Sư địệp ĐTC gừi đại hội các Phong trào bình dân bên Hoa Kỳ
Trong các ngày 16 tới 19 tháng 2 vừa qua cuộc gặp gỡ của các
Phong trào bình dân đã diễn ra tại thành phố Modesto bên California Hoa Kỳ. Đây
là lần đầu tiên đại hội của phong trào được tổ chức trên bình diện quốc gia bên
Hoa Kỳ. Nhân dịp này ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp cho đại hội. Sứ điệp đã được
ĐHY Peter Kodwo Appiah Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển con người
toàn vẹn đọc trong lễ khai mạc đại hội. Sứ điệp hướng tới 700 tham dự viên đến
từ 12 quốc gia. Trong 4 ngày nhóm họp đại hội đã thảo luận về các vấn đề : cuộc
chiến chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, nạn di cư, quyền có công ăn việc làm và
nhà ở, công lý môi sinh. Thuyết trình trong đại hội ĐHY Turkson khích lệ mọi
người đã từng phải sống kinh nghiệm bị loại trừ, vì lý do kinh tế và chủng tộc,
hiệp nhất với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và khát vọng thay đổi, liên kết với tất
cả các tín hữu mọi tôn giáo trong tinh thần liên đới làm thành một cộng đoàn lớn.
Và sự hiệp nhất tạo ra một khả năng mới thay đổi thế giới. Ngoài ra, đây là việc
hiệp nhất với nhau để bênh vực phẩm giá của tất cả mọi người. Phẩm giá này
chúng ta không nhận được từ bất cứ chính quyền nào, nhưng là điều chúng ta có
khi sinh ra làm người.
Đại hội tại Modesto tiếp theo ba hội nghị quốc tế được triệu
tập tại Roma tháng 10 năm 2014 và tháng 11 năm 2016, và tại Bolivia tháng 7 năm
2015.
Mở đầu sứ điệp ĐTC chào thăm và khích lệ tất cả các tổ chức,
các thành viên và những ai chiến đấu cho ba chữ T: terra đất đai, tetto mái
nhà, và trabajo việc làm. Ngài cũng cám ơn chiến dịch phát triển con người và vị
chủ tịch là ĐC Đavid Talley, TGM New Orleans, và các Giám Mục tiếp đón các tham
dự viên ĐC Stephen Blaire, ĐC Armando Ochoa và ĐC Jaime Soto, cũng như ĐHY
Peter Turkson. ĐTC bầy tỏ hài lòng thấy mọi người cộng tác với nhau để tạo dựng
công lý xã hội. Ngài ước mong năng lực xây dựng này được phổ biến trong mọi
giáo phận toàn thế giới, hầu xây dựng các cây cầu giúp vượt thắng các bức tường
ngăn cách của loại trừ, thờ ơ và bất khoan nhượng. Ngài đề cao công việc của Mạng
lưới quốc gia PICO, có nghĩa là những người cải thiện các cộng đoàn qua việc tổ
chức”. Nó tổng kết tinh thần và sứ mệnh của các Phong trào bình dân cùng nhau tự
tổ chức và cùng tha nhân hoạt động trong môi trường sống cho cộng đoàn của
mình.
** Cách đây mấy tháng trong cuộc gặp gỡ các phong trào bình
dân tại Roma chúng ta đã đề cập tới các bức tường và sự sợ hãi, các cây cầu và
tình yêu thương. Tất cả các sự dữ này đã không bắt đầu từ hôm qua. Đã từ lâu
chúng ta đương đầu với cuộc khủng hoảng của môt mô thức thống trị, một hệ thống
đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ lớn lao cho gia đình nhân loại, đồng thời nó tấn
công phẩm giá con người và Căn nhà chung của chúng ta để yểm trợ cho sự chuyên
chế vô hình của Tiền Bạc, chỉ bảo đảm cho các quyền ưu tiên của một ít người.
Kitô hữu chúng ta và tất cả những người thiên chí phải sống
và hành động trong lúc này. Đây là một trách nhiệm nghiêm trọng, bởi vì nếu vài
thực tại hiện nay không tìm được các giải pháp tốt, chúng có thể làm nảy sinh
ra các tiến trình làm mất nhân tính từ đó khó có thể trở lại đàng sau
(Evangelii gaudium, s.51). Chúng là các dấu chỉ thời đại mà chúng ta phải nhận
ra và hành động. Chúng ta đã đánh mất đi thời giờ quý báu mà không chú ý tới
chúng đủ, mà không giải quyết các thực tại tàn phá này. Và như thế các tiến
trình đánh mất nhân tính gia tăng tốc độ. Từ sự tham dự của các dân tộc như là
tác nhân, và nhất là từ anh chị em, hỡi các phong trào bình dân, tuỳ thuộc phần
lớn hướng đi mà sự sang trang lịch sử này sẽ có, và giải pháp của cuộc khủng
hoảng đang gia tăng.
Chúng ta không được bị tê liệt bởi sự sợ hãi, nhưng cũng
không bị cầm tù trong xung đột. Cần nhận biết nguy hiêm cũng như cơ may mà mỗi
cuộc khủng hoảng giả thiết để tiến tới một tổng hợp giúp thắng vượt. Trong tiếng
Tầu, diễn tả sự khôn ngoan xa xưa của dân tộc vĩ đại này, từ khủng hoảng bao gồm
hai chữ tượng hình Wei có nghĩa là nguy hiểm và Ji có nghĩa là cơ may.
Sự nguy hiểm là khước từ người khác, và như thế là khước từ
nhân tính của mình mà không biết, khước từ chính chúng ta và khước từ giới răn
quan trọng nhất trong các điều răn của Chúa Giêsu. Đó là đánh mất đi bản chất
là người của mình. Nhưng có một cơ may: đó là ánh sáng của tình yêu thương đối
với tha nhân soi sáng Trái đất với ánh quang rạng ngời của nó, như một ngọn đèn
trong bóng tối, nó đánh thức chúng ta, và nhân loại mới nẩy mầm với sức kháng cự
kiên trì và mạnh mẽ của những gì là đích thực.
Ngày nay vang lên trong tai chúng ta câu hỏi mà thầy tiến sĩ
luật hỏi Chúa Giêsu trong Phúc Âm thánh Luca: “Ai là người thân cận của tôi?”
Ai là người mà tôi phải yêu thương như chính mình? Có lẽ ông ta chờ đợi một câu
trả lời dễ dãi để có thể tiếp tục cuộc sống của mình: “Họ sẽ là bà con của tôi?
Những người đồng đạo với tôi?...” Có lẽ ông muốn đưa Chúa Giêsu tới chỗ miễn
cho chúng ta khỏi đòi buộc yêu thương dân ngoại và người ngoại quốc bị coi là ô
uế thời đó. Người đàn ông này muốn có một luật lệ rõ ràng cho phép ông xếp loại
người khác thành “người thân cận” và “không thân cận”, thành những người có thể
trở thành thân cận hay không thân cận (Huấn từ tiếp kiến thứ tư 27-4-2016).
** Chúa Giêsu trả lời với một dụ ngôn có hai gương mặt của tầng
lớp ưu việt thời bấy giờ, và một nhân vật thứ ba bị coi là ngoại quốc, dân ngoại
và ô uế: đó là người Samaritano. Trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô thầy tư
tế và thầy Levi gặp một người hấp hối vì bị cướp tấn công, ăn cướp và đánh rồi
bỏ đó. Luật Chúa trong các tình trạng tương tự buộc phải cứu giúp ông ta, nhưng
cả hai đi qua mà không dừng lại. Họ vội vã. Nhưng người Samaritano bị khinh rẻ,
không ai dám đánh cá và cũng có các bổn phận và các việc cần phải làm, khi
trông thấy nguời bị thương, ông không đi qua như hai người kia có liên hệ với Đền
thờ, nhưng nhìn ông ta và cảm thương (c. 33). Người Samaritano có cung cách
hành xử thương xót đích thật, ông băng bó cho người đó, rồi mang tới một quán
trọ, quan tâm tới ông ta và lo liệu cho ông.
Tất cả những điều này dậy cho chúng ta biết rằng lòng thương
xót, tình yêu không phải là một tâm tình mông lung, nhưng có nghĩa là săn sóc,
lo lắng cho tha nhân cho tới chỗ trả giá bằng chính mình. Nó có nghĩa là
dấn thân làm các bước đi cần thiết để đến gần người khác cho tới độ tự đồng hoá
với họ: “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình”. Đó là giới răn của
Chúa.
Các thương tích, mà hệ thống kinh tế coi tiền bạc là trung
tâm và đôi khi hành động với sự tàn ác của các tên cướp trong dụ ngôn, đã
không được biết tới như các tội phạm. Trong xã hội toàn cầu hóa có một kiểu sống
lịch lãm nhìn người khác từ trên cao, mà người ta thường xuyên thực thi dưới
chiếc áo chính trị đúng đắn hay các mốt ý thức hệ , nhìn tha nhân mà
không đụng chạm tới họ, người ta chiếu trực tiếp, cả với diễn văn bề ngoài
khoan nhượng và tràn đầy lời hay ý đẹp, nhưng không làm gì cả để săn sóc các vết
thương xã hội, lại càng không đương đầu với ác cơ cấu để cho biết bao nhiêu người
phải sống ngoài đường. Thái độ giả hình này, khác biết bao nhiêu với thái độ của
người Samaritano, biểu lộ cho thấy nòng cốt của một sự hoán cải thực
sự và của một dấn thân đích thực với nhân loại.
Đây là một lừa dối luân lý, trước sau gì cũng sẽ ra ánh
sáng, như một ảo tưởng tan biến. Các nguời bị thương thì còn đó, họ là một thực
tại. Nạn thất nghiệp có thực, nạn gian tham hối lộ có thực, cuộc khủng hoảng
căn tính có thực, sự trống rỗng của các chế độ dân chủ có thực. Sự thối rữa của
một hệ thống không thể nào che dấu mãi được, bởi vì trước sau gì người ta
cũng sẽ ngửi thấy mùi thối tha của nó, và khi không thể chối cãi được nữa,
thì từ chính quyền bính đã gây ra tình trạng này, nảy sinh ra việc lèo
lái sự sọ hãi, sư bất an, việc phản đối, cho tới sự giận dữ chính đáng của dân
chúng, chuyển dời trách nhiệm của mọi sự dữ cho một cái không gần gũi. Tôi
không đang nói tới một vài người riêng biệt, nhưng tôi đề cập tới một tiến
trình xã hội đang phát triển tại nhiều vùng trên thế giới, và là một nguy hiểm
trầm trọng cho nhân loại.
** ĐTC viết thêm trong sứ điệp gửi đại hội các Phong trào
bình dân nhóm tại Modesto bên Hoa Kỳ: Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta môt con đường
khác. Đừng xếp loại người khác để xem ai là người thân cận ai không. Bạn có thể
là người thân cận của kẻ không cần trợ giúp, nhưng bạn sẽ là người thân cận,
khi bạn có con tim cảm thương, nghĩa là khi bạn có khả năng cùng đau khổ với
người khác. Bạn phải trở thành người Samaritano. Và rồi bạn cũng phải trở thành
như ông chủ quán trọ, mà người Samaritano tín thác kẻ khổ đau, như kể vào cuối
dụ ngôn. Thế ai là ông chủ quán trọ. Đó là chính Giáo Hội, là cộng đoàn kitô,
là những người có tình liên đới, là các tổ chức xã hội, là chúng ta, là anh chị
em, mà Chúa Giêsu Kitô tín thác các người đau khổ cho, mỗi ngày, đau khổ trên
thân xác và đau khổ trong tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục đổ tràn trề
trên họ tất cả lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài. Chính đó là tính nhân bản
đích thực, kháng cự lại việc đánh mất đi nhân bản tính, tự cống hiến cho chúng
ta dưới hình thức của sự dửng dưng, của sự giả hình, của sự bất khoan nhượng.
Tôi biết anh chị em đã dấn thân chống lại bất công xã hội, bảo vệ chị mẹ đất và
đồng hành với các người di cư. Tôi ước ao tái củng cố anh chị em trong sự lựa
chọn này, và chia sẻ với anh chị em hai suy tư liên quan tới điều này.
Cuộc khủng hoảng môi sinh có thực. “Có sự đồng thuận khoa học
rất chắc chắn cho thấy chúng ta đang đứng trước một việc hâm nóng hệ thống khí
hậu đáng âu lo” (Laudato si, s. 23). Khoa học không phải là hình thức duy nhất
của sự hiểu biết, nó không nghi ngờ. Và khoa học cũng không nhất thiết là trung
lập, cả điều này cũng không thể nghi ngờ được, nhiều khi nó che dấu các lập
trường ý thức hệ hay các lợi nhuận kinh tế. Nhưng chúng ta cũng biết điều gì xảy
ra, khi chúng ta từ chối khoa học và không biết lắng nghe tiếng nói của thiên
nhiên. Tôi xin lãnh nhận điều liên quan tới chúng ta là tín hữu công giáo.
Chúng ta không được rơi vào chủ trương khước từ. Thời gian đang hết. Chúng ta phải
hành động. Nó xin anh chị em là các dân tộc bản địa, xin các chủ chăn, các người
cầm quyền, bảo vệ Thụ Tạo.
Thứ hai là suy tư mà tôi đã làm trong cuộc gặp gỡ cuối cùng
của chúng ta, mà tôi thấy quan trọng cần lập lại: không có dân tộc nào là tội
phạm cả, và không có tôn giáo nào là khủng bố phá hoại cả. Không có chủ truơng
khủng bố phá hoại công giáo, không có khủng bố phá hoại do thái, không có khủng
bố phá hoại hồi giáo. Không có. Không có dân tộc nào là tội phạm, hay buôn bán
ma tuý hoặc bạo lực. “Người ta tố cáo các người nghèo và các dân tộc nghèo nhất
là bạo lực, mà không có sự đồng đều về cơ may, các hình thức tấn kích và chiến
tranh khác nhau sẽ tìm thấy một vùng đất mầu mỡ mà truớc sau gì cũng sẽ làm
bùng nổ” (Evangelii gaudium, s. 52). Có những người cuồng tín và bạo lực trong
tất cả mọi dân tộc và tôn giáo, được củng cố với các thế hệ bất khoan nhượng,
được dưỡng nuôi bằng thù hận và bài ngoại. Khi đương dầu với sự kinh hoàng bằng
tình yêu, chúng ta hoạt động cho hoà bình.
Tôi xin anh chị em sự cương quyết và hiền dịu trong việc bảo
vệ các nguyên tắc này: tôi xin anh chị em đừng lẫn lộn chúng với các món hàng rẻ
tiền, và như thánh Phanxicô thành Assissi, cho đi tất cả những gì chúng ta có,
để: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà
vào nơi tranh chấp,, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Lời cầu nguyện của thánh
Phanxicô thành Assisi).
Xin anh chị em hãy biết cho rằng tôi cầu nguyện cho anh chị
em, tôi cầu nguyện với anh chị em, và xin Thiên Chúa Cha của chúng ta đồng
hành với anh chị em và chúc lành cho anh chị em, ban tràn đầy tình yêu của Ngài
cho anh chị em và che chở anh chị em. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và tiến
tới. Tại Vaticăng ngày mùng 10 tháng hai năm 2017. Ký tên Phanxicô.
(Oss. Rom. 18-2-2017)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét