Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo -
Tin Lành
VATICAN. ĐTC chào mừng Hội nghị về đề tài ”Luther 500 năm
sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến
sáng 31-3-2017, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa
Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29-3-2017 về đề tài ”Luther 500 năm sau. Đọc
lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Các tín hữu Tin
Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một
Hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây
chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh
Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng
trưởng trong tình hiệp thông”.
ĐTC vui mừng vì Hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội
cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về
con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng
như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu
không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa
hai bên. Theo ĐTC, ”sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng
thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay,
phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa
tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới
chia rẽ”.
Và ĐTC cũng khẳng định rằng ”Tất cả chúng ta đều biết
là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa
Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có
thể ”kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết
thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Bernard
Ardura, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học, cho biết điều quan trọng nhất
của Hội nghị này là xem xét coi khi đọc lại cuộc cải cách người ta có thể khám
phá những điều hiểu lầm hay không. Ví dụ đạo lý về ơn công chính hóa mà Công
Giáo và Tin Lành Luther đã đạt tới một sự đồng thuận, qua đó người ta hiểu rằng
tuy có những ngôn từ khác, chúng ta có cùng một sự hiệp thông trong đức tin.
Ngoài ra có những khía cạnh khác như sự cấu thành chính Giáo Hội, vai trò của
thừa tác vụ trong Giáo Hội, sự kế truyền tông đồ, chỗ đứng của các bí tích. Đó
là những vấn đề còn bỏ ngỏ. (SD 31-3-2017)
G. Trần Đức Anh OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét