Trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Năm năm đầu đời linh mục

Năm năm đầu đời linh mục

Thỉnh thoảng lại có dư luận cho rằng các linh mục trẻ ngày nay không được hạnh phúc. Người ta cho rằng các ngài mất tinh thần và rời bỏ hàng ngũ linh mục khá đông. Năm 1999, dư luận này mạnh đến nỗi nhà xã hội học Công Giáo là Dean Hodge đã hướng dẫn một dự án nghiên cứu để tìm hiểu vấn đề. Trong bài nghiên cứu của ông tựa là The First Five Years of the Priesthood (Năm năm đầu đời linh mục), công bố năm 2002, ông kết luận rằng không thể xác định tỷ lệ chính xác các linh mục từ chức trong năm năm đầu đời linh mục của họ, nhưng ông ước đoán vào khoảng từ 10 tới 12 phần trăm, ít hơn người ta nghĩ. 

Trong thời buổi càng ngày con số các linh mục càng giảm này, bất cứ sự mất mát nào cũng khiến ta đau lòng. Nhưng theo Đức Ông Stephen J. Rossetti, thuộc Giáo Phận Syracuse, Hoa Kỳ, một giáo sư lâm sàng tại Đại Học America và là chủ tịch Viện Saint Luke, một trung tâm giáo dục và điều trị Công Giáo dành cho các giáo sĩ và nam nữ tu sĩ, trong tuyển tập Why Priests are Happy: A Study of the Psychological and Spiritual Health of Priests (Tại sao các linh mục hạnh phúc: Cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm lý và tâm linh của các linh mục) do Nhà XB Ave Maria Press ấn hành, thì các linh mục ngày nay hạnh phúc hơn, lạc quan hơn đối với chức linh mục, chấp nhận giáo huấn Công Giáo và cam kết bản thân đối với việc độc thân linh mục hơn những đồng nghiệp trước đây của các ngài. 

Bởi thế, câu hỏi đầu tiên, theo Đức Ông, là hãy tự hỏi không phải “điều gì đang bất ổn trong việc đào tạo và nâng đỡ các tân linh mục của ta ngày nay?” mà là “Chúng ta đang đúng ở những điểm nào?” Tại sao phần lớn các linh mục trẻ hạnh phúc và triển nở trong chức linh mục của các ngài? Thực vậy, có nhiều điều đáng ca ngợi trong phẩm chất giáo dục tại đại chủng viện hiện nay. Các phân khoa tại chủng viện được đào tạo rất tốt, hết sức tận tụy và trung thành với Giáo Hội, dù họ đang đối diện với nhiều thách đố. Tất cả các phân khoa này đều nhấn mạnh nhiều hơn tới phương thức mục vụ, trong đó, có các chương trình huấn luyện mạnh hơn về nhân bản. 

Tuy nhiên, các phát kiến trên không nên làm ta tự mãn. Năm năm đầu đời linh mục đem lại nhiều thách đố độc đáo đối với những người đang phải thích ứng với cuộc sống sau lúc được thụ phong. Quan trọng hơn nữa, còn có hậu cảnh này: thừa tác vụ ngày nay đang thay đổi một cách nhanh chóng và sâu sắc. Các thách thức này rất khác với các thách thức cách nay vài thập niên. Việc đào tạo và nâng đỡ các linh mục trong thừa tác vụ phải chú trọng nhiều hơn tới các thay đổi về hậu cảnh này và phải thích ứng đáng kể đối với chúng. 

Các thách đố mới

Hai trong số những thay đổi sâu sắc nói trên là việc tục hóa và con số suy giảm. Dù rất quen thuộc với những thay đổi này, ta vẫn tin ta chưa hiểu được hết tầm quan trọng và tác động của chúng đối với việc đào tạo và nâng đỡ các linh mục. Và dù chức linh mục không thay đổi, nhưng kinh nghiệm về nó thì đang thay đổi tận gốc. 


Đức HY Donald Wuerl của tổng giáo phận Washington thường hay nói tới “trận sóng thần tục hóa” đang càn quét các xã hội Tây Phương. Không thể nào nhấn mạnh cho đủ việc làn sóng thần này đang thay đổi kinh nghiệm của người ta về chức linh mục ra sao. Các hình ảnh hạnh phúc về chức linh mục, dù được lý tưởng hóa hơi cao như trong các phim “The Bells of St. Mary’s” (Tiếng Chuông Nhà Thờ St Mary) và “Going My Way” (Đi Theo Ta) trong thập niên 1940, đã bị thay thế bằng các hình ảnh linh mục xấu xa, bất hạnh, thành viên của một thời đại đức tin lỗi thời, một hình ảnh xấu còn bị làm cho xấu hơn bởi cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, người ta tin rằng những hình ảnh méo mó này phần lớn phát sinh từ khoảng trống phân cách mỗi ngày một sâu rộng hơn giữa đức tin Kitô Giáo và nền văn hóa thế tục. 

Toàn bộ bầu khí bao quanh một người chọn chức linh mục Công Giáo và hiện thừa tác trong Giáo Hội ngày nay đang thay đổi. Cách nay chưa đầy 50 năm, nếu một thanh niên đứng lên và tuyên bố ý định trở thành linh mục, thì phản ứng của người nghe phần lớn là ca ngợi và ủng hộ, ngay trong nền văn hóa rộng lớn hơn. Ngày nay, phản ứng thông thường thay đổi từ không tin tới tích cực khuyên người thanh niên đừng làm chuyện buồn cười ấy. 

Nếu người thanh niên vẫn nhất định chọn con đường làm linh mục, thì các năm đầu tiên quả là một thách thức lớn. Đi phố mà mặc cổ cồn Rôma mà thôi cũng khiến khách qua đường xầm xì xôn xao rồi. Đối với nhiều người khác, những người đã từ lâu ngưng không hỏi những câu hỏi thiêng liêng nữa, thì linh mục là điều kỳ quặc hay bị làm ngơ thẳng thừng. Mặt khác, đọc các truyện kể về các giáo sĩ thoái hóa, cơn sóng thần dửng dưng đối họ càng ngày càng có nguy cơ đem lại những tàn phá khủng khiếp. 

Thay đổi thứ hai đang tác động mạnh tới đời sống các linh mục ngày nay là việc con số giáo sĩ mỗi ngày một giảm sút. Hiện nay, nhiều linh mục phải coi sóc tới hai, ba hay nhiều giáo xứ hơn nữa. Nhưng tác động trọn vẹn của việc suy giảm con số linh mục nay mai mới xẩy tới. Một trong các điều khiến ta chưa cảm thấy hết cái tác động ghê gớm của việc có ít linh mục hơn đó là sự tận tụy hy sinh của các linh mục có tuổi hơn. Tại giáo phận Syracuse chẳng hạn, hiện có tới 30 linh mục quá tuổi về hưu nhưng vẫn tự nguyện ở lại phục vụ toàn thời gian. Lắm vị quá cả tuổi 80 nữa. Khi những vị có tinh thần đại độ này về hưu thực sự, người ta sẽ thấm thía trọn tác động của việc thiếu linh mục. 

Ngay các linh mục trẻ cũng đang bắt đầu vác lấy gánh nặng. Cách nay 30 năm, một linh mục chỉ trở thành cha xứ ít là 10, 15 năm sau khi chịu chức. Ngày nay, nhiều linh mục làm cha xứ chỉ 2,3 năm sau khi thụ phong. Các linh mục mới thụ phong không những phải thích ứng với đời linh mục, với việc độc thân và với thừa tác vụ, họ còn phải thích ứng với việc trở thành nhà lãnh đạo của giáo xứ, với đủ mọi thách thức về hành chánh, lãnh đạo và quản trị. 

Cần được nâng đỡ

Dù các cuộc nghiên cứu cho thấy tỷ lệ linh mục “bị cháy” khá thấp và đại đa số các linh mục có cuộc sống hạnh phúc, nhưng các linh mục trẻ vẫn dễ bị tràn ngập hơn và do đó, cần được nâng đỡ. Với các đòi hỏi áp đặt lên các ngài nói trên, việc huấn luyện và nâng đỡ các linh mục cần đạt được một số điều cần kíp. Thiển nghĩ, 3 điều sau đây không thể thiếu: một đức tin bản thân sâu sắc, một linh đạo nam giới và một hệ thống nâng đỡ có tính bản vị.

Một đức tin bản thân sâu sắc. Có lẽ điều cần hơn cả để có thể thừa tác trong thời đại tục hóa này là một đức tin bản thân sâu sắc. Các cuộc tấn công hàng ngày vào đức tin của một linh mục luôn luôn vũ bão. Một linh mục trẻ phải đương đầu với chủ nghĩa duy tục một cách trực diện và luôn phải giữ vững thế đứng của mình. Các niềm tin của ngài không đơn thuần chỉ là việc nhai lại các mệnh đề thần học ngài đọc trong sách vở. Ngài phải biết đức tin và nội tâm hóa nó trong chính đời sống mình, bằng ngôn ngữ và nền văn hóa ngày nay. 


Thí dụ, khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa Cứu Thế của ta, thì người duy tục thường trả lời bằng cách hỏi vặn: “Người cứu ta khỏi cái gì?”. Nếu linh mục bảo họ: “Người cứu ta khỏi tội lỗi”, họ sẽ bảo: “Tội gì? Tôi có làm điều gì sai đâu”. Chỉ khi đó, cuộc thảo luận đích thực, hay đúng hơn, cuộc phúc âm hóa đích thực, mới bắt đầu.

Phần lớn người Tây Phương vẫn còn tin Thiên Chúa, nhưng nhiều người, kể cả Công Giáo, đã dật dờ trôi dạt vào một thế giới tạp nham các ý niệm chẳng ăn có gì với đức tin và truyền thống của ta hoặc chỉ nói lên những sự thật nửa chừng. Ta thường nghe được những tuyên bố đại loại như “Tôi là người tâm linh, chứ không phải người tôn giáo”. “Tôi không thực hành ngày lễ thánh”. “Tại sao tôi phải đi xưng tội? Tôi xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa”. “Tại sao tôi phải đi lễ hàng tuần khi thấy Thiên Chúa ngay trong thiên nhiên?”. “Chúa Giêsu là ông thánh, nhưng Gandhi cũng là ông thánh vậy”. Linh mục trẻ nào không trả lời một cách thuyết phục, thành thực và đầy cảm thương đối với những nhận định như thế không những thấy mình không phải là một thầy dạy đức tin hữu hiệu, mà chính đức tin của mình cũng bị lung lay. Cho nên Giáo Hội như một toàn thể phải giúp các chủng sinh và các linh mục trẻ biết tích hợp đức tin của họ và cung cấp cho họ các khí cụ phúc âm hóa trong nền văn hóa mỗi ngày một bị tục hóa hơn của ta.

Một linh đạo nam giới. Linh đạo nam giới ở đây không có ý nói tới một điều gì đó chỉ dành cho nam giới mà thôi. Mà đúng hơn, các nhà tâm lý học như Sandra Bem muốn nói tới các đặc điểm nam tính và nữ tính mà cả đàn ông lẫn đàn bà đều tiềm tàng sở hữu được. Trong số các đặc điểm nữ, Bác Sĩ Bem liệt kê các đức tính như cảm thương, nồng nàn và nhạy cảm. Các đức tính này hiển nhiên là điều không một linh mục nào có thể thiếu được.

Trong cuộc nghiên cứu riêng của Đức Ông Rossetti về 115 linh mục, các đối tượng thăm dò được trao cho một bảng liệt kê các đặc điểm nam tính và nữ tính rồi được yêu cầu xếp hạng các đặc điểm này theo thứ tự quan trọng. Chín đặc điểm đầu được các đối tượng này chọn đều là các đặc điểm thuộc nữ tính; rõ ràng các linh mục không ưa các đặc điểm thuộc nam tính. Nhưng trong thời đại mỗi lúc mỗi duy tục hơn này, phần lớn các đặc điểm thuộc nam tính của Bem mỗi ngày mỗi trở nên chủ yếu hơn, như “sẵn sàng đứng lên”, “bảo vệ niềm tin riêng của mình”, “sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, “quả quyết” và “hành động như một nhà lãnh đạo”. 

Dĩ nhiên, các giáo dân nam nữ trong Giáo Hội cần phải cho thấy các đặc điểm trên, nhưng đối với sứ vụ phúc âm hóa, điều cực kỳ quan trọng là các linh mục trẻ phải có được những đặc điểm này. Thiếu chúng, các linh mục trẻ liều mình sẽ tự co vào chính mình, chỉ ráng duy trì đức tin của những người còn lại trong cộng đoàn mà thôi. Thái độ thụ động và cố thủ này chắc chắn chỉ đem lại sói mòn từ từ và cuối cùng là thất bại. 

Điều cần ở đây, vì thế, là một công bố đức tin đầy bạo dạn và mới lạ, nghĩa là một tân phúc âm hóa. Đức Phanxicô, bằng những lời nay đã trở thành nổi tiếng trong bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, từng thúc giục ta “ra ngoài… tới những khu ngoại biên”, mang “mùi chiên” vào người. Không hề thụ động, lời kêu gọi của ngài đòi ta phải có một đức tin mạnh bạo, đầy quả quyết, nhưng không mang tính phê phán hay thiếu tôn trọng đối với người khác. Muốn thế, Giáo Hội như một toàn thể phải giúp các tân linh mục không những có được các đức tính thuộc nữ tính, mà còn phải nội tâm hóa một nền linh đạo thuộc nam tính nữa. Để các ngài trở thành những người mạnh bạo công bố đức tin, chứ không im lìm ngồi trong các xứ đường nhìn cộng đoàn mình càng ngày càng thu nhỏ lại. 

Một hệ thống nâng đỡ có tính bản vị. Một thách thức có tính bản thân đối với tất cả những ai thừa tác trong môi trường duy tục là cơn cám dỗ thấy mình không được ước muốn, bị làm ngơ hay không được hỗ trợ. Các linh mục giáo phận (triều) đang mỗi ngày mỗi giống như các nhà truyền giáo, nghĩa là được phái tới những môi trường phần lớn chưa được dạy giáo lý và đôi lúc thiếu hỗ trợ. Muốn giúp các linh mục của chúng ta triển nở, ta phải là một cộng đoàn đức tin sẵn sàng hỗ trợ. Đây là thành phần chủ yếu trong chính nền linh đạo của các ngài. 

Hiện nay, các linh mục càng ngày càng ít đi, mỗi ngày mỗi bị cô lập đối với nhau hơn, và càng ngày càng gánh thêm gánh nặng. Trước đây, tại một nhà xứ, thường có tới ba, bốn linh mục. Nay, một linh mục nhiều khi phụ trách tới hai, ba nhà xứ cùng một lúc, nên phải thay phiên nay nhà xứ này mai nhà xứ khác. Khuynh hướng chung là thêm việc và thêm cô lập. Pha trộn cô lập với thêm việc và thiếu hỗ trợ quả là một công thức tạo nên thảm họa bản thân. Tình thế này khiến các linh mục dễ trở thành nạn nhân của cô đơn và phân cách và rất dễ rơi vào cơn cám dỗ mà một xã hội ghiền tình dục của chúng ta vốn là môi trường rất “thuận lợi”. Tình thế lại càng tệ hơn, khi cam kết sống độc thân của linh mục bị xã hội ngày nay càng ngày càng nhìn một cách ngờ vực, vô tình đã lấy mất đi sự hỗ trợ bên ngoài đối với lối sống độc thân này. Hơn bao giờ hết, tình huynh đệ giữa các linh mục phải được cổ vũ. Hơn bao giờ hết, các cộng đồng đức tin phải hỗ trợ các linh mục của mình. Linh mục được phái tới một giáo xứ để yêu thương và nuôi dưỡng đức tin của giáo dân. Nhưng tình yêu và đức tin của giáo dân cũng cần phải nâng đỡ ngài. 

Bất kể kích thước các cộng đồng đức tin của ta lớn nhỏ ra sao, tầm quan trọng của chúng trong xã hội vẫn như xưa. Mỗi giáo xứ sẽ trở nên một ốc đảo trong một xã hội khô cứng về linh đạo. Ta phải giúp các tân linh mục của ta phát triển các khí cụ và cơ hội để xây dựng cho bằng được tình huynh đệ của hàng linh mục. Các tân linh mục của ta cũng phải học cách xây dựng và tìm được sự hỗ trợ từ các giáo dân và tu sĩ dấn thân của các cộng đồng đức tin này.

Kinh nghiệm sống của hàng linh mục đang thay đổi rất nhiều trước mắt ta. Hàng linh mục mà ta đang chuẩn bị người cho không còn là hàng linh mục của quá khứ nữa. Như một Giáo Hội, ta phải đào tạo và nâng đỡ một đoàn ngũ mới để các ngài triển nở trong một môi trường hoàn toàn mới và đầy thách thức. Những người từng đào tạo các linh mục và chứng kiến sức mạnh của họ tin rằng với sự hỗ trợ của ta, các tân linh mục sẽ chu toàn được trách vụ của các ngài.


Vũ Văn An12/29/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét