CHÚA
NHẬT 29/12/2013
Chúa
Nhật Trong Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh
Lễ
Thánh Gia Thất Năm A
(phần I)
Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a
"Ai kính sợ Chúa, thì thảo
kính cha mẹ".
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa suy tôn người cha trong
con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì
đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai
thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được
nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm
vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi
già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người
sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì
của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi,
và xây dựng đức công chính của ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Ðáp: Phúc thay những
bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).
Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào
tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm
ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa
trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm
ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ
Ðức Thiên Chúa. - Ðáp.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion
chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày
trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21
"Về đời sống gia đình trong
Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được
chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc
lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn
nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia.
Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi
sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện
cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được
kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời
Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học
hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của
Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất
cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện,
anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng
trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng
đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là
đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng
nên nhát đảm sợ sệt.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho
bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ
dồi dào trong anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 2, 13-15. 19-23
"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người
trốn sang Ai-cập".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần
Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem
Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì
Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài
Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới
khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng:
"Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo
sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và
vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các
đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe
những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà
không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên
thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy,
đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã
chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng
nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ
không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa,
và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên
tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúa Yêsu Trong Các Gia Ðình Kitô Giáo
Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta nhìn
vào gia đình Chúa Yêsu, Ðức Mẹ và thánh Yuse như là gương mẫu của đời sống gia
đình Kitô giáo. Nhưng ba bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe đọc lại không phục vụ
hoàn toàn mục tiêu trên. Cả ba bài, có thể nói, chẳng cho chúng ta thấy gì về nếp
sống hàng ngày của Thánh gia thất. Bài sách Huấn ca của Cựu Ước khuyên người ta
kính yêu cha mẹ. Bài thư Phaolô nói đến bổn phận của mỗi hạng người trong gia
đình, nhưng không lấy Thánh gia làm gương mẫu. Còn bài Tin Mừng kể lại một truyện
xảy ra trong đời sống của Thánh gia thất, nhưng cũng chẳng ngụ ý khuyên nhủ những
nhân đức của đời sống gia đình. Muốn lấy Thánh gia thất làm mẫu mực cho các
cách ăn nết ở trong nhà, chúng ta phải tìm đọc những bài Kinh Thánh khác.
Nhưng sao Phụng vụ lại không làm
như vậy? - Thưa chỉ vì ý nghĩ lấy Thánh gia thất làm gương mẫu cho đời sống gia
đình là một sáng kiến đến muộn trong lịch sử phụng vụ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX,
Ðức Thánh Cha Lêô XIII mới lập ra lễ này. Còn trước đó, sau lễ Chúa Giáng sinh,
Phụng vụ chỉ quan tâm kính nhớ những mầu nhiệm liên quan tới thời thơ ấu của Ðức
Yêsu. Thành ra bài Tin Mừng hôm nay có trước. Ðời Ðức Lêô XIII mới thêm những
bài Kinh Thánh về đời sống gia đình vào, mà không quan tâm đến các liên hệ với
bài Tin Mừng. Do đó chúng ta có thể dựa vào hai bài đọc trước để nói về đời sống
gia đình; và tìm hiểu bài Tin Mừng để biết thêm về mầu nhiệm của Chúa.
Ở đây, chúng ta thử tìm hiểu bài
Tin Mừng để nhận ra ơn cứu độ qua một sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Ðức
Yêsu; rồi chúng ta tìm cách đưa ơn cứu độ đó vào đời sống gia đình. Có thể lúc ấy
hai bài Kinh Thánh kia sẽ thêm ý nghĩa.
A. Ðức Yêsu Sống Ở Nagiarét
Câu chuyện trẻ Yêsu được đưa đi
lánh nạn bên Aicập rồi được đưa về sống ở Nagiarét, chỉ được nói đến một lần mà
thôi trong Kinh Thánh. Ngay cả Luca, tác giả về thời niên thiếu của Ðức Yêsu,
cũng không ám chỉ đến câu chuyện này. Một mình thánh Mátthêô đã kể lại câu truyện
chúng ta nghe đọc hôm nay. Người viết nó nơi phần đầu trong tác phẩm của người,
phần mà người ta biết có tính thần học hơn là lịch sử. Bởi vì lịch sử cuộc đời
Ðức Yêsu có thể nói chỉ công khai khởi sự từ khi Người chịu phép rửa của Yoan
cho đến khi Người tử nạn - phục sinh. Thánh Phêrô đã quy định lời rao giảng của
các Tông đồ về Chúa Yêsu trong quãng thời gian đó. Những bài viết về việc Người
giáng trần và sống trong gia đình đã đến sau để bổ túc cho "lời giảng"
của các Tông đồ. Chúng nặng tính cách suy tư thần học hơn là viết lại các câu
truyện lịch sử.
Vậy Matthêô có những ưu tư và suy
nghĩ nào khi thuật lại những việc xảy ra trong cuộc đời niên thiếu của Ðức
Yêsu? Chúng ta có thể coi những bài viết về cuộc đời của Người trước khi chịu
phép rửa tại sông Hòa giang như những chương giới thiệu "bản Tin Mừng"
sẽ được viết ở các chương sau. Và những bài đề tựa ấy tóm tắt và cô đọng giáo
lý sẽ được diễn tả sau này. Có thể nói Matthêô đã muốn giới thiệu Ðức Yêsu
trong những chương đầu tiên với tất cả sự hiểu biết và niềm tin của người, để độc
giả không bao giờ quên chân tướng đích thực của Ðức Yêsu trong các diễn tiến của
các năm Người hoạt động ở đất Dothái. Matthêô tin Người là Ðấng Thiên Sai đến
thi hành mọi lời tiên tri. Thế nên Người phải thuộc dòng tộc Ðavít. Matthêô nhấn
mạnh đến Yuse trong các chương đầu của tác phẩm Tin Mừng cũng vì lý do này. Có
thể nghĩ tác giả đã quan tâm đến các truyền thống về phía thánh Yuse hơn là về
phía Ðức Maria, để làm chứng Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Nhưng không vì vậy
mà ông quên việc Ðức Yêsu "sinh ra bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần" để
ngay từ đầu độc giả phải nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa.
Người sinh ra để cứu thế; nên cũng
ngay từ đầu Matthêô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Người đã lan ra khắp thế giới.
Câu truyện Hài Nhi tỏ mình ra cho các đạo sĩ từ phương Ðông đến có mục đích phục
vụ quan điểm này. Nhưng Người chỉ cứu thế bằng con đường Tử nạn - Phục sinh;
nên sau bài tường thuật trên, Matthêô đã kể lại câu truyện chúng ta đọc hôm nay
về trẻ Yêsu.
Ở đây, Yuse vẫn đóng vai chủ chốt,
làm chứng đây còn là di tích của những câu truyện được truyền tụng trong đám họ
hàng thân thích của Yuse, đề cao ý nghĩa Ðức Yêsu thuộc dòng dõi Ðavít. Yuse
đóng vai chính trong câu truyện này, nhưng chỉ là vai trò phục viên, làm tất cả
mọi việc vì Chúa Yêsu và cho Chúa Yêsu. Matthêô không nhắc đến tên Hài Nhi để
biểu lộ cả một lòng tôn thờ. Ông nhìn thấy "mệnh" của Người trong những
lời tiên tri Hôsê, Yêrêmia và sách Xuất hành. Ông tin rằng Người mới đích thực
là Israel của Thiên Chúa. Thế mà Israel đã được đưa từ Aicập về nên câu truyện
Hài Nhi phải đưa sang Aicập rồi được đưa từ đó về, há không muốn viết lại lịch
sử Israel cũ sao? Và đã nói đến cuộc Xuất hành khỏi Aicập, làm sao có thể không
nghĩ tới Môsê? Nhưng đối với Matthêô, Môsê đích thực là chính Chúa Yêsu. Thế
nên ông không thể viết câu truyện Hài Nhi được cứu thoát khỏi bàn tay Hêrôđê mà
không nghĩ tới truyện Môsê ngày trước được cứu khỏi nước, rồi được đưa sang
vùng đất Mađian cho tới khi "chúng đã chết rồi, mọi kẻ tìm hại mạng Người"
(Xh 4,19-20). Khi viết lại câu Kinh Thánh này, rõ ràng Matthêô muốn tuyên xưng
niềm tin Chúa Yêsu là Môsê mới.
Hôm nay chúng ta thấy Người được
đem đi lánh nạn rồi trở về Nagiarét. Hêrôđê đã hoài công làm đổ máu nhiều người
vô tội. Chúa Yêsu đã không thoát khỏi tay Philatô và đang là Chúa sống lại ban
sức mạnh cho các Tông đồ để khởi sự hoạt động của Hội Thánh từ "Galilê dân
ngoại" đó sao? Như vậy, câu truyện Hài Nhi được cứu thoát hôm nay chẳng muốn
diễn tả cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu đó sao? Matthêô trong câu truyện
này muốn báo trước việc thế gian muốn giết Chúa Yêsu, nhưng Người đã sống lại mạnh
hơn bao giờ hết từ cõi chết. Có lẽ đó mới là những điều Matthêô muốn diễn tả thật
sự khi viết nên câu truyện này.
Chúng ta có thể tóm tắt được như
sau: tác giả đã dùng một câu truyện truyền tụng trong đám bà con họ hàng của
Yuse để giới thiệu Chúa Yêsu, không phải là một Hài Nhi ở Nagiarét mà là Ðấng
Thiên Chúa đang sống động trong lời giảng của các Tông đồ. Người là Vị Thiên
Sai của Thiên Chúa sinh ra trong dòng dõi Ðavít. Người là Israel mới mà Thiên
Chúa cứu chuộc. Người là Môsê đích thực đã được cứu thoát để xây dựng Dân Mới
cho Thiên Chúa. Ý đồ tương tự nơi Israel cũ trong thời gian ở Aicập và lưu đày ở
Babylon. Nhưng nhất là nó báo trước cuộc Tử nạn - Phục sinh của Chúa Yêsu: thế
gian tưởng giết chết được Người, nhưng kìa Người đã sống lại và đang ở
"Babylon dân ngoại" tức là Hội Thánh của chúng ta hiện nay.
Chúng ta hãy nghe Matthêô tuyên
xưng niềm tin phong phú ấy để yêu mến Chúa Yêsu nhiều hơn và lãnh nhận lấy ơn cứu
độ từ nơi Người.
Nhưng Người có thể làm gì cho các
gia đình Kitô giáo của chúng ta qua câu truyện hôm nay không?
B. Sự Sống Của Chúa Yêsu Trong Các Gia Ðình Kitô Giáo
Bài học đầu tiên mà chúng ta cò thể
dễ dàng rút ra từ câu truyện kể trong bài Tin Mừng, là Thánh gia thất nêu gương
sáng cho mọi gia đình Kitô giáo phải luôn tôn thờ và tuân phục Thánh ý Thiên
Chúa. Chúng ta đã nói, trong câu truyện này, thánh Yuse tỏ ra là một phục viên
hoàn toàn. Người nghe theo. Ý Chúa tỏ ra qua lời dạy bảo của thiên thần. Ðang
đêm người đã chỗi dậy mang Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Aicập. Và hai ngài cũng
để cho ông làm như ý muốn, chứng tỏ cả Thánh gia thất đều mật thiết một lòng một
ý trong việc tuân theo Ý Chúa.
Ước gì mọi gia đình Kitô giáo duy
nhất với nhau như vậy trong việc tôn thờ và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa! Và trước
hết ước gì mỗi người trong các gia đình Kitô giáo luôn nhớ rằng có một Thánh Ý
Thiên Chúa đang muốn cho mình phải thi hành. Chúng ta không tự lập và gia đình
chúng ta cũng không hoàn toàn tự lập. Có Ðấng Sinh Thành mọi loài ở trên chúng
ta. Ngài có sẵn một chương trình mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi người. Hạnh
phúc của mọi người và của xã hội là thi hành kế hoạch kỳ diệu ấy. Thế nên gia
đình phải đạo đức, phải công nhận và tôn thờ Ðấng ở bên trên mình. Ðại hội các
Giám mục Việt Nam năm 1980 viết: Gia đình Kitô giáo phải là nơi cầu nguyện, nơi
tiếp xúc với Thiên Chúa để biết Thánh Ý Người đối với đời sống của chúng ta. Và
chúng ta không thể làm được công việc này khi trong gia đình không có lòng yêu
chuộng việc học hỏi Lời Chúa và Giáo lý. Qua việc đọc Thánh Kinh và các sách đạo
đức, các người trong gia đình mới nhận ra được Ý Chúa muốn cho mình làm gì và sống
thế nào để bản thân được hạnh phúc, gia đình được thuận hòa, xã hội được vinh
quang. Bởi vì càng đọc Lời Chúa, chúng ta càng thấy Thiên Chúa mở ra trước mắt
mình một chương trình cứu độ muốn làm cho mọi người được hạnh phúc, và các
phương thế nào giúp thi hành các chương trình ấy. Giống như trong bài Tin Mừng
hôm nay, khi thấy Ðức Yêsu được đưa từ Aicập về để sống ở Galilê, tác giả
Matthêô đã nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu Dân Mới là Hội Thánh của
Người và làm cho Dân ấy ngày càng lan rộng ra các dân ngoại.
Nếu các người trong gia đình Kitô
giáo luôn nhớ đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa như vậy mà có lòng tôn thờ
và vâng phục, thì gia đình mới khỏi là một tế bào khép kín và mới sống mở sang
xã hội và mới đạt được mục đích mà Thiên Chúa đã đặt định khi lập ra nếp sống
gia đình để loài người sinh sản ra thêm mãi cho đầy mặt đất và bá chủ trời đất
này. Bấy giờ hai bài đọc kia, bài sách Huấn ca, và bài thư Phaolô mới thêm nhiều
ý nghĩa.
Con cái sẽ thảo kính cha mẹ như lời
sách Huấn ca dạy theo một tinh thần mới, tức là để tôn thờ Thánh Ý Chúa, để cho
Chúa thấy lòng yêu mến của mình chứ không phải vì những lý lẽ tự nhiên và xác
thịt. Phải, ở trong một xã hội đã đổi mới hoàn toàn, theo xác thịt nhiều khi
con cái lớn lên không nhìn thấy cha mẹ là những người hợp thời và vì thế dễ mất
lòng kính yêu cha mẹ. Nhưng những thái độ vô phép với cha mẹ chẳng bao giờ đem
lại hạnh phúc. Ngược lại như cómột lời chúc dữ đang đè nặng trên tương lai của
những người con dại dột ấy. Bài sách Huấn ca khuyên bảo con cái hãy có lòng đạo
đức yêu mến Chúa trong cách cư xử với cha mẹ. Chắc chắn đó là con đường dẫn đến
tương lai tốt đẹp và hạnh phúc.
Còn bài thơ Phaolô rất phong phú và
muốn nói với hết thảy mọi người. Thánh Tông đồ khuyên chúng ta hãy mặc lấy đức
mến là giềng mối của sự trọn lành. Và đức mến nói đây chính là sự bình an của Ðức
Kitô ở trong lòng chúng ta, là Lời Ðức Kitô ngụ nơi tâm hồn để phàm điều gì
chúng ta làm, ngôn hành bất luận, mọi sự thảy đều làm vì Danh Chúa Yêsu. Lúc ấy
không phải chúng ta dễ nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau mà thôi, mà ai ai
cũng sẵn có tinh thần muốn làm cho người khác được phong phú để cuộc đời của
mình như để tận hiến cho người khác được hạnh phúc. Và như vậy há chúng ta chẳng
chia sẻ một tâm tình như Thánh gia thất ngày xưa sao, vì bài Tin Mừng đã cho
chúng ta thấy Thánh gia thất đã chỉ biết một việc là tuân theo Ý Chúa, và Ý
Chúa là muốn Thánh gia thất về sống ở Galilê dân ngoại, tức là cống hiến đời
mình cho công cuộc cứu thế.
Do đó, mừng lễ Thánh gia thất hôm
nay chúng ta thêm lòng yêu mến thánh Yuse, Ðức Mẹ và Chúa Yêsu. Chúng ta cám ơn
các Ngài đã hy sinh, vất vả vì chúng ta và để mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
Chúng ta xin Thánh gia thất trở nên gương mẫu cho mọi gia đình Kitô giáo từ nay
biết đặt Thánh Ý Chúa lên trên để không những biết sống thuận hòa yêu thương
nhau, mà hơn nữa còn biết thi hành Thánh Ý Chúa là cởi mở sang cả thế giới, muốn
phục vụ hạnh phúc của đồng bào và của mọi người, để có thể nói mọi gia đình
Kitô giáo là một thánh gia thất ở Galilê dân ngoại, tức là biết chuyển ơn cứu độ
của Chúa đến môi trường chung quanh. Muốn vậy chúng ta hãy bắt đầu bằng việc
dâng lễ sốt sắng để nhờ việc Chúa ngự vào tâm hồn mọi trái tim chúng ta trở
thành một thánh gia cho gia đình chúng ta và cho mọi gia đình khác.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Gia, Năm ABC
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bí quyết để có một
gia đình Thánh
Mọi
người trong chúng ta đều đã nhìn thấy và cảm nghiệm được sự khủng hỏang của gia
đình hôm nay. Chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu những vấn nạn liên quan đến
gia đình như: săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, cho vào viện dưỡng lão, giết người
già bằng cái chết êm dịu; ly dị, ly thân, và độc thân; hạn chế sinh sản và phá
thai; con cái bỏ học, bỏ nhà, và bỏ đạo.
Gia
đình Thánh cũng có những vấn đề như gia đình chúng ta: Thánh Giuse cũng toan bỏ
Đức Mẹ cách kín đáo để bảo tòan sự công chính; Đức Mẹ cũng có những quyết định
riêng cho đời mình bằng cuộc sống độc thân để phục vụ Chúa trong Đền Thờ; Chúa
Giêsu cũng để cho cha mẹ vất vả mệt nhọc đi tìm kiếm mình, khi cha mẹ tìm thấy
trong Đền Thờ lại còn hỏi: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết con phải
lo việc của Cha con sao?” Nhưng làm sao Gia Đình Thánh có thể vượt qua những trở
ngại trong đời sống gia đình? Câu trả lời đơn giản là họ biết lắng nghe và làm
theo ý Thiên Chúa.
Các
vấn nạn xảy ra khi con người quá ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và đánh mất tính
tương giao với người khác. Họ không biết định giá, cám ơn, và trả ơn những gì
Thiên Chúa và những người khác đã làm cho họ. Họ không biết kiên nhẫn và tha thứ
cho người khác như Thiên Chúa và những người khác vẫn tha thứ cho họ. Họ quên
đi rằng nếu Thiên Chúa và những người khác cũng ích kỷ như thế, họ sẽ không có
cơ hội để có mặt trên trái đất này.
Hậu
quả phải lãnh nhận: Vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, nên khủng hỏang
gia đình đứa tới khủng hỏang trong xã hội và Giáo Hội. Một ví dụ cụ thể: Việc hạn
chế sinh sản dẫn tới việc mất quân bằng dân số trong quốc gia, các thống kê cho
biết mỗi gia đình cần có 2.2 người con thì mới giữ được sự thăng bằng về dân số,
các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, và một số nước kỹ nghệ đã không có đủ tỉ lệ này. Hạn
chế sinh sản cũng là lý do chính của việc khan hiếm linh mục và tu sĩ; nếu chỉ
có một hay hai con, rất khó cho cha mẹ dâng con để phục vụ Chúa!
Các
Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu suy tư và nhìn lại hòan cảnh
gia đình của mỗi người chúng ta. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca khuyên
con cái phải săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, dẫu các ngài đã lú lẫn và không tự
săn sóc mình được nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô liệt kê những đức tính và
các cách cư xử cần có để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Trong Phúc Âm, Thánh Luca
tường thuật Ngày Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ của Thánh Gia. Một gia đình hạnh
phúc phải biết kính sợ Thiên Chúa, và giữ cẩn thận Lề Luật của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi
già.
1.1/ Giới răn thứ tư: Phải thảo kính cha mẹ.
(1) Lời Thiên Chúa dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người
đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn,
con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.”
(2) Lập luận của con người: Quá bận, không có thời giờ lo cho cha mẹ!
Già yếu bệnh họan như thế đưa vào viện dưỡng lão tốt hơn. Có bác sĩ và y tá săn
sóc thường trực. Thỉnh thỏang vào thăm tí được rồi. Thực tế: Có những viện dưỡng
lão cả ngày không thay tã cho cha mẹ; có những y tá đã không săn sóc, chẳng để
ý cha mẹ có ăn không, lại còn đánh luôn cha mẹ. Chúng ta cứ thử hỏi: Nếu cha mẹ
đứt ruột đẻ ra và hy sinh chăm sóc cho mình, mình còn không chịu đựng săn sóc
được, sao chờ đợi người khác chăm sóc cẩn thận? Điều chúng ta cần nhận ra là
người già rất dễ cô đơn và tủi nhục. Họ không cần những chăm sóc bên ngòai,
nhưng cần tình thương của con cháu. Chúng tôi đã từng đi xức dầu, và từng thấy
các bậc cha mẹ từ giã cuộc đời trong cay đắng của nước mắt.
(3) Điều nên làm: Mọi người trong gia đình sẽ học được rất
nhiều điều khi săn sóc cha mẹ già. Tất cả đều nhận ra sự mong manh của cuộc sống
và biết nương tựa vào nhau hơn. Các anh chị em biết đòan kết với nhau để chia sẻ
trách nhiệm. Các trẻ học biết cách chia sẻ bổn phận với cha mẹ: Khi thấy cha mẹ
quá vất vả trong việc làm ăn và săn sóc ông bà, chúng sẽ tình nguyện chia sẻ
gánh nặng với cha mẹ; điều này sẽ giúp chúng trưởng thành hơn so với những trẻ
không có cơ hội thực tập. Các trẻ cũng sẽ học kinh nghiệm chăm sóc và đối xử với
người già, và chúng sẽ áp dụng những gì chúng học được khi săn sóc cha mẹ.
1.2/ Ơn lành Thiên Chúa ban cho những ai hiếu thảo với cha mẹ: Sách Huấn Ca liệt
kê những ơn lành như sau:
(1) Con cái cũng hiếu thảo với mình: “Đức Chúa làm
cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các
con.” Tục ngữ Việt Nam cũng khuyên: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó.” Người
biết hiếu thảo và chăm sóc cha mẹ cũng sẽ được hưởng sự hiếu thảo và chăm sóc từ
con cái mình. Ngược lại, người đối xử tàn tệ với cha mẹ, sẽ bị con cái mình đối
xử tàn tệ hơn nhiều.
(2) Tội lỗi được tha thứ, ân sủng được thương ban: “Ai thờ cha thì
bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha
sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.”
(3) Lời cầu xin được Thiên Chúa nhận lời: “Ai thờ cha sẽ
được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.”
(4) Được sống trường thọ: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai
vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.” Khi một người săn sóc cha, người ấy
cũng làm vui lòng mẹ.
2/ Bài đọc II: Những đức tính và cách xử thế cần có để
giữ gia đình hạnh phúc.
2.1/ Những đức tính cần học:
(1) Đức bác ái yêu thương: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có
lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo… Anh em là những người được Thiên
Chúa tuyển lựa, hiến thánh, và yêu thương.” Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu
thương; gia đình nào năng tham dự Thánh-lễ và lãnh nhận Mình Thánh, sẽ có tình
yêu của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu này mới mạnh đủ để xóa tan những bất hòa và
khác biệt trong gia đình, và liên kết mọi người trong gia đình với nhau.
(2) Kiên nhẫn chịu đựng và tha thứ cho nhau: “Hãy chịu đựng
và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người
kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho
nhau.” Mọi người trong gia đình cùng nhau năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải là
cách thức để học và thực hành 2 nhân đức quan trọng này.
(3) Tâm tình biết ơn: “Ước gì sự bình an của Đức Kitô điều khiển
tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng
sự bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” Trước tiên là biết ơn Thiên
Chúa đã lo lắng mọi sự cho con người. Thứ đến là biết ơn cha mẹ đã có công sinh
thành, dưỡng dục, và cầu nguyện cho mình. Sau cùng là biết ơn tất cả những ai
đã góp phần làm cuộc đời mình được thăng hoa và ý nghĩa.
2.2/ Tầm quan trọng của Thiên Chúa trong đời sống gia đình:
(1) Lời Chúa: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào
phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan.” Để làm
được điều này trong gia đình, cha mẹ cần học hỏi để hiểu biết Lời Chúa và gây
phong trào học và áp dụng Thánh Kinh trong gia đình; vì cha mẹ không thể cho
con cái mình không có.
(2) Thánh Ca: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà
hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi, và thánh ca, do Thánh Thần
linh hứng.” Điều này cũng nhắc nhở chúng ta tránh nghe và hát những bài hát vô
nghĩa và lãng mạn, những chương trình hài hước và kịch nghệ vô bổ, có chủ tâm
khinh thường Thiên Chúa và các giá trị đạo đức.
(3) Cầu nguyện: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân
danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” Mẹ Têrêxa cũng quả quyết
điều này: “Gia đình nào dành thời giờ cùng nhau cầu nguyện sẽ ở với nhau lâu
dài.”
2.3/ Cách cư xử trong gia đình: Tất cả các mối liên hệ đều đòi hỏi hai
chiều thì mới có kết quả tốt đẹp được. Thánh Phaolô liệt kê 2 mối liên hệ chính
và cách cư xử cần có:
(1) Liên hệ vợ chồng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như
thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng
cay nghiệt với vợ.”
(2) Liên hệ cha con: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi
sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực
tức, kẻo chúng ngã lòng.”
3/ Phúc Âm: Những tâm tình biết ơn
Năm A:
3.1/ Sự vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa của Giuse: "Khi các
nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng:
"Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến
khi tôi báo lại, vì vua Herode sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giuse liền
trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến
khi vua Herode băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta
đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập."
Chúng
ta học được rất nhiều nơi cách hành xử của Giuse: Ông không hiểu nổi kế hoạch của
Thiên Chúa: Hài Nhi vừa mới được các nhà đạo sĩ tôn thờ và dâng lễ vật như một
vì vua; giờ lại phải lẩn trốn như một tội nhân! Ông không than trách Thiên Chúa
tạo hoàn cảnh khó khăn hay xin Thiên Chúa sai sứ thần bảo vệ gia đình. Ông
không suy nghĩ đi Ai-cập rồi phải làm gì để sinh sống, nhưng ông hoàn toàn tin
tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông không trì hoãn để sáng mai; nhưng
trỗi dậy trong đêm rét mướt và đưa gia đình đi ngay.
3.2/ Giuse bảo vệ Hài Nhi khỏi mọi nguy hiểm: Định cư bên Ai-cập
chưa được bao lâu, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng
cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những
kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." Giuse liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ
Người về đất Israel. Khi nghe biết Archelaus đã kế vị vua cha là Herode, cai trị
miền Judah, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về
miền Galilee,
và
đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng
các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth."
Di
chuyển chỗ ở không phải là điều dễ dàng vì nó liên quan tới nghề nghiệp, nhà cửa,
đồ đạc, trường học của con cái... nhưng Giuse vững tin nơi sự quan phòng của
Thiên Chúa cho gia đình, ông vâng lời sứ thần bỏ đất Ai-cập trở về quê hương,
ông can đảm tránh nơi nguy hiểm cho dù là quê cha đất tổ, gần Đền Thờ, để đi đến
Nazareth, một nơi xa lạ, để tránh nguy hiểm cho con.
Những
người cha hôm nay phải học nơi gương Giuse: Họ cần can đảm tránh những nơi gây
nguy hiểm cho con cái và chọn những môi trường lành mạnh để con cái có thể lớn
lên tốt đẹp. Họ không thể hy sinh tương lai của con cái bằng lý do việc làm hay
nhà cửa.
Năm B:
3.1/ Gia Đình Thánh cảm tạ Thiên Chúa: Thánh Giuse và Mẹ
Maria cám ơn Thiên Chúa về món quà gia đình, cho hai người thành vợ chồng; và
món quà sự sống, Chúa Giêsu. Họ cùng nhau lên Đền Thờ để dâng Con cho Thiên
Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi
là của thánh, dành cho Chúa." Tuy nghèo, nhưng họ cũng cố gắng chuẩn bị một
đôi chim gáy và một cặp bồ câu non để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền. Sau
khi hòan tất, họ trở về Nazareth, còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
3.2/ Ông Simeon cảm tạ Thiên Chúa: Ông là người công chính và sùng
đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.
Ông đã được Thánh Thần linh hứng cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước
khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền
liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an
bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân
Ngài."
Cha
mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simeon nói về Người. Ông Simeon chúc
phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt
cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu
còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và vì thế, những ý nghĩ từ thâm tâm
nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
3.3/ Nữ Ngôn-sứ Anna cảm tạ Thiên Chúa: Bà là con ông
Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với
chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền
Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy,
bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang
mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Jerusalem.
Năm C:
3.1/ Phải vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa: Có nhiều điều
chúng ta cần học nơi gia đình thánh hôm nay:
(1) Mọi người trong gia đình phải tuân giữ Lề Luật của Thiên
Chúa: Thánh
Luca mô tả gia đình thánh tuân giữ Luật Thiên Chúa: "Hằng năm, cha mẹ Đức
Giêsu trẩy hội đền Jerusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả
gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ." Nếu muốn
con cái giữ Luật Thiên Chúa, cha mẹ phải tuân giữ trước và tạo mọi cơ hội cho
con giữ Luật. Cha mẹ không thể bắt con đi lễ, nếu cha mẹ không đi và không tạo
cơ hội cho con.
(2) Phải kiên nhẫn và tôn trọng nhau cho dù phải đương đầu với
thử thách của cuộc sống; nếu
không, sự hiệp nhất trong gia đình sẽ có nguy cơ bị tan vỡ. Trong trình thuật
hôm nay, mặc dù hai ông bà đau buồn và có thể tức giận vì phải vất vả lo lắng
tìm con suốt ba ngày; nhưng thái độ kiên nhẫn của Mẹ Maria phải trở thành gương
mẫu cho các cha mẹ học hỏi: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!"
(3) Cha mẹ phải tôn trọng con cái khi chúng muốn làm theo thánh
ý Thiên Chúa: Chúa
Giêsu đáp lời Mẹ Maria: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con
có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Bổn phận của con người đối với Thiên
Chúa là bổn phận hàng đầu phải chu toàn. Các cha mẹ đừng bắt buộc con cái phải
chu toàn bổn phận với cha mẹ trước khi chu toàn bổn phận với Thiên Chúa; nhưng
phải vui mừng khi thấy con cái làm điều đó. Cha mẹ không bao giờ được ngăn cản
con cái khi chúng muốn tận hiến cuộc đời để làm việc cho Thiên Chúa.
(4) Khi chưa hiểu thánh ý Thiên Chúa, hãy giữ thái độ thinh lặng,
cầu nguyện, và suy niệm trong lòng để tìm ra thánh ý. Trình thuật hôm
nay kể "nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói;" tuy vậy họ không
lớn tiếng tranh cãi hay đổ lỗi cho nhau.
3.2/ Chúa Giêsu vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria: Trình thuật Luca
tiếp tục: "Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng
vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong
lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối
với Thiên Chúa và người ta."
(1) Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, hạ mình và khiêm nhường vâng
phục loài người: Thiên
Chúa tôn trọng sự thật, cho dẫu sự thật đòi Ngài phải vâng phục con người. Để
có bình an thực sự trong gia đình, mọi phần tử trong gia đình đều phải tôn trọng
và sống theo sự thật; nếu không, sự bình an có được chỉ là giả tạo và sớm muộn
gì cũng tan vỡ. Ví dụ, con cái có thể vâng lời cha mẹ làm điều sai trái vì sợ
hãi; nhưng khi có dịp, chúng sẽ không ngần ngại phản ứng và thoát ly gia đình.
(2) Vâng phục Thiên Chúa và cha mẹ làm con người lớn lên trong
khôn ngoan và gặt hái được mọi điều tốt đẹp cho cuộc đời: Nhiều người cho
vâng phục là nhu nhược hay hèn kém; nhưng kinh nghiệm khôn ngoan cho thấy khi
tuân phục luật của Thiên Chúa và những lời dạy dỗ khôn ngoan của cha mẹ, con
cái tránh được tội lỗi và những cám dỗ nguy hiểm trong cuộc đời; nhất là được đẹp
lòng Thiên Chúa, sống thuận hòa với tha nhân, và gặt hái nhiều thành công.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải diệt trừ tính ích kỷ trong con người, vì đó là mầm mống của mọi
khủng hỏang trong gia đình. Đồng thời, chúng ta cần biết rộng lượng để yêu
thương và lo lắng cho người khác như Thiên Chúa và người khác đã yêu thương và
lo lắng cho chúng ta.
-
Chúng ta cần biết xét mình và xưng tội thường xuyên để nhận ra những yếu đuối
và tội lỗi của con người chúng ta. Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha
thứ tôi lỗi và kiên nhẫn với chúng ta, chúng ta cũng phải sẵn sàng kiên nhẫn và
tha thứ những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân; vì họ cũng là những con người yếu
đuối và tội lỗi như chúng ta. Người không năng xét mình và xưng tội sẽ dễ rơi
vào thái độ tự nhận mình tốt lành để dễ phê phán, kết tội, và khai trừ tha
nhân.
-
Chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận: chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa.
Nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải “từ bỏ ý riêng mình,
làm theo ý Thiên Chúa, và vác Thập Giá hằng ngày để theo Ngài.”
-
Chúng ta có tự do để làm theo ý chúng ta; nhưng đồng thời chúng ta cũng phải
lãnh nhận mọi hậu quả do sự cố chấp, thờ ơ, và khinh thường những lời giảng dạy
của Thiên Chúa.
Lm. An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.
29/12/13 CHÚA NHẬT TRONG
TUẦN BÁT NHẬT GS – A
Lễ Thánh Gia
Mt 2,13-15.19-23
Lễ Thánh Gia
Mt 2,13-15.19-23
MỘT GIA ĐÌNH THÁNH
Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng
cho ông Giuse rằng :”Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.” (Mt 2,13)
Suy niệm: Nếu
tổ phụ Giuse trong Cựu Ước được các anh mình gọi là “thằng chiêm bao” thì thánh
cả Giuse, dưỡng phụ của Chúa Giêsu, cũng là một ‘con người của chiêm bao’ như
thế. Ngài đã từng được báo mộng để chấp nhận đón Maria (đang mang thai) về nhà.
Trong trình thuật hôm nay, Thánh Giuse được báo mộng đến ba lần nữa, mỗi lần là
một thông điệp cụ thể Chúa truyền cho ngài thi hành. Thế đấy, thánh cả Giuse
sống đắm chìm trong thánh ý Thiên Chúa như cá sống trong nước! Ngài nhạy bén
với tiếng của Chúa đến mức nghe được tiếng ấy hết sức rõ ràng và thật dễ dàng:
Giuse nghe được tiếng Chúa ngay trong giấc mơ của mình – chẳng cần qua bất cứ
trung gian nào cả! Và nhất là mỗi lần nhận ra tiếng Chúa, ngài luôn mau mắn thi
hành.
Mời Bạn: Đức
vâng phục tuyệt vời của thánh cả Giuse – và của cả Thánh Gia – phải trả giá với
biết bao lận đận, nhọc nhằn phải gánh chịu. Chúng ta hãy hình dung một gia đình
di cư / tị nạn gần như hoàn toàn tay trắng. Cuộc sống của gia đình ấy thật bấp
bênh, không có gì bảo đảm ngoài nghị lực của Giuse và Maria, nghị lực được rút
ra từ niềm tin vững vàng vào thiên ý. Nhìn Thánh Gia và khám phá bí quyết để
làm cho một gia đình trở thành gia đình thánh,
đó là: chỉ tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.
Sống Lời Chúa: Có
điều gì nơi đời sống cá nhân bạn hay trong gia đình bạn bấy lâu nay rõ ràng
không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa? Bạn hãy dũng cảm bắt đầu chỉnh đốn lại.
Cầu nguyện: Hát một bài thánh ca về thánh cả Giuse.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI HAI
Đến Gần Bởi Đức Tin
Mầu nhiệm Giáng Sinh soi sáng chúng ta thấy rõ
tiếng gọi mời người Kitôhữu yêu thương anh chị em mình bằng tình yêu huynh đệ.
Đến với nguồn suối ân sủng và yêu thương bất tận này, chúng ta được mời gọi tiến
đến cảm nếm bằng con mắt đức tin và bằng sự khôn ngoan đích thực.
Sự khôn ngoan cho chúng ta biết bằng cách nào
chúng ta có thể sống như anh chị em của nhau, rút ra nguồn cảm hứng và năng lực
từ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thật vậy, khi chúng ta tiến tới gần Bê-lem
hơn, chúng ta thấy Thiên Chúa của mình bé nhỏ biết bao. Vốn là Đấng cao cả vô hạn,
nhưng Ngài đã tự hạ mình xuống làm một đứa trẻ thấp hèn. Ngài giống chúng ta mọi
sự, dù Ngài là Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tự đồng hóa với chúng ta và đến ở
gần chúng ta quá đỗi! Nếu chúng ta đến với Ngài ở Bê-lem với lòng đơn sơ và với
sự khôn ngoan của những người chăn chiên và những nhà đạo sĩ ấy, Đức Giêsu sẽ dạy
cho ta biết cách đến gần gũi mọi người, bắt đầu từ những người bé nhỏ thấp hèn
nhất – để chúng ta có thể giúp mọi người sống cho Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
29-12
CHÚA
NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
THÁNH
GIA CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE
Hc
3, 3-7.14-17a; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15.19-23.
LỜI
SUY NIỆM: “Sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành
kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng:Người
sẽ được gọi là người Na-da-rét”.
Thánh Giuse đã chọn
nơi ở cho gia đình của ngài với Đức Mẹ và Chúa Giêsu theo sự chỉ dẫn của Thiên
Chúa. Khi suy ngắm về “Thánh gia Chúa Giêsu, Đức mẹ và Thánh Giuse”. Chúng ta
thấy được các Ngài đều có những thử thách trong cuộc sống; nhưng các ngài đã vượt
qua được là luôn biết vâng nghe Lời Thiên Chúa truyền dạy và thực thi một cách
tích cực.
Lạy Chúa Giêsu. Trong
cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình của chúng con, luôn có những thử
thách. Xin Chúa ban cho chúng con biết dùng Lời Chúa và sức mạnh tình thương
Chúa Thánh Thần để vượt thắng những thử thách đó, giúp chúng con giữ vững đức
tin.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 29-12: Thánh TOMA BECKET
Giám Mục Tử Đạo - (1118 - 1170)
Thánh Toma Becket sinh ra tại Luân Đôn năm
1118. Cha Ngài, ông Gibert Becket, là một hiệp sĩ người Normandy, đã trở thành
thương gia giàu có ở Luân Đôn. Mẹ Ngài cũng là người Normandy. Ngài có ít là
hai chị em mà một người sau này làm tu viện trưởng Barking. Ngài thừa hưởng từ
người mẹ lòng đạo đức, lòng sùng kính Đức Mẹ và lòng quảng đại đối với người
nghèo khó.
Từ người cha, Toma Becket thừa hưởng một tính
khí kiêu hùng và cương quyết. Dáng người cao ráo, đẹp trai, hấp dẫn và thông
minh. Sau khi theo học tại Oxford, Đức Tổng giám mục Cantebury là Thaobald đã
triệu mời Ngài làm quản trị, lo những chuyện liên hệ với Roma. Toma Becket đã kể
ra đáng kể đến nỗi vua Henri II đã đặt Ngài làm chưởng ấn của vương quốc. Ngài
thường khoe khoang, ngựa giòng chim ưng, chó quí là bạn thân của Ngài. Bù lại sự
xa hoa này, Ngài đã tỏ ra quảng đại nhiều với những hy sinh thầm kín. Ngài cũng
rất hiếu chiến và dùng đến các quyền hạn của hoàng tử mình, Ngài đã tỏ ra có
giá trong một trận chiến gần Toulouse. Ngài còn tự lượng sức trong một trận chiến
đấu đơn với một hiệp sĩ danh tiếng người Pháp.
Tổng giám mục Theobald qua đời, và Toma được
chọn làm kế vị bất kể sự chống đối Chúa hàng giáo sĩ khi thấy "một người
thế tục và ồn ào như vậy" được đưa lên tòa giám mục.
Trong khi đó, Toma Becket đã tiên báo cho nhà
vua biết rằng: - "Thưa Ngài, nếu Chúa cho phép tôi làm Tổng giám mục
Canterbury, tôi sẽ hết được Ngài sủng ái. Ngài sẽ đòi tôi nhiều điều, và Ngài
đã làm nhiêu điều chống lại Giáo hội mà tôi sẽ không thể chịu nổi. Tình cảm của
Ngài sẽ sớm đổi thành thù hận không chấm dứt nổi.
Nhưng nhà vua vẫn muốn thấy Ngài lên ngai giám
mục. Ngày 3 tháng sáu năm 1162, Toma Becket đã thụ phong linh mục và ngày hôm
sau được tấn phong giám mục. Kẻ nô bộc của các hoàng tử đã trở thành nộ bộc của
Giáo hội, và chỉ còn muốn giữ vẻ xa hoa bên ngoài, Ngài trở nên khiêm tốn hơn,
mặc áo nhặm, tha thiết yêu thương kẻ nghèo và xa cách đối với người giàu. Những
nhưng điều lo ngại của thánh nhân không tự biện minh mãi được.
Vua Henri II bóp nghẹt sự tự do của các tác
viên Giáo hội, muốn bắt chàng giáo sĩ nước Anh phải phục thẩm quyền các tòa án
hoàng gia, tước đoạt kho tàng của dân nghèo. Trước ý muốn của nhà vua, các vị
giám mục ngập ngừng, nhiều vị khứng chịu. Nhưng Tổng giám mục Canterbury không
để mình bị quyến dũ. Tức giận, nhà vua triệu vời các giám mục vương quốc lại.
Trong căn phòng tụ họp, hiện ra những con người
mang khí giới như s ẵn sàng tiêu diệt các Ngài. Các giám mục và các lãnh Chúa
kinh hoàng khấn nài xin vị giáo chủ nhượng bộ.
Để cứu những người chung quanh, Toma Becket
như nửa ưng thuận, đã xin hoãn lại để nghiên cứu vấn đề. Ngài viết thư cho đức
Thánh Cha xin phán định. Đức Thánh Cha đã kết án tất cả những ai đã phát thệ.
Thế là Toma Becket đã rút lại lời một cách cao thượng. Nhà vua bắt bớ Ngài. Đáp
lại các lời tố cáo, Ngài tỏ ra cương quyết và luôn giữ được tâm hồn thanh thản.
Thất vọng nhà vua hô hoán: - "Hoặc là ta mất ngôi, hoặc là con người ấy
không còn là tổng giám mục nữa".
Các hiệp sĩ gọi Ngài là kẻ bội phản. Toma
Becket đã trả lời cho một người trong bọn họ: "Nếu đôi tay này không
phải là đôi tay của một linh mục thì ông phải biết".
Trong một công đồng ở Nerthampton năm 1164,
Ngài lại tỏ ra chống đối và khi bị đe dọa đếng mạng sống hoặc tù tội. Một đêm
kia, Ngài đã tàng hình để thoát thân. Lang thang nhiều ngày, Ngài tới bờ biển
và được một thuyền đánh cá tiếp nhận Ngài đang lúc mệt nhọc đến đứt hơi và đưa
qua Pháp.
Vua Lu-y VII đã hân hạnh tiếp đón vị tổng giám
mục Caterbury, ông nói: - "Nước Pháp có thói quen nuôi dưỡng vbảo vệ những
người chịu đau khổ, nhất là những người bị lưu đày vì công chính".
Vị giáo chủ lưu ngụ tại tu viện Pontiguy và
tăng gấp nếp sống khắc khổ, đến nỗi có thể nói được đây là cuộc "Hoán cải
thứ nhì, từ đạo đức tới thánh thiện". Ngài có giờ để cầu nguyện và suy gẫm.
Ngài tuân theo luật và nếp sống của tu viện. Dầy vậy cuộc trả thù của nhà vua vẫn
tiếp tục. Cha mẹ và bạn hữu Ngài bị tước hết tài sản, bị trục xuất tới số 400
người. Họ buộc lòng phải đến với Ngài, làm thành một đoàn người đáng thương.
Toma Becket rất nhiệt thành năng đỡ người nghèo. Lần này bất lực vì không thể
giúp đỡ được những người thân yêu nhất đang bị khổ cực vì mình. Sau cùng, vua
Henri loan báo là sẽ tiêu diệt mọi nhà dòng Xitô, nếu một nhà dòng Xitô nào còn
tiếp tục dung duõng Ngài. Toma Becket liền đến một nữ tu viện Bênedictô ở Sens.
Những năm tháng đau khổ và trơ trọi nối tiếp nhau.
Trong khi đó, nhà vua bị Đức Thánh Cha đe dọa,
tỏ ra muốn giao hòa với vị Tổng giám mục vào những tháng cuối cùng năm 1169. Một
thứ hòa hoãn chẳng dễ gì. Nhưng vị giáo chủ đã nói với những người muốn ngăn cuộc
hồi hương của mình rằng: - "Dù có biết chắc mình sẽ bị chặt thành
trăm mảnh, tôi vẫn trở về. Đã sáu năm rồi, đoàn chiên của tôi vắng bóng chủ
chăn".
Ngài tạo thêm nhiều thù địch khi đưa ra những
sắc lệnh huyền chức những vị giám mục muốn chống đối lại Ngài. Khi tới
Canterbury, dân chúng chen lẫn nhau giữa những khúc thánh ca và những hồi
chuông đổ dồn để đến lãnh phép lành của Ngài. Những lời đầu tiên Ngài nói trên
tòa giảng là: - "Tôi đã tới để chịu chết giữa anh em".
Nhà vua tức giận với cuộc trở về khải hoàn này
của Toma Becket, một con người không thể lay chuyển trong mọi việc bảo vệ những
quyền tự do của Giáo hội. Người ta nghe thấy vua Henri kêu lớn: - "Không
có được lấy một người trong số những kẻ hèn ta nuôi dưỡng đây gỡ cho chúng ta
người giáo sĩ ngạo mạn này sao ?"
Khi ấy có bốn hiệp sĩ đi Canterbury. Họ gặp vị
giáo chủ trong căn phòng gần nhà thờ chính tòa với các linh mục và tu sĩ. Họ nhục
mạ Ngài, nhưng Ngài nói: - "Đừng mất thời gian đe dọa tôi. Để sát cánh chiến
đấu, các người sẽ thấy tôi luôn luôn ở trong trận chiến của Chúa".
Các hiệp sĩ hùng hổ đi ra. Các giáo sĩ trách
Ngài làm cho họ phải chết. Toma Becket không trốn tránh, Ngài nói với họ: -
"Tất cả chúng ta hoặc phải chết. Đừng để sự sợ hãi làm cho chúng ta xa rời
sự công chính. Tôi sẵn sàng chết vì tình yêu Chúa mà những người này giết tôi
không phải vì tình yêu như vậy".
Và khi nghe bước chân và tiếng kêu của các hiệp
sĩ có võ trang, Ngài leo lên thang nhà thờ chính tòa Ngài nói: - "Tôi ra
tiền tuyến".
Trả lời cho những lăng nhục, Ngài nói: -
"Tôi không phải là kẻ phản bội, nhưng là một linh mục. Tôi sẵn sàng vì
Danh đấng đã lấy máu cứ chuộc tôi ... Nhưng vì Danh Thiên Chúa, đừng động tới
những người này của tôi".
Dựa lưng vào cột, Đức Tổng giám mục chống lại
những người muốn đưa Ngài đi, đẩy những người tấn công ngã soài xuống đất:
"Tôi không đi đâu hết, hãy làm việc đó ở đây đi".
Những người khác ngập ngừng. Vị tử đạo lớn tiếng
phú mình cho Chúa và Giáo hội: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay
Chúa".
Hai nhát gươm tiếp liền. Toma Becket ngã xuống
miệng còn nói: - "Vì danh Chúa Giêsu và vì Giáo hội, tôi bằng lòng chịu chết".
Và Ngài nằm chết cạnh bàn thờ.
Cái chết của Đức tổng giám mục làm chấn động
lương tâm toàn thể Chân Au. Các phép lạ được phổ biến trên mộ Ngài. Đức
Alexander III năm 1173 đã phong Ngài làm thánh tử đạo. Nhà vua đã thống hối
công khai bên mộ Ngài và những gì khiến thánh nhân chịu khổ đã được sua sai nhờ
cái chết của Ngài. Canterbury trở thành nơi hành hương thứ nhì sau Rôma.
(daminhvn.net)
29
Tháng Mười Hai
Hoàng Tử Và Cậu Bé Nghèo
Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có
viết một quyển tiểu thuyết mang tựa đề "Hoàng tử và cậu bé nghèo".
Chuyện kể lại tình bạn của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là
sinh đôi. Một trong hai cậu bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom
Canty, người bạn của vị hoàng tử, lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ
nghĩnh là thay đổi địa vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong
triều đình, còn Edward thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc
phiêu lưu. Cậu lang thang đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất
trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm
thấy mệt mỏi với trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị
hoàng tử của mình. Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để
chứng minh rằng mình là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã
không tin... Thế là hoàng tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn
phong làm vua, thì hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục
hồi trong ngôi vị hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày
làm người ăn xin, lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward
đã trở thành một vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa
đã đến giữa loài người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác
nghèo hèn của chúng ta để chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa.
Nhờ ân sủng của Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận
trong thân xác Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân
loại, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với từng người, nhất là những người khổ
đau. Ðồng hóa mình với những người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con
đường để gặp gỡ Ngài: Ngài hiện diện trong những đau khổ, bé mọn nhất. Tiếp rước
những người đó chính là tiếp rước Ngài.
Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa,
nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha
nhân, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước
từ chính Chúa.
Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính
trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.
Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa
Giêsu: này là Mình Ta, này là Máu Ta... Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người,
có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ nói: "Này là Mình Ta...".
Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp
gỡ này chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng
biết nhận ra Chúa trong từng cuộc gặp gỡ với tha nhân... Xin Chúa thêm Ðức Tin
để chúng ta có thể nhận ra Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng
khổ, bé mọn trong xã hội.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét