Trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

17-12-2013 : THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG

TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH
Ngày 17 tháng 12
Mùa Vọng


Bài Ðọc I: St 49, 2. 8-10
"Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa".
Bài trích sách Sáng Thế.
Ngày ấy, Giacóp triệu tập con cái lại và nói rằng: "Hỡi con cái Giacóp, hãy hợp lại và nghe cha đây. Hỡi nhà Israel, hãy nghe lời cha của các con. Giuđa, anh em con sẽ ca tụng con. Bàn tay con sẽ đè trên ót quân thù; con cái của cha con sẽ phục lạy con. Giuđa là sư tử con, hỡi con của cha, con đã chồm lên bắt mồi, con đã nằm xuống nghỉ ngơi, như giống sư tử đực, tựa nòi sư tử cái, ai dám khiêu khích nó? Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, gậy chỉ huy không rời khỏi chân nó, cho đến lúc Ðấng thiên sai ngự đến, là Ðấng chư dân đợi trông".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8. 17
Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2) Núi non đem an hoà cho dân, và nổng đồi mang lại đức công chính. Người bênh chữa kẻ hèn trong dân, và cứu thoát con cái nhóm nghèo. - Ðáp.
3) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.
4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 1-17
"Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara bởi bà Thamar; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.
Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.
Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.
Vậy, từ Abraham đến Ðavít có tất cả mười bốn đời, từ Ðavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Gia Phả Của Chúa Giêsu Kitô

Ðể ứng nghiệm Lời Chúa hứa ban ơn cứu chuộc sau khi Adam và Eva tổ tiên con người phạm tội, Kinh Thánh đã có câu: "Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu đã kể lại gia phả của Chúa Giêsu để gợi lên cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi của Ngài trải qua dòng thời gian rất lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng. Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha các kẻ tin. Ðức tin là điều kiện tiên quyết khi chúng ta gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Chính khi bắt đầu gia nhập vào Giáo Hội, Linh Mục hỏi: "Con xin gì cùng Hội Thánh". Chúng ta thưa: "Thưa, con xin đức tin".
Khi Thiên Chúa gọi Abraham ra đi để làm cha các dân tộc dù ông đang ở tuổi già. Thường ở lứa tuổi này ít ai dám mạo hiểm xông pha để khám phá những nơi rừng núi nguy hiểm đang đón chờ mà trí óc già cả lẩm cẩm không thể dễ dàng suy tính nhanh nhẹn, xoay sở, ứng biến y như hồi còn trẻ được. Thiên thần với hình dáng của một người qua đường đến báo với ông rằng bà Sara, vợ ông mặc dù đã già nhưng vào thời kỳ này qua năm bà sẽ sinh con, và Sara cười có vẻ mỉa mai vì không tin, nhưng ông, ông vẫn tin tưởng việc Chúa làm.
Rồi khi sinh được đứa con trai duy nhất là Isaac, Thiên Chúa lại muốn thử thách lòng tin của ông một lần nữa, Ngài truyền đem Isaac lên núi để hiến tế. Dù rất đau lòng vì tình phụ tử dạt dào nhất trong cảnh cha già con muộn, Abraham vẫn lẳng lặng cúi đầu, cặm cụi mò mẫm lê tấm thân già nua cùng với đứa con leo lên núi cao để sát tế con độc nhất của mình dâng cho Thiên Chúa. Từ lòng tin kiên vững và sâu xa đó, Abraham đã được hưởng lời Chúa hứa: "Abraham là cha các dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển". Dòng họ này kế tiếp dòng họ kia, từ Abraham đến vua David có mười bốn đời, từ vua David đến thời kỳ lưu đày ở Babylon gồm có mười bốn đời. Tổng cộng từ Abraham đến Chúa Giêsu là đời thứ bốn mươi hai.
Ðiểm thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay gợi lên một cái nhìn chân xác: "Xem quả thì biết cây". Cây tốt sinh trái tốt. Không thể tìm hoa hồng nơi bụi cỏ gai rậm rạp được. Chúng ta cũng thường nghe nói: "Hổ Phụ Sinh Hổ Tử", cha mẹ hiền lành chắc hẳn con cái không hung dữ được, hoặc "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Là người Kitô hữu thì tất cả mọi người đều là anh em với nhau, có Thiên Chúa là Cha, Ngài là Ðấng nhân từ, khoan dung, yêu thương và đầy lòng tha thứ. Chúng ta học theo tính tình người Cha, bắt chước Cha để trở nên khoan dung độ lượng, yêu thương và tha thứ. Không một lý do gì mà chúng ta không ăn ở thuận hòa với nhau trong cuộc sống, không một lý do gì mà chúng ta không yêu thương hiệp nhất nối kết chúng ta lại với nhau trong tình yêu của một Cha chung. Những thiếu sót, khuyết điểm lầm lỗi của nhau không còn cản trở tình thương đang đổ chan hòa trên chúng ta là con cái yêu thương của một người Cha nhân từ. Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng, hướng đó là hướng đích điểm nhắm về Cha là Thiên Chúa. Ðừng để những gai nhọn hai bên đường làm chúng ta mất thì giờ dừng lại trên con đường dài thăm thẳm tiến về Nước Trời để rồi chúng ta không tiến bước được về nhà Cha là nơi Cha vĩnh cửu luôn yêu thương và chờ đón chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi yêu thương của Thiên Chúa như thế nào đối với nhân loại, trong đó có chúng con để chúng con cố gắng sống xứng đáng với lòng yêu thương mà Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn Abraham làm cha các kẻ tin. Xin ban cho chúng con có một niềm tin kiên vững và mạnh mẽ để chúng con tìm thấy thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày trên con đường tiến về quê trời. Không phải chúng con tìm thấy hoa nở hai bên đường nhưng xin Chúa ban thêm nghị lực, kiên nhẫn, bình an và lạc quan để chúng con vững bước về với người Cha đầy thân yêu nhân ái đang chờ đón chúng con. Amen.

(Veritas Asia)

Lectio Divina: Mátthêu 1:1-17
Thứ Ba, 17 Tháng 12, 2013
Tuần thứ ba Mùa Vọng                                      


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con,
Con Một Chúa đã đến giữa chúng con, đã làm người như chúng con,
Một con người trong số những phàm nhân,
Đơn giản, gần gũi,
Còn nữa dung nhan phàm nhân của Chúa
Và khuôn thước về những gì của một con người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khám phá ra được chính mình trong gương của Chúa:
Rằng chúng con được sinh ra để được tự do,
Để không vị kỷ, sẵn lòng, tự nguyện dấn thân.
Xin hãy giải thoát chúng con khỏi sự ích kỷ của chúng con,
Khỏi sự hèn nhát và thái độ tòng phục của chúng con,
Để chúng con ít ra có thể trở thành
Những gì Chúa muốn nơi chúng con, nên giống như Con Chúa,
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Mátthêu 1:1-17                                                                   

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít, con của Ábraham.  Ábraham sinh Isaác; Isaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người.  Giuđa sinh Pharét và Giara; Pharét sinh Ésron; Ésron sinh Aram; Aram sinh Aminađáb; Aminađáb sinh Naásson; Naásson sinh Salmôn; Salmôn sinh Bôát; Bôát sinh Ôbéd do bà Rút; Ôbéd sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Đavít.  Đavít sinh Salômôn do bà vợ của Uria; Salômôn sinh Rôbôam; Rôbôam sinh Abia; Abia sinh Asáf; Asáf sinh Giôsaphát; Giôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Ôgia; Ôgia sinh Giôátham; Giôátham sinh Akhát; Akhát sinh Êgiêkia; Êgiêkia sinh Manássê; Manássê sinh Amốs; Amốs sinh Giôsia; Giôsia sinh Giêcônia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.  Sau thời kỳ lưu đày ở Babylon, Giêcônia sinh Saláthiel; Saláthiel sinh Giôrôbabel; Giôrôbabel sinh Abiúb; Abiúb sinh Êliakim; Êliakim sinh Azor.  Azor sinh Sađốc; Sađốc sinh Máthan; Máthan sinh Giacóp.  Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô.
 Vậy từ Abraham đến Đavít, có tất cả mười bốn đời.  Từ Đavít đến cuộc lưu đầy ở Babylon có mười bốn đời; và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô, có mười bốn đời.

3.  Suy Niệm

-  Sách gia phả xác định danh tính của Chúa Giêsu.  Ngài là “Con vua Đavít và con của Abraham” (Mt 1:1; xem 1:17).  Con của vua Đavít, là để đáp ứng sự mong đợi của dân Do Thái (2Sm 7:12-16).  Con của Abraham, là một nguồn ân phúc cho tất cả các dân (St 12:13).  Cả người Do Thái lẫn dân ngoại nhìn thấy niềm hy vọng của họ được thực hiện trong Chúa Giêsu.
-  Trong xã hội phụ hệ của dân tộc Do Thái, sách gia phả chỉ ghi lại tên các người đàn ông.  Điều ngạc nhiên là Thánh Sử Mátthêu cũng ghi lại tên năm người phụ nữ thuộc tổ tiên của Chúa Giêsu:  các bà Tamar, Raháb, Rút, Bátshêba (vợ của ông Uria) và Đức Maria.  Tại sao tác giả Mátthêu lại chọn đúng bốn người phụ nữ này như là bạn đồng hội đồng thuyền của Đức Maria?  Không có hoàng hậu, không có bà chúa, không có cả tên trong số những người phụ nữ chiến sĩ của cuộc Xuất Hành khỏi đất Ai Cập: Tại sao?  Đây là câu hỏi mà sách Phúc Âm của Mátthêu để cho chúng ta tìm câu trả lời.
-  Trong cuộc đời của bốn người phụ nữ, bạn đồng hội đồng thuyền của Đức Maria, có một điều gì đó bất thường.  Bốn bà là dân ngoại tộc, các bà sinh con trai của mình bên ngoài các quy luật bình thường và không tương ứng với những Quy Luật của đức khiết tịnh vào thời của Chúa Giêsu.  Bà Tamar, người Canaan, một góa phụ, bà giả dạng thành một cô gái mãi dâm để bắt buộc Tổ Phụ nhà Giuđa phải trung thành với Lề Luật, phải làm nhiệm vụ của mình và cho bà ta một người con trai (St 28:1-30).  Bà Raháb, một người phụ nữ Canaan từ thành Giêricô, là một cô gái điếm, người đã giúp cho dân Do Thái bước vào Miền Đất Hứa (Ys 2:1-21).  Bà Rút, một người phụ nữ Môáp, bá góa nghèo, đã chọn đi theo bà Naomi và tuân theo các lề luật của Dân Chúa (Rt 1:16-18).  Bà đã chủ động bắt chước bà Tamar và đi nghỉ đêm bên cạnh đống lúa, cùng với ông Bôát, bắt buộc ông tuân giữ Lề Luật và cho bà một đứa con. Từ mối quan hệ giữa hai người, ông Ôbéd đã được sinh ra, là tổ phụ của vua Đavít (Rt 3:1-15; 4:13-17). Bà Bátshêba, người Hêtít, vợ của ông Uria, đã bị du dỗ, bị cưỡng bức và bà đã mang thai với vua Đavít, nhà vua lại còn ra lệnh cho chồng của người phụ nữ này phải chết (2Sm 11:1-27).  Phương cách hành xử của bốn người phụ nữ này không phù hợp với quy tắc truyền thống.  Trong khi đó, đây là những sáng kiến, thực sự bất thường, đã làm liên tục dòng dõi của Chúa Giêsu và dẫn đưa tất cả mọi người đến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.  Tất cả điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ và thách đố chúng ta khi chúng ta đặt quá nhiều giá trị vào sự cứng nhắc của các quy luật.
-  Bài tính về ba lần của mười bốn thế hệ (Mt 1:17) có một ý nghĩa tượng trưng.  Số ba là con số của Thiên Chúa.  Số mười bốn là số bảy nhân đôi.  Số bảy là số hoàn hảo.  Bằng biểu tượng này, thánh Mátthêu thể hiện niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi vào Chúa Giêsu, Đấng xuất hiện theo tiến trình thời gian thành lập bởi Thiên Chúa.  Với lịch sử sắp đến của Ngài tiến tới sự phong phú và viên mãn của nó.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Sứ điệp mà bạn khám phá ra trong gia phả của Chúa Giêsu là gì?  Bạn đã tìm thấy câu trả lời mà Thánh sử Mátthêu đã để lại cho chúng ta tìm hiểu chưa?  
-  Các bạn đồng cảnh ngộ của Đức Maria, Thân Mẫu của Chúa Giêsu, thì rất khác biệt với những gì mà chúng ta tưởng tượng về họ.  Kết luận mà bạn có thể đúc kết ra về việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria là gì?    

5.  Lời nguyện kết

Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
Nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
Và muôn dân thiên hạ ngời khen Người có phúc.  (Tv 72:17)




Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 17 tháng 12 MV
Bài đọc: Gen 49:2, 8-10; Mt 1:11-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đấng Cứu Thế được sinh ra trong lịch sử.
Niềm tin của con người vào Đấng Cứu Thế không phải là một niềm tin trừu tượng; ví dụ, tin vào một vị thần không có nguồn gốc; nhưng là một niềm tin vào Đấng có gia phả trong lịch sử con người. Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ngay từ thuở ban đầu, và được nhắc đi nhắc lại cho con người nhớ theo giòng lịch sử. Kinh Thánh gọi đó là Kế Họach Cứu Độ.
Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa đã có sẵn từ thuở ban đầu, và đã được mặc khải cho con người ngay từ khi Ông Adong và Bà Evà sa ngã trong Vườn Địa Đàng, khi Thiên Chúa tuyên án con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa giòng dõi mi và giòng dõi người ấy; giòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (Gen 3:15).
Trải qua giòng lịch sử của Do-Thái, Thiên Chúa không ngừng chuẩn bị cho Kế Họach Cứu Độ này. Trong Bài Đọc I từ Sách Sáng Thế Ký, Tổ-phụ Jacob đã chúc lành đạc biệt cho giòng dõi Judah; vì Tổ-phụ đã nhìn thấy trước ngày giòng dõi này sẽ làm vua và cai trị các anh em mình. Đồng thời, Tổ-phụ cũng tiên đóan Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra từ giòng dõi Judah. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Matthêu tường thuật gia phả của Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Bắt đầu từ thời các Tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob cho đến thời Vua David là 14 đời; từ thời Vua David cho đến Thời Lưu Đày Babylon là 14 đời; sau Thời Lưu Đày cho đến thời Đấng Cứu Thế sinh ra cũng 14 đời. Trình thuật Matthêu hôm nay chỉ tường thuật từ Thời Lưu Đày cho đến khi Đấng Cứu Thế sinh ra.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tổ phụ Jacob chúc lành cho giòng dõi Judah.
Chương 49 của Sách Sáng Thế Ký là những lời chúc lành và trăn trối của Tổ-phụ Jacob (Israel) cho 12 con mình, tượng trưng cho 12 chi tộc của Israel. Nhà Giuse được chia thành 2 chi tộc: Benjamin và Manasseh. Tổ phụ Jacob kêu các con đến trước khi chúc lành: “Hỡi các con của Jacob, hãy tụ tập lại mà nghe, hãy nghe Israel, cha các con.” Trình thuật hôm nay chỉ chú ý đặc biệt đến chi tộc Judah; vì từ chi tộc này sẽ phát sinh Đấng Cứu Thế.
1.1/ Giòng dõi Judah sẽ cai trị các anh em: Judah là đứa con duy nhất được khen ngợi trước khi chúc lành. Tổ-phụ Jacob chúc lành và nói tiên tri về chi tộc Judah: “Con sẽ được anh em con ca tụng, tay con sẽ đặt trên ót các địch thù, anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con. Judah là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về. Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử và như sư tử cái: ai sẽ làm cho nó đứng dậy?”
1.2/ Giòng dõi Judah sẽ làm vua: Thời của Tổ-phụ Jacob là thời của Bộ-tộc, Israel chưa có vua. Hàng ngũ lãnh đạo gồm các thượng tế, bô lão, và thủ lãnh. Israel chỉ có vua sau thời Moses gần 200 năm, bắt đầu với Vua Saun, sau đó tới David, Solomon. Thế mà tổ phụ Jacob đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày giòng dõi Judah sẽ làm vua: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Judah, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.”
1.3/ Từ giòng dõi Judah sẽ phát sinh Đấng Cứu Thế: Không những nhìn thấy ngày giòng dõi Judah sẽ nối nhau làm vua, tổ phụ Jacob còn được Thiên Chúa cho nhìn thấy Ngày Đấng Cứu Thế ra đời. Ngài tuy xuất thân từ giòng dõi Judah, nhưng lại là chủ của vương trượng. Ngài không chỉ cai trị dân Do-Thái, nhưng muôn dân phải vâng phục quyền bính của Ngài.
2/ Phúc Âm: Đấng Cứu Thế sinh ra từ giòng dõi Judah.
2.1/ Từ thời cực thịnh của vương triều David đến thời Lưu Đày Babylon: “Josiah sinh Jechoniah và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.” Trong lịch sử Do-Thái, thời của Vua David được coi là thời cực thịnh; vì Vua David thống nhất tòan lãnh thổ, tất cả 12 chi tộc Jacob, và lên làm vua. Tuy nhiên, điểm yếu của Vua David là biến cố ngọai tình với Bà Bathsheba và sinh ra Vua Solomon. Vì biến cố này, mà vương quốc bị chia đôi, và giòng họ Nhà Vua bị suy thóai dần dần cho đến thời Lưu Đày. Trong thời Lưu Đày, nước Israel bị xóa sạch trên bản đồ, giòng họ Judah bị đày sang Babylon, và dân Do-Thái hầu như không còn hy vọng gì nơi lời chúc lành của Tổ-phụ Jacob. Họ kêu cầu Thiên Chúa:
“Đâu cả rồi, lạy Thiên Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng David nhân danh chữ tín thành? Lạy Chúa, xin nhớ rằng: các tôi tớ Ngài bị thoá mạ, những lời phỉ báng của chư dân, con đây vẫn chất chứa trong lòng. Vâng, lạy Chúa, kẻ thù Ngài thoá mạ, theo sát gót mà buông lời thoá mạ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong” (Psa 89:50-52).
2.2/ Sau thời Lưu Đày Babylon: Trong hòan cảnh hầu như tuyệt vọng tại nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc, và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn trên đường tiến tới. Theo trình thuật của Tin Mừng Matthêu: “Sau thời lưu đày ở Babylon, Jechoniah sinh Shealtiel; Shealtiel sinh Zerubbabel; Zerubbabel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Zadok; Zadok sinh Achim; Achim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Matthan; Matthan sinh Jacob; Jacob sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đức Kitô. Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Abraham đến vua David, là mười bốn đời; từ vua David đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Nhìn lại gia phả của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, chúng ta học được nhiều bài học: (1) Tổ tiên của Chúa Giêsu gồm cả người thánh thiện (các Tổ-phụ Abraham, Isaac, và Jacob) và kẻ tội lỗi (Bà Tamar giả làm gái điếm để được có con với Judah, Vua David ngọai tình với Bà Bathsheba); cả những người thờ phượng Thiên Chúa và người thờ nhiều thần (Bà Ruth); cả những người Do-Thái và Dân Ngọai. (2) Tuy có những lúc cực thịnh (triều đại của David và Solomon) và những lúc cực suy (thời Lưu Đày), lời hứa của Thiên Chúa và lời chúc lành của Tổ-phụ Jacob vẫn tiếp tục ứng nghiệm. Ngài vẽ đường thẳng của Kế Họach Cứu Độ trên những đường cong của lịch sử Do-Thái. Thiên Chúa là Đấng Trung Thành: những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, không phải là niềm tin trừu tượng và mơ hồ, nhưng được bám rễ sâu trong lịch sử con người qua gia phả của Chúa Giêsu.
- Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ban cho con người ngay từ khởi thủy, và Ngài đã không ngừng chuẩn bị và mặc khải cho con người qua các thời đại. Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục họat động trong thời đại chúng ta cho đến Ngày Phán Xét.
- Chúng ta hãy đặt hòan tòan niềm tin nơi Thiên Chúa trong mọi khúc quanh của cuộc đời. Cho dù trời đất có thay đổi, nhưng những gì Thiên Chúa đã hứa không bao giờ đổi thay.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM
TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH

Mt 1,1-17

* Từ ngày 17/121 đến 24/12, các bài đọc Thánh lễ được chọn đặc biệt thành một kiểu “tuần bát nhật” chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

A. Hạt giống...

Bảng gia phả của Chúa Giêsu tuy chỉ là một lô những tên tuổi, nhưng cho thấy ý nghĩa việc Chúa Giêsu nhập thế :
- Ngài đã thực sự đi vào lịch sử loài người với những thăng trầm của nó.
- Ngài chấp nhận làm con cháu của những người phàm, trong đó có cả những người tội lỗi.
- Nhưng chính nhờ việc nhập thế đó, Ngài mới cứu chuộc được lịch sử và loài người
.
B.... nẩy mầm.

1. Bắt đầu từ hôm nay 17-12 cho đến 24-12, Giáo hội dành ra tuần bát nhật trong đó : các bài đọc trong Thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho Lễ Giáng sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc giáng sinh này. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra là Con Thiên Chúa nhập thế đi vào lịch sử loài người để cứu loài người.
2. Cứu một người sắp chết đuối bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao dĩ nhiên không có ý nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước kéo người đó lên.
3. Trong số các tổ tiên của Chúa Giêsu có những người tội lỗi, như “Ông Giuđa ăn ở với bà Tama” (câu 3), “vua Đavít lấy vợ ông Uria sinh ra vua Salômôn” (câu 5b) v.v. Như thế kẻ lỡ phạm tội không hẳn là hoàn toàn mất đi, kẻ tội lỗi vẫn có chỗ đứng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI -  Gp. Cần Thơ

17/12/13 THỨ BA TUẦN 3 MV
Mt 1,1-17

GIA PHẢ CHÚA GIÊSU
“Đức Giê-su là con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Apraham. . . Ông Gia-cóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giê-su, cũng gọi là Đấng Kitô. “ (Mt1,1.16)
Suy niệm: Đọc chỉ mất vài phút, song bản gia phả Đức Giêsu là cả một câu chuyện dài, gói ghém trong mình nó câu chuyện của ngót hai ngàn trang Cựu Ước Kinh, một dòng lịch sử chảy miên man qua bốn mươi hai thế hệ. Ta rút ra vài ghi nhận:
-       Con Thiên Chúa nhập thể không bỗng nhiên ‘từ trên trời rơi xuống’. Nguời là con người đích thực. Người đã đi vào một gia hệ không gồm toàn những con người thánh thiện.
-       Thiên Chúa đã phải cần đến hàng bao thế kỷ để chuẩn bị cho cuộc nhập thể này. Vì thế, để hiểu nhân vật và biến cố “Giêsu”, ta không thể không qui chiếu đến Cựu Ước.
-       Các danh tánh và các khuôn mặt tiền bối Đức Giêsu nêu bật sự trung thành tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên định yêu thương, bất chấp thói thay đổi thất thường về phía con người.
-       Gia phả Đức Giêsu là một ‘dụ ngôn’ của gia phả Nhiệm Thể Chúa Kitô. Giáo Hội vẫn không ngừng được tinh luyện để trở nên hoàn hảo.
Mời Bạn: Cảm nghiệm lòng trung thành của Thiên Chúa trong cuộc đời bạn, cảm nghiệm cách Ngài rút điều tốt đẹp ra từ những cái tệ hại.
Sống Lời Chúa: Bạn dành ít phút để ôn lại lịch sử đời mình và rút ra bài học sâu xa nhất từ đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn trung thành yêu thương con, dù con đã biết bao lần bất trung với Chúa. Xin giúp con từ nay yêu Chúa trung thành.


Từ Bà Đức Giêsu được sinh ra
Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình. Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã. Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu. 

Suy nim:
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh,
mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn.
Làm người là có một gia phả.
Thánh Matthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô,
không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử,
nhưng mang nặng ý nghĩa thần học.
Matthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của cụ tổ Abraham,
và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn.
Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô.
Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc
với tất cả những thăng trầm và biến động của nó.
Matthêu chia lịch sử dân Do-thái làm ba thời kỳ.
Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a),
thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng Đavít (cc. 6b-11),
và thời kỳ sau lưu đầy, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16).
Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bẩy, một con số linh thánh.
Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này.
Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c.16-17).
Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ.
Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô.
Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.
Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ.
Đó là chuyện lạ, vì người Do-thái thường chỉ để tên người cha.
Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại.
Ta-ma và Ra-kháp gốc Canaan, Rút gốc Mô-áp, vợ Urigia người Hít-tít.
Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường.
Ta-ma giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giu-đa,
hầu sinh con cho nhà chồng (St 38).
Ra-kháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2).
Bét-sa-bê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2Sm 11-12).
Rút đã lấy ông Bô-át là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4).
Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này.
Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại.
Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường.
Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau:
Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria,
từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16).
Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người.
Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít.
Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên.
Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình.
Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã.
Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Gia phả là sự xác định tương quan máu huyết của một người với những người khác thuộc cùng dòng tộc. Khi thuộc một gia phả nào đó, thân phận và số mệnh của người ấy gắn chặt và đồng nhất với những người thuộc dòng tộc. Chúa Giêsu được gắn vào dòng tộc của Abraham và Đavít. Chắc chắn, điều Matthêu muốn nhắm đến là Chúa Giêsu chính là Đấng Messia, thuộc dòng tộc Đavít mà Thiên Chúa đã hứa qua miệng tiên tri Nathan.
Tuy nhiên, dòng tộc Abraham, cha của kẻ tin lại là một dân luôn thất trung-Israel. Rất nhiều lần họ phản nghịch với Chúa dù cho Thiên Chúa tha thứ và ra tay giúp họ. Chúa Giêsu được tháp vào dòng tộc này không phải là để đồng nhất với sự thất trung của họ, nhưng muốn nói với chúng ta ra, dù dòng tộc Abraham luôn phản nghịch, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và trung thành với lời hứa của Người với Abraham. Từ dòng tộc này, một vị cứu tinh xuất hiện. Tình yêu thương của Thiên Chúa luôn lớn hơn tội lỗi loài người. Và không một phản nghịch nào của con người có thể phá huỷ được kế hoạch yêu thương từ đời đời của Người.
Hơn nữa, Chúa Giêsu chấp nhận trở thành ruột thịt của một nhân loại đầy tội lỗi. Ngài mang vào mình thân phận và định mệnh chung của loài người để làm cho vận mệnh chung của nhân loại tội lỗi trở nên chính vận mệnh của Ngài, Con Thiên Chúa. Thiên Chúa xuống để nâng con người lên.
Tạ ơn Chúa vì tình yêu thương của Người dành cho nhân loại tội lỗi chúng ta và vì đã ban Con Một của Người cho chúng ta. Tạ ơn Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa vì yêu thương đã đến với chúng ta và nâng chúng ta lên.
Đáp lại tình yêu thương đó, mỗi chúng ta cũng phải biết sống cho xứng đáng. Chúng ta sống trong thế gian tội lỗi, nhưng không thuộc về thế gian. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta noi gương Ngài, là hoà mình với anh em đồng loại, nhưng không chạy theo "thói đời" của họ, ngược lại, là để "nâng họ lên", nghĩa là giúp họ sống theo tinh thần của Tin mừng.
Lạy Chúa, xin nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, và xin giúp chúng con luôn thuộc về "gia phả" của Chúa, nghĩa là chúng con biết sống, chia sẻ và gắn bó với con đường của Chúa. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI HAI
Ngôi Lời Trở Thành Xác Thịt
Mùa Vọng đến gần sự hoàn thành của nó trong lịch sử loài người. Phụng vụ diễn tả cho chúng ta thấy điều đó.
Trong bài đọc trích Thư Do Thái, chúng ta nghe những lời này của Con Thiên Chúa: “Hy sinh và lễ vật Ngài không muốn, nhưng Ngài đã dọn cho con một thân thể … Thì lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5.7).
Theo những lời này, việc Thiên Chúa đến giữa chúng ta mặc lấy dạng thức của mầu nhiệm Nhập Thể. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho mầu nhiệm này từ đời đời, và giờ đây, Ngài đang hoàn thành nó. Chúa Cha sai Chúa Con đến, Chúa Con đáp trả tiếng gọi của Chúa Cha. Bởi quyền năng Thánh Thần, Người đã trở thành con người trong cung lòng Đức Trinh Nữ ở Na-da-rét. “Ngôi Lời trở thành xác thịt” (Ga 1,14). Ngôi Lời là người Con yêu dấu từ đời đời. Yêu nghĩa là hợp nhất trong mục đích và trong ý muốn. Ý của Chúa Cha và ý của Chúa Con trở thành nên một hoàn toàn. Hoa quả của sự hiệp nhất này là chính ngôi vị tình yêu: là Chúa Thánh Thần. Và như vậy, hoa trái của ngôi vị tình yêu là cuộc Nhập Thể: “Ngài đã chuẩn bị cho con một thân thể.” Chúa đã đến gần!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17-12
St 49, 2.8-10; Mt 1, 1-17

LỜI SUY NIỆM: Đây gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là con người thật, Ngài được sinh ra có nguồn gốc từ tổ phụ Áp-ra-ham, trong gia phả này thánh sử Mát-thêu nêu rõ từ người này sinh ra người kia; tính chung lại: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít là 14 đời; từ thời vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là 14 đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Kitô cũng là 14 đời.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là con người thật. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được sinh ra trong một gia đình có một nguồn gốcvà được ơn đức tin. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con luôn biết kính trọng, yêu mến, và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mọi người thân thuộc trong gia tộc chúng con.
Mạnh Phương


17 Tháng Mười Hai
Ðôi Vai Của Người Cha
Tháng 11 năm 1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời của ngài như sau:
"Khi tôi lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi trên vai của người. Ðến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng qúa đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành... Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự".
Và vị Giáo Hoàng được mệnh danh "nhân lành" đã kết luận như sau: "70 năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên đôi cánh của Người".
Chỉ từ trên đỉnh cao, chúng ta mới có thể thấy rõ mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Nơi Người, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống... Những lúc chán sống, những lúc hầu như không còn thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Người.
(Lẽ Sống)

Thứ Ba 17-12
Thánh Lagiarô

L
agiarô, người bạn của Ðức Giêsu, là anh em của bà Mácta và Maria, được các người Do Thái thời ấy nói rằng, "Kìa xem ngài quý mến ông là chừng nào." Và trước sự chứng kiến của họ, Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Sau khi Ðức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô. Người ta nói rằng ngài đã viết lại những gì được thấy ở bên kia thế giới trước khi được Ðức Giêsu cho sống lại. Có truyền thuyết cho rằng ngài theo Thánh Phêrô đến Syria. Truyền thuyết khác lại nói rằng mặc dù người Do Thái ở Jaffa đã ép buộc ngài và các chị em của ngài lên một chiếc thuyền bị đâm thủng, nhưng họ đã cập Cyrus một cách an toàn. Ở đây, sau khi làm giám mục trong 30 năm, ngài đã từ trần cách bình an.
Một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Truyền thuyết Tây Phương lại nói rằng có một chiếc thuyền không mái chèo cập bến nước Gaul (nước Pháp bây giờ). Ở đây, ngài làm giám mục của Marseilles, bị tử đạo sau khi đã hoán cải nhiều người, và được chôn cất trong một cái hang. Thánh tích của ngài được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân. Khoảng năm 390, vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, người ta thường rước kiệu ngay tại ngôi mộ mà Lagiarô đã được sống lại từ cõi chết. Ở Tây Phương, Chúa Nhật Thương Khó trước đây được gọi là "Dominica de Lazaro" (Chúa Nhật Lagiarô), và Thánh Augustine cho chúng ta biết ở Phi Châu, phúc âm về đoạn Lagiarô sống lại được đọc trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét