Ngày 1 tháng Giêng
(Cuối Tuần Bát Nhật Lễ
Chúa Giáng Sinh)
Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên
Chúa
(phần II)
Giáo Lý Phúc Âm
Ngày 11.10.1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
đã ra tông huấn “Kho Tàng Đức Tin” (the Apostolic Constitution Fidei depositum)
để công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Kho tàng Đức tin tức Thánh Kinh và
Thánh Truyền. Đó là những chân lý đức tin được mạc khải cho các tông đồ và các
tông đồ truyền lại cho chúng ta. Nên Giáo Hội Công Giáo được gọi là Giáo Hội
Tông Truyền là vậy.
Phúc Âm nói về Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Kitô
giáo. Phúc Âm nguyên là những bài giáo lý được các tông đồ giảng dạy khi đi
truyền đạo. Nên tôi dùng tên gọi “Giáo Lý Phúc Âm” để trình bày giáo lý Công
Giáo dựa trên Phúc Âm, tức những bài giáo lý sơ khai của các tông đồ.
Giáo Lý Phúc Âm trình bày Phúc Âm Chúa Nhật qua hai phần chính là:
Giáo huấn Phúc Âm: Phúc Âm muốn dạy điều gì?
Vấn nạn Phúc Âm: Cắt nghĩa những gì cần hiểu để
nắm vững giáo lý.
Có phần phụ thêm được gọi là Thực hành Phúc Âm.
Đây không là giáo lý hay giáo huấn mà chỉ là những chia sẻ kinh nghiệm sống cá
nhân. Không hẳn phù hợp cho mọi người. Ước mong Lời Chúa hay Phúc Âm Chúa Nhật
được đọc nhiều, được dễ hiểu hơn và dễ áp dụng trong cuộc sống thường nhật.
Cầu xin Chúa ban ơn và chúc lành cho tất cả chúng
ta trong cố gắng nầy.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
Ngày đầu năm dương lịch.
LỄ THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, NĂM A, B & C
Sách Dân Số 6.22-27; Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi
Giáo Đoàn Galata 4.4-7
và Phúc Âm Thánh Luca 2.16-21
I. Giáo Huấn P.Â.:
Đấng Cứu Thế sinh làm con người như chúng ta.
Ngài có Cha, có Mẹ.
Những người nghèo khổ như các mục đồng sớm nhận
được ơn cứu độ.
Đấng Cứu Thế sinh làm người, tuân giữ mọi luật lệ
của tôn giáo và xã hội như phải làm lễ cắt bì và đặt tên sau khi sinh được tám
ngày.
II. Vấn nạn P.Â.
Họ tên đầy đủ của Chúa Giêsu?
Người Do Thái và những dân quốc chung quanh Do Thái thời trước Công Nguyên đều
chỉ có tên gọi chứ không có tên họ. Nên trong Phúc Âm Thánh Matthêô 1.1-17, kể
về gia phả Chúa Giêsu, chúng ta đọc thấy như thế nầy: “Abraham sinh Isaác
– Isaác sinh Giacóp…. Giacóp sinh Giuse, chồng bà Maria, Bà là Mẹ Đức Giêsu
cũng gọi là Đấng Kitô”. Tên gọi “Giêsu” của Chúa Giêsu là do sứ thần Chúa đã
truyền là phải “đặt tên cho con trẻ là Giêsu” khi truyền tin cho Đức Mẹ như
được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Luca chương 1 đoạn 26-38. Giêsu trong
tiếng Việt được nhái âm với Iesous trong tiếng hy Lạp và Yehoshua trong tiếng
Do Thái hay Joshua trong tiếng Do Thái Cựu Ước. Joshua có nghĩa Thiên Chúa cứu
độ.
Chúng ta cũng thấy những tên khác như Kitô phát xuất từ nguyên ngữ Hylạp Chi và
Ro, ghép thành Christos có nghĩa là Đấng được xức dầu. Nên Kitô là tước hiệu
chứ không phải là tên gọi của Chúa Giêsu. Nếu không có tên họ thì làm sao phân
biệt những người trùng tên? Người Do Thái và những dân quốc trong vùng thời
trước Công nguyên rất tôn trọng Cha mẹ và tổ tiên dòng họ mình, nên thường để
phân biệt việc trùng tên gọi, họ sẽ nói là Joshua ben - có nghĩa là Giêsu con
Ông Giuse, thợ mộc hay Giêsu thành Nagiarét.
Ngày nay người Do Thái có tên họ như những người khác. Do Thái mất nước từ năm
70 sau Công nguyên. Họ bị phân tán đi khắp nơi trên thế giới. Cách chung họ
chia thành hai cánh: Cách Sephardic là những người Do Thái sống tập trung chung
quanh Địa Trung Hải và cánh Ashkenazim sống phần nhiều ở Âu Châu đặc biệt Đông
Âu. Gần hai mươi thế kỷ mất nước sống trà trộn với nhiều sắc dân trên thế giới,
người Do Thái không có quê hương và không muốn dùng địa danh của đất nước mình
đang sinh sống, nên họ dần dà chọn tên Họ cho mình. Hiện tại đa số người Do
Thái đều có tên họ, thí dụ thủ tướng Do Thái tên Benjamin Netanyahu.
Lễ cắt bì là gì?
Cắt bì tức cắt bỏ một chút da qui đầu của bé trai sơ sinh.
Cắt bì có từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại.
Tập tục nầy đã thấy ở Ai Cập từ năm 2300 trước Chúa Giáng Sinh. Người ta không
tìm thấy văn bản cắt nghĩa việc cắt bì, nhưng đấu vết cắt bì vẫn còn ở các
tượng đàn ông trần truồng ở Ai Cập.
Ngũ Kinh trong Kinh Thánh Cựu Ước nói nhiều về ý nghĩa và việc thực hành cắt bì
như trong Sáng Thế Ký 17.10-14 tường thuật lệnh truyền của Chúa như sau: “Đây
là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với
dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì.
Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu : đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta
với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt
bì, từ thế hệ này qua thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các
ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các
ngươi. Buộc phải cắt bì nô lệ sinh trong nhà cũng như nô lệ mua bằng bạc. Giao
ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. Kẻ
không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ
bị khai trừ khỏi dòng họ : nó đã phá vỡ giao ước của Ta."
Luật cắt bì được áp dụng triệt để, đến nỗi Abraham, 99 tuổi cũng chịu cắt bì,
với Ismael và những nô lệ trong nhà Ông. Điều nầy được ghi rõ trong Sáng thế Ký
17.23-27 “Ông Áp-ra-ham dẫn Ít-ma-ên con ông, mọi nô lệ sinh trong nhà ông và
nô lệ mua bằng bạc, mọi đàn ông con trai trong số người nhà của ông, đem đi cắt
bì nơi bao quy đầu của họ trong chính ngày ấy, như Thiên Chúa đã phán với ông.
Ông Áp-ra-ham được chín mươi chín tuổi khi chịu cắt bì nơi bao quy đầu.
Ít-ma-ên, con ông, được mười ba tuổi khi chịu cắt bì nơi bao quy đầu. Trong
chính ngày ấy, ông Áp-ra-ham và Ít-ma-ên, con ông, chịu cắt bì ; mọi người nhà
của ông, những nô lệ sinh trong nhà hoặc nô lệ ông dùng bạc mà mua của người
ngoại bang, đều chịu cắt bì với ôn”
Như vậy cắt bì thành luật trong đạo Cựu Ước nhằm giữ giao ước với Thiên Chúa.
Luật cắt bì nghiêm nhặt đến nỗi cả khách kiều cư cũng phải thi hành như trong
Xuất Hành 12.48 “ Nếu có ngoại kiều ở với ngươi mà muốn cử hành lễ Vượt Qua
kính ĐỨC CHÚA, thì mọi đàn ông con trai nhà ấy phải chịu cắt bì. Bấy giờ nó mới
được đến gần để mừng lễ, nó sẽ như người bản xứ ; nhưng ai không cắt bì thì
không được ăn. Luật đó là luật chung cho người bản xứ và ngoại kiều sống giữa
ngươi."
Cắt bì là luật Chúa nhằm biến dân Israel thành dân Thánh Thiên Chúa như được
xác định trong Xuất hành chương 19.3-6 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên
núi, ĐỨC CHÚA gọi ông và phán : "Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông
báo cho con cái Ít-ra-en thế này : Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào,
và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây,
nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi
dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ
coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ
nói với con cái Ít-ra-en."
Thời Tân Ước, tức sau khi Chúa Giêsu sinh ra, Cha
Mẹ Ngài vẫn giữ luật Cựu Ước truyền thống: Tám ngày sau khi sinh, Ngài được làm
lễ cắt bì và đặt tên Giêsu. Thời các Thánh Tông Đồ, Phaolô là người ý thức về
ơn cứu độ phổ quát nên đã tranh luận và yêu cầu bỏ luật cắt bì của Do Thái,
được ghi trong Tông Đồ Công Vụ 11.1. Phaolô chủ trương một thánh hoá không chỉ
bề ngoài, không chỉ chu toàn luật Cựu Ước nhưng là “cắt bì trong tâm hồn” như
được ghi lại trong thư Thánh Phaolô gửi Rôma 2.28-29 và Galata 3.3. Điều quan
trọng đối với Kitô hữu là tin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và từ bỏ con người cũ
tội lỗi. Phaolô không đồng ý cho Titô chịu cắt bì, vì là người Hy Lạp. Còn
Timôtê người Do Thái, thì nên giữ tập tục Do Thái như được ghi trong Tông Đồ
Công Vụ 16.1 và Thư gửi Galata 3.2-5.
Chúng ta phải cám ơn Thánh Phaolô đã hiểu được ý nghĩa cắt bì trong Đạo Cựu Ước
và đã tranh luận để bỏ áp dụng luật cắt bì của Do Thái cho người ngoài Do Thái
mới tòng giáo. Nhờ vậy mà nước Chúa được dân ngoại đón nhận và mọi tâm hồn được
thánh hoá từ đức tin và từ nội tâm.
III. Thực hành P.Â.:
Hình ảnh thực về Đức Mẹ ngày xưa
Ngày xưa lễ nầy gọi là lễ đặt tên hay lễ cắt bì.
Vì Cựu Ước dạy cắt bì và đặt tên cho con trai sau khi sinh được 8 ngày. Ngày
nay Giáo Hội tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong ngày đầu năm.
Việc tôn kính hay tôn vinh Đức Mẹ dễ cho chúng ta
một tưởng tượng khá phong phú về Đức Mẹ: Đó là một phụ nữ đẹp tuyệt trần và
sống thảnh thơi an nhàn trong vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
Không đâu! Đức Mẹ là một nội trợ trong một gia
đình nghèo. Đức Mẹ phải nấu cơm, làm bánh, khâu vá, quét nhà, giặt giũ và phải
rất mực cần kiệm, chứ không có ghiền đi shopping đâu à! Đức Mẹ phải đi hội
đường dự ngày Sabath và tuân giữ mọi luật lệ trong đạo ngoài đời. Đức Mẹ nhiều
khi thấy khó hiểu chuyện thằng con trai của mình làm. Rồi Đức Mẹ đau khổ gần
nhưng chết được khi thấy con mình bị giết chết nhục nhã…. Đây là hình ảnh thực
về Đức Mẹ.
Hỡi những người đang làm vợ và làm mẹ! Hãy nhìn ra
hình ảnh chân thực của Đức Mẹ mà an ủi mình bằng cách hát nho nhỏ rằng “Lạy Mẹ
xin an ủi chúng con….vì chúng con cũng giống Mẹ ngày xưa hay Mẹ cũng vất vả như
chúng con ngày nay” Amen.
Lm. Phê-rô TRẦN THẾ
TUYÊN
PHÚC ĐỨC TẠI MẪU
(THÁNH MARIA MẸ
THIÊN CHÚA)
Thường
khi sinh con, các bậc cha mẹ phải đặt tên cho con. Có nhiều trường hợp người
con chỉ mới được tượng thai trong lòng mẹ, thì cha mẹ đã lo chọn cho người con
một cái tên hợp với ý nguyện của họ. Tục lệ dân Do-thái ngày xưa cũng vậy,
nhưng còn thêm một điểm, nếu người con ấy là con trai đầu lòng thì phải đem con
đến đền thờ chịu lễ cắt bì. Đức Giê-su vâng lệnh Thiên Chúa Cha xuống thế làm
người trần thế như mọi người, Người đã “sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật” (Gl 4, 4-5). Và vì thế nên Đức
Mẹ và Thánh Giu-se đều giữ đúng luật, sau khi sinh Con, đến ngày thứ 8 liền
dâng Con vào đền thờ để chịu lễ cắt bì. Còn tên của Người Con cao trọng đó cũng
được đặt đúng như lời sứ thần truyền: Giê-su.
Các
dân tộc Đông phương đều tin rằng những người con được sinh ra, được nuôi nấng dạy
dỗ cho nên người đều nhờ “Phúc đức tại mẫu” (Phúc đức tại nơi người mẹ). Cũng
vì thế nên ngay từ ngàn xưa, khi mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, Dân Chúa vẫn chú tâm
đến Người Mẹ đã tượng thai và hạ sinh Con-Thiên-Chúa-làm-người và không ngớt
chiêm ngưỡng khuôn mặt phúc hậu no đầy ân sủng của Đức Mẹ nơi máng cỏ Bê-lem.
Có thể nói, Mùa Giáng sinh cũng là mùa lễ Ðức Mẹ. Tuy vậy, vẫn có những ngụy
thuyết (ở thế kỷ III, IV, V…) cho rằng tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là
xúc phạm tới Đấng Tối Cao. Họ lý luận: Thiên Chúa dựng nên (tức là sinh
ra) loài người, thì không thể có việc loài người lại sinh ra Thiên Chúa được.
Nói Thiên Chúa được sinh ra từ một người đàn bà trần thế, chẳng hóa ra coi
Thiên Chúa còn thua kém loài người sao?
Cụ
thể như vào những thập niên đầu thế kỷ V (năm 427-429), linh mục Nestorio
– phát ngôn viên của Đức Giám mục Constantinopoli – khi khẳng định
rằng “Đức Maria chỉ là mẹ của một người, bởi vì Thiên Chúa không thể sinh ra từ
một người đàn bà được”, thì lập tức các Ki-tô hữu đã coi đó là gương mù, gương
xấu và mạnh mẽ phản đối ngay trước mặt Đức Giám Mục. Tuy nhiên, linh mục
Nestorio đã không thay đổi tư tưởng của mình, và vì thế, Giáo Hội đã phải triệu
tập Công Đồng Chung Ê-phê-sô. Công Đồng khai mạc ngày 24/6/431 và đã tuyên tín:
“Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên
Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos) vì Mẹ đã hạ
sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt.” (xc. DS 252, hay
“The Christian Faith” trang 149).
Cứ
kể ra mới nghe lập luận của phe chống đối thì thấy cũng có lý (Thiên Chúa sinh
ra loài người thì làm sao loài người lại sinh ra Thiên Chúa được). Tuy nhiên,
đó mới chỉ là “tư tưởng của loài người, không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mt
16, 23). Thật thế, "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối
với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (Mt 19, 26). Đức Giê-su là
Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nhưng khi vâng lệnh Chúa Cha xuống thế
làm người thì rất cần phải là một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, được
sinh ra và nuôi dưỡng như một người phàm, bởi loài người cứ thích được “thực mục
sở thị” (trông thấy nhãn tiền) thì mới tin. Và vì thế, khi được sinh ra bởi Đức
Maria, thì Đức Giê-su Thiên Chúa là người phàm như bao người khác. Một cách cụ
thể, trong Đức Giê-su, thiên tính (bản tính Thiên Chúa) và nhân tính (bản tính
loài người) kết hợp bất khả phân ly trong một ngôi vị duy nhất, như Công Đồng
Nicea đã khẳng định: “Chúa Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật, Người có
cùng một bản thể như Thiên Chúa Cha.”
Điều
đó đã liên tục được công bố bởi các Công Đồng Chung (Công Đồng Chung Ê-phê-sô
năm 431; Công Đồng Chalcedonia năm 451 và Constantinople II năm 553; Công Đồng
Constantinople III năm 680-681). Ngoài ra, còn có những giáo huấn của các Đức
Giáo Hoàng về Mẹ Thiên Chúa như Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI, đã ra thông điệp
“Mediator Dei” để mừng kỷ niệm 1500 năm Công Đồng Ê-phê-sô và công bố lễ Mẹ
Thiên Chúa mừng trong toàn thể Giáo Hôi vào ngày 11 tháng 10. Đức GH Pi-ô XII,
trong một thông điệp, đã tuyên bố Năm Thánh Mẫu vào năm 1954 và chủ trương rằng
tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là nguồn gốc tất cả mọi ơn sủng và đặc sủng của Mẹ
Maria. Sau cùng, Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế “Lumen gentium – Tín
Lý Về Giáo Hội” đã dành cả chương VIII để nói về Mẹ Thiên Chúa. Và trong Hiến
Chế về Phụng Vụ Thánh (“Sacrosanctum Concilium”), các Nghị Phụ trong Công Đồng
đã chuyển lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày đầu năm (01/01).
Như
vậy là đã quá rõ ràng: Đức Mẹ được hồng ân tượng thai và sinh hạ
Con-Thiên-Chúa-làm-người đã được tiền định từ trước vô cùng. Vậy thì còn tước
hiệu nào xứng hợp hơn để nói về Ðức Maria trong lịch sử Cứu Độ bằng tước hiệu Mẹ
Thiên Chúa? Từ xác tín Đức Mẹ đã tượng thai và hạ sinh Đức Giê-su Thiên Chúa,
ĐTC Biển Đức XVI còn đi xa hơn khi khẳng định các Ki-tô hữu cũng được vinh dự
tượng thai và hạ sinh Ngôi Lời Nhập Thể (“Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần Lời
Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể. Khi chiêm ngưỡng
nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do Lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả
ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Ki-tô tới cư
ngụ trong đời ta. Thánh Am-brô-si-ô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện
nào đó, mọi tín hữu Ki-tô đều tượng thai và sinh hạ Lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ
có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Ki-tô
là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin. Như thế, điều xẩy ra cho Đức
Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe Lời Chúa và
trong việc cử hành các bí tích.” – T/H Lời Chúa, số 20).
Ngoài
ra, dựa trên mầu nhiệm Ngôi Lời giáng thế đem bình an cho nhân loại, các Đức
Giáo Hoàng cũng liên tiếp ban hành những Thông điệp cầu cho thế giới một nền
hòa bình vĩnh cửu. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, năm 1967 ĐTC Phao-lô VI
thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng "Công Lý và Hòa Bình", và từ năm 1968,
lập ra ngày "Hoà Bình Thế Giới" cử hành vào ngày 01/01 hàng năm. Như
vậy là ngày 01/01 hàng năm là ngày tổng hợp 4 ý niệm cao trọng: Lễ Cắt Bì và Lễ
Đặt Tên Con Thiên Chúa làm người + Lễ Mẹ Thiên Chúa + Ngày Thế giới hòa bình. Tất
cả lại một lần nữa minh nhiên thành ngữ “Phúc đức tai Mẫu” (mà kẻ viết bài này
chỉ muốn viết “Phúc đức tại Thánh Mẫu Maria”).
Tóm
lại, ngày đầu năm – ngày sum họp gia đình – trong bầu khí nồng ấm của mùa Xuân,
hãy “hướng về Đức Trinh Nữ Maria, người mà – như Công Đồng Va-ti-ca-nô II nhắc
nhở chúng ta – là “mẫu mực của Giáo Hội trong giới luật của đức tin, lòng nhân
hậu, và hiệp nhất hoàn hảo với Đức Ki-tô” (Hc “Lumen Gentium”, số 63). Đó chính
“Là người con gái của Israel, Đức Maria đã trả lời bằng đức tin trước
tiếng gọi của Thiên Chúa và trở thành Mẹ của Con Một Người. Mẹ dạy chúng ta sống
một đời sống đức tin bằng sự vâng phục của Mẹ trước ý định của Thiên Chúa và sự
tận tâm trung kiên của mình với Chúa Giê-su và công việc của Người.” (Bài Giáo
huấn ngày thứ Tư 23/10/2013 của ĐTC Phan-xi-cô I).
Hướng
về Đức Trinh Nữ Maria trong tâm tình sống 4 ý niệm cao trọng:
Lễ Cắt Bì và Lễ Đặt Tên Con Thiên Chúa làm người + Lễ Mẹ Thiên Chúa + Ngày Thế
giới hòa bình, người Ki-tô hữu không chỉ gói gọn trong gia đình của mình, mà là
mở ra với anh em trên khắp năm châu bốn biển, bởi vì “Đây chính là một tin tốt
lành đòi hỏi mỗi người bước về phía trước, thực thi lòng thương xót vô hạn, lắng
nghe những đau khổ cũng như hy vọng của người khác, kể cả những người ở xa tôi,
và bước đi trên con đường đầy đòi hỏi của tình yêu, một tình yêu biết trao ban
và tiêu tốn chính mình một cách tự do cho lợi ích của anh chị em chúng ta.”
(ĐTC Phan-xi-cô I – Sứ điệp “Ngày Thế giới hòa bình”, số 10).
Ôi!
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giê-su, xin giúp chúng con hiểu và sống mỗi ngày tình
huynh đệ xuất phát từ trái tim Con Mẹ, để chúng con mang bình an đến với mỗi
người trên trái đất thân yêu của chúng con. Amen.” (Sứ điệp “Ngày Thế giới hòa
bình”, phần kết luận).
JM.
Lam Thy ĐVD.
MẸ THIÊN CHÚA - MẸ CHÚNG TA
Mở lại những trang thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Galát ta bắt gặp
tâm tình hết sức dễ thương của Ngài.
Mở đầu thư, Thánh Phaolô khẳng định ngay : Tôi là Phaolô, Tông Đồ không phải do
loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và
Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy, tôi và mọi anh em
đang ở với tôi, kính gửi các Hội Thánh miền Galát.
Cuộc đời, ơn gọi Tông Đồ của Phaolô rõ ràng như ta thấy đó, không phải tự loài
người hay do loài người nhưng là bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha.
Rõ ràng, sinh ra bởi phàm nhân, bởi cha bởi mẹ của Ngài nhưng thánh Phaolô quả
quyết như thế bởi vì ngài tin như thế.
Và rồi, mở lại những trang Thánh Kinh Cựu Ước, ta không thể nào quên được hình ảnh
của Ápraham - cha của những kẻ tin.
Ta biết Ápraham có hai người con. Hai người con, một người được sinh ra bởi người
mẹ là người nô lệ còn người kia là người tự do. Con của người mẹ nô lệ thì sinh
ra theo luật tự nhiên; còn con của người mẹ tự do thì sinh ra nhờ lời hứa. Câu
chuyện đó ngụ ý rằng : hai người đàn bà là hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại
núi Sinai, thì sinh ra nô lệ: đó là Haga. Haga chỉ núi Sinai trong miền Ảrập,
và tương đương với Giêrusalem, thành này cùng với các con đều là nô lệ. Còn
Giêrusalem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta.
Mẹ của lời hứa được Thiên Chúa tuyển chọn bởi tình thương của Ngài.
Con của lời hứa mà Thiên Chúa trong Cựu Ước là là con của Giao Ước cũ. Giao Ước
mới là Đấng Cứu Độ trần gian được sinh ra trong cung lòng của một trinh nữ có
tên là Maria.
Trong trình thuật tin mừng rất ngắn, Thánh Luca thuật lại cho ta rất chi tiết về
người trinh nữ có tên là Maria đó : "Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp
bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ". (Lc 2, 16)
Đích thị rằng Maria chính là Mẹ của Hài Nhi, Mẹ của Đấng Cứu Độ và cũng là Mẹ
Thiên Chúa nhờ đặc ân mà Thiên Chúa trao ban cho Mẹ.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật
tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ
phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa.
Tín lý này đã được thánh Luca minh hoạ rõ ràng trong trang Tin Mừng chúng
ta vừa nghe..
Từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô
Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của
các bè rối Gnosticism, Docetism. Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ
ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời
hằng sống đã xuất hiện.
Trong khi đó các bè rối đó vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng. Lạc thuyết này
muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô. Vì thế, các Giáo phụ
dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng
Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa
Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo:
"Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay
là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản
sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc
là không có thân xác thì không có sự đản sinh.
Thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ
Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Nicêa I lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín
Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin
kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên
Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho
tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.
Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: "Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được
tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên
Chúa ... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất
với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực
của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa
Kitô".
Nhờ Giáo huấn của Giáo Hội và lời giảng dạy của các Thánh giáo phụ, các Thánh
tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo Hội mỗi ngày thêm vững
tin tín điều Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ Thiên Chúa là Mẹ của Lời Hứa, Mẹ của Giao Ước mới, Mẹ của Ơn Cứu Độ trần
gian mà Thiên Chúa đã hứa, đã trao ban cho con người tự ngàn xưa qua miệng các
ngôn sứ, cách riêng qua những khẳng định của các thánh, đặc biệt nơi các thánh
tông đồ.
Thánh Phao lô đã khẳng định với ta về Giao Ước mới : Nhưng khi thời gian tới hồi
viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống
dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn
làm nghĩa tử.
Không chỉ ở đây, trong nhiều đoạn thư, thánh Phaolô cũng đã khẳng định về ơn
nghĩa tử mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta :
“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước
thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương
của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định
cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”. (Ep 1, 4-5)
“Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng
hình đồng dạng với Con của Người, để con của Người làm trưởng tử giữa
một đàn em đông đúc”. (Rm 8, 29. 29)
Trước khi tạo thành vũ trụ, Cha đã tiền định cho chúng con làm “nghĩa tử”. Nhưng
Cha
không muốn chúng con chỉ hưởng quyền đồng thừa kế với Đức Giê-su (Rm 8, 17) mà còn muốn chúng con nên giống Cha (Ep 1, 4), nên đồng hình đồng dạng với Người Con Ruột của Cha (Rm 8, 29)
không muốn chúng con chỉ hưởng quyền đồng thừa kế với Đức Giê-su (Rm 8, 17) mà còn muốn chúng con nên giống Cha (Ep 1, 4), nên đồng hình đồng dạng với Người Con Ruột của Cha (Rm 8, 29)
"Trong
Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước nhan Người, ta
trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo
ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền
định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô. Để
ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong
Thánh Tử yêu dấu”. (Ep 1, 4-6)
Ta thấy Thánh Gioan tông đồ cũng đã khẳng định về ân huệ làm con mà Thiên Chúa
dành cho chúng ta :
“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ
quyền trở nên con Thiên Chúa. họ được sinh ra, không
phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của
người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”. (Ga 1, 12.13)
“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta
được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế
gian không nhận biêt chúng ta, là vì thế gian đã không biêt Người. Anh em
thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều
ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biêt rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên
giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. (1 Ga
3, 1-2).
Trước khi có trời đất này Cha đã chọn ta để ta
trở nên tinh tuyền thánh thiện. Trước khi ta có mặt trên hành tinh này, Cha đã
tiền định cho ta làm con Cha. Cho nên không phải vì ta có công trạng gì mà Cha
thương ta. Cha yêu ta chỉ do lòng nhân ái của Cha, chỉ do tình thương nhưng
không của Cha, bởi vì Cha là tình yêu. Cha thương ta bởi vì ta ở trong người
Con Chí Ái là Đức Kitô. Vì Cha thương ta mà ta trở thành quý giá trước mặt Cha.
Ân huệ lớn nhất đời của ta phải chăng đó là được làm con của Mẹ Maria, là em của
anh Hai Giêsu ?
Theo Gioan, chúng ta được làm con em Chúa Giêsu, là con của Mẹ Maria thì ta phải
tin (Ga 1, 12) và phải yêu (1 Ga 4, 7).
Nhìn lại cuộc đời của Mẹ Maria ngày hôm nay mà ta tôn kính với đặc ân mà Thiên
Chúa ban cho Mẹ - như Giáo Hội cũng như các môn đệ đã xác tín - chúng ta lại thấy
rằng cả cuộc đời của Mẹ vẫn gói ghém trong niềm tin và tình yêu với Thiên Chúa.
Mẹ tin yêu Chúa bằng cả cuộc đời, bằng cả tấm lòng, bằng cả con người, bằng cả
tâm hồn của mẹ.
Trang Tin Mừng rất ngắn Thánh Luca điểm lại cho ta về Mẹ rất độc đáo, rất dễ
thương và cũng rất đáng để ta suy nghĩ : còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ
niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Và, cả cuộc đời, Mẹ sống trong lắng đọng để Mẹ suy đi nghĩ lại tình yêu, lòng
thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho Mẹ để Mẹ được ơn là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ
của Đấng Cứu Độ.
Ngày hôm nay, Mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta lại được mời gọi nhìn lại đời ta. Ta
được Thiên Chúa trao ban ân huệ làm con của Lời Hứa, của Đấng Cứu Độ trần gian và
là em của anh Trưởng Giêsu. Mẹ Maria dù được là Mẹ Thiên Chúa đó nhưng Mẹ
"Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Mẹ Maria khiêm hạ, lắng
đọng để tin yêu và phó thác cuộc đời trong tay Chúa dù Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa,
Mẹ của Ơn Cứu Độ.
Chúng ta là nghĩa tử của anh Trưởng Giêsu, cũng là con của Mẹ Maria.
Người ta vẫn thường nói : "Mẹ nào con nấy !". Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của
ta đó luôn suy niệm Lời Chúa, suy niệm tình thương mà Thiên Chúa tuôn đổ trên Mẹ.
Dù ai nói ngả nói nghiêng và thậm chí chà đạp, phỉ báng Mẹ, chê cười nhưng Mẹ vẫn
lặng lẽ để suy đi nghĩ lại tình thương và ân huệ của Chúa dành cho Mẹ. Ta có
suy đi nghĩ lại trong lòng ân huệ, tình thương mà Thiên Chúa trao ban cho ta
hay không ?
Khi ta ồn ào náo động, khi ta hơn thua tranh giành, khi ta bấu víu vào thế gian
cũng là khi ta không nhận ra Ơn Cứu Độ, không nhận ra Thiên Chúa là Chúa và là
Chủ của cuộc đời ta. Khi ấy, ta cũng chẳng là con của Mẹ.
Ta vẫn gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta vẫn nói Mẹ là Mẹ của ta nhưng để lời gọi, lời
nói, lời tuyên tín đó được trọn hảo, được thể hiện bằng cách ta sống tâm tình
mà Mẹ đã sống đó là suy đi nghĩ lại ân huệ, tình thương mà Thiên Chúa trao ban
cho ta.
Xin Mẹ thêm ơn cho ta để ta cũng biết sống giữa cuộc đời đầy bon chen, sóng gió
này mà lòng vẫn bình tâm để lặng lẽ, để suy đi nghĩ lại ân huệ Chúa ban cho ta
như Mẹ.
Anmai,
CSsR
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu
cho chúng con
(Suy niệm lễ Đức
Maria, Mẹ Thiên Chúa)
(Lc 2, 16-21)
Linh
mục Antôn Nguyễn Văn Độ
Tám
ngày sau lễ sinh nhật của Đức Giêsu Chúa chúng ta, Giáo hội mời gọi con cái
mình cử hành lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa với tất cả lòng kính trọng và biết ơn,
vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.
Đức
Maria đã được các giáo phụ ca ngợi, đặc biệt là thánh Ambrôsiô thành Milan (thế
kỷ IV) khi nói : “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa
của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia (+ 110) là người đầu tiên nên tên Đức
Maria sau các sách Tin Mừng : “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức
Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “ Đức Giêsu cũng được sinh
ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.
Tại
Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ
Thiên Chúa”, tuyên dương Mẹ là “ Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ”. Như thánh Grégoire
de Nazianze (330 – 390) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy
là Mẹ Chúa Kitô”.
Khi
giáo chủ Constantinople là Nettôriô công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa
của Đức Maria, thì Công đồng Chung Êphêsô (431) đã đuợc triệu tập và tuyên bố
tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Đó là danh xưng cao trọng nhất của Đức
Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công
đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như
sau : “Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn
thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn
nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai,
Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã
kính chào là “Đầy ơn phước” (Lc. 1,28). (GH.59).
Thánh
Phaolô viết : “Khi đã đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh
hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế
độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử… mà nếu là con, tất bạn cũng
là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa” (Gl 4, 4-7). Như thế, chúng ta dưỡng
tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô nhờ ơn Thiên Chúa. Lại nữa, Hội
Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, Đức Maria đã là Mẹ Chúa Kitô, Đấng là Đầu của
Thân Thể, thì Mẹ cũng là Mẹ của Thân Thể, Mẹ Hội Thánh, Hội Thánh được cấu
thành bởi những con người chúng ta, nên Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng
sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” (GH.62)
Ngày
21/11/1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức Maria Là Mẹ Hội Thánh :
“Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố
Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo
dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế
chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm
kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”.
Và việc Đức Phaolô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng
một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm
thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện cho toàn thể
Dân Chúa.
Đó
là những lý do Giáo Hội thúc dục con cái mình cầu nguyện với Mẹ: “Thánh
Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ
lâm tử”. Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một
niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức
Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc.
Trong
ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ
Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng
ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình (Is 9, 5) sinh hạ bởi
Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân
Số mà cầu chúc cho nhau: “ Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh
chị em” (x. Ds 6,26). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng
là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu Thiên Chúa
đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Thiên Chúa đã nhận
lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người
Con của Đức Trinh Nữ Maria.
Thiên
Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người
Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con
âu yếm. Đức Maria trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng
hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng
tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, chúng ta
sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón
nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để
thực sự trở nên người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ.
Mừng
lễ Mẹ hôm nay, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ
thế giới này, đất nước ta, gia đình ta. Hãy để Mẹ hiện diện để yêu thương, chăm
sóc và dẫn dắt chúng ta sống theo ý Chúa. Hãy hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo
hiếu!
Nhờ
Mẹ cầu bầu, xin cho cuộc đời mỗi nguời chúng ta được đổ đầy bình an của Chúa
trong năm mới này, để chúng ta cũng trở nên những người xây đắp an bình cho gia
đình, cho mọi người bằng đời sống tin yêu phó thác vào Chúa và quên mình phục vụ
tha nhân như Mẹ. Ước gì chúng ta không chỉ thành khẩn thưa lên với Mẹ bằng lời,
mà bằng trọn cả con tim và cuộc sống chúng ta: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu
cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
Lễ Mẹ Thiên Chúa -
Tình Mẫu Tử
Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Hòa bình
Thế giới.
Tình Mẫu Tử luôn kỳ diệu, không ai có thể hiểu hết. Thiên Chúa đã trao cho phụ nữ một thiên chức cao cả: Làm Mẹ. Đứa con dù tật nguyền, xấu xí, tội lỗi, thậm chí là xử tệ với mình, nhưng người mẹ vẫn hết lòng vì con đến nỗi có thể xả thân mình để con được an toàn. Tất nhiên người cha cũng thế, nhưng người cha thâm trầm nên thường ít được nhắc tới. Ca dao Việt Nam ví von:
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước
trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính
Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới
là đạo con
Công ơn cha mẹ khôn ví, thế nên người con cũng phải có bổn phận với song thân và hết lòng vì các ngài, vậy mới xứng đáng mang danh con người. Trong kinh Tâm Địa Quán của Phật giáo cũng có nói về công ơn cha mẹ và bổn phận con cái đối với song thân phụ mẫu:
Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ
biển khơi
Dù cho dâng trọn một
đời
Cũng không trả hết ân
người sanh ta
Bổn phận làm con phải biết hiếu kính với cha mẹ đã được thấm nhuần từ xa xưa của tổ tiên ông bà để lại cho ngày nay. Thiên Chúa cũng đề cao thiên chức làm cha và làm mẹ. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương hiếu thảo trong suốt cuộc đời Ngài khi làm người trên dương thế.
Nói theo quan niệm con người, nếu xét về Âm Dương tức là Trời Đất, thì người Cha là Dương và người Mẹ là Âm, giống như ngày và đêm hài hòa Âm Dương, hoặc nói cách khác, nếu không có Thiên Địa (Trời Đất) thì không thể có con người. Thật vậy, nếu không nhờ “cha sinh, mẹ dưỡng” thì chúng ta không thể hiện hữu trên cõi đời này. Còn nói về tâm linh, chính Thiên Chúa mới là Tạo Hóa, là Đấng tác tạo chúng ta: “Đức Chúa, Đấng tạo thành ngươi, Đấng cứu chuộc ngươi, Đấng nắn ra ngươi từ khi ngươi còn trong lòng mẹ” (Is 44:2 & 24).
Ngày xưa, Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:23-27).
Đó là lời chúc bình an dành cho những người con hiếu thảo của Thiên Chúa. Người cha và người mẹ là con cái của Thiên Chúa, những người con vừa là con cái của Thiên Chúa vừa là con cái của cha mẹ phần đời. Bất cứ người con nào ngoan ngoãn và hiếu thảo đều được Thiên Chúa chúc lành.
Con người quá yếu đuối và dễ kiêu ngạo, làm gì cũng phải nhờ ơn Chúa, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì, sảy một giây thôi thì chúng ta lại sa ngã ngay, vì thế mà luôn phải cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3).
Tác giả Thánh vịnh mơ ước, và cũng phải là mơ ước của chúng ta: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (Tv 67:5-6). Đó cũng là một cách truyền giáo, là thể hiện lòng tín thác vào Thiên Chúa và sống đức tin Kitô giáo. Niềm vui khôn tả khi được tôn thờ và xưng tụng Thiên Chúa, nhưng niềm vui đó không chỉ dành riêng cho mình mà còn phải lan tỏa sang mọi người: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:7-8).
Thời gian đang tới hồi viên mãn, nghĩa là chúng ta đang sống trong thời cánh chung. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc xác phàm, làm con một phụ nữ, ở giữa chúng ta, và cũng theo luật pháp của một đất nước như chúng ta. Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta biết bao, vì Chúa Giêsu làm như vậy là coi chúng ta vừa là con cái vừa là huynh đệ.
Thật vậy, Ngài đã chứng thực chúng ta là con cái, như Thánh Phaolô giải thích: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, thế mà được quyền gọi Thiên Chúa là Cha. Còn vinh dự nào hơn? Còn hạnh phúc nào bằng? Vì thế, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:7). Quả thật, không còn ngôn từ nào để diễn tả hết ý nghĩa và cũng chẳng có cách nào để có thể tạ ơn Thiên Chúa một cách trọn vẹn.
Được có cha mẹ, làm con cái của người phàm mà cả đời chúng ta còn chưa đủ để đáp đền công ơn đó, huống chi đối với Thiên Chúa, Đấng không chỉ đã ban cho chúng ta cả hồn lẫn xác, mà còn nhận chúng ta là con cái và chấp nhận kiếp người để cứu độ chúng ta.
Thánh sử Luca kể vắn tắt: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đơn giản chỉ có vậy, nhưng khi họ thấy thế, họ đã tin Hài Nhi nằm trên máng cỏ kia thực sự là Con Thiên Chúa, và rồi họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Họ đã truyền giáo, đã sống tinh thần Phúc âm.
Mục đồng là những người chăn chiên thuê, ít học, chân chất, có sao nói vậy, không biết “buôn chuyện”, không biết “đặt điều” hoặc khoác lác. Thế nên khi nghe họ thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Lạ là những người này cũng tin, chắc chắn lời kể của các mục đồng kia phải toát lên sự chân thật.
Còn Đức Maria chẳng biết nói gì hơn, chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Trái tim người mẹ luôn nhạy bén, linh tính người mẹ cũng rất chính xác, Đức Mẹ biết rõ Con Trẻ Giêsu ngày mai sẽ thế nào.
Các người chăn chiên ra về, họ quá đỗi vui mừng, đến nỗi họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20). Các mục đồng thật là được đại phúc, vì được tận mắt nhìn thấy Con Thiên Chúa, được “nựng” Chúa Hài Đồng, nhưng họ còn có phúc hơn vì họ đã thật lòng tin Em Bé Giêsu đang ngọ nguậy kia là Vương Nhi giáng sinh từ Trời, là Thiên Tử đích thực.
Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì theo quốc luật Israel, Cô Maria và Chú Giuse đã đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, đúng tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Thiên chức làm mẹ cao cả nhưng cũng đầy gian khổ, người mẹ nào cũng đã từng mắt lệ nhạt nhòa vì con mình, dù đứa con đó là trai hay gái. Trong mắt mẹ, đứa con nào cũng vẫn còn bé bỏng, đúng như thi sĩ Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan, 1920-1989) đã cảm nhận về Tình Mẹ qua bài thơ “Con Cò”, với hai câu đầy ý nghĩa:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi
hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
Tình Mẫu Tử thật kỳ diệu, chúng ta có đi hết cuộc đời cũng không thể đi hết những lời mẹ ru… Có mẹ và còn mẹ, thật là hạnh phúc; mất mẹ, thật là bất hạnh!
Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Hòa bình Thế giới. Hòa bình luôn là niềm khao khát cháy bỏng của mọi người, dù lương hay giáo: Hòa bình trong tâm hồn, hòa bình trong gia đình, hòa bình trong các mối quan hệ, hòa bình trong cộng đồng, hòa bình giữa các quốc gia, hòa bình giữa các tôn giáo,… Muốn có hòa bình thì cần tôn trọng công lý, và đó mới là niềm hạnh phúc với sự bình an đích thực.
Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin giúp chúng con biết thảo hiếu với cha mẹ đúng như Thánh Luật Ngài; xin nâng đỡ các bậc sinh thành trong thiên chức cao cả mà Chúa đã trao; xin ban cho chúng con nền hòa bình đích thực qua việc thể hiện công lý. Chúng con cầu xin nhân Danh Chúa Hài Đồng, Đấng Thiên Sai cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét