Suy niệm trước máng cỏ Hài nhi Giêsu
WHĐ (24.12.2013) –Trong
buổi tiếp kiến chung đầu tiên của năm 2007 tại Thính Ðường Phaolô VI, ngày thứ
Tư 03-01-2007, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cùng với các tín hữu suy niệm về
mầu nhiệm Giáng Sinh. Xin giới thiệu lại bài suy niệm này của Ðức Bênêđitô
trong dịp mừng lễ Giáng sinh năm nay, 2013.
***
… Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu đã ban phát dư tràn cho con
người những hồng ân sự tốt lành, lòng thương xót và tình yêu thương. Như để nói
lên tâm tình của con người thuộc mọi thời đại, tông đồ Gioan ghi nhận như sau: “Anh
em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta biết bao: đến độ Người muốn cho chúng
ta được gọi là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Ai dừng lại suy niệm trước
Con Thiên Chúa đang yếu ớt nằm nơi máng cỏ, thì không thể không kinh ngạc trước
biến cố không thể tin được này trên bình diện nhân loại; không thể không chia
sẻ sự ngỡ ngàng và thái độ khiêm nhu từ bỏ của Ðức Nữ Trinh Maria, người đã
được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế, chính do lòng khiêm nhu của Mẹ. Nơi
Hài nhi Bêlem, mỗi người đều thấy mình được Thiên Chúa yêu thương cách nhưng
không. Trong ánh sáng của Giáng Sinh, lòng tốt lành vô biên của Thiên Chúa được
biểu lộ cho mỗi người trong chúng ta. Nơi Chúa Giêsu, Chúa Cha trên trời đã
khai mở mối tương quan mới với chúng ta. Ngài làm cho chúng ta trở nên “con cái
Ngài trong Người Con ấy”. Với những lời lẽ hết sức sâu xa và phong phú... Thánh
Gioan mời gọi chúng ta suy niệm về thực tại này…
Vị tông đồ được Chúa yêu thương này nhấn mạnh rằng chúng ta thật
sự là “con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1): chúng ta không chỉ là thụ
tạo, nhưng còn là con cái của Thiên Chúa; như thế, Thiên Chúa ở bên chúng ta;
như thế, Ngài lôi kéo chúng ta đến với Ngài trong giây phút Ngài nhập thể, trở
nên một người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta thực sự thuộc về một gia đình có
Thiên Chúa là Cha, bởi vì Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, đã đến dựng lều giữa
chúng ta, căn lều là thân xác Ngài, để quy tụ mọi dân nước trong một gia đình
duy nhất, gia đình của Thiên Chúa, thực sự thuộc về Thiên Chúa, hiệp nhất trong
cùng một dân tộc, một gia đình. Con Thiên Chúa đã đến để mặc khải cho chúng ta
dung mạo thật của Chúa Cha. Và giờ đây nếu chúng ta đọc Lời Chúa, thì không còn
là một Thực Tại chỉ được biết từ xa nữa. Chúng ta biết được dung mạo của Thiên
Chúa: đó là dung mạo của Người Con, Ðấng đã đến để làm cho những thực tại thiên
quốc được gần lại chúng ta và gần lại với trần gian hơn. Thánh Gioan ghi nhận: “Tình
yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài
đã yêu thương chúng ta” (1 Ga 4,10). Trong ngày lễ Giáng Sinh, khắp
thế giới vang lên lời loan báo đơn sơ mà lay động rằng: “Thiên Chúa yêu
thương chúng ta”. Thánh Gioan nói rằng: “Chúng ta yêu thương, bởi
vì chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Từ nay,
mầu nhiệm này được trao vào tay chúng ta, để nhờ cảm nghiệm được tình yêu của
Thiên Chúa, cuộc sống chúng ta hướng đến những thực tại trên trời. Có thể nói
rằng trong những ngày này chúng ta đang thực tập sống: sống thật sự hướng về
Thiên Chúa, qua việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước
hết, tin chắc rằng tất cả những điều còn lại sẽ được ban dư đầy cho chúng ta
(x. Mt 6,33). Bầu khí thiêng liêng của mùa Giáng Sinh giúp chúng ta luôn ý thức
hơn nữa điều ấy.
Tuy nhiên, niềm vui Giáng Sinh không được làm cho chúng ta quên đi
mầu nhiệm sự dữ (mysterium iniquitatis), quên đi quyền lực của bóng
tối đang cố che mờ vẻ huy hoàng của ánh sáng Thiên Chúa; nhưng thật đáng buồn,
mỗi ngày chúng ta đều cảm nghiệm quyền năng này của bóng tối. Trong lời mở đầu
của Phúc Âm theo thánh Gioan, –vẫn thường được công bố trong những ngày này–
thánh sử Gioan đã viết: “Ánh Sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối
đã không diệt đựợc ánh sáng” (1,5). Ðó là thảm kịch của việc chối từ
Chúa Kitô. Đáng tiếc, cũng như trong quá khứ, ngày nay việc chối từ ấy vẫn còn
được biểu lộ và diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Thời nay có lẽ những hình
thức chối từ Thiên Chúa lại là tinh vi và nguy hiểm hơn cả: từ việc chối từ
thẳng thừng đến thái độ lãnh đạm, từ chủ nghĩa vô thần khoa học đến việc trình
bày một Chúa Giêsu với dung mạo hiện đại hoặc hậu hiện đại. Một Chúa Giêsu là
con người, bị giảm thiểu khác đi để chỉ còn là một con người đơn thuần của thời
đại, bị tước bỏ thần tính; hoặc một Chúa Giêsu “được lý tưởng hóa” đến mức đôi
khi có vẻ Ngài chỉ là một nhân vật trong chuyện thần tiên.
Nhưng Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đích thực của lịch sử, là Thiên Chúa
thật và là người thật, đã không mệt mỏi loan báo Tin Mừng của Ngài cho mọi
người, dù biết mình trở thành “dấu chỉ gây mâu thuẫn, ngõ hầu tâm tư
thầm kín của nhiều người phải lộ ra”, theo như lời tiên tri của cụ Simêon
(x. Lc 2,34-35). Quả thật, chỉ một mình Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ mới có
bí quyết thật ban sự sống. Vì thế, Hài Nhi này đòi chúng ta phải đón tiếp Ngài,
dành chỗ cho Ngài trong chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, trong gia đình chúng
ta, trong các thành phố và xã hội của chúng ta. Những lời mở đầu Phúc Âm theo
Thánh Gioan vang lên trong tâm trí chúng ta: “Những ai đón nhận Ngài,
thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Chúng ta
hãy cố gắng có mặt trong số những kẻ đón nhận Ngài. Trước nhan Ngài, không ai
được dửng dưng. Cả chúng ta nữa, chúng ta phải luôn xác định lập trường. Vậy
chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta tiếp đón Ngài với thái độ nào? Sự đơn
sơ của các mục đồng và thái độ tìm kiếm của các đạo sĩ –những người đi tìm các
dấu chỉ của Thiên Chúa nhờ ánh sao lạ–, là những trợ giúp cho chúng ta. Thái độ
vâng phục của Mẹ Maria và sự khôn ngoan cẩn trọng của Thánh Giuse là những mẫu
gương cho chúng ta. Hơn hai ngàn năm lịch sử của Kitô giáo có biết bao mẫu
gương của những con người nam nữ, các bạn trẻ và người lớn, các trẻ nhỏ và
người cao niên, là những người đã tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, đã mở rộng vòng
tay ôm lấy Ðấng Emmanuel để đời sống mình trở nên những ngọn đèn pha chiếu sáng
niềm hy vọng. Tình yêu mà Chúa Giêsu đem đến thế gian, khi sinh ra tại Bêlem,
liên kết với Ngài tất cả những ai đón nhận Ngài trong một tương quan bền vững
của tình bằng hữu và tình huynh đệ. Thánh Gioan Thánh Giá quả quyết: “Từ
nay, khi trao ban cho chúng ta mọi sự, Thiên Chúa, tức là Con Thiên Chúa, đã
nói lên tất cả mọi sự nơi chính Ngài. Bạn hãy chăm chú nhìn vào một mình Ngài
mà thôi… và bạn sẽ tìm gặp được ở nơi đó nhiều hơn những gì bạn cần có và ước
mong” (Ðường lên núi Carmêlô, Tập I, thư 22,4-5).
…Chúng ta hãy làm sống lại trong chúng ta mong muốn dấn thân mở
rộng lòng trí cho Chúa Kitô, chân thành bày tỏ với Ngài mong muốn sống như
những người bạn thực sự của Ngài. Như thế chúng ta sẽ trở thành những cộng tác
viên vào chương trình cứu rỗi của Ngài, trở thành chứng nhân cho niềm vui Ngài
ban tặng chúng ta, để làm lan toả niềm vui ấy tràn ngập quanh chúng ta. Nguyện
xin Mẹ Maria giúp chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ðấng Emmanuel, Ðấng đã nhận
lấy thân xác nghèo hèn và mỏng giòn của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta hành
trình vất vả của cuộc sống trên trần gian. Nhưng có Chúa Giêsu cùng đi, cuộc
hành trình vất vả này sẽ trở thành một hành trình đầy niềm vui…
(Huy Hoàng chuyển ngữ)
ĐGH Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét