Duyệt lại huyền thoại về thời đen tối Trung Cổ
Trung Cổ là thời bị hiểu lầm nhiều nhất, tận cho
tới ngày nay. Một sự tổng hợp giữa phong trào phản giáo hoàng của Thệ Phản,
phong trào phản giáo sĩ của Cách Mạng Pháp và phong trào Ánh Sáng chủ duy lý đã
vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho thời Trung Cổ, biến nó thành Thời Đại Đen Tối
theo kiểu nói của Francisco Petrarca (July 20, 1304 – July 19, 1374). James
Hannam, tác giả cuốn God's
Philosophers: How the Medieval World Laid the Foundations of Modern Science (Các Triết Gia Của Thiên Chúa: Thế Giới
Trung Cổ Đã Đặt Nền Tảng Ra Sao Cho Khoa Học Cận Đại) do Nhà Icon Books xuất bản
năm 2009, gọi điều đó là “huyền thoại”, một trận đánh hỏa mù vĩ đại mục đích
xóa đi một trong những thời đại tiền phong của khoa học hiện đại, chỉ vì đó là
thời cực thịnh của lòng đạo đức Công Giáo. Điều đáng ngạc nhiên là Tim O'Neill,
một blogger vô thần của tạp chí Armarium Magnum, đã điểm tác phẩm này một cách
đầy thiện cảm, coi nó là một cuốn sách tuyệt diệu và là một phản cực sáng giá,
dễ đọc và dễ hiểu chống lại “huyền thoại” này. Theo ông, cuốn sách này nên có
trong tay bất cứ những ai nghiên cứu thời Trung Cổ, ham mê lịch sử khoa học,
hay bất cứ những ai vẫn còn nghĩ rằng đêm đen Trung Cổ chỉ được thắp sáng bằng
những vụ hỏa thiêu các nhà khoa học. Sau đây là tóm lược bài điểm sách của ông.
Tim O'Neill |
Thời đen tối Kitô Giáo và các huyền thoại điên cuồng khác
Rất nhiều nhà vô thần và nhân văn học thế tục không thành thạo về lịch sử. Phần lớn những người này rơi vào chủ nghĩa vô thần do nghiên cứu khoa học. Họ rất giỏi trong các lãnh vực như địa chất học hay sinh vật học, nhưng về sự học, lại chỉ có trình độ của một học sinh trung học.
Bởi thế, bên cạnh những huyền thoại như Thánh Kinh chỉ được thu thập tại Công Đồng Nixêa hay “Chúa Giêsu chưa bao giờ hiện hữu!” và nhiều truyện tưởng tượng như thật kiểu Dan Brown ra, ta thấy có huyền thoại cho rằng chính Giáo Hội Công Giáo đẻ ra Thời Kỳ Đen Tối và Thời Trung Cổ là mảnh đất hoang của khoa học.
Huyền thoại trên cho rằng người Hy Lạp và người La Mã là những người khôn ngoan và hữu lý, yêu khoa học và đang sắp sửa thực hiện được nhiều kỳ công như sáng chế ra máy hơi nước đầy đủ. Nhưng chẳng may Kitô Giáo xuất hiện, ngăn cấm mọi học hành và suy nghĩ thuận lý, do đó, đã tạo ra Thời Đen Tối, đem lại nền thần trị với bàn tay sắt, được hỗ trợ bằng một Tòa Lùng Bắt kiểu Gestapo, cản ngăn không cho bất cứ ngành khoa học hay việc tìm hiểu nào diễn ra cho tới tận lúc Leonardo da Vinci khám phá ra trí hiểu và thời Phục Hưng kỳ diệu cứu thoát ta khỏi cảnh đêm đen của Trung Cổ.
Huyền thoại trên ăn sâu vào đầu óc người ta đến độ coi như ai cũng biết, không cần phải giải thích chi trong nền văn hóa bình dân ngày nay. Như đoạn phim gần đây của Family Guy chẳng hạn, Stewie và Brian bước vào một thế giới tương lai, nơi đó, mọi sự đều rất tiến bộ, và được giải thích một cách tỉnh bơ là vì “Kitô Giáo chưa tận diệt học hành, chưa du nhập Thời Kỳ Đen Tối và chưa làm tê liệt khoa học”.
Cứ vào khoảng mỗi 3-4 tháng trên những trang mạng như RichardDawkins.net, ta lại thấy những cuộc thảo luận trong đó thế nào cũng có người bàn đến “luận đề tranh chấp” cũ: Trung Cổ như mảnh đấy hoang trí thức nơi đó, người ta bị còng vào các mê tín và bị đàn áp bởi những tay sai của Giáo Hội Công Giáo Cổ Hủ Tàn Ác. Họ tha hồ vẽ vời đủ hình ảnh sai lạc. Giordano Bruno được mô tả là khôn ngoan và là vị tử đạo cao thượng của khoa học chứ không phải một nhà huyền nhiệm sai lạc. Hypatia cũng được mô tả như một tử đạo khác và cuộc tiêu hủy Đại Thư Viện của Alexandria đã bị qui cho Kitô hữu. Cả hai chỉ là huyền thoại sai lạc (xem “Agora” and Hypatia, Hollywood Strikes again, http://armariummagnus.blogspot.com.au/2009/05/agora-and-hypatia-hollywood-strikes.html). Galileo dĩ nhiên được đưa vào làm bằng chứng cho một nhà khoa học dám đứng lên chống lại chủ nghĩa tăm tối thiếu khoa học của Giáo Hội, mặc dù vụ của ông ít liên hệ tới khoa học cho bằng Thánh Kinh.
Ta dám thách đố bất cứ ai nêu danh được một khoa học gia, một thôi, từng bị thiêu, bị bách hại hay bị đàn áp vì khoa học trong thời Trung Cổ. Họ thường mang Galileo để chứng minh. Nhưng ngoài việc ông bị kết án vì đụng tới Thánh Kinh chứ không hẳn vì khoa thiên văn của ông ra, ông còn là người đồng thời với Descartes chứ không hẳn người thời Trung Cổ! Không thiếu người cho rằng không có khoa học gia nào bị hành khổ thời Trung Cổ vì Giáo Hội Công Giáo Tàn Ác thời đó đàn áp nghiêm khắc đến độ chẳng còn ai dám thực hành khoa học nữa. Nhưng những người này quên mất danh sách dài các nhà khoa học thời Trung Cổ, những người như Albert Cả, Robert Grosseteste, Roger Bacon, John Peckham, Duns Scotus, Thomas Bradwardine, Walter Burley, William Heytesbury, Richard Swineshead, John Dumbleton, Richard of Wallingford, Nicholas Oresme, Jean Buridan và Nicholas of Cusa.
Nguồn gốc các huyền thoại
Người ta đã cung cấp tài liệu đầy đủ trong một số cuốn sách gần đây về lịch sử khoa học để chứng tỏ các huyền thoại đã dẫn tới việc tạo ra “Bé Cái Lầm Lớn Nhất Chưa Từng Có Trên Liên Mạng” ra sao. Nhưng cuốn của Hannam đã khôn khéo bàn đến khía cạnh này ngay ở các trang mở đầu. Sự pha trộn giữa cuồng tín của Phong Trào Ánh Sáng, chủ nghĩa phản giáo hoàng của Thệ Phản, chủ nghĩa phản giáo sĩ của Cách Mạng Pháp, và tính hợm hĩnh của duy cổ điển tất cả đã hợp sức với nhau để biến Trung Cổ thành điển hình của lạc hậu, mê tín và cổ sơ, ngược với bất cứ những gì mà một người trung bình vốn liên kết với khoa học và lý lẽ.
Hannam cho thấy những người ưa tranh cãi như Thomas Huxley, John William Draper, và Andrew Dickson White, tất cả đều có khuynh hướng muốn nghiền nát Kitô Giáo, đã cố gắng ra sao trong việc lên khuôn ý niệm vẫn hiện hành xưa nay rằng Trung Cổ hoàn toàn thiếu khoa học và lý lẽ. Hannam cũng cho thấy mãi cho tới khi các nhà sử học thực sự bắt đầu tra vấn các nhà ưa tranh cãi này bằng các công trình của các nhà tiên phong trong lãnh vực này như Pierre Duhem, Lynn Thorndike, và Robert T. Gunther, các bóp méo của họ mới bắt đầu được điều chỉnh bởi các tìm tòi chính đáng và không thiên vị như thế nào. Các công trình này nay được lớp sử gia khoa học hiện đại như David C. Lindberg, Ronald Numbers, và Edward Grant hoàn tất.
Ít nhất, trong lãnh vực học thuật, “Luận Đề Tranh Chấp” về cuộc chiến lịch sử giữa khoa học và thần học đã bị lật đổ từ lâu. Điều kỳ lạ là có quá nhiều các nhà vô thần ngày nay cứ bám riết một cách vô vọng vào chủ trương đã chết từ lâu của những nhà tranh cãi tài tử của thế kỷ 19, chứ không chịu tìm tòi cẩn thận các nhà sử học khách quan gần đây vốn được những người đồng trang đồng lứa của họ phê bình. Càng kỳ lạ hơn khi họ thích khoác cho mình nhãn hiệu “duy lý”.
Nói đến duy lý, nhân tố có tính phê phán cho thấy các huyền thoại đã làm nhóm này ra tối tăm thế nào là sự kiện thời Trung Cổ, tri thức đã tìm tòi lý lẽ ra sao. Trong khi các văn sĩ như Charles Freeman vẫn cứ nằng nặc cho rằng Kitô Giáo tiêu diệt việc sử dụng lý trí, thì sự thực là nhờ Thánh Clêmentê Thành Alexandria và nhờ Thánh Augsutinô khuyến khích việc sử dụng triết lý ngoại giáo và nhờ Boethius phiên dịch các tác phẩm luận lý học của Arítốt và của nhiều người khác, mà việc tìm tòi thuận lý đã là một viên ngọc quí về trí thức từng sống còn cuộc sụp đổ đầy thảm họa của Đế Quốc Rôma và được duy trì qua suốt thời bị gọi là Đen Tối. Cuốn God and Reason in the Middle Ages của Edward Grant đã mạnh mẽ cung cấp nhiều chi tiết về việc này, nhưng Hannam cho ta một tóm lược nhiều yếu tố chủ yếu trong bốn chương đầu tiên của sách.
Điều làm phiên bản câu truyện của Hannam dễ đọc hơn cuốn của Grant là cách ông kể câu truyện qua cuộc đời những nhân vật chủ yếu thời đó như Gerbert Thành Aurillac, Anselm, Abelard, William Thành Conches, Adelard Thành Bath v.v… Một số nhà phê bình cuốn sách của Hannam cho rằng việc này hơi làm người ta sao lãng, vì có quá nhiều tên tuổi và tiểu tiểu sử (mini-biographies). Nhưng xét vì đề tài của Hannam quá sâu rộng, nên điều này khó tránh khỏi vả lại phương thức gần như tiểu sử này chắc chắn dễ đọc hơn là cách phân tích tư tưởng theo lối trừu tượng của thời Trung Cổ.
Hannam cũng cung cấp một tóm lược tuyệt vời về Phong Trào Phục Hưng của Thế Kỷ Mười Hai, một thế kỷ, trái với cảm thức bình dân và “huyền thoại”, là thời kỳ thực sự cái học cổ thời đã tuôn trở lại Tây Âu. Không hề bị Giáo Hội chống đối, đã có những người của Giáo Hội tìm tòi kiến thức này nơi các người Hồi Giáo và Do Thái Giáo của Tây Ban Nha và Sicily. Và không hề bị Giáo Hội bác bỏ hay ngăn cấm, kiến thức này còn được tiếp nhận và tạo căn bản cho nhiều đóng góp lớn lao cho thế giới của Thời Trung Cổ: tức các đại học vốn khởi sự xuất hiện khắp thế giới Kitô Giáo.
Thiên Chúa và Lý Trí
Việc tôn đặt lý trí vào tâm điểm tìm tòi, cộng với làn sóng học hỏi “mới” về văn hóa Hy Lạp và văn hóa Ả Rập, đã phát động một cuộc bùng nổ thực sự về hoạt động trí thức tại Âu Châu từ Thế Kỷ Mười Hai trở đi. Như thể một kích thích bất thần gồm các viễn tượng mới và các cách nhìn thế giới mới đã rơi xuống mảnh đất mầu mỡ của một Âu Châu, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, tương đối được hòa bình, thịnh vượng, biết nhìn ra bên ngoài và thực sự có óc tìm tòi.
Điều trên không cố ý nói: các lực lượng bảo thủ và phản động hơn không có những mưu đồ gian trá đối với một số lãnh vực tìm tòi mới, nhất là liên quan tới việc triết lý và suy lý về thế giới tự nhiên và về vũ trụ ảnh hưởng ra sao đối với nền thần học đã được chấp nhận. Hannam thận trọng không muốn giả vờ cho rằng không hề có sự chống đối nào đối với cảnh trăm hoa đua nở của việc suy tư và tìm tòi mới, nhưng, không giống những kẻ tạo “huyền thoại”, ông dành cho sự chống đối này một mức đúng đắn chứ không coi nó là trọn cả câu truyện. Thực vậy, các cố gắng của phe bảo thủ và phản động thường chỉ là các phản ứng bọc hậu và trong hầu hết mọi trường hợp không thành công hoàn toàn trong việc chặn đứng làn sóng tư tưởng nhất thiết bắt đầu tuôn ra từ các đại học. Một khi đã bắt đầu, làn sóng này không ai cản nổi.
Thực thế, một số cố gắng của các thần học gia nhằm tìm cách đặt giới hạn cho việc điều gì được điều gì không được chấp nhận qua ngả “học hỏi mới”thực sự đã mang lại hiệu quả kích thích chứ không hẳn là hạn chế việc tìm tòi. “Các kết án trong năm 1227” cố gắng đưa ra một số điều không thể tuyên bố là “chân thật về phương diện triết học”, nhất là những điều đặt giới hạn cho tính toàn năng của Thiên Chúa. Việc này mang lại hiệu quả đáng lưu ý, vì nó cho người ta thấy: Arítốt thực ra đã rất sai trong một số vấn đề. Những điều này đã được Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh trong tác phẩm nổi tiếng và gây ảnh hưởng lớn của ngài là Summa Theologiae: "Các kết án này và cuốnSumma Theologiae của Thánh Tôma đã tạo nên một khuôn khổ để các nhà triết học tự nhiên có thể theo đuổi các nghiên cứu của họ một cách an toàn. Khuôn khổ này… đặt ra nguyên tắc cho rằng Thiên Chúa đã ban hành các đạo luật cho thiên nhiên nhưng Người không bị trói buộc bởi các đạo luật này. Sau cùng khuôn khổ này quả quyết rằng Aríttốt đôi khi sai lầm. Thế giới ‘theo lý trí, không có tính trường cửu’ còn ‘theo đức tin, thì có tính hữu hạn’. Nó không trường cữu, nhất định thế. Và nếu Aríttốt sai lầm đối với một điều ông ta coi là hoàn toàn chắc chắn một cách chắc chắn, thì điều này hẳn khiến toàn bộ triết lý của ông bị nghi vấn. Đường đi quả đã được khai quang để các nhà triết học tự nhiên của Thời Trung Cổ cương quyết bước quá các thành tựu của người Hy lạp” (Hannam, tr. 104-105).
Đó chính là điều họ đã làm. Thay vì là một thời đại đen tối trì đọng, tuy phần đầu Thời Trung Cổ (tức từ năm 500 tới năm 1000) có là thế thật, thời kỳ từ năm 1000 tới năm 1500 thực sự là thời kỳ nở rất rộ việc tìm tòi và khám phá khoa học kể từ thời cổ Hy Lạp, vượt quá cả thời Rôma và thời văn hóa Hy lạp (Hellenic) trong mọi phương diện. Với Occam và Duns Scotus đưa ra phương thức phê phán Arítốt mạnh mẽ hơn phương thức thận trọng của Thánh Tôma, các nhà khoa học Trung Cổ của hai Thế Kỷ Mười Bốn và Mười Lăm có được con đường thênh thang để tra vấn, khảo sát, và thử nghiệm viễn tượng mà các nhà dịch thuật trong Thế Kỷ Mười Hia đã đem lại với những kết quả rực rỡ: "Trong Thế Kỷ Mười Bốn, các nhà tư tưởng Trung Cổ bắt đầu nhận thấy có điều gì đó không thích hợp trong mọi phương diện của nền triết lý Arítốt, chứ không chỉ trong các phương diện trực tiếp trái ngược với đức tin Kitô Giáo. Đã tới lúc các học giả Trung Cổ bắt đầu cuộc tìm kiếm riêng của họ để thăng tiến kiến thức… bằng cách đi vào những hướng đi mới mẻ mà cả người Hy Lạp lẫn người Ả Rập chưa từng thăm dò. Phát kiến đầu tiên của họ là việc phối hợp hai môn toán và vật lý một cách chưa bao giờ có trước đó” (Hannam, tr. 174).
Câu truyện về phát kiến "Máy Tính Merton", và các học giả Oxford sáng chói, những người thực hiện được phát kiến này và do đó đặt nền tảng cho khoa học chân thực, có lẽ đòi cả một cuốn sách mới nói hết được. Nhưng tường thuật của Hannam cũng đủ và tạo ra cả một phần thích thú cho cuốn sách. Tên tuổi những nhà tiền phong của phương pháp khoa học này: Thomas Bradwardine, Thomas Bradwardine, William Heytesbury, John Dumbleton và người có tên buồn cười là Richard Swineshead, đáng được biết đến nhiều hơn nữa. Chẳng may, cái bóng đen “Huyền Thoại” đã làm họ không những bị lãng quên mà còn bị bác bỏ trong một số sách lịch sử khoa học bình dân. Bản tóm lược của Bradwardine về cái nhìn sâu sắc của các nhà khoa học này là bản tóm lược được trích dẫn nhiều hơn cả ở buổi đầu của khoa học và đáng được nhìn nhận như thế: “[Toán học] là môn cho thấy mọi chân lý đích hực… như thế, bất cứ ai trơ trẽn theo đuổi vật lý mà lại quên mất toán học thì ngay từ đầu nên biết rằng họ không bao giờ bước qua được ngưỡng cửa khôn ngoan” (trích dẫn trong Hannam, tr.176).
Các khoa học gia này không những là những người đầu tiên thực sự áp dụng toán học vào vật lý mà còn khai triển các hàm số lôgarít trước John Napier cả 300 năm, và Định Lý Tốc Độ Trung Bình (Mean Speed Theorem) cả 200 năm trước Galileo. Sự kiện Napier và Galileo được coi như người khám phá ra những điều mà các học giả Trung Cổ vốn đã khai triển trước đó rồi càng chứng minh hơn nữa rằng cái huyền thoại kia đã che khuất sự hiểu biết của ta về lịch sử ra sao.
Tương tự như thế, vật lý học và thiên văn học của Jean Buridan và Nicholas Oresme rất độc đáo và sâu sắc, nhưng đối với độc giả trung bình, họ vẫn là những người vô danh nói chung. Buridan là một trong những người đầu tiên so sánh chuyển động của vũ trụ với chuyển động của một sáng chế khác của Trung Cổ tức chiếc đồng hồ. Hình ảnh vũ trụ như chiếc đồng hồ từng giúp ích cho các khoa học gia tận tới thời ta đã có từ thời Trung Cổ. Và các suy đoán của Oresme về một trái đất quay chứng tỏ rằng các học giả Trung Cổ sẵn sàng xem sét điều xem ra khá kỳ dị đối với họ để xem xem nó có giá trị hay không. Oresme quả thấy ý tưởng đó có giá trị thực sự. Những học giả này đâu phải là sản phẩm của một “thời kỳ đen tối” và việc tìm tòi của họ đâu có bị Tòa Lùng Kiếm giam hãm, mất tự do, hay đe dọa thiêu sống như trong óc tưởng tượng của những người tạo huyền thoại.
Vụ án Galileo
Như đã nhắc trên đây, không biểu hiệu “huyền thoại” nào đầy đủ nếu không nêu ra câu chuyện Galileo. Những người chủ đạo của ý niệm cho rằng Giáo Hội làm tê liệt khoa học và lý lẽ trong thời Trung Cổ buộc phải đưa ông ra, vì không có ông, họ tuyệt đối không có một điển hình nào cho thấy Giáo Hội bách hại bất cứ ai vì có liên lụy tới việc tìm tòi thế giới tự nhiên. Quan niệm thông thường cho rằng Galileo bị bách hại vì đã nói đúng về tính trung tâm của mặt trời (heliocentrism) là một việc quá đơn giản hóa một vụ rất phức tạp và người ta đã quên sự kiện này: vấn đề chính của Galileo không phải chỉ là vì các ý nghĩ của ông không phù hợp với lối giải thích của Thánh Kinh mà còn không phù hợp với cả khoa học thời ấy nữa.
Trái với lối mô tả thông thường về vụ này, điểm gay go thực sự là các phản đối khoa học đối với thuyết coi mặt trời là trung tâm đến lúc đó vẫn còn mạnh đủ khiến ít người chấp nhận thuyết này. Đức Hồng Y Bellarmine xác minh với Galileo năm 1616 rằng nếu có thể vượt qua được các phản đối khoa học này thì Thánh Kinh có thể và nhất định sẽ được tái giải thích. Nhưng vì các phản đối khoa học vẫn còn đó, nên điều dễ hiểu là Giáo Hội khó sẵn lòng lật ngược cả hàng thế kỷ giải thích chỉ vì một lý thuyết thiếu sót. Galileo đồng ý chỉ giảng dạy lý thuyết mặt trời làm trung tâm của mình như một phương thế tính toán theo lý thuyết mà thôi, nhưng sau đó, đã đổi ý dạy nó như một sự thật. Bởi thế có việc Tòa Lùng Kiếm kết án ông năm 1633.
Hannam cho ta ngữ cảnh của việc trên với nhiều chi tiết thích đáng trong phần sách nói tới việc Thuyết Nhân Bản của Phong Trào Phục Hưng đã dẫn tới một đợt học giả mới ra sao. Họ là những người không những thần tượng hóa và mô phỏng người xưa, mà còn quay lưng đối với thành tựu của các học giả gần đó như Duns Scotus, Bardwardine, Buridan, và Oresme… Trong cố gắng muốn loại bỏ luận lý học Trung Cổ để mô phỏng người Hy Lạp và người La Mã, một điều biến “Phục Hưng” thành một phong trào thủ cựu và thoái hóa dưới nhiều khía cạnh, những học giả mới này đã vứt bỏ nhiều khai triển và tiến bộ thực sự của các học già Trung Cổ. Việc một nhà tư tưởng cỡ Duns Scotus bị coi như nguyên ngữ của chữ “dunce” (đần) quả là nghịch lý một cách không thể tượng tượng được.
Nhiều người không đồng ý với lối trình bày về vụ Galileo và phong trào Phục Hưng của Hannam. Nina Power, chẳng hạn, trên tờ New Humanist (http://rationalist.org.uk/2120), cho rằng chỉ vì việc bách hại không đến nỗi tệ như người ta tưởng và chì vì một số nhà tư tưởng không ngon lành như người ta nghĩ mà rồi cho rằng việc can thiệp vào việc làm của họ và ngăn cấm các ý nghĩ của họ là điều có thể biện minh lúc đó và biện minh lúc này.
Thực ra, không ai nói việc ấy có thể biện minh được mà chỉ nhằm giải thích việc nó xẩy ra thế nào và tại sao nó không sâu rộng hoặc có bản chất của một điều tệ hại đến nỗi không thể biện minh được, hầu điều chính một sự hiểu lầm có tính ngụy lịch sử mà thôi.
Vũ Văn An12/16/2013(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét