Iraq 2003, Syria 2013
Cách nay đúng 10 năm, Mỹ cũng đã gần như đơn
phương can thiệp quân sự vào Iraq. So sánh phản ứng ngoại giao hồi đó và phản ứng
ngoại giao hiện nay của Tòa Thánh trước mưu toan tấn công quân sự của Hoa Kỳ,
người ta thấy nhiều điểm tương đồng.
Vì một lần nữa, Vatican lại phát động một chiến dịch ngoại giao toàn diện chống lại cuộc tấn công rất có thể diễn ra nhằm vào chế độ độc tài tại Trung Đông, một cuộc tấn công rõ ràng được biện minh bằng các vụ vi phạm nhân quyền và đe dọa bằng vũ khí hóa học nhưng rõ ràng cũng toan tính thay đổi chế độ. Một lần nữa, phát ngôn viên Vatican lại cảnh báo: một cuộc tấn công như thế sẽ khởi động cả một tranh chấp khắp vùng, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan, và làm cuộc sống các nhóm thiểu số, nhất là các Kitô hữu, tồi tệ thêm.
Tất nhiên, sự so sánh này không hoàn toàn chính xác. Vì cuộc chiến Iraq là cuộc chiến đầy đủ trên bộ, trong khi Tổng Thống Obama cam đoan sẽ không có binh sĩ trên lãnh thổ Syria. Dù thế, cả hậu quả lẫn ngôn từ được Vatican sử dụng hiện nay khiến người ta không khỏi nghĩ tới chuyện đã qua.
Trước nhất, thiển nghĩ nên ôn lại các tương đồng giữa hai biến cố. Lúc chính phủ Bush đang chuẩn bị can thiệp vào Iraq đầu năm 2003, Đức Gioan Phaolô II và ngoại giao đoàn tại Vatican đã là những tiếng nói phê phán hàng đầu của lương tâm, với ba sáng kiến chính sau đây:
a) Ngày 27 tháng Hai, 2003, các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh đã được khẩn cấp mời tham dự buổi thuyết trình của nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican là TGM (nay là HY) Jean-Louis Tauran, người Pháp, trong đó kết luận sau đã được đưa ra: chiến tranh Iraq sẽ gây ra các hậu quả không thể chấp nhận được cho thường dân và sẽ càng làm tệ hơn chủ nghĩa quá khích.
b) Ngày 2 tháng Ba, 2003, Đức Gioan Phaolô II dùng bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật để loan báo: thứ Tư sau đó, tức thứ Tư Lễ Tro, sẽ là ngày đặc biệt để ăn chay và cầu nguyện cho Iraq.
c) Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 16 tháng Ba, 2003, Đức Gioan Phaolô II đã bỏ bản văn soạn sẵn để ứng khẩu nói với đám đông tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô về kinh nghiệm chiến tranh của chính ngài. Dịp này ngài trích dẫn câu nói thời danh của Đức Phaolô VI: “chiến tranh không bao giờ có lợi”. Ngài bảo: “Tôi thuộc thế hệ sống trọn Thế Chiến II và nhờ ơn Chúa, đã sống sót. Ước mong Mùa Chay này sẽ không bị tưởng niệm như là thời gian đau buồn của chiến tranh, mà là thời kỳ cố gắng đầy can đảm để hồi tâm và xây dựng hòa bình”.
Cả ba sáng kiến ấy đã được Đức Phanxicô và cố gắng ngoại giao hiện nay của Vatican lặp lại:
a) Hôm Chúa Nhật tuần trước, Đức Phanxicô yêu cầu người Công Giáo và người không Công Giáo dành ngày 7 tháng 9 làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình tại Syria.
b) Thứ năm tuần rồi, các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh được mời tham dự buổi thuyết trình về Syria, trong đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican là TGM Dominic Mamberti, sinh tại Morocco, cho họ hay: leo thang bạo lực có nguy cơ “khiến không những các nước khác trong vùng liên lụy tới mà còn gây ra nhiều hậu quả không thể dự đoán được tại nhiều nơi trên thế giới”.
c) Đức Phanxicô cũng lặp lại câu nói bất hủ “Chiến tranh không bao giờ có lợi”.
Ngoài ra còn hai tương đồng khác nữa. Thứ nhất, Vatican cố gắng không để chủ trương chống chiến tranh của mình bị lẫn lộn với việc ủng hộ các “gã xấu xa”. Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II nhiều lần kêu gọi Saddam Hussein hợp tác với cộng đồng quốc tế, nhất là các thanh tra vũ khí của LHQ; lần này, có tin Đức Phanxicô đã dùng twitter để chỉ trích Tổng Thống Bashar Assad, cho ông ta hay: “tôi cực lực kết án việc sử dụng vũ khí hóa học”. Tin này không bị phát ngôn viên Lombardi của Tòa Thánh minh nhiên bác bỏ, chỉ minh nhiên bác bỏ tin cho rằng Đức Phanxicô điện đàm với Bashar Assad.
Thứ hai, Đức Giáo Hoàng chỉ đứng trên bình diện luân lý tổng quát để kêu gọi, nhường cho các phụ tá đưa ra các kết luận chuyên biệt về chính sách. Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II cũng không bao giờ nói rằng chiến tranh tại Iraq là bất hợp pháp, nhường kết luận ấy cho các phụ tá như TGM Tauran. Lần này cũng thế, Đức Phanxicô để các phụ tá đưa ra các kết luận nặng nề.
Cùng lắm, Đức Phanxicô chỉ cho các nhà lãnh đạo G20 hay giải pháp quân sự tại Syria sẽ “vô dụng” (futile). Các phụ tá của ngài nói mạnh mẽ hơn nhiều. Ngày 31 tháng Tám, chẳng hạn, Đức Cha Mario Toso thuộc Hội Đồng GH về Công Lý và Hòa Bình tuyên bố rằng cuộc tấn công của Tây Phương vào Syria “chứa đựng mọi yếu tố nổ thành chiến tranh tầm cỡ hoàn cầu”.
Bây giờ, người ta thấy 4 vấn đề sau đây sẽ quyết định liệu hành động ngoại giao của Vatican lần này có giống hệt năm 2003 với Iraq hay sẽ được triển khai cách khác.
Đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng
Nếu Đức Phanxicô hoàn toàn theo kế sách của Đức Gioan Phaolô II, thì động thái tiếp theo của ngài hẳn sẽ là chỉ định một đặc phái viên tới Tòa Bạch Ốc để cố gắng thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ chịu hạn chế.
Cách nay 10 năm, Đức Gioan Phaolô II đã cử Đức HY Pio Laghi, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ trong các năm 1984 tới 1990, và là người vốn có liên hệ thân tình với gia đình Bush, vào chức vụ trên. Ngài cũng cử Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người Pháp, là đặc phái viên đi gặp Hussein, trong cố gắng thuyết phục ông này hợp tác với các thanh tra LHQ.
Ngày 5 tháng Ba, 2003, Đức HY Laghi gặp Tổng Thống Mỹ và nói với ông rằng chiến tranh tại Iraq sẽ gây “đau khổ cho người dân Iraq và những ai liên lụy tới cuộc hành quân quân sự, gây bất ổn thêm cho toàn vùng, và gây một hố phân cách mới giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo”.
Nếu Đức Phanxicô cũng quyết định đi theo đường lối này, thì Đức HY Tauran có thể là người nên chọn. Đáng lẽ là Đức TGM Pietro Sambi, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ và là người được Tòa Bạch Ốc của Obama rất kính trọng, nhưng ngài đã qua đời năm 2011. Quốc tịch Pháp của Đức HY Tauran không hẳn là một trở ngại, nếu xét theo tình hình chính trị hiện nay. Mười năm trước đây, Pháp không tham dự cuộc chiến tại Iraq, nên nếu gửi một người Pháp qua Bạch Ốc, hẳn chẳng có lợi gì. Nay, Pháp là một trong những nước có ngôn từ mạnh mẽ nhất chống chế độ Assad, hẳn được Obama và các cố vấn coi là đồng minh.
Sức đẩy ngược của ông đại sứ
Trong cuộc chiến tranh Iraq, đặc phái viên của chính phủ Bush tới Vatican là Jim Nicholson, một người vừa tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point và là cựu chiến binh trong cuộc Chiến Việt Nam với rất nhiều huân chương, vừa là cựu chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc của Đảng Cộng Hòa.
Căn cứ vào tiểu sử, Nicholson vừa có kinh nghiệm quân sự vừa có tài ngoại giao khiến ông trở thành người bào chữa giá trị cho các chính sách của chính phủ Bush. Nhờ thế, ông đã đẩy ngược được phần lớn điều bị ông coi như ngôn từ đạo đức nhưng khá ngây thơ của Vatican hoặc các phản bác có tính giật gân của Âu Châu đối với chính sách của Hoa Kỳ.
Tuy không bao giờ thành công trong việc thuyết phục Vatican chịu nhận giá trị của chiến tranh, Nicholson đã bảo đảm được việc làm cho người ta nghe rõ quan điểm của Hoa Kỳ, cả ở Tòa Thánh lẫn giới truyền thông hoàn cầu có mặt tại Rôma.
Thí dụ, vào tháng Hai năm 2003, Nicholson đã đưa nhà trí thức Công Giáo Mỹ là Michael Novak tới Rôma để thực hiện nhiều cuộc diễn thuyết, phỏng vấn truyền thông và gặp gỡ các giới chức của Vatican. Ông cố gắng bênh vực cho tính hợp pháp của việc Mỹ can thiệp vào Iraq, coi nó như một hành vi tự vệ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Novak cũng không ngại gợi ý rằng một số lời bình luận của Vatican về chiến tranh có “hơi chống Mỹ về xúc cảm”.
Vì Đức Gioan Phaolô II chưa bao giờ minh nhiên nói rằng cuộc chiến tại Iraq là vô luân, nên Nicholson cũng đã có may mắn chơi được lá bài “phán đoán khôn ngoan”, cho rằng các cảnh giác của Vatican thuộc loại dè đặt hơn là kết án. Nói theo kiểu nói quen thuộc, thì đó chỉ là đèn vàng chứ không hẳn là đèn đỏ.
Suốt trong cuộc tranh chấp và cả sau đó nữa, Nicholson vẫn tiếp tục chiến thuật ấy. Kết quả: Đại Sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh trở thành diễn viên quan trọng trong vở bi kịch.
Người ta đang chờ xem liệu tân đại sứ của Obama bên cạnh Tòa Thánh, tức cựu chủ tịch Sở Cứu Trợ Công Giáo, Ken Hackett, có đóng cùng một vai trò như thế không nếu chính phủ Mỹ nhất định thi hành động thái chiến tranh của mình tại Syria.
Thượng Viện Mỹ đã công nhận Hackett vào ngày 1 tháng Tám nhưng ông này chưa trình ủy nhiệm thư lên Đức Giáo Hoàng. Căn cứ vào kinh nghiệm của ông tại Sở Cứu Trợ Công Giáo, Hackett hiểu rất rõ cảnh địa quốc tế, ông lại là người cổ vũ lưu loát và mạnh mẽ. Tuy nhiên, chưa rõ ông sẽ phản ảnh được tính hữu hiệu của Nicholson đến mức nào, một phần vì xem ra Hackett không được hưởng cùng một tự do hành động như người bạn thân của tổng thống và cựu chủ tịch của đảng ông này. Đàng khác, dường như Hackett không có cùng một cam kết bản thân trong việc bênh vực cuộc tranh chấp này như Nicholson trước đây với cuộc chiến Iraq.
Các giám mục Hoa Kỳ
John Allen Jnr, người Mỹ, nhận định khác hẳn Sandro Magister, người Ý, về phản ứng của các giám mục Mỹ hiện nay đối với sáng kiến hòa bình của Tòa Thánh cho Syria.
Theo Allen, trước đây, trong một số giới, người ta có cảm giác: các giám mục Mỹ không hoàn toàn chấp nhận quan điểm của Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh. Đức Cha Robert Lynch của giáo phận St. Petersburg, Fla., chẳng hạn, cho rằng “Giáo Hội Công Giáo tại Hiệp Chúng Quốc, buồn thay, đã dành cho Tổng Thống Bush một chiếc thẻ tự do hành động” và các giám mục “không thèm mạnh mẽ bênh vực Chân Phúc Gioan Phaolô II” trong cố gắng ngăn chặn chiến tranh của ngài.
Dù các ngài có phát biểu nhiều điều thích đáng, như tuyên bố hồi tháng Mười Một năm 2002 chẳng hạn nói rằng cuộc chiến tại Iraq do Mỹ chỉ đạo không hội đủ các tiêu chuẩn của chiến tranh chính nghĩa, nhưng các nhà phê bình cho rằng các ngài không đẩy chủ trương ấy bao xa và mạnh mẽ như các luận điểm chống phá thai và hôn nhân đồng tính.
Sở dĩ có hiện tượng trên, vì một phần hồi đó, sắp có kỳ bầu cử 2004 trong đó chiến dịch chống các chính khách Công Giáo phò phá thai đang lên cao. Một phần, vì công luận hồi đó đa phần ủng hộ một cuộc chiến được bảo đảm là nhanh chóng và nắm chắc phần thắng. Hơn nữa, lúc đó cũng là lúc Giáo Hội CG Mỹ bị rúng động bởi các tai tiếng xách nhiễu tình dục trẻ em, nên phần đông do dự không dám bước vào cuộc tranh luận quốc gia trong tư cách một thế giá luân lý.
Dù vì bất cứ lý do gì, trên thực tế, các giám mục Mỹ hồi đó cũng đã im hơi lặng tiếng hơn Vatican. Còn nay thì sao? Theo Allen, hôm thứ Ba tuần rồi, Đức HY Timothy Dolan, chủ tịch HĐGM Mỹ và Đức Cha Richard Pates, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình Quốc Tế, đã ra tuyên bố tham gia lời kêu gọi của Đức GH về ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình và nhiều giáo phận đã quyết định tổ chức buổi cầu nguyện cùng ngày.
Tại Washington D.C., Đức HY Donald Wuerl đã cử hành Thánh Lễ cầu cho Công Lý và Hòa Bình vào thứ Bẩy tại VCTĐ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đức TGM Carlo Maria Viganò, sứ thần của Đức GH, có mặt trong Thánh Lễ này cùng với Đức Ông Ronny Jenkins, Tổng Thư Ký của HĐGM Mỹ.
Có ba nhân tố khiến các giám mục Mỹ năng nổ hơn lần này. Thứ nhất, công luận hiện nay nghiêng nhiều về phía chống chiến tranh hơn 10 năm trước đây, lúc cơn giận về vụ 11 tháng 9 còn đang điều hướng nhiều cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao. Cuộc thăm dò của Nghị Hội Pew, công bố hôm thứ Tư tuần rồi, cho thấy chỉ có 29% người Mỹ ủng hộ việc tấn công vào Syria. Một cuộc thăm dò riêng của ABC/Washington Post cho thấy 6 trong 10 người Mỹ chống lại cuộc tấn công đơn phương của Mỹ, và 70% chống việc cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn Syria.
Thứ hai, các giám mục vốn có mối tương quan khá lơ mơ với chính phủ Obama, nên không quan tâm mấy tới mối lo phung phí thiện chí. Một số giám mục vốn bị mang tiếng phe phái nay thích có cơ hội nói lên quan điểm được coi là phe tả, tức chống đối chiến tranh, hơn là phe hữu.
Thứ ba, và có lẽ là nhân tố căn bản nhất, các giám mục đã coi tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu, không giống 10 năm trước đây. Nhờ thế, hiện nay, các ngài nhạy cảm hơn trước cuộc bách hại người Kitô hữu khắp trên thế giới, nhất là tại Trung Đông. Các ngài biết rõ Kitô hữu là nạn nhân đầu tiên của cuộc hỗn loạn xẩy ra sau sự cáo chung của chế độ Hussein tại Iraq, và hiện nay, các ngài nghe rõ các cảnh giác tương tự từ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Syria.
Giám Mục Công Giáo theo nghi lễ Canđê của Aleppo là Antoine Audo, chẳng hạn, phát biểu như sau trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi được nghe nhiều về dân chủ và tự do của người Mỹ tại Iraq, và đã thấy kết quả của nó ra sao, cả một xứ sở tan hoang. Những người bị mất mát đầu tiên chính là Kitô hữu tại Iraq. Chúng tôi phải nói rằng chúng tôi không muốn những gì người Mỹ từng làm tại Iraq bị lặp lại tại Syria”. Lời nhắn nhe này tất nhiên có nhiều cân lường đối với các giáo phẩm bạn tại Hoa Kỳ.
Kết quả
Cuối cùng, dấu hỏi lớn nhất là liệu chính phủ Mỹ hiện nay có nhạy cảm hơn chút nào đối với các lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng, của Tòa Thánh, của các giám mục và Kitô hữu Mỹ hay không.
Khi từ Washington trở về năm 2003, Đức HY Laghi nói ở hậu trường với một vài phóng viên tại Rôma đại ý rằng sứ mệnh của ngài chỉ mất thì giờ, vì Bush đã nhất định đánh rồi. Ngài kết án chính phủ Bush về quan điểm duy Calvin đối với cuộc tranh chấp tại Iraq, theo đó, kẻ được chọn được tôn vinh chống lại kẻ gian ác.
Cho đến nay, xem ra Đức Phanxicô và các cố vấn của ngài cũng không may mắn gì hơn. Chính phủ Obama đang mở một chiến dịch vận động ráo riết để cổ vũ việc can thiệp bằng quân sự, bất cứ lùi bước nào cũng bị coi là tỏ ra yếu ớt.
Hơn nữa, nếu có chính phủ Mỹ nào chịu lắng nghe giáo hoàng, thì đó hẳn là Tòa Bạch Ốc của Bush. Đến năm 2003, Bush đã thăm Đức Gioan Phaolô II hai lần ở Rôma và sẽ còn gặp ngài một lần nữa vào tháng Sáu năm 2004 để trao tặng ngài Huân Chương Tự Do. Ngoài việc Bush thực sự thán phục giáo hoàng ra, chiếm được lá phiếu Công Giáo vốn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược tái tranh cử của Bush.
Nếu một tổng thống như thế đã vẫn cứ bất chấp phản kháng mà bước vào chiến tranh, thì đâu là căn bản để nghĩ rằng một chính phủ Dân Chủ với một liên hệ căng thẳng có tiếng với Giáo Hôi chịu nghe lời Giáo Hoàng?
Tuy nhiên, vẫn có thể có hai lá bài “hoang” sau đây. Thứ nhất, Đức Phanxicô được rất nhiều người và nhiều giới ủng hộ rộng rãi và “dự trữ” được cả một số lượng tư bản chính trị khổng lồ. Kỷ niệm sáu tháng trên ngôi giáo hoàng của ngài sắp diễn ra, và các cơ quan truyền thông chắc chắn sẽ tường thuật rầm rộ dịp này. Điểm sáng này có thể đem lại cho ngài cơ hội lớn hơn để ảnh hưởng tới cuộc tranh luận.
Thêm vào đó, các cơ sở truyền thông chính tại Mỹ 10 năm trước đây vốn coi Đức Gioan Phaolô là đồng minh bảo thủ của Bush, nên khó nhậy cảm đối với dị biệt về phương diện này. Nói chung, truyền thông hiện nay không có cùng một nhận định như thế về Đức Phanxicô. Nên sứ điệp về Syria của ngài có thể có tiếng vang nhiều hơn.
Thứ hai, không như Bush năm 2003, Obama của năm 2013 không lo lắng tới chuyện tái cử. Vì cuộc tranh chấp này diễn ra trong nhiệm kỳ hai, nên các tính toán của ông, ít nhất trên phương diện lý thuyết, cũng dựa vào di sản dài hạn chứ không hẳn chính trị đoản kỳ.
Trong ngữ cảnh trên, có lẽ tiếng nói của thiểu số Kitô Giáo Syria, được Đức Giáo Hoàng và bộ máy ngoại giao của Vatican khuếch đại, có cơ may lớn hơn để tạo khác biệt, nếu không ngăn được đợt tấn công đầu tiên, thì ít nhất cũng giúp lên khuôn hậu cảnh. Như người Ý quen nói vedremo -- để xem sao.
Viết theo John L. Allen Jnr, Vatican’s full-court press on Syria, a remembrance of things past, National Catholic Reporter, September 6, 2013
Vì một lần nữa, Vatican lại phát động một chiến dịch ngoại giao toàn diện chống lại cuộc tấn công rất có thể diễn ra nhằm vào chế độ độc tài tại Trung Đông, một cuộc tấn công rõ ràng được biện minh bằng các vụ vi phạm nhân quyền và đe dọa bằng vũ khí hóa học nhưng rõ ràng cũng toan tính thay đổi chế độ. Một lần nữa, phát ngôn viên Vatican lại cảnh báo: một cuộc tấn công như thế sẽ khởi động cả một tranh chấp khắp vùng, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan, và làm cuộc sống các nhóm thiểu số, nhất là các Kitô hữu, tồi tệ thêm.
Tất nhiên, sự so sánh này không hoàn toàn chính xác. Vì cuộc chiến Iraq là cuộc chiến đầy đủ trên bộ, trong khi Tổng Thống Obama cam đoan sẽ không có binh sĩ trên lãnh thổ Syria. Dù thế, cả hậu quả lẫn ngôn từ được Vatican sử dụng hiện nay khiến người ta không khỏi nghĩ tới chuyện đã qua.
Trước nhất, thiển nghĩ nên ôn lại các tương đồng giữa hai biến cố. Lúc chính phủ Bush đang chuẩn bị can thiệp vào Iraq đầu năm 2003, Đức Gioan Phaolô II và ngoại giao đoàn tại Vatican đã là những tiếng nói phê phán hàng đầu của lương tâm, với ba sáng kiến chính sau đây:
a) Ngày 27 tháng Hai, 2003, các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh đã được khẩn cấp mời tham dự buổi thuyết trình của nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican là TGM (nay là HY) Jean-Louis Tauran, người Pháp, trong đó kết luận sau đã được đưa ra: chiến tranh Iraq sẽ gây ra các hậu quả không thể chấp nhận được cho thường dân và sẽ càng làm tệ hơn chủ nghĩa quá khích.
b) Ngày 2 tháng Ba, 2003, Đức Gioan Phaolô II dùng bài nói chuyện lúc đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật để loan báo: thứ Tư sau đó, tức thứ Tư Lễ Tro, sẽ là ngày đặc biệt để ăn chay và cầu nguyện cho Iraq.
c) Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 16 tháng Ba, 2003, Đức Gioan Phaolô II đã bỏ bản văn soạn sẵn để ứng khẩu nói với đám đông tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô về kinh nghiệm chiến tranh của chính ngài. Dịp này ngài trích dẫn câu nói thời danh của Đức Phaolô VI: “chiến tranh không bao giờ có lợi”. Ngài bảo: “Tôi thuộc thế hệ sống trọn Thế Chiến II và nhờ ơn Chúa, đã sống sót. Ước mong Mùa Chay này sẽ không bị tưởng niệm như là thời gian đau buồn của chiến tranh, mà là thời kỳ cố gắng đầy can đảm để hồi tâm và xây dựng hòa bình”.
Cả ba sáng kiến ấy đã được Đức Phanxicô và cố gắng ngoại giao hiện nay của Vatican lặp lại:
a) Hôm Chúa Nhật tuần trước, Đức Phanxicô yêu cầu người Công Giáo và người không Công Giáo dành ngày 7 tháng 9 làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình tại Syria.
b) Thứ năm tuần rồi, các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh được mời tham dự buổi thuyết trình về Syria, trong đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican là TGM Dominic Mamberti, sinh tại Morocco, cho họ hay: leo thang bạo lực có nguy cơ “khiến không những các nước khác trong vùng liên lụy tới mà còn gây ra nhiều hậu quả không thể dự đoán được tại nhiều nơi trên thế giới”.
c) Đức Phanxicô cũng lặp lại câu nói bất hủ “Chiến tranh không bao giờ có lợi”.
Ngoài ra còn hai tương đồng khác nữa. Thứ nhất, Vatican cố gắng không để chủ trương chống chiến tranh của mình bị lẫn lộn với việc ủng hộ các “gã xấu xa”. Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II nhiều lần kêu gọi Saddam Hussein hợp tác với cộng đồng quốc tế, nhất là các thanh tra vũ khí của LHQ; lần này, có tin Đức Phanxicô đã dùng twitter để chỉ trích Tổng Thống Bashar Assad, cho ông ta hay: “tôi cực lực kết án việc sử dụng vũ khí hóa học”. Tin này không bị phát ngôn viên Lombardi của Tòa Thánh minh nhiên bác bỏ, chỉ minh nhiên bác bỏ tin cho rằng Đức Phanxicô điện đàm với Bashar Assad.
Thứ hai, Đức Giáo Hoàng chỉ đứng trên bình diện luân lý tổng quát để kêu gọi, nhường cho các phụ tá đưa ra các kết luận chuyên biệt về chính sách. Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II cũng không bao giờ nói rằng chiến tranh tại Iraq là bất hợp pháp, nhường kết luận ấy cho các phụ tá như TGM Tauran. Lần này cũng thế, Đức Phanxicô để các phụ tá đưa ra các kết luận nặng nề.
Cùng lắm, Đức Phanxicô chỉ cho các nhà lãnh đạo G20 hay giải pháp quân sự tại Syria sẽ “vô dụng” (futile). Các phụ tá của ngài nói mạnh mẽ hơn nhiều. Ngày 31 tháng Tám, chẳng hạn, Đức Cha Mario Toso thuộc Hội Đồng GH về Công Lý và Hòa Bình tuyên bố rằng cuộc tấn công của Tây Phương vào Syria “chứa đựng mọi yếu tố nổ thành chiến tranh tầm cỡ hoàn cầu”.
Bây giờ, người ta thấy 4 vấn đề sau đây sẽ quyết định liệu hành động ngoại giao của Vatican lần này có giống hệt năm 2003 với Iraq hay sẽ được triển khai cách khác.
Đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng
Nếu Đức Phanxicô hoàn toàn theo kế sách của Đức Gioan Phaolô II, thì động thái tiếp theo của ngài hẳn sẽ là chỉ định một đặc phái viên tới Tòa Bạch Ốc để cố gắng thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ chịu hạn chế.
Cách nay 10 năm, Đức Gioan Phaolô II đã cử Đức HY Pio Laghi, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ trong các năm 1984 tới 1990, và là người vốn có liên hệ thân tình với gia đình Bush, vào chức vụ trên. Ngài cũng cử Đức Hồng Y Roger Etchegaray, người Pháp, là đặc phái viên đi gặp Hussein, trong cố gắng thuyết phục ông này hợp tác với các thanh tra LHQ.
Ngày 5 tháng Ba, 2003, Đức HY Laghi gặp Tổng Thống Mỹ và nói với ông rằng chiến tranh tại Iraq sẽ gây “đau khổ cho người dân Iraq và những ai liên lụy tới cuộc hành quân quân sự, gây bất ổn thêm cho toàn vùng, và gây một hố phân cách mới giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo”.
Nếu Đức Phanxicô cũng quyết định đi theo đường lối này, thì Đức HY Tauran có thể là người nên chọn. Đáng lẽ là Đức TGM Pietro Sambi, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ và là người được Tòa Bạch Ốc của Obama rất kính trọng, nhưng ngài đã qua đời năm 2011. Quốc tịch Pháp của Đức HY Tauran không hẳn là một trở ngại, nếu xét theo tình hình chính trị hiện nay. Mười năm trước đây, Pháp không tham dự cuộc chiến tại Iraq, nên nếu gửi một người Pháp qua Bạch Ốc, hẳn chẳng có lợi gì. Nay, Pháp là một trong những nước có ngôn từ mạnh mẽ nhất chống chế độ Assad, hẳn được Obama và các cố vấn coi là đồng minh.
Sức đẩy ngược của ông đại sứ
Trong cuộc chiến tranh Iraq, đặc phái viên của chính phủ Bush tới Vatican là Jim Nicholson, một người vừa tốt nghiệp Trường Võ Bị West Point và là cựu chiến binh trong cuộc Chiến Việt Nam với rất nhiều huân chương, vừa là cựu chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc của Đảng Cộng Hòa.
Căn cứ vào tiểu sử, Nicholson vừa có kinh nghiệm quân sự vừa có tài ngoại giao khiến ông trở thành người bào chữa giá trị cho các chính sách của chính phủ Bush. Nhờ thế, ông đã đẩy ngược được phần lớn điều bị ông coi như ngôn từ đạo đức nhưng khá ngây thơ của Vatican hoặc các phản bác có tính giật gân của Âu Châu đối với chính sách của Hoa Kỳ.
Tuy không bao giờ thành công trong việc thuyết phục Vatican chịu nhận giá trị của chiến tranh, Nicholson đã bảo đảm được việc làm cho người ta nghe rõ quan điểm của Hoa Kỳ, cả ở Tòa Thánh lẫn giới truyền thông hoàn cầu có mặt tại Rôma.
Thí dụ, vào tháng Hai năm 2003, Nicholson đã đưa nhà trí thức Công Giáo Mỹ là Michael Novak tới Rôma để thực hiện nhiều cuộc diễn thuyết, phỏng vấn truyền thông và gặp gỡ các giới chức của Vatican. Ông cố gắng bênh vực cho tính hợp pháp của việc Mỹ can thiệp vào Iraq, coi nó như một hành vi tự vệ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Novak cũng không ngại gợi ý rằng một số lời bình luận của Vatican về chiến tranh có “hơi chống Mỹ về xúc cảm”.
Vì Đức Gioan Phaolô II chưa bao giờ minh nhiên nói rằng cuộc chiến tại Iraq là vô luân, nên Nicholson cũng đã có may mắn chơi được lá bài “phán đoán khôn ngoan”, cho rằng các cảnh giác của Vatican thuộc loại dè đặt hơn là kết án. Nói theo kiểu nói quen thuộc, thì đó chỉ là đèn vàng chứ không hẳn là đèn đỏ.
Suốt trong cuộc tranh chấp và cả sau đó nữa, Nicholson vẫn tiếp tục chiến thuật ấy. Kết quả: Đại Sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh trở thành diễn viên quan trọng trong vở bi kịch.
Người ta đang chờ xem liệu tân đại sứ của Obama bên cạnh Tòa Thánh, tức cựu chủ tịch Sở Cứu Trợ Công Giáo, Ken Hackett, có đóng cùng một vai trò như thế không nếu chính phủ Mỹ nhất định thi hành động thái chiến tranh của mình tại Syria.
Thượng Viện Mỹ đã công nhận Hackett vào ngày 1 tháng Tám nhưng ông này chưa trình ủy nhiệm thư lên Đức Giáo Hoàng. Căn cứ vào kinh nghiệm của ông tại Sở Cứu Trợ Công Giáo, Hackett hiểu rất rõ cảnh địa quốc tế, ông lại là người cổ vũ lưu loát và mạnh mẽ. Tuy nhiên, chưa rõ ông sẽ phản ảnh được tính hữu hiệu của Nicholson đến mức nào, một phần vì xem ra Hackett không được hưởng cùng một tự do hành động như người bạn thân của tổng thống và cựu chủ tịch của đảng ông này. Đàng khác, dường như Hackett không có cùng một cam kết bản thân trong việc bênh vực cuộc tranh chấp này như Nicholson trước đây với cuộc chiến Iraq.
Các giám mục Hoa Kỳ
John Allen Jnr, người Mỹ, nhận định khác hẳn Sandro Magister, người Ý, về phản ứng của các giám mục Mỹ hiện nay đối với sáng kiến hòa bình của Tòa Thánh cho Syria.
Theo Allen, trước đây, trong một số giới, người ta có cảm giác: các giám mục Mỹ không hoàn toàn chấp nhận quan điểm của Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh. Đức Cha Robert Lynch của giáo phận St. Petersburg, Fla., chẳng hạn, cho rằng “Giáo Hội Công Giáo tại Hiệp Chúng Quốc, buồn thay, đã dành cho Tổng Thống Bush một chiếc thẻ tự do hành động” và các giám mục “không thèm mạnh mẽ bênh vực Chân Phúc Gioan Phaolô II” trong cố gắng ngăn chặn chiến tranh của ngài.
Dù các ngài có phát biểu nhiều điều thích đáng, như tuyên bố hồi tháng Mười Một năm 2002 chẳng hạn nói rằng cuộc chiến tại Iraq do Mỹ chỉ đạo không hội đủ các tiêu chuẩn của chiến tranh chính nghĩa, nhưng các nhà phê bình cho rằng các ngài không đẩy chủ trương ấy bao xa và mạnh mẽ như các luận điểm chống phá thai và hôn nhân đồng tính.
Sở dĩ có hiện tượng trên, vì một phần hồi đó, sắp có kỳ bầu cử 2004 trong đó chiến dịch chống các chính khách Công Giáo phò phá thai đang lên cao. Một phần, vì công luận hồi đó đa phần ủng hộ một cuộc chiến được bảo đảm là nhanh chóng và nắm chắc phần thắng. Hơn nữa, lúc đó cũng là lúc Giáo Hội CG Mỹ bị rúng động bởi các tai tiếng xách nhiễu tình dục trẻ em, nên phần đông do dự không dám bước vào cuộc tranh luận quốc gia trong tư cách một thế giá luân lý.
Dù vì bất cứ lý do gì, trên thực tế, các giám mục Mỹ hồi đó cũng đã im hơi lặng tiếng hơn Vatican. Còn nay thì sao? Theo Allen, hôm thứ Ba tuần rồi, Đức HY Timothy Dolan, chủ tịch HĐGM Mỹ và Đức Cha Richard Pates, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình Quốc Tế, đã ra tuyên bố tham gia lời kêu gọi của Đức GH về ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình và nhiều giáo phận đã quyết định tổ chức buổi cầu nguyện cùng ngày.
Tại Washington D.C., Đức HY Donald Wuerl đã cử hành Thánh Lễ cầu cho Công Lý và Hòa Bình vào thứ Bẩy tại VCTĐ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đức TGM Carlo Maria Viganò, sứ thần của Đức GH, có mặt trong Thánh Lễ này cùng với Đức Ông Ronny Jenkins, Tổng Thư Ký của HĐGM Mỹ.
Có ba nhân tố khiến các giám mục Mỹ năng nổ hơn lần này. Thứ nhất, công luận hiện nay nghiêng nhiều về phía chống chiến tranh hơn 10 năm trước đây, lúc cơn giận về vụ 11 tháng 9 còn đang điều hướng nhiều cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao. Cuộc thăm dò của Nghị Hội Pew, công bố hôm thứ Tư tuần rồi, cho thấy chỉ có 29% người Mỹ ủng hộ việc tấn công vào Syria. Một cuộc thăm dò riêng của ABC/Washington Post cho thấy 6 trong 10 người Mỹ chống lại cuộc tấn công đơn phương của Mỹ, và 70% chống việc cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn Syria.
Thứ hai, các giám mục vốn có mối tương quan khá lơ mơ với chính phủ Obama, nên không quan tâm mấy tới mối lo phung phí thiện chí. Một số giám mục vốn bị mang tiếng phe phái nay thích có cơ hội nói lên quan điểm được coi là phe tả, tức chống đối chiến tranh, hơn là phe hữu.
Thứ ba, và có lẽ là nhân tố căn bản nhất, các giám mục đã coi tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu, không giống 10 năm trước đây. Nhờ thế, hiện nay, các ngài nhạy cảm hơn trước cuộc bách hại người Kitô hữu khắp trên thế giới, nhất là tại Trung Đông. Các ngài biết rõ Kitô hữu là nạn nhân đầu tiên của cuộc hỗn loạn xẩy ra sau sự cáo chung của chế độ Hussein tại Iraq, và hiện nay, các ngài nghe rõ các cảnh giác tương tự từ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Syria.
Giám Mục Công Giáo theo nghi lễ Canđê của Aleppo là Antoine Audo, chẳng hạn, phát biểu như sau trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi được nghe nhiều về dân chủ và tự do của người Mỹ tại Iraq, và đã thấy kết quả của nó ra sao, cả một xứ sở tan hoang. Những người bị mất mát đầu tiên chính là Kitô hữu tại Iraq. Chúng tôi phải nói rằng chúng tôi không muốn những gì người Mỹ từng làm tại Iraq bị lặp lại tại Syria”. Lời nhắn nhe này tất nhiên có nhiều cân lường đối với các giáo phẩm bạn tại Hoa Kỳ.
Kết quả
Cuối cùng, dấu hỏi lớn nhất là liệu chính phủ Mỹ hiện nay có nhạy cảm hơn chút nào đối với các lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng, của Tòa Thánh, của các giám mục và Kitô hữu Mỹ hay không.
Khi từ Washington trở về năm 2003, Đức HY Laghi nói ở hậu trường với một vài phóng viên tại Rôma đại ý rằng sứ mệnh của ngài chỉ mất thì giờ, vì Bush đã nhất định đánh rồi. Ngài kết án chính phủ Bush về quan điểm duy Calvin đối với cuộc tranh chấp tại Iraq, theo đó, kẻ được chọn được tôn vinh chống lại kẻ gian ác.
Cho đến nay, xem ra Đức Phanxicô và các cố vấn của ngài cũng không may mắn gì hơn. Chính phủ Obama đang mở một chiến dịch vận động ráo riết để cổ vũ việc can thiệp bằng quân sự, bất cứ lùi bước nào cũng bị coi là tỏ ra yếu ớt.
Hơn nữa, nếu có chính phủ Mỹ nào chịu lắng nghe giáo hoàng, thì đó hẳn là Tòa Bạch Ốc của Bush. Đến năm 2003, Bush đã thăm Đức Gioan Phaolô II hai lần ở Rôma và sẽ còn gặp ngài một lần nữa vào tháng Sáu năm 2004 để trao tặng ngài Huân Chương Tự Do. Ngoài việc Bush thực sự thán phục giáo hoàng ra, chiếm được lá phiếu Công Giáo vốn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược tái tranh cử của Bush.
Nếu một tổng thống như thế đã vẫn cứ bất chấp phản kháng mà bước vào chiến tranh, thì đâu là căn bản để nghĩ rằng một chính phủ Dân Chủ với một liên hệ căng thẳng có tiếng với Giáo Hôi chịu nghe lời Giáo Hoàng?
Tuy nhiên, vẫn có thể có hai lá bài “hoang” sau đây. Thứ nhất, Đức Phanxicô được rất nhiều người và nhiều giới ủng hộ rộng rãi và “dự trữ” được cả một số lượng tư bản chính trị khổng lồ. Kỷ niệm sáu tháng trên ngôi giáo hoàng của ngài sắp diễn ra, và các cơ quan truyền thông chắc chắn sẽ tường thuật rầm rộ dịp này. Điểm sáng này có thể đem lại cho ngài cơ hội lớn hơn để ảnh hưởng tới cuộc tranh luận.
Thêm vào đó, các cơ sở truyền thông chính tại Mỹ 10 năm trước đây vốn coi Đức Gioan Phaolô là đồng minh bảo thủ của Bush, nên khó nhậy cảm đối với dị biệt về phương diện này. Nói chung, truyền thông hiện nay không có cùng một nhận định như thế về Đức Phanxicô. Nên sứ điệp về Syria của ngài có thể có tiếng vang nhiều hơn.
Thứ hai, không như Bush năm 2003, Obama của năm 2013 không lo lắng tới chuyện tái cử. Vì cuộc tranh chấp này diễn ra trong nhiệm kỳ hai, nên các tính toán của ông, ít nhất trên phương diện lý thuyết, cũng dựa vào di sản dài hạn chứ không hẳn chính trị đoản kỳ.
Trong ngữ cảnh trên, có lẽ tiếng nói của thiểu số Kitô Giáo Syria, được Đức Giáo Hoàng và bộ máy ngoại giao của Vatican khuếch đại, có cơ may lớn hơn để tạo khác biệt, nếu không ngăn được đợt tấn công đầu tiên, thì ít nhất cũng giúp lên khuôn hậu cảnh. Như người Ý quen nói vedremo -- để xem sao.
Viết theo John L. Allen Jnr, Vatican’s full-court press on Syria, a remembrance of things past, National Catholic Reporter, September 6, 2013
Vũ Văn An 9/8/2013(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét