Trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

13-09-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU 13/09/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm
Thánh GIOAN KIM KHẨU, Giám Mục, Tiến sĩ Hội Thánh (lễ nhớ)

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 1-2. 12-14
"Trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót".

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu trong đức tin. Nguyện xin ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng con! Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào, cùng với đức tin và đức mến, trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (c. 5a).

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: "Ngài là Chúa tể con, Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 39-42
"Người mù có thể dẫn người mù được chăng?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh", trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Hãy Tự Biết Mình

Chỉ là thụ tạo mà muốn làm Thượng đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Ông Bà nguyên tổ của loài người đã trải qua cơn cám dỗ ấy. Ma quỉ nói với Ông Bà: Các ngươi hãy ăn trái cấm, các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa, nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình thành Thiên Chúa để sống mà không cần có Thiên Chúa. Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người: sống không cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị và trở thành thẩm phán tối cao cho mọi hành động của mình cũng như của người khác.
Tin Mừng hôm nay không chỉ là một bài học có tính cách luân lý. Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác, Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. "Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã", nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng đi đến chỗ chối bỏ tha nhân. Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và tình liên đới với tha nhân. "Hỡi người, hãy tự biết mình", đó là khẩu hiệu mà nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate thường đề ra như bài học vỡ lòng cho các môn sinh, có lẽ cũng được Chúa Giêsu nhắc lại theo một công thức khác: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". "Hãy sám hối" trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn của mình, để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, chứ không phải trở thành Thiên Chúa để gạt bỏ chính Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 23 TN1
Bài đọc: I Tim 1:1-2, 12-14; Lk 6:39-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học biết Thiên Chúa và biết chính mình.

Hoàng đế Napoléon, khi được hỏi đâu là bí quyết giúp ông chinh phục thế giới, đã để lại một lời khuyên khôn ngoan cho những ai muốn thành công trong cuộc đời: "biết mình, biết người; trăm trận, trăm thắng." Nhiều người thất bại vì không chịu biết mình, biết người; để rồi mang "châu chấu ra đá voi," hay "mang trứng ra chọi đá."
Các Bài Đọc hôm nay răn dạy con người phải "biết mình và biết người." Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dạy môn đệ của Ngài là Timothy phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra những hoàn cảnh cụ thể để dạy các môn đệ phải biết mình trong mối tương quan với tha nhân: họ không thể dắt đường cho người khác nếu họ cũng bị đui mù; họ không thể chỉ trích phê bình người khác khi bản thân còn mang những tội lỗi lớn lao hơn của tha nhân. Vì thế, cần phải sửa mình, trước khi đủ thanh sạch để sửa sai cho người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy học biết Thiên Chúa.

1.1/ Lời của Phaolô cho Timothy, người môn đệ yêu quí: "Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi anh Timothy, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an."
Qua hai câu chào đầu thư này, thánh Phaolô muốn cho Timothy nhận ra 2 điểm:

(1) Sứ vụ làm tông-đồ của Phaolô đến từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô, chứ không phải do con người trao hay tự ý ngài muốn. Khi nói lên điều này, Phaolô muốn chuẩn bị cho Timothy hiểu biết về sứ vụ sẽ được trao cho sau khi được huấn luyện.

(2) Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ơn lành mà Ngài ban xuống cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Ba hồng ân quan trọng mà người môn đệ cần, đó là: ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.

1.2/ Phaolô dẫn chứng bằng chính cuộc đời mình: Biến cố trở lại của Phaolô trên đường đi Damascus luôn là điểm khởi hành mà Phaolô hướng về trong mọi việc: suy tư thần học, áp dụng trong cuộc sống, và hôm nay, dùng để dạy dỗ và làm gương cho Timothy.

(1) Tất cả là hồng ân: Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy rõ ông đã không tình nguyện để phục vụ Đức Kitô; nhưng chính Đức Kitô đã tin tưởng và trao cho ông sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phaolô viết: "Tôi tạ ơn Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người." Đức Kitô chọn Phaolô không phải vì thấy ông tài giỏi để thi hành sứ vụ; nhưng chính Đức Kitô ban mọi ơn cần thiết để ông chu toàn sứ vụ: "Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người."

(2) Thiên Chúa ban ơn khi con người vẫn còn là tội nhân: Phaolô đã ý thức rất rõ về điều này khi ông thú nhận: "Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin." Chúa tỏ lòng thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân. Chúa chọn con người không phải vì con người xứng đáng, nhưng chỉ vì tình yêu Ngài dành cho con người. Ngay cả đức tin cũng được ban cho con người, khi con người còn đang lầm đường lạc lối. Nói tóm, tất cả là hồng ân Thiên Chúa; con người chỉ cần nhận ra và đáp trả cân xứng để sinh lợi ích cho con người.

2/ Phúc Âm: Hãy học biết chính mình.

2.1/ Nhà lãnh đạo phải sáng suốt: Đây là một thực tế trong cuộc đời; nhưng không mấy người nhìn ra nhu cầu cần phải sáng suốt. Cha mẹ phải hướng dẫn con mình; nhưng cha mẹ có sáng suốt đủ để hướng dẫn con cái? Người mục tử phải hướng dẫn đoàn chiên; nhưng liệu người mục tử có sáng suốt đủ để hướng dẫn đoàn chiên mình? Ngay cả có nhận ra ai là chiên của mình đang cần sự hướng dẫn? Đức Giêsu nêu ra cho các môn đệ một hình ảnh: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?" Làm sao để trở thành nhà lãnh đạo sáng suốt?

(1) Phải học hỏi để biết: Để có kiến thức cần phải học, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có! Hành nghề gì cũng đòi phải học hỏi và qua kỳ thi để có bằng cấp; nhưng nghề làm cha mẹ quan trọng như thế thì ít người chịu học hỏi và chẳng ai cấp bằng để hướng dẫn con cái; phần lớn đều trở nên cha mẹ cách bất đắc dĩ: có con là đương nhiên trở thành cha mẹ!

(2) Phải lắng nghe và học hỏi với Đức Kitô: Nguồn khôn ngoan quan trọng nhất là Kinh Thánh và những mặc khải của Đức Kitô. Đây phải là nguồn đầu tiên chúng ta phải học hỏi vì không ai có sự khôn ngoan bằng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta không chịu học với Đức Kitô trước, mà lại đi học với Dear Abby, Dear Ann Lander, hay với Dr. Ruth? Chúng ta không phủ nhận kinh nghiệm khôn ngoan của con người; nhưng nó chỉ là nguồn phụ thuộc mà thôi. Nếu không có thời giờ, người khôn ngoan là người biết tìm tới nguồn chính yếu để học hỏi sự thật, trước khi có thể nhận ra sự sai trái từ những nguồn phụ thuộc, nếu có.

(3) Phải có cái nhìn tổng quan về cuộc đời để nhận ra đâu là điều chính yếu từ bao điều phụ thuộc; nếu không sẽ dễ dàng chú trọng vào cái phụ thuộc và bỏ qua mục đích của cuộc đời.

2.2/ Hãy khử trừ thói quen phê bình người khác: Hầu hết các thánh nhân và các bậc thánh hiền đều khuyên con người "hãy biết mình trước." Khi nào thấy mình thập toàn rồi, mới dám nghĩ tới việc sửa lỗi người khác, để tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc mà rê chân người."

Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: "Sao anh thấy cái vỏ trấu trong con mắt của người anh em, mà cái thanh gỗ trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái vỏ trấu trong con mắt anh ra!" trong khi chính mình lại không thấy cái thanh gỗ trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái thanh gỗ ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái vỏ trấu trong con mắt người anh em!"

Khi một người năng xét mình, họ sẽ nhận ra họ cũng có bao tội lỗi và khuyết điểm cần phải sửa, nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên họ cảm thấy xấu hổ khi phải phê bình người khác. Ngược lại, người không năng xét mình hay xét mình không kỹ, họ cảm thấy mình tốt lành; và vì thế, họ năng xét tội và phê bình tha nhân.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải học hỏi để biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta có được là hoàn toàn từ Thiên Chúa. Đừng bao giờ đánh cắp hồng ân Thiên Chúa làm thành công trạng của chúng ta.

- Chúng ta học hỏi để biết mình trong mối tương quan với tha nhân. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh việc chỉ trích và phê bình tha nhân; nhất là những người chúng ta không có trách nhiệm. Năng xét mình cẩn thận sẽ giúp chúng ta chừa được tật xấu này.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 23 –

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 6,39-42

A. Hạt giống...
Lời Chúa hôm nay nói về sự mù quáng :
- Nếu ta mù quáng thì ta sẽ dẫn người khác đi vào sai lầm.
- Bởi thế, trước khi sửa lỗi người khác, mỗi người hãy tự sửa lỗi của mình.

B.... nẩy mầm.
1. Thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình ; phê phán người khác mà không tự phê phán mình. Đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải. Những người ưu tú nhất thời Chúa Giêsu là biệt phái và luật sĩ đã mắc phải một cách nặng nề đến vô phương cứu chữa…. Huống chi tôi. Chắc chắn tôi đang bị hai thứ bệnh mù quáng và giả hình này. Chỉ cần xét mình một chút là tôi sẽ nhận ra ngay.
2. Tôi xét đoán anh chị em tôi hầu như suốt ngày, còn thời gian dành để tự xét đoán mình chỉ chừng 10 phút, mà nhiều khi tôi cũng để nó trôi qua một cách trống rỗng.
3. Một chiếc đồng hồ chạy sai có thể do rất nhiều nguyên nhân bên trong bộ máy. Muốn xét đoán đúng, thì chẳng những xem hiện tượng bên ngoài mà còn phải hiểu rất rõ những nguyên nhân bên trong. Bởi vậy, có thể nói, kẻ “có gan cùng mình” mới dám xét đoán. Thiên Chúa thấu hiểu mọi ngọn nguồn nhưng cũng không muốn xét đoán : trong chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã nói “Tôi không kết án chị đâu” ; trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Ngài nói Ngài vẫn chờ đến phút cuối cùng mới đưa ra lời xét đoán của Ngài.
4. Tôi dễ đưa ra những lời xét đoán, nhưng tôi có nghĩ tới hậu quả của việc tôi làm không ? Một quan tòa kết án sai thì sẽ khiến nạn nhân chịu khổ oan trong một thời gian lâu dài. Khi xét đoán, tôi cũng là quan tòa, sao tôi không nghĩ tới nỗi oan của người khác nếu tôi sai ?
5. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?” (Lc 6,41)
Truyện kể về một viên tướng, sau khi xông pha trận địa và lập được nhiều chiến công, được nhà vua mở yến tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, viên tướng vì quá vui đã xúc phạm đến một trong các cung phi. Thế là mọi người đua nhau lên án. Lúc đó, mọi công trạng của ông hầu như biến mất. Trước mắt mọi người, ông chỉ là một tội nhân.
Nói xấu anh em thật dễ lỗi phạm biết bao. Những người ở đó quên rằng chính họ lắm khi còn tệ hơn thế nữa. Và chính bản thân tôi vẫn còn đầy những thói hư tật xấu. Khi lên án, chỉ trích anh em, tôi làm như thể mình vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi.
Lạy Cha, con xin đến với Cha như những gì con là, chứ không “tô sơn điểm phấn” (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

13/09/13 THỨ SÁU TUẦN 23 TN
Th. Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ HT      
Lc 6,39-42

BIẾT MÌNH, BIẾT NGƯỜI
“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới.” (Lc 6,41)
Suy niệm: Ở đời, có người muốn mua vui cho thiên hạ, nên thường hay diễn trò bắt chước cái khuyết tật chân đi xẹo nẹo của người khác; có người vì để che giấu những khuyết điểm to đùng của mình, nên thường lên án gắt gao những khuyết điểm nhỏ xíu của anh em trước mặt mọi người; có người “thích” thương hại anh chị em bằng cách đi “phóng thanh” những lỗi lầm của họ cho người này người khác nghe với cái cớ là : để cho mọi người biết mà giúp họ sửa đổi!!! Chúa Giêsu dạy chúng ta: là người Kitô hữu khi nhìn thấy một khuyết tật của người khác thì trước tiên hãy nhìn lại bản thân mà sửa chữa cái khuyết tật của chính mình đã; và một mặt tự nhủ trong lòng rằng: mình còn lỗi lầm có khi còn nặng nề hơn họ nữa, một mặt giúp đỡ người anh em sửa lỗi với tinh thần khiêm tốn và cảm thông.
Mời Bạn: Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Bạn có thường xuyên nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo và rút kinh nghiệm sống cho bản thân không?
Chia sẻ: Thánh Âu-tinh thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Đó có phải là điều kiện cần thiết để có thể biết tha nhân?
Sống Lời Chúa: Tập cho mình tính kiểm điểm và tự kiểm sau mỗi công việc, nhất là trong bổn phận thờ phượng Chúa và phục vụ cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng đại lượng và yêu thương, luôn nhận ra những gì tốt đẹp nơi anh em, để khuyến khích và nâng đỡ họ như con muốn họ làm điều đó cho con.



Cái rác, cái xà
Sao anh lại có thể nói với người anh em: này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em! (Lc. 6, 42)
Chúa có lý, chắc chắn đúng! thực vậy làm sao người mù lại có thể dắt người mù được! nhất là không thấy cái xà trong mắt mình thì làm sao thấy cái rác trong mắt người lân cận được. Kẻ đó quá bệnh tật, không chỉ bệnh mù mắt mà còn mù trí khôn, không thấy và cũng không biết suy nghĩ phán đoán.
Biết bao nhiêu kẻ mù như thế trên con đường nhân trần này! có thể trong đó có tôi! biết bao nhiêu người tưởng mình có cái nhìn sâu sắc thiên bẩm, nhưng chỉ khi nhìn người khác thôi, còn mình thì lại mù. Tất cả chúng ta ít nhiều đều mắc tật đó! nếu chúng ta có cái nhìn khách quan, chúng ta sẽ run sợ vào chính mình và nhận ra tại sao mình lại sùng bái cái xà trong mắt mình mà lại không tôn trọng người khác chỉ có cái rác thôi. Lúc đó chúng ta mới lo sửa mình.
Khi Đức Kitô nói về những người biệt phái và về những tiến sĩ luật: “Hãy làm những điều họ nói và đừng làm như họ sống, họ đặt những gánh nặng cho người khác, còn họ không vác”. Chúng ta có thể chắc rằng họ phải nổi giận bất bình với lời tố cáo như thế vì họ không cho họ là giả hình. Chúng ta có tốt hơn họ chăng?
Chúng ta tố giác anh chị em mình, chê trách họ đủ điều sai trái, chúng ta thấy họ nhiều thiếu xót không thể tha thứ được, không thể khoan hồng, không thể thông cảm và không cần tử tế với họ. Chúng ta sẽ giật mình ghê sợ nếu họ cũng kết án chúng ta như chúng ta kết án họ, nếu họ bảo chúng ta biết rõ những lỗi lầm của chúng ta như chúng ta khám phá thấy nơi họ.
Chúng ta mù lại thích tôn mình hướng dẫn người mù khác!
Trái lại, người khác phải là cái gương giúp ta soi thấy ta, nếu không thì không thể tha thứ cho ta được. Chúng ta thích than trách thảm thiết những nhỏ nhen người ta làm cho ta phải chịu, vậy ta hãy tự hỏi mình xem ta có làm đúng như họ không? Cái xà chống cái xà, cái rác chọi cái rác. Hãy nhớ: “Ác giả ác báo, tích thiện giả thiện”.

Suy niệm
Sau khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có lòng nhân từ, yêu thương tha thứ cho kẻ thù của mình. Hôm nay Chúa đòi người môn đệ phải sáng suốt, khiêm tốn trong khi có nhiệm vụ sửa lỗi cho anh em. Đặc biệt hơn là phải biết khiêm tốn tự sửa lỗi của bản thân trước khi sửa lỗi cho người khác.
Trong bài Tin Mừng Chúa đưa ra cho chúng ta những hình ảnh rất cụ thể: “Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái xà trong mắt mình?”: Thông thường người ta dễ nhìn thấy những khuyết điểm nơi người khác hơn là những ưu điểm, và cũng dễ thấy nhưng lỗi lầm của người khác hơn những khiếm khuyết nơi bản thân. Người Việt Nam có câu rất đúng để mô tả tình trạng này là: “Chân mình thì lấm mê mê, tay cầm bó đuốc mà rê chân người”. Vì thế Chúa dạy chúng ta cần khiêm tốn, chân thành sửa sai, nhận ra những khuyết điểm của mình để sửa chữa. Có như thế mới sửa lỗi cho anh em, và cùng anh em thăng tiến trên đường nhân đức.
Để có cái nhìn đúng đắng về Thiên Chúa và anh em, chúng ta cần phải loại bỏ khỏi mắt mình những cái rác cản trở. Dù đó là những cái rác, cái bụi của thành kiến, đầu óc hẹp hòi. Một hạt bụi thật nhỏ cũng sẽ làm cho bức tranh đời sống chúng ta trở nên khiếm khuyết, kém hấp dẫn. Chân thành và khiêm tốn sửa sai sẽ giúp chúng ta hoàn thiện mọi ngày cùng với anh em. Đó chẳng phải là điều Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi người chúng ta sao? Muốn được như thế chúng ta cần phải biết xét mình mỗi ngày và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm để trở nên hoàn thiện.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng đã mang thân phận con người thì ai cũng có những lỗi lầm sai sót. Xin cho chúng con mỗi ngày luôn biết tự xét mình để nhận ra vá sửa chữa những sai sót của bản thân. Xin cho chúng con có cái nhìn tích cực hơn đối với anh em, đừng chỉ nhìn vào những sai lỗi của người khác và phải luôn biết tìm kiếm những tích cực điểm tốt của họ. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

13 THÁNG CHÍN

Chạm Đến Tận Nguồn Sự Sống

Đức Kitô là Đường bởi vì Người là Sự Thật. Chính Người là câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Thiên Chúa là ai ?” Đây là lời chứng của Tông Đồ Gioan: “Không ai từng xem thấy Thiên Chúa. Nhưng người Con Một của Thiên Chúa, Đấng ở bên cạnh Chúa Cha, đã mạc khải về Ngài. ” (Ga 1,18)
Qua Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu Kitô tỏ bày tình yêu, lòng quan tâm và thương xót của Thiên Chúa hằng sống. Và Người bày tỏ như thế trong tư cách là Con của Đức Maria – là Thiên Chúa làm người – bằng một cách thế mà loài người có thể hiểu được.
Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật về chính Thiên Chúa và qua sự thật liên quan đến tất cả những gì tồn tại ngoài Thiên Chúa: qua tạo vật, là đại vũ trụ; và qua con người, là tiểu vũ trụ. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật được công bố bởi Đức Kitô và qua sự thật là chính Đức Kitô. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Đấng không ngừng tuyên bố: “Ta là sự thật”.
Đạt đến Thiên Chúa qua sự thật là Đức Kitô, đó quả thật là đạt đến nguồn mạch của mọi sự sống. Đây là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu vốn bắt đầu ngay trên trần gian này trong “sự mịt mù của đức tin”. Chúng ta chịu đựng sự mịt mù này cho đến khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trong ánh sáng vinh hiển của chính Ngài.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Gương Thánh nhân


NGÀY 13-09 THÁNH GIOAN KIM KHẨU - GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. (347 - 407)

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antiôchia nước Syria, năm 347, cha Ngài là một sĩ quan quân đội, đã qua đời ít lâu sau khi Ngài sinh ra. Mẹ Ngài goá bụa vào tuổi đôi mươi đã từ khước tái hôn để dành trọn tình mẫu tử vào việc giáo dục con cái. Vì vậy thánh nhân liên tiếp được hướng dẫn sống đời cầu nguyện thinh lặng. Gioan còn được mẹ ký thác cho Libaniô, nhà hùng biện thời đó, dạy cho thuật ăn nói. Thánh nhân nhanh chóng bắt kịp rồi qua mặt thầy về khoa này. Một ngày kia, khi đọc bài tập của Gioan, Libanio đã phải thốt lên : - "Phúc cho những hoàng đế nào được tán tụng như vậy".
Hai mươi tuổi, Gioan đã biện hộ trứơc tòa án với một tài năng đặc biệt khiến nhiều người thán phục. Gioan một thời gian đã để mình bị lôi cuốn theo nhiệt tình của dân chúng. Nhưng rồi Ngài đã sớm nhận ra mối nguy của danh vọng và dứt khoát giã từ pháp đình để tự hiến cho Thiên Chúa. Sau khi học thánh kinh, Ngài theo thánh Meletô (+381). Giám mục Antiochia, là đấng đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho Ngài tác vụ đọc sách.
Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với tư sĩ thánh thiện trong 4 năm. Sau đó Ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh thánh. Ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ, Ngài trở lại Antiochia và được thánh Melatiô phong chức phó tế năm 318. Năm 386, Ngài thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, một phận vụ lúc ấy chỉ do các giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của Ngài thật đăc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.
Ngày 26 tháng 2 năm 398, thánh Gioan được tấn phong giám mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại tòa giám mục. Bán của cải, Ngài phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, Ngài lo lắng nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn. Với tất cả sự hùng biện, Ngài công kích những vô kỷ luật xa hoa, ngay tại triều đình. Bà vận động chống lại thánh nhân.
Ngài nói : - "Hãy nói với Hoàng Hậu rằng: Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi".
Và Ngài đã bị lưu đày nơi Cucuusus ở Armenia. Đức giám mục tại đó tiếp đón Ngài nồng hậu. Đức giáo hoàng Innocentê I, gởi đặc sứ tới Constantinople triệu tập một công đồng để dàn xếp nội vụ. Nhưng các thành viên bị tống giam và thánh Gioan Kim Khẩu còn bị lưu đầy đi xa hơn nữa. Lúc ấy Ngài đã già nua. Cuối cùng Ngài bị bất tỉnh và được đưa vào nguyện đường thánh Basiliô gần miền Cappadocia. Nơi đây sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng,
Ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407. Năm 438 xác thánh nhân được long trọng rước về Constantinople. Vị tân hoàng đế và em gái ông đã hối hận vì tội lỗi của cha mẹ họ.
Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Tên Ngài cũng dính liền với phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu, thịnh hành ở Đông phương.
Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của Ngài hơn là tài giảng thuyết. Ngài là một khuôn mặt có ảnh hưởng lớn lao và sống động thời đó. Qua các bài giảng của Ngài, chúng ta thấy phản ảnh một con người nhẫn nại và đầy sức sống. Qua các tác phẩm và nhất là qua các thư từ của Ngài, ngày nay chúng ta có được cảm giác sống động thế nào là một con người đầy nhân bản.


(daminhvn.net)


13 Tháng Chín

Bộ Lông Chồn

Tại những khu rừng ở miền Bắc Âu, có một loại chồn rất đẹp. Vào mùa hạ, lông chồn màu nâu nhạt. Nhưng vào mùa đông, lông chồn bỗng đổi màu và mang sắc trắng như tuyết, trừ có đầu và đuôi chồn vẫn giữ nguyên màu đen. Có lẽ do một bản năng kỳ lạ nào đó, những con chồn này giữ gìn bộ lông đẹp đẽ của mình rất cẩn thận. Chúng không bao giờ để thân thể dính bụi đất dơ bẩn.
Những người thợ săn Âu châu biết được đặc tính kỳ lạ này. Do đó, thay vì đặt bẫy để bắt chồn, họ đi tìm những khe đá hoặc gốc cây nơi chồn cư ngụ, rồi bôi nhựa đường lên. Sau đó, họ thả chó ra để bắt đầu săn đuổi. Những con chồn bị đuổi vội chạy về chỗ ở. Nhưng khi thấy nơi ở của mình bị hoen ố, chúng không chịu vào ẩn núp. Chúng đành chịu đương đầu với nguy hiểm và ngay cả sự chết, hơn là để thân thể hóa ra hoen ố...
Ðối với giống chồn đẹp đẽ trên đây, sự trong sạch còn quý hơn cả mạng sống: chúng sẵn sàng chiến đấu và chết hơn là để cho thân thể phải ra hoen ố.

Cuộc sống của người Kitô chúng ta cũng phải như thế. Ðược tái sinh trong Ðức Kitô Phục Sinh, mỗi người Kitô chúng ta được khoác lên chiếc áo trắng tinh tuyền. Chiếc áo trắng ấy, như lời khuyên của Giáo Hội trong ngày chúng ta chịu Phép Rửa, chúng ta phải mang nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước mặt Chúa...
Cuộc sống nào cũng có chiến đấu. Cạm bẫy giăng mắc đầy các lối đi của chúng ta. Người Kitô không vì một chút lợi lộc, một chút an toàn giả hiệu để làm hoen ố chiếc áo tâm hồn của mình.


(Lẽ Sống)

13-9
Thánh Gioan Chrysostom
(k. 407)

Sự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Ðược đưa đến Constantinople sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình.
Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.
Lối sống của ngài ở triều đình không được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền.
Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo. Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Ðối với vấn đề công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong việc áp dụng.
Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của ngài chống với các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.
Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Ðức Giám Mục Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là dung dưỡng tà thuyết. Ðứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và Herodias* vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.
Lời Bàn
Sự thuyết giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu, qua lời nói cũng như gương mẫu đời sống, làm điển hình cho vai trò của một ngôn sứ là an ủi người bị lo âu và làm bối rối những kẻ quá sung túc. Vì sự chân thật và can đảm, ngài đã phải trả giá cho sứ vụ đầy náo động khi ngài làm giám mục là bị gièm pha cá nhân và sau cùng bị lưu đầy.
Lời Trích
Các giám mục "phải đề ra các phương cách để giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến việc làm chủ, việc gia tăng và phân phối của cải cách chính trực, vấn đề hòa bình và chiến tranh, và mối quan hệ giữa mọi người như anh chị em(Sắc lệnh về Ðời Sống Mục Vụ của các Giám Mục, 12).
* Jezebel là một cái tên đã trở thành biểu tượng, đồng nghĩa với xảo trá và tội lỗi và thường để gán cho những phụ nữ dối trá một cách trơ trẽn.
Herodias là người đã dùng nhan sắc để lấy người em rể có quyền thế là vua Hêrôđê Antipas. Herodias là người đã mưu mô để giết Thánh Gioan Tẩy Giả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét