cái nhìn đức tin của anh thanh niên này sáng từ từ : a/ Bước thứ nhất anh chỉ thấy Đức Giêsu là "một người" tên là Giêsu (c 11) ; bước thứ hai, anh thấy Ngài là "một vị ngôn sứ" (c 17b) ; bước cuối cùng, anh nhìn nhận và tuyên xưng "Lạy Chúa, con tin" (c 37).

4. Bài Thánh Thư : Ep 5,8-14

Thánh Phaolô giải thích thế nào là nhìn mọi sự theo ánh sáng đức tin :

- "Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng" (c 8)

- "Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật" (c 9)

- "Anh em hãy nhìn xem điều gì đẹp lòng Chúa" (c 10).



IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Con đường đi tới ánh sáng

Con đường đi tới ánh sáng của người mù gồm nhiều bước. Nhưng đáng chú ý là đó không chỉ là những bước đi của con người mà còn là những bước đi của Đức Giêsu : Ngài đi những bước trước, người mù bước theo, và bước sau cùng cũng là của Ngài :

- Bước 1 "Đức Giêsu nhìn thấy" (câu 1) : Cuộc hành trình bắt đầu bằng cái nhìn này, cái nhìn của Chúa đi trước cái nhìn của con người.

- Bước 2 "Đức Giêsu thoa vào mắt người mù" (câu 7) : sự tiếp xúc giữa Ngài với bệnh nhân chính là thần dược.

- Bước 3 "Ngài bảo : Hãy đi rửa ở hồ Silôê" (câu 7a) : Đức Giêsu sai ta đi đến một nơi đã có sẵn từ lâu trước khi ta cần đến nó, và nơi này thực ra chỉ có năng lực cứu chữa nhờ Ngài mà thôi.

- Bước 4 "Người mù đi đến đó" ( (câu 7b) : Bước đầu tiên của con người là sự vâng phục và phó thác. Đây là bước rất cần thiết.

- Bước 5 "Tôi đã nhìn thấy" (câu 11), "Ngài là một ngôn sứ" (câu 17) : Liền theo sau hồng ân nhận được là việc làm chứng cho Đấng mà ta tin, cho dù việc này dẫn đến cái giá phải trả là bị đuổi ra ngoài (câu 34).

- Bước 6 "Đức Giêsu đến gặp anh" (câu 35) : Đến đây Đức Giêsu ban cho anh một thị giác còn quý hơn thị giác của cặp mắt anh, đó là thị giác của đức tin : anh tuyên xưng "Lạy Chúa, con tin".

Đó cũng là những bước mà chúng ta phải cùng đi với Đức Giêsu trên cuộc hành trình của chúng ta.

2. Những cái làm cho ta mù

Để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác :

Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân

Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân.

Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.

Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.

Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.

Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.

Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.

Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án.

3. Những thứ thị giác

"Người phàm chỉ nhìn thấy ngoài mặt, còn Chúa thì thấy tận cõi lòng" (Bài đọc 1) : Đối diện với người mù, các môn đệ chỉ thấy đây là một kẻ có tội nên bị phạt ; các người pharisêu tìm đủ mọi ngõ ngách để trốn thoát khỏi phải nhìn nhận sự thật về người mù ; dân chúng thì không thể tin nổi sự việc mà họ vừa nhìn thấy. Còn Đức Giêsu, Ngài nhìn thấu cõi lòng của từng hạng người kể trên. Ta hãy tìm hiểu kỹ hơn cái nhìn của Đức Giêsu.

- Một cái nhìn ưu ái : Ngài không nhìn người mù bằng ánh mắt bàng quan, mà nhìn với lòng thương.

- Một cái nhìn không bị che mờ bởi những thành kiến (như các môn đệ), những hoài nghi (như dân chúng), những đố kị (như pharisêu), những định chế xã hội xếp loại giai cấp con người.

- Một cái nhìn phát sinh hiệu quả : Ngài nhìn người mù và làm cho anh được thấy.

Chúng ta cần có cái nhìn của Chúa, như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2 : "Anh em hãy xem xét điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, nhưng hãy vạch trần những việc ấy ra mới phải".

4. Mảnh suy tư

Cách nay nhiều năm, vào một đêm kia có hiện tượng nguyệt thực toàn phần.

Ai nấy đều bàn tán về nó.

Rất nhiều người đứng ngoài sân chờ nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng được nhìn ngắm nó trong một số phút ngắn ngủi.

Tôi tự hỏi : sao người ta lại quá chú ý đến sự biến mất của mặt trăng mà không chú ý đến sự xuất hiện của nó ?

Và tôi nhớ đến một lời của Emerson :

"Người ngu ngạc nhiên trước sự bất thường

Còn người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường" (Flor MacCarthy)

5. Chuyện minh họa

a/ Đãng trí

Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận : "Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả." Vợ ông bước ra tiếp lời : "Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông". Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).

b/ Làm sao phân biệt này với đêm

Một đạo sư hỏi các môn đệ họ có thể xác định như thế nào cái giây phút mà đêm chấm dứt và ngày bắt đầu.

Một người nói :

- Khi người ta thấy một con vật ở đàng xa, và người ta có thể nói đó là con bò hay con ngựa.

Đạo sư bảo :

- Không phải vậy.

- Khi nhìn một cây ở đàng xa và người ta có thể nói đó là cây mận hay cây xoài.

Đạo sư vẫn bảo :

- Vẫn không phải.

Rồi ông nghiêm nghị nói :

- Khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người đàn ông và các ngươi có thể nhận ra nơi ông ta một người anh em của mình ; khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người phụ nữ và các ngươi có thể nhận ra nơi bà ta một người chị em của mình. Nếu các ngươi không làm được như vậy thì dù mặt trời có mọc tới đâu cũng vẫn còn là đêm. (Anthony de Mello, "Lời kinh của con ếch")



V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Đức Kitô là ánh sáng thế gian. Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết của chúng ta.

1- Hội Thánh là dấu chỉ ơn cứu độ muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thanh tẩy / và đổi mới Hội Thánh trong những ngày hồng phúc này / để Hội Thánh ngày càng nhiệt thành làm chứng cho Chúa.

2- Y học ngày nay tiến bộ vượt bực / đã diệt trừ hẳn một số bệnh hiểm nghèo / mang lại niềm vui sống cho nhân loại / Thế nhưng tại các nước chậm phát triển / vẫn còn một số người bị mù lòa vì bệnh tật / vì nghèo đói / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người quảng đại / tận tình săn sóc và giúp đỡ những anh chị em kém may mắn ấy.

3- Bệnh đui mù tinh thần còn đáng sợ hơn nữa / vì nó khiến con người trở nên mù quáng / không còn phân biệt phải trái / cũng không còn khả năng nhận ra Chúa hiện diện trong tha nhân nữa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / chữa các kitô hữu khỏi chứng bệnh hiểm nghèo này.

4- "Thưa Ngài tôi tin" / anh mù mạnh dạn tuyên xứng niềm tin của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / cũng biết luôn hiên ngang sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận / bằng những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày.

CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống như con cái sự sáng, mà theo Thánh Gioan tông đồ, sống như con cái sự sáng là sống bác ái yêu thương. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Chúa hằng sống và hiển rị muôn đời.



VI. TRONG THÁNH LỄ

- Kinh Tiền Tụng : Dùng Kinh Tiền tụng riêng cho ngay hôm nay. Nhấn mạnh chỗ : "… Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhan loại đang lần bước trong u tối đến nguồn sáng đức tin…"

- Trước kinh Lạy Cha : Là con của Thiên Chúa thì cũng là con của ánh sáng. Chúng ta hãy xin với Chúa là Cha chúng ta giúp chúng ta thoát khỏi sự mù tối trong tâm hồn, và cùng với Đức Giêsu chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là sự mù lòa về đức tin, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…"



VII. GIẢI TÁN

Anh chị em đã được biết Thiên Chúa là ánh sáng. Hãy luôn bước đi trong ánh sáng của Ngài.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Chay (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 3, 2017

Người mù được thấy
Mắt chúng ta mở ra khi chúng ta sống với Chúa Giêsu
Ga 9:1-41

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường đến Emmau.   Trong ánh sáng Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống và trong những người chung quanh, nhất là nơi những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin điều này vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.


2.  Bài Đọc
                                                                                                                                                          
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Chay mời gọi chúng ta suy gẫm về việc chữa lành cho một người đàn ông bị mù từ lúc mới sinh.  Đó là một đoạn văn ngắn nhưng sống động.  Đây là một ví dụ cụ thể về phương cách quyển Tin Mừng Thứ Tư mặc khải cho thấy ý nghĩa ẩn sâu của các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu.  Câu chuyện về việc người mù được chữa lành giúp cho chúng ta mở mắt để nhìn thấy hình ảnh về Chúa Giêsu mà mỗi người chúng ta đang mang trong lòng.  Chúng ta thường nghĩ về một Chúa Giêsu giống như một vì vua vinh quang, xa cách với đời sống của người bình thường!  Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu được giới thiệu như một Tôi Tớ của người nghèo, bạn của những người tội lỗi.  Hình ảnh của một Đấng Mêssia-Vua mà những người Biệt Phái có trong tâm trí, đã khiến chúng ta không nhận biết được Chúa Giêsu Đấng Mêssia-Tôi-Tớ.  Khi đọc Tin Mừng, chúng ta hãy cố gắng chú ý đến hai điều:  (i) một cách thành thạo và tự do, người mù phản ứng với các hành động khiêu khích của nhà cầm quyền, và (ii) cách người mù tự mở mắt mình về Chúa Giêsu.
  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Ga 9:1-5:  Sự mù lòa trước cái ác tồn tại trong thế gian
Ga 9:6-7:  Dấu hiệu của “Đấng được Chúa sai đến” là người sẽ gây ra những phản ứng khác nhau
Ga 9:8-13:  Phản ứng của những người láng giềng
Ga 9:14-17:  Phản ứng của những người Biệt Phái
Ga 9:18-23:  Phản ứng của cha mẹ người mù
Ga 9:24-34:  Phán quyết cuối cùng của những người Biệt Phái
Ga 9:35-38:  Thái độ sau cùng của người mù từ khi mới sinh
Ga 9:39-41:  Lời suy gẫm cuối cùng
                                   
c)  Phúc Âm:

1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người mù từ khi mới sinh.  2 Môn đệ hỏi Người:  “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, y hay cha mẹ y, khiến y mù từ khi mới sinh?”  3 Chúa Giêsu đáp:  “Không phải y cũng chẳng phải cha mẹ y đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y.  4 Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta; đêm đến không ai có thể làm việc được nữa.  5 Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian.”
6 Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miệng trộn thành bùn, rồi xoa bùn lên mắt người ấy và bảo:  7 “Ngươi hãy đến hồ Silôe mà rửa (chữ Silôe có nghĩa là ‘người được sai đến’).  Hắn ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
8 Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói:  “Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” 9 Có kẻ nói:  “Đúng hắn!”  Lại có người bảo:  “Không phải, nhưng là một người giống hắn.”  Còn anh ta thì nói:  “Chính tôi đây.”  10 Họ hỏi y:  “Làm thế nào mắt anh được sáng?”  11 Anh ta nói:  “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo:  ‘Ngươi hãy đến Silôe mà rửa.’  Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy.”  12 Họ lại hỏi:  “Ngài ở đâu?”  Anh thưa:  “Tôi không biết.”  13 Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người Biệt Phái.
14 Lý do tại Chúa Giêsu hòa bùn và chữa mắt cho y lại nhằm ngày Sabát.  15 Các người Biệt Phái cũng hỏi y do đâu được sáng mắt.  Anh đáp:  “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt.”  16 Mấy người Biệt Phái nói:  “”Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabát.”  Mấy kẻ khác lại rằng:  “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?”  Họ bất đồng ý kiến với nhau.  17 Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa:  “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?”  Anh đáp:  “Đó là một tiên tri.”
18 Nhưng người Do Thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến.  19 Họ hỏi hai ông bà:  “Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không?  Do đâu mà bây giờ nó trông thấy?  20 Cha mẹ y thưa rằng:  “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh.  21 Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết.  Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy.”  22 Cha mẹ y nói thế bởi sợ người Do Thái, vì người Do Thái đã bàn định sẽ trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô.  23 Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói:  “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”
24 Lúc ấy người Do Thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo:  “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa!  Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một người tội lỗi.”  25 Y trả lời:  “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy.”  26 Họ hỏi y:  “Người đó đã làm gì cho anh?  Người đó đã mở mắt anh thế nào?”  27 Anh thưa:  “Tôi đã nói, và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa?  Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?”  28 Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo:  “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môisen:  29 chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến.”  30 Anh đáp:  “Đó mới thật là điều lạ:  người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu!  31 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa mà làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. 32 Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh.  33 Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.”  34 Họ bảo anh ta:  “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?”  Rồi họ đuổi y ra ngoài.
35 Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo:  “Ngươi có tin Con Thiên Chúa không?”  36 Anh thưa:  “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?”  37 Chúa Giêsu đáp:  “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh.”  38 Anh ta liền nói:  “Lạy Thầy, tôi tin.”  Và y sấp mình thờ lạy Người.
39 Chúa Giêsu liền nói:  “Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù.”  40 Những người Biệt Phái có mặt ở đó liền nói với Người:  “Thế ra chúng tôi mù cả ư?”  41 Chúa Giêsu đáp:  “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội, nhưng các ngươi nói:  ‘chúng tôi xem thấy,’ nên tội các ngươi vẫn còn.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào trong đoạn Tin Mừng này đã làm tôi cảm động nhất?  Tại sao?
b)  Người ta thường nói:  “Không có ai mù đến độ như những kẻ không muốn nhìn thấy!”  Câu này áp dụng vào cuộc đối thoại giữa người mù từ khi mới sinh và những người Biệt Phái như thế nào?
c)  Chúa Giêsu được ca tụng bằng những danh hiệu gì trong đoạn Tin Mừng?  Ai đã xưng tụng những danh hiệu này?  Chúng có ý nghĩa gì?
d)  Tôi thích danh hiệu nào nhất?  Tại sao?  Hay là, tôi đang mang hình ảnh nào của Chúa Giêsu trong tâm và trong trí tôi?  Hình ảnh này từ đâu mà có?
e)   Bằng cách nào tôi có thể làm thanh khiết đôi mắt mình để tôi thấy được Chúa Giêsu thật sự của Tin Mừng?
         
                                                                                                                                                                       
5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào bài Tin Mừng

a)  Bối cảnh mà Tin Mừng của thánh Gioan đã được viết:

Khi chúng ta suy gẫm về câu chuyện chữa lành của người mù từ thuở mới sinh, chúng ta nên ghi nhớ bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu ở Tiểu Á vào cuối thế kỷ thứ nhất mà Tin Mừng của thánh Gioan đã được viết cho họ và là những người đã nhận ra người đàn ông mù và việc chữa lành của anh ta.  Bởi vì một quan niệm trọng pháp về Lề Luật Thiên Chúa, họ đã mù từ thuở mới sinh.  Thế nhưng, như đã xảy ra với người mù, họ cũng đã có thể nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người của Đức Giêsu Nagiarét và đã hoán cải.  Quả là một quá trình thương đau!  Trong việc mô tả những giai đoạn và các cuộc xung đột về việc chữa lành của người mù, tác giả của sách Phúc Âm Thứ Tư nhắc lại cuộc hành trình tâm linh của cộng đoàn, từ bóng tối mù lòa đến ánh sáng chan hòa của đức tin được soi sáng bởi Chúa Giêsu.  

b)  Lời bình giải về bản văn:

Ga 9:1-5:  Sự mù lòa trước cái ác tồn tại trong thế gian
Khi các môn đệ thấy người mù, họ hỏi Người:  “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, y hay cha mẹ y, khiến y mù từ khi mới sinh?”  Trong thời gian ấy, một khuyết tật về thể chất hoặc bệnh tật thì bị nghĩ đó là một hình phạt từ Thiên Chúa.  Liên đới các khuyết tật về thể chất với tội lỗi là phương cách các vị tư tế của Cựu Ước đã duy trì quyền lực của họ trên lương tâm của dân chúng.  Chúa Giêsu giúp các môn đệ của Người thay đổi ý nghĩ của họ:  “Không phải y cũng chẳng phải cha mẹ y đã phạm tội … y đã được sinh ra để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y!”  Công việc của Thiên Chúa cũng giống như Phép Lạ của Thiên Chúa.  Vì thế, trong thời gian ấy đó là sự vắng mặt của Thiên Chúa, giờ đây là dấu hiệu sự hiện diện rực rỡ của Người ở giữa chúng ta.  Chúa Giêsu nói:  “Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm việc Đấng đã sai Ta; đêm đến không ai có thể làm việc được nữa.  Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian.”   Ban Ngày của những dấu chỉ tự nó bắt đầu xuất hiện khi Chúa Giêsu, “vào ngày thứ ba” (Ga 2:1), đã làm “dấu chỉ đầu tiên” tại Cana (Ga 2:11).  Nhưng ngày sắp tàn.  Màn đêm sắp buông xuống, vì nó đã là “vào ngày thứ bảy”, ngày Sabát, và việc chữa lành người mù bây giờ là dấu chỉ thứ sáu (Ga 9:14).  Ban Đêm là cái chết của Chúa Giêsu.  Dấu chỉ thứ bảy sẽ là sự chiến thắng cái chết lúc Lagiarô sống lại (Ga 11).  Trong Tin Mừng của thánh Gioan chỉ có bảy dấu chỉ, phép lạ, công bố về dấu chỉ vĩ đại, đó là cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Ga 9:6-7:  Phép lạ của “Đấng được Chúa sai đến” là người sẽ gây ra những phản ứng khác nhau
Chúa Giêsu nhổ nước bọt xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, xoa bùn lên mắt người mù và bảo anh ta đến hồ Silôe mà rửa.  Anh ta đã đi và trở lại thì được lành.  Đây là phép lạ!  Ý kiến của thánh Gioan nói rằng hồ Silôe có nghĩa là được sai đến.  Chúa Giêsu là Đấng được sai đến bởi Chúa Cha để làm các công việc của Thiên Chúa, những phép lạ của Chúa Cha.  Phép lạ của việc “sai đến” này là người mù đã bắt đầu trông thấy.

Ga 9:8-13:  Phản ứng đầu tiên:  của những người láng giềng
Người mù đã được nổi tiếng.  Những người láng giềng nghi ngờ:  “Đây có phải là anh ta không?”  Và họ thắc mắc:  “Làm cách nào mà mắt anh được sáng?”  Người trước kia bị mù làm chứng:  “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã mở mắt tôi”.  Nền tảng đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu là chấp nhận rằng Người cũng là một con người như chúng ta.  Người láng giềng lại hỏi:  “Người đang ở đâu?” – “Tôi không biết!”  Họ không hài lòng với câu trả lời của người mù, và để làm rõ vấn đề, họ liền dẫn anh ta đến trước những người Biệt Phái, những kẻ có thẩm quyền tôn giáo.

Ga 9:14-17:  Phản ứng thứ hai:  của những người Biệt Phái
Hôm đó là ngày Sabát và trong ngày Sabát, người ta cấm chữa bệnh.  Khi bị tra hỏi bởi những người Biệt Phái, người trước kia bị mù thuật lại mọi việc một lần nữa.  Một số người Biệt Phái, mù quáng trong việc tuân thủ theo lề luật, nói:  “Người này không thể nào bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabát!”  Họ không thể thừa nhận rằng Đức Giêsu có thể là một dấu chỉ của Thiên Chúa bởi vì Người đã chữa lành người mù trong ngày Sabát.  Nhưng những người Biệt Phái khác, phải đối mặt với phép lạ, trả lời:  “Làm sao một kẻ tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?”  Họ bất đồng ý kiến với nhau!  Vì vậy, họ quay lại hỏi người mù:  “Anh nói gì về ông ta, người đã mở mắt cho anh?”  Và anh ta làm chứng:  “Ông ấy là một Tiên Tri!”

Ga 9:18-23:  Phản ứng thứ ba:  của cha mẹ anh mù
Những người Biệt Phái, nay được gọi là người Do Thái, không tin rằng anh ta đã mù.  Họ nghĩ rằng đó là chuyện lừa dối.  Vì vậy, họ đã đòi cha mẹ anh đến và hỏi:  “Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ thuở mới sinh không?  Do đâu mà bây giờ nó trông thấy?  Một cách rất cẩn thận, cha mẹ anh ta trả lời rằng:  “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi và nó đã bị mù từ khi mới sinh, nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết.  Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy!”  Sự mù lòa của các người Biệt Phái trước bằng chứng của việc chữa lành tạo nên sợ hãi trong dân chúng.  Và bất cứ ai tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế thì đã bị trục xuất khỏi hội đường.  Cuộc đối thoại với cha mẹ của người mù tiết lộ sự thật, nhưng những kẻ có thẩm quyền tôn giáo sẽ không chấp nhận điều này.  Sự mù lòa của họ trở nên trầm trọng hơn bởi vì lời chứng được đưa ra, bây giờ họ sẽ không chịu chấp nhận lề luật chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật (Ga 8:17).   

Ga 9:24-34:  Phán quyết cuối cùng của những người Biệt Phái về Đức Giêsu
Họ lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo:  “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa!  Phần chúng ta, chúng ta biết đó là một kẻ tội lỗi.”  Ở đây:  “hãy tôn vinh Thiên Chúa” có nghĩa là:  “Hãy cầu xin sự tha thứ vì lời nói dối mà anh vừa mới nói!”  Người mù đã trả lời:  “Người ấy là một tiên tri!”  Theo những người Biệt Phái, lẽ ra anh ta đã nên nói:  “Người ấy là kẻ tội lỗi!”  Nhưng người mù thông minh.  Anh ta trả lời:  “Nếu đó là một kẻ tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết rằng trước đây tôi bị mù và bây giờ tôi trông thấy!”  Không có lời phản bác nào về sự thật này!  Lần nữa, những người Biệt Phái lại hỏi y:  “Người đó đã làm gì cho anh?  Người đó đã mở mắt anh thế nào?”  Người mù trả lời pha một chút mỉa mai:  “Tôi đã nói với các ông rồi…  Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Người chăng?”  Sau đó họ đã nguyền rủa anh ta và bảo:  “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Môisen, chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môisen, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến! … Nếu người này không bởi Thiên Chúa, thì đã không làm được gì”.  Đối diện với sự mù lòa của những người Biệt Phái, ánh sáng đức tin phát triển ở người mù.  Anh ta không chấp nhận lập luận của những người Biệt Phái và thú nhận rằng Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha.  Lời tuyên xưng đức tin này khiến anh ta bị trục xuất khỏi hội đường.  Chuyện tương tự cũng đã xảy ra cho các cộng đoàn vào cuối thế kỷ đầu tiên.  Những người tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu phải lìa bỏ tất cả các mối quan hệ gia đình và cộng đoàn.  Điều này cũng xảy ra ngày nay:  những ai quyết định trung thành với Chúa Giêsu thì có nguy cơ bị loại trừ.

Ga 9:35-38:  Thái độ đức tin của người mù đối với Chúa Giêsu
Chúa Giêsu đã không bỏ rơi những kẻ bị bách hại vì Người.  Khi Chúa Giêsu hay tin việc trục xuất và đi gặp anh ta lần nữa, Người giúp anh ta tiến một bước xa hơn bằng cách mời gọi anh ta lãnh nhận đức tin và hỏi:  “Anh có tin vào Con Thiên Chúa không?”  Anh ta thưa:  “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?”  Chúa Giêsu đáp:  “Anh đang nhìn thấy Người; và chính Người đang nói với anh.”   Anh ta liền thốt lên:  “Lạy Chúa, tôi tin!”  Và anh ta sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.  Thái độ đức tin của người mù trước Chúa Giêsu là một trong những sự tin tưởng tuyệt đối và chấp nhận hoàn toàn.  Anh ta chấp nhận mọi việc từ Chúa Giêsu.  Đó là đức tin đã duy trì các cộng đoàn Kitô hữu ở châu Á vào cuối thế kỷ thứ nhất, và duy trì cho đến ngày nay.

Ga 9:39-41:  Lời suy gẫm cuối cùng
Người mù không thể nhìn thấy, cuối cùng lại sáng mắt hơn những người Biệt Phái.  Các cộng đoàn ở Tiểu Á là những người đã từng bị mù, đã tìm thấy ánh sáng.  Những người Biệt Phái nghĩ rằng họ sáng mắt hơn người mù từ thuở mới sinh.  Tự trói buộc với một lề luật cổ xưa, họ nói dối khi họ nói họ có thể trông thấy.  Không ai có thể mù lòa hơn những người không muốn nhìn thấy!

c)  Một cái nhìn rộng rãi hơn:

-  Những Tên và Danh Hiệu được trao cho Chúa Giêsu

Trong suốt câu chuyện kể về việc chữa lành cho người mù, Tác Giả Phúc Âm ghi lại những danh hiệu, tĩnh từ và tên khác nhau dành cho Chúa Giêsu bởi những người dân, các môn đệ, tác giả Tin Mừng, người mù, những người Biệt Phái và chính Chúa Giêsu.  Phương cách này mô tả các sự kiện trong đời sống của Chúa Giêsu là một phần của giáo lý về thời gian. Đó là một cách giúp người ta hiểu rõ hơn ý tưởng của họ về Chúa Giêsu và xác định mình trong sự yêu mến của Người.  Sau đây là một số danh phận, tĩnh từ và danh hiệu.  Danh sách cho thấy sự phát triển của người mù về đức tin và làm cách nào cái nhìn của anh ta trở nên rõ ràng.
*  Giáo sĩ Do Thái (Thầy) (Ga 9:1):  các môn đệ
*  Sự Sáng của thế gian (Ga 9:5):  Chúa Giêsu
*  Đấng được sai đến (Ga 9:7):  Tác giả Phúc Âm
*  Người (Ga 9:11):  người được chữa lành
*  Chúa Giêsu (Ga 9:22):  người được chữa lành
*  Không phải bởi Thiên Chúa (Ga 9:16):  những người Biệt Phái
*  Tiên tri (Ga 9:17):  người được chữa lành
*  Đấng Kitô (Ga 9:22):  đám đông
*  Kẻ tội lỗi (Ga 9:24):  một số người Biệt Phái
*  Chúng ta không biết Người bởi đâu mà đến (Ga 9:31):  người được chữa lành
*  Người kính sợ Thiên Chúa (Ga 9:31):  người được chữa lành
*  Làm theo ý Chúa (Ga 9:31):  người được chữa lành
*  Con Thiên Chúa (Ga 9:35):  Chúa Giêsu
*  Chúa (Ga 9:36):  người được chữa lành
*  Lạy Chúa, tôi tin! (Ga 9:30):  người được chữa lành

-  Danh Xưng:  “TA LÀ”

Để mặc khải ý nghĩa sâu sắc của việc chữa lành cho ngươi mù, sách Tin Mừng Thứ Tư ghi lại những lời của Chúa Giêsu:  “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 9:5).  Ở một số nơi, để trả lời các câu hỏi người ta đặt ra cho Chúa Giêsu, Tin Mừng nhắc lại câu nói này “TA LÀ”:

*  Ta là bánh trường sinh (Ga 6:34-38)
*  Ta là bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6:51)
*  Ta là sự sáng thế gian (Ga 8:12; 9:5)
*  Ta là cổng (Ga 10:7, 9)
*  Ta là mục tử nhân lành (Ga 10:11, 25)
*  Ta là sự sống lại và là sự sống (Ga 11:25)
*  Ta là đường, là sự thật, và là sự sống (Ga 14:6)
*  Ta là cây nho (Ga 15:1)
*  Ta là vua (Ga 18:37)
*  Ta là (Ga 8:24, 27, 58)

Điều tự mặc khải này của Chúa Giêsu đạt đến đỉnh của nó trong cuộc nói chuyện của Người với dân Do Thái, khi Chúa Giêsu nói:  “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Ta là Người (Ga 8:27).  Danh xưng Ta là thì giống như Đấng Giavê, tên của Đức Chúa đã xưng ra trong sách Xuất Hành, một lối diễn tả sự hiện hữu liên kết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha (Xh 3:15).  Lời khẳng định lăp lại nhiều lần TA LÀ mặc khải căn tính đồng nhất sâu sắc giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.  Khuôn mặt của Thiên Chúa tỏa sáng trong Đức Giêsu Nagiarét:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!  (Ga 14:9)  

6.  Thánh Vịnh 117 (116):

Lời tóm gọn về Kinh Thánh trong một lời cầu nguyện

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Allêluia!

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thưc hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét