Trang

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

19-12-2013 : THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH
Ngày 19 tháng 12
Mùa Vọng


Bài Ðọc I: Judic 13, 2-7, 24-25a
"Thiên Thần báo trước việc Samson sinh ra".
Bài trích sách các Thẩm Phán.
Ngày ấy có một người đàn ông, bởi đất Sara và thuộc chi họ Ðan, tên là Manuel, có người vợ son sẻ.
Thiên Thần Chúa hiện ra nói với bà ấy rằng: "Ngươi son sẻ không con; nhưng sẽ được thụ thai, và hạ sinh một con trai.
Vậy ngươi hãy cẩn thận, đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch.
Vì ngươi sẽ được thụ thai, và hạ sinh một con trai.
Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó; nó là người được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ; chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Phi-li-tinh."
Bà nầy đi nói với chồng rằng: "Có một người của Thiên Chúa đến cùng tôi, với diện mạo Thiên Thần, rất đáng sợ.
Tôi hỏi người ấy là ai, bởi đâu đến, gọi tên gì.
Người ấy không muốn nói cho tôi biết.
Nhưng lại trả lời rằng: "Rồi đây, ngươi sẽ được thụ thai và hạ sinh một con trai: hãy cẩn thận, đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch.
Vì con trẻ sẽ là người được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ trong lòng mẹ, cho đến ngày nó chết".
Bà đã hạ sinh một con trai, và gọi tên là Samson.
Hài nhi lớn lên, và Chúa đã chúc phúc cho nó.
Và thần tri Chúa bắt đầu ở với nó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv. 70, 3-4a, 5.6ab, 16-17
Ðáp: Xin cho miệng tôi chứa chan lời khen ngợi, để tôi ca tụng vinh quang của Chúa.
Xướng 1) Lạy Chúa, xin hãy nên núi đá trú ẩn và thành trì kiên cố cho tôi, để cứu tôi: Vì Chúa là núi đá và thành trì của tôi. Lạy Chúa, xin giựt tôi khỏi bàn tay gian ác. - Ðáp.
2) Vì Chúa là Ðấng tôi mong đợi, lạy Thiên Chúa của tôi! Lạy Chúa là Ðấng tôi cậy trông, từ thời còn niên thiếu. Từ lòng mẹ, tôi nương tựa nơi Chúa, từ dạ mẹ, Chúa là Ðấng bảo vệ tôi. - Ðáp.
3) Tôi sẽ thuật lại quyền năng Thiên Chúa, lạy Chúa, tôi ghi nhớ sự công chính của một mình Chúa, lạy Chúa, Chúa đã dạy tôi từ thời còn niên thiếu, các kỳ công Chúa, tôi cao rao đến bây giờ. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia - Hỡi gốc Giê-sê, Chúa đang đứng như báo hiệu của chư dân, xin hãy đến cứu thoát chúng tôi, và đừng trì hoãn nữa.- Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 5-25
"Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth.
Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì.
Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.
Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương.
Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương.
Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án.
Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.
Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: "Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi.
Elisabéth  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan.
Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra.
Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa.
Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.
Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?"
Thiên Thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy.
Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng".
Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh.
Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh.
Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm.
Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà.
Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Gioan Tẩy Giả Sinh Ra

Trong bài đọc I hôm nay, sách Thẩm Phán cũng kể lại việc thiên thần Chúa hiện ra với Manuel, thuộc chi họ Dan, và nói với ông rằng: "Người son sẻ không có con, nhưng sẽ được thụ thai và sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch vì ngươi sẽ thụ thai hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó, nó sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh. Bà hạ sinh một con trai và con trẻ sinh ra tên là Samson".
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nêu lên hai ý tưởng:
- "Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được". Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục". Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ. Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: "Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được".
- Muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: "Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch". Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.
Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Cứu Thế đến, chúng ta không chỉ sửa soạn sạch sẽ, tô vôi, sơn quét lại ngôi thánh đường thân yêu trong Giáo Xứ, làm hang đá thật đẹp, thật lộng lẫy để Chúa Hài Nhi nằm nhưng chúng ta còn phải lo quét dọn tâm hồn, trang hoàng hang đá và làm cho ngôi thánh đường nhỏ bé xinh xinh ở trong tâm hồn chúng ta luôn sạch sẽ để như chiên bò ngày xưa thở hơi ấm áp cho Chúa nơi hang đá giá lạnh trần gian. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình đón Chúa như lời thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: "Núi đồi hãy san cho bằng, hố sâu hãy lấp cho đầy, đùng quanh queo hãy uốn cho ngay thẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Lạy Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Xin cho chúng con nhận biết Quyền Năng của Chúa để chúng con luôn sống trong tin yêu và hy vọng trong cuộc đời. Lạy Chúa, để dấn thân phục vụ Nước Chúa cho rộng lớn, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết dùng tự do, thời giờ, tâm trí và tài năng riêng của mỗi người mà Chúa đã ban cho để tham dự vào việc mở mang nước Chúa mà không một đắn đo suy tính thua thiệt theo kiểu nhân loại. Amen.

(Veritas Asia)

Lectio Divina: Luca 1:5-25
Thứ Năm, 19 Tháng 12, 2013
Tuần thứ ba Mùa Vọng                                      


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa quyền năng,
Không một thiên thần loan báo việc chào đời của chúng con,
Nhưng chúng con biết rằng Chúa yêu thương chúng con
Thậm chí trước khi chúng con được sinh ra,
Chúa gọi chúng con để chuẩn bị
Cho việc sắp đến của Con Một Chúa ở cùng loài người.
Xin Chúa mặc khải sức mạnh của Chúa trong sự yếu đuối của chúng con,
Xin cho chúng con tiếp tục hy vọng vào tương lai của Chúa,
Để chúng con có thể vượt qua được tất cả những trở ngại
Để thiết lập Vương Quốc
Của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Luca 1:5-25

Vào thời vua Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Êlisabéth.  Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì.  Nhưng họ lại không con, vì Êlisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.  Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương.  Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án.  Giacaria thấy vậy thì hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.  Nhưng thiên thần nói với ông rằng:  “Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi.  Êlisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra.  Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa.  Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êlia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.”  Giacaria thưa với thiên thần rằng:  “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?”  Thiên thần liền đáp: “Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành này.  Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng.” 
Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh.  Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh.  Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm.  Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. 
Sau những ngày ấy, Êlisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng:  “Chúa đã làm cho tôi thế này, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời.”

3.  Suy Niệm

-  Bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về chuyến thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với ông Giacaria (Lc 1:5-25).  Bài Tin Mừng của ngày mai sẽ nói về lần thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với Đức Maria (Lc 1:26-38).  Thánh Luca đặt cả hai lần thăm viếng này bên cạnh nhau, trong cách mà chúng ta có thể đọc cả hai văn bản một cách chăm chú, để chúng ta có thể cảm nhận được sự khác biệt nhỏ và có ý nghĩa giữa lần thăm viếng này và lần kia, giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Chúng ta hãy tìm kiếm và khám phá ra những khác biệt giữa lần thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với ông Giacaria và với Đức Maria qua các câu hỏi sau đây:  Thiên Thần Chúa xuất hiện ở đâu?  Thiên Thần Chúa xuất hiện với ai?  Sứ điệp của Thiên Thần là gì, ngài loan báo điều gì?  Câu trả lời ra sao?  Phản ứng của người sau khi nhận được sự thăm viếng như thế nào? V.v.

-  Sứ điệp đầu tiên của Thiên Thần Chúa với ông Giacaria là:  “Đừng sợ!”  Cho đến bây giờ, Thiên Chúa vẫn còn khiến cho nhiều người sợ hãi va cho đến bây giờ sứ điệp vẫn còn có giá trị:  “Đừng sợ!”  Ngay lập tức, Thiên Thần Chúa nói thêm:  “Lời cầu nguyện của ông đã được nhậm lời!”  Trong cuộc sống của chúng ta, mọi việc là kết quả của lời cầu nguyện!

-  Ông Giacaria đại diện cho Cựu Ước.  Ông tin, nhưng đức tin của ông yếu ớt.  Sau lần thiên thần hiện ra, ông vẫn không nói được, không có khả năng thông tri với người ta.  Cách thức mà trong đó chương trình cứu độ, được biết đến bởi ông Giacaria, cách đã được mặc khải cho đến thời điểm ấy, đã cạn kiệt mọi nguồn lực của mình, trong khi Thiên Chúa đã bắt đầu một giai đoạn mới cùng với Đức Maria.

-  Trong lời loan báo của Thiên Thần nói lên tất cả tầm quan trọng của sứ vụ của con trẻ sẽ được sinh ra và sẽ được gọi là Gioan:  “Con trẻ sẽ không uống rượu và thức có men, thậm chí sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần ngay từ lòng mẹ”, có nghĩa là, Gioan sẽ là một người tận hiến cho Thiên Chúa và sứ vụ của mình.  “Con trẻ sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa của họ.  Với thần trí và quyền lực của Êlia, trẻ này sẽ đi trước Người, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu và kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị”, có nghĩa là, trong con trẻ Gioan sẽ xảy ra sự trở lại được kỳ vọng của tiên tri Êlia, người sẽ phải đến để hoàn thành việc tái kiến thiết đời sống cộng đồng:  đổi lòng dạ cha ông về với con cháu và kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính.

-  Trong thực tế, nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả rất là quan trọng.  Đối với dân chúng, ông là một ngôn sứ (Mc 11:32).  Nhiều năm sau đó, tại Êphêsô, thánh Phaolô tiếp tục tìm những người đã nhận lãnh phép rửa với Phép Rửa của Gioan (Cv 19:3).

-  Khi bà Êlisabéth, vì luống tuổi, đã cấn thai và tiếp tục thai kỳ, bà ẩn mình trong năm tháng trời.  Trong khi đó Đức Maria, thay vì ẩn mình, đã ra khỏi nhà và đi đến để giúp đỡ bà Êlisabéth.   

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Điều gì đã để lại cảm xúc cho bạn nhất trong chuyến thăm viếng của Thiên Thần Gabriel với ông Giacaria?  
-  Để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, đó là, để tái tạo lại cấu trúc mối quan hệ con người từ căn bản và xây dựng đời sống trong cộng đoàn.  Đây là sứ vụ của Gioan Tẩy Giả.  Đây cũng là sứ vụ của Chúa Giêsu và ngày nay tiếp tục là sứ vụ quan trọng nhất.  Tôi sẽ góp phần vào sứ vụ này như thế nào?   

5.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi,
Lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân.
Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài,
Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ,
Con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi.  (Tv 71:5-6)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 19 tháng 12, MV
Bài đọc: Judg 13:2-7, 24-25; Lk 1:5-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng trong thất vọng.
Mùa Vọng là mùa của hy vọng và của những lời hứa được ứng nghiệm và hòan thành. Những gì Thiên Chúa hứa qua những lời chúc lành của các tổ-phụ được hòan thành, và các lời tiên báo của các tiên-tri qua các thời đại được ứng nghiệm. Thời gian chờ đợi thường làm cho con người mệt mỏi và ngã lòng trông cậy; nhưng Thiên Chúa có kế họach và thời gian của Ngài. Một điều chắc chắn là những gì Thiên Chúa hứa sẽ xảy ra; còn chuyện khi nào xảy ra, không ai biết được.
Cả hai Bài đọc hôm nay đều tường thuật hòan cảnh sinh con của hai cha mẹ đã cao niên và không thể có con theo luật tự nhiên. Họ hòan tòan thất vọng và xấu hổ với mọi người; nhưng Thiên Chúa đã can thiệp và cho có con. Bài đọc I trong Sách Thủ Lãnh tường thuật về hòan cảnh sinh ra của Thủ-Lãnh Sampson. Tin Mừng Luca tường thuật về hòan cảnh sinh ra của Gioan Tẩy Giả. Mục đích của các tác giả là để chứng minh chân lý: “Không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa;” và để dẫn con người tới một niềm hy vọng lớn lao hơn, một phép lạ cả thể hơn, một niềm hy vọng duy nhất có thể giải thóat con người khỏi tội lỗi và sự chết: đó là sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hòan cảnh sinh ra của Thủ-Lãnh Sampson.
1.1/ Tin Mừng được loan báo:
(1) Cha mẹ của Sampson: Sách Thủ Lãnh nói vắn tắt về cha mẹ của Sampson như sau: “Có một người đàn ông ở Zorah, thuộc chi tộc Dan, tên là Manoah. Vợ ông son sẻ và không sinh con. Sứ giả của Đức Chúa hiện ra với người vợ và nói với bà: "Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai.””
(2) Con trẻ Sampson được thánh hiến ngay từ lòng mẹ: Sứ-thần nói với người mẹ: “Vậy bây giờ Bà phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một Nazirite của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philistines."
Nazarite là người được dành riêng và thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, được mô tả chi tiết trong Num 6:2-21. Mặc dù không thấy được đề cập đến bất cứ người nào trước Sampson; tuy nhiên, nó hiện hữu trước thời gian của Moses. Lời thề của người Nazarite bao gồm 3 điều: (1) không được uống rượu và thức uống mạnh; (2) không được cắt tóc trong suốt thời gian thề hứa; và (3) không được tiếp xúc với xác chết. Khi thời gian thánh hiến hết, người Nazarite phải đến cửa đền thờ để dâng lễ vật như được mô tả bởi các tư tế. Sau đó, ông phải cắt tóc và quăng vào lửa khi thầy tư tế dâng lễ vật giao hòa.
(3) Phản ứng của bà mẹ: Bà đi vào và nói với chồng rằng: "Một người của Thiên Chúa đã đến gặp tôi; hình dáng của người như hình dáng một sứ giả của Thiên Chúa, rất đáng sợ. Tôi đã không dám hỏi người từ đâu tới; và danh tánh người, người cũng không tiết lộ cho tôi. Nhưng người nói với tôi: "Này bà sẽ có thai và sẽ sinh một con trai; bây giờ bà phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch, vì con trẻ ấy sẽ là một Nazirite của Thiên Chúa, từ lòng mẹ cho đến ngày nó chết."”
1.2/ Tin Mừng được ứng nghiệm: “Bà sinh được một con trai và đặt tên là Sampson. Đứa bé lớn lên, và Đức Chúa chúc lành cho nó. Thánh Thần Đức Chúa bắt đầu tác động trên Sampson tại Trại Dan giữa Zorah và Eshtaol.” Sampson lớn lên với sức mạnh phi thường và giải phóng dân khỏi sự áp bức của người Philistines.
2/ Phúc Âm: Hòan cảnh sinh ra của Gioan Tẩy Giả
Tin Mừng Luca tường thuật vắn tắt về cha mẹ của Gioan Tẩy Giả, Ông Zechariah và Bà Elizabeth, như sau: “Thời vua Herode cai trị miền Judah, có một vị tư tế thuộc nhóm Abijah, tên là Zechariah; vợ ông là Elizabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aaron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Elizabeth là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.”
2.1/ Tin Mừng được loan báo
(1) Cha của Gioan Tẩy Giả: “Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Zechariah bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: "Này ông Zechariah, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: Bà Elizabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.”
(2) Con trẻ Gioan Tẩy Giả được chọn và thánh hiến ngay từ lòng mẹ: Sứ-thần Gabriel nói: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa; rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.” Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả được loan báo rõ bởi Sứ-thần: “Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy Thánh Thần và quyền năng của ngôn sứ Elijah, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."
(3) Phản ứng của ông Zechariah: Vì ông nghĩ mình không thể có con theo luật tự nhiên, nên ông thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." Sứ thần đáp: "Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi."
2.2/ Tin Mừng được ứng nghiệm: “Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Elizabeth vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có kế họach và thời gian của Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được phần nào Kế Họach của Thiên Chúa qua sự mặc khải của Đức Kitô và các sứ giả của Ngài.
- Thiên Chúa cho con người vào đời và chuẩn bị cho mỗi người một sứ vụ trong Kế Họach của Ngài. Chúng ta phải hòan tất sứ vụ Ngài giao phó.
- Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể xảy ra. Chúng ta phải đặt trọn vẹn niềm tin vào Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM
TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH


Lc 1,5-25

A. Hạt giống...

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hoàn cảnh sinh ra nhân vật thứ hai sẽ dọn đường cho Chúa Cứu thế : Gioan Tiền hô.
1. Ông Dacaria và bà Êlisabét được trình bày theo hình ảnh của những tổ phụ thời Cựu Ước : công chính, tuân giữ mọi đều răn và mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng son sẻ và cao niên (cũng như Abraham, Sara ; cha mẹ của Samson ; cha mẹ của Samuel v.v.). Do đó có thể nói hai ông bà là đại biểu của Cựu Ước.
2. Đứa con mà họ sẽ sinh ra cũng là đại biểu của Cựu Ước : Gioan được mô tả như các ngôn sứ (được Thiên Chúa gọi ngay từ lòng mẹ, chính Thiên Chúa đặt tên cho, rượu lạt rượu nồng đều không uống, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ). Gioan sẽ thay mặt Cựu Ước để giới thiệu Đức Giêsu của Tân Ước.
3. Việc sinh con trong hoàn cảnh son sẻ tuổi già của các nhân vật Cựu Ước và của vợ chồng Dacaria chuẩn bị cho cuộc sinh ra đặc biệt của Chúa Giêsu, bởi vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)

B.... nẩy mầm.

1. Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. - Xin Chúa cho con nhìn ra và xác tín ơn gọi, sứ mệnh của con hôm nay. Xin Chúa cho con cũng nhìn ra và quý trọng ơn gọi, sứ mệnh của anh chị em đang sống bên con, nhất là sứ mệnh dọn đường cho Chúa đến.
2. Việt Nam ta có một truyện cổ nói lên niềm tin dân gian vào sứ mệnh, vào số mệnh của từng con người trên đời. - Nhà kia có ba cậu con trai. Một cậu nổi tiếng là ‘phá gia chi tử’, tiêu xài phung phí, phá của. Cậu khác quanh năm làm ăn quần quật, không dám tiêu xài một xu nào. Cậu thứ ba tuy không phá của nhưng cũng chẳng chịu làm gì hết. Một ngày nọ ba cậu đều hấp hối. Trước khi chết ba cậu lần lượt nói rõ lý do tại sao mình sắp chết. Cậu ‘phá của’ nói rằng nhà này (ý nói cha mẹ cậu) kiếp trước nợ nần tôi nên kiếp này tôi đầu thai vô để đòi nợ. Nay đòi xong, tôi ra đi. Cậu ‘làm quần quật’ nói rằng kiếp trước tôi mắc nợ nhà này, nay đầu thai để trả nợ, đã trả xong nay tôi ra đi. Còn cậu cuối cùng nói rằng tôi chẳng dính dáng nợ nần gì với nhà này. Tôi đầu thai vô đây để làm nhân chứng. Nay chứng kiến hai đứa kia đã đòi xong nợ, đã trả hết nợ, vậy tôi ra đi. - Chúng ta không tin vào quan niệm đầu thai để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, nhưng chúng ta tin vào một sứ mệnh riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc, mà Chúa gửi gắm cho mỗi người chúng ta.
3. Giacaria bị câm nín một thời gian sau đó hát lên bài ca nổi tiếng Benedictus. Đời sống đạo của ta cũng có thể có nét gì tương tự như vậy. Sau những thử thách, sau những gian khổ nghiền ngẫm, sau mùa đông…. Sẽ là niềm hân hoan an bình, sẽ là bài ca chúc tụng, sẽ là những bông hoa tươi đẹp….nếu ta biết vững niềm tin cậy phó thác vào tình thương của Chúa.
4. “Một sứ thần hiện ra với Dacaria và bảo : “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”. Dacaria thưa rằng : “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già mà nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,13.18)
Cô Isabelle 19 tuổi, nữ sinh viên người Pháp, đã cảm thấy “Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa”, vì sau những đau khổ, mất mát xảy đến với cô, Thiên Chúa đã “ngoảnh mặt làm ngơ”. Cô không còn thiết sống nữa. Nhưng chính trong bước đường cùng ấy, theo lời khuyên của một người bạn, cô đã “đến và ở lại với Chúa”, và cô đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Người, đến nỗi có thể thốt lên như thánh Phaolô : “Không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô”.
Cuộc sống đã hơn một lần khiến tôi cảm thấy không biết phải dựa vào đâu để tin vào Thiên Chúa và chấp nhận những gì xảy đến cho tôi. Cũng như ông Dacaria và cô Isabelle, trước những thách đố của cuộc sống, tôi cũng cảm thấy bối rối, lo âu, không biết nương nhờ ai để có thể đứng vững.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến và ở lại với Chúa, tìm và gặp nơi Ngài chỗ nương thân. (Epphata)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

19/12/13 THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25

DACARIA KHÔNG SÁNH BẰNG . . .
“Vậy một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông.” (Lc 1,11-12)
Suy niệm: Sứ thần Gáprien truyền tin cho ông Dacaria và cho Đức Maria về hai điều khó xảy ra theo suy nghĩ của con người: ông bà Dacaria sẽ có con lúc tuổi già, còn trinh nữ Maria sẽ thụ thai. Thế nhưng, thái độ của ông Dacaria và Đức Maria hoàn toàn khác nhau: đang khi ông Dacaria nặng lòng hoài nghi về điều sứ thần nói, thì Đức Maria, sau khi hiểu ý nghĩa lời sứ thần, đã mạnh dạn thưa với sứ thần: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Cũng vậy, đang khi Đức Maria cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về điều được truyền tin: “Linh hồn ngợi khen Đức Chúa...” còn ông Dacaria thì bị câm trong chín tháng do không tin sứ thần “là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.”
Mời Bạn: Thánh Augustinô nói rằng Đức Maria đã cưu mang Chúa Giêsu bằng niềm tin. Thật vậy, Mẹ đã tin Thiên Chúa có thể thực hiện điều không thể xảy ra: một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh con Đấng Tối Cao. Nhờ vậy, Mẹ trở nên gương mẫu đức tin cho chúng ta: Dù chưa hiểu trọn vẹn “việc ấy sẽ xảy thế nào,” nhưng Mẹ đã sẵn lòng xin vâng trước lời mời gọi dấn thân cho Chúa “vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.”
Sống Lời Chúa: Thiên Chúa vẫn đang truyền tin cho tôi. Tôi sẽ nhạy bén đọc được ý nghĩa sứ điệp và vâng theo.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã tin vào Chúa và đón nhận mọi thử thách của niềm tin, cùng cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ nhân loại. Xin cho chúng con nhận ra ân huệ đức tin, để chúng con cũng cộng tác với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ con người. Amen.

Chuẩn bị sẵn sàng
Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi. Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa. 


Suy nim:
Ở nước Do Thái, vợ chồng lấy nhau mà không con nối dõi
là một điều bất hạnh, thậm chí là một hình phạt của Thiên Chúa.
Chúng ta không rõ hai ông bà Dacaria và Êlisabét
đã sống với nhau bao lâu mà không có con.
Chỉ biết bây giờ ông đã cao niên rồi, và bà đã quá tuổi sinh sản (c. 7).
Hai vợ chồng già đã kiên nhẫn cầu xin và chờ đợi trong nhiều năm.
Có vẻ Đức Chúa ngoảnh mặt đi, không nghe lời họ,
dù cả hai đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon và rất mực đạo đức (cc. 5-6).
Bây giờ họ có còn hy vọng nữa không?
Chính khi ta thất vọng, thì Chúa đến loan báo Tin Vui (c. 19).
Tư tế Dacaria may mắn trúng thăm, nên ông được vào Nơi Thánh
để lau hương án và dâng hương mới.
Tại nơi thâm nghiêm này, khi ông lo việc tế tự,
ông được sứ thần Chúa báo tin về đứa con sắp chào đời của mình.
Gioan, nghĩa là Đức-Chúa-thi-ân, sẽ là món quà ông được tặng.
Nhưng Gioan sẽ còn là món quà cho nhiều người Ítraen,
vì Gioan có sứ mạng giải hòa dân tộc ông với nhau và với Chúa.
Một con người chưa được mang thai và chào đời,
nhưng về người ấy, Thiên Chúa đã có bao ước mơ và dự tính.
Ngài cho Gioan được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (c. 15).
“Làm cho kẻ ngỗ nghịch trở về nẻo chính đường ngay,
và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (c. 17).
Đó là những việc Gioan sẽ làm sau này trong tư cách là Êlia mới.
Dacaria có vẻ không tin vào lời sứ thần,
Có vẻ ông không còn nuôi hy vọng có một đứa con (c. 18).
Ông quên mất chuyện Ápraham đã sinh con trong lúc tuổi già.
Là một tư tế hẳn ông phải biết có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn
đã sinh con làm thủ lãnh đất Ítraen (Tl 13, 2; 1Sm 1-2; St 16, 1).
Việc ông bị câm là một hình phạt, nhưng ông không bị loại trừ.
Thinh lặng chín tháng là thời gian ông chờ đợi để lời hứa nên trọn.
Từ khi bà Êlisabét có thai, bà ẩn mình một thời gian.
Bà chưa muốn cho ai hay biết chuyện này.
Niềm vui bất ngờ đến với bà, người được hưởng hạnh phúc làm mẹ.
“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Ngài đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
Mỗi một trẻ thơ chào đời đều có nét của Gioan.
Chẳng người nào thấy ánh mặt trời mà lại nằm ngoài ý Thiên Chúa.
Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ,
Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi.
Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa.
Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.
Thời nào cũng cần Gioan, cần những người kêu gọi hoán cải.
Nhân loại thời nay cần những người dọn đường sáng tạo,
có khả năng mở những con đường mới đi vào lòng thế nhân.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con ?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
"Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời".
Đó là lời của bà Êlisabeth cất lên ca ngợi Thiên Chúa sau khi có thai. Với người Do thái, một phụ nữ sinh nhiều con là phúc lành của Thiên Chúa. Trái lại, không sinh con là nỗi khổ nhục trước mặt người đời. Êlisabeth đến tuổi già mà chẳng sinh được con. Bao năm qua bà sống trong nỗi khổ nhục đó. Chắc không ít lần bà nghe những tiếng dèm pha của những người xung quanh về sự son sẻ của bà. Son sẻ không phải do tội lỗi của bà hay của chồng bà vì "cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì". Nhưng cũng trong những năm dài đăng đẵng ấy, hai ông bà không ngừng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Giờ đây, Thiên Chúa nhậm lời và ban cho ông bà đứa con là Gioan.
Gioan được sinh ra là phần thưởng cho lời cầu nguyện liên lỉ của Giacaria và Êlisabeth, mang lại niềm vui cho gia đình ông. Tuy nhiên, Gioan cũng mang niềm vui đến cho toàn thể nhân loại, vì trong kế hoạch của Thiên Chúa, ông là người dọn đường cho Đấng, Đấng ấy sẽ giải phóng cả nhân loại khỏi sự thống trị của tội lỗi. Nhiệm vụ của Gioan là đến chuẩn bị cho Chúa những tâm hồn sám hối, những con tim rộng mở trước Tin mừng mà Đấng Cứu Thế sẽ mang đến.
Thiên Chúa không quên nhân loại tội lỗi và cũng không quên lời cầu nguyện liên lỉ của từng người chúng ta. Vì vậy, đừng bao giờ thất vọng trước những nỗi khổ đau trong cuộc sống, đừng bao giờ ngừng cầu nguyện với Chúa. Hãy tin tưởng vào Chúa khi cầu nguyện.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục và mãi mãi yêu thương chúng ta. Chúa tiếp tục gởi đến cho chúng ta "những Gioan Tẩy Giả" để chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón chờ ngày Chúa trở lại. Niềm vui sẽ ngập tràn tâm hồn chúng ta nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng của Gioan và biết chuẩn bị con tim sẵn sàng trước Tin mừng của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng biết lắng nghe lời của Chúa qua những lời dạy dỗ của Giáo hội; biết sám hối chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến với con. Xin giúp chúng con kiên trì trong cầu nguyện khi chờ mong Chúa đến. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG MƯỜI HAI
Một Sự Tuôn Chảy Đặc Biệt Của Tình Yêu
Chúa Cha đã chuẩn bị một thân thể cho Chúa Con nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu. Mầu nhiệm Nhập Thể nói lên một sự tuôn tràn đặc biệt của tình yêu này: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét – là Đức Ma-ri-a.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng bao phủ cô. Vì thế, Hài Nhi mà cô sinh hạ sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35).
Chúa Thánh Thần, với quyền năng của Người, tác động trước hết trong tâm hồn Đức Maria. Bằng cách này, đức tin của Mẹ đã trở thành nguồn của mầu nhiệm Nhập thể. “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19-12
Tl 13, 2-7.24-25A; Lc 1, 5-25.

LỜI SUY NIỆM: “Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xãy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”.
Ông Da-ca-ri-a, nghi ngờ lời truyền tin của sứ thần Thiên Chúa, nên ông đòi một dấu chỉ. Đây là dấu chỉ mà ông được nhận lãnh, giúp cho ông có sự thinh lặng thật sự, để tâm hồn của ông dễ đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho mỗi người trong gia đình chúng con hằng ngày biết chọn một khoảng thời gian thích hợp trong ngày, để giữ thinh lặng cho tâm hồn, hầu dễ đón nhận tiếng Chúa nói với mình một cách riêng tư hơn.
Mạnh Phương



19 Tháng Mười Hai
Hợp Tác Là An Toàn
Ngày nay, khi đi trên các nẻo đường của nước Thụy Sĩ, người ta lại nhìn thấy một tấm biển lớn, trên đó trình bày hai chiếc xe hơi, một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả hai xe đi cùng chiều, những người ngồi trên hai xe đang chào nhau, cười với nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.
Ở phần dưới tấm biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Ðiều này muốn nói lên rằng giúp đỡ lẫn nhau, đối sử với nhau như người cộng sự, bằng tình bằng hữu là một đảm bảo cho một cuộc hành trình không nguy hiểm.
Tinh thần hợp tác không những chỉ đảm bảo cho một cuộc sống bình yên trên các lộ trình, mà cũng còn là một đảm bảo cho một cuộc sống bình yên ở mọi vị trí trong xã hội. Có tinh thần hợp tác là đặt kẻ khác vào chính vị trí của mình, quan tâm tới họ như quan tâm tới chính mình, kính trọng, yêu mến, giúp đỡ họ như kính trọng, yêu mến giúp đỡ chính mình vậy.
(Lẽ Sống)

Thứ Năm 19-12
Tôi Tớ Thiên Chúa Berthold ở Ratisbon

(c. 1272)
S
inh ở Ðức vào khoảng năm 1220, ngay từ khi còn trẻ, Berthold người xứ Ratisbon đã gia nhập dòng Phanxicô khi mới được thành lập. Ngài đạo đức, chịu khó sống kham khổ, và được hướng dẫn bởi vị linh hướng nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg. Nhận thấy Berthold có khoa ăn nói nên cha David đã khuyến khích và giúp vị linh mục trẻ tuổi này trau dồi thêm khả năng đó.
Không bao lâu khắp Ðế Quốc Ðức, ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một người rao giảng đại tài. Qua sự rao giảng của cha, lời Chúa đánh động những tâm hồn chai đá. Hàng ngàn người đổ về để nghe ngài giảng. Có khi, số người lên đến hơn 100,000, và ngài phải leo lên toà giảng được dựng trên một cái cây cao để mọi người có thể nghe được. Ngày nay, một cánh đồng thật lớn ở Bohemia vẫn còn được gọi là Cánh Ðồng Cha Berthold, vì ngài đã giảng thuyết ở đây. Nhiều người được ơn trở lại, thay đổi đời sống, sám hối tội lỗi. Và họ xây một tu viện và một nguyện đường ở Ratisbon để dâng kính Thánh Maria Mađalêna. Ngày nay tu viện và nhà thờ này vẫn còn đó và do các Nữ Tu Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn trông coi.
Cha Berthold có ơn tiên tri và đã tiên đoán đúng nhiều thiên tai và biến cố trong thời ấy. Sau khi ngài từ trần ở Ratisbon năm 1272, ngôi mộ ngài trở nên trung tâm hành hương. Tinh thần của ngài vẫn sống động trong các bài giảng, mà nhiều bài ấy vẫn thích hợp trong thời đại chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét