02/03/2017
Thứ năm đầu tháng, sau lễ Tro
Bài Ðọc I: Ðnl 30,
15-20
"Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân rằng:
Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất
hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và
tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được
sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm
hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc,
thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh
em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm
hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự
sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em
và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân
phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu
dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ
anh em là Abraham, Isaac và Giacóp".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4
và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39,
5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai
không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân,
không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa,
và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng
bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả
công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được
như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: 2 Cr 6,2b
Ðây là lúc thuận tiện,
đây là ngày cứu độ.
Phúc Âm: Lc 9, 22-25
"Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ
lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người
sẽ sống lại".
Chúa nói với mọi người
rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo
Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì
Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất
mạng sống, thì được ích gì?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Theo
Chúa Giêsu
Trong lịch sử Giáo hội,
từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng hiến cuộc
đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác nhau, nhưng
có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn
gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Con đường ơn gọi sống
đời tận hiến là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục
sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt
thòi, mất mát, là hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống
ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn gọi trở thành công dân Nước Chúa cần
một lựa chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo
Ngài sự lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng
sống vì yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy
chối bỏ chính mình, hãy vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Chúa Giêsu có ngặt
nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn
toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời
tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một
cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.
Xin Chúa ban sức mạnh,
để chúng ta kiên quyết dấn thân theo Chúa với một tâm hồn thanh thản và tràn trề
hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm sau Lễ Tro
Bài đọc: Deut
30:15-20; Lk 9:22-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thế nào gọi
là sống?
Có nhiều quan điểm sống
khác nhau: Có những người vô thần cho rằng cuộc sống trên dương gian là tất cả
những gì họ có, nên phải sống làm sao để tận hưởng hết những gì thế gian dâng tặng.
Đối với những người này, những giá trị tôn giáo vô nghĩa vì họ không tin có
Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Phần đông tin có thưởng phạt và cuộc sống đời
sau, nên phải sống làm sao để đạt được cuộc sống mai sau.
Các Bài Đọc hôm nay mời
gọi các tín hữu xét lại quan niệm sống của mình. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị
Luật phân biệt hai lối sống: lối sống yêu mến Thiên Chúa và vâng lời tất cả những
gì Thiên Chúa dạy, và lối sống thờ phượng các thần và bất tuân những lệnh truyền
của Thiên Chúa. Theo tác giả, chỉ có lối sống thứ nhất mới đem lại hạnh phúc
đích thực cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lối sống: ai
muốn theo lối sống của Ngài, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng
ngày mà theo; ngược lại, ai không theo lối sống này, sẽ có nguy hiểm mất tất cả
những gì mình đang sở hữu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai con đường hay hai lối sống
Sách Đệ Nhị Luật đề
cao vai trò của Lề Luật, vì chính Thiên Chúa đã ban Lề Luật này. Chỉ có Thiên
Chúa biết những gì tốt đẹp cho con người, nên Lề Luật Ngài ban là để giúp con
người được hạnh phúc và tránh mọi nguy hiểm. Tác giả diễn tả đơn giản hai lối sống
mà con người có thể chọn để sống như sau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh
em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.”
(1) Yêu mến và vâng lời
Thiên Chúa sẽ được sống hạnh phúc: “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh
lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc,
và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em
sắp vào chiếm hữu.”
(2) Không yêu mến và bất
tuân Thiên Chúa sẽ phải chết vì tai họa: “Nhưng nếu anh em trở lòng và không
vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì
hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được
sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu.”
Lời truyền trên đây,
tuy đơn giản, nhưng không ai có thể làm được; vì mọi người đều bất tuân lệnh Thiên
Chúa, và vi phạm các Lề Luật của Người. Hậu quả là tất cả đều phải chết; nếu
Thiên Chúa không có kế họach khác cho con người. Nhưng Thiên Chúa đã có kế họach
cứu độ cho con người, Ngài cho Người Con Một của Ngài xuống trần để gánh tội
cho con người; nhờ Đức Kitô, con người được sống.
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Con đường Cứu Độ của
Đấng Thiên Sai: Chúa Giêsu nói với các môn đệ:
"Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư
loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chỉ trong một câu ngắn
ngủi, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những điều sau đây: (1) Có hai cuộc sống:
đời này và đời sau. (2) Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị lọai bỏ và bị giết
chết; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dạy vinh quang. (3) Quyền lực thế gian chỉ
có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn. (4) Ngài tự nguyện
chịu đau khổ để cứu chuộc con người; Ngài có thể chọn con đường khác.
2.2/ Ba điều kiện để trở
nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động
từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của
Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp
nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm
sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc
Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này,
Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:
(1) Phải muốn theo:
Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm
điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ
mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết
những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không
đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.
(2) Phải từ bỏ chính
mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết
con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền
và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý
tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người
phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên
Chúa.
(3) Phải vác thập giá
mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục
mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau
khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp
con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường
đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.3/ Nghịch lý của cuộc sống:
“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Để
hiểu câu này, chúng ta phải chấp nhận có hai cuộc sống: đời này và đời sau. Người
theo Chúa có thể sẽ mất cuộc sống đời này, nhưng sẽ được cuộc sống đời sau. Còn
những người muốn cứu mạng sống mình đời này, những người không muốn theo Chúa sẽ
mất cuộc sống đời sau.
Vấn đề đặt ra là cuộc
sống nào đáng quí trọng hơn? Theo Chúa Giêsu, cuộc sống đời sau quí trọng hơn
vì sẽ được sống với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc muôn đời. Vì thế, Chúa Giêsu
đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh
mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phân biệt
rõ ràng hai lối sống: theo Thiên Chúa và theo thế gian. Khi chúng ta chọn sống
theo lối sống nào, chúng ta phải chấp nhận hậu quả của lối sống đó.
- Kinh nghiệm dạy
chúng ta đường rộng rãi thênh thang chẳng làm lợi ích cho con người, mà chỉ dẫn
tới diệt vong. Trái lại, đường chật hẹp gian khổ tuy khó đi, nhưng luôn đem lợi
ích cho con người.
- Mùa Chay cho chúng
ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời để xem chúng ta đang sống theo lối sống nào. Rất
có thể chúng ta đang sống theo lối thế gian dầu trí óc chúng ta đang muốn theo
lý tưởng của Chúa Giêsu.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Lc 9,22-25
TÌM CÁI ĐƯỢC TRONG CÁI
MẤT
“Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính
mình hay thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc
9,25)
Suy niệm: Ngày 05/01/2009,
Adolf Merkle, một trong những doanh
nhân giàu nhất nước Đức và thế giới đã đâm đầu vào xe lửa gần nhà để tự tử!
Đồng nghiệp cho rằng: “ông quá tham lam, thèm muốn và đố kỵ.” Cái chết của tỉ
phú 74 tuổi này cũng như hàng loạt những tuyên bố phá sản của một số công ty
hàng đầu thế giới là lời cảnh báo về giá trị tạm bợ của tiền bạc, lợi nhuận và
danh vọng. Chúng không phải là tất cả và càng không thể quyết định vận mệnh của
con người. Chúng là vốn liếng cho chúng ta sử dụng, đầu tư. Nếu hiểu cuộc đời
tại thế như một thương trường, thì Lời Chúa hôm nay nhắc ta phải khéo léo đầu
tư, đừng để phải gánh phần thua lỗ nặng nề nhất là đánh mất phần rỗi đời đời
của mình. Dùng vốn liếng mình có để đạt được những giá trị lớn hơn là mục tiêu
đầu tư. Vậy, đầu tư cho phần rỗi đời đời phải là mục tiêu hàng đầu.
Mời Bạn: Mùa
Chay nhắc ta tỉnh thức trước những cám dỗ ở
đời. Khả năng, tài sản và cơ hội bạn có là vốn liếng Chúa trao, để bạn xây dựng
một thế giới đậm nét Tin Mừng. Đó là phương cách đầu tư cho mai sau. Lối đầu tư
đi ngược với thói đời như thế lại là chọn lựa của những người theo Đức Giêsu,
Đấng-Chịu-Đóng-Đinh. Nói cách khác, đó là đi tìm cái ‘được’ trong
cái ‘mất.’
Chia sẻ: Bạn
đang đầu tư vào đâu? Mục tiêu của việc đầu
tư đó là gì?
Sống Lời Chúa: Nhìn
lại mục tiêu bạn đang theo đuổi và đối chiếu nó
với Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện: Đọc hay hát: “Lạy
Chúa, xin cho con bước đi với Ngài, xin
cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi.”
(5 phút lời Chúa)
Vác thập giá mình hằng ngày (2.3.2017 – Thứ năm sau Lễ Tro)
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta. Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng
con đường với Thầy. Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu.
Suy niệm:
Khi nhìn các bạn đi dự
Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc 2008
giành nhau chung vai vác
cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng,
với vẻ mặt hớn hở vui
tươi,
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng
vác thánh giá đâu có gì khó.
Nhưng khi phải đối diện
với những thánh giá không bằng gỗ,
những thánh giá vô hình
mà ta phải vác một mình,
chúng ta thấy khó hơn
nhiều.
Không thể nói đến Đức
Giêsu mà không nói đến thánh giá.
Thánh giá là cái giá Ngài
trả cho cả một đời dám sống cho Cha
và cho con người, đặc
biệt những người yếu thế.
Thánh giá nằm trong kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
nhưng thánh giá cũng là
kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu.
Ngài đã chết như thế vì
Ngài đã dám sống như thế.
Đức Giêsu dần dần ý thức
rằng
nếu Ngài cứ tiếp tục làm
chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo,
gồm các kỳ mục, các
thượng tế và các kinh sư (c. 22),
thì cái chết như Gioan
Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để
tránh cái chết.
Nếu Ngài đừng giảng dạy,
đừng hành xử như đã quen làm.
Nếu Ngài đừng nhất quyết
lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)…
Nếu Ngài chiều sự tò mò
của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)…
Nhưng Đức Giêsu đã không
sợ hãi lùi bước.
Ngài bình thản đón lấy
định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ:
“Con Người phải chịu đau
khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…”
Ngài đón lấy chữ phải từ
tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha.
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ
không bỏ rơi mình,
Ngài tin vào kết thúc có
hậu của đời mình:
“và ngày thứ ba Con Người
phải được nâng dậy” (c. 22).
Chính Cha sẽ nâng Ngài
dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu
cũng là định mệnh của chính chúng ta.
Kitô hữu là người đi theo
Thầy, đi cùng con đường với Thầy.
Vác thánh giá là chuyện
bình thường hằng ngày của Kitô hữu
nếu chúng ta muốn sống
yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…
Chỉ khi từ bỏ
chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25).
Dựa vào sự phục sinh của
Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không
ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng
đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời
mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng
con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn
đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược
dòng,
theo Chúa là bước vào con
đường hẹp:
con đường nghèo khó và
khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục
vụ.
Hôm nay, chúng con chọn
Chúa
không phải vì Chúa giàu
có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên
Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con
yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như
Chúa.
Ước gì chúng con can đảm
chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ
bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ
cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ
cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG BA
Thiên Chúa Gọi Đích
Danh Chúng Ta
Cũng như Mô-sê được gọi
trong khi ông đang chăn giữ đoàn vật trong hoang địa, Thiên Chúa gọi chúng ta
trong hoang địa. Ngài gọi đích danh chúng ta, như Ngài đã gọi Mô-sê: “Mô-sê!
Mô-sê!” (Xh 3,4).
Thiên Chúa truyền lệnh
cho chúng ta cũng như Ngài đã truyền lệnh cho Mô-sê: “Hãy cởi giày ra khỏi chân
ngươi, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh” (Xh 3,5).
Hãy cởi bỏ sự cứng cỏi
ra khỏi lòng bạn! Hãy nhổ rễ sự kiêu căng ra khỏi tâm trí và ý chí bạn. Thời
gian Mùa Chay là một thời gian thánh của Giáo Hội. Đó là một thời gian đầy sức
mạnh. Đó là một thời gian mà Thiên Chúa hiện diện với chúng ta một cách đặc biệt.
Mùa Chay truyền lệnh
cho con tim và lương tri chúng ta quay về với Thiên Chúa – Đấng đã tỏ hiện cho
Mô-sê trong hoang địa. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của I-sa-ác,
Thiên Chúa của Gia-cóp. Ngài là Thiên Chúa của uy phong khôn sánh, và cũng là Vị
Thiên Chúa tìm kiếm con người để thiết lập một giao ước với con người.
Hãy lưu ý điều này:
Thiên Chúa đã tự biểu lộ chính Ngài trong hình thức một bụi gai bốc cháy mà
không bị thiêu rụi (Xh 3,2). Vị Thiên Chúa tình yêu toàn năng tự tỏ hiện chính
Ngài trước mắt của Mô-sê trong hình thức của một bụi gai bốc cháy.
Đấy là Thiên Chúa, là
Đấng siêu việt. Người ta không thể nhìn thấy Ngài bằng mắt trần khi còn đang sống
trên mặt đất này. Mô-sê giấu mặt đi, bởi vì ông sợ không dám nhìn Thiên Chúa
(Xh 3,6). Rồi, ông nghe tiếng Thiên Chúa phán: “Đừng bước tới gần thêm!” (Xh
3,5). Mô-sê vừa sợ hãi vừa bị hấp lực bởi Đấng đang phán bảo ông từ trong bụi
gai. Sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm lấy ông. Ông chìm đắm trong sự thánh
thiện của Thiên Chúa và được biến đổi một cách thâm sâu bởi cuộc gặp gỡ này.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 02 – 3
Đnl 30, 15-20; Lc
9, 22-25.
Lời suy niệm: “Đức Giêsu
nói với mọi người: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo.”
Điều tiên quyết để được
theo Chúa đó là từ bỏ tất cả mọi sự, cái từ bỏ khó nhất đó là từ bỏ chính mình.
Bởi khi biết từ bỏ chính mình, khi đó chúng ta mới dám hy sinh tất cả cho Chúa
và cho cả những người đang cần đến mình, kể cả khi phải tự hiến mình vì sự sống
và quyền lợi của người anh em.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
muốn chúng con phải từ bỏ chính mình, điều này thật khó đối với chúng con,
nhưng chúng con tin là Chúa sẽ ban thêm nhiều ơn cho mỗi người chúng con. Xin
Chúa cho chúng con luôn biết đón nhận ơn Chúa để chúng con trung thành với Chúa
và trở nên khí cụ bình an của Chúa nơi môi trường chúng con đang sống và làm việc.
Mạnh Phương
02 Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ
Du khách đến viếng
thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính
tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ,
người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn
đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người
nô lệ".
Ngôi thánh đường
này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung
không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc
biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán,
người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người
nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối
vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone,
một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này.
Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để
hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06
tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một
đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện
dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để
âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người
khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một
quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem
những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ
dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực
hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải
có đối với tha nhân.
Cuộc sống của người
Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết
của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái
chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu
vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu
thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm
cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự
khinh rẻ đối với tha nhân.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca
9:22-25
Thứ Năm, 2 Tháng 3, 2017
Thứ Năm sau Lễ Tro
Mùa Chay
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa yêu thương chúng con và mời gọi chúng con
chia sẻ trong đời sống và niềm hân hoan của Chúa,
qua một quyết định cá nhân.
Xin Chúa hãy giúp chúng con lựa chọn Chúa và cuộc sống
Và hằng luôn trung thành với sự chọn lựa căn bản này
Bởi quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa,
Đấng trung thành với Chúa và với chúng con
Bây giờ và đến muôn đời.
2.
Phúc Âm – Luca 9:22-25
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Con Người phải đau
khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết,
nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Chúa nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập
giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế
gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?"
3.
Suy Niệm
- Hôm qua chúng ta đã bước vào
Mùa Chay. Cho đến bây giờ, phần Phụng Vụ
hằng ngày được trích theo Tin Mừng Máccô, từng bước một. Bắt đầu từ ngày hôm qua cho đến lễ Phục Sinh,
thứ tự các bài đọc trong ngày sẽ được dựa theo truyền thống cổ xưa của Mùa Chay
và của việc chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh.
Ngay từ ngày thứ nhất, quan điểm về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Phục
Sinh và về ý nghĩa của mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta. Đây là những gì được trình bày trong bài Tin
Mừng rất ngắn gọn hôm nay. Văn bản nói về
Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Sống Lại
của Chúa Giêsu và khẳng định điều Chúa Giêsu giả định sau đây rằng chúng
ta vác thập giá của mình mà theo Chúa Giêsu.
- Trước đó, trong sách Tin Mừng
Luca chương 9:18-21, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ:
“Dân chúng nói Thầy là ai?” Ông
Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của
Thiên Chúa”, có nghĩa là, Chúa là Đấng mà người ta mong đợi! Chúa Giêsu đồng ý với ông Phêrô, nhưng Người
nghiêm giọng truyền cho các ông không được nói điều ấy với bất cứ ai. Tại sao Chúa Giêsu cấm các ông điều này? Bởi vì vào lúc bấy giờ, mọi người đang mong đợi
Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người nghĩ theo ý riêng của mình: một số người mong Đấng Cứu Thế là một vị vua,
những người khác thì mong Đấng Cứu Thế là một thày cả, luật sĩ, chiến sĩ, quan
án hay tiên tri! Chúa Giêsu nghĩ theo một
cách khác. Người tự nhận mình là Đấng Cứu
Thế, tôi tớ và đau khổ, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia (Is 42:1-9;
52:13-53; 12).
- Lời loan báo đầu tiên về Cuộc
Thương Khó. Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy
rằng Người là Đấng Cứu Thế, Người Tôi Tớ và khẳng định rằng, Người là Đấng
Thiên Sai, Người Tôi Trung, đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia, Người sớm sẽ bị
bức tử trong việc thực hiện sứ vụ công chính của mình (Is 49:4-9;
53:1-12). Luca thường viết theo sát Tin
Mừng của Máccô, nhưng tại đây ông bỏ qua phản ứng của thánh Phêrô là người đã
can ngăn Chúa Giêsu hoặc đã cố thuyết phục Người đừng nghĩ về Đấng Thiên Sai
đau khổ và ông cũng bỏ qua phản ứng cứng rắn của Chúa: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Vì suy nghĩ của anh không phải là suy nghĩ của
Thiên Chúa, mà là của loài người!”
Satan, một chữ theo tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ cáo buộc, là kẻ làm cho
những người khác lạc xa khỏi con đường của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không cho phép Phêrô làm lạc xa
khỏi sứ vụ của mình.
- Điều kiện để đi theo Chúa
Giêsu. Chúa Giêsu rút ra những kết luận
còn giá trị cho đến tận cả ngày nay: “Ai
muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” Vào thời ấy, thập giá là án tử hình mà Đế quốc
La Mã đã dành cho những phạm nhân cùng đinh.
Vác thập giá và đi theo Chúa Giêsu thì cũng giống như chấp nhận bị thiệt
thòi bởi guồng máy bất công đã hợp pháp hóa những bất công. Nó cũng giống như thoát ly khỏi hệ thống. Như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho
các tín hữu Galát: “Thế gian đã bị đóng
đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Ga 6:14). Thập giá không phải là định mệnh, cũng chẳng
phải là một nhu cầu cấp bách từ Chúa Cha.
Thập giá là hậu quả của việc tự nguyện dấn thân của Chúa Giêsu để mặc khải
Tin Mừng rằng Thiên Chúa là Cha, và do đó, tất cả chúng ta phải được chấp nhận
và được đối xử như anh chị em. Bởi vì lời
loan báo cách mạng này, mà Người đã bị bức hại và Người đã không lo sợ mà cống
hiến mạng sống mình. Không có một bằng
chứng tình yêu nào cao cả hơn là Đấng thí mạng sống mình vì anh em.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Mọi người đang mong chờ Đấng
Thiên Sai, mỗi người mong chờ theo cách riêng của mình. Tôi đang mong chờ Đấng Thiên Sai như thế nào
và người ta ngày nay mong đợi Đấng Thiên Sai nào?
- Điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
là cây thập giá. Tôi phản ứng ra sao trước
thập giá của cuộc sống?
5. Lời
nguyện kết
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
(Tv 1:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét