29/03/2017
Thứ tư tuần 4 Mùa Chay
Bài Ðọc I: Is 49, 8-15
"Ta đã đặt
ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ðây Chúa phán:
"Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu
giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi
phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với tù nhân rằng:
"Các ngươi hãy ra", và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng:
"Các ngươi hãy ra ngoài sáng". Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường,
và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và
mặt trời không làm khổ họ, vì Ðấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và
đưa họ đến uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường
đi, và các lối đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa
những kẻ từ hướng bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.
Trời hãy ca ngợi, đất
hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ
xót thương những người cùng khổ.
Nhưng Sion nói:
"Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi". Nào người mẹ có thể quên con
mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó
có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 8-9.
13cd-14. 17-18
Ðáp: Chúa là Ðấng nhân ái và từ bi (c. 8a).
Xướng: 1) Chúa nhân ái
và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ
bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Chúa trung thành
trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết
thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.
3) Chúa công minh
trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ
kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: 2 Cr 6, 2
Ðây là lúc thuận tiện.
Ðây là ngày cứu độ.
Phúc Âm: Ga 5, 17-30
"Chúa Cha cho
người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người
làm cho ai sống là tuỳ ý Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu trả
lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy".
Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm
luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng
với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Quả thật, quả thật,
Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy
Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng,
Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn
bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi
vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa
Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không
xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng
Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn
trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe
lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được
từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ
và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống.
Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa
Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì
Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ
trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống
lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể
tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta
không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Không ngừng
yêu thương
Trong bài Phúc Âm hôm
nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái cách Ngài chữa lành cho
người đang làm việc gần bên giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta
cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn trao ban điều tốt
cho con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây đến phiên mình
xuống trần để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm việc,
làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabát hay không. Ngày Sabát là
cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát.
Cũng trong dịp này
Chúa Giêsu mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa
Cha và Chúa Con, tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động nhân từ
mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc
khải chân tính tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả, hãy cộng
tác với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe lời Ta
và tin Ðấng đã sai Ta thì được sống đời đời, khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi
chết mà qua cõi sống".
Hãy nhìn mọi sự với
đôi mắt của Thiên Chúa, ta sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác: "Cha Ta
làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy". Chúa Giêsu đã không bao giờ
ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con
luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đặt đời con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời
để con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV MC
Bài đọc: Isa
49:8-15; Jn 5:17-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên
Chúa yêu thương chăm sóc dân Người.
Tình yêu Thiên Chúa được
các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình yêu, nhưng không có
hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ: Thân mật như tình yêu
vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn có sự phản bội. Bao la
như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ và đang tâm giết hại
con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây nho và cành, nhưng
không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu thương.
Các Bài Đọc hôm nay đặt
trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah muốn nói với
dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm săn sóc họ.
Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi lưu đày và đưa họ về quê
hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục Tử để chăn dắt dân và
lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu thương nhân lọai, Thiên
Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu thương, chăm sóc, và chữa
lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.
1.1/ Viễn tượng về ngày
Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật
hôm nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu
Đày. Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa
đã có kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan
báo: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu
độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ
sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: "Hãy đi
ra," với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài."”
Thiên Chúa là Mục Tử,
chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi
ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không
phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót
chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đây là hình ảnh
báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành,
Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn 10:10-11).
1.2/ Thiên Chúa không bao
giờ lãng quên dân Người.
(1) Thiên Chúa vẫn
nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh cực khổ của nơi
lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhiều người đã từng
thốt lên: "Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!"
Thực ra, Thiên Chúa vẫn
nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng minh tình thương
Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi, khuyến khích,
và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân biết nhận ra
tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn lưu đày. Dân
mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó sẽ là ngày mừng
vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo,
vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của
Người.”
(2) Tình của Thiên
Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la hơn tình mẫu tử;
nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình ngay khi còn là bào
thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho con người, khi Ngài
nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình
đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi
bao giờ.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.
2.1/ Cha tôi vẫn làm việc,
thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo
Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng
mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn
làm việc, thì tôi cũng làm việc."
Thiên Chúa đã không
nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này.
Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của
lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là
làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến
trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày
khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng
trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương,
và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ:
Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy,
vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng
tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói
Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên
Chúa.
2.2/ Thiên Chúa ban cho
Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.
(1) Quyền ban sự sống:
“Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con
cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa
Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa
Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của
Ngài.
Sự sống mà Chúa Giêsu
mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài
nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì
cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy
đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của
Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự
mình sống lại sau ba ngày trong mộ.
(2) Quyền phán xét:
“Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền
xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không
tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”
Chúa Cha và Chúa Giêsu
không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện
với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ
đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết:
“Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị
xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải xác
tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên
Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để
Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho
chúng ta.
- Thiên Chúa không chỉ
yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt
lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta
còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Ga 5,17-30
LÀM THEO Ý CHÚA CHA
“Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi,
nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 5,30)
Suy niệm: Đức Giê-su là Đấng
được Chúa Cha sai đến. Cả cuộc đời Người, Người chuyên chăm thực hiện thánh ý
Cha, cho đến mức chấp nhận cái chết thập giá. Thánh ý Cha là lương thực hằng
ngày của Đức Giê-su, là lý do hiện hữu và của sứ mạng của Ngài. Điều này không
hề có nghĩa rằng Đức Giê-su không có ý riêng mình. Người vẫn có ý riêng, như
bất cứ ai – nhưng Người hoàn toàn khép ý riêng mình vào trong ý Chúa Cha: “Cha
ơi, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con, mà xin
theo ý Cha” (Lc 22,42). Tất cả mối quan tâm của Đức Giê-su
là làm cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Vì
thế, Chúa Cha gọi Người là “Con Yêu Dấu.”
Mời Bạn: Chúng
ta không bác bỏ ý riêng, nhất là khi nó giúp ích trong việc xây dựng cộng đoàn.
Tuy nhiên phải chăng chúng ta thường quá coi trọng ý kiến của mình mà quên đi ý
Chúa muốn mình phải làm gì? Mời bạn làm chứng cho sự vâng phục thánh ý Chúa
bằng những chọn lựa và hành động cụ thể, chứ không chỉ bằng sự đồng ý suông của
lý trí. Và đừng quên rằng “trăm nghe không bằng một thấy,” và “lời nói bay đi
gương bày lôi kéo” - hay như nhận định của chân phước giáo hoàng Phao-lô VI: “Con
người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các
thầy dạy thì cũng bởi vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân!”
Sống Lời Chúa: Tập
không bao giờ quyết định, chọn lựa bất cứ gì chỉ vì đó là ý của
mình. Chỉ theo ý mình khi xác tín rằng đó cũng là điều Chúa muốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho
con biết lắng nghe thuộc cấp và biết vâng phục thượng cấp theo như thánh ý Chúa
muốn.
(5 phút lời Chúa)
Không thể làm gì tự mình (29.3.2017 – Thứ tư Tuần 4 Mùa Chay)
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai. Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Suy niệm:
Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,
mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề
là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi
của mình,
người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.
Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.
Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm
thượng
vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng
làm việc” (c. 17).
Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.
Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).
Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.
Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo
ý riêng.
Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,
đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.
Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).
Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).
Người ta tưởng Con bị vong thân,
nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do
trọn vẹn.
Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy
hướng về Cha.
Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì
Cha có.
Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao
được.
Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).
Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c.
21).
Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi
chính mình (c. 26).
Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),
và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét
(c. 28).
Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha
(c. 23).
Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả
từ Cha.
Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,
nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu,
người được Cha sai.
Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn
toàn như Giêsu.
Tôi không đi qua tôi, để lại gì?
Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt
qua mình như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng
thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi
của thân xác,
tự do trước đam mê của
trái tim,
tự do trước những thành
kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi
hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu
bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự
do như Chúa.
Chúa tự do trước những
ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với
người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những
thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại
nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau,
nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và
nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG BA
Một Viễn Tượng Mới Về Lịch Sử Nhân Loại
Mầu nhiệm Vượt Qua là thực tại thần linh đơn nhất chứa đựng cả Nhập Thể và
Cứu Chuộc – được Thiên Chúa mạc khải cho con người. Mầu nhiệm này được Thiên Chúa
mạc khải cho trái tim và lương tâm của mỗi người trong chúng ta. Mỗi người
trong chúng ta đều dự phần trong mầu nhiệm xuyên qua di sản tội lỗi vốn dẫn con
người – từ thế hệ này sang thế hệ khác – đến sự chết. Mỗi người trong chúng ta
đều tìm thấy trong thực tại này sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Kitô không chấm dứt ở cái chết tự hiến
của Người. Nó không thể bị phủ lấp bởi tảng đá lớn mà người ta lăn ra để đóng
kín ngôi mộ sau cái chết của Đức Giêsu trên đồi Gôn-gô-tha.
Vào ngày thứ ba, tảng đá này sẽ được lăn ra khỏi bởi quyền năng Thiên Chúa,
và nó sẽ bắt đầu “cất tiếng lên”. Tảng đá cất tiếng lên để nói như Thánh
Phao-lô: “…Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn dương Người và tặng ban cho Người
một danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, để khi nghe Danh Giê-su, mọi vật trên
trời dưới đất và trong địa ngục đều phải quì gối sập lạy, và mọi miệng lưỡi đều
phải tuyên xưng rằng Đức Giê-su Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11). Như vậy, sự cứu
chuộc cũng có nghĩa là sự tôn dương.
Sự tôn dương của Đức Kitô – tức cuộc Phục Sinh của Người – đem lại cho
chúng ta một viễn tượng hoàn toàn mới về lịch sử nhân loại. Do kế thừa di sản
tội lỗi, con người vốn ở dưới ách thống trị của sự chết. Nhưng Đức Kitô đã mở
ra cho chúng ta kỷ nguyên của sự sống vượt thắng sự chết. Sự chết là một phần
của thực tại thế giới hữu hình. Nhưng sự sống thì ở chính nơi Thiên Chúa. Thiên
Chúa của sự sống nói với chúng ta xuyên qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Con
Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29 – 3
Is 49, 8-15; Ga 5, 17-30.
Lời suy niệm: “Tôi
không thể tự ý minh làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết
của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo
ý Đấng đã sai tôi.”
Trong diễn từ về công việc của Chúa Con, cho chúng ta thấy được Chúa Giêsu đồng
nhất với Chúa Cha: ‘Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ
điều người thấy Chúa Cha làm” (c.19). Và Người cũng có quyền năng: “Chúa Cha
làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban
sự sống cho ai tùy ý.” (c.21). Và Người có toàn quyền xét xử: “Chúa Cha không
xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử.” (c.22).
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con ơn đức tin khi học hỏi Kinh Thánh và sống
đúng Lời Chúa và tuân giữ những giáo huấn của Giáo Hội, giúp cho chúng con mỗi
ngày được trưởng thành trong đức tin.
Mạnh Phương
29 Tháng Ba
Khúc Nhạc Tuyệt Vời
Một đêm kia, ông Paganini, một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng vào thế kỷ 19 bước
ra sân khấu và chỉ khám phá nhạc khí ông đang cầm trên tay có cái gì bất bình
thường sau khi những tràng pháo tay của khán giả ngưỡng mộ ông nổi lên vang dậy
và chấm dứt. Nhìn kỹ lại chiếc đàn lần thứ hai, nhạc sĩ Paganini mới nhận thấy
đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc đã đưa ông lên đài danh vọng.
Ông đứng bất động trong giây phút, rồi bắt buộc phải lên tiếng xin lỗi khán
giả đang nóng lòng chờ đợi nghe những điệu nhạc tuyệt diệu của ông. Paganini
giải thích: "Vì lý do kỹ thuật, xin quý vị vui lòng chờ đợi trong giây
phút vì tôi đã lấy lộn cây đàn". Cáo lỗi xong, Paganini lách mình sau bức
màn sân khấu và yên trí là cây đàn bất hủ của mình vẫn nằm nơi ông đã đặt nó.
Nhưng ông không khỏi bàng hoàng khi nhận ra là có người đã đánh cắp nhạc khí
quý giá của ông khỏi thùng đàn và đã đặt một cây đàn rẻ tiền khác thay thế vào.
Nhạc sĩ Paganini đứng yên như bức tượng một hồi lâu rồi như một ý nghĩ gì lóe
lên trong trí óc, ông cương quyết cầm cây đàn tầm thường bị đánh tráo trở lại
sân khấu và lớn tiếng tuyên bố:
"Kính thưa quý vị, ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của tôi, nhưng
trong buổi trình diễn này, tôi muốn chứng minh cùng quý vị là: vẻ đẹp và cái
tinh túy của nhạc không nằm trong nhạc khí, nhưng nằm trong tâm hồn của nhạc
sĩ".
Nói xong, nhạc sĩ tài ba bắt đầu dạo nhạc và từ cây vĩ đàn tầm thường ông
đã say sưa trình diễn những khúc nhạc tuyệt vời tưởng chừng như bất tận, cho
đến khi khán giả say mê ngây ngất, đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy vì
ông Paganini đã thật sự chứng minh với họ là: Tinh thần nhạc không tùy thuộc ở
trong nhạc khí nhưng hàm ẩn trong tâm hồn của nhạc sĩ.
Ðây cũng là sứ mệnh của các tín hữu Kitô: Hằng ngày sau một giấc ngủ yên,
họ bừng chỗi dậy để ra sân khấu cuộc đời trình diễn khúc nhạc: "Thiên Chúa
là Tình Yêu". Gặp thời kỳ thuận tiện hay bất lợi, gặp môi trường sinh sống
xứng hợp với khúc nhạc hay không, gặp những người chung sống có chấp nhận hay
từ chối, cuộc sống của người Kitô hữu phải chứng minh rằng: Khúc nhạc
"Thiên Chúa là Tình Yêu" không thể bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh,
vào những môi trường sinh sống bên ngoài, nhưng phải là khúc nhạc xuất phát từ
tâm hồn như những điệu nhạc tuyệt vời của nhạc sĩ Paganini không bị lệ thuộc
vào nhạc khí, nhưng đã xuất phát từ tâm hồn điêu luyện say mê âm nhạc của ông.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 5:17-30
Thứ Tư, 29 Tháng 3, 2017
Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa và là Cha của chúng con,
Chúa đã tiếp tục tìm kiếm chúng con
Với tình yêu thương thiết tha như tình mẹ,
Ngay cả khi chúng con đã bỏ rơi Chúa.
Xin ban cho chúng con hy vọng và lòng can đảm,
Đặc biệt là khi chúng con cảm thấy bất an.
Xin Chúa đoan chắc với chúng con rằng Chúa muốn chúng con sống
Trong sự an bình của tình yêu Chúa
Và rằng Chúa luôn ở cùng với chúng con
Nhờ Con Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2.
Phúc Âm – Gioan 5:17-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do Thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc
như vậy”. Bởi thế, người Do Thái càng
tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbát, lại
còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
“Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm điều gì nếu
không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa
Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy.
Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc
mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ
phải thán phục.
Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế
nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tùy ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà
trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng
như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng
Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi:
Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị
xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết
nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình
như thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người
đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người.
Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ
nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được
sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý
riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”.
3.
Suy Niệm
- Sách Tin Mừng của Gioan thì
khác với ba sách kia. Nó mặc khải một
khía cạnh sâu xa hơn mà chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được trong lời nói
và cử chỉ của Chúa Giêsu. Các Giáo Phụ của
Giáo Hội sẽ nói rằng Tin Mừng theo Gioan thì thuộc về “thần khí”, nó mặc khải
những gì Thần Khí Chúa làm cho người ta khám phá ra trong lời của Chúa Giêsu
(xem Ga 16:12-13). Một ví dụ đẹp đẽ về
khía cạnh thần khí của sách Tin Mừng Gioan là đoạn mà chúng ta sẽ suy niệm hôm
nay.
- Ga 5:17-18: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa sâu sắc của việc
chữa lành người bất toại. Bị người Do
Thái chỉ trích vì đã chữa bệnh trong ngày Sabbát, Chúa Giêsu trả lời: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc
như vậy!” Người Do Thái được dạy rằng
không được làm bất cứ việc gì vào ngày Thứ Bảy, bởi vì ngay cả Thiên Chúa cũng
đã nghỉ ngơi và không làm việc vào ngày thứ bảy khi tạo dựng trời đất (xem Xh
20:8-11). Chúa Giêsu khẳng định ngược lại. Người nói rằng Chúa Cha làm việc không ngơi
nghỉ thậm chí cho đến bây giờ. Và vì lý
do này, Chúa Giêsu cũng làm việc như vậy, và dù rằng vào ngày Thứ Bảy. Chúa bắt chước Chúa Cha của mình! Đối với Chúa Giêsu công việc sáng tạo chưa
hoàn tất. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc,
liên lỉ ngày đêm, chống giữ Vũ Trụ và tất cả chúng ta. Chúa Giêsu cộng tác với Chúa Cha tiếp tục
công trình sáng tạo theo một cách mà có một ngày tất cả mọi người có thể tiến
vào nơi an nghỉ đời đời đã được hứa hẹn.
Phản ứng của người Do Thái thì kịch liệt. Họ muốn giết Chúa vì hai lý do: vì Người đã phạm luật ngày Sabbát và vì nói rằng
Người ngang hàng với Thiên Chúa.
- Ga 5:19-21: Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con
biết mọi việc mình làm. Những câu này
cho thấy điều gì đó về mối quan hệ giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Đức Giêsu, Chúa Con, sống vĩnh viễn chu đáo
trước mặt Chúa Cha. Điều gì Chúa Cha
làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy.
Chúa Giêsu là sự phản ánh của Chúa Cha.
Người là khuôn mặt của Chúa Cha!
Việc sống hoàn toàn chu đáo này của Chúa Con đối với Chúa Cha khiến cho
tình yêu của Chúa Cha có thể ngự vào trong Chúa Con hoàn toàn và qua Chúa Con,
thực hiện công việc của Ngài trong thế gian.
Mối quan tâm chính của Chúa Cha là chiến thắng sự chết và ban cho sự sống. Đó là cách tiếp tục công trình sáng tạo của
Chúa Cha.
- Ga 5:22-23: Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa
Con trọn quyền xét xử. Điều quyết định
trong đời sống là cách thức mà chúng ta đặt mình trước Đấng Tạo Hóa, bởi vì nó
hoàn toàn phụ thuộc vào nơi Ngài. Giờ
đây Đấng Tạo Hóa hiện diện cho chúng ta trong Đức Giêsu. Sự phong phú của thần tính hiện diện nơi Đức
Giêsu (xem Cl 1:19). Và vì thế, theo
cách thức mà chúng ta có trước mặt Đức Giêsu, tức là chúng ta tỏ bày thái độ của
chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng Tạo
Hóa. Điều mà Chúa Cha muốn là chúng ta
nhận biết Ngài và tôn trọng Ngài trong sự mặc khải mà Ngài đã hiện hữu trong Đức
Giêsu.
- Ga 5:24: Sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta qua
Chúa Giêsu. Thiên Chúa là sự sống, Ngài
tạo ra sự sinh động. Bất cứ nơi nào Ngài
hiện diện, thì ở đó có sự sống. Ngài hiện
diện trong Lời của Chúa Giêsu. Ai nghe Lời
của Chúa Giêsu như lời của Thiên Chúa đã sống lại. Người đã nhận được sự tiếp xúc sống động dẫn
đưa Người vượt khỏi cái chết. Chúa Giêsu
đã vượt khỏi từ cõi chết mà qua cõi sống.
Bằng chứng của việc này là trong việc chữa lành người bất toại.
- Ga 5:25-29: Sự sống lại đã được xảy ra. Tất cả chúng ta là những người chết mà vẫn
chưa mở lòng mình ra để nghe tiếng Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha. Nhưng “giờ sẽ đến” và đó là bây giờ, trong đó
“những kẻ chết sẽ nghe thấy tiếng của Con Thiên Chúa và ai đã nghe thì sẽ được
sống”. Vời Lời của Chúa Giêsu phát xuất
từ Chúa Cha, việc tạo dựng mới bắt đầu; nó đang trên đường đến. Lời sáng tạo của Chúa Giêsu sẽ đến với tất cả
mọi người, ngay cả những người đã chết.
Họ sẽ nghe và sẽ được sống.
- Ga 5:30: Chúa Giêsu là phản ánh của Chúa Cha. “Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý
riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta”. Câu
cuối cùng này là lời tóm tắt tất cả những gì đã được nói từ trước. Đây là ý tưởng mà cộng đoàn vào thời thánh
Gioan đã có và phổ biến về Chúa Giêsu.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Bạn hình dung mối quan hệ giữa
Chúa Giêsu và Chúa Cha như thế nào?
- Bạn sống với đức tin vào sự sống
lại ra sao?
5. Lời
nguyện kết
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
Tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên
(Tv 145:8-9)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét