09/03/2017
Thứ năm tuần 1 Mùa Chay
Bài Ðọc I: Est 14, 1.
3-5. 12-14
"Lạy Chúa, con
không có sự trợ giúp nào khác ngoài Chúa".
Trích sách Esther.
Trong những ngày ấy, nữ
hoàng Esther kinh hoàng vì lâm nguy, nên tìm nương tựa nơi Chúa. Bà nài xin
Chúa là Thiên Chúa Israel rằng: "Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng
con, xin cứu giúp con đang sống cô độc, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ
con. Con đang lâm cơn nguy biến. Lạy Chúa, con nghe cha con nói rằng Chúa ưu
đãi Israel hơn mọi dân tộc, ưu đãi cha ông chúng con hơn bậc tiền bối của các
ngài, đã nhận các ngài làm phần cơ nghiệp muôn đời và đã thực thi lời hứa với
các ngài.
"Lạy Chúa, xin
hãy nhớ (đến chúng con) và hãy tỏ mình ra cho chúng con trong cơn gian truân của
chúng con. Lạy Chúa là Vua các thần minh và mọi bậc quyền bính, xin ban cho con
lòng tin tưởng. Xin đặt trong miệng con những lời khôn khéo trước mặt sư tử,
xin Chúa đổi lòng sư tử để nó ghét kẻ thù của chúng con, để kẻ thù ấy và những
ai đồng loã với hắn sẽ phải chết. Nhưng phần chúng con, thì xin Chúa ra tay giải
thoát chúng con và phù trợ con, vì lạy Chúa, ngoài Chúa là Ðấng thông suốt mọi
sự, không ai giúp đỡ con".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a.
2bc-3. 7c-8
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c.
3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các
Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. -
Ðáp.
2) Và con sẽ ca tụng
uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa
đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Ðáp.
3) Tay hữu Chúa khiến
con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy
Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.
- Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc
Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: "Ta là
sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".
Phúc Âm: Mt 7, 7-12
"Ai xin thì sẽ
nhận được".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy
gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai
gõ cửa sẽ mở cho. Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho
nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các
con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các
con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!
"Vậy tất cả những
gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta
như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Khuôn vàng
thước ngọc
Trong Do thái giáo có
hai trường phái đạo đức: phái của Shammai khắc khổ và phái của Hilel rộng rãi.
Một ngày kia, có một người đến xin học tập với Shammai, anh ta thưa: “thưa thày
tôi muốn làm môn đệ thầy nhưng trước hết, xin thày cho tôi còn có thể đứng trên
một chân để nghe thày giảng”. Shammai đã đuổi anh ta đi với một cuốn sách dầy về
luật mà ông đang cầm trên tay. Anh ta ra đi và đến gặp Hilel và cũng nói với
ông lời ấy, Hilel bảo anh: “Những gì anh không thích thì đừng làm
cho người khác, đó là tóm tắt về luật”. Anh ta nhận thấy đây là bài học
quí giá và anh trở về.
Khổng Tử cũng trả lời
cho một đệ tử: “Ký sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều
gì con không muốn thì đừng làm cho người ta.
Aristote đã dạy: “Đừng
làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”, Hoặc một triết
gia La Mã đã bảo: “Đừng áp đặt trên người khác những điều bạn không thích”.
Trái với những tư tưởng
có tính cách tiêu cực trên, Chúa Giêsu đã đưa ra khuôn vàng thước ngọc có tính
cách tích cực: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các
ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là cốt lõi của Kitô giáo, là nét đặc biệt của
Kitô giáo. Đừng là điều ác mà thôi thì xã hội chưa tốt đẹp. Chỉ khi nào mọi người
bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho ta, lúc đó xã hội
mới hy vọng tốt đẹp được.
Ước gì chúng ta hiểu
thấu và thực hành bài học xử thế Chúa dạy hôm nay, đồng thời biết bắc nhịp cầu
thông cảm với người khác, biết yêu thương và làm điều tốt cho mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I MC
Bài đọc: Est
4:17 (C: 12:14-16, 23-25); Mt 7:7-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cứ xin sẽ được.
Con người có nhiều nhu
cầu: tinh thần cũng như vật chất. Một trong những điều chúng ta làm khi cầu
nguyện là xin ơn cho bản thân, gia đình, và xã hội cũng như Giáo Hội. Điều
Thiên Chúa muốn khi chúng ta xin ơn là phải vững tin Ngài sẽ làm chuyện tốt
lành đó; nhất là khi đối diện với hòan cảnh tuyệt vọng, con người không còn biết
trông cậy vào ai ngọai trừ Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc xin ơn. Trong Bài Đọc I, khi phải đương đầu với thảm họa tòan
dân bị tru diệt, hòang hậu Esther đã chạy đến và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Thần
dân Ngài, xin Ngài giải thoát. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa,
ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm cho các
môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra
cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra
cho.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hoàng hậu Esther xin Đức Chúa cứu dân khỏi đại họa.
1.1/ Nỗi lo âu kinh hòang
của hòang hậu Esther: Bà là một người
Do-Thái, nhưng được tuyển chọn làm hòang hậu Ba Tư thay cho Bà Vatti, khi Bà
này bị thất sủng vì bất tuân lệnh ra trình diện Vua Ahasuerus. Chú của Bà, ông
Mordecai cũng làm quan trong triều, ra lệnh cho Bà phải giấu kín tông tích của
mình. Tể Tướng Hannah tức giận với Mordecai, vì ông không chịu sấp mình bái lạy
khi ông đi qua - lý do là vì Mordecai chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa - nên Tể
Tướng âm mưu xin cho được dấu ấn của Nhà Vua để sát hại tòan bộ dân Do-Thái
trong vùng.
Bà được chú Mordecai
cho biết âm mưu của quan Tể Tướng Hannah, đã xin được dấu Phủ Việt của Vua
Ahasuerus để tru diệt tòan bộ người Do-Thái. Mordecai muốn Bà can thiệp để xin
tha cho dân, nhưng Bà không biết phải hành động làm sao; vì nếu Bà tự ý vào gặp
Vua, Bà sẽ bị tử hình. Nhưng nếu không làm gì, chú Bà và tòan dân sẽ bị tru diệt;
và như lời chú Bà cảnh cáo: chưa chắc Bà sẽ được sống an tòan với con sư tử
Ahasuerus và Tể Tướng Hannah.
Hoàng hậu Esther khắc
khoải âu lo đến chết được, liền tìm đến nương ẩn bên Chúa. Tâm hồn sầu khổ, bà
cởi bỏ y phục lộng lẫy, mặc áo tang vào. Thay cho dầu thơm quý giá, bà lấy bụi
tro dơ bẩn rắc lên đầu; bà hãm mình phạt xác nhiệm nhặt; thay vì trang điểm
trau chuốt, bà để cho tóc xoã rối bời. Bà cầu xin cùng Chúa, Thiên Chúa của
Israel: "Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất.
Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu
giúp, ngoại trừ Ngài.”
1.2/ Nhớ lại lịch sử để củng
cố niềm tin:
(1) Israel là dân
riêng của Thiên Chúa: Tuy hòang hậu sinh ra nơi đất khách quê người, và vì hòan
cảnh nước mất nhà tan phải ở với chú; nhưng chú Modercai là người biết kính sợ
Thiên Chúa, nên đã dạy Bà về lịch sử của Do-Thái và sự liên hệ giữa Thiên Chúa và
dân tộc Israel. Bà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, trong chi tộc của cha ông, từ khi
lọt lòng mẹ, con từng được nghe biết là chính Ngài đã chọn Israel giữa muôn
ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các
ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông
chúng con mọi điều Ngài đã hứa.”
(2) Cầu xin Thiên Chúa
soi sáng: Cầu nguyện là xin ơn khôn ngoan để biết cách giải quyết vấn đề. Tuy
Thiên Chúa có thể làm mọi sự mà không cần sự cộng tác của con người; nhưng Ngài
muốn con người cộng tác trong kế họach giải thóat của Ngài. Như chúng ta thấy
trong trình thuật khi Bà gặp Vua Ahasuerus, Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể
làm việc và đổi tâm tính của con người từ bên trong; nhưng hòang hậu Esther phải
có can đảm thực thi kế họach từ bên ngòai. Ý thức sự yếu đuối của nữ nhi, Bà
xin ơn khôn ngoan và can đảm để thực hiện kế họach: “Lạy Chúa, ngày chúng con gặp
gian truân cùng khốn, xin nhớ đến chúng con mà chứng tỏ quyền năng của Ngài. Lạy
Vua các thần minh, Đấng thống trị mọi kẻ cầm quyền, xin ban cho con lòng dũng cảm,
và dạy con biết nói lời êm tai khi phải ra trước mặt loài sư tử. Xin đổi lòng
con sư tử ấy để nó căm thù kẻ chống lại chúng con, khiến cho hắn và quân đồng
loã phải tiêu diệt hoàn toàn.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin
Người.
2.1/ Lời hứa vững vàng của
Thiên Chúa với con người: Chúa Giêsu dạy các
môn đệ: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra
cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra
cho.” Lý do đơn giản Chúa Giêsu đưa ra: vì Thiên Chúa là cha của mọi người. Đã
là Cha, phải quan tâm đến nhu cầu của con cái.
(1) Cha dưới đất: Để
làm sáng tỏ vấn đề, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ của người cha dưới đất: “Có người
nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin
con cá, mà lại cho nó con rắn?” Chẳng có người cha lành mạnh nào dưới đất dám
làm chuyện đó.
(2) Cha trên trời:
Ngài kết luận: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình
những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những
của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Thiên Chúa không những là Cha Tốt
Lành, Ngài còn có uy quyền làm mọi sự; việc Ngài ban điều con cái xin là chuyện
hiển nhiên.
Nhưng có phải con người
xin bất cứ điều gì Thiên Chúa cũng ban? Điều Thiên Chúa hứa ở đây là phải xin
điều tốt lành, chứ không phải xin bất cứ điều gì. Thiên Chúa luôn biết điều gì
tốt cho con người vì Ngài biết quá khứ, hiện tại, và tương lai; con người không
luôn biết điều gì tốt cho mình, vì con người dễ quên quá khứ, không luôn biết
hiện tại, và mù tịt về tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn khôn ngoan
thêm câu “nếu điều đó đẹp ý Chúa” sau khi cầu xin.
2.3/ Làm điều tốt cho mọi
người: Làm con phải giống cha vì “con nhà
tông chẳng giống lông cũng giống cánh.” Nếu Cha luôn ban mọi ơn lành cho con,
con cũng phải rộng tay ban ơn lành cho mọi người. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ:
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng
hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.”
Lý do tại sao chúng ta
không rộng tay làm phúc vì chúng ta sợ nếu cứ rộng tay ban ơn, có ngày sẽ hết của
để cho; nhưng nếu chúng ta vững tin những gì Thiên Chúa hứa, chúng ta sẽ không
bao giờ sợ hết của: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa
thì sẽ mở ra cho.” Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên trời đất và mọi sự trong đó,
Ngài không bao giờ hết của để cho. Bàn tay chúng ta quá bé nhỏ để phân phát
tình thương của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cha của chúng ta
không phải là con người tầm thường; Ngài là Thiên Chúa, Đấng dựng nên và điều
khiển muôn vật.
- Ngài là Cha giàu
lòng thương xót và hứa gì có nấy. Chúng ta hãy tin tưởng những gì Ngài hứa:
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”
- Chúng ta nên cầu
nguyện với Thiên Chúa hằng ngày, hằng giờ; nhất là những lúc phải đương đầu với
cô đơn và tuyệt vọng, như trường hợp của hòang hậu Esther và trường hợp của
Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na,
nữ tu Mt 7,7-12
CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU
“Cứ xin thì sẽ được,
cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho.” (Mt 7,7)
Suy niệm: Chúng ta bị ảnh
hưởng bởi cơ chế xin-cho tràn lan trong xã hội, nên trong lãnh vực tôn giáo,
nhiều lúc đâm ra nghi ngờ: Xin gì? Điều này có đáng xin không? Xin với ai? Liệu
có được không? Chúa Giê-su dạy ta khác: “Cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,” và
kết quả là: “sẽ được, sẽ thấy, sẽ được mở cho”; bởi vì Đấng mà
ta khấn xin là Chúa và là Cha ta. Chúa nói với ta cầu nguyện không phải với
quan hệ trên - dưới, có quyền - không có quyền, cho - không cho..., mà là trong
quan hệ thân thiết cha -con. Ngài chỉ mong chúng ta cầu nguyện với
cả tấm lòng, với trọn niềm tín thác.
Mời Bạn: Bạn
có nhận thấy rằng đã bao lần mình cầu xin mà không được không phải tại Chúa hẹp
hòi, là tại vì chúng ta thiếu niềm tin-cậy-mến, và hơn nữa chúng ta đã không
cầu nguyện với tư cách người con “xin cho ý Cha được thể hiện”.
Chia sẻ: Bạn
hãy duyệt lại cách cầu nguyện qua việc đọc kinh có thật là “khẩu niệm tâm suy”,
“trí-lòng hòa hợp” chưa? Hay bạn đọc cách máy móc, kiểu “dân này thờ
kính ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa ta” (Mt 15,8)!
Sống Lời Chúa: Nghiền
ngẫm Lời Chúa trong thư Gia-cô-bê: “Anh
em phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự
thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ
nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ
làm” (Gc
1,6-8).
Cầu nguyện: Mượn lời viên đại đội trưởng người Rô-ma nói với Chúa: “Lạy Chúa,
con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa chỉ nói một lời là tôi tớ Chúa
được lành mạnh.” (Mt 8,8)
(5 phút lời Chúa)
Ban những của tốt lành (9.3.2017 – Thứ năm Tuần 1 Mùa Chay)
Với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì. Hãy phó thác chuyện đời mình cho tình yêu quyền năng của Ngài, dù khi còn sống ở đời này, ta không hiểu hết được tại sao.
“Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh
em sẽ tìm thấy,
hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em.
Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm
thấy,
ai gõ thì sẽ được mở cho” (cc. 7-8).
Biết bao người đã tin vào lời này của Đức Giêsu và đã
cầu xin.
Nhiều người đã được nhận lời, nghĩa là đã được như
lòng mình ao ước.
Nhiều người khác tuy không được điều mình xin,
nhưng lại được ơn vui vẻ chấp nhận tình trạng của
mình,
ơn nhận ra ý nghĩa của nó, ơn có sức chịu đựng điều
không thể chịu đựng nổi.
Những người này cũng coi là mình đã được nhận lời.
Tuy nhiên, một số người khác vẫn đau khổ vì thấy không
được nhận lời.
Họ xin những điều rất bình thường như có một người
yêu, một đứa con…
Họ xin những điều rất tự nhiên, rất hợp lẽ,
như cho con bỏ ma túy, cho chồng bỏ vợ bé, cho có công
ăn việc làm.
Bao người Do Thái đã cầu nguyện khi 6 triệu người đồng
hương của họ bị tàn sát.
Bao người Việt Nam đã cầu nguyện trong cơn bách hại
dưới các triều vua.
Có Chúa không? Chúa ở đâu? Sao Chúa lặng thinh và
khoanh tay?
Chúa có lòng thương xót
không? Chúa có toàn năng không?
Những câu hỏi đớn đau
khiến một số người mất đức tin, trở nên vô thần.
Đức Giêsu khẳng định: xin
sẽ được cho, tìm thì sẽ thấy, gõ sẽ được mở.
Thiên Chúa luôn luôn đáp
lại mong đợi của con người,
nhưng không nhất thiết
Ngài phải cho con người đúng điều nó muốn,
vào đúng lúc và theo đúng
cách con người muốn.
Con người phải tập đào
sâu và thanh luyện ao ước của mình,
tập uốn ý mình theo ý của
Thiên Chúa.
Rồi cuối cùng, con người
cũng thấy mình được cho, được thấy, được mở.
Ai kiên trì cầu xin đều
thấy mình dần dần được biến đổi.
Thiên Chúa là Cha nhân
hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt.
Nhưng đâu là điều tốt
thật sự?
Đối với ta, đó là giàu
sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe.
Đối với Chúa, không hẳn
luôn là như vậy.
Điều Ngài thấy là tốt,
đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn.
Và ngược lại, điều ta coi
là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau.
Với cái nhìn của người
cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì.
Hãy phó thác chuyện đời
mình cho tình yêu quyền năng của Ngài,
dù khi còn sống ở đời
này, ta không hiểu hết được tại sao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Chúa trời đất,
Cha là Cha toàn năng,
nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.
Cha không quyết định một
cách vô lý và độc đoán.
Cha đã cho con người được
chia sẻ tự do của Cha,
và Cha luôn tôn trọng tự
do ấy,
dù con người đã lạm dụng
tự do để làm điều xấu.
Lạy Cha toàn năng,
khi trao cho loài người
chúng con tự do,
Cha đã muốn tự giới hạn
phần nào sự toàn năng của Cha.
Bởi đó sự dữ có sức mạnh
tung hoành trong thế giới này.
Khi lòng độc ác của một
số người đã treo Con Cha lên,
chúng con hiểu Cha có đủ
quyền năng để đưa Ngài xuống.
Nhưng Cha đã muốn Con Cha
chia sẻ cái chết bất công
của bao người thấp cổ bé
miệng.
Và Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá
trở nên dấu chỉ của tình yêu cao nhất, đem lại ơn cứu
độ cho nhân loại.
Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng
con.
Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.
Chúng con tin vào tình yêu Cha dành cho từng người
ngay giữa sóng gió.
Và chúng con biết mình không bao giờ thất vọng.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG BA
Trở Về Với Vòng Tay
Từ Ái Của Cha
Thánh Phao-lô nói:
“Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài, Ngài không chấp
những lỗi lầm của chúng ta” (2Cr 5,19).
Cuộc giao hòa xảy ra
giữa Người Con Đi Hoang và cha mình đã được hoàn tất nhờ công cuộc của Đức
Kitô. Thiên Chúa của giao ước vĩnh cửu tự thể hiện chính Ngài nơi Đức Kitô như
là Vị Thiên Chúa của giao hòa. Chân lý này có tầm thật nền tảng trong Kitô
giáo. Con người được mời gọi giao hòa với Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô.
Trong Thư 2
Cô-rinh-tô, Thánh Phao-lô cho biết Thiên Chúa không chỉ “giao hòa chúng ta với
chính Ngài trong Đức Kitô” mà còn thêm rằng “Ngài trao cho chúng tôi công bố lời
hòa giải” (2Cr 5,18). Rồi Thánh Phao-lô tiếp: “Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay
mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân
danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20).
Sứ vụ hòa giải – một
hoa trái của cuộc giao hòa giữa Thiên Chúa với con người trong Đức Kitô – là một
phần căn bản thuộc sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Sứ mạng này trao cho Giáo Hội
quyền hòa giải con người với Thiên Chúa xuyên qua việc tha thứ các tội lỗi của
họ.
Nhưng, hơn thế nữa,
như Tông Huấn Reconciliatio et paenitentia (ch.11, số 7) cho
thấy, “Thánh Phao-lô thậm chí cho phép chúng ta mở rộng cái nhìn của mình về
công cuộc của Đức Kitô đến những chiều kích vũ trụ khi ngài viết rằng nơi Đức
Kitô Thiên Chúa đã giao hòa chính Ngài với tất cả mọi loài, trên trời cũng như
dưới đất” (Cl 1,20).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09 – 3
Thánh Phanxica Rôma
nữ tu
Et 14, 1.
3-5.12-14; Mt 7, 7-12.
Lời suy niệm: “Vậy tất cả
những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho
người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.”
Sau khi Chúa Giêsu dạy
về cầu nguyện, khi cầu nguyện cần phải có đức tin, tin vào tình yêu thương của
Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài và luôn liên lỷ, tiếp đến Chúa dạy về cung
cách sống và cư xử với người đồng loại. Nhiều khi chúng ta quá giữ luật công bằng
theo pháp lý; nhưng với người con cái của Chúa, Chúa luôn mời gọi mỗi người
trong chúng ta không những giữ luật công bằng theo pháp lý mà cần phải giữ luật
công băng với lòng bác ái Kitô giáo nữa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn nhớ đến Lời Chúa trong mọi ngày sống và khi cư xử với nhau,
để đem lại cho nhau sự bình an và hạnh phúc.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 09-03: Thánh
PHANCICA RÔMANA
Nữ tu (1384 - 1440)
Phanxica thuộc vào một
gia đình quí tộc ở Bussi de Leoni. Nhưng Ngài đã sinh ra và sống ở Roma. Từ lúc
6 tuổi Ngài đã thực hành sám hối, muốn vào tu lúc 11 tuổi. Cha Ngài thấy đây chỉ
là tưởng tượng của con nít và năm sau đã gả Ngài cho lãnh Chúa trẻ trung
Lorenzo di Ponziani. Người vợ trẻ sẽ dẫn đắt chồng mình theo đường trọn lành.
Phanxica một thiếu nữ
tươi đẹp. Sống giữa xã hội hào nhoáng Ngài tỏ ra rất hòa nhã dịu dàng. Ngài giữ
kín những khổ hạnh của mình. Có ai biết rằng: áo nhặm dưới y phục lộng lẫy của
Ngài đã làm Ngài mang thương tích đâu. Ngài dậy sớm để giờ cầu nguyện khỏi bị
ngăn trở, Varozza, người em dâu, cùng chia sẻ lý tưởng bác ái với Ngài. Hai người
cùng hồi tâm trong một cái hang ở cuối vườn. Họ phục vụ các bệnh nhân tại nhà
thương và giúp đỡ những người cùng khốn. Bà mẹ chồng nặng tinh thần thế tục thấy
thế nên giận dữ.
Nhưng con bà, người chồng
trẻ đã trả lời: - Sao lại trách họ vì những thói quen đạo đức ấy ? Vả lại thói
quen ấy có ngăn trở gì tới việc bổn phận của họ đâu ?
Thực vậy, Phanxica
luôn sẵn sàng bỏ mọi sự để các bổn phận của một quản gia khỏi bị suy suyển gì.
Một mẫu chuyện cho thấy Thiên Chúa chúc lành cho Ngài như thế nào. Phanxica
đang cầu nguyện. Người ta tới kêu. Ngài mau mắn bỏ sách đó và trở lại sau khi
phục vụ xong. Lần thứ nhất, lần thứ hai... bốn lần liên tiếp như vậy, Ngài đều
bình thản bỏ dở việc cầu nguyện. Lần thứ năm Ngài trở lại và thấy sách kinh có
dòng chữ vàng. Người ta không hề giã từ Chúa khi phục vụ tha nhân và hiến mình
phục vụ cũng là cầu nguyện.
Cha giải tội và nhà chép sử thánh Phanxica cho biết tình trạng được ơn thần bí của thánh nữ. Thiên thần của Ngài chiếu tỏa một ánh sáng để chỉ cho Ngài biết Thiên Chúa thỏa lòng đối với Ngài. Cũng thế, dù khi lỗi nhẹ, thiên thần liền đánh vào Ngài và thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa đã giữ cho mình khỏi rơi vào mưu chước quỉ ma. Với thiên thần, Ngài nên mạnh mẽ. Một lần có sức mạnh quỉ ma đẩy Ngài xuống sông Tibre, thiên thần cứu Ngài lên bờ.
Cha giải tội và nhà chép sử thánh Phanxica cho biết tình trạng được ơn thần bí của thánh nữ. Thiên thần của Ngài chiếu tỏa một ánh sáng để chỉ cho Ngài biết Thiên Chúa thỏa lòng đối với Ngài. Cũng thế, dù khi lỗi nhẹ, thiên thần liền đánh vào Ngài và thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa đã giữ cho mình khỏi rơi vào mưu chước quỉ ma. Với thiên thần, Ngài nên mạnh mẽ. Một lần có sức mạnh quỉ ma đẩy Ngài xuống sông Tibre, thiên thần cứu Ngài lên bờ.
Sau khi mẹ chồng qua đời,
người thiếu phụ nắm quyền quản trị nhà họ Ponziani. Ngài coi gia nhân như anh
chị em được gọi để chia sẻ nước Thiên Chúa với Ngài, nếu họ ngã bệnh Ngài tận
tâm săn sóc họ. Vào thời đói kém, khi đã cho hết những gì thuộc quyền mình,
Ngài ăn xin để giúp đỡ người thiếu thốn, ngày kia, Ngài gọi Varozza lên kho lẫm
thu lúa mì còn sót lại trong rơm. Lorenzo theo họ lên coi, đã thấy đống lúa
vàng thay vì rơm rạ, một phép lạ xảy ra tương tự tại một thùng rượu không. Đầy
thán phục, Lorenzo đã để cho người vợ thánh thiện được tự do xếp đặt cuộc sống
mình. Thế là Phanxica bán mọi thứ sang trọng, và chỉ mặc y phục khiêm tốn, lại
còn hãm mình nghiêm ngặt hơn.
Khi chiến đấu cho đức
Thánh Cha Lorenzo bị trọng thương và được mang về nhà khi đang hấp hối. Thánh nữ
đã thành công trong việc làm cho ông sống lại. Faluzzô, em Ngài, bị bắt tù, người
ta cho Ngài biết phải nộp con trưởng Gioan tẩy giả của Ngài làm con tin, nếu
không Paluzzô sẽ bị giết chết. Phanxica hoảng hốt đem con đi giấu. Nhưng Don
Antoniô là cha giải tội chặn đường lại nói:- Con làm gì thế ? Hãy đưa đứa con
cho người đòi nó.
Phanxica vâng lời để cứu
em chồng, rồi vào nhà thờ quì khóc trước tượng Đức Trinh nữ. Còn đang cầu nguyện
thì viên sĩ quan địch mang đứa bé trả lại, vì ngựa ông không chịu đi.
Tiếp đến là những biến
cố thảm lhốc. Roma bị xâm chiếm và bị cướp phá. Lorenzzô phải trốn đi để lại
trách nhiệm cho vợ mình, Phanxica ở lại, với hai con Evangêlista và Anê. Cơn dịch
xẩy ra, Evangêlista ngã bệnh, lúc chết cậu nói với mẹ : - Mẹ đừng khóc, con sẽ
được hạnh phúc vì này thiên thần đến tìm con.
Một đêm kia Ngài cầu
nguyện và thấy người con hiện ra báo tin mình đang ở giữa các thiên thần và cho
biết mình sẽ đến tìm đứa em gái, cho nó chia sẻ hạnh phúc. Một niềm vui siêu
nhiên hòa lẫn với các đớn đau loài người. Ngài ngã bệnh và các thị kíến về hỏa
ngục làm Ngài thêm khổ cực. An bình trở lại Roma. Lorenzô trở về chứng kiến những
tang tóc và cướp phá. Phanxica đau đớn trong lòng, nhưng vẫn tìm lời trấn an đầy
tha thứ. Ngài hòa giải thù địch với người chồng chỉ còn biết sống để chia sẻ bước
tiến thiêng liêng của vợ mình.
Phanxica cũng lôi kéo
các phụ nữ Rôma vào việc giúp đỡ cho những tình cảnh khốn khổ do chiến tranh để
lại. Ngài tụ họp vào một nhà những bà cùng một lý tưởng bác ái và khổ hạnh. Đây
là thời đầu của dòng những người tận hiến cho Đức Maria. Gọi như thế vì khi tự
hiến họ dùng từ ngữ: "Con hiến mình" thay vì tuyên đọc lời khấn.
Trong số những cuộc trở lại Phanxica tạo được, có cuộc trở lại của vợ của Gioan
tẩy giả, con Ngài.
Sau bốn năm hoà hiệp,
Phanxica mất chồng. Ngài tới quì trước cửa tu viện mình đã thiết lập. Đi chân
không. đeo giây vào cổ, Ngài xin nhập dòng.
Gioan tẩy giả ngã bệnh,
Phanxica bỏ dòng về thăm, Ngài đã bị lên cơn sốt và đã qua đời chính tại nhà
mình. Các nữ tu vây quanh Ngài để nghe những lời khuyên cao cả: - Hãy trung tín
đến chết, Satan sẽ tấn công các chị như đã tấn công tôi. Nhưng không thử thách
nào quá độc dữ nếu các chị trung thành với Chúa Giêsu.
Nói lời cuối cùng
xong, cửa trời mở ra, thiên thần của Ngài ra dấu kêu gọi Ngài theo. Thánh
Phanxica được chọn làm thánh bảo trợ của các phụ nữ đã lập gia đình và trở nên
góa bụa.
(daminhvn.net)
09 Tháng Ba
"Hãy Làm Một Cái Gì Ðẹp Cho Chúa"
Mẹ Têrêxa Calcutta
thường hay nói: "Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Chúa". Sau tên cực trọng
của Chúa Giêsu, hai chữ thường nằm trên đầu môi chót lưỡi của Mẹ là "tốt đẹp
và kỳ diệu". Hai tiếng ấy là một tóm gọn của bài ca ngợi khen của Ðức
Maria mà Mẹ Têrêxa đã lấy làm tâm tình của mình. Tốt đẹp và kỳ diệu thay Tình
Yêu Quan Phòng của Chúa được thể hiện qua những hy sinh và phục vụ của Mẹ dành
cho những người cùng khổ ở Ấn Dộ và trên khắp thế giới...
Cách đây hơn 15
năm, Malcolm Muggerridge, một ký giả và bình luận gia nổi tiếng của đài BBC, đã
cùng với một nhóm chuyên viên của đài đến Ấn Ðộ để làm một cuộc phỏng vấn về Mẹ
Têrêxa, về các hoạt động của Mẹ. Sau năm ngày làm việc, đến lúc cắt xén và tháo
ráp để dựng thành cuốn phim, Mẹ Têrêxa đã thốt lên: "Hãy làm một cái gì tốt
đẹp cho Chúa". Câu nói của Mẹ đã được ký giả Muggerridge lấy làm tựa đề của
cuốn phim thời sự về Mẹ và các nữ tu của Mẹ. Cuốn sách ghi lại cuộc phỏng vấn
cũng mang cùng một tựa đề. Sau khi cuốc phim được trình chiếu trên đài BBC, thế
giới bỗng chú ý đến người nữ tu đã từ mấy chục năm qua âm thầm chăm sóc những
người cùng khổ nhất trong các khu ổ chuột ở Calcutta. Tốt đẹp và kỳ diệu thay!
Khuôn mặt đau khổ của nhân loại được phơi bày, nhưng Tình Yêu của Thiên Chúa
cũng được thể hiện qua những âm thầm hy sinh phục vụ của Mẹ Têrêxa và các nữ tu
của Mẹ.
Ngày nay, khi đi qua một
số thành phố lớn trên thế giới, thỉnh thoảng người ta đọc được bảng hiệu:
"Hãy gìn giữ cho thành phố được sạch" hoặc "Hãy làm đẹp thành phố".
Những khẩu hiệu ấy nhắc nhở cho kiều dân và khách qua đường về nghĩa vụ tôn trọng
trật tự, cũng như giữ cho thành phố được sạch sẽ và đẹp đẽ.
Mỗi người Kitô cũng là
một thành phố của Thiên Chúa. Họ luôn được mời gọi để giữ thơm và làm sạch cho
thành phố ấy. Thay vì vứt bừa bãi ra bên ngoài những rác rưởi của những hành vi
bất chánh, họ luôn được mời gọi để bày tỏ một bộ mặt tốt đẹp và kỳ diệu để qua
đó thiên hạ sẽ nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời...
"Hãy làm một cái
gì tốt đẹp cho Thiên Chúa": đó phải là câu tâm niệm mà người Kitô thốt lên
khi vừa thức giấc đón chào một ngày mới.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách dâng lên Ngài hy sinh trong những công việc nhỏ bé hằng ngày.
"Hãy làm một cái gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách dâng lên Ngài hy sinh trong những công việc nhỏ bé hằng ngày.
"Hãy làm một cái
gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng những cử chỉ quảng đại, hy sinh phục vụ đối
với những người cùng khổ nhất trong xã hội.
"Hãy làm một cái
gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng cách sống tử tế và không ngừng tha thứ cho
những người xúc phạm đến mình.
"Hãy làm một cái
gì tốt đẹp cho Thiên Chúa" bằng chứng tích của một cuộc sống đầy lạc quan
và vui tươi ngay cả khi chỉ gặp toàn đau khổ, thử thách...
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Mátthêu
7:7-12
Thứ Năm, 9 Tháng 3, 2017
Thứ Năm Sau Chúa Nhật I Mùa Chay
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Ngài là Chúa Cha độ lượng,
Đấng ban những gì tốt đẹp cho chúng con
Chỉ vì Chúa yêu thương chúng con.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tấm lòng biết ơn,
Để cho chúng con có thể học được từ Chúa
Là cho đi và chia sẻ không so đo tính toán
Mà chỉ với lòng yêu thương và vui mừng,
Giống như Đức Giêsu, Con Một Chúa, đã làm cho chúng con,
Đấng hằng sống với Chúa và với chúng con đến muôn đời.
2.
Phúc Âm – Mátthêu 7:7-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở
cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được. Ai tìm thì sẽ gặp. Ai gõ cửa sẽ mở cho.
Nào ai trong các ngươi thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá
ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho
nó con rắn ư?
Vậy nếu các ngươi, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái,
thì huống chi Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao
cho kẻ cầu khẩn Người!
Vậy tất cả những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì chính các
ngươi hãy làm cho người ta như thế: Đấy
là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.”
3.
Suy Niệm
- Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng
ta một phần của Bài Giảng Trên Núi, Lề Luật Mới của Thiên Chúa được mặc khải
cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Bài Giảng
Trên Núi có cấu trúc như sau:
a) Mt 5:1-16: Cửa vào Nước Trời: Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:1-10) và sứ vụ của
người môn đệ: là muối cho đời và là ánh
sáng cho thế gian (Mt 5:12-16).
b) Mt 5:17-6:18: Mối quan hệ mới với Thiên Chúa: Đức công chính mới (Mt 5:17-48) là không mong
chờ phần thưởng chỉ vì làm việc lành phúc đức, cầu nguyện và ăn chay (Mt
6:1-18).
c) Mt 6:19-34: Mối quan hệ mới với của cải thế gian: (Mt
6:19-21), không nhìn thế gian với con mắt bệnh hoạn (Mt 6:22-23), đừng vừa làm
tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc (Mt 6:24), đừng quá quan tâm về của ăn thức
uống (Mt 6:23-34).
d) Mt 7:1-23: Mối quan hệ mới với tha nhân: đừng tìm cái dằm trong mắt anh em mình (Mt
7:1-5); đừng liệng ngọc trai cho heo (Mt 7:6); bài Tin Mừng hôm nay: đừng ngần ngại cầu xin với Thiên Chúa (Mt
7:7-11); và Khuôn Vàng Thước Ngọc (Mt 7:12); hãy chọn cửa hẹp và con đường chật
(Mt 7:13-14), hãy coi chừng các ngôn sứ giả (Mt 7:15-20).
e) Mt 7:21-29: Kết luận:
đừng chỉ nói suông mà cũng còn phải thực hành nữa (Mt 7:21-23); cộng
đoàn được xây dựng trên căn bản này sẽ chống trả lại được bão táp mưa sa (Mt
7:24-27). Kết quả của những lời này là một
lương tâm mới khác với các Kinh Sư và Luật Sĩ (Mt 7:28-29).
- Mt 7:7-8: Ba lời khuyên bảo của Chúa Giêsu. Ba lời khuyên: cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ cửa thì sẽ mở
cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được. Ai tìm thì sẽ gặp. Ai gõ cửa sẽ mở cho!” Một người cầu xin. Sự đáp ứng còn tùy thuộc vào người ấy cũng
như sự quyết tâm của việc cầu xin. Việc
tìm kiếm được thực hiện dựa theo một số tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn càng cao thì mức
độ chắc chắn mà người ta tìm thấy được điều đang tìm kiếm càng nhiều. Việc gõ cửa được thực hiện với niềm hy vọng rằng
sẽ có người đang đứng ở phía bên kia cửa, người ấy đang ở nhà. Chúa Giêsu kết thúc lời khuyên bằng cách đưa
ra câu đoan chắc cho lời đáp ứng: “Cứ
xin thì sẽ được; cứ tìm thì sẽ thấy; cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho, và hễ ai xin
thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho”. Có nghĩa là khi chúng ta cầu xin với Thiên
Chúa, thì Người sẽ nhậm lời khấn cầu của chúng ta. Khi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, thì Người sẽ
để chúng ta thấy thánh nhan Người (Is 5:5-6).
Khi chúng ta gõ cửa nhà Thiên Chúa, thì Người sẽ mở cửa cho chúng ta.
- Mt 7:9-11: Câu hỏi của Chúa Giêsu với người ta. “Nào ai trong các ngươi thấy con mình xin
bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là
nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư?”
Ở đây xuất hiện một phương cách trực tiếp và đơn giản mà Chúa Giêsu dùng
để giảng dạy cho mọi người biết những gì thuộc về Thiên Chúa. Nói về các bậc cha mẹ, Người liên kết chính
mình với các kinh nghiệm thường nhật. Dựa
vào ngụ ý của câu hỏi thì có thể dự đoán được câu trả lời, người ta đã thốt
lên: “Không!” Bởi vì không ai cho con
mình hòn đá khi mà nó xin bánh. Không có
cha mẹ nào lại cho con mình con rắn khi mà nó xin con cá.” Và Chúa Giêsu kết luận: “Vậy nếu các ngươi, dù là kẻ xấu, còn biết lấy
của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, sẽ ban
những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!”
Chúa Giêsu gọi chúng ta là kẻ xấu để nhấn mạnh đến điều chắc chắn được
Thiên Chúa lắng nghe khi chúng ta cầu xin Ngài điều gì. Và điều này, bởi vì nếu chúng ta không phải
là thánh, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, thì Chúa Cha trên trời
còn ban cho nhiều hơn thế nữa. Điều so
sánh này có mục đích là cất đi bất kỳ nghi ngờ nào trong lòng chúng ta liên quan
đến việc cầu nguyện cùng Thiên Chúa với lòng tín thác. Chúa sẽ lắng nghe! Thánh Luca còn thêm rằng Thiên Chúa sẽ ban
Chúa Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người (Lc 11:13).
- Mt: 7:12: Khuôn Vàng Thước Ngọc. “Vậy tất cả những gì các ngươi muốn người ta
làm cho mình thì chính các ngươi hãy làm cho người ta như thế: Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.” Câu này là bản tóm tắt toàn bộ Cựu Ước, Lề Luật
và sách các Tiên Tri. Và đây là lời tóm
tắt tất cả mọi việc mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, câu tóm tắt tất cả các
giáo huấn của Chúa Giêsu. Khuôn Vàng Thước
Ngọc không chỉ được tìm thấy trong giáo huấn của Chúa Giêsu, mà cũng còn tìm thấy
trong tất cả các tôn giáo, bằng cách này hay cách khác. Điều này đáp ứng với tình cảm sâu sắc nhất và
phổ quát hơn của con người
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Cầu xin, tìm kiếm, gõ cửa: Bạn cầu nguyện và thưa chuyện với Thiên Chúa
như thế nào?
- Bạn sống với Khuôn Vàng Thước
Ngọc ra sao?
5. Lời
nguyện kết
Xin cảm tạ danh Chúa,
Vì Ngài vẫn thành tín yêu thương
Đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài
Trên tất cả mọi sự.
Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại,
Đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.
(Tv 138:2-3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét