TỪ TRÊN THÁNH GIÁ NHÌN XUỐNG
Nguyên bản
tiếng Pháp: Ceux que Jésus voyait du haut de la Croix
Lm Carôlô Hồ Bặc Xái chuyển
ngữ
7. TỔNG TRẤN PHILATÔ
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Tổng trấn
Philatô.
Vào giờ này, ông đang ở pháo đài Antônia tại Grêrusalem. Từ
pháo đài này ông theo dõi và chỉ huy quân đội Rôma xâm lược.
Ông nghĩ gì? Chắc ông đang nghĩ lại về vụ xử án Chúa Giêsu tại
tòa của ông. Chưa bao giờ trong đời ông phải gặp một vụ án rắc rối đến vậy.
Chưa bao giờ ông bị ấn tượng mạnh trước một bị cáo như thế. Cho tới bây giờ ông
vẫn còn băn khoăn bối rối trước những diễn biến của vụ án, và nhất là về thái độ
hèn nhát của ông. Quả thực đây là một vụ án nổi tiếng nhất lịch sử và người ta
sẽ còn nhắc tới hoài cho đến tận thế.
Người ta điệu đến tòa án của tổng trấn Philatô một bị cáo
tên Giêsu. Phong thái bị cáo giống như một Ngôn sứ, một kẻ được Thiên Chúa sai
đến. Philatô thì không tin Thiên Chúa, ông chỉ tin vào Đế quốc Rôma. Đế quốc
Rôma chính là thần thánh của ông. Đế quốc Rôma đang thống trị cả thế giới, và
ông tin rằng sẽ còn thống trị mãi mãi. Chống lại Rôma là một tội nặng, đáng chết.
Philatô nắm quyền lên án tử. Vậy để Philatô lên án xử tử
Chúa Giêsu, Thượng tế Caipha và các thành viện Thượng hội đồng do thái giáo đã
tố cáo Chúa Giêsu là phản loạn, là dám tự xưng là vua, là xách động dân chúng nổi
loạn đánh đuổi quân Rôma xâm lược. Toàn là những tội danh rất nặng.
Nhưng Philatô thắc mắc: Tại sao Thượng hội đồng do thái dẫn
Chúa Giêsu đến tòa của ông? Philatô hiểu ngay là họ muốn ông chuẩn y bản án tử
hình mà họ đã kết sẵn nhưng chưa thi hành được nếu không được ông chuẩn y.
Vậy Philatô truyền đưa Chúa Giêsu ra trước tòa để ông thẩm vấn.
Ông hỏi: “Ông có coi mình là vua không?” Chúa Giêsu trả lời rằng Người chính là
vua nhưng không như người đời nghĩ. Người là vua tâm hồn người ta, vì thế cho
nên Người chẳng cần đến quân đội và lãnh thổ. Nghe vậy, Philatô hiểu ngay Chúa
Giêsu không phải là một kẻ âm mưu chính trị và cũng không nguy hiểm gì cho ách
đô hộ Rôma. Vụ án này chỉ có tính cách tôn giáo. Mà ông thì không quan tâm đến
tôn giáo, cho nên ông có ý muốn thả Người.
Thế nhưng những kẻ thù Chúa Giêsu thì không chịu vậy. Họ đã
kết án xử tử Chúa Giêsu, và bằng mọi giá họ phải thực hiện được điều này. Phản ứng
của họ lại cho Philatô hiểu lý do họ kết án Chúa Giêsu chỉ là vì ganh ghét…
Philatô bối rối quá: Một mặt ông không muốn kết án người vô tội, mặt khác ông
không muốn bị rắc với các lãnh đạo tôn giáo do thái. Để rút khỏi vụ việc khó
khăn này, ông đã làm đủ cách: Trước hết ông chuyển Chúa Giêsu sang vua Hêrôđê,
viện cớ Chúa Giêsu là người Galilê thuộc lãnh thổ của Hêrôđê. Nhưng Hêrôđể lại
trả Chúa Giêsu lại cho ông… Kế đến ông bám vào thông lệ thả một tù nhân trong dịp
Đại lễ Vượt qua theo yêu cầu của dân. Vậy ông đem ra trước công chúng một tên
cướp khét tiếng đáng sợ tên là Baraba để so sánh với Chúa Giêsu và yêu cầu dân
chúng chọn một trong hai. Ông hy vọng dân sẽ xin tha Chúa Giêsu. Nào ngờ dân
chúng bị các thượng tế xúi dục đã xin tha cho Baraba. Philatô chới với. Ông
nghĩ đến khổ nhục kế: Ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu đã bị đánh
đòn quần áo tả tơi, mình mẩy bê bết máu, ông cho dẫn Người ra trước dân chúng
và nói “Đây là người”, ngụ ý “Các ngươi bằng lòng chưa? Hắn đã bị trừng trị
đích đáng rồi đó. Sau này hắn sẽ không dám tái phạm nữa đâu…”. Thế nhưng một lần
nữa Phiolatô bị bất ngờ: “Đóng đinh nó đi… Đóng đinh nó đi…”. Đến lúc đó những
kẻ thù Chúa Giêsu đưa ra một đòn tấn công quyết định: Họ nói thẳng với Philatô:
“Chúng tôi dẫn hắn đến đây vì hắn là một tên phản loạn chống lại Hoàng đế Xêsa.
Nếu ngài thả hắn thì ngài phản bội hoàng đế. Chúng tôi sẽ thưa ngài lên hoàng đế…”
Đến đây Philatô hiểu rằng ông có thể gặp rắc rối lớn, thậm chí mất cả chức Tổng
trấn Giuđêa. Thế là ông buông tay. Ông sai đem nước ra, rửa tay trước mặt mọi
người và tuyên bố: “Tôi vô can trong việc đổ máu người vô tội này. Các ngươi phải
gánh trách nhiệm”. Và ông giao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh.
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy
tôi.
1. Phải
chăng đôi khi tôi cũng hèn nhát không dám bênh vực những người vô tội yếu đuối,
thấp hèn trước sự chèn ép bất công của những người mạnh thế, giàu có?
2. Phải chăng
đôi khi có người khác vì tôi mà phải bị kết án và trừng phạt, thế mà tôi lại
hèn nhát không dám bênh vực họ, thậm chí còn hùa theo dư luận mà kết án họ?
3. Phải
chăng đôi khi tôi hèn nhát vì dễ dàng đứng về phía những kẻ mạnh thế nhưng khôn
khéo xảo quyệt hơn để gây thiệt hại cho những kẻ yếu thế hiền lành, chứ không
chịu khó tìm hiểu kỹ xem phần phải thuộc về ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét