THỨ BẢY 14/12/2013
Thứ Bảy Tuần II Mùa
Vọng
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
* Thánh Gioan thánh giá chào đời năm
1542 ở Phontivêrốt, nước Tây ban Nha. Sau một ít năm sống trong dòng Cácmen, và
được thánh nữ Têrêxa thành Avila khuyến khích, thánh Gioan đã muốn thực hiện việc
cải cách trong dòng. Điều này khiến thánh nhân phải chịu đựng muôn vàn đau khổ,
thử thách. Người qua đời tại Ubêđa, nổi tiếng là một bậc khôn ngoan, thánh
thiện, như chúng ta có thể nhận thấy qua các tác phẩm của người.
Bài
Ðọc I: Hc 48, 1-4. 9-11
"Elia
sẽ đến lần thứ hai".
Trích
sách Huấn Ca.
Bấy
giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng.
Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng
nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần
khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã
làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong
bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các
thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng
lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết
nghĩa với ngài.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ
Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).
Xướng:
1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần,
xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu
độ chúng con. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng
vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà
Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.
3)
Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố
cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống,
và chúng con ca tụng danh Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Ngày của Thiên Chúa gần đến; này đây, Người sẽ đến cứu chúng ta. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 17, 10-13
"Elia
đã đến rồi, và họ không nhận biết ông".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói
Elia phải đến trước đã?"
Chúa
Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các
con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý
họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Bấy
giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Họ Không Nhận Ra Ngài
Lời
Chúa đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng áp dụng cho người đó trong cuộc
sống hiện tại của mình. Chúa Thánh Thần là Ðấng soi sáng cho chúng ta hiểu biết
rõ ràng hơn về chân lý niềm tin, cho nên Ngôi Ba được gọi là Thần Chân Lý và mỗi
người đều múc lấy ý nghĩa sống cho mình qua Lời Chúa. Tuy nhiên, vì trình độ mỗi
người khác nhau, vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác cho nên có thể hiểu Lời Chúa sai
lệch đi.
Chúa
Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối
cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay.
Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa
luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: "Elia phải đến trước
đã". Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri
trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và
các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã.
Chúa
Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi
sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy
sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề,
hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi
trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống
cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời
Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên
Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".
Con
người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn
tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh
như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình
trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế
sẽ đến.
Thật
là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả
không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho
Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám
nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.
Chúa
Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người,
và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ,
đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một
cách nhục nhã đau thương.
Bao
nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi
Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã
không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng
ta: "Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính
Ta".
Những
kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói: :Ta đói các
con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc.
Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm". Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người
trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ailà anh em tôi? Không phải những ai xa lạ,
không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những
bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo
ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che
mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời
tiết thu đông.
Mỗi
người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm hỏi
Chúa Giêsu: "Nhưng ai là anh em tôi?" Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho
chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng
này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay
thân ái đón mừng Chúa đến.
Lạy
Chúa, Gioan Tẩy Giả đến để chuẩn bị cho Chúa mang ơn cứu độ đến. Xin cho mỗi
người trong chúng con chuẩn bị tâm hồn trong sáng hân hoan để đón Chúa đến
trong chúng con và trong gia đình thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho mỗi người
trong chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau tất cả tinh thần và vật
chất để trọn niềm vui mừng đón chờ Chúa đến. Amen.
(Veritas Asia)
Lectio Divina: Mátthêu 17:10-13
Thứ Bảy, 14 Tháng 12,
2013
Tuần thứ hai Mùa
Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Xin Chúa đừng bao giờ để cho chúng con trở thành dửng dưng
Với sứ điệp nồng cháy
Mà Con Một Chúa nói với chúng con trong Tin Mừng
Khi chúng con đã trở nên lơ đãng và thờ ơ,
Xin Chúa hãy sai các ngôn sứ đến lần nữa để đánh thức chúng con
dậy
Và khiến cho chúng con lại trở nên chăm chú
Để làm cho Nước Chúa ở giữa chúng con là sự thực
Về tình yêu của Chúa và của mọi người,
Về công lý và tình yêu phục vụ.
Chúng con cầu xin điều này cậy nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
con.
2.
Phúc Âm – Mátthêu 17:10-13
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu
rằng: “Tại sao các luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?”
Chúa Giêsu trả lời: “Thật Êlia phải
đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Êlia đã đến rồi, và họ
không nhận biết người, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy,
Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ.”
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ
về Gioan Tẩy Giả.
3. Suy Niệm
- Các môn đệ đã thấy các ông Môisen
và Êlia hiện ra cùng với Chúa Giêsu trong sự kiện Biến Hình trên núi (Mt 17:3). Nói
chung, người ta tin rằng Êlia phải trở lại để chuẩn bị cho việc Nước Trời sắp
đến. Tiên tri Malakhi đã nói: “Này, Ta sai ngôn sứ Êlia
đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh
hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn
con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án
tru diệt!” (Ml 3:23-24; Hc 48:10). Các môn đệ muốn biết: giáo
huấn của các Luật Sĩ có ý nghĩa gì, khi họ nói rằng ngôn sứ Êlia phải đến
trước? Bởi vì Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã hiện diện ở đó, đã đến,
và ông Êlia thì vẫn chưa xuất hiện. Đâu là giá trị của giáo huấn này
về sự trở lại của ngôn sứ Êlia?
- Chúa Giêsu trả lời: “Êlia
đã đến rồi và họ không nhận ra người; nói đúng ra, họ đã đối xử với ông như ý
họ muốn. Trong cùng một cách, họ cũng sẽ làm cho Con Người đau
khổ.” Bấy giờ các Môn Đệ hiểu được rằng Chúa Giêsu đang nói về Gioan
Tẩy Giả.
- Trong tình trạng thống trị đó của
đế quốc La Mã đã làm tan rã tinh thần gia tộc và lối sống quây quần quen thuộc,
người ta mong đợi rằng Êlia sẽ trở lại để xây dựng lại cộng đồng: để giảng hòa
cha mẹ với con cái và con cái với cha mẹ. Đây là niềm hy vọng lớn
của người dân. Ngày nay cũng vậy, hệ thống tân tự do của chủ nghĩa
cộng sản làm tan rã gia đình và đẩy mạnh ý tưởng quần chúng mà phá hủy cuộc
sống.
- Tái xây dựng và làm lại cơ cấu xã
hội và đời sống cộng đồng của gia đình thì rất nguy hiểm vì nó làm hao mòn cơ
sở của hệ thống thống trị. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy Giả đã bị
giết. Ông đã có một dự án để cải cách lối sống cùng với nhau của
loài người (xem Lc 3:7-14). Ông đã thực hiện sứ vụ của ngôn sứ Êlia
(Lc 1:17). Đây là lý do tại sao ông bị giết.
- Chúa Giêsu tiếp tục cùng sứ vụ
của ông Gioan: tái tạo lại đời sống trong cộng đồng. Bởi
vỉ Thiên Chúa là Cha, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Đức Giêsu
liên kết hai tình yêu với nhau: Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình
yêu đối với tha nhân, và làm cho chúng hiển thị dưới hình thức sống chung với
nhau. Cũng giống như ông Gioan Tẩy Giả, đây là lý do tại sao Người
đã bị xử tử. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, sẽ bị
kết án tử hình.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc
suy gẫm cá nhân
- Tôi hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh
của các môn đệ: ý thức hệ về chủ nghĩa tiêu thụ có đã thống thị được
tôi chưa?
- Tôi hãy tự đặt mình ở vị trí của
Chúa Giêsu: tôi có đủ sức mạnh để đối phó và tạo ra một phương pháp
mới để loài người sống chung hòa hợp với nhau chưa?
5. Lời nguyện kết
Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
Là Con Người được Chúa ban sức mạnh.
Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
Cúi xin Ngài ban cho được sống,
Để chúng con xưng tụng danh Ngài. (Tv
80)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II MV
Bài đọc: Sir 48:1-4, 9-11;
Mt 17:10-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tiên Tri Elijah và
Gioan Tẩy Giả
Tiên-tri
Elijah sống vào thời Vua Ahab (874-853 BC), một thời kỳ hưng thịnh về vật chất,
nhưng đời sống tâm linh sa sút trầm trọng. Nhà Vua đã cưới công chúa Ideven, ái
nữ của Vua Sidon, lại còn tuyên bố thờ thần Baal. Chính Vua đã lập một bàn thờ
để kính Baal trong đền thờ Vua đã xây cất tại Samaria (I Kgs 16:30-33). Vì Vua
mà hầu hết dân chúng đã bỏ Thiên Chúa để tôn kính các thần ngọai bang. Tiên-tri
Elijah được Thiên Chúa sai tới để khiển trách Vua và khuyên dân phải ăn năn trở
lại cùng Thiên Chúa.
Gioan
Tẩy Giả sống vào thời Nước Do-Thái bị đô hộ bởi Đế-quốc Roma và tòan dân đang
mong đợi Đấng Thiên Sai đến giải phóng dân tộc khỏi tay Đế-quốc và lên ngôi cai
trị dân chúng. Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai tới để chuẩn bị đường cho Đấng
Cứu Thế, và người ta tuôn đến với ông để nghe giảng, thú nhận tội lỗi, và chịu
Phép Rửa để được tha tội.
Hai
ông có nhiều điểm giống nhau: ăn uống nghiệm nhặt, ở trong sa mạc, mặc áo lông
lạc đà. Lời rao giảng như lửa đốt cháy lòng người. Sứ vụ của các ông là chuẩn bị
đường cho Thiên Chúa đến: các ông chuẩn bị bằng lời rao giảng để mang lòng cha
ông trở lại cùng con cháu. Các Bài đọc hôm nay tập trung vào cuộc đời của 2
ông. Bài đọc I nói về cuộc đời của Tiên-tri Elijah. Phúc Âm nói về cuộc đời của
Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu tuyên bố và các môn đệ nhận ra: Gioan Tẩy Giả chính
là Tiên-tri Elijah mà truyền thống Do-Thái đã tin ông phải đến để dọn đường cho
Đấng Cứu Thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Cuộc đời Tiên-tri Elijah
1.1/
Sự xuất hiện của Tiên-tri Elijah: Ông xuất hiện trong đám lửa (Sir 49:1) và ra đi cũng
trong đám lửa (Sir 49:4). Lời rao giảng của ông cũng nóng cháy như lửa: “Ông là
vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.”
Ít
có Tiên tri nào làm được nhiều phép lạ như ông: Một số các phép lạ của Elijah
làm được kể lại trong Sách Các Vua:
(1)
Tiên-tri đóng cửa trời không cho mưa rơi xuống trong 3 năm trong thời Vua Ahab. Sách Đức Huấn Ca
nhắc lại những gì xảy ra trong Sách Các Vua (x/c I Kgs 17:1-18:46): “Ông khiến
cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm
bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.”
(2)
Tiên tri truyền cho hũ bột của Bà góa thành Zarephath sẽ không vơi cho tới khi
Chúa làm cho mưa trở lại;
vì Bà đã tin tưởng làm bánh cho tiên tri ăn (I Kgs 17:14).
(3)
Tiên-tri cũng nhân danh Thiên Chúa làm cho đứa con trai của Bà sống lại sau 3 lần nằm trên
nó (I Kgs 17:1-24).
(4)
Tiên-tri cầu nguyện và khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ hy sinh trong cuộc thách thức
với các tiên tri của thần Baal và thần Aserah, để chứng minh Thiên Chúa của
Israel là Thiên Chúa độc nhất (I Kgs 18:23-38).
(5)
Ba lần, Tiên-tri khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi 3 người sĩ quan và 150 quân
lính của các ông, được sai tới để bắt Tiên-tri về trình diện Nhà Vua. Chỉ lần thứ tư,
khi người sĩ quan năn nỉ thay vì truyền lệnh, người sĩ quan và 50 lính của ông
mới thóat chết bởi lửa từ trời (II Kgs 1:1-15); sau đó Tiên-tri mới chịu đi xuống
gặp Vua Ahaziah.
Trong
tất cả các Tiên-tri của Cựu-Ước, Tiên-tri Elijah được coi là Tiên-tri sáng giá
nhất, vì các phép lạ ông đã làm như lời Sách Đức Huấn Ca tôn vinh Tiên-tri:
“Thưa ông Elijah, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển
hách! Ai có thể tự hào được nên giống như ông?”
1.2/
Sự ra đi của Tiên tri Elijah: Sau khi đã hòan tất sứ vụ, Tiên-tri đã không phải chết như bao
người, nhưng đã được Thiên Chúa mang đi như lời Sách Đức Huấn Ca nói hôm nay:
“Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do những ngựa
đỏ như lửa kéo đi.” Thiên Chúa mang Tiên-tri đi đâu không ai biết. Nhiều người
nói ông được Thiên Chúa giấu trên một ngọn núi cao. Truyền thống Do-Thái tin
ông không chết, và ông sẽ trở lại trước Ngày Đấng Thiên Sai đến, để chuẩn bị đường
cho Ngài. Họ cũng tin Mose không chết; do đó, trong Đền Thờ, họ luôn đặt hai ghế
trống: một cho Mose và một cho Elijah.
1.3/
Sự trở lại của Tiên-tri Elijah: Vì Tiên-tri Elijah không chết, nên ông sẽ trở lại như trình thuật
của Sách Đức Huấn Ca hôm nay: “Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông
đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ
bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc
Jacob. Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu
Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống (Sir 48:10-11).
Tiên-tri Malachi cũng tường thuật sự trở lại của Tiên-tri Elijah trong phần Phụ-chương
(Mal 3:23-24).
2/
Phúc Âm:
Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah.
Trình
thuật của Thánh-sử Matthêu chúng ta đọc hôm nay là sau biến cố “Chúa Giêsu biến
hình” trên Núi Tabor. Các môn đệ đã được nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình và đàm
đạo với Moses và Elijah. Là người Do-Thái, các môn đệ biết rõ truyền thống tin
về Tiên-tri Elijah. Vì thế, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: "Vậy tại sao các
Kinh-sư lại nói Elijah phải đến trước?" Người đáp: "Ông Elijah phải đến
để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến rồi mà họ
không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ
vì họ như thế." Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn nói với các ông hai
việc:
(1)
Truyền thống đúng trong việc tin Elijah đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Chính Gioan Tẩy Giả
đã tự nhận mình là sứ giả đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế khi bị chất vấn bởi
các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường
cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.” Cách ông dọn đường là sửa
sọan tâm hồn mọi người để họ xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế; nhưng có những
người Do-Thái cứng lòng không tin ông. Vua Herode đã truyền chém đầu ông vì ông
đã dám nói sự thật để bảo vệ luân lý gia đình. Sau khi đã nghe những lời cắt
nghĩa của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả chính
là hiện thân của Tiên-tri Elijah.
(2)
Truyền thống sai trong việc hiểu về cách Tiên-tri Elijah (Gioan Tẩy Giả) và Đấng
Cứu Thế sẽ dùng để chinh phục nhân lọai: Họ tin là các ngài sẽ dùng sức mạnh để hủy họai những
người không tin; nhưng các Ngài lại dùng đau khổ và hy sinh để chinh phục những
người không tin. Chúa Giêsu không đến để tiêu diệt những kẻ tội lỗi, nhưng đến
để chinh phục họ về cho Thiên Chúa bằng yêu thương tha thứ và bằng cái chết đau
khổ của Ngài. Như thế gian đã dùng quyền lực để giết chết Gioan Tẩy Giả, họ
cũng dùng quyền lực để giết Đấng Cứu Thế.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Các Tiên-tri được sai tới là vì dân chúng đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Bổn
phận của các Ngài là dùng lời rao giảng và phép lạ kèm theo để đưa dân trở về với
Thiên Chúa.
-
Cách đưa con người về với Thiên Chúa không bằng dùng sức mạnh để bắt ép và tiêu
diệt, nhưng bằng lời rao giảng về sự thật, yêu thương, và tha thứ.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 2 MV
Mt
17,10-13
A.
Hạt giống...
Văn
mạch : đoạn trước là chuyện Chúa Giêsu biến hình. Khi ấy người trở nên
vinh quang, có Môsê và Êlia hiện đến đám đạo với Ngài (17,1-8).
Vì
đã thấy Êlia cho nên khi thấy trò từ núi đi xuống, các môn đệ thắc mắc : tại
sao Êlia chỉ xuất hiện trong chốc lát rồi biến mất, trong khi các kinh sư lại
nói Êlia phải đến trước Chúa Giêsu để dọn đường cho Ngài. Người do thái tin rằng
xưa kia Êlia được đưa lên trời, để rồi sẽ trở xuống trần thế dọn đường trước
khi Đấng Messia tới. Sở dĩ người ta nghĩ như vậy vì người ta đã hiểu quá sát
nghĩa đen câu tiên tri của Malakhi 3,23-24.
Đáp
lại, Chúa Giêsu ngầm nói phải hiểu câu tiên tri ấy theo nghĩa bóng chỉ về kẻ tiền
hô cho Đấng Messia. Đấng Messia ấy chính là Chúa Giêsu, còn người tiền hô chính
là Gioan Tẩy giả.
Vì
dân do thái đã không hiểu như thế cho nên khi Gioan đến thì họ bách hại, và khi
Chúa Giêsu đến, họ cũng bách hại.
B....
nẩy mầm.
1.
“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn”
(câu 12). Ngày xưa dân do thái không nhận ra Gioan Tiền Hô là kẻ dọn đường cho
Đấng Messia, lại còn giết hại ông. Ngày nay cũng có nhiều kẻ đang dọn đường cho
Chúa nhưng người ta cũng không nhận ra, có khi còn thù ghét. Những Êlia ấy của
thời nay là ai ? Là gì ?
2.
“Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử tệ với ông theo ý họ muốn”
(câu 12).
Lời
của Chúa Giêsu trên đây mở ra cho chúng ta một cách nhìn và đánh giá các biến cố.
Nên nhìn theo tinh thần hơn là quá cứng rắn theo chữ nghĩa.
Gioan
Tiền hô không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải
là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của
Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia.
3.
Gioan Tiền hô là Êlia mới. Nếu Êlia đã xuất hiện, thì Đấng Thiên Sai và “Ngày của
Giavê” mà dân Chúa hằng mong đợi đã bắt đầu. Chính bản thân của Gioan Tiền hô
đã là một dấu chỉ, là một thời điềm.
-
Tôi có là một dấu chỉ, một thời điềm để đưa anh chị em tôi tới với Chúa ?
-
Tôi có nhận ra Chúa nơi anh chị em tôi không ? (Gặp Chúa : - qua Lời
Chúa - qua nơi con người - qua biến cố).
4.
“Thầy nói cho anh em biết : Ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại
còn đối xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17,12)
Ngôn
sứ Êlia đã đến, nhưng dân Israel không nhận ra ngài. Đức Giêsu cũng đã đến, tệ
hơn, họ đã đóng đinh Người vào Thập giá. Còn tôi, tôi đã đón nhận Chúa thế nào
trong cuộc sống ? Có lần, một cậu bé khẩn khoản xin tôi giúp đỡ. Tôi lạnh
lùng quan sát cậu từ đầu đến chân. Vì nghi ngờ, tôi đã đuổi cậu. Cậu bé đi rồi,
nhưng hình ảnh cậu cứ lởn vởn mãi trong tâm trí tôi. Và tôi bắt đầu cảm thấy
ray rứt vì đã nhẫn tâm khước từ.
Lạy
Chúa, con đã không nhận ra Người khi thản nhiên khước từ một người bé mọn, vì
đã quên : mỗi lần như thế là con đã làm cho chính Chúa. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
14/12/13 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Th. Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 17,10-13
Th. Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 17,10-13
NÓI MỘT ĐÀNG HIỂU MỘT NẺO
Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu :”Vậy
sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước.”
(Mt 17,10)
Suy niệm: Các môn đệ chưa hết “choáng” trước việc Chúa
hiển dung mà các ông vừa chứng kiến, nên đang khi từ trên núi xuống (x. Mt
17,9), các ông vẫn thắc mắc: khi thấy tiên tri Êlia cùng với ông Môsê xuất hiện
đàm đạo với Thầy, các ông đã cầm chắc Thầy mình là Đấng Mêsia; thế mà Êlia vừa
thoáng hiện ra, thoắt lại biến mất, thế thì làm sao dọn đường, khôi phục lại
vương quốc cho Ít-ra-en đây? Chúa Giêsu quả là vất vả với “bầy học trò” chậm
hiểu, Thầy nói một đàng, trò hiểu một nẻo: nói coi chừng “men Pharisêu” thì các
ông môn đệ nhà ta lại hiểu là men bột, lại lo thiếu bánh ăn, dù mới chứng kiến
phép lạ hoá bánh ra nhiều (x. Mt 16,5-12). Hôm nay, các ông lại hiểu sai về vai
trò của Êlia, và đồng thời cũng hiểu sai về Thầy mình. Thầy Giêsu vẫn nhẫn nại
giải thích cho các môn đệ: Êlia đã đến nơi con người Gioan Tẩy giả, và Ngài là
Đấng Mêsia đã đến, nhưng là Đấng Mêsia chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang.
Mời Bạn: Chúng ta dễ quen thói “suy bụng ta, ra bụng
người;” vì thế khi nghe Lời Chúa, thay vì hiểu theo ý Chúa, chúng ta lại “lạng
lách”, suy diễn theo ý riêng của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta làm ngược lại
thói quen đó: hiểu đúng ý Chúa và sống theo Lời Ngài.
Sống Lời Chúa: Để
“quen” nghe hiểu ý Chúa, mời bạn dùng “bài thuốc” sau đây: 1) suy niệm hằng
ngày để thấm nhuần cung cách hành động của Chúa Giêsu; 2) hành động theo cung
cách của Chúa bằng cách hy sinh lợi ích riêng tư để tận tâm phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và sống theo ý Ngài.
Êlia sẽ đến lại.
Ngày 10/11/1948 / Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã long trọng
công bố bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại,
cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người
như một nghĩa vụ trường kỳ. Gia nhập Liên hiệp quốc có nghĩa là ký tên vào bản
tuyên ngôn này và đương nhiên cam kết bênh vực quyền con người.
Thật ra, chỉ Thiên Chúa là Đấng có thể ban cho con người
quyền và phẩm giá được làm người mà thôi. Trong tác phẩm: “Bước qua ngưỡng cửa
hy vọng” Đức Gioan Phaolô II đã viết:
“Thật hiển nhiên là quyền con người đã được Đấng sáng tạo ghi
khắc trong trật tự của công cuộc sáng tạo. Như vậy chúng ta không thể nói đến
những ban nhượng từ phía các tổ chức của con người. Những tổ chức này không làm
gì khác hơn là diễn tả những gì chính Thiên Chúa đã ghi khắc trong trật tự Ngài
đã tạo dựng: trong lương tâm hay trong quả tim con người như Phaolô đã giải
thích trong thư Rôma. Tin Mừng là sự khẳng quyết trọn vẹn nhất về mọi quyền con
người. Không có Tin Mừng, chúng ta rất dễ xa lạc với chân lý về con người. Thật
thế, Tin Mừng cho thấy các luật thần linh đang bảo toàn trật tự luân lý của vũ
trụ và củng cố nó, nhất là qua cuộc Nhập thể. Con người là ai mà Con Thiên Chúa
mặc lấy bản tính con người. Con người phải là ai nếu Con Thiên Chúa đã phải trả
một giá đắt nhất cho phẩm giá của nó. Mỗi năm, phụng vụ diễn tả sự thán phục
sâu xa của mình khi chiêm ngắm chân lý và mầu nhiệm này trong lễ Giáng sinh
cũng như trong đêm Vọng Phục Sinh. “Ôi tội hồng phúc vì ngươi đã mang lại cho
chúng ta Đấng Cứu chuộc cao cả”. Đấng Cứu chuộc khẳng quyết quyền con người
bằng cách tái lập sự toàn ven của phẩm giá mà con người đã lãnh nhận khi Thiên
Chúa tạo dựng nó theo và giống hình ảnh Thiên Chúa.
Những lời trên đây giúp chúng ta hiểu được sứ điệp Tin Mừng
hôm nay. Chúa Giêsu nói đến Êlia, Gioan Tẩy giả và chính thân phận của Ngài.
Êlia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không ngơi nghỉ cho công bằng và quyền
con người, Ngài mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo những bất
công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, bị
áp bức. Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu
Ước là Gioan Tẩy giả. Lời kêu gọi sám hối của Gioan cũng là một cảnh cáo trước
những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, nhất là những người thấp cổ bé
miệng trong xã hội. Chúa Giêsu xuất hiện trong truyền thống tiên tri ấy. Ngài
là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà
còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những kẻ bé mọn, bị
đẩy ra bên lề xã hội. “Con Người cũng phải đau khổ như thế”. Cái chết của Chúa
Giêsu trên Thập giá trước hết là một điển hình cho những vi phạm tôn giáo, nhân
danh quyền lợi dân tộc và theo một hình thức tố tụng tùy tiện và độc đoán nhất,
người ta đã kết án Ngài phải chết cách bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, cũng qua cái chết
ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện phẩm giá cao cả của con người.
Chân lý của con người đã được thể hiện trong cái chết của
Chúa Giêsu. Cái chết ấy là một lời ngỏ của Thiên Chúa với con người. Con người
cao cả đến độ Thiên Chúa đã thí ban người Con Một của Ngài. Dù muốn hay không,
không ai chối cãi được rằng ý niệm về nhân quyền như được đề cao trong bản
Tuyên ngôn nhân quyền đã cắm rễ sâu trong mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của
Kitô giáo. Người ta không thể hiểu và chấp nhận phẩm giá cũng như các quyền con
người, nếu không nhìn nhận nền tảng là con người đã được tạo dựng theo và giống
hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng chính cái chết của Chúa Giêsu.
Ước gì cái nhìn ấy luôn là động lực thúc đẩy các kitô hữu
nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá và quyền con người trong cuộc sống từng ngày
nhất là phẩm giá và quyền của những người cùng khổ bị đẩy ra bên lề xã hội.
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay
Chúa Giêsu giải đáp thắc mắc của các môn đệ về việc “Tại sao Êlia
phải đến trước?” Người Do Thái tin rằng Êlia sẽ trở lại làm
ngôn sứ cho Đấng Messia. Tiên tri Malakia đã viết: “Này, Ta sẽ
sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của
Đức Chúa” (Ml 4, 5). Chẳng những tin là Êlia sẽ đến, mà còn
khẳng định Êlia đến để: “Làm cho lòng cha trở lại cùng con
cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo Ta đến lấy sự rủa sả mà
đánh đất này” (Ml 4,6). Nghĩa là sứ mạng của Êlia là phải tiêu
diệt điều ác, sửa sang lại mọi sai lầm để đáng cho Đấng Mesia ngự
đến.
Chúa Giêsu nói Êlia
phải đến, và đã đến rồi, nhưng không giống như những gì họ tưởng.
Con đường mà Êlia chuẩn bị cũng chính là con đường của Đấng Mesia sẽ
đi. Đó cũng là con đường mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng không phải đem đến
chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau, mà là con đường phục vụ trong tình yêu
hy sinh, tự hiến chứ không phải là con đường của sức mạnh và chinh
chiến.
Hôm nay các môn đệ
hiểu được ý của Thầy mình, khi các ông biết Ngài nói về Gioan Tẩy
Giả.
Trong khi mong chờ Chúa
đến, chúng ta đi theo con đường mà Êlia, Gioan Tẩy Giả, tất cả các
ngôn sứ và chính Chúa Giêsu đã đi là con đường hy sinh, phục vụ đến
quên mình.
Gioan Tẩy Giả đã mạnh
dạn rao giảng, lên án những thói xấu… bất chấp sự đố kỵ ganh ghét
của người khác, đến nỗi phải bị chặt đầu. Nhưng từ đó người ta
nhận ra sứ điệp mạnh mẽ, dứt khoát của Gioan Tẩy Giả là phải sửa
đổi tận căn để Đấng Cứu Thế có thể ngự vào trong tâm hồn.
Chúa Giêsu, khi Ngài
đến thì cũng đi trên con đường đau khổ đó. Nhưng chính tình yêu tự
hiến của Ngài làm đã tiêu diệt mọi mầm móng chiến tranh, và làm
trơn tru con đường gươm đao, giết chóc và sự hy sinh.
Dọn một con đường cho
Đức Vua ngự đến. Con đường đó là con đường hy sinh để từ bỏ những
tính hư nết xấu. Con đường của tự hiến để phục vụ Nước Trời, phục
vụ người khác.
Lạy Chúa, con đường
Chúa đến với con là con đường tình yêu, thì con cũng phải dùng con
đường đó để đến với tha nhân.
Vì vậy Mùa Vọng là
dịp để con thể hiện tình yêu hy sinh, tự hiến vì Nước Trời, vì
người khác.
Hy sinh để hãm mình,
không chạy theo những đam mê lầm lạc.
Tự hiến để dành trọn
tất cả cho Chúa.
Hy sinh để nhường cho
người khác phần may mắn của mình.
Tự hiến để trao cho
anh chị em những đau đớn mình phải chịu vì họ.
Lạy Chúa, con đã dọn
sẵn con đường trong chính tâm hồn con. Xin Chúa ngự vào để làm cho
đời con dồi dào tình yêu Chúa, hầu trổ hoa yêu thương như Chúa vẫn
hằng trông đợi.
Lm. Thiện Duy – Gp. Cần Thơ
Hãy Nâng Tâm Hồn
Lên
14 THÁNG MƯỜI HAI
Chúa Đang Đến
Gần
Hãy vui lên,
Chúa đang đến gần! Hãy nhân hậu và từ tâm, hãy sẵn lòng tha thứ cho nhau.
Chúa gần đến.
Nguyện xin Người ban bình an của Người cho bạn! Thánh Tông Đồ viết: “Sự bình an
của Chúa, vốn vượt trên mọi trí hiểu, sẽ canh giữ lòng trí anh em trong Đức
Kitô Giêsu” (Pl 4,7).
Sự bình an ấy
thật là một hồng phúc lớn lao! Tiên vàn, đó là sự bình an của một lương tâm
ngay thẳng. Chúa đang đến gần, điều đó thúc bách chúng ta khảo sát lại lương
tâm mình, thúc bách ta dò xét các tư tưởng và hành động của ta trước mặt Người.
Sứ vụ của Gioan
Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan là một minh họa tuyệt vời về sự thúc bách này. Đó
là lý do tại sao phụng vụ mùa Vọng hơn một lần gợi cho chúng ta chú ý đến sứ vụ
ấy. Gioan là vị sứ giả loan báo rằng Đấng Mêsia đang đến gần. Ông đề nghị người
ta hoán cải để đón nhận Đấng ‘sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa’ (Lc 3,16).
Chính qua sứ vụ
của Gioan trên bờ sông Gio-đan mà con cái Israel nghe biết rằng Chúa đang đến
gần. Trong ánh sáng này, câu hỏi đầu tiên của dân chúng là: “Vậy chúng tôi phải
làm gì đây?” (Lc 3,10). Gioan Tẩy Giả trả lời bằng cách mời gọi người ta sống
công chính đích thực. Ông mời gọi cả những người thu thuế và các binh lính. Thì
ra, khi Chúa đến gần, Người kêu gọi người ta hoán cải, canh tân, thay đổi cách
sống.
Vâng, Thiên
Chúa đang đến thật gần. Người kêu gọi người ta qua tiếng nói lương tâm trong sâu
thẳm lòng họ. Nếu tiếng lương tâm nơi một người không vang lên, thì nghĩa là
đương sự chưa gặp gỡ Thiên Chúa, đương sự chưa cảm nếm được sự gần gũi của
Thiên Chúa trong ”Tinh Thần và Sự Thật” (Ga 4,23). Đương sự đã hụt mất Thiên
Chúa hoặc chính đương sự đã quay lưng tránh xa khỏi Người.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 14-12
THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, LINH MỤC,TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Hc 48, 1-4.9-11; Mt 17, 10-13.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói cho anh em biết: Ông Êlia đã đến
rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ
phải đau khổ vì họ như thế”.
Khi phải sống với sự thật, con người rất ái ngại khi phải đối diện với
nó, vì tự bản chất của con người là bất toàn, luôn muốn che dấu mình dưới những
lớp áo và chiếc mặt nạ tốt lành do mình tự chế tạo. Những giáo huấn của Gioan
Tẩy Giả, cũng như của Chúa Giêsu, đều đụng chạm đến con người thật của họ; cái
xấu xa của họ sẽ bị phơi bày ra ánh sáng, làm sao họ chịu đựng được. Nên họ cần
phải loaị trừ.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mọi người trong gia đình của chúng con ơn cam
đảm đón nhận sự thật và làm chứng sự thật với trách nhiệm của mình.
Mạnh Phương
Gương Thánh
Nhân
Ngày 14-12: Thánh
GIOAN THÁNH GIÁ
Linh Mục Tiến
Sĩ (1542 - 1591)
Gioan de Yepes
sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542. Cha Ngài
làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làmnghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người
vợ kém hơn. Mẹ Ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành goá phụ sau khi sinh
Gioan. Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan
dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa
Giêsu Kitô.
Trong mọi việc,
Ngài có thói quen tự hỏi: - "Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì
?"
Ngài không trốn
tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu
ở Medina del Campo. Đức bác ái của Ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, Ngài đã
dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm
và triết học nơi các cha dòng Tên.
Năm1563, Gioan
gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567
Ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên
Ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với
Ngài: - "Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải
chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ".
Gioan trở thành
người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi.
Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn
gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, Ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá.
Sự nghèo túng thật khủng khiếp, Ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những
khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành
động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những
việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.
Sau khi chống
lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên úy
của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình: -
"Cha là vị thánh".
Sự thánh thiện
của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến Ngài bị
tố cáo là nổi loạn. Các thày dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng
Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, Ngài bị cầm tù ở
Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với Ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa Ngài tới nhà
cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng Ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa
muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng
thêm đức tin và lý tưởng của Ngài. Đáp lại, Ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm
tối thiếu khí trời, Ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn
"Thánh ca thiêng liêng" (cantiques spirituelles).
Được 9 tháng
thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, Ngài dừng lại trong một
dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về "hạnh phúc của đau khổ" và
bỗng Ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được
chịu khổ vì Chúa đã làm cho Ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong
tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo... thánh Têrêxa nói: -
"Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất
thần ngay và lôi kéo người khác theo".
Một ngày kia
quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như
muốn nâng Ngài lên. Khiêm tốn, Ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động
thần linh đã nâng Ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt Ngài cũng xuất thần
và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu
khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.
Đức Thánh cha
và vua Philipphe II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều
trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza
và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây
Ban Nha, Ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính Ngài đã xây dựng
một thủy lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, Ngài đã viết cuốn "ngọn lửa tình
yêu sống động" (la vive flamme d'amour). Cuối cùng Ngài trở thành Tổng đại
diện Andalousia.
Sự trong trắng
của thánh nhân đã tạo cho Ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát
nhiều bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá Ngài dẹp tan cơn
bão, bằng lời nguyện, Ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến Ngài. Để
giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm
những đau khổ của người khác, Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ
tinh thần mà Ngài gọi là "đêm tối của tâm hồn". Nhưng Ngài hiểu rằng,
những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu
không có khổ hạnh trong tâm hồn.
Thường nhà dòng
nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với
các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm
và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu
sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: - "Oi, vậy là Chúa
đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm
thương hại chúng ta".
Lần kia, Ngài
đã trả lời Chúa Giêsu khi Ngài hỏi về phần thưởng Ngài muốn rằng: - "Lạy
Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa".
Và Ngài đã xin
ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào
lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.
Những tháng bị
giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể Ngài.
Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết
thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia Ngài nói với người
đối thoại: - "Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau
nhức".
Thánh nhân được
chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta qúi mến, hoặc ở
Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với Ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những
cư xử nghiêm nhặt làm cho Ngài đau đớn thêm. Nhưng Ngài càng ôm chặt thánh giá
vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác
ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin Ngài tha thứ.
Gioan báo trước
mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, Ngài
xin đọc sách Diễn tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ
kinh sáng, Ngài cầm thánh giá nói: - "Lạy Chúa, con phó linh hồn trong tay
Chúa".
Ngài còn nhìn
các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: - "Vào xế chiều cuộc
sống này, bạn được phán xét về tình yêu".
Gioan Thánh Giá
để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, đêm tối tâm hồn,
Ngọn lửa tình yêu sống động, thánh ca thiêng liêng. Ngài được tuyên thánh năm
1726. Và Đức Piô XI đã đăt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1962.
(daminhvn.net)
14 Tháng Mười
Hai
Cánh Tay Của
Người Ganh Tị Và Tham Lam
Câu chuyện có
tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều
đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh
tị, một người thì tham lam.
Ðể chữa trị
những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua
thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời
gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ
được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên sĩ
quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng:
nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận:
thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi...
Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối
cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp
tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ
như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh
tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt
hai cánh tay.
Lắm khi chúng
ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người
khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta
không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.
(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 14-12
Thánh Gioan Thánh Giá
(1541 - 1591)
G
|
ioan là thánh vì cuộc
đời ngài là một nỗ lực quả cảm dám sống trọn vẹn với tên của ngài: "Gioan
của Thánh Giá". Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu
nói bất hủ của Ðức Kitô: "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo ta" (Máccô 8:34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh
Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua -- từ sự chết đến sự sống -- đã được thể hiện trong
cuộc đời Thánh Gioan như một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh
mục thần học.
Sinh ở Tây Ban Nha năm
1542, Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha
ngài đã hy sinh của cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của
người thợ dệt và vì lý do đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha ngài từ trần, mẹ
ngài cố gắng đùm bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm
việc làm. Những tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại
của chính ngài dành cho Thiên Chúa.
Dù gia đình đã tìm được
việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giầu
có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh
viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên
dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm
hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa.
Sau khi Gioan gia nhập
dòng Camêlô, Sơ Têrêsa Avila nhờ Gioan tiếp tay trong công việc cải cách. Cả
hai đều tin rằng nhà dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Nhiều tu sĩ
Camêlô cảm thấy bị đe dọa bởi sự cải tổ này nên một số tu sĩ đã bắt cóc thánh
nhân. Ngài bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp và bị tra tấn ba lần một tuần bởi
chính các tu sĩ dòng. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình
yêu và đức tin của ngài bừng lên như lửa. Ngài mất hết tất cả ngoại trừ Thiên
Chúa -- và Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé
đó.
Sau chín tháng tù đầy,
Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của xà lim mà ngài đã leo lên đó
bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và đem theo tất cả các bài thơ
huyền nhiệm mà ngài sáng tác trong thời gian tù đầy. Vì không biết mình đang ở
đâu, ngài phải theo một con chó để đi vào thành phố. Ngài trốn trong bệnh xá
của một tu viện và ở đây ngài đọc thơ cho các nữ tu nghe. Từ đó, cuộc đời ngài
tận tụy cho việc chia sẻ và dẫn giải tình yêu Thiên Chúa.
Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ
và tù đầy đã biến ngài thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại,
ngài đã trở thành một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng "Có
ai thấy người ta yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?" và "Ở
đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu -- và bạn sẽ tìm thấy tình yêu."
Vì niềm vui chỉ xuất
phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần
gian này thì giống như "một người đang chết đói mà há miệng đớp lấy
không khí." Ngài dạy rằng chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục
vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa.
Là một tu sĩ dòng
Camêlô, ngài cảm nghiệm sự thanh luyện tâm linh; là vị linh hướng, ngài cảm
được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác; là một thần học-tâm lý gia, ngài
diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của ngài. Hầu hết
các văn bản của ngài đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật,
con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện.
Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc
Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn
đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên
Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là
người "của Thánh Giá." Ngài từ trần năm 49 tuổi -- cuộc đời thật ngắn
ngủi, nhưng trọn vẹn.
Lời Bàn
Qua cuộc đời và văn bản,
Thánh Gioan đã để lại cho chúng ta những lời quan trọng. Chúng ta muốn giầu có,
an nhàn, thoải mái. Chúng ta không muốn nghe những chữ như hy sinh, hãm mình,
thanh luyện, khắc khổ, kỷ luật. Chúng ta chạy trốn thập giá. Thông điệp của
Thánh Gioan -- cũng như trong Phúc Âm -- thì thật rõ ràng: Ðừng chạy trốn --
nếu bạn thực sự muốn có sự sống!
Lời Trích
Thomas Merton nói về
Thánh Gioan như sau: "Cũng như chúng ta không thể tách rời sự khắc khổ
với sự huyền bí thì nơi Thánh Gioan Thánh Giá, chúng ta tìm thấy sự tăm tối và
ánh sáng, sự đau khổ và niềm vui, sự hy vinh và tình yêu kết hợp với nhau thật
chặt chẽ đến nỗi dường như lúc nào cũng chỉ là một."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét