Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

22-12-2013 : CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG năm A (phần I)

CHÚA NHẬT 22/12/2013
Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A
(phần I)



Bài Ðọc I: Is 7, 10-14
"Này trinh nữ sẽ thụ thai".
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa".
Và Isaia nói: "Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7
"Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa".
Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.
Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.
Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21
Alleluia, alleluia! - Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24
"Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội".
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðức Maria Ban Chúa Cứu Thế
Truyền thống vẫn gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Ðức Mẹ. Bài sách tiên tri Isaia nói về một Trinh nữ sẽ sinh con trai. Và bài Tin Mừng kể chuyện về việc Ðức Maria mang thai. Như vậy, Phụng vụ muốn ta suy nghĩ về việc Ðức Mẹ ban Chúa Cứu Thế cho chúng ta và chúng ta hãy đón nhận Người.

A. Ðức Maria Ban Chúa Cứu Thế
Thật ra, bài tiên tri Isaia không trực tiếp nói về Ðức Mẹ và Chúa Cứu Thế. Các học giả bàn nhiều về đoạn văn vắn tắt này. Ðại khái bối cảnh của đoạn văn như sau: Akkaz bấy giờ là vua xứ Yuđa. Mấy vua phía Bắc lăm le xâm lăng xứ sở của ông. Ông sợ hãi. Thay vì trông cậy vào Chúa, ông lại chỉ nghĩ đến việc xin viện trợ nước ngoài. Isaia đến can gián ông, khuyên ông tin tưởng vào Chúa. Ông vẫn không nghe và sai sứ ra ngoại quốc xin viện binh. Ðồng thời ông tiếp tục đường lối tội lỗi, lập các đền thờ quấy, đến nỗi thiêu sinh cả con mình để làm lễ tế. Isaia đến can thiệp lần nữa. Và để bảo đảm lời khuyên của mình, nhà Tiên tri giục vua cứ xin một dấu chỉ, dù ở trên trời hay ở dưới đất: tức là nhà vua xin dấu chỉ nào, Chúa cũng sẽ cho để làm chứng rằng lời tiên tri nói là thật. Nhưng nhà vua vốn không tin Chúa. Vua lại sợ xin được dấu chỉ sẽ phải tin lời tiên tri và phải từ bỏ tà thần để sống trung thành với Chúa. Ông giở giọng đạo đức, nói rằng loài người không nên thử thách Thiên Chúa, cốt ý để ông khỏi phải nghe Lời Chúa dạy. Isaia bực mình, coi nhà vua như dân ngoại rồi. Ông nói: làm loài người khó chịu thôi chưa đủ sao mà còn làm cực lòng Chúa tôi? Chúa tôi, chứ không phải là Chúa của các ông nữa, Isaia muốn nói như thế. Tuy nhiên, chẳng ai cưỡng lại được lệnh Chúa: Này, Chúa sẽ cho nhà Ðavít một dấu chỉ: Cô Nương sẽ sinh con trai và Danh Người là Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Ðây là một sự vô cùng bất ngờ. Người ta cứ tưởng dấu chỉ mà Chúa sẽ cho là một điềm dữ vì thái độ của Akkaz như vậy. Nhưng ngược lại đây là một điềm lành, một dấu chỉ vô cùng quý hóa. Nhà Ðavít sẽ có thái tử kế vị và vị hoàng đế này sẽ đẹp lòng Chúa, đến nỗi Chúa sẽ ở giữa dân. Như vậy không phải lo gì chiến tranh. Tương lai của Yuđa còn đó vì sau nhà vua này vẫn còn hoàng tử kế vị. Hơn nữa vị Vua tương lai sẽ được Chúa ở cùng và dân chúng sẽ được hạnh phúc.
Mà quả thật, các vua phương Bắc đã phải rút quân. Akhaz có hoàng tử kế vị là Ezêkia. Thoạt đầu nhà vua này rất đạo đức, khiến cả nước đều vui mừng. Nhưng về sau, ông đã tội lỗi, sa ngã... Như vậy ông chưa ứng dụng hết lời tiên tri. Có lẽ ngay từ cuối đời Isaia, người ta đã nghĩ lời tiên tri kia còn phải đi xa hơn nữa và phải đưa về Ðấng Cứu Thế. Do đó lời Isaia đã trở thành lời tiên báo về Ðấng Thiên Sai, mặc dầu gần thì đưa về Ezêkia. Và truyền thống Tân Ước đã mau mắn dùng bản dịch HyLạp để đọc chữ "Cô Nương" trong lời tiên tri trên là "Trinh Nữ". Và từ đó ta có câu: "Một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, được gọi tên là Emmanuel".
Ðặt trong bối cảnh của lịch sử, lời tiên tri này nói lên lòng Chúa tốt lành nhường bao! Ðang khi loài người, (như Akkaz vua Yuđa) tội lỗi và khước từ mọi cố gắng yêu thương cứu giúp của Chúa, Chúa đã không giận dữ, nhưng vẫn dự tính chương trình cứu chuộc đầy tình thương, không thể ngờ được.

B. Chúng Ta Ðón Nhận Thế Nào?
Chắc chắn không ai muốn bắt chước Akkaz. Nhưng trong thực tế nhiều người đã theo đường lối của ông. Thiên Chúa đã ban cho ta một Hài Nhi. Nhiều người không nhận, vì sợ phải bỏ nếp sống cũ. Lễ Giáng sinh sắp đến nhắc lại Ân ban của Chúa. Chúng ta sẽ đón nhận thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay nêu cho chúng ta một gương mẫu. Chúa dạy Yuse hãy nhận lấy Maria và Con Trẻ. Câu truyện xem ra có nhiều điều khó hiểu. Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh và ý của thánh Matthêô khi viết bài này.
Ai cũng biết, các tín hữu thời Giáo hội sơ khai không quan tâm nhiều lắm đến cuộc đời thơ ấu của Ðức Kitô. Họ tin Ngài đã sống lại sau khi chết. Việc này làm chứng Ngài là Người Thiên Chúa Cha gửi tới, và là Thiên Chúa. Do đó phải nghe Lời Ngài, giữ lệnh Ngài và chờ đợi Ngài và chờ đợi Ngày Ngài trở lại. Thánh Matthêô, khi viết quyển Tin Mừng, cũng chỉ quan tâm trình bày những điều ấy. Và để cho người Dothái hiểu: Ðức Kitô thực sự là Ðấng Thiên Sai do Chúa Cha gởi tới, ngài phải làm chứng Ðức Kitô là con vua Ðavít. Thế mà ngài lại biết Ðức Kitô đã không sinh bởi ý muốn nam nhân, nhưng do tự Thiên Chúa Cha. Ðức Kitô chỉ có một người mẹ đồng trinh như lời Isaia đã tiên báo. Làm thế nào để có thể nói Ngài là Con Vua Ðavít? Thánh Matthêô đã phải tìm hiểu. Và bài Tin Mừng hôm nay là kết quả. Yuse, thuộc dòng dõi Ðavít đã đính hôn với Maria. Maria được chọn, được truyền tin. Yuse thắc mắc. Sứ thần Chúa hiện ra báo tin cho Yuse. Một người công chính chờ đợi Ðấng Thiên Sai như ông lập tức chỉ còn một thái độ: hân hoan đón nhận tin mừng; được tin này là được tất cả: không gì ở trần gian này còn đáng kể nữa; từ nay chỉ còn sống cho Tin Mừng, vì như lời Ðức Kitô nói sau này: Ai tìm được Nước Trời rồi sẽ bán tất cả, cho đi tất cả để nhận lấy Tin Mừng, sống với Tin Mừng, hy sinh cho Tin Mừng. Thế nên thánh Matthêô đã không cần kể chuyện dài dòng. Những thắc mắc của ta, của những con người ít đạo đức, có thể nói là tiểu nhân thích để ý đến những chi tiết nhỏ mọn và bỏ rơi điều chính yếu, những thắc mắc của ta liên quan tới liên hệ giữa Maria và Yuse đã không được Matthêô gợi đến. Ta hãy theo gương thánh nhân: nhìn vào điểm chính yếu và Tin Mừng Chúa gởi đến cho ta. Qua miện sứ thần, Chúa báo tin: "Một Trinh Nữ sẽ sinh cho ta một Con Trai". Nghe tin ấy, Yuse đã đón nhận ơn cứu độ hằng chờ mong. Và nhờ việc ông đón nhận, và lãnh trách nhiệm đặt tên cho Con Trẻ, nhận Con Trẻ là con của mình, Ðức Kitô trở thành Con vua Ðavít như lời các tiên tri đã loan báo. Yuse thấy mình gần Maria hơn, hiệp nhất với nhau hơn cả những đôi bạn uyên ương, vì cả hai đã đồng thân đồng phận, trở thành dụng cụ cho chương trình của Thiên Chúa, được là những người đầu tiên lãnh nhận Lời Hứa từ bao ngàn năm để đem lại cho loài người. Chỉ những ai không hiểu giá trị ơn cứu chuộc và không đánh giá đúng mức tinh thần của Yuse và Maria, mới còn nêu ra những câu hỏi vụn vặt. Ngược lại, ai coi việc Chúa ban Ơn Cứu Ðộ là lớn, là hạnh phúc vượt quá mọi hạnh phúc và bao gồm hết thảy mọi phúc lộc, sẽ bắt chước Maria và Yuse, từ bỏ mọi sự, hy sinh mọi sự để đón nhận Ơn Chúa và cho đến chết sẽ chỉ còn biết sống cho Ơn đó.

C. Thái Ðộ Thực Tế
Lễ Chúa Giáng sinh đã gần đến. Chúng ta muốn đón nhận Chúa sâu xa ư? Hãy theo gương Ðức Maria và thánh Yuse. Lấy Chúa làm đủ và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa. Và như Ðức Maria góp máu thịt với Ngôi Lời, như Yuse giúp Chúa trở thành Con vua Ðavít, chúng ta phải làm gì để đưa Chúa vào thế gian, vào xã hội? Mà thế gian, xã hội trước hết là con người và đời sống của ta. Nếu Chúa ngự trị trong con người của ta hơn, khi ta xua đuổi mọi tâm tư, cảm nghĩ, khuynh hướng xác thịt và thế gian đi, Chúa sẽ nhập thế nơi ta vì ta đã trở thành Kitô hữu nhiều hơn. Và nếu thái độ, hành vi của ta nơi xã hội chiếu tỏa tinh thần của Chúa, xã hội sẽ thấy Ơn Chúa hiện đến với mọi người và ta sẽ như Yuse đưa Chúa vào dòng dõi loài người.
Chúng ta không cần đợi đến lễ Giáng sinh để đón nhận Chúa và sống cho Chúa như vậy. Thánh lễ cử hành bây giờ cũng ban cho chúng ta một Hài Nhi. Nếu ta đón nhận như Ðức Maria và thánh Yuse, ra khỏi nhà thờ hôm nay ta có thể coi mình như một Phaolô: tôi đã được chọn làm Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô. Ngài là Lời Hứa từ ngàn xưa, đã nhập thế trong lòng Ðức Maria và đã sinh ra là Con vua Ðavít nhờ thánh Yuse. Nay Ngài dùng tôi và đời sống của tôi đem Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người, để tất cả chúng ta đều trở nên thánh thiện và chứa chan ơn lành và bình an.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A
Bài đọc: Isa 7:10-14; Rom 1:1-7; Mt 1:18-24.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng nghi ngờ hay bất tuân lệnh của Thiên Chúa.
Con người có khuynh hướng làm theo những gì mình suy nghĩ, và áp dụng những gì mình suy nghĩ vào cho Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ chuyện đó không thể làm được, họ kết luận Thiên Chúa cũng không thể làm được. Khi suy nghĩ như thế, con người đã hạ Thiên Chúa xuống ngang hàng với con người; và như một hậu quả, con người bất tuân lệnh của Ngài, và dần dần, họ cũng chẳng cần đến Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những mẫu gương vâng lời và bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, vua Ahaz của Judah bất tuân lệnh Thiên Chúa đi cầu cứu với vua Assyria để xin sự bảo vệ; vì Vua không tin Thiên Chúa có sức mạnh đủ để bảo vệ Judah khỏi tay Ai-cập.
Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi được Đức Kitô mặc khải trên đường đi Damascus, đã nhận ra Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô và cho mọi dân tộc. Kể từ đó, ông không ngừng rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, thánh Giuse không hiểu nổi cuộc thụ thai kỳ lạ của Đức Trinh Nữ Maria, nên toan lìa bỏ Đức Mẹ cách kín đáo; nhưng thiên thần hiện đến với Giuse trong giấc mộng, và cho ông biết sự thụ thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thiên thần lặp lại lời tiên-tri của ngôn sứ Isaiah trong Bài Đọc I để soi sáng cho Giuse hiểu cuộc mang thai cách mầu nhiệm này. Khi tỉnh dậy ông làm theo ý định của Thiên Chúa và nhận Maria về nhà làm bạn mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đừng bất tuân lệnh của Thiên Chúa.
1.1/ Vua Ahaz bất tuân lệnh Thiên Chúa: Chúng ta phải hiểu hoàn cảnh lịch sử thì mới hiểu trình thuật của Isaiah hôm nay: Ahaz là vua Judah. Sau khi vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay quân thù Assyria, ông sợ hãi và muốn sai sứ giả sang triều cống và cầu cứu với vua Assyria để được bảo vệ. Thiên Chúa sai tiên-tri Isaiah đến khuyên nhà vua không được làm như thế; Vua chỉ cần tin vào Thiên Chúa, Ngài có thể bảo vệ vương quốc Judah khỏi tay mọi quân thù. Vua không tin Thiên Chúa có thể bảo vệ, nên cứ sai sứ giả sang cầu cứu với vua Assyria. Khi biết Vua bất tuân lệnh Thiên Chúa, tiên-tri Isaiah vào hoàng cung để đối chất với vua Ahaz, và chúng ta có trình thuật của Isaiah hôm nay.
Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua Ahaz trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa." Đây là sự khiêm nhường giả tạo: Nếu muốn biết Thiên Chúa uy quyền thế nào, tại sao vua Ahaz không dám mở miệng xin. Lời của vua Ahaz chứng tỏ ông không kính sợ và làm theo ý Thiên Chúa; nhưng chỉ nhát đảm để rồi làm theo ý riêng mình. Hậu quả là toàn vương quốc miền Nam bị rơi vào tay quân đội của vua Babylon. Chúng phá hủy Đền Thờ và đem tất cả vua quan và dân chúng đi lưu đày.
1.2/ Lời tiên báo về hoàn cảnh của Đấng Thiên Sai ra đời: Tuy Ahaz không xin nhưng Thiên Chúa vẫn cho. Ông Isaiah bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Immanuel." Động từ "làm phiền" đồng nghĩa với bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Dấu lạ vĩ đại của Thiên Chúa là Ngài sẽ ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai qua sự mang thai mà vẫn còn đồng trinh của một trinh nữ (parthenos trong bản Hy-lạp, LXX, và almah trong bản Do-thái, MT).
+ Các học giả tranh luận: Từ almah chỉ được dùng ba lần trong Cựu Ước vừa có nghĩa tổng quát là một thiếu nữ, vừa có nghĩa là một trinh nữ; nếu muốn chỉ sự đồng trinh, người ta sẽ dùng danh từ betulah, xảy ra 14 lần trong Cựu Ước. Isaiah cũng dùng 3 lần danh từ betulah (Isa 23:12, 27:32, 47:1).
+ Ý kiến chúng tôi: Tiên-tri Isaiah muốn ám chỉ một trinh-nữ, vì ba lý do sau:
(1) Kinh Thánh: Hai lần khi bản MT dùng almah (Gen 24:43 và Isa 7:14), bản LXX đều dùng parthenos. Chỉ có một lần bản LXX dùng từ neanis để dịch almah là trong (Exo 2:8), khi chị của Moses được công chúa của vua Pharao sai đi mời mẹ của Moses đến. Chị của Moses trong trường hợp này cũng có thể là một trinh nữ, vì theo văn mạch là người vẫn còn nhỏ tuổi. Như thế, Isaiah có thể dùng từ đồng nghĩa ở đây, almah, để chỉ một trinh nữ.
(2) Văn mạch: Hơn nữa, theo văn mạch, Thiên Chúa muốn cho con người một dấu lạ vĩ đại - nếu một thiếu nữ có chồng mà sinh con là chuyện thường tình xảy ra, đâu còn gọi là dấu lạ nữa.
(3) Truyền thống: Khi thánh sử Matthew trích dẫn lời ngôn sứ Isaiah, ông dùng từ parthenos, có ý muốn nói một trinh nữ.
2/ Bài đọc II: Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.
Để hiểu bắt đầu trình thuật của Thư Rôma hôm nay, một người phải nhớ lại biến cố ngã ngựa của Phaolô trên đường đi Damascus. Trước đó, Phaolô không tin Đức Kitô cần thiết trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và ông cũng không tin Dân Ngoại có thể được cứu độ. Như phần đông người Do-thái, ông tin chỉ cần giữ Lề Luật là đủ để được cứu độ, và ơn cứu độ chỉ dành cho người Do-thái. Nhưng sau khi được Đức Kitô mặc khải, Phaolô thay đổi niềm tin hoàn toàn: ông tin và được chọn để rao giảng Đức Kitô cho Dân Ngoại. Đây là hai điều mà Phaolô đề cập tới trong trình thuật hôm nay.
2.1/ Phaolô được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô: Ông xác tín niềm tin vào Đức Kitô, vào Tin Mừng Đức Kitô rao giảng, và vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng của ông: "Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng."
2.2/ Tin Mừng được loan truyền cho tất cả Dân Ngoại: Phaolô tin Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có hai giai đoạn: (1) Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho Đức Kitô ra đời, và (2) khi Đức Kitô đến, Tin Mừng Cứu Độ được mở rộng đến các Dân Ngoại. Phaolô được tuyển chọn bởi chính Đức Kitô để loan báo Tin Mừng cho Dân Ngoại: "Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các Dân Ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an."
3/ Phúc Âm: Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ.
3.1/ Cuộc thụ thai khó hiểu của Maria: Thánh-sử Matthew tường thuật cuộc thụ thai của Maria: "Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo."
Theo trình thuật này, một người có thể nhận ra ngay hai điều quan trọng:
(1) Maria mang thai không phải bởi Giuse: Khi Giuse định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo, ông xác nhận điều này, vì Giuse là người công chính.
(2) Maria mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần: Hai lần trong trình thuật hôm nay, thánh sử Matthew đề cập đến sự thụ thai là do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Lần đầu bởi chính thánh-sử, và lần thứ hai bởi sứ thần của Thiên Chúa.
3.2/ Sự việc xảy ra để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaiah: Khi Giuse đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Trình thuật nhấn mạnh: "Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Immanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."" Mặc dù là trong giấc mơ, nhưng sứ thần Thiên Chúa muốn Giuse được củng cố bởi lời của ngôn sứ Isaiah, đã được loan báo hơn 600 năm trước. Vì thế, khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón Maria về nhà.
3.3/ Tranh luận về vấn đề đồng trinh của Đức Mẹ: Từ thời Giáo Hội sơ khai đến nay, thời nào cũng có những người không tin vào tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đối với họ, một phụ nữ không thể sinh con mà còn đồng trinh. Chúng ta có thể căn cứ vào 5 lý chứng sau đây để xác tín vào sự đồng trinh của Đức Mẹ:
(1) Lời ngôn sứ Isaiah đã tiên báo gần 600 năm trước khi Đức Kitô sinh ra. Chúng ta đã phân tích từ ngữ và văn mạch trong Bài Đọc I.
(2) Trình thuật của Tin Mừng Matthew hôm nay hai lần nói tới việc thụ thai của Chúa Giêsu là do ý định của Thiên Chúa và do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
(3) Chính Giuse, chồng của Maria cũng xác nhận việc thụ thai là không do ông; vì thế, ông toan tính lìa bỏ Maria cách kín đáo.
(4) Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự: không điều gì Ngài không thể làm được.
(5) Việc thụ thai như thế nên làm; vì Đức Kitô là Thiên Chúa thánh thiện, không thể vương vấn tội nhơ.
Ai tiếp tục chất vấn sự đồng trinh của Đức Mẹ, người ấy cũng chẳng khác gì vua Ahaz, luôn nghi ngờ uy quyền của Thiên Chúa. Những người này chỉ tin vào sự lý luận khôn ngoan của mình và tiếp tục "làm phiền" Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người chúng ta bị giới hạn rất nhiều trong sự hiểu biết; vì thế, chúng ta đừng bao giờ ngoan cố trong sự cố chấp của mình, nhưng phải biết mở lòng để đón nhận mặc khải của Thiên Chúa.
- Chúng ta cũng đừng bao giờ áp dụng những gì chúng ta suy luận vào cho Thiên Chúa, vì Ngài rất khác và uy quyền hơn chúng ta gấp bội. Khi không hiểu mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta hãy khiêm nhường xin Thánh Thần soi sáng, thay vì kiêu ngạo cho là chuyện không thể xảy ra.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

22/12/13 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – A 
Mt 1,18-24

KHỞI ĐẦU VÀ HOÀN TẤT TIN MỪNG
“Tất cả sự việc này xảy ra, là để ứng nghiệm Lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ :’Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’.” (Mt 1,22-24)
Suy niệm: Trong văn học Việt Nam, người ta ít biết chuyện chàng thanh niên tên Nguyễn Văn Thắng sau khi thi hương trượt, đã âm thầm đổi tên là Nguyễn Khuyến. Không biết có phải nhờ đổi tên hay không mà sau đó chàng đã đỗ đầu cả ba kỳ thi, được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông đã hoàn toàn đổi đời. Cái tên có ý nghĩa rất lớn trong đời người, đôi khi quyết định cả cuộc đời. Giuse được sứ thần Chúa báo tin phải đặt tên cho Con Chúa làm người là “Giêsu”, Thiên Chúa Cứu Chuộc. Ngài còn có một tên khác là “Emmanuen” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Hai cái tên đặc biệt nói lên sứ mạng của Con Thiên Chúa : ở với chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Claude Tessin nói : “Đây là tên gọi khởi đầu và hoàn tất Tin Mừng”, bởi vì trước khi về trời Đức Giêsu cũng nói với các môn đệ : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Mời Bạn: Hãy tích cực cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa dù nó trái với dự định riêng của mình.
Sống Lời Chúa: Hãy có một hành động dấn thân tích cực trong công việc chung của giáo xứ của đoàn thể hay một việc làm vô vị lợi, một công tác thiện nguyện với ý hướng làm vì Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa, là “Giêsu-Emmanuen”, là “Thiên Chúa ở cùng chúng con” để “cứu chuộc chúng con”. Xin cho chúng con sống xứng với tên gọi “kitô hữu”: những người thuộc về Chúa Kitô, để cùng với Chúa Kitô cứu độ thế giới. Amen.

Đối với người Do Thái, thì có con là một sự chúc lành của Thiên Chúa, còn son sẻ là dấu của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Hơn thế nữa, son sẻ còn là một tình trạng tương đương với sự chết chóc. Thực vậy, chết là hết sống. Son sẻ là hết dòng sự sống. Tên tuổi sẽ bị dứt khỏi trần gian.
Quan niệm về đời sau của người Do Thái lúc bấy giờ còn rất mù mờ. Mọi hy vọng của họ là cuộc sống trần gian. Phần thưởng chính là dòng dõi nối tiếp mãi trên mặt đất này. Bởi đó việc tiếp tục có dòng dõi sau tai ương khốn quẫn đã được diễn tả bằng sức sống lại.
Thế nhưng, như lời Kinh Thánh đã xác quyết về Thiên Chúa: Tư tưởng của Ta không giống với tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không giống với đường nẻo của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường nẻo của ta cũng cao hơn tư tưởng và đường nẻo các ngươi bấy nhiêu.
Chính vì thế, Thiên Chúa thường ghé mắt nhìn đến sự yếu hèn và bất lực, bởi đó mới nảy sinh những điều đáng ngạc nhiên trong hành động của Thiên Chúa. Ngài đã tỏ lộ quyền năng của Ngài trong sự bất lực. Đúng thế, sự đồng trinh của Đức Mẹ cũng là một cái chết, nhưng cái chết đó đã được Thánh Thần Chúa đem lại một sự sống mới. Đó cũng là điều diễn ra nơi thập giá với cái chết của Chúa Giêsu. Bởi vì sự phục sinh và sự sống mới, một sự sống dồi dào đã nẩy sinh từ cái chết đau thương của Ngài trên thập giá.
Đã từ lâu, Thánh Thần vẫn được giới thiệu như là nguyên nhân của sự sống. Khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, thì thần khí đã bay lượn trên nước và làm cho mọi sự được thành hình. Adong được nặn từ bùn đất, nhưng nhờ Thần Khí của Thiên Chúa mà có sự sống. Thần Khí cũng trở thành sự sống của Adong mới. Một trinh nữ thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần đã nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa.
Phụng vụ ngày Chúa nhật hôm nay cho chúng ta cải cảm tưởng rằng Chúa Giêsu đang đi vào lịch sử nhân loại. Ngài chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở giữa chúng ta để cứu chuộc, để giải phóng, để dẫn chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi.
Giáo Hội hôm nay chính là sự nối tiếp sự hiện diện hữu hình của Chúa giữa con người trong thế giới, một sự hiện diện cứu chuộc và giải thoát không phải chỉ về mặt thiêng liêng bằng cách trao ban các bí tích, mà hơn nữa một sự giải thoát toàn diện, khỏi tất cả những gì cản trở sự phát triển của con người và xã hội bằng sự dấn thân và liên đới với mọi nỗ lực xây dựng tình thương và công lý.

Vâng theo Ý Chúa
Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nếu Ngài đã tạo dựng thế giới chỉ bằng một lời quyền năng của Ngài, thì Ngài cũng có thể cứu chuộc con người một cách dễ dàng bằng một lời tha thứ. Nhưng Thiên Chúa đã không làm thế. Ngài tôn trọng tự do của con người và muốn chính con người sử dụng tự do của mình để cộng tác vào công trình cứu độ. Nhưng bằng cách nào? Thưa, đó là luôn vâng theo ý Chúa như Đức Maria và thánh Giuse đã sống.
Thật vậy, Đức Maria chỉ là một thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác, sống trong một làng quê nhỏ bé, âm thầm; chỉ có một điều khác biệt là người đã luôn vâng theo ý Chúa trong mọi sự. Người đã thưa xin vâng, dù chưa biết rõ chương trình lạ lùng của Thiên Chúa. Cũng thế, thánh Giuse chỉ là bác thợ mộc nhà quê, nghèo hèn, nhưng có điều khác biệt là ngài đã luôn tuân theo ý Chúa, điển hình là ngài đã rước Đức Maria về nhà mình sau khi được sứ thần cho biết là Đức Maria thụ thai là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.
Mỗi kitô hữu chúng ta cũng có thể là một Giuse hay một Maria khác. Mặc dù chỉ là những con người bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi, chúng ta cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa nếu chúng ta biết thể hiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong sự tuân phục thánh ý Chúa, được biểu lộ qua luật Phúc âm, qua giáo huấn của Giáo Hội và của các vị Bề trên… Cuộc sống tốt đẹp của chúng ta sẽ trở thành một dấu hỏi cho người chung quanh: Tại sao người Công giáo lại vui tươi, bình an như thế; gương sống đạo của chúng ta sẽ tác động những người khô khan và là một khuyến khích nâng đỡ cần thiết cho những anh em đồng đạo của chúng ta.
Ước gì chúng ta ý thức được phần đóng góp tuy nhỏ bé, nhưng hữu hiệu của chúng ta, trong việc làm cho mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu được mọi người nhận biết, và làm cho nhiều tâm hồn trở thành nơi an bình cho Chúa giáng sinh.

 R. Veritas

(Trích từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI HAI
Một Khởi Đầu Mới Trên Con Đường Dẫn Về Vĩnh Cửu
Mùa Vọng đem lại cho chúng ta niềm vui lớn lao bởi vì chúng ta “sẽ tiến về nhà Chúa" (Tv 122,1). Chúng ta có thể nhìn thấy kết cục của cuộc hành trình vĩ đại này, cuộc hành hương của kiếp người trên trần gian. Chúng ta được mời gọi để cư ngụ trong "nhà của Chúa". Đó là quê hương đích thực của chúng ta.
Mùa Vọng là mùa mong chờ ngày của Chúa, mong chờ giờ của sự thật. Đó là sự chờ mong ngày "Ngài sẽ xét xử các quốc gia, và phân xử các dân tộc" (Is 2,4). Chân lý trọn vẹn của Thiên Chúa sẽ là nền tảng cho nền hòa bình phổ quát và viên mãn của Đức Kitô. Đó là mục tiêu mà mọi người thiện chí hướng vọng.
Như vậy, một lần nữa Mùa Vọng giúp chúng ta nhận ra con đường vĩnh cửu dẫn con người đến với Thiên Chúa. Mỗi năm, Mùa Vọng là một khởi đầu mới. Đời sống con người không đi về chỗ bế tắc. Không, đời sống chúng ta đưa chúng ta về gặp gỡ Thiên Chúa ở cuối thời gian.
Trong Mùa Vọng cũng có một tiên báo về những con đường sẽ dẫn các mục đồng và các đạo sĩ Đông phương đến máng cỏ của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22-12
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Is 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24.

LỜI SUY NIỆM: Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”.
Thánh Giuse là “người công chính” khi nhìn vào Đức Mẹ, Thánh nhân chưa rõ mọi sự, Thánh nhân không thể kết luận điều gì, Thánh nhân có suy nghĩ riêng của mình và định chọn cho mình một giải pháp êm đẹp. Nhưng với tình thương và kế hoạch của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đã mời gọi Thánh nhân cọng tác với Ngài trong chương trình Cứu Độ nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con, luôn ý thức về bản thân mình đang nằm trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, để sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài trong mọi việc, mọi lúc và mọi nới.
Mạnh Phương


22 Tháng Mười Hai

Mùa Của Gửi Thiệp Tặng Quà
Người Anh thường nói: "Một quà tặng không có người tặng là một quà tặng trống rỗng trơ trụi". Giá trị của một quà tặng do đó, không tùy thuộc nhiều ở giá trị vật chất của nó, mà đi chính tâm tình của người tặng quà.
Ngày nay, cũng giống như ở bất cứ thời đại nào, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo quốc gia thường đi kèm với nghi thức trao tặng quà cho nhau. Trong một cuộc họp thượng đỉnh ở ngoài khơi đảo quốc Malta cuối năm 1989, tổng thống Bush của Hoa Kỳ đã tặng cho chủ tịch Gorbachov của Liên Xô một viên gạch lấy từ bức tường ô nhục Bá Linh. Dù chỉ là một viên gạch, nhưng đây lại là một món quà vô giá, bởi vì tổng thống Bush đã muốn gói ghém trong đó tất cả thiện chí và ước muốn xây dựng hòa bình của ông, của nhân dân Hoa Kỳ, cũng như của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình.
Trước đó vài ngày, chủ tịch Gorbachov cũng đã trao tặng và nhận quà trong cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha. Nhà lãnh đạo của Liên Xô đã tặng cho Ðức Thánh Cha một tập thánh vịnh in vào thế kỷ thứ 13 và 14, qua đó ông muốn khẳng định rằng những giá trị đạo đức và luân lý do tôn giáo đề ra là những nhân tố cần thiết cho việc xây dựng xã hội.
Ðáp lại, Ðức Thánh Cha đã tặng cho nhà lãnh đạo Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ: "Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống".
Ðó là tất cả những gì mà Ðức Gioan Phaolô II và qua ngài, toàn thể Giáo Hội có thể trao tặng cho một xã hội đã từ lâu muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Riêng với bà Raissa, phu nhân của chủ tịch Gorbachov, Ðức Thánh Cha đã tặng một cỗ tràng hạt. Lòng yêu mến đối với Nữ Vương của hòa bình: đó là món quà cao quý nhất mà một vị Giáo Hoàng đã có thể tặng cho tất cả những ai đang mưu tìm hòa bình cho nhân loại.
Mùa Vọng là mùa của gửi thiệp và tặng quà Giáng Sinh.
Chúng ta gửi thiệp chúc mừng đến những người thân thương quen thuộc đã đành, chúng ta cũng gửi đi những cánh thiệp xã giao đến những người chỉ một lần gặp gỡ, quen biết... Có một cánh thiệp nào, một quà tặng nào cho những người không quen biết, cho những người đầu ngõ cuối xóm mà chúng ta không hề muốn đưa mắt nhìn đến, cho những người hành khất bên vệ đường, cho những kẻ không nhà không cửa, cho những ai đang rét run vì giá lạnh, vì cô đơn không?
Hãy nhiệt tình chào hỏi những người mà chúng ta ghét cay ghét đắng. Hãy làm hòa với những ai chúng ta vừa gây gổ. Hãy dọn một bữa ăn cho những người hành khất quen thuộc. Hãy thăm viếng một người bệnh đang chờ một lời an ủi, đỡ nâng. Hãy san sẻ đôi chút với những người hàng xóm đang túng thiếu hơn ta.
Ðó là những cánh thiệp, những món quà Giáng Sinh có giá trị nhất mà chúng có thể gửi ngay đi trong Mùa Vọng này, bởi vì đó là phần cao đẹp nhất của chúng ta.
(Lẽ Sống)

22-12
Chân Phước Jacopone ở Tadi

(c. 1306)
J
acomo, hoặc James (Giacôbê), sinh trong một gia đình quyền quý thuộc dòng họ Benedetti ở thành phố Todi thuộc phía bắc nước Ý. Ông trở nên một luật sư thành công và kết hôn với một phụ nữ đạo đức, độ lượng tên là Vanna.
Người vợ trẻ của ông đã tự ý hy sinh hãm mình một cách kín đáo để đền bù cho những thói tục thế gian quá đáng của chồng. Một ngày kia, do sự nài nỉ của ông Jacomo, bà Vanna đã theo chồng đến tham dự một cuộc tranh giải thể thao. Chẳng may phần khán đài chỗ bà ngồi cùng với các phụ nữ quý tộc khác bị sâïp, và bà bị tử thương. Ðang rúng động trước cái chết thảm khốc của vợ, ông Jacomo lại còn bối rối hơn nữa khi biết cái giây lưng đền tội mà bà đeo trong mình là vì tội lỗi của ông. Ngay lúc ấy, ông thề thay đổi đời sống.
Ông chia bớt tài sản cho người nghèo và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Vì ông luôn mặc áo nhặm để đền tội nên ông bị chế nhạo là điên khùng, và bị chúng bạn cũ gọi là Jacopone, hay tên "Giacôbê khùng". Cái tên ấy đã gắn liền với cuộc đời ông.
Sau 10 năm chịu nhục nhã, ông xin được trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô. Vì sự nổi tiếng của ông, nên lúc đầu ông bị từ chối. Ông đã sáng tác một bài thơ thật hay về sự phù hoa của thế gian, và hành động ấy đã giúp ông được nhận vào Dòng năm 1278. Ông tiếp tục một cuộc đời kham khổ, hy sinh đền tội của một thầy dòng và từ chối không nhận chức linh mục. Trong khi đó ông vẫn tiếp tục sáng tác nhiều bài thánh ca bằng tiếng bản xứ.
Thầy Jacopone bỗng dưng trở nên nhà lãnh đạo của phong trào linh đạo đang gây nhiều xáo trộn trong dòng Phanxicô. Phong trào này được gọi là "Linh Ðạo", muốn trở về lối sống nghèo hèn đích thực của Thánh Phanxicô. Họ được sự hậu thuẫn của hai đức hồng y và Ðức Giáo Hoàng Celestine V. Tuy nhiên, hai vị hồng y lại chống đối đấng kế vị Ðức Celestine, là Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII. Vào lúc 68 tuổi, Thầy Jacopone bị phạt vạ tuyệt thông và bị cầm tù. Mặc dù thầy nhìn nhận lỗi lầm, nhưng không được tha mãi cho đến năm năm sau, khi Ðức Benedict XI lên ngôi giáo hoàng. Thầy Jacopone chấp nhận thời gian tù đầy như để đền tội. Thầy sống ba năm còn lại một cách thánh thiện, than khóc về lỗi lầm của mình. Trong thời gian này, thầy đã sáng tác bài thánh ca nổi tiếng bằng tiếng Latinh, bài Stabat Mater.
Vào Ðêm Giáng Sinh 1306, Thầy Jacopone cảm thấy đã đến lúc từ giã cõi đời. Lúc ấy thầy ở trong tu viện của Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn với một người bạn, sau này là Chân Phước Gioan ở xứ La Verna. Noi gương Thánh Phanxicô, Thầy Jacopone đã chào đón "Chị Tử Thần" với một bài ca nổi tiếng của thầy. Người ta kể rằng khi thầy chấm dứt bài hát và trút hơi thở cuối cùng thì ở nhà thờ, vị linh mục cũng vừa cất bài Vinh Danh trong Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh. Từ lúc từ trần cho đến nay, Thầy Jacopone vẫn được tôn kính như một vị thánh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét