Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Đức Thánh Cha gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên quốc tế

Đức Thánh Cha gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên quốc tế

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các giáo lý viên tái khởi hành từ Chúa Kitô, sống như giáo lý viên, để dẫn đưa tha nhân về với Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài huấn dụ khi gặp gỡ 2 ngàn giáo lý viên từ các nước trên thế giới tham dự Đại hội quốc tế về giáo lý do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức tại Vatican từ 26 đến 28-9 nhân dịp Năm Đức Tin.

Tham dự Hội nghị cũng có hơn 30 GM Chủ tịch các Ủy ban huấn giáo của các HĐGM trên thế giới, các vị giám đốc các văn phòng huấn giáo toàn quốc và giáo phận.

ĐTC đã đến Đại thính đường Phaolô 6 lúc 5 giờ chiều ngày 27-9-2013 và đã được mọi người tiếp đón nồng nhiệt. Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các giáo lý viên và cám ơn họ vì sự phục vụ cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. ĐTC nói:

”Các giáo lý viên thân mến,

”Tôi vui mừng vì trong Năm Đức Tin, có cuộc gặp gỡ này dành cho anh chị em: huấn giáo là một cột trụ để giáo dục đức tin và cần có những giáo lý viên tốt! Cám ơn anh chị em vì việc phục vụ dành cho Giáo Hội và trong Giáo Hội. Tuy rằng nhiều khi việc phục vụ này thật là khó khăn, ta làm việc rất nhiều, dấn thân tận tình nhưng không thấy kết quả mong muốn; giáo dục về đức tin thật là điều tốt đẹp! Giúp các trẻ em, thiếu niên, người trẻ, người lớn ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, đó thực là một cuộc phiêu liêu giáo dục đẹp đẽ nhất, ta xây dựng Giáo Hội qua việc làm đó! Sống như giáo lý viên! ('Essere' catechisti!) Xin anh chị em chú ý, tôi không nói ”làm” giáo lý viên, nhưng là ”sống như giáo lý viên” vì đây là điều bao gồm cuộc sống. Ta hướng dẫn tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu bằng lời nói và bằng cuộc sống, bằng chứng tá. Và ”sống như giáo lý viên” đòi phải có lòng yêu mến ngày càng nồng nhiệt hơn đối với Chúa Kitô, yêu mến Dân thánh của Chúa. Và tình yêu này nhất thiết phải khởi hành từ Chúa Kitô.

Tái khởi hành từ Chúa Kitô như thế có nghĩa là gì đối với một giáo lý viên, đối với anh chị em, đối với tôi, vì tôi cũng là một giáo lý viên!

1. Trước tiên tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là ”sống thân mật với Chúa”. Chúa Giêsu nồng nhiệt khuyến khích các môn đệ của Ngài về điều này trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài bắt đầu sống sự dâng hiến cao cả nhất của tình yêu, hy tế Thập Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và các cành, và Ngài nói: các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy gắn bó với thầy, như ngành nho gắn liền với thân cây nho. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa, chúng ta có thể sinh hoa trái, và đây chính là cuộc sống thân mật với Chúa Kitô.

Đối với một môn đệ, điều đầu tiên là ở với Thầy Chí Thánh, lắng nghe, học hỏi với Chúa. Và điều này luôn luôn có giá trị, là một hành trình kéo dài trọn cuộc sống! Ví dụ, đối với tôi, điều rất quan trọng là ở lại trước Nhà Tạm; ở trước mặt Chúa, để cho Chúa nhìn ngắm. Điều này sưởi ấm tâm hồn, giữ cho ngọn lửa tình bạn được luôn nồng cháy, làm cho ta cảm thấy thực sự được Chúa nhìn đến, gần gũi và yêu thương. Tôi hiểu rằng đối với anh chị em sự việc không đơn giản như vậy, nhất là đối với những người có gia đình và con cái, thật là khó tìm được thời giờ yên hàn lâu dài. Nhưng cám ơn Chúa, không phải tất cả mọi người đều phải làm như nhau, trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi và hình thái thiêng liêng khác nhau; điều quan trọng là tìm được cách thức thích hợp để ở với Chúa; và mỗi người, trong bậc sống của mình có thể thực hiện được điều đó. Trong lúc này đây mỗi người có thể tự hỏi: làm thế nào tôi có thể ”ở với Chúa Giêsu?” Tôi có những lúc ở lại trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng, để cho Chúa nhìn tôi hay không? Tôi có để cho ngọn lửa tái sưởi ấm tâm hồn tôi hay không? Nếu trong tâm hồn tôi không có sức nóng của Thiên Chúa, của tình yêu Chúa, sự dịu dàng của Ngài, làm sao chúng ta là những người tội lỗi nghèo hèn có thể sưởi ấm tâm hồn người khác?

2. Yếu tố thứ hai: tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là noi gương Chúa ra khỏi bản thân mình và đi gặp gỡ tha nhân. Đây là một kinh nghiệm đẹp, và hơi nghịch lý. Tại sao? Tại vì ai đặt Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống của mình, thì cũng tản ra ngoài! Hễ bạn càng kết hiệp với Chúa Giêsu, thì Chúa càng trở nên trung tâm cuộc sống của bạn, và Chúa càng làm cho bạn ra khỏi chính mình, làm cho bạn không co cụm vào mình, nhưng cởi mở đối với người khác. Đó thực là một năng động thực sự của tình yêu, là sự chuyển động của chính Thiên Chúa! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Ngài luôn luôn là sự hiến thân, là tương quan, là sự sống thông ban.. Cả chúng ta cũng trở nên như vậy, cả chúng ta cũng kết hiệp với Chúa Kitô, Ngài làm cho chúng ta đi vào năng động như thế của tình yêu. Nơi nào có sự sống đích thực trong Chúa Kitô, thì có sự cởi mở đối với tha nhân, có sự ra khỏi chính mình để đi gặp gỡ tha nhân nhân danh Chúa Kitô.

Tâm hồn của giáo lý viên luôn sống sự chuyển động ”sistole - diastole”, bóp vào - dãn ra: kết hiệp với Chúa Giêsu - gặp gỡ tha nhân. Nếu một trong hai chuyển động này thiếu thì con tim ngừng đập và ta không còn sống nữa. Lãnh nhận hồng ân Tin Vui (kerigma), và trao ban hồng ân ấy. Đó là điều ở trong chính bản chất của kerygma: đó là một hồng ân tạo ra sứ mạng, luôn thúc đẩy đi xa hơn bản thân. Thánh Phaolô đã nói: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta”, nhưng ”sự thúc đẩy chúng ta” cũng có thể được dịch là ”sự chiếm hữu chúng ta”. Và thế là: tình yêu lôi kéo bạn và sai bạn đi, chiếm lấy bạn và trao bạn cho tha nhân. Trong động thái ấy, con tim của Kitô hữu cử động, đặc biệt là con tim của giáo lý viên. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi: phải chăng con tim giáo lý viên của tôi cũng đập như thế: kết hiệp với Chúa Giêsu và gặp gỡ tha nhân? Nó được nuôi dưỡng trong tương quan với Chúa, nhưng có phải để dẫn tương quan ấy tới tha nhân hay không? Tôi nói với anh chị em một điều: tôi không hiểu làm sao một giáo lý viên có thể đứng im, không có sự chuyển động như thế.

3. Và yếu tố thứ ba vẫn luôn ở trong đường hướng ấy: tái khởi hành từ Chúa Kitô có nghĩa là không sợ ra đi với Chúa tới các khu ngoại ô. Ở đây tôi nghĩ đến chuyện ông Giona, một nhân vật thật là hay, nhất là trong thời đại chúng ta có những thay đổi và bất định. Giona là một người đạo đức, có đời sống yên hàn, ổn định, và điều này khiến ông có những khuôn mẫu rõ ràng và phán đoán mọi sự, mọi người theo những khuôn mẫu ấy một cách cứng nhắc. Vì thế khi Chúa gọi ông và bảo ông đi giảng ở thành Nivive, là thành phố lớn của dân ngoại, Giona không đồng ý. Thành Nivive vượt ra ngoài những khuôn mẫu của ông, ở ngoại ô thế giới của ông. Và thế là ông trốn chạy. Ông xuống tàu để đi xa. Anh chị em hãy đọc lại sách Giona! Sách này ngắn nhưng là một dụ ngôn có ý nghĩa rất xúc tích, nhất là đối với chúng ta là những người ở trong Giáo Hội. Sách này dạy chúng ta điều gì? Sách dạy chúng ta đừng sợ ra khỏi những khuôn mẫu của mình để theo Chúa, vì Chúa luôn đi ra ngoài, Thiên Chúa không sợ những vùng ngoại biên. Thiên Chúa luôn trung tín, có tinh thần sáng tạo, không khép kín, và vì thế Ngài không bao giờ cứng nhắc, Ngài tiếp đón, gặp gỡ, cảm thông chúng ta. Để trung tín, để có tinh thần sáng tạo, cần biết thay đổi. Để ở lại với Thiên Chúa cần biết ra ngoài, không sợ ra ngoài. Nếu một giáo lý viên để cho sự sợ hãi chiếm đoạt, thì họ là một người nhát sợ; nếu một giáo lý viên ở yên hàn, thì rốt cục sẽ trở thành một pho tượng trong viện bảo tàng; nếu một giáo lý viên cứng nhắc thì họ trở nhăn nheo và không mang lại lợi ích nào. Tôi hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em muốn trở thành nhát sợ, một tượng trong viện bảo tàng hoặc son sẻ hay không?
Nhưng cần lưu ý! Chúa Giêsu không nói: hãy đi và tự xoay sở lấy! Không, Chúa nói: Các con hãy đi, Thầy ở với các con! Đây là vẻ đẹp và là sức mạnh của chúng ta; nếu chúng ta đi, nếu chúng ta ra ngoài để mang Tin Mừng của Chúa với tình yêu thương, với tinh thần tông đồ đích thực, với parresia (nói thẳng thắn), thì Chúa đồng hành với chúng ta, Ngài luôn đi trước chúng ta.

Nay anh chị em đã học ý nghĩa của lời ấy. Đây là điều cơ bản đối với chúng ta: Thiên Chúa luôn đi trước chúng ta! Khi chúng ta nghĩ mình đi xa, tới tận bờ cõi xa xăm, có lẽ chúng ta hơi sợ hãi, nhưng tron gthực tế Chúa đã có mặt tại đó: Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong tâm hồn người anh em, trong thân thể Ngài bị thương tích, trong cuộc sống bị áp bức, trong tâm hồn không có niềm tin. Chúa Giêsu có mặt tại đó, trong người anh em ấy. Ngài luôn đi trước chúng ta.

Các giáo lý viên thân mến, tôi cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm, nhưng nhất là vì anh chị em ở trong Giáo Hội, trong Dân Chúa đang lữ hành. Chúng ta hãy ở lại với Chúa Kitô, cố gắng ngày càng trở nên một với Chúa; chúng ta hãy theo Chúa, noi gương Chúa trong chuyển động yêu thương của Ngài, trong việc ra đi gặp gỡ con người; và chún gta ra ngoài, mở cửa, chúng ta bạo dạn vạch ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria tháp tùng anh chị em.

G. Trần Đức Anh chuyển ý O.P
www.vi.radiovaticana.va


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét