THỨ BA 01/10/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật
26 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 20-23
"Nhiều dân tộc
đến tìm kiếm Chúa tại Giêrusalem".
Trích
sách Tiên tri Dacaria.
Ðây
Chúa các đạo binh phán: "Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều
thành phố; các dân cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: "Chúng ta
hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra
đi". Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo
binh ở Giêrusalem, và khẩn cầu tôn nhan Chúa". Chúa các đạo binh còn phán
thế này: "Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các
dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do-thái mà thưa rằng: "Chúng tôi cùng đi
với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Thiên Chúa ở cùng chúng tôi (c. Dcr 8,23).
Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa
nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang
nói những điều hiển hách về ngươi. - Ðáp.
2)
Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-litinh, Tyrô và dân
Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng:
"Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng
cố thành này". - Ðáp.
3)
Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra
tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của
tôi đều ở nơi Người". - Ðáp.
Alleluia: Tv 18, 9
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng
soi con mắt. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 51-56
"Người cương
quyết lên đường đi Giêrusalem".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì
gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường
đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên
đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta
không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê
và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời
xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng:
"Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để
giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðó
là lời Chúa.
Suiy niệm : Ra Khỏi Chính Mình
Ðể
lại một tên tuổi, có được một danh thơm tiếng tốt, đó vốn là ước mơ chung của mọi
người. Tuy nhiên, được người khác trân trọng nhắc nhớ và mến thương hay không
là tùy cách sống của mỗi người. Nói chung, cuộc đời hy sinh cho người khác, dù
chỉ là hy sinh âm thầm cũng luôn được nhớ đến. Phải chăng đó không là ao ước của
cố nhạc sĩ Văn Cao khi ông nói: "Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì? Tôi
sẽ để lại gì nếu tôi chỉ khư khư giữ cho riêng mình? Nhưng nếu tôi có ra khỏi
tôi, có trao ban chính mình, thì điều tôi để lại chính là bản thân tôi; bản
thân tôi tìm gặp đã đành, mà đó cũng là quà tặng tôi để lại cho đời".
Có
thể đó cũng là ý nghĩa chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng hôm nay. Nếu mỗi tác giả
Tin Mừng có một sợi chỉ xuyên suốt nối kết các biến cố trong cuộc đời Chúa
Giêsu, thì theo sự trình bày của thánh Luca, sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời Chúa
Giêsu chính là cuộc hành trình lên Giêrusalem. Với thánh Luca, cuộc đời Chúa
Giêsu là một hành trình ra đi không ngừng để đạt tới đích điểm là Giêrusalem,
nơi gặp gỡ chung cục giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do thái cũng như chính
quyền Roma. Giêrusalem là cao điểm của cuộc song đấu giữa quyền lực sự dữ và
tình yêu diễn ra trong con người Chúa Giêsu. Giêrusalem, xét cho cùng, chính là
cái chết đang chờ đợi Chúa Giêsu; đi lên Giêrusalem có nghĩa là giáp mặt với
cái chết, là đi đến tận cùng của thân phận làm người.
Nếu
đã đón nhận cái chết như tột đỉnh của cuộc hành trình, thì dĩ nhiên điều kiện
tiên quyết của người ta ra đi là phải kiên nhẫn trước thất bại. Chúa Giêsu muốn
dạy các môn đệ của Ngài bài học về sự kiên nhẫn trước thất bại ấy khi các ông bị
những người Samari khước từ. Giacôbê và Gioan tưởng có thể sai khiến lửa từ trời
xuống để tiêu diệt những kẻ chống các ông; tuy nhiên, trung thành với giáo huấn
của Ngài, Chúa Giêsu nhắc nhở cho các ông bài học về yêu thương nhẫn nại mà họ
phải có ngay cả với kẻ thù của mình.
Ra
đi, hay nói theo ngôn ngữ của Văn Cao "đi qua khỏi mình" chính là biết
thắng vượt những chướng ngại do lòng ích kỷ và hận thù có thể giăng mắc trên lối
đi. Cái chết chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị khi nó là một cái chết vì yêu
thương; cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu như vậy cũng là một cuộc
hành trình của yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp con người thắng vượt được
chính mình, chỉ có yêu thương mới giúp con người nhìn xuyên suốt qua bên kia thất
bại, khổ đau.
Cuộc
sống của người môn đệ Chúa Giêsu là một cuộc hành trình không ngừng. Cùng với
Ngài, chúng ta luôn được mời gọi từ giã con người cũ tội lỗi và ích kỷ để tiến
về con người mới của ân sủng và yêu thương. Chông gai thử thách vẫn luôn có đó,
nhưng chúng ta tin rằng có Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta và phần thưởng
đang chờ đợi chúng ta chính là niềm vui được lớn lên và tìm gặp lại bản thân mỗi
ngày một cách sung mãn hơn.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 26 TN1
Bài đọc: Zec
8:20-23; Lk 9:51-56.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phản ứng của con người khi gặp trái ý
hay đau khổ.
Khi
gặp trái ý hay đau khổ trong cuộc đời, con người thường có 3 khuynh hướng:
(1)
Trách Thiên Chúa hay trách Trời: bắt con người phải đau khổ như những lời mở đầu
của Truyện Kiều: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen… Bắt phong trần phải
phong trần, Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
(2)
Trách tha nhân: Có thể là cha mẹ, “Đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Có thể là
tha nhân như triết gia hiện sinh J.P. Sastre nói: “Tha nhân là hỏa ngục.” Hay
như phản ứng của hai Tông-đồ Giacôbê và Gioan hôm nay: muốn lửa từ trời xuống
thiêu rụi các thành của Samaria.
(3)
Trách chính mình: đã sinh ra dưới một ngôi sao xấu.
Các
bài đọc hôm nay cho chúng ta một cách giải quyết tốt đẹp hơn: tìm hiểu lý do tại
sao phải đau khổ. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Zechariah tiên báo sẽ có ngày mọi
người thuộc mọi dân nước sẽ tuôn đến Jerusalem để đi tìm Thiên Chúa và cầu nguyện
với Ngài, vì họ đã nghe Thiên Chúa ở với người Do-thái. Trong Phúc Âm, khi hai
Tông-đồ Giacôbê và Gioan muốn tiêu diệt dân thành Samaria, Chúa Giêsu quở trách
hai ông, vì đó không phải là đường hướng giáo dục của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các
đạo binh ở Jerusalem.
1.1/
Jerusalem sẽ là nơi thờ phượng của mọi dân tộc.
(1)
Văn bản: Bản
dịch của Nhóm PVCGK dịch sai câu 21 và 22. Cụm từ “lehalôt et-penê Yahweh” có
nghĩa “để cầu nguyện trước mặt Yahweh;” chứ không phải “để làm cho mặt Yahweh dịu
lại.” Vì thế, phải dịch câu 21:
+
Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng: "Nào ta cùng nhanh chóng đi để
cầu nguyện trước nhan thánh Đức Chúa và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh; cả tôi
nữa, tôi cũng đi!"
+
và câu 22: Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các
đạo binh ở Jerusalem và “cầu nguyện trước nhan thánh Đức Chúa.”
(2)
Ý nghĩa: Đây
là lời tiên tri của Zechariah về tương lai của Thành Thánh Jerusalem: “Đức Chúa
các đạo binh phán thế này: Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn
tuôn đến.” Họ tuôn đến Jerusalem để cầu nguyện và để tìm kiếm Đức Chúa. Việc thờ
phượng Đức Chúa không chỉ giới hạn trong vòng dân Do-thái, nhưng lan rộng ra đến
mọi dân tộc. Điều này không chỉ được nói bởi ngôn sứ Zechariah, mà còn được
tiên báo bởi hầu hết các ngôn sứ: Isaiah, Jeremiah, Daniel... Jerusalem không
phải là Jerusalem thể lý, nhưng là Jerusalem trên trời (Rev 3:12; 21:2; 10).
Trong
cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria, Chúa Giêsu cũng nói
tiên tri: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa
Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem. Các người thờ Đấng các người
không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ
dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng
đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm
những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng
Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật" (Jn 4:20-24).
1.2/
Lý do tìm kiếm: Người
năm châu bốn bể tuôn đến Jerusalem để tìm Chúa vì họ được nghe biết về Thiên
Chúa của người Do-thái. Ngôn sứ Zechariah thuật lại lời sấm của Thiên Chúa: “Đức
Chúa các đạo binh phán thế này: Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi
ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Judah mà nói:
"Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở
với anh em."” Mười người đàn ông nói mười ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ
cùng chung một mục đích là đi tìm Thiên Chúa. Dĩ nhiên, lời sấm này được thực
hiện nơi Đức Kitô, Đấng đã bị chết treo trên Thập Giá, nằm trong mộ 3 ngày, và
đã phục sinh khải hoàn. Người chết để xóa tội cho con người, và sống lại để phục
hồi sự sống cho con người (Zech 11:12-14).
2/
Phúc Âm: Phản ứng của hai ông Giacôbê và Gioan: muốn tiêu diệt đối phương.
2.1/
Người Do-Thái và người Samaria: Cách tốt và ngắn nhất nếu đi từ Galilea tới
Jerusalem là băng ngang qua Samaria; nhưng hầu hết các người Do-thái đều tránh
dùng lối đó vì giữa hai bên có một mối thù không đội trời chung. Người Do-thái
dùng hai lối khác đi lên Jerusalem: hoặc đi đường ven biển hoặc đi dọc theo
sông Jordan đến Jericho rồi đi lên Jerusalem. Người Samaria tìm đủ mọi cách để
ngăn cản không cho người Do-thái đi ngang qua lãnh thổ của họ như ta thấy hôm
nay: Dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Jerusalem.
2.2/
Phản ứng của Giacôbê và Gioan: Khi thấy phản ứng của người Samaria dành cho Chúa Giêsu, hai
Tông-đồ Giacôbê và Gioan cảm thấy bị xúc phạm. Hai ông hỏi Chúa Giêsu:
"Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng
nó không?" Đây là phản ứng thông thường của người Do-thái dành cho Dân Ngọai.
Các ông nghĩ Chúa Giêsu đã khiêm nhường hạ mình xuống để vào làng và để rao giảng
Tin Mừng cho họ, thế mà họ lại từ chối không đón nhận; vì vậy họ không đáng được
nghe Tin Mừng và cũng không đáng sống vì đã từ chối Con Thiên Chúa.
2.3/
Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài
quay lại quở mắng các ông. Tiêu diệt đối phương không phải là cách tốt nhất để
giải quyết xung đột nhưng làm cho họ trở thành bạn thì sẽ giải quyết mọi vấn đề.
Khi A. Lincoln bị phê bình là quá mềm dẻo trong cách đối xử với kẻ thù và được
nhắc nhở bổn phận của ông là diệt trừ họ, ông trả lời: “Chẳng phải tôi tiêu diệt
kẻ thù khi tôi làm họ trở thành bạn hữu?” Chương 4 của Phúc Âm Gioan tường thuật
Chúa Giêsu đã hóan cải người phụ nữ xứ Samaria thành nhà truyền giáo đầu tiên
trước cả các Tông Đồ. Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật sau cuộc tử đạo đầu tiên
của Phó Tế Stephen, Philip đi giảng ở Samaria, chữa trị nhiều người, và làm cho
nhiều người tin vào Chúa Giêsu (Acts 8:4-8). Nếu các Tông Đồ đã khiến lửa từ trời
xuống thiêu hủy các thành Samaria, thì làm sao kiếm được các tín hữu tin vào
Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Để cho mọi người tin vào Thiên Chúa, chúng ta cần rao giảng Tin Mừng để nói về
Thiên Chúa cho họ. Chúng ta không thể kết tội bất cứ ai khi chưa cho họ có cơ hội
được nghe Tin Mừng.
-
Chúng ta không thể hiểu nổi hết kế họach của Thiên Chúa vì nhiều giới hạn của
con người. Vì thế, khi gặp trái ý hay thử thách, chúng ta cần phải bắt chước
gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Các Ngài giữ những sự ấy và suy niệm trong lòng;
thay vì than thân, trách phận hay tiêu diệt đối phương. Tiêu diệt đối phương
không phải là cách để giải quyết xung đột, nhưng biến họ thành bạn là cách hay
nhất để tiêu diệt mọi xung đột.
Lm.Anthony ĐINH MINH
TIÊN,OP.
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM
-
MÙA QUANH NĂM –
-
TUẦN 26–
"Có
những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng
mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt
thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt
thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Ba :
Lc 9,51-56
A. Hạt giống...
Một lần nữa, Gioan (và Giacôbê) biểu lộ những
thói xấu rất tầm thường của con người :
1. Tính nóng nảy : hễ gặp chuyện không vừa ý là
lập tức muốn trừng phạt.
2. Óc bè phái : phân biệt bạn thù và hở một
chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.
3. Lạm dụng quyền hành : ỷ mình là môn đệ Chúa
Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.
Thái độ Chúa Giêsu dạy hai bài học :
1. Xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh : Con
Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống.
2. Nhường nhịn : làng này không tiếp mình thì
sang làng khác.
B.... nẩy mầm.
1. Không nên phản ứng theo cảm xúc tự phát, nhất
là cảm xúc nóng giận. Phải phản ứng theo định hướng căn bản của sứ mệnh của
mình : không nhằm giết chết mà nhằm cứu chữa.
2. Quyền hành không phải để trừng trị kẻ không
làm đúng ý mình, mà để phục vụ.
3. Theo suy nghĩ của loài người, nhường là thiệt
thòi, nhịn là nhục. Nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân
cách rất vững vàng và một tấm lòng rất khoan dung.
4. Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường
khuyên các đôi tân hôn như sau : “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã,
các con hãy nói với nhau : “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ”. Sáng hôm sau các con
sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào. Khi các
con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến
khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các
con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình. (Trích ”Phúc”)
Ngày 1 tháng 10
Lễ Thánh Têrêxa Hài Ðồng
Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh
Bổn mạng các xứ truyền
giáo
Lễ Kính
Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c
"Ðây Ta khiến
sông bình an chảy vào nó".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Các
ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng
vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để
các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa
vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an
chảy đến nó như con sông và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi
sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các
ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi.
Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như
hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3
Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ
linh hồn con trong bình an của Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn
cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.
- Ðáp.
2)
Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong
lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con. - Ðáp.
3)
Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: x. Mt 11, 25
Alleluia,
alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, chúc tụng Cha, vì Cha đã mạc khải các mầu
nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 18, 1-4
"Nếu không hoá
nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất
trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà
phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ,
các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy
là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Con Ðường Nhỏ
Ðây
quả thật là một sự trùng hợp hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo
hai biểu tượng khác nhau về thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả
Phúc Âm theo thánh Luca nhắc đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong
lòng xem ai là kẻ lớn nhất và Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên
Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và dạy các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay,
mùng 1/10, đúng ngày lễ kính thánh Têrêxa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc
Phúc Âm theo thánh Mátthêu nói về cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác.
Theo tác giả Phúc Âm theo thánh Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong
lòng nữa nhưng đã tranh luận với nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến
hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Hai
viễn tượng này không đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng
ta tâm thức quá ư phàm trần của các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa
Thánh Thần ngự xuống. Không những các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem
ra thành đề tài tranh luận nữa. Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã
nghĩ xấu rồi, đã có sự ganh tị rồi nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn
đệ chưa nhận được Chúa Thánh Thần, chưa được thanh luyện để trở nên con người mới,
trở nên như trẻ nhỏ, có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho
Chúa.
Ðọc
đoạn Phúc Âm này, chúng ta lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không
trả lời liền câu hỏi mà các môn đệ đặt ra: "Ai là kẻ lớn nhất?",
nhưng Chúa nói tới việc phải sống như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời:
"Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước
Trời". Chúa Giêsu không nói đến địa vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh
thần của con người sống như trẻ nhỏ, dễ dàng gần gũi thân tình với Chúa trước.
Chính tình thương và ân sủng của Chúa mới làm cho con người được cao trọng chứ
không phải những công việc do sức riêng của con người tạo nên.
Thánh
nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta
về điểm này khi thánh nữ đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên
Chúa. Cùng với thánh nữ chúng ta hãy cầu nguyện như sau:
Lạy
Chúa của con,
Con
muốn biết điều mà Chúa thực hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của
Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu,
Chiếc
thang máy để đưa con lên đến trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần
lớn lên mà hiện tại con cần phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng
ngày càng trở nên bé nhỏ hơn nữa.
Lạy
Chúa của con,
Chúa
đã cho con nhiều hơn điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương
nhân từ của Chúa. Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn
tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống
an vui, chân thành yêu Chúa và anh chị em.
(Veritas Asia)
01/10/13 THỨ BA TUẦN 26 TN
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ HT
Mt 18,1-5
NÊN NHƯ TRẺ NHỎ
“Nếu anh em
không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thi sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)
Suy niệm: Khi
đặt điều kiện phải “nên như trẻ nhỏ”, rõ ràng Chúa Giêsu không
muốn nói về phương diện thể lý, yêu cầu chúng ta “cải lão hoàn đồng.” Chúa càng
không muốn nói về phương diện tâm lý, vì đặc tính tâm lý ứng xử của trẻ em là
“trẻ con” mà nếu gặp thấy nơi người lớn, thì phải gọi chính xác là “ấu trĩ”!
Khi nói phải “nên như trẻ nhỏ”, Chúa muốn nói về phương diện
tâm linh – hay còn gọi là tu đức hoặc linh đạo. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là
hình ảnh minh họa tuyệt vời về con đường “nên như trẻ nhỏ”
này.
Mời Bạn chiêm
ngắm Thánh Têrêxa để hiểu hơn con đường “nên như trẻ nhỏ”
mà Chúa Giêsu muốn nói. Đó là con đường đơn sơ, phó thác, khiêm hạ, xóa mình đi
để cho Thánh Nhan Chúa được tỏ hiện và tỏa sáng. Và trên hết, đó là con đường
yêu thương: “Giữa lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”.
Thánh Têrêxa không chỉ thì thầm ở phút cuối cùng “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”,
mà ngài đã sống đời mình với tình yêu trong từng nhịp hít thở - tình yêu quên
mình, vô vị lợi, tình yêu như Chúa yêu!
Sống Lời Chúa: Thánh
Têrêxa đã trở thành “ngôi sao” có sức thu hút kỳ lạ. Con số “người hâm mộ” ngài
lên tới hàng triệu. Bạn hãy là một người trong số đó, bằng cách sống linh đạo
“nên như trẻ nhỏ” - và như vậy, bạn cũng là người hâm mộ của chính Chúa Giêsu.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giesu, con chỉ là một
đứa trẻ, bé nhỏ yếu đuối, nhưng sự yếu đuối này đem lại cho con lòng can đảm để
hiến dâng chính mình như hiến lễ Tình Yêu của Chúa… Lạy Chúa Giêsu, con biết
rằng tình yêu chỉ có thể được đáp trả bằng tình yêu mà thôi…” (Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu)
Trở
lại và nên như trẻ thơ
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu
thích, đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.
Suy niệm:
“Thầy bảo thật anh em,
nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ,
anh em sẽ chẳng bao giờ
được vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long
trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được
vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ,
sống theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không
phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo,
nhưng là khiêm hạ, tin
cậy, phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ
cho người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh
thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành
như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
Đức Giêsu đã trả lời câu
hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất
trong Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là
người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở
giữa các ông (c. 2).
Đoạn Tin Mừng này đã gợi
cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường
thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ
là có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con
đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã
thu hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra
cũng chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của
bài Tin Mừng hôm nay.
Chị Têrêsa đã muốn sống
cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một
cái thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không
lên nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang
chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn
lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh
bằng những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh
nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng
đanh mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng
những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của
những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới
đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một
linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của
Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng
gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa
mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa
trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận
tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây
phút một.
Chúa trao cho tôi từng
lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”
Têrêsa nói với chúng ta
về cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé
chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn
sơ điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ
thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền
giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi
sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của
Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”
Chắc chắn Têrêsa chẳng
bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến
Chị đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị
đã tôn Chị làm Tiến sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong
trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là
một vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã
trở lại và trở thành như trẻ thơ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu
Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm
nhiều chi thể khác nhau,
thì
hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một
chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó
là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính
tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu
trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì
các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các
vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối
cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn
gọi của con chính là tình yêu.
Con
đã tìm thấy
chỗ
đứng của con trong Hội Thánh:
nơi
Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và
như thế con sẽ là tất cả,
vì
tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi
ước mơ của con được thực hiện.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Dưới
trần gian tranh giành địa vị, chức quyền đã đành. Trên trời mà còn tranh quyền
đoạt lợi quả là một điều đáng trách. Thế mà các môn đệ xưa kia lại đưa lối suy
nghĩ ấy vào chốn vĩnh cửu, nên các ngài không ngần ngại đặt vấn đề với Chúa:
"ai là người lớn nhất trong nước trời?".
Chúa
Giêsu không trả lời ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa cho biết
cần phải có điều kiện như thế nào để được vào Nước Trời.
Điều
kiện ấy chính là phải trở nên như trẻ nhỏ. Không phải chúng ta hóa kiếp trở lại
làm trẻ nhỏ, nhưng Chúa muốn chúng ta phải có tinh thần trẻ nhỏ.
Vì
trẻ nhỏ luôn nói thật, đơn sơ, trong trắng. Chúa muốn chúng ta cũng hãy đơn sơ,
luôn nói sự thật, đừng mưu mô, lọc lừa, mặc dù đôi lúc vì sự thật mà chúng ta
phải chịu thiệt thòi, hay bị người khác hiểu lầm.
Vì
trẻ nhỏ luôn cảm thấy mình yếu đuối nên luôn tin tưởng phó thác cậy dựa vào cha
mẹ. Chúa cũng muốn chúng ta luôn tin tưởng tín thác và cậy trông vào Chúa, cho
dù cuộc sống có gặp nhiều gian lao vất vả.
Vì
trẻ nhỏ luôn khiêm nhường biết mình có giới hạn nên không ngừng cố gắng học hỏi
những điều hay lẽ phải từ cha mẹ, người lớn. Chúa cũng muốn chúng ta phải biết
luôn lắng nghe lời Chúa. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự thinh
lặng trong tâm hồn, biết được thánh ý của Chúa qua việc nghe, đọc và suy niệm
Lời Chúa. Chúng ta cũng có thể biết được thánh ý Chúa qua những biến cố của
cuộc đời hay những lời chỉ bảo khuyên răn chân tình của người khác.
Nói
tóm lại, Chúa muốn chúng ta hãy sống tinh thần trẻ thơ, mặc dù chúng ta mang
thân xác của người lớn. Ai sống được tinh thần như thế, mới được vào Nước Trời
và là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
Đây
cũng là con đường mà thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su đã trải qua, đã sống. Thánh
Têrêxa là một vị thánh rất trẻ, cuộc đời của ngài chỉ vọn vẹn 24 tuổi thanh
xuân. Ngài đã chọn cho mình con đường nên thánh, con đường để được vào Nước
Trời là con đường thơ ấu. Ngài yêu Chúa như một đứa con thơ yêu mến cha mẹ.
Ngài làm những việc rất ư là tầm thường nhưng với tấm lòng phi thường. Thân xác
ngài mỏng manh yếu đuối nhiều bệnh tật nhưng lòng mến ngài dành cho Chúa, cho những
ai chưa tin nhận Chúa và những linh hồn trong luyện ngục thật nồng nàn chan
chứa.
Noi
gương thánh nữ, chúng ta cũng hãy trở nên bé nhỏ, để luôn tin tưởng cậy trông
vào Thiên Chúa; nhận ra sự giới hạn yếu đuối của mình để biết lắng nghe tiếng
Chúa dạy bảo và hướng dẫn; hãy yêu mến hết khả năng, sức lực, trí khôn như một
đứa bé luôn yêu mến cha mẹ, luôn tìm mọi cách làm vui lòng cha mẹ của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng trước mặt Chúa, chúng con
chỉ là những người con bé nhỏ. Không có Chúa chúng con chẳng làm được chuyện gì
và nếu chúng con có làm được chuyện gì đi nữa, tất cả cũng là ơn Chúa ban.
Xin cho chúng con luôn biết phó thác cả cuộc đời chúng con cho
Chúa, như đứa bé đặt trọn niềm tin vào cha m, để sau cuộc đời dương thế này, chúng con sẽ
quây quần bên Chúa, hưởng sự hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.
Lm. Seoka
Bài giảng của ÐTC trong thánh lễ Phong Tước Hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cho
Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng
Nguyễn Việt Nam
Bài
giảng của ÐTC Gioan Phaolô II trong thánh lễ Chúa Nhật Truyền Giáo. ÐTC nhắc lại
những điểm nổi bậc trong cuộc đời và con đường thiêng liêng của Thánh Têrêsa
Giêsu Hài Ðồng vừa được phong tước hiệu "Tiến Sĩ Hội Thánh".
ÐTC
trước hết nhắc đến ý nghĩa của Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo và sự trùng hợp
"cố ý" của việc phong tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Nữ
Têrêsa, quan thầy của các xứ truyền giáo vào đúng ngày Chúa Nhật nầy. Sau đó,
ÐTC nói về dung mạo và con đường thiêng liêng của Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng,
như sau:
2.
Têrêsa Martin, một nữ tu dòng kính tại Lisieux, đã hết sức ao ước trở thành nhà
truyền giáo. Và đã thật sự là nhà truyền giáo, đến độ được phong làm Vị Bổn Mạng
của các Xứ Truyền Giáo. Chính Chúa Giêsu đã chỉ cho thánh Têrêsa biết có thể sống
ơn gọi truyền gíao đó như thế nào: trong việc thực hành trọn vẹn giới răn yêu
thương, thánh nữ đã đặt mình vào trong trung tâm của sứ mạng của giáo hội, và
nâng đỡ những vị rao giảng Phúc âm bằng sức mạnh huyền nhiệm của việc cầu nguyện
và việc rước lễ lảnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Như thế Thánh Nữ đã thực hiện điều
được Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh, khi dạy rằng Giáo Hội tự bản chất là truyền
giáo (x. Ad gentes,2). Không phải chỉ những ai đã chọn cuộc sống ra đi truyền
giáo, nhưng còn tất cả những kẻ đã lảnh nhận bí tích Rửa Tội, một cách nào đó,
đều được sai đi truyền giáo cho các dân nước. Vì thế mà Cha đã muốn chọn ngày
Chúa Nhật Truyền Giáo để tuyên bố tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh phổ quát cho
thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhan, một người nữ trẻ tuổi, sống đời
chiêm niệm.
3.
Không ai mà không nhìn thấy rằng ngày hôm nay đang được thực hiện một điều lạ
lùng. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã không tốt nghiệp Ðại Học hay học qua những
môn học nào cả. Thánh nữ đã qua đời lúc còn trẻ; tuy nhiên, từ nay trở về sau,
thánh nữ được tôn kính như là "vị tiến sĩ của Hội Thánh", một sự nhìn
nhận có giá trị đưa thánh nữ vào trong sự tôn trọng của toàn thể cộng đồng
Kitô, vượt quá điều mà một "văn bằng Ðại Học" có thể làm.
Thật
vây, khi quyền Giáo Huấn Giáo Hội tuyên bố một vị nào đó "Tiến sĩ Hội
Thánh", thì Giáo Hội muốn lưu ý cho tất cả mọi tín hữu, và một cách đặc biệt
cho tất cả những ai đang chu toàn trong giáo hội công việc phục vụ căn bản là
giảng huấn, hay đang chu toàn trách vụ đầy tế nhị của việc nghiên cứu và giảng
dạy thần học, biết rằng giáo lý được tuyên xưng và được rao giảng của vị thánh
tiến sĩ đó, có thể dùng làm điểm quy chiếu, không những vì nó phù hợp với sự thật
mạc khải, nhưng vì nó còn mang đến một ánh sáng mới cho những mầu nhiệm Ðức
Tin, mang đến một sự hiểu sâu xa hơn về Mầu Nhiệm Chúa Kitô.
4.
Trong số những vị tiến sĩ Hội Thánh, thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhan,
là vị trẻ nhất, nhưng con đường thiêng liêng cho thấy là thật trưởng thành, và
những trực giác đức tin được diển tả trong các tác phẩm của thánh nữ, là thật
bao la rộng rải và sâu xa, đến độ làm cho thánh nữ có được chổ đứng của mình giữa
những bậc thầy thiêng liêng vĩ đại.
Trong
bức tông thơ mà tôi đã trích lại trong dịp nầy, tôi đã nhấn mạnh đến vài khía cạnh
nổi bật của giáo lý của thánh nữ. Nhưng làm sao mà không nhắc lại nơi đây, điều
mà người ta có thể xem như là chóp đỉnh của giáo lý của thánh nữ, do từ lời
thánh nữ kể lại về việc ngài khám phá ơn gọi của mình trong Giáo Hội? Ðoạn tự
thuật đó như sau:
"Tình
Thương Bác Ái là chìa khóa của ơn gọi tôi. Tôi đã hiểu rằng, nếu Giáo Hội có một
thân thể, gồm có nhiều chi thể, thì Giáo Hội không thiếu những chi thể cao thượng.
Tôi đã hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim, và trái tim nầy cháy lửa yêu mến.
Tôi được hiểu rằng chỉ tình yêu thương mới làm cho các chi thể của Giáo Hội hoạt
động, rằng nếu tình thương bị tắt đi, các tông đồ không rao giảng phúc âm nữa,
các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu mình ra nữa. Tôi đã hiểu rằng tình yêu
thương bao gồm tất cả mọi ơn gọi.. Bấy giờ trong niềm vui trào dâng, tôi đã thốt
lên như sau: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, Con đã gặp được ơn gọi của con rồi.
Ơn gọi của con, chính là tình yêu" (MS B,, 3 V). Ðó là trang nhật ký đáng
phục, tự nó đủ để chứng minh rằng ngưuời ta có thể áp dụng cho thánh Têrêsa đoạn
phúc âm mà chúng ta vừa nghe qua trong phần phụng vụ lời Chúa: Lạy Cha, là Chúa
trời đất, con dâng lời chúc tụng cha, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé nhỏ biết
và giấu không cho kẻ khôn ngoan tài trí biết" (Mt 11,25).
5.
Thánh Têrêsa thành Lisieux không những đã lỉnh hội và thuật lại chân lý sâu xa
của tình yêu như là trung tâm và con tim của Giáo Hội, nhưng thánh nữ còn sống
hết sức trọn vẹn sự thật đó trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Chính sự hòa hợp
giữa giáo lý và kinh nghiệm cụ thể, giữa sự thật và đời sống, giữa việc giảng dạy
và thực hành, (chính sự sự hòa hợp nầy) chiếu sáng thật rõ ràng trong sự thánh
thiện, và làm cho thánh nữ trở thành mẩu gương đặc biệt thu hút những người trẻ
và những ai đi tìm ý nghĩa thật cho đời sống họ.
Trước
cái trống rổng của nhiều lời nói, thánh nữ Têrêsa trình bày một giải pháp khác,
trình bày Lời Cứu Rỗi duy nhất, Lời mà một khi được hiểu và sống trong sự im lặng,
trở thành nguồn mạch cho đời sống được canh tân. Ðối diện với một nền văn hóa
duy lý và thường quá bị xâm chiếm bởi chủ nghĩa duy vật thực hành, thánh nữ
Têrêsa đề ra, một cách đơn sơ nhưng không gì cưởng lại được, đề ra "con đường
nhỏ, con đường dẩn đến bí quyết của mọi cuộc sống bằng việc trở về lại với điều
thiết yếu: đó là Tình Yêu Thiên Chúa; Tình Yêu nầy bao bọc và thấm nhập mọi cuộc
sống con người. Trong một thời đại như thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại
thường bị ghi dấu bởi nền văn hóa đề cao cái tạm bợ hảo huyền và bởi tinh thần
tìm hưởng lạc thú, Thánh Nữ Tân Tiến Sĩ Hội Thánh cho thấy có tài tác động hữu
hiệu đặc biệt, để soi sáng tinh thần và con tim của những ai khao khát tình
thương và sự thật. Trong tình yêu hăng say đối với công cuộc rao giảng Phúc âm,
thánh Têrêsa chỉ có một lý tưởng mà thôi, như chính thánh nữ đã nói như sau: Ðiều
mà chúng ta xin Chúa, là được làm việc cho danh Chúa được cả sáng, là yêu mến
Chúa và làm cho Chúa được yêu mến" (thơ 220). Con đường mà thánh nữ đã đi
qua để đạt đến lý tưởng sống nầy, không phải là con đường của những công việc
to lớn, được dành riêng cho một số ít, nhưng ngược lại là con đường vừa tầm tất
cả mọi người, con đường nhỏ, con đường của sự tin tưởng và phó thác hoàn toàn
chính mình cho ân sũng của Chúa. Ðây không phải là con đường tầm thường, bị hạ
thấp xuống, như thể đây là con đường ít đòi hỏi hơn. Trong thực tế, đây là con
đường rất đòi hỏi, như Phúc Âm Chúa luôn luôn là một điều đòi hỏi. Ðây là con
đường trong đó người ta được thấm nhuần trong ý thức phó thác đầy tin tưởng vào
tình thương nhân từ của Thiên Chúa, Ðấng làm cho nhẹ đi cả sự dấn thân thiêng
liêng nghiêm khắc nhất.
Kết
thúc bài giảng, ÐTC dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện như sau:
Vâng lạy Cha, cùng
với Chúa Giêsu, chúng con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu những bí quyết của Cha
không cho kẻ thông minh và khôn ngoan biết, nhưng đã mạc khải chúng cho những kẻ
bé nhỏ, mà ngày nay cha đề ra cho chúng con chú ý và bắt chước.
Xin cám ơn Cha vì sự
khôn ngoan Cha đã ban cho thánh Têrêsa, vừa làm cho thánh nữ trở nên cho toàn
thể Giáo Hội một chứng nhân đặc biệt và một vị thầy của cuộc sống. Xin cảm tạ
Cha vì tình yêu thương Cha đã đổ tràn trong thánh nữ, một tình yêu luôn tiếp tục
soi sáng và sưởi ấm các con tim, vừa thôi thúc họ tiến đến sự thánh thiện. Chớ
gì Ước nguyện mà Thánh Têrêsa đã nói lên, là được "sống suốt thời gian
trên thiên đàng để làm điều phúc cho trần gian" (Tác phẩm toàn thư, trg
1050), (chớ gì nguyện ước đó) luôn được thực hiện một cách kỳ diệu. Lạy Cha,
chúng con cảm tạ Cha, vì hôm nay Cha làm cho thánh nữ Têrêsa gần chúng con với
tước hiệu mới, để chúc tụng và tôn vinh Cha mãi mãi đến muôn đời. Amen.
Thứ Ba 1-10
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
(1873-1897)
"T
|
ôi thích sự buồn tẻ của
việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì
tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn." Ðó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu
dòng Camêlô thường được gọi là "Bông Hoa Nhỏ," người đã sống một đời
âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm
của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng
như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được
cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu
viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.
Ðời sống tu viện dòng
kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc
trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc
lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ
cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài.
Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là "để cứu vớt các linh hồn
và cầu nguyện cho các linh mục." Và không lâu trước khi chết, ngài
viết: "Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành
cho trần gian."
Vào ngày 19-10-1997, Ðức
Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ
nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh
thần của những gì ngài viết.
Lời Bàn
Thánh Têrêsa có nhiều
điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái "tôi." Chúng
ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những
nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh
Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện
những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm
của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong
phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống
muôn đời.
Sự bận rộn với bản thân
đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời
với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là
Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái
nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn
bao giờ hết.
Lời Trích
Thánh Têrêsa phải chịu
đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba
tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc
vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm
linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt
ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu
trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, "Tôi không muốn bớt đau
khổ."
Thực sự ngài là một phụ
nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức
mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự--kể cả
sự yếu đuối và bệnh tật--thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác.
Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi
thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét