Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

19-03-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT III MÙA CHAY năm A

19/03/2017
Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A.
(phần I)


Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7
"Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: "Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy". Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: "Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi". Chúa liền phán bảo Môsê: "Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống". Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là "Thử Thách", vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: "Chúa có ở với chúng tôi hay không?"
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng!" (c. 8)
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người! - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8
"Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.

Phúc Âm: Ga 4, 5-42 (bài dài)
"Mạch nước vọt đến sự sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (Vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Sa-maria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa". Chúa Giêsu bảo: "Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây". Người đàn bà đáp: "Tôi không có chồng". Chúa Giêsu nói tiếp: "Bà nói "tôi không có chồng" là phải, vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem".
Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Vừa lúc đó các môn đệ về tới. Các ông ngạc nhiên thấy Ngài nói truyện với một người đàn bà. Nhưng không ai dám hỏi: "Thầy hỏi bà ta điều gì, hoặc: tại sao Thầy nói truyện với người đó?" Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng: "Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?" Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài, trong khi các môn đệ giục Ngài mà rằng: "Xin mời Thầy ăn". Nhưng Ngài đáp: "Thầy có của ăn mà các con không biết". Môn đệ hỏi nhau: "Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?" Chúa Giêsu nói: "Của Thầy ăn là làm theo ý Ðấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài. Các con chẳng nói: còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt đó ư? Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt. Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng. Ðúng như câu tục ngữ: Kẻ này gieo, người kia gặt. Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc, còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: "Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm". Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: "Xin bà cho tôi uống nước" (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: "Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?" (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: "Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: "Xin cho tôi uống nước", thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống".
Người đàn bà nói: "Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?"
Chúa Giêsu trả lời: "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời". Người đàn bà thưa: "Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa".
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem". Chúa Giêsu đáp: "Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý".
Người đàn bà thưa: "Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Chúa Giêsu bảo: "Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây".
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: "Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúng ta vẫn còn khát, và khát nhiều?
Mùa Chay muốn giúp đỡ chúng ta canh tân ơn gọi làm con Chúa và chuẩn bị các tân tòng đón nhận ơn tái sinh. Phụng vụ hôm nay đã chọn các bài đọc để làm công việc trên. Ðặc biệt bài sách Xuất hành và bài Tin Mừng đã trực tiếp gợi đến Nước Rửa tội. Còn bài Thánh thư cũng phải hiểu theo Bí tích Thánh Tẩy. Thế nên Chúa nhật này là Chúa nhật Nước. Và chúng ta phải suy nghĩ về Nước trong Cựu Ước nơi Tân Ước và tại Giếng Rửa tội.

A. Nước Trong Bài Sách Xuất Hành
Cựu Ước có rất nhiều bản văn nói đến Nước. Và điều đó cũng không có chi lạ. Dân Chúa đã từng sống lâu năm trong hoang địa; và ngay đất chảy sữa và mật mà Chúa ban cho Dân cũng nằm trong vùng cát đá và khô cạn. Trong bối cảnh đó, Nước dễ trở thành một chủ đề năng gặp trong suy tưởng. Ấy là chưa kể việc các dân tộc chung quanh luôn có khuynh hướng thần hóa nước, coi mùa lụt mùa khô là những dịp thần giận dỗi và tức bực. Các tác giả Thánh Kinh không bao giờ nghĩ như vậy và cực lực bài xích khuynh hướng tà giáo. Nước luôn luôn chỉ là một tạo vật nằm trong tay Chúa. Ðôi khi Người dùng Nước để đánh phạt hoặc cho Nước dâng thành hồng thủy phủ lấp tất cả mặt địa cầu tội lỗi, hoặc không cho mưa rơi để dân tội lỗi ăn năn thống hối. Nhưng thông thường hơn, Nước được coi như là nhân tố cứu sống. Nước đã có mặt trong việc tạo dựng vũ trụ và loài người. Nước tưới vườn Êđen thành địa đàng trần gian. Nước làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Ðặc biệt, Nước gợi lên Ơn Chúa cứu độ. Không những người công chính được sánh ví như cây mọc bên suối nước, trổ sinh hoa quả đời sống tốt lành; mà nhất là nhờ Nước Biển Ðỏ và Nước sống Yorđan dựng lên thành tường, Dân Chúa đã thoát ách nô lệ và đi vào Hứa địa. Chúa lại hứa đến thời cứu thế, Nước sẽ chảy ra từ hông đền thờ mới làm vạn vật và loài người sống lại trong ân sủng.
Tuy nhiên chúng ta hãy dừng lại trong bài sách Xuất hành hôm nay. Tuy không phải là bản văn Cựu Ước hay nhất nói về Nước, nhưng cũng là một trong vài ba đoạn quan trọng hơn cả. Ngày ấy dân chúng khát nước. Họ đang ở giữa sa mạc, nên họ có càm ràm, tưởng cũng dễ hiểu. Tuy nhiên thái độ của họ đã có một ý nghĩa khác. Họ không khẩn nài cầu xin một ơn cần thiết. Ngược lại họ bực tức, trách móc vì đã được giải phóng. Họ định ném đá Môsê, người đã lãnh đạo họ ra khỏi đất nô lệ. Họ không còn biết Chúa có ở giữa họ nữa hay không? Thánh Kinh nói rõ: họ đã thử thách Chúa ở nơi đó, điều mà Ðức Kitô, trong bài Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay, bảo không được phép làm. Nói cách khác, ở Massah và Mêribah, dân đã phạm tội, đã mất đức tin, đã thất sủng với Chúa.
Người đã xử thế nào? Giọng Người êm ái làm sao! Người dùng Môsê ban Nước cho Dân. Người đứng ở núi Horeb bảo ông đập đá để Nước chảy ra cho Dân uống. Nhưng ở đây cũng chú ý. Người bảo Môsê cầm cây gậy đã đập Nước Biển Ðỏ để nó rẽ ra cho Dân đi qua, rồi sau khép lại giết hết quân quốc Aicập. Cây gậy đã giải thoát Dân nay lại cứu sống Dân. Nước ở đá chảy ra để Dân uống không phải là không có tương quan gì với Nước Biển Ðỏ đã cứu Dân, vì ít ra cây gậy kia cũng nhắc lại cho những người uống nước hôm nay nhớ đến ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ. Vậy nếu cuộc vượt qua Biển Ðỏ thường được dùng để nói về Ơn Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, thì câu chuyện Môsê đập đá để có Nước chảy ra cho Dân uống, cũng thích hợp để đưa tâm trí chúng ta nghĩ tới Ðức Yêsu Kitô là Môsê mới sẽ ban Nước cứu sống và cứu độ cho những ai đến gần Người. Ðề tài này, bài Tin Mừng hôm nay trình bày rất lợi khẩu trong câu chuyện Ðức Kitô với người phụ nữ xứ Samari.

B. Nước Trong Bài Tin Mừng
Ðức Yêsu hôm ấy đi đường mệt. Vào lúc trưa Người đến ngồi nghỉ bên bờ giếng Yacob trong khi các môn đệ đi mua đồ ăn. Một phụ nữ Samari đến kín nước. Người nói với bà ta: "Cho tôi uống với". Một câu nói bất ngờ lọt tới tai người phụ nữ, nhưng lại là một tia nước vọt ra từ lòng Ðức Yêsu để chảy thành suối lênh láng, sẽ làm tươi mát tâm hồn rất nhiều người vào buổi trưa, tức là vào lúc đang khát khao ơn cứu độ.
Quả thật, từ câu nói trên, dần dần Ðức Kitô đưa người thiếu phụ từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ chỗ đầu tiên chỉ thấy người nói với mình là một người đi đường (c.6), một người Dothái kỳ lạ dám tiếp xúc và xin nước một người đàn bà Samari vốn kình địch với Dothái (c.9); đến chỗ phỏng chừng Người là Vị vượt lên trên cả sự mâu thuẫn giữa Dothái và Samari, tức là vào bậc tổ phụ của cả hai dân tộc ấy (c.12); rồi hơn nữa có lẽ Người là một tiên tri (c.19); và cuối cùng là Ðấng Thiên Sai đến dạy dỗ loài người mọi sự (c.25). Mà tất cả những khám phá phong phú ấy, người phụ nữ kia đã dần dần làm được nhờ lời xin một ngụm nước và nhờ câu chuyện cứ tiếp diễn về đề tài Nước.
Không phải nước uống thường, có giá trị như vậy đâu! Người phụ nữ thoạt nghe tưởng người lữ hành kia nói đến nước giếng mà mình sắp múc. Nhưng Người thì ngay từ đầu đã chỉ muốn nói đến Nước sinh sống. Nước ban sự sống mà chính Người đang có (c.10). Nước ấy sẽ nên mạch suối trong người uống có nước vọt đến sự sống đời đời (c.14); chứ không như nước tù trong giếng nước, uống vào chỉ khỏi khát trong chốc lát.
Người phụ nữ chắc phải ngơ ngác, chẳng hiểu nước sinh sống ấy là gì, nhưng bà cứ xin Người ban cho mình thứ nước kỳ lạ đó. Và như vậy là cá đã cắn câu. Ðức Kitô chỉ muốn bà thấy mình nghèo khó và cần đến Người. Người rót nước sinh sống của Người vào lòng bà: hãy đi gọi chồng bà, rồi đến đây! Lời nói đánh trúng trái tim bà, giải quyết vấn đề lòng thòng cho tới nay. Và được nhẹ nhõm lương tâm luân lý đạo đức rồi, bà đặt vấn đề tôn giáo về tôn thờ chân thật. Và lại được giải đáp thỏa đáng. Nước sinh sống của Chúa đã tháo gỡ tội lỗi và mê muội trong lòng bà, bởi vì Nước của Người là Lời có sức mạnh thần linh, là giáo lý ban Thánh Thần, là mạc khải cứu độ sẽ ban Thần Trí làm suối có nước vọt đến sự sống đời đời ở trong lòng người tin yêu.
Người phụ nữ Samari chưa nhận được đến mức độ đó. Tuy nhiên Lời Chúa đã gỡ rối và chiếu soi tâm hồn bà. Bà thấy hạnh phúc rồi, nên lợi dụng lúc các môn đệ đi mua bán về, bà thoăn thoắt bỏ đi quên cả vò nước; về làng chia sẻ nỗi mừng với mọi người.
Câu chuyện còn tiếp diễn, nhưng chúng ta hãy dừng lại để thấy rõ Nước mà Ðức Kitô ban cho người ta vượt xa hẳn Nước mà Môsê đã ban cho Dân Dothái. Một đàng chỉ giải khát thân thể; còn đàng kia giải thoát chính tâm hồn. Nhưng Nước Rửa tội còn quý hóa hơn cả thứ Nước mà Ðức Kitô vừa ban cho người phụ nữ. Người chỉ mới ban cho bà ta một vài lời hằng sống; chứ như khi ban Nước Rửa tội cho Hội Thánh, không những Người đã ban đức tin đầy đủ mà còn đổ xuống chính Thánh Thần làm mạch suối có nước vọt đến sự sống đời đời. Và điều đó chúng ta có thể hiểu qua bài Thánh Thư và câu chuyện tiếp nối ở trên.

C. Nước Tại Giếng Rửa Tội
Mở đầu bài thư, thánh Phaolô khẳng định chúng ta đã được nên công chính nhờ đức tin... và hy vọng sẽ được thông phần vinh quang của Thiên Chúa... Hy vọng như vậy sẽ không tủi hổ, vì lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta.
Phúc chúng ta thật lớn. Và cho được như vậy, như thánh Phaolô khẳng định, Ðức Kitô đã phải chết vì ta. Ðó cũng là điều dường như thánh Yoan muốn diễn tả trong phần sau của bài Tin Mừng.
Các môn đệ đi mua thức ăn về. Họ mời Chúa; nhưng Người nói: Người đã có một thức ăn khác, là làm công việc Chúa Cha đã giao. Ðó là điều các môn đệ không biết, y như Ðức Maria và thánh Yuse vào hồi Chúa lên 12 tuổi. Người đã làm việc với người phụ nữ Samari. Người đã gieo thóc và sắp có kết quả rồi. Người đã vất vả đi truyền giáo và sẽ chịu chết, để các Tông đồ được gặt hái kết quả sau này. Và để làm chứng, thì kìa dân Sychar đang tuốn đến. Họ còn được nhiều ơn hơn người phụ nữ kia nữa, vì Ðức Kitô đang đến gặp họ không phải chỉ là Tiên tri và Thiên sai, mà còn là Cứu Thế, vì Người vừa nhắc đến mầu nhiệm Tử nạn.
Chúng ta chính là dân Sychar này. Chúng ta đã được tiếp xúc với Ðấng Kitô tử nạn vì tội thế gian. Không những Người đã ban Lời Chúa cho chúng ta, mà còn ban Thịt Máu Người nữa. Nhờ cuộc Tử nạn trên Thập giá, cạnh sườn Người đã để Nước và Máu chảy ra, là Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Tử nạn. Nước này mới thật sự cứu độ và ban Thánh Thần làm mạch suối có nước vọt đến sự sống đời đời trong tâm hồn tín hữu.
Chúa bảo: Ai uống nước này không còn khát nữa. Chúng ta có giữ lời ấy không? Hay chúng ta vẫn còn khát, và khát nhiều? Khát dục vọng, khát của cải, khát vinh dự, khát đủ mọi sự thế gian đến nỗi nhiều lần càm ràm kêu trách và thử thách Chúa như dân Dothái hồi ở Massah? Thiên Chúa cũng ban Ðức Kitô cho chúng ta trong Thánh lễ này, để Người cầm gậy Thánh giá đập vào chính Thân thể Người, để Nước chảy ra theo Máu để Thánh Thần được ban cho chúng ta nhờ Hy lễ đổ máu này. Xin Thánh Thần tưới mát tâm hồn chúng ta, tiên diệt mọi dục vọng để chúng ta sống xứng đáng với Tin Mừng cứu độ, tức là hân hoan ngay trong thử thách.
Chính Chúa đã nhắn nhủ chúng ta khi nói với môn đệ: hãy ngước mắt lên và nhìn, đồng lúa đã chín vàng chờ gặt! Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra; có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ.
Lời Chúa chắc chắn đúng ở bình diện Nước Trời. Ðức Kitô và bao thế hệ Tông đồ đã vất vả làm công việc của người gieo. Công việc tông đồ của chúng ta hiện nay, dù có vất vả đến đâu, cũng chỉ là áp dụng hiệu quả của mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh.
Nhưng Lời Chúa thiết tưởng cũng đúng ở bình diện xã hội. Mọi người đã làm việc vì ta... thì ta cũng phải sống cho mọi người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật III Mùa Chay, Năm A
Bài đọc: Exo 17:3-7; Rom 5:1-2, 5-8; Jn 4:5-42 (hoặc 4:5-15, 19b-26, 39a, 40-42).

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa kiên nhẫn hoán cải tâm hồn con người.
Trong hành trình đức tin, nhiều người nghĩ họ tin vào Thiên Chúa là do ý muốn và công sức của họ; nhưng thực ra, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc hoán cải tâm hồn con người, Ngài cho họ cơ hội gặp gỡ, dùng Lời Chúa bên ngoài và thúc đẩy của ơn thánh bên trong, để giúp họ nhận ra tình yêu Ngài dành cho họ, và họ tin vào Ngài. Nếu Thiên Chúa không tỏ tình yêu trước, chẳng ai có thể tin vào Ngài để được cứu độ.
Trong 3 tuần lễ liên tiếp của Chủ Nhật thứ ba, thứ tư, và thứ năm của Mùa Chay, Giáo Hội muốn dùng 3 bài Phúc Âm của thánh Gioan, chương 4, 9, và 11, để giáo dục niềm tin của các tân tòng. Mục đích là để giúp họ nhận ra 3 điều chính: Thứ nhất, Thiên Chúa kiên nhẫn đi tìm họ để giúp họ tuyên xưng niềm tin vào Ngài qua nước của bí-tích Rửa Tội qua câu truyện Chúa Giêsu hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Thứ hai, sau khi họ đã trở thành tín hữu, Ngài sẽ tiếp tục giáo dục để họ nhận ra những sự thật khác về Thiên Chúa và về cuộc đời, qua câu truyện Chúa Giêsu mở mắt cho anh mù từ lúc mới sinh. Sau cùng, Ngài sẽ cho họ được sống lại từ cõi chết như Ngài đã cho anh Lazarus đã chết 4 ngày được sống lại.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật sự kiên nhẫn và tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong việc hoán cải tâm hồn con người. Trong bài đọc I, khi dân chúng không có nước để uống trong sa mạc, họ kêu trách Moses và đe dọa trở về đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa truyền lệnh cho Moses đập vào tảng đá ở núi Horeb khiến cho nước trào ra cho dân chúng uống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác quyết Thiên Chúa vẫn thương con người ngay khi họ vẫn còn là tội nhân, Ngài đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết và tha tội cho con người, để mở lối cho con người vào hưởng mọi ân sủng, và để chỉ đường cho con người vào chốn trường sinh của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kiên nhẫn hướng dẫn người phụ nữ Samaria để chị nhận ra và tin tưởng vào Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Sau khi được soi sáng, chị trở thành nhà rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho dân của chị, và chị đưa mọi người đến với Chúa Giêsu để được Ngài hướng dẫn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?"
1.1/ Con người luôn kêu trách Thiên Chúa khi gặp trái ý: Hành trình của dân Do-thái 40 năm trong sa mạc có thể được so sánh với hành trình của mỗi người chúng ta trên đường tiến về quê trời. Thiên Chúa đã làm rất nhiều ơn lành cho con người, nhưng họ không bao giờ thấy đủ. Khi dân Do-thái thấy không có nước uống trong sa mạc, họ đã kêu trách ông Moses rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?" Ông Moses kêu lên cùng Đức Chúa: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!"
1.2/ Thiên Chúa luôn kiên nhẫn sửa dạy con người: Ngài vừa mới làm bao nhiêu phép lạ trước mắt họ để đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập. Họ cần hiểu rằng: Nếu Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-cập, Ngài cũng có uy quyền để cung cấp cho họ những thứ cần thiết trên đường. Ngài đã cho họ có bánh ăn, manna, và giờ đây Ngài cũng sắp cho họ có nước uống.
Manna và nước uống cần thiết cho cuộc sống thể lý của con người; nhưng theo các thánh giáo-phụ, đây chỉ là hình ảnh của thức ăn thiêng liêng mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người trong tương lai. Manna tượng trưng cho Mình (thịt) của Chúa Giêsu, và nước uống tượng trưng cho Máu của Ngài. Tảng Đá đây chính là thân thể của Ngài, và khi người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu khi Ngài sinh thì trên Thập Giá, tức thì Máu cùng Nước chảy ra.
Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực thần thiêng mà Ngài ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể, để nuôi dưỡng và cung cấp sức mạnh cho con người đời trên hành trình tiến về quê trời. Điều này đã được Gioan cắt nghĩa chi tiết trong chương 6. Chúa Giêsu cắt nghĩa cho người phụ nữ Samaria trong bài Phúc Âm của Gioan tuần này, khi Ngài nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Chúng ta có thể hiểu Nước chính là Máu của Chúa ban cho con người qua bí-tích Thánh Thể.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
2.1/ Những điều con người được lãnh nhận từ Đức Kitô: Theo thánh Phaolô, con người được cứu độ là do hoàn toàn tình thương của Thiên Chúa, chứ không do bởi bất cứ một việc lành nào con người làm. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô liệt kê 5 ơn lành con người được lãnh nhận từ Đức Kitô.
(1) Được trở nên công chính: Con người được trở nên công chính là do bởi việc đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Lề luật không có sức mạnh làm con người trở nên công chính.
(2) Được bình an với Thiên Chúa nhờ hòa giải: Tội lỗi gây ra sự xáo trộn trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Đức Kitô chịu chết để xóa tan tội lỗi cho con người, và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa.
(3) Được hưởng muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa: Cái chết của Đức Kitô mang lại cho con người muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa qua các bí-tích Ngài thiết lập, bắt đầu từ sự kiện người lính cầm đòng đâm thâu cạnh sườn của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
(4) Được hy vọng hưởng vinh quang của Thiên Chúa: Một khi đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được thánh hóa bằng các ân sủng, con người trở thành những người con thánh thiện, xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.
(5) Được sự hiện diện của Thánh Thần: Để giúp con người nhận ra những sự thật và tình yêu của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta một Đấng Phù Trợ khác là Chúa Thánh Thần sau khi Đức Kitô về trời.
2.2/ Thiên Chúa chứng tỏ tình thương của Ngài cho con người qua Đức Kitô: Để chứng minh Thiên Chúa là người đi bước trước trong hành trình đức tin của con người, Phaolô đưa ra hai bằng chứng rõ ràng:
(1) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ chưa biết Ngài: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.”
(2) Đức Kitô đã chết vì con người khi họ còn là tội nhân: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.”
3/ Phúc Âm: “Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."
3.1/ Thiên Chúa đi tìm con người, bất kể hoàn cảnh và thời gian: Giờ thứ sáu của Do-thái là mười hai giờ trưa của chúng ta. Giờ này đa số mọi người ở trong nhà để ăn trưa và nghỉ ngơi. Chúa Giêsu chịu đựng nắng nôi, vất vả đi tìm chiên lạc để dắt về cho Thiên Chúa. Để chinh phục người phụ nữ Samaria, trước hết Chúa Giêsu phải vượt bức tường kỳ thị chủng tộc, vì người Do-thái không muốn có bất cứ sự liên hệ gì với người Samaria, họ coi người Samaria như những Dân Ngoại. Một bằng chứng cho sự kỳ thị này được tìm thấy trong Tin Mừng Lucas, khi dân Samaria không chịu tiếp đón Chúa Giêsu, hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu để hai ông khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi dân thành đó (Lk 9:53-54). Kế đến, Chúa Giêsu phải vượt bức tường xét đoán của các môn đệ khi Ngài nói chuyện với một phụ nữ. Những điều này được bày tỏ qua câu hỏi ngạc nhiên của người phụ nữ Samaria, sau khi Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng việc xin nước uống: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?"
3.2/ Chúa Giêsu mặc khải về “Nước Hằng Sống:” Chúa Giêsu xin nước uống chỉ là để mở đầu câu truyện, và để mặc khải cho người phụ nữ về một điều quan trọng của Thiên Chúa. Ngài trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."
Chị phụ nữ không nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói về “Nước Hằng Sống.” Chúa Giêsu không dùng mạo từ để xác định nước mà chị phụ nữ đang nói tới. Chị tưởng Chúa Giêsu muốn nói về “nước giếng,” với mạo từ xác định, nên chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy."
Chúa Giêsu phân biệt giữa “Nước Hằng Sống” và “nước này.” Ngài nói với chị: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." Chúa Giêsu có thể muốn đề cập tới hai điều ở đây: Thứ nhất, Nước Rửa Tội. Nước của bí-tích Rửa Tội sẽ tẩy trừ mọi tội lỗi của con người; không những thế, nó còn ban cho con người mọi ân sủng cần thiết cho cuộc sống đời đời. Thứ hai, Máu của Ngài trong bí-tích Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng và thánh hóa con người để họ trở nên những người xứng đáng lãnh nhận Nước Trời. Chương 6 của Gioan sẽ dành đặc biệt để nói về Mình Thánh Chúa.
Chị phụ nữ tuy không hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì, nhưng có lẽ vì muốn tránh mỏi mệt mỗi ngày khi phải kín nước, nên xin Chúa Giêsu: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước."
3.3/ Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: Để giúp chị tin vào Ngài, Chúa Giêsu bày tỏ uy quyền của Ngài qua việc cho chị biết: Ngài đã nhìn thấu cuộc đời của chị. Ngài bảo chị ấy: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây." Người phụ nữ đáp: "Tôi không có chồng." Đức Giêsu bảo: "Chị nói: "Tôi không có chồng" là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng."
Thấy người lạ nói “trúng tim đen” của mình, chị phụ nữ giật mình và tuyên xưng: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Jerusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa."
Chúa Giêsu mặc khải về sự thờ phượng thật trong thần khí và trong chân lý: Khi quốc gia Do-thái bị tách làm hai dưới thời vua Jeroboam, nhà vua cho xây một đền thờ tại Bethel, thuộc Samaria. Mục đích là để cho dân khỏi xuống Jerusalem để bị ảnh hưởng bởi vua của miền Nam. Chúa Giêsu phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Messiah, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho người phụ nữ: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây."
Hành trình đức tin của người phụ nữ khởi hành từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như một người Do-thái thù nghịch, đến chỗ thú nhận “Ngài là một ngôn sứ.” Sau cùng đến chỗ tin Ngài là Đấng Messiah, khi chị mời gọi mọi người đến với Chúa Giêsu: "Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?"
3.4/ Tin Thiên Chúa là phải thi hành thánh ý của Ngài: Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: "Rabbi, xin mời Thầy dùng bữa." Người nói với các ông: "Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết." Các môn đệ mới hỏi nhau: "Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?" Đức Giêsu nói với các ông: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”
Các môn đệ loay hoay lo lắng tìm của ăn phần xác, trong khi Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm lương thực phần linh hồn. Lương thực đó không gì khác hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa, mà thánh ý Thiên Chúa là làm sao cho mọi người được cứu độ. Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy kết quả truyền giáo của Ngài: “Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ "kẻ này gieo, người kia gặt" quả là đúng!” Đồng lúa đã chín vàng đây là dân thành Samaria, và chị phụ nữ có thể được coi là nhà truyền giáo đầu tiên trong Tin Mừng Gioan.
3.5/ Niềm tin có được thực sự là do Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để mời gọi người khác bắt đầu hành trình đức tin của họ. Khi nghe lời làm chứng của người phụ nữ, có nhiều người Samaria trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, và họ ra giếng gặp Ngài.
Vậy, khi đến gặp Người, dân Samaria xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."
Người khác chỉ có thể dùng lời nói hay việc làm khơi dậy niềm tin trong con người chúng ta. Để có thể sở hữu một niềm tin chắc chắn và một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta cần đích thân chạy đến với Ngài, và đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện không ngừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không phải chúng ta tự ý đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã đi bước trước để chuẩn bị mọi sự cho chúng ta. Điều này chứng tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa.
- Tình thương của Thiên Chúa được biểu tỏ trọn vẹn và hoàn hảo qua Đức Kitô. Chúng ta hãy chạy đến và đào sâu mối liên hệ với Ngài qua Lời Hằng Sống và các bí-tích.
- Con người có trí khôn và tự do. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu để hoán cải con người bằng cách chỉ cho họ thấy tình thương tha thứ của Thiên Chúa, chứ không bằng bất cứ một sự ép buộc nào. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

Ga 4,5-42

TRONG THẦN KHÍ VÀ SỰ THẬT


“Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người, phải thờ phượng theo thần khí và sự thật.” (Ga 4,24)

Suy niệm: Ở một vài nơi có câu ngạn ngữ: “Được phần xác, nhếch nhác phần hồn.” Hiện tượng đời sống vật chất đi lên đẩy lòng đạo đức đi xuống chứng thực cho câu nói đó. Ở những nơi mà cuộc sống đã đạt tới mức phồn vinh cực độ thì lạ thay người ta lại cảm thấy tâm hồn trống rỗng hơn cả. Ngược lại với khuynh hướng tôn thờ vật chất ấy, có nhiều người chủ trương “đạo tại tâm”: tôn thờ Thiên Chúa chỉ trong tinh thần. Và do đó mọi hình thức thờ phượng như kinh nguyện, dự lễ, lãnh nhận các bí tích đều không cần thiết. Đức Giê-su dạy ta phải tôn thờ Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật”. Nói một cách nôm na là chẳng những ta phải có lòng tin Chúa (trong thần khí) mà còn phải biểu hiện bằng những hành động thờ phượng thấy được ở bên ngoài (trong sự thật).

Mời Bạn: Việc tôn thờ Chúa trong thần khí và sự thật giống như thế cân bằng của người đứng vững vàng trên hai chân của mình. Thiếu tấm lòng tin yêu hay thiếu việc thực hành sống đạo đều khiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa trở thành khập khiễng. Đời sống bạn đang cân bằng hay khập khiễng?

Chia sẻ: Hiện nay đang phổ biến tính thực dụng trong việc sống đạo: thích làm những “việc thiết thực” và coi việc thinh lặng cầu nguyện là phí giờ vô bổ. Theo bạn, cần chấn chỉnh thế nào để tái lập thế cân bằng?

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay này, bạn sắp xếp thời giờ, công việc để có thể tham dự Thánh lễ ngày thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con được tạo nên cho Chúa, nên tâm hồn con còn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa. (Thánh Âu-tinh)
(5 phút lời Chúa)

CHO TÔI XIN CHÚT NƯỚC UNG (19.3.2017 – Chúa nht 3 Mùa Chay, Năm A)
Ðc Giêsu ch đói mt điu, đó là nuôi dưỡng nhân loi. Ngài ch khát mt điu, đó là ban ngun nước s sng. Chúng ta có dám chia s cơn đói khát ca Ngài không?


Suy nim:
Sau nửa ngày hành trình từ Giuđê về Galilê,
Ðức Giêsu nghỉ mệt bên một giếng nước ở vùng Samari.
Ngài vừa đói vừa khát, giữa cái nắng ban trưa.
Các môn đệ vào thành mua thức ăn.
Còn lại một mình Ðức Giêsu ngồi bên bờ giếng.
Chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ
giữa Ngài và người phụ nữ Samari vốn bị coi là ô nhơ.
Ðức Giêsu bắt đầu gieo hạt
để chuẩn bị cho mùa gặt mai sau của các môn đệ.
“Cho tôi chút nước uống.”
Ðức Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin.
Ngài chẳng sợ thú nhận sự thiếu thốn của mình.
Xin nước uống là làm một cuộc cách mạng,
là bắc một nhịp cầu qua vực sâu
ngăn cách hai dân tộc Samari và Do Thái
vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ bốn thế kỷ.
Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Ðức Giêsu
lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samari.
Ðức Giêsu đã cúi mình phá bỏ những hàng rào
để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.
“Cho tôi chút nước uống.”
Ngài là người xin nước trước khi là người cho...
Chúng ta cũng có nhiều điều phải xin
nơi chính những người cần chúng ta giúp đỡ.
Ðức Giêsu cho thấy Ngài có một thứ nước lạ lùng,
uống vào không còn khát nữa.
Người phụ nữ vội vã xin Ngài thứ nước kỳ diệu đó.
Chị đâu ngờ chính mình đã bắt đầu được nếm rồi.
Nước đó chính là Lời của Ðức Giêsu,
Lời vén mở dần dần con người thâm sâu của Ngài.
Ðức Giêsu cho thấy Ngài biết rõ gia cảnh của chị.
Cái biết của Ngài không nhằm soi mói, nhưng để cảm thông.
Cái biết của Ngài về những điều riêng tư thầm kín
đã khiến chị coi Ngài là một ngôn sứ đáng tin.
Từ đó, chính chị gợi lên vấn đề tôn giáo,
một vấn đề khiến chị rất bận tâm;
Chính chị nói lên niềm mong đợi của mình về Ðấng Mêsia,
Ðấng sẽ đến dạy dỗ mọi sự (Ga 4,25);
rồi cũng chính chị đã bỏ vò nước lại
mà hân hoan chạy đi giới thiệu Ðức Giêsu cho đồng bào.
Chị đã tìm thấy thứ nước tuyệt diệu nơi Ðức Giêsu.
Ngài từ từ tỏ mình cho chị:
“Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Không thấy nói đến chuyện Ðức Giêsu ăn hay uống.
“Lương thực của Thầy là thi hành ý Ðấng đã sai Thầy.”
Ðức Giêsu chỉ đói một điều, đó là nuôi dưỡng nhân loại.
Ngài chỉ khát một điều, đó là ban nguồn nước sự sống.
Chúng ta có dám chia sẻ cơn đói khát của Ngài không?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG BA
Các Quyền Của Con Người
Phản Ảnh Vai Trò Làm Cha Của Thiên Chúa
Giáo Hội nhìn nhận Thánh Giu-se – người công chính – là cha của Đức Giê-su Na-da-rét. Đó là lý do vì sao chúng ta nghe thấy những lời này trong Tin Mừng: “Cha con và mẹ đã lo lắng kiếm tìm con” (Lc 2,48).
Những lời ấy được thốt lên bởi Mẹ Đức Giêsu sau ba ngày tìm kiếm đứa con 12 tuổi của mình và rốt cục gặp thấy Người “trong Đền Thờ, ngồi giữa các bậc thầy dạy, vừa nghe họ,ï vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).
Tất cả chúng ta đều công nhận rằng câu chuyện được Thánh Sử Luca kể lại này là biến cố duy nhất về thời niên thiếu của Đức Giêsu được Tin Mừng thuật lại. Thật là một câu chuyện đầy ý nghĩa, vì cậu thiếu niên 12 tuổi ấy được gặp thấy ngồi giữa các thầy dạy trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (Lc 2,47).
Đồng thời, biến cố này cũng chiếu một tia sáng đặc biệt vào mầu nhiệm làm cha của Giu-se ở Na-da-rét. Chúng ta nhận ra rằng Đức Maria, sau khi quở trách Đức Giêsu (“Này con, sao con nỡ làm thế?”), đã nói tiếp: “Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con”. Và Đức Giêsu trả lời: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Đức Maria đã nhắc đến mối quan tâm của một người cha nơi Thánh Giu-se. Còn cậu thiếu niên Giê-su 12 tuổi thì hướng chỉ đến vai trò làm cha của Thiên Chúa.
Nhờ hình ảnh Thánh Giu-se, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào mối liên hệ thâm sâu giữa vai trò người cha trong nhân loại và vai trò người cha của Thiên Chúa; chúng ta có thể hiểu vai trò người cha trong nhân loại phát xuất từ vai trò người cha của Thiên Chúa như thế nào – và rút ra được từ vai trò người cha của Thiên Chúa phẩm giá và sự cao cả đích thực như thế nào.
Đối với một con người, việc sinh một đứa con trước hết có nghĩa là mình “nhận nó từ Thiên Chúa”. Sinh một đứa con chính là nhận một món quà do bởi Thiên Chúa tạo thành. Đó là lý do tại sao con cái thuộc về Thiên Chúa trước hết, rồi mới thuộc về cha mẹ mình. Thật vậy, chân lý này vô cùng phong phú và hàm súc cả cho con cái lẫn cho các bậc cha mẹ.
Đây chính là chỗ để ta nhận hiểu tính cao cả của sứ mạng được ủy thác cho người cha và người mẹ – sứ mạng đó là trở thành khí cụ của Cha trên trời trong việc giáo dục con cái mình. Song ở đây ta cũng nhận thấy cái giới hạn rõ ràng mà các bậc cha mẹ phải tôn trọng khi họ nuôi dạy con cái. Cha mẹ không bao giờ được phép tưởng nghĩ rằng mình sở hữu con cái mình. Nhưng cha mẹ phải giáo dục con cái với ý thức thường xuyên về mối quan hệ đặc biệt giữa con cái họ với chính Cha trên trời. Trong mọi sự, họ phải dành mối quan tâm đệ nhất cho Cha trên trời hơn so với mối quan tâm đến vai trò làm cha làm mẹ trần thế của mình.
Thánh gia ở Na-da-rét là mẫu gương hết sức phong phú không chỉ cho các bậc cha mẹ mà cả cho con cái nữa. Thánh Phao-lô nói rằng “Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15). Tất cả chúng ta hãy không ngừng tiến gần hơn đến Cha trên trời.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19-03
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Xh 17,3-7; Rm 5, 1-2.5-8; Ga 4, 5-42.

LỜI SUY NIỆM“Ông là người Do-Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”
Gioan tường thật câu chuyên Chúa Giêsu ngồi nơi giếng Gia-cóp trò chuyện với người phị nữ người Sa-ma-ri. Cho chúng ta thấy được Chúa đã phá bỏ rào cản giữa người Do-Thái và người Sa-ma-ri, đến nổi người phụ nữ Sa-ma-ri cũng rất ngạc nhiên không những chỉ tiếp chuyện mà còn xin nước. Chúa Giêsu đã lôi kéo được một người ngoại giáo tin vào Chúa mà còn được chính người phụ nữ này đi loan báo cho nhiều người khác tìm đến với Chúa và đã tin Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Qua người phụ nữ người Sa-ma-ri, đã làm cho nhiều người tin vào Chúa: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian” Xin ban cho gia đình chúng con luôn được làm cầu nối những người chưa biết Chúa được gặp Chúa.
Mạnh Phương

19 Tháng Ba
Người Công Chính

"Ông Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà cách kín đáo".
Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
Ðược Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một người cha.
Ðược gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương, thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.
Trong chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên Chúa yêu thương.
Trước tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.
Tiếp đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa.
Qua đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện, vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn. Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu thương.
Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu cho Thánh cả Giuse, xin Chúa chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân cho tình yêu Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét