TUẦN BÁT NHẬT CHUẨN BỊ
LỄ GIÁNG SINH
Ngày 18 tháng 12
Mùa Vọng
Bài
Ðọc I: Gr 23, 5-8
"Ta
sẽ gây cho Ðavít một mầm giống công chính".
Bài
trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Này
đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này
sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công
bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an
cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".
Chúa
phán: "Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: "Chúa hằng
sống, Người đã đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập", nhưng chúng nói:
"Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất Bắc";
(và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 71, 2. 12-13. 18-19
Ðáp: Sự công chính
và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn đời (x. c.
7).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công
chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người
nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.
2)
Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh
không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu
thoát mạng sống kẻ cùng khổ. - Ðáp.
3)
Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, một mình Người làm những việc lạ lùng.
Chúc tụng muôn đời vinh danh Chúa, khắp hoàn cầu đầy dẫy vinh quang Người. -
Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Lạy Ðấng Thủ lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho Môsê trên núi
Sinai, xin hãy đến mà ra tay cứu chuộc chúng con. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 1, 18-24
"Chúa
Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng
dõi Ðavít".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Chúa
Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse,
trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn
của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín
đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong
giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm
bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con
trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".
Tất
cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán
xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người
ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi
tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn
mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì
Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Dòng Tộc Của Chúa Kitô
Có một vị vua kia đã già cả nhưng lại không có con nối
dõi tông đường, nên nhà vua đã ra lệnh mời các chàng trai trẻ đến cung vua để
chọn một người làm dưỡng tử mà sau này sẽ lên ngôi cai trị. Ðiều kiện thật đơn
giản, chỉ cần người đó biết mến Chúa và yêu mến anh em hết lòng.
Từ một vùng quê xa xôi, một chàng thanh niên cũng biết
đến việc chọn này của nhà vua. Chàng muốn đến cung vua ứng thi nhưng khốn nỗi
chàng chẳng có một bộ áo quần nào xứng cho buổi triều yết. Sau một thời gian
dành dụm, cuối cùng chàng cũng cố gắng sắm cho mình một bộ đồ tạm xứng với lối
triều yết.
Ðến gần hoàng cung, chàng gặp một ông lão xá lạy bên
vệ đường trong bộ quần áo rách rưới. Ông lão ngửa tay xin bộ đồ chàng đang mặc.
Ðộng lòng thương, chẳng chút ngần ngừ chàng đổi cho
ông già bộ quần áo của mình.
Khi đến gần cửa thành, lòng chàng lại hoang mang chẳng
biết lính canh có cho chàng vào với quần áo tả tơi như vậy không. May mắn thay
chẳng một ai hạch hỏi về quần áo của chàng và khi đến trước ngai rồng chàng
càng ngạc nhiên hơn nữa, vị vua đang ngồi trên ngai chính là ông già ăn xin đã
được chàng giúp cho bộ quần áo. Chàng không tin vào mắt của mình. Nhưng kìa,
vua đang mỉm cười nhìn chàng: "Hỡi con yêu dấu, hãy đến đây, ta đang chờ
con".
Anh chị em thân mến!
Chàng thanh niên đã được chọn làm dưỡng tử và làm thừa
kế nhờ tấm lòng quảng đại bao dung của anh. Hôm nay thánh sử Matthêu cũng tường
thuật việc Vua trời đất chọn lựa một người Cha cho mình trước khi Ngài đến ở với
con người.
Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng
dõi David, hậu duệ của vua David. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để
ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: "Này đây đã tới ngày Ta gây cho
David một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người
khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước". Hoặc ở một chỗ
khác: "Chúa sẽ tạo lập cho David một nhà. Nhà của Người và triều đại của
Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi".
Tuy nhiên, hậu duệ của David không phải chỉ có một
mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng
tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.
Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến
chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa
suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và
quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại
bụng mang dạ chửa cách lén lút?
Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy
trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng
bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to
tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.
Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay
can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai
Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu
đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt
tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền
tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi
nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá
trị gì.
Như chúng ta đã thấy buổi lễ đặt tên cho Gioan Tẩy
Giả cũng phải do người cha đặt tên. Ở đây cũng vậy, Giuse được Thiên Chúa ra
tay can thiệp để lòng yêu thương nơi Ngài không bị rạn nứt, sứt mẻ, mà từ đây
lòng yêu thương đã có dịp bộc lộ trọn vẹn. Giuse đã đón nhận người bạn đời về
nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng
đang cưu mang.
Thật thế, cuộc đời của mỗi người cũng có lúc căng thẳng,
phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa quyết định, nhưng Thiên Chúa Ngài đã thông
suốt tất cả những giai cấp này, thế nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản
ứng nơi mỗi người chúng ta do yêu thương hay giận ghét, nếu chúng ta xử sự với
tấm lòng yêu thương quảng đại thì chắc chắn Ngài sẽ kịp thời trợ giúp và chẳng
bao giờ Ngài để cho lòng yêu thương bị rạn nứt sứt mẻ. Trong mùa đón chờ vị Vua
tình yêu giáng thế, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn dùng thái độ
bao dung quảng đại làm kim chỉ nam hướng dẫn các suy tưởng và hành động của mỗi
người chúng ta.
(Veritas Asia)
Lectio Divina: Mátthêu 1:18-24
Thứ Tư, 18 Tháng 12, 2013
Tuần thứ ba Mùa
Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa trung tín,
Trong Đức Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con một con người
Được lấy từ máu và thân xác loài người,
Một con người, nhưng Con Một Chúa
Nhờ Người và Chúa muốn khôi phục lại
Tính vẹn toàn và lòng trung tín trong chúng con.
Xin Chúa giúp chúng con trao ban cho Người,
Cho Chúa cũng như với nhau,
Sự đáp ứng thích hợp và đầy đủ
Của tình yêu trung thành, phục vụ,
Mà Chúa mong đợi từ dân của Chúa.
Xin Người là Thiên Chúa của chúng con muôn đời
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Mátthêu 1:18-24
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau
đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống
với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse định tâm lìa
bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện
đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng
ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình: vì Maria mang thai bởi phép
Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì
chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội.”
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm
trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: Này đây một
trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là
Emmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện lời thiên
thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau
cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
3. Suy Niệm
- Trong sách Tin Mừng của thánh
Luca câu chuyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu (các chương 1 và 2 của Tin Mừng
Luca) được tập trung vào con người của Đức Maria. Ở đây, trong sách
Tin Mừng của Mátthêu câu chuyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu (các chương 1 và 2
của Tin Mừng Mátthêu) được tập trung vào con người của thánh Giuse, vị hôn phu
của Đức Maria. Thánh Giuse là con cháu của vua Đavít. Thông
qua ông, Chúa Giêsu thuộc về dòng dõi vua Đavít. Vì vậy trong Đức
Giêsu, các lời hứa của Thiên Chúa với vua Đavít và các con cháu ông được thực
hiện.
- Như chúng ta đã thấy trong bài
Tin Mừng của ngày hôm qua, trong số bốn người phụ nữ, bạn đồng hội đồng thuyền
với Đức Maria, trong gia phả của Chúa Giêsu, có điều gì đó bất thường không
tương ứng với các kỷ cương của Lề Luật: các bà Tamar, Raháb, Rút vá
Bátshêba. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng Đức Maria cũng
có một điều gì đó hơi bất thường, trái với Lề Luật vào thời bấy giờ. Dưới
con mắt của người dân thành Nagiarét, bà có vẻ như đã mang thai trước khi về
chung sống với ông Giuse. Dân chúng lẫn người chồng sắp cưới đã
không biết gì về nguồn gốc của việc mang thai này. Nếu ông Giuse là
người công chính theo như công lý của các Kinh Sư và người Pharisêu, thì ông
phải nên lên án Đức Maria, và hình phạt mà Đức Maria sẽ phải chịu là cái chết,
bị ném đá.
- Thánh Giuse là người công chính,
đúng thế, nhưng công lý của ông lại khác. Ông đã thực hành trước
những gì mà Chúa Giêsu sẽ giáo huấn sau này: “Nếu các con không ăn ở
công chính hơn các Kinh Sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”
(Mt 5:20). Đây là lý do tại sao, thánh Giuse vì không hiểu các sự
việc và không muốn từ hôn Đức Maria, nên đã quyết định lìa bỏ bà cách kính đáo.
- Trong Kinh Thánh, việc khám phá
ra ơn gọi của Thiên Chúa trong các sự kiện của cuộc sống, xảy ra trong nhiều
cách khác nhau. Ví dụ, nhờ việc suy niệm các sự việc (Lc 2:10,51),
nhờ vào việc suy gẫm Kinh Thánh (Cv 15:15-19; 17:2-3), thông qua các thiên thần
Chúa (danh từ thiên thần Chúa có nghĩa là sứ giả), đấng đã giúp khám phá ra ý
nghĩa của các sự kiện (Mt 28:5-7). Thánh Giuse đã thành công trong
việc nhận thức được tầm quan trọng về những gì đang xảy ra trong Đức Maria qua
giấc chiêm bao. Trong giấc mơ, thiên thần Chúa đã dùng Kinh Thánh để làm
rõ nguồn gốc việc mang thai của Đức Maria. Điều đó đến từ quyền phép
của Chúa Thánh Thần.
- Khi mọi việc đã sáng tỏ cho Mẹ
Maria, bà nói: “Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho
tôi như lời sứ thần nói!” Khi mọi việc sáng tỏ cho thánh Giuse, ông
tiếp nhận Đức Maria như người phối ngẫu của mình và họ đã sống chung với
nhau. Nhờ vào sự công chính của thánh Giuse, Đức Maria đã không bị
xử tử, đã không bị ném đá và Chúa Giêsu vẫn tiếp tục sống trong lòng Mẹ.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc
suy gẫm cá nhân
- Trong mắt của các Kinh Sư, sự
công chính của thánh Giuse sẽ là một sự bất tuân phục. Có sứ điệp gì
cho chúng ta trong việc này không?
- Làm thế nào để bạn khám phá ra
được ơn gọi của Lời Chúa trong các sự kiện của cuộc sống của bạn?
5. Lời nguyện kết
Người giải thoát bần dân kêu khổ
Và kẻ không cùng không chỗ tựa nương,
Chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ (Tv
72:12-13)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 18 tháng 12 MV
Bài đọc: Jer 23:5-8; Mt
1:18-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công chính và tội lỗi
Mọi
người đều phạm tội. Làm thế nào để con người trở nên công chính trước mặt Thiên
Chúa? Con người có thể trở nên công chính bằng việc giữ luật không? Thánh Phaolô
quả quyết rằng “Không!” vì không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Chỉ có niềm
tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, mới có thể làm con người nên công chính.
Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Jeremiah tiên báo: Đức Chúa (Chúa Kitô) là sự công
chính của chúng ta. Trong Phúc Âm, Thánh Giuse là “người công chính,” muốn bỏ Mẹ
Maria cách kín đáo; nhưng khi được Thiên Thần mộng báo, đã vâng theo ý Thiên
Chúa và chấp nhận Bà Maria và Chúa Giêsu về nhà mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.
1.1/
Giòng dõi David từ chỗ hy vọng tan tành tới chỗ hòan tất của lời hứa: Khi người Do-Thái
sống trong nơi lưu đày, chắc họ đã nhận thấy hy vọng của họ vào những gì Thiên
Chúa đã chúc lành cho họ qua Tổ-phụ Jacob và những lời tiên tri của Isaiah, quyển
I, Micah, và các tiên tri khác bị tan tành theo mây khói. Làm sao có thể khôi
phục lại đất nước trong hòan cảnh lưu đày? Làm sao có thể khôi phục lại vương
triều của giòng dõi Judah để Đấng Cứu Thế xuất hiện? Nhưng Tiên Tri Jeremiah vẫn
hy vọng: “Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh
cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn
ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.”
1.2/
Vua công chính: “Thời
bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."
Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."
(1)
Đấng đưa con cái Israel lên khỏi đất Ai-Cập: chỉ biến cố Xuất Hành, khi
Thiên Chúa đưa dân ra khỏi đất nô lệ của Ai-Cập qua sự lãnh đạo của Moses và
Aaron.
(2)
Đấng đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất phương Bắc: chỉ sự hồi hương và
tái thiết quốc gia cùng Đền Thờ, khi Thiên Chúa giải thóat dân khỏi cảnh lưu
đày ở Babylon.
2/
Phúc Âm:
Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội.
Tin
Mừng Matthêu tường thuật hòan cảnh đính hôn của cha mẹ Chúa Giêsu như sau: “Sau
đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse.
Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa
Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà,
nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.”
2.1/
Nỗi khó khăn của Thánh Giuse: Để hiểu lời tường thuật của Matthêu, chúng ta phải hiểu phong tục
của Do-Thái liên quan tới việc kết nghĩa vợ chồng. Giống như phong tục Việt-Nam,
có 3 giai đọan:
(1)
Hứa hôn: Khi
hai trẻ còn nhỏ, cha mẹ hai bên muốn kết nghĩa sui gia; nên cha mẹ hai bên hứa
hẹn với nhau, sẽ gả con cho nhau khi hai trẻ tới tuổi lập gia đình. Đây chỉ là
một lời hứa và không bị ràng buộc về khía cạnh pháp lý. Nếu hai trẻ không đồng
ý hay hai cha mẹ đổi ý, lời hứa không còn hiệu lực.
(2)
Đính hôn: Đó
là từ chính xác Matthêu dùng để chỉ hòan cảnh của Ông Giuse và Bà Maria hôm
nay. Khi gia đình hai bên và hai trẻ đồng ý tiến tới, họ bước vào giai đọan
đính hôn để tìm hiểu nhau kỹ càng hơn trong thời hạn một năm. Trong giai đọan
này, theo luật Do-Thái, lời hứa bị ràng buộc, hai người được coi như vợ chồng;
mặc dù chưa được “ăn ở” với nhau như vợ chồng. Nếu chồng không tiến tới, ông phải
làm đơn xin ly dị và nêu rõ lý do. Nếu chồng chết trong giai đọan này, người vợ
được gọi là “góa phụ đồng trinh.”
(3)
Thành hôn:
Sau thời hạn đính hôn một năm, hai người tiến tới giai đọan chính thức thành vợ
chồng.
Nỗi
khó khăn của Ông Giuse, như trình thuật nói, vì ông là người công chính nên ông
không thể dung thứ tội lỗi cho Bà Maria. Theo Lề Luật, Ông phải tố cáo Bà Maria
để bị ném đá cho tới chết vì đứa con trong bào thai không phải là của Ông.
Nhưng Ông chắc cũng linh tính một trường hợp đặc biệt liên quan đến Bà Maria và
đứa con trong bụng, nên cuối cùng Ông quyết định lìa bỏ Bà cách âm thầm kín
đáo.
2.2/
Ý muốn của Thiên Chúa: Trong
khi Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông
rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì
người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và
ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội
lỗi của họ." Tên Giêsu là tiếng Hy-Lạp dịch từ tiếng Do-Thái Joshua, có
nghĩa là “giải thóat hay cứu độ.” Chúa Giêsu được gọi là Đấng Giải Thóat, Cứu
Thế, hay Chuộc Tội, vì Ngài gánh tội và giải thóat cho nhân lọai khỏi tội.
Sứ
Thần của Thiên Chúa biết những gì Ông Giuse đang suy nghĩ và cung cấp câu trả lời
cho Ông: người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Để hiểu “quyền
năng Chúa Thánh Thần,” chúng ta cần hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần trong
chương trình của Thiên Chúa. Truyền thống Do-Thái hiểu 4 công việc chính của
Thánh Thần:
(1)
Ngài là Sự Thật, Ngài đem sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người. Chúa Giêsu hứa
với các môn đệ Ngài: “Khi
nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ
không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại,
và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Jn 16:13).
(2)
Ngài làm cho con người hiểu và nhận ra sự thật. Thánh Gioan hiểu rõ: Nếu không
có Thánh Thần giúp sức, con người không thể hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải:
“Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ
dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh
em” (Jn 14:26).
(3)
Ngài hiện diện với Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo vũ trụ. Ngài là hơi thở của
Thiên Chúa: để phát ra Lời (Ngôi Hai) và ban hơi thở và sự sống cho muôn lòai.
Tác giả của Thánh Vịnh 33 hiểu rõ sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong việc sáng
tạo: “Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn
tinh tú” (Psa 33:6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa phải có Hơi (pneuma) và Lời
(logos) để tạo thành vũ trụ.
(4)
Ngài cũng là nguyên nhân chính của “đổi mới và tái tạo.” Thị kiến của Tiên
Tri Ezekiel về “Ruộng Xương Khô” là một ví dụ cho công việc này của Thánh Thần:
“Người lại bảo tôi: "Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi
con người! Ngươi hãy nói với thần khí: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ
bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho
chúng được hồi sinh." Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần khí
liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là
cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Eze 37:9-10). Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa
Giêsu tới để đổi mới và ban sinh lực cho con người. Ngài tiêu diệt tội lỗi
trong con người cũ và ban ơn thánh để làm cho con người trở nên con người mới
tinh tuyền và thánh thiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Vì chúng ta đều phạm tội, chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình.
-
Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng tin vào Đức Kitô, Đấng gánh tội và
giải thóat chúng ta khỏi mọi quyền lực của tội lỗi.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT
GIỐNG NẢY MẦM
TUẦN
BÁT NHẬT CHUẨN BỊ LỄ GIÁNG SINH
Mt
1,18-24
A.
Hạt giống...
Bài
Tin Mừng hôm nay giới thiệu nét thứ hai của Chúa Cứu Thế sắp sinh ra :
Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (Câu 23). Bài Tin Mừng cũng giới
thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra : Thánh Giuse.
1.
Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thế của Chúa Giêsu là :
a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng
lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước (Câu 20b : “Này ông Giuse, là
con cháu Đavít” ; Câu 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ” : Thánh Giuse đặt
tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý) ; b/
Bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu (câu 20c “Đừng ngại đón Maria về ; câu 24
“Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” ; câu
25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”)
2.
Về ý định ban đầu của Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên
viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều
nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và
quyết định ở lại sau đó), đó là vì “Giuse là người công chính”. Một giải thích
rất đáng lưu ý là : Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé
nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi
(Công chính = không xâm phạm quyền lợi của người khác) ; sau đó khi biết ý
Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính
nên Ngài đã ở lại (Công chính = thi hành ý Thiên Chúa).
3.
Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là
Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thề sống chung với
loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở... Yêu thương là
chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận...
B....
nẩy mầm.
1.
Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” : Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập
thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ
tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ
thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây thập
giá. Thập giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. -
Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa.
2.
Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo được ý Chúa. Những nhận định và
tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và
ý định của TC. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa,
biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu ‘Xin đừng theo ý con, nhưng theo
ý Cha” như CG.
3.
Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là
chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của TC, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa
gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của
Chúa. - Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ
nước Chúa.
4.
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt
1,24)
Tên
thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi “Mình phải
làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng ?” Thánh Giuse đã làm như
thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục
vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao ? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một
bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn
buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì
kể gì đến những chuyện lớn lao.
Xin
Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn
như Ngài. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
18/12/13 THỨ TƯ TUẦN 4 MV
Mt 1,18-24
Mt 1,18-24
LÀM CHO NGÀI LỚN LÊN
“Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ
đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của
họ.” (Mt 1,21)
Suy niệm: Trước ngày lễ Giáng Sinh, ta
được nghe ba cuộc truyền tin: một cho thánh Giuse, một cho ông Dacaria và một
cho Đức Maria. Thánh Giuse, người công chính, đã nhanh chóng “đọc” được ý nghĩa
chương trình cứu độ của Chúa và cũng mau mắn vâng lời. Đặt tên cho em bé là nói
lên quyền làm cha của em. Con Trẻ tên là Giêsu, nghĩa làThiên Chúa cứu độ; và Ngài còn được gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Để cứu chuộc con người, Con Thiên Chúa đã đến trần gian, mặc lấy
thân xác và sống giữa, sống với con người. Thiên Chúa đã đích thân đến với con
người bằng một cung cách thật gần gũi và bình thường.
Mời Bạn: Mạc khải ơn cứu độ là công việc
của Thiên Chúa, nhưng để thực hiện ơn cứu độ ấy
thì cần đến sự cộng tác của con người. Chỉ khi bạn sẵn sàng dẹp bỏ chương
trình, sở thích cá nhân, để mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa, bạn mới có thể cộng
tác với chương trình của Ngai. Như Đức Maria khiêm tốn đón nhận lời truyền tin
hay tựa như thánh Giuse lập tức thi hành điều được báo mộng, bạn cũng hãy tìm
mọi cách giúp cho Chúa Giêsu nhập thể và sống giữa môi trường của bạn.
Chia sẻ: Chúa Giêsu đang ở vị trí nào
trong cuộc đời bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực thực hiện câu
quyết tâm sau đây: Hãy làm cho Ngài lớn lên trong đời sống và các sinh hoạt
hằng ngày của mình.
Cầu nguyện: “Lạy
Chúa, xin gìn giữ chúng con. Xin uốn nắn lòng người biết sẵn sàng đón nghe Lời
Chúa, và củng cố tín hữu trong cuộc đời thánh thiện”.
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch
cứu độ, nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời, có một mái nhà, có
mẹ, có cha, có tên, có tuổi.
Suy niệm:
Thiên Chúa bất ngờ và mãi
mãi bất ngờ.
Ngài muốn cứu độ nhân
loại bằng cách sai Con Một làm người.
Cách trở thành người của
Con Thiên Chúa
vừa bình thường, lại vừa
tuyệt đối khác thường.
Bình thường vì Ngài được
một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4, 4).
Khác thường vì Ngài được
sinh ra không do một người cha ruột,
nhưng do quyền năng của
Thánh Thần (cc. 18. 20).
Đây là niềm tin ngay từ
thuở ban đầu của các Kitô hữu.
Giáo Hội sung sướng đến
với máng cỏ
để chiêm ngắm Hài Nhi
Giêsu và Mẹ đồng trinh của Ngài.
Nhưng chúng ta không được
quên thánh Giuse.
Giuse đã bối rối, đau khổ
khi thấy vị hôn thê của ông mang thai,
dù Maria chưa về chung
sống với ông, dù chưa làm đám cưới.
Ông không muốn tố cáo
Maria vì tội ngoại tình,
nhưng ông cũng không thể
lấy Maria làm vợ,
với thai nhi trong bụng
không phải của ông.
Cuối cùng ông chọn giải
pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19).
Như thế ông hy vọng sẽ
bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.
Nhưng Thiên Chúa Cha cần
Giuse,
cần một người cha nhân
loại cho Con mình.
Con Thiên Chúa không thể
sinh ra trong một gia đình không cha.
Người cha cần biết bao
cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ.
Maria cũng cần chỗ dựa và
không thể một mình nuôi con.
Qua sứ thần, Thiên Chúa
mong Giuse đón Maria về làm vợ (c. 20),
nghĩa là làm đám cưới
chính thức với Maria.
Việc này đi kèm với việc
đặt tên cho người con trai của Maria,
nghĩa là nhận người con
ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21).
Một lời mời quan trọng
chờ nơi Giuse một tiếng Xin Vâng.
Đâu phải Thiên Chúa chỉ
cần tiếng Xin Vâng của Maria là đủ.
Giuse có thể từ khước vì
thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin.
Làm sao quyền năng Thánh
Thần lại có thể làm cho Maria mang thai?
Giuse có thể sợ vì thấy
mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha,
dù thực sự mình chẳng hề
là thế.
Thiên Chúa đã mời Giuse
trong giấc ngủ đêm khuya.
Và ông đã làm y như lời
sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24).
Tiếng Xin Vâng của Giuse
quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ,
nhờ đó Con Thiên Chúa
đàng hoàng bước vào cuộc đời,
có một mái nhà, có mẹ, có
cha, có tên, có tuổi.
Nếu không có những tiếng
Xin Vâng của Maria và Giuse,
thì điều gì sẽ xảy ra cho
nhân loại đang cần ơn cứu độ?
Thiên Chúa chỉ
ở-với-chúng ta nếu có những tấm lòng xin vâng.
Ngài vẫn cần tấm lòng của
người mẹ biết cưu mang như Maria,
và tấm lòng của người cha
dám chịu trách nhiệm
để Giêsu có chỗ đứng hợp
pháp trong thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là
điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một
thách đố cho con.
Chúa
đòi con cho Chúa tất cả
để
chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa
thích lấy đi những gì con cậy dựa
để
con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa
thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để
cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa
cương quyết chinh phục con
cho
đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin
cho con dám ra khỏi mình,
ra
khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để
sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù
phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước
gì con cảm nghiệm được rằng
trước
khi con tập sống cho Chúa
và
thuộc về Chúa
thì
Chúa đã sống cho con
và
thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
"Người
ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Đó
là tên mà sứ thần muốn Giuse đặt trên cho con trẻ Giêsu. Tên "Emmanuel"
gợi lại cho chúng ta câu chuyện của vua Achab trong sách tiên tri Isaia. Vị vua
này muốn chạy theo liên minh để chống quân Aram. Nhưng qua miệng tiên tri
Isaia, Thiên Chúa kêu gọi vua hãy tin tưởng vào Chúa. Dấu chỉ mà Thiên Chúa ban
cho là một người nữ sinh con, và tên người con được gọi là Emmanuel. Người con
này chính là dấu chỉ Thiên Chúa luôn ở với vua Achab để bênh vực ông.
Emmanuel,
được gán cho Chúa Giêsu. Với sự ra đời của Ngài, một lần nữa, Thiên Chúa muốn
khẳng định với nhân loại rằng: Người luôn ở cùng chúng ta. Thiên
Chúa không bỏ rơi con người, dù con người có tội lỗi đến đâu hoặc dù con người
có thất trung với Người. Người đến và ở với nhân loại chúng ta cách hữu hình
qua người Con của Người là Chúa Giêsu như thánh Gioan đã nói: "Thiên
Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16). Chúa Giêsu là dấu chứng
tình yêu của Thiên Chúa, là lời khẳng định của Người với nhân loại: Người là Đấng
giàu lòng thương xót và trung tín. Thánh Phaolô đã nói: "Đây là lời
đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta
kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta không trung tín, Người
vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình"
(2Tm 2,11-13).
Hãy
tin tưởng vào lòng trung tín và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Hãy đáp trả lại
tình yêu thương đó bằng lòng tín thác vào Thiên Chúa và bằng tình yêu thương đối
với đồng loại.
Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa chẳng tiếc gì với
chúng con, ngay cả chính Con Một, Chúa cũng ban cho chúng con. Chúa làm tất cả
để chúng con được hạnh phúc đời đời. Xin giúp chúng con biết đáp trả lại tình
yêu thương ấy bằng chính lòng tin yêu đối với Chúa và bằng đời sống yêu thương
đối với tha nhân. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18
THÁNG MƯỜI HAI
Con Người Góp Phần
Hoàn Thành Việc Thiên Chúa Đến
Trong
biến cố thăm viếng, trước hết Êlizabét ca ngợi lòng tin của Đức Ma-ri-a: “Em thật
có phúc vì đã tin rằng mọi điều Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).
Thật
vậy, khi được truyền tin, Đức Maria đã ưng thuận và bày tỏ lòng vâng phục trong
đức tin. Sự ưng thuận này – tiếng ‘fiat’ này của Mẹ – là khoảnh khắc có tầm quyết
định. Mầu nhiệm Nhập Thể là một mầu nhiệm thần linh, song đồng thời đó cũng là
một mầu nhiệm của con người. Quả vậy, Đấng mặc lấy xác phàm ấy chính là Con
Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, đồng thời, thân xác của Người
cũng hoàn toàn là thân xác nhân loại : Đây là điều kỳ diệu trong nhiệm cục cứu
độ của Thiên Chúa.
Vào
chính khoảnh khắc mà Đức Ma-ri-a nói lên lời ‘fiat’ (xin vâng): “Xin thực hiện
cho tôi như lời sứ thần nói,” thì Chúa Con có thể thưa lên với Chúa Cha: “Cha
đã chuẩn bị cho con một thân thể.” Như vậy, việc Thiên Chúa đến cũng đã được
hoàn tất xuyên qua hành động của con người, xuyên qua niềm vâng phục trong đức
tin.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 18-12
Gr 23, 5-8; Mt 1, 18-24.
LỜI SUY NIỆM: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”
Thánh Giuse là người công chính. Thánh nhân là người
thông suốt lề luật và Kinh Thánh và luôn đón nhận thánh ý của Thiên Chúa và mau
mắn thực thi thánh ý của Ngài. Thánh nhân khi đứng trước ý định của Thiên Chúa
và ý riêng của mình. Thánh nhân dứt khoát dẹp ý riêng của mình, để thực thi
Thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho mọi người trong gia đình của
chúng con, luôn yêu thích học hỏi lời Chúa. Tuân giữ luật Hội Thánh; sẵn sàng
biết từ bỏ ý riêng của mình, để vâng theo thánh ý của Chúa.
Mạnh
Phương
18 Tháng Mười Hai
Cái Nhìn Của Một Tướng
Lãnh
Ðại
tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã
Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Ðó là giữa đêm khuya, luồn qua
bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông
Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể
tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba
người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng
dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã
báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.
Trong
cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ
sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã
theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.
Ðôi
mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người
lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên
hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua
đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó
khăn và trở về an toàn.
Một
cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa
như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta
như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc
chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên
Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người
trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất
hiện hữu trên trần gian này.
(lẽ
sống)
Thứ Tư 18-12
Chân Phước Anthony Grassi
(1592-1671)
A
|
nthony mồ côi cha khi
lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Ðức Mẹ Loreto.
Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các cha Oratorian,
và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi.
Từng nổi tiếng là một
học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là "cuốn tự điển
sống" trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách
mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc,
nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể
con người ngài.
Vào năm 1621, khi 29
tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được
đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài ngày sau, khi tỉnh
dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài đã biến mất. Quần
áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ niệm biến cố lớn
trong đời.
Quan trọng hơn nữa, ngài
cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài
đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.
Ngài cũng nổi tiếng là
cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội, và chỉ bảo họ sống
phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên Tu Viện Fermo, và
được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài là vị bề trên
trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng
luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.
Ngài từ chối các chức vụ
dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người đau yếu, người hấp hối
hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho
ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo
người khác. Nhưng tuổi tác cũng đem lại nhiều thử thách. Ngài phải chấp nhận sự
mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương
nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được
nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm liệt giường. Chính đức tổng
giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày. Một trong những công việc
sau cùng của ngài là hoà giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét