Kỷ niệm 50 năm công bố Thông điệp "Tiến Bộ các Dân Tộc"
Ngày 26 tháng 3 năm 1967, tức cách đây 50 năm vào đúng ngày
lễ Phục Sinh, Đức Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Populorum progressio – Tiến
bộ các dân tộc”. Đây là một trong các tài liệu ý nghĩa nhất của thế kỷ XX, với
cùng chiều hướng của các tài liệu quan trọng của Công Đồng Chúng Vaticăng II,
và với chính các tài liệu, diễn văn và bài phát biểu của chính Đức Phaolô VI từ
Thông điệp “Ecclesiam suam Giáo Hội Ngài” cho tới diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc
ngày mùng 4 tháng 10 năm 1965.
Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết
thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng “vấn đề xã hội là vấn đề luân lý”. Phần I của
Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát
triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một
số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp
đền là tưong quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện
trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội. Phần hai của
Thông điệp trình bầy đề tài “hướng tới việc phát triển liên đới của nhân loại”,
bao gồm việc trợ giúp những người yếu đuối, tạo ra sự bình đẳng trong các tương
quan thương mại, phát huy tình bác ái đại đồng, và thông điệp kết thúc với lời
kêu gọi hướng tới mọi thành phần xã hội: các tín hữu công giáo, các kitô hữu và
tín hữu các các tôn giáo khác, các người thiện chí, các giới chức lãnh đạo
chính trị xã hội, kinh tế văn hoá, các tư tưởng gia, và tất cả mọi người trong
gia đình nhân loại.
Đức Phaolô VI trở thành Giáo Hoàng ngày 21 tháng 6 năm 1963
giữa khoá họp thứ nhất và thứ hai của Công Đồng Chung Vaticăng II. Ngay lập tức
ngài đưa vào truyền thống các chuyến tông du, trước hết bên Palestina, tại Bếtlêhem,
Nadarét và Giêrusalem, nơi ngài gặp gỡ Đức Athenagoras, Thượng phụ Giáo Hội
chính thống Costantinopoli. Sau đó là các chuyến viếng thăm Bombay bên Ấn Độ, rồi
Liên Hiệp Quốc và New York, Fatima Bồ Đào Nha, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, Bogotà
Colombia, Genève Thụy Sĩ, Uganda, Đông Á, Đại dương châu và Australia.
Trong sứ điệp phát thanh đọc một tháng trước ngày khai mạc
Công Đồng Chung Vaticăng II Đức Gioan XXIII đã nói: “trước các dân tộc kém mở
mang Giáo Hội muốn là Giáo Hội của tất cả mọi người và đặc biệt là Giáo Hội của
người nghèo”. Ở đây Đức Roncalli đặt để sự tương ứng giữa các dân tộc
nghèo và sự nghèo nàn của Giáo Hội là Giáo Hội thuộc về người nghèo, là những
người khiến cho Giáo Hội hữu hình trong việc đi theo mầu nhiệm của Chúa Giêsu,
là Đấng Cứu Thể của người nghèo.
** Theo cách thức của mình Đức Phaolô VI muốn du nhập viễn
tượng này và trả lời cho thế giới kém mở mang đang gây áp lực mạnh, để đáp ứng
nhu cầu của Tin Mừng đòi hỏi công bằng cho các quốc gia thuộc miền nam bán cầu.
Nhất là hồi đó hàng Giám Mục châu Mỹ Latinh đặt ra vấn đề kitô hữu tham dự vào
các tiến trình và phong trào cách mạng chính trị xã hội. Thông điệp muốn trả lời
cho một tiến trình đã khởi đầu với Hiến chế mục vụ “Gaudium Spes - Vui Mừng và
Hy Vọng” về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Hồi đó thế giới có các thay đổi
sâu rộng với một tiến bộ kinh tế ngoạn mục chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại,
song song với một cuộc cách mạng sâu rộng trong điều kiện sống của con người, để
lại các dấu vết trong lịch sử. Các tài liệu công đồng cho thấy Giáo Hội cũng ý thức
được một điều gì vĩ đại đang xảy ra. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định rằng:
“Nhân loại ngày nay đang sống một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là
giai đoạn chất chứa những thay đổi sâu rộng và mau chóng đang dân dần lan rộng
trên toàn địa cầu… Như thế, chúng ta có thể nói tới một biến đổi đích thực về mặt
xã hội và văn hoá, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn
giáo” (s. 4).
Sự tăng trưởng kinh tế đã thực sự là một hiện tượng
không phải chỉ của thế giới tây âu, nhưng cả trong khối liên xô, và tại các nước
đang trên đường phát triển, bị gọi là “thế giới thứ ba” nữa. Các nước này có
dân số gia tăng một cách ngoạn mục, và tuổi thọ của con người cũng gia tăng vì
các phát triển trong lãnh vực nông nghiệp và y khoa. Thông điệp Tiến bộ các dân
tộc cũng ghi nhận sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và các mới mẻ
do nền văn minh kỹ nghệ đem lại tạo ra hậu quả sâu rộng trên các cơ cấu không
thích ứng được với các điều kiện mới mẻ. Bên trong môi trường thường là cứng nhắc
của các cơ cấu đó, được đóng khung cuộc sống của các cá nhân và gia đình, tìm
thấy nơi các cơ cấu ấy sự nâng đỡ cần thiết, và các thế hệ già bám víu vào
chúng, trong khi giới trẻ hướng tới chỗ thoát khỏi các cơ cấu này vì coi chúng
như một chướng ngại vô ích; và họ hướng tới các hình thức mới mẻ trong cuộc
sống xã hội. Mặc dầu thừa nhận các điều ác của một loại chế độ thực dân nào đó
và các hậu quả tiêu cực của nó, thông điệp thừa nhận trong vài trường hợp tiến
trình khởi đầu tối tân hoá cũng đã phù hợp với các đường lối chính trị của
các quyền lực thực dân. Mặc dù không đầy đủ nhưng vài cơ cấu vẫn hoạt động, chẳng
hạn như trên bình diện chống lại nạn dốt nát mù chữ và bệnh tật, trong lãnh vực
truyền thông và cải tiến các điều kiện an sinh.
** Chính việc thoát khỏi tình trạng ao tù của các xã hội
truyền thống đang mở mắt cho các đám đông dân chúng của các quốc gia nghèo đang
trên đường phát triển, và trải rộng ra trên bình diện toàn cầu các xung đột xã
hội. Sự âu lo xâm chiếm các tầng lớp nghèo của các quốc gia đang trong giai đoạn
kỹ nghệ hoá giờ đây đã tới với những người, cho tới nay hầu như chỉ sống về
nông nghiệp. Giới nông dân ý thức về cảnh nghèo túng đáng lý ra họ không phải
chịu một cách bất công như cho tới nay. Tóm lại, để triệt hạ nghèo đói và bất
công - và đây là đường hướng của Thông điệp - cần phải tháp nhập các giai
tầng này vào trong một tiến trình biến đổi kinh tế, chứ không được để cho
họ bị gạt bỏ ngoài lề. Điều quan trọng đó là phải cai trị, hướng dẫn tiến trình
tiến bộ này tới các mục tiêu xác định, không thể để cho nó muốn tới đâu thì tới.
Và việc phát triển không chỉ được giản lược vào sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần
mà thôi, nhưng phải là việc phát triển toàn diện, có nghĩa là phải thăng tiến sự
phát triển của mỗi một người và toàn con người trong tất cả mọi bình diện cuộc
sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, an sinh và tôn giáo.
Để được như vậy trước hết xã hội phát xuất từ sự tân tiến
hoá này không đuợc lập lại các sai lầm và khuyết điểm của “thế giới thứ nhất”,
bao gồm các chủ trương tiêu thụ hưởng, chủ thuyết hạt nhân duy cá nhân chủ
nghĩa, cái luận lý đơn thuần duy lợi ích chủ thuyết hoạt động, chủ
thuyết kỹ thuật. Mọi tăng trưởng đều hàm hồ. Vì thế cần phải cho phép con người
là nguời hơn. Nếu việc theo đuổi phát triển ngày càng đòi hỏi một số chuyên
viên kỹ thuật đông hơn, thì lại càng cần có đông tư tưởng gia có khả năng suy
tư sâu rộng, tìm kiếm một nền nhân bản mới cho phép con người tìm lại được
chính mình, nhận lãnh các giá trị cao hơn cuả tình yêu thương, tình bạn, của lời
cầu nguyện và việc chiêm niệm. Như vậy cần duy trì cái gì đó của chủ trương
chung và của các phẩm chất khác của các xã hội truyền thống, và dẫn đưa chúng
vào trong các xã hội mới.
Ngoài ra, cần phải tránh cho các xã hội mới khỏi rơi vào các
bất công xã hội xâu xé đã xảy ra trong các thế giới tây âu sau cuộc cách mạng kỹ
nghệ đầu tiên. Thông điệp không đổ lỗi cho việc kỹ nghệ hoá có các khía cạnh
tích cực của nó, nhưng cảnh cáo khung cảnh ý thức hệ, trong đó nảy sinh ra chủ
thuyết tư bản tự do. Trong các xã hội mới cần phải có chỗ cho việc tăng trưởng
tư bản cùng tới việc chiếm hữu những gì cần thiết cho cuộc sống, chiến thắng
các tai ương xã hội, mở rộng việc hiểu biết, chiếm hữu được văn hoá.
** Tất cả những điều này đã được thực hiện tại các nước kỹ nghệ
phát triển, nhưng rất thường khi với các cuộc chiến đấu và xung khắc xã hội đã
có thể tránh được để không gây ra các đổ vỡ bất công. Để được như thế cần bỏ việc
tuyệt đối hoá tư sản là kiểu mẫu của chế độ tư bản tự do, và theo giáo huấn của
các Giáo Phụ và các thần học gia lớn của Giáo Hội, theo đó quyền tư hữu không
bao giờ được thực thi gây thiệt hại cho công ích. Vì thế trong một số trường
hợp có thể thực thi đuờng lối chính trị truất hữu, cấm chuyển vốn ra
ngoài, nhất là sử dụng các kinh nghiệm chương trình hoá kinh tế, vì sáng
kiến cá nhân không thôi và sự cạnh tranh đơn thuần không thể bảo đảm cho sự
thành công của việc phát triển.
Việc tân tiến hoá các quốc gia đang trên đường phát triển
phải từ từ. Giáo Hội là “chuyên viên về nhân bản” biết rất rõ rằng vài mất quân
bình nào đó trong xã hội là điều cần thiết, do đó việc thay đổi xã hội không được
vội vã: một cuộc cải cách nông nghiệp bất thình lình có thể thất bại không đạt
đích. Một việc kỹ nghệ hoá vội vã có thể gây bất ổn cho các cơ cấu còn cần thiết,
và tạo ra các bần cùng xã hội làm thành một bước thụt lùi trên bình diện các
giá trị nhân bản.
Việc đẩy mạnh các tình hình để tạo ra một di động cách mạng
nhằm loại bỏ các bất công đớn đau không thể chịu đựng nổi chỉ có thể chấp nhận
được trong một số tình trạng xác định như “trong trường hợp một chế độ độc tàì
hiển nhiên kéo dài vi phạm trầm trọng các quyền con người và gây thiệt hại một
cách nguy hiểm cho công ích của quốc gia. Bởi nếu không, cuộc cách mạng sẽ lại
là nguồn gốc của các bất công mới, tạo ra các bất quân bình mới và gây ra các đổ
vỡ mới mà thôi: “Không thể đánh đổ một sự dữ thực thụ với giá cuả một sự dữ lớn
hơn”.
Sự sữ lớn hơn đó đã là viễn tượng của một “tập thể hoá toàn
diện hay của một kế hoạch hoá tuỳ tiện khước từ tự do như nó là và loại bỏ mọi
quyền nền tảng của bản vị con người nhằm thực hiện một chủ nghĩa nhân bản vô thần,
một chủ nghĩa nhân bản đóng kín, vô cảm đối với các giá trị của tinh thần và đối
với Thiên Chúa, là suối nguồn của các giá trị đó. Chắc chắn là con người có thể
tổ chức trái đất không có Thiên Chúa, “nhưng không có Thiên Chúa cuối
cùng con người có thể tổ chức chống lại con người”. “Một chủ thuyết nhân bản loại
trừ là một chủ thuyết nhân bản vô nhân”.
Điều kiện cần có để thực hiện một sự phát triển đúng đắn và
nhân bản là phải làm sao để việc tân tiến hoá không bị đi kèm bởi việc tục hoá
man rợ, như hiện đang xảy ra tại các quốc gia đang trên đường phát triển. Và nhất
là phải biết thừa nhận các giá trị siêu việt cũng như Thiên Chúa là nguồn gốc của
các giá trị đó, và trân trọng niềm tin của con người nơi Thiên Chúa. Chỉ như thế
mới có thể phối hợp sự phát triển kinh tế với một chủ thuyết nhân bản toàn cầu,
bởi vì không có sự nhân bản đích thực nếu con người không rộng mở cho Đấng Tuyệt
Đối, qua việc nhận ra một ơn gọi cống hiến cho ý tưởng đích thật về cuộc sống
con người. Trong nghĩa này thông điệp có chiều kích “cải cách” đích thực với một
viễn tượng lạc quan giúp xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ và hoà bình,
đáp ứng các khát vọng của các dân tộc trên thế giới.
(Oss. Rom. 23.24-3-2017)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét