Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

29-09-2013 : (phần 2) CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 29/09/2013
Chúa Nhật 26 Quanh Năm Năm C
(Phần II)



CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM C
Sách Tiên Tri Amos 6, 1a.4-7; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Timôtê 6.11-16
và Phúc Âm Thánh Luca 16.19-31

I.                 Giáo Huấn P.Â.:   
Chúa là chủ tối cao của của cải vật chất, chúng ta chỉ là quản lý.

Chúa ban của cải cho chúng ta không phải để chúng ta tự do xử dụng tùy theo sở thích của mình, nhưng để ban phát và chia sẻ cho người nghèo đói. Chúng ta là người quản lý trung thành được mô tả trong Phúc Âm Luca 12.42  "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần lúa thóc đúng giờ đúng lúc?”

Ladarô có nghĩa “Thiên Chúa giúp đỡ!” Chúng ta nên trông cậy vào Chúa. Chúa tồn tại vĩnh cửu, tình yêu thương Ngài vô tận. Không nên như người phú hộ trông cậy vào của cải tạm bợ, chóng qua ở đời nầy.
II.     Vấn nạn P.Â.    
Tại sao Ông phú hộ bị phạt trong hỏa ngục đời đời và tại sao Ladarô nghèo đói được hưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu.

Đây là một dụ ngôn, tức câu chuyện không có thật được xử dụng làm thí dụ để giáo huấn dân chúng. Bách Khoa tự điển Công Giáo liệt kê 24 dụ ngôn trong Phúc Âm Luca, 18 dụ ngôn trong Phúc Âm Matthêô và có 23 dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Matcô. Không có dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Gioan.

 Nói như thế không có nghĩa Phúc Âm có đến 65 dụ ngôn khác nhau. Thực ra chỉ có chừng 33 dụ ngôn được Chúa dùng. Tuy nhiên, trong Phúc Âm Nhất Lãm, Phúc Âm Matcô có trước tiên, làm nền cho hai Phúc Âm còn lại. Nên một số khá lớn dụ ngôn trong Phúc Âm Matthêô và Luca được lập lại từ Phúc Âm Matcô.

Dụ ngôn bày ra hai cảnh sống trái ngược:

Ông Phú hộ giàu có, ăn uống linh đình thừa mứa, vui chơi hưởng thụ suốt ngày đêm.

Anh nghèo Ladarô ngồi ăn xin ngay trước cửa nhà ông phú hộ, anh không có được cả miếng bánh thừa từ bàn rơi xuống.

Họ sống thật gần nhau. Nhưng hoàn cảnh thật đối nghịch và thành xa lạ.

Cả hai cùng chết và tiếp tục cảnh sống trái ngược:

Ông phú hộ bị phạt trầm luân trong hỏa ngục, đau khổ triền miên.

Ladarô ngồi trong lòng Abraham hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Ông phú hộ bị phạt trong hỏa ngục, vì ông tưởng rằng: Ông là chủ của những của cải vật chất ông có, ông muốn xử dụng sao tùy ý. Ông quên vai trò quản lý của ông là phân phát những gì Chúa ban cho người khác, đó là người nghèo Ladarô đói khổ ngay trước nhà ông. Chia sẻ cho người nghèo đói không là một “tùy hỉ” hay tùy hứng nhưng là luật buộc của Chúa, là Ông chủ tối cao. Như vậy chúng ta không nên kết luận là: người giàu sẽ xuống hỏa ngục và không nên giàu có. Không! Chúng ta nên làm giàu hay cầu xin Chúa cho mình có đời sống sung túc, không vì cho bản thân nhưng để có phương tiện mà phân phát cho người nghèo.

Ladarô nghèo khổ được thưởng không vì nghèo, nhưng vì “Thiên Chúa giúp đỡ!” Ladarô chấp nhận cảnh lầm than đói khổ, không than thân trách phận, không hận đời chửi bới, nhưng tin rằng Chúa là chủ tối cao sẽ phân xử công bằng. Chúng ta cũng không nên chủ trương sống nghèo khổ thiếu thốn để xin Chúa giúp. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã cố gắng làm lụng vất vả, nhưng kiếp nghèo vẫn đeo đuổi, chúng ta vui lòng chấp nhận và sống bình an trong sự cậy trông vào Chúa như Ladarô.

Tại sao tổ phụ Ábraham có mặt trong dụ ngôn và tại sao tổ phụ không chấp thuận chuyện cho phép Ladarô từ cõi chết trở về cảnh cáo 5 anh em của Ông phú hộ còn sống?
Sách Sáng Thế Ký chương 15.1-6; 17.3-5, 15-16 và 21.1-7 thuật rằng: Abraham rời bỏ quê hương ở Ur xứ sở của người Chaldee, phía bắc vùng Mesopotamia – nay là đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Abraham đi đến Harran, rồi cùng vợ là Sara và người cháu tên Lot, cùng các tôi tớ tiếp tục cuộc di cư đến xứ CanaanThiên Chúa kêu gọi Abraham đi đến "xứ mà ta sẽ chỉ cho", và hứa ban phước cho ông và làm cho dòng dõi ông trở nên một dân tộc vĩ đại : “đông như sao trời cát biển” . Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, Abram đi xuống Shechem, tại cây dẻ ông nhận lãnh lời hứa mới "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này". Sau khi "lập một bàn thờ cho Chúa, là Đấng đã hiện đến cùng người", Abram đi đến một địa điểm ở giữa Bethel và Ai, tại đây ông lập một bàn thờ cho Thiên Chúa và cầu khẩn danh Ngài.
Nhưng rồi thực tế là tuổi đời đã cao mà con nói dõi vẫn không có. Ông trù tính theo cách thức của mình: Ăn ở với nàng hầu Hagar và có con trai Ismael. Nhưng vẫn không là con của lời hứa. Sau cùng ông được toại nguyễn, Chúa ban cho ông con trai Isaac. Nhưng ước mơ chưa tròn, ông phải vâng lệnh Chúa hiến tế con mình. Chúa chấp nhận lòng tin vâng phục của ông, tha chết cho Isaac và cho ông đất đai và dòng dõi đông đức như lời hứa.
Hình ảnh tổ phụ Abraham được trưng dẫn trong Phúc Âm người phú hộ và Ladarô hôm nay, vì Abraham có nghĩa là “Father of Multitudes” Cha của số đông hay Cha của nhân loại. Người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng câu chuyện Abraham. “Ladarô trong lòng tổ phụ” có nghĩa là Ladaro đã sống theo gương của tổ phụ Abraham. Dù đời gặp nhiều gian nan thử thách, có lúc gần như khó hiểu hay mất đức tin, nhưng vẫn trung thành và sống đúng tên gọi “Thiên Chúa giúp đỡ!” Ông phú hộ bị phạt cũng nhận ra Abraham là tổ phụ mình và ông biết lý do tại sao ông không ở trong lòng Abrhaam. Ông sinh ra từ dòng dõi Abraham, nhưng nếp sống giàu có và tin tưởng vào của cải vật chất đã tạo một vực thẩm giữa ông và tổ phụ.
Tổ phụ Abraham không đồng ý cho Ladarô từ cõi chết trở về cảnh cáo 5 anh em của ông phú hộ vì “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó!” Môsê là thủ lãnh được Chúa sai đến hướng dẫn dân chúng. Ngôn Sứ là những tiên tri, những người lãnh vai trò giáo huấn, ban truyền chỉ thị của Chúa. Nên anh em của Ông phú hộ có những gì cần để sống đời sống tốt, biết những gì phải giữ và phải làm, không cần phải có người từ cõi chết hiện về răn bảo.
Nói cụ thể: Như chúng ta là người Công Giáo, chúng ta có giáo lý, có Lời Chúa, có linh mục hướng dẫn, có bí tích thánh hóa đời sống… nếu chúng ta không biết tận dụng là do lỗi chúng ta. Nếu chúng ta bị phạt như ông phú hộ thì đừng đổ thừa là không có nhận được một cảnh cáo nhãn tiền nào cả.
“Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Tại sao yêu cầu đơn giản nầy bị từ chối?
Phúc âm Thánh Luca cho chúng ta một so sánh về hai yêu cầu rất đơn giản mà không được đáp trả: “Lại có một người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no” cũng không có được.
Khi còn tại thế, sống trong giàu sang dư dật, một nhu cầu rất đơn giản của người nghèo đói là mụn bánh thừa mà ông cũng không màng ban phát, thì giờ đây một giọt nước nhỏ xuống ông thèm khát cũng không có. Rất đơn giản và dễ dàng, nhưng ông đã không ban phát thì chuyện đời sau, rất đơn giản và dễ dàng nhưng ông cũng không nhận được. Đã không cho thì làm sao có mà nhận.
Người ta nhiều khi phải khốn khổ vì những cái nhỏ nhặt và đơn giản. Chỉ cần cho một quan tâm và giúp đỡ nhỏ cho người nghèo, làm dịu bớt không biết bao nhiêu đau khổ mà nhiều người đã từ chối thì phải nhận chịu sự đau khổ cùng cực và lớn lao vì những từ chối đơn giản và nhỏ nhặt trong đời sống.
Thí dụ cho dễ hiểu: Nhiều người chìu con mình quá đáng, mua thừa mứa những thức ăn nhiều khi không cần thiết. Chúng ăn phí phạm ăn một phần nhỏ, phần còn lại vất sọt rác. Đang khi đó chỉ cần một đồng một ngày thôi cũng có thể giúp cho một trẻ em nghèo đi học. Chuyện nhỏ! Mang tương lai cho một em học sinh nghèo, nhưng đã không làm… thì hậu quả có thể là: vì sự nuông chìu thái quá, con cái mình thành hư đốn và thành bất hạnh cho đời mình. Tất cả bắt đấu bằng chuyện nhỏ và đơn giản. 
III.       Thực hành P.Â.:
1.     Cho một quan tâm

Một hiền nhân hỏi các đồ đệ. Tại sao khi người ta giận nhau hay bất bình với nhau thì người to tiếng, nhiều người hét to lên dù người kia đang ở bên mình?

Đệ từ trả lời: Vì họ nóng nảy nên mất bình tĩnh.

Bậc hiền nhân trả lời: Không phải đâu! Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật  to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”

Bậc hiền nhân tiếp: Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào?  Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao?  Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau.  Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…” Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..” Hiền nhân kết luận: Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề.  Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”

Ông phú hộ giàu có trong Phúc Âm hôm nay đã không nói nhỏ mà cũng không hét to với anh Ladarô nghèo đói. Tâm tình hay thì thầm thì là gần gũi. Hét to dù không hay cũng có chút quan tâm. Đàng này: Không hét, không nói, không thì thầm… tức vô tâm. “Mày chả là cái thá gì cả!”

Xin hãy cho một quan tâm đơn giản cho người cận thân: Một câu chào hỏi, một lời khen hay một ân cần chăm sóc như có cần gì không? Tôi có thể giúp gì được không?

Một quan tâm! Thật cần thiết biết bao? Nhiều người đàn ông bỏ vợ nhà đi chung chạ với một phụ nữ khác. Không vì cô ấy đẹp hay làm có nhiều tiền hơn vợ mình. Nhưng vì cô ấy biết quan tâm chăm sóc đến mình. Chỉ cần câu hỏi bình thường: Sao anh trông mệt vậy? Anh có gì buồn khó nói… anh có thích chiếc áo em đang mặc không…. Thật đơn giản, nhưng tỏ một quan tâm… Đang khi đó, cô vợ ở nhà thì “dường như không thấy tôi hiện diện!”

2.     Đừng tạo nên quãng cách xa.

Nhân dịp dâng lễ ở thành phố Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi linh mục tu sĩ chỉ nên xử dụng những chiếc xe đơn giản không quá nhiều tiền. Có quá nhiều người nghèo cần tiền để sinh sống. Linh mục tu sĩ nên gần gũi và đồng cảnh với người dân hơn là tạo quãng cách xa xôi và đầy phân biệt giữa người đang đói và người đi xe hiện đại đắt tiền

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 


11. Nhận lãnh để trao ban

Có một nhà kia tính mời vài đạo sĩ tới lập đàn giải trừ tai nạn. Một đạo sĩ nọ tham lam, muốn một mình hưởng trọn số tiền chủ nhà trả ông, liền nhận bao thầu hết việc lập đàn cúng bái.
Ông ta chẳng kể ngày đêm. Làm việc luôn tay luôn chân, không hề ngơi nghỉ. Cứ như thế đến ngày thứ ba thì kiệt sức, ngã vật ra đất. Chủ nhà sợ ông ta chết, mang họa, liền thuê người khiêng ông về miếu. Đạo sĩ nghe vậy, cố ngước đầu lên thì thào:
Ông hãy đưa tiền thuê người cho tôi, tôi tự mình lần về miếu cũng được.
Những người coi đồng tiền to lớn hơn mạng sống của mình, rốt cuộc cũng chẳng được gì. Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người quản gia khôn khéo. Người khen ông quản gia khôn khéo không phải vì hành động bất lương của ông, nhưng vì ông biết lo xa cho tương lai của mình. Ông khôn khéo vì ông biết dùng tiền của tạm bợ để mua lấy bạn hữu.
Nếu “con cái đời này” biết phải làm gì và làm cách nào đối với tiền của để lo liệu cho ngày mai, thì tại sao “con cái sự sáng” lại không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo cho phần rỗi của mình ở tương lai?
Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu lại không biết sử dụng của cải phù du, chia sẻ cho người nghèo khó để mua lấy bạn hữu Nước Trời.
Nếu người ta căn cứ vào cách dùng tiền của để biết được lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta lại không “trung tín trong việc nhỏ là sử dụng tiền của để bảo đảm cho ta của cải chân thật đời sau?
Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban. Tác giả Augier còn viết: “Trong dự tính của Thiên Chúa, người giàu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những quản gia biết làm theo ý chủ, những quản gia trung tín và khôn ngoan. Chỉ khi nào biết coi tiền của là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thực sự “làm tôi Thiên Chúa”.
Lạy Chúa, trong khi chúng con đang bôn ba tìm kiếm những của cải tạm bợ đời này, xin cho chúng con cũng biết khôn ngoan tích trữ cho mình gia tài vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời. Amen.

 Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Lectio: Chúa Nhật XXVI Thường Niên (C)

Chúa Nhật, 29 Tháng 9, 2013
Dụ ngôn về người hành khất Lazarô và nhà phú hộ
Cả hai chỉ ngăn cách bởi một cánh cửa đóng
Lc 16:19 – 31

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Trong Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên, phần Phụng Vụ đặt trước chúng ta dụ ngôn về người hành khất Lazarô, ngồi trước cổng nhà người phú hộ.  Bài dụ ngôn này là một tấm gương trung thực, trong đó nó không chỉ phản ảnh tình trạng xã hội vào thời của Chúa Giêsu, mà còn cả trong xã hội chúng ta ở thế kỷ thứ 21.  Bài dụ ngôn là một sự tố giác mạnh mẽ và căn bản của tình trạng này, bởi vì nó cho thấy rõ rằng Thiên Chúa nghĩ trái ngược với người đời.  Trong dụ ngôn có ba nhân vật:  người hành khất, người phú hộ và Tổ Phụ Abraham.  Người hành khất có tên nhưng không lên tiếng.  Anh ta hầu như không hiện hữu.  Bạn hữu của người ấy chỉ là những con chó nhỏ liếm các vết thương cho anh ta.  Người phú hộ thì không có tên, nhưng luôn lên tiếng và nài nỉ. Người đó muốn trở nên người công chính, nhưng ông ta không thành công.  Tổ Phụ Abraham là cha của cả hai, yêu thương cả hai, và ngài đã kêu gọi người phú hộ đang trong hỏa ngục nhưng ngài đã không thành công trong việc giúp người phú hộ thay đổi ý nghĩ và tự hoán cải.  Trong bài đọc, bạn hãy cố gắng chú ý tới cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham, đến những lời đối đáp của người phú hộ và của Tổ Phụ Abraham.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 16:19-21:  Trạng huống của cả hai người trong đời này
Lc 16:22:  Trạng huống của hai người trong đời sau
Lc 16:23-26:  Cuộc đối thoại thứ nhất giữa người phú hộ và ông Abraham
Lc 16:27-29:  Cuộc đối thoại thứ hai giữa người phú hộ và ông Abraham
Lc 16:30-31:  Cuộc đối thoại thứ ba giữa người phú hộ và ông Abraham

c)  Phúc Âm:
19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người Biệt Phái rằng:  “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.  20 Lại có một người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho.  Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.  22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham.  Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn.  23 Trong hỏa ngục phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài.  24 Liền cất tiếng kêu la rằng:  “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này.”  25Abraham nói lại:  “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Lazarô gặp toàn sự khốn khổ.  Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.  26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được.”  27 Người đó lại nói:  “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này.”  29 Abraham đáp rằng:  “Chúng đã có Môisen và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài.”  30 Người đó thưa:  “Không đâu, lạy cha Abraham!  Nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải.”  31 Nhưng Abraham bảo người ấy:  “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.”
3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)   Điểm nào của bài Phúc Âm mà bạn thích nhất và điều gì đã đánh động bạn nhất?  Tại sao? 
b)  Hãy so sánh hoàn cảnh của người hành khất và người phú hộ trước và sau khi chết.  Hoàn cảnh của họ khi còn sống như thế nào?  Trạng huống của người hành khất và người phú hộ đã thay đổi ra sao sau khi chết?
c)  Cái gì đã ngăn cách người hành khất với người phú hộ lúc họ còn sống?  Cái gì đã ngăn cách người phú hộ với người hành khất sau khi họ chết?
d)  Trong cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham, người phú hộ đã xin gì và Abraham đã trả lời ra sao?
e)  Trong dụ ngôn này, tình trạng chỉ thay đổi sau khi chết.  Có phải Chúa Giêsu muốn nói cho chúng ta biết rằng khi còn sống người hành khất đã phải chịu tất cả mọi đau khổ để sau đó được phần thưởng trên Thiên Đàng?  Bạn nghĩ sao?
f)  Có một số người cũng giống như người phú hộ trong dụ ngôn, mong đợi phép lạ xảy ra để họ có thể tin vào Thiên Chúa.  Nhưng Chúa bảo hãy tin vào lời Môisen và các tiên tri.  Và tôi, lòng tôi đang hướng về phía nào: hướng về phép lạ hay về Lời Chúa?
g)  Tôi đã đối xử với người nghèo khó ra sao?  Đối với tôi, họ có tên không?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh Phúc Âm:

i)  Trong Tin Mừng của Luca, từ Chương 9 (Lc 9:51), chúng ta tháp tùng Chúa Giêsu trên cuộc hành trình của Người về Giêrusalem.  Trong các chương 15 và 16 này, có thể nói, chúng ta đã lên đến đỉnh, nửa đoạn đường của cuộc hành trình, từ đó có thể nhìn lại chặng đường đã đi qua và quãng đường còn lại trước mặt.  Hoặc, có nghĩa là, tại đỉnh đồi, hay tại tâm điểm của Phúc Âm, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về hai chủ đề chính qua Tin Mừng của Luca, từ đầu chí cuối.  Trong chương 15, bài dụ ngôn về người cha với hai người con mặc khải cho chúng ta biết lòng thương xót và yêu mến của Thiên Chúa là Đấng đón nhận tất cả mọi người.  Bây giờ ở chương 16 giới thiệu cho chúng ta dụ ngôn người hành khất Lazarô để mặc khải về thái độ chúng ta cần phải có trước vấn nạn nghèo đói và bất công xã hội.

ii)  Mỗi khi Chúa Giêsu có điều quan trọng muốn thông tri, Người kể hoặc nói một dụ ngôn, Người tạo ra một câu chuyện phản ảnh đời sống thực của dân chúng.  Do đó, trong thời gian nhìn thấy các thực tế rõ ràng, Chúa hướng dẫn những người đang lắng nghe khám phá ra những lời kêu nài vô hình của Thiên Chúa, hiện hữu trong đời sống. Một dụ ngôn được cấu tạo để làm cho mọi người suy gẫm và ngẫm nghĩ.  Đây là lý do tại sao thật là quan trọng phải chú ý ngay cả đến các chi tiết nhỏ.  Trong bài dụ ngôn mà chúng ta đang suy gẫm, có ba người:  Lazarô, người hành khất, người duy nhất không nói lời nào. Tổ Phụ Abraham, người mà trong dụ ngôn đại diện cho ý nghĩ của Thiên Chúa.  Người phú hộ vô danh đại diện cho giai cấp thống trị của chính quyền trong thời bấy giờ.  Lazarô đại diện cho tiếng than khóc của tầng lớp người nghèo khổ vào thời Chúa Giêsuvào thời Luca và vào mọi thời đại.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Lc 16:19-21:  Trạng huống của người phú hộ và người hành khất.
Ở đây chúng ta thấy có hai thái cực của xã hội.  Một mặt là sự giàu có quá mức.  Mặt khác là những người nghèo không có bất kỳ tài sản nào, không có bất cứ quyền hạn gì, người đầy những ghẻ chốc và lở loét, hôi hám dơ bẩn, không ai muốn đến gần người ấy, ngoại trừ các con chó nhỏ đến liếm các vết thương.  Cả hai được ngăn cách chỉ với một cánh cửa: cánh cửa đóng kín của nhà người phú hộ.  Về phần người phú hộ không có sự thừa nhận, không có sự thương xót cho nỗi khốn khổ của người hành khất nằm trước cửa nhà ông.  Nhưng trong dụ ngôn, người hành khất có tên, trong khi người phú hộ lại không có.  Tên của người hành khất là Lazarô, có nghĩa là Thiên Chúa trợ giúp.
Qua người hành khất Thiên Chúa trợ giúp người phú hộ; và người phú hộ có thể có tên của mình được viết trong Sách Hằng Sống.  Nhưng người phú hộ đã không để cho người hành khất giúp đỡ. Phần dẫn nhập của bài dụ ngôn mô tả hoàn cảnh, là một tấm gương trung thực của những gì đã xảy ra trong thời đại của Chúa Giêsu và của Luca, và đó cũng là hình ảnh những gì đang xảy ra hôm nay!

Lc 16:22:  Sự thay đổi mặc khải bởi sự thật được tiềm ẩn
“Bấy giờ xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham.  Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn.”  Trong dụ ngôn, người hành khất chết trước người phú hộ.  Đây là một lời cảnh báo cho người phú hộ.  Cho đến khi người hành khất nằm trước cửa nhà, còn sống, người phú hộ vẫn có thể được cứu rỗi.  Nhưng sau khi người hành khất chết đi, khí cụ cứu độ duy nhất của người phú hộ cũng chết.  Ngày nay, hằng triệu người nghèo khó chết, các nạn nhân của những quốc gia giàu có của địa lý chính trị. 
Người hành khất chết và được các thiên thần đem lên lòng Abraham.  Lòng Abraham là nguồn mạch sự sống, từ đó sinh sản ra Dân của Thiên Chúa.  Lazarô, người hành khất, thuộc về Dân của Thiên Chúa, tạo thành một phần từ Dân của Abraham, mà từ đó bị loại trừ bởi vì người ấy đã nằm tại cửa của người phú hộ.  Người phú hộ nghĩ mình là con cháu của Abraham, cũng qua đời và được đem chôn.  Nhưng người phú hộ không được ngồi lên lòng Abraham bởi vì ông ta không phải là con cháu của Abraham!
Lời giới thiệu của bài dụ ngôn kết thúc tại đây.  Bây giờ bắt đầu sự mặc khải của ý nghĩa của nó, qua ba cuộc đối thoại giữa người phú hộ và Tổ Phụ Abraham.

Lc 16:23-26:  Cuộc đối thoại thứ nhất giữa người phú hộ khuyết danh và Tổ Phụ Abraham
Bài dụ ngôn giống như một cửa sổ mà Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta thấy khía cạnh bên kia của đời sống, phía bên Thiên Chúa.  Đó không phải là một câu hỏi về Thiên Đàng.  Nó là một câu hỏi về khía cạnh thật sự của đời sống chỉ được khám phá bởi đức tin và người phú hộ không có đức tin đã không cảm nhận được.  Tư tưởng thống trị đã ngăn cản ông ta khám phá ra điều ấy.  Và chỉ trong ánh sáng của sự chết thì cái tư tưởng ấy mới tự tan rã trong tâm trí của người phú hộ, và giá trị đích thực của đời sống mới hiện ra với ông ta.  Về phần Thiên Chúa, không có tư tưởng và các tuyên truyền phỉnh gạt của những người cầm quyền, những may mắn của họ sẽ bị thay đổi:  Người phú hộ sẽ chịu đau khổ, người hành khất lại được hạnh phúc.  Người phú hộ, khi thấy Lazarô trong lòng Abraham thì xin Lazarô ra tay giúp cho ông ta vơi đi sự đau khổ.  Trong ánh sáng của sự chết, người phú hộ khám phá ra rằng Lazarô có thể là ân nhân duy nhất của mình.  Nhưng bấy giờ đã quá muộn!  Người phú hộ khuyết danh là một người Do-Thái (hoặc Kitô hữu) “đạo đức”, biết ông Abraham và gọi là Cha.  Abraham trả lời và gọi người ấy làcon.  Điều đó có nghĩa là, trong thực tế, đây là lời của ông Abraham gửi đến những người giàu có đang còn sống.  Đang lúc còn sống, họ có thể có cơ hội trở nên con cái của ông Abraham, nếu họ mở cửa cho Lazarô, cho người hành khất, người duy nhất nhờ danh thánh Chúa có thể cứu giúp họ.  Đối với người phú hộ, bị giam hãm trong cực hình, sự cứu rỗi bao gồm trong một giọt nước mà Lazarô có thể cho ông ta.  Trong thực tế, đối với người phú hộ, sự cứu rỗi không chỉ gồm có một giọt nước từ tay Lazarô để làm mát lưỡi của người ấy, mà đúng hơn là chính bản thân người ấy, người phú hộ, mở cửa nhà mình và ra tiếp xúc với người hành khất.  Chỉ bằng cách này thì mới có thể vượt qua được hố sâu ngăn cách người ấy.  
Trong câu trả lời của ông Abraham, sự thật về bốn tai ương hiện ra trước mặt người phú hộ:  (Lc 6:24-26)

"Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.”
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.”
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.”
"Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế!”

Lc 16:27-29:  Cuộc đối thoại thứ hai giữa người phú hộ và ông Abraham
Người phú hộ khẩn khoản:  “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Lazarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa!”  Người phú hộ không muốn anh em mình cũng phải sa vào chốn cực hình này.  “Sai Lazarô!”  Lazarô, người hành khất, là người trung gian thật sự duy nhất giữa Thiên Chúa và người phú hộ.  Nhưng người phú hộ, khi còn sống đã không đếm xỉa gì đến người khốn khổ Lazarô.  Ông ta chỉ lo cho bản thân và anh em mình.  Ông ta không bao giờ ngó ngàng đến người nghèo khó!  Giống như người con trưởng trong “Dụ ngôn người Cha và hai người con trai” (Lc 15:25-30).  Người con trưởng chỉ muốn có một bữa chè chén tưng bừng với chúng bạn, và không muốn dự bữa tiệc mừng người em đã mất nay trở về.  Câu trả lời của ông Abraham đã rõ ràng:  “Họ đã có Môisen và các tiên tri; chúng hãy nghe các ngài!”  Họ có Kinh Thánh!  Người phú hộ đã có Kinh Thánh.  Ông ta thậm chí có thể thuộc lòng.  Nhưng ông ta không bao giờ nhận thức được là Kinh Thánh có liên quan đến người hành khất đã ngồi tại cửa nhà mình.  Chìa khóa để thông hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh và ơn cứu rỗi là người hành khất Lazarô, ngồi trước cửa nhà người phú hộ!

Lc 16:30-31:  Cuộc đối thoại thứ ba giữa ông Abraham và người phú hộ
Người phú hộ vẫn cả quyết:  “Không đâu, thưa Tổ Phụ Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải!”  Người phú hộ thú nhận rằng mình đã sai, vì đã nhắc đến việc hối cải, mà đã không bao giờ thực hiện lúc còn sống.  Người ấy chỉ muốn một phép lạ, một sự tái sinh!  Nhưng việc sống lại loại này không hề có.  Chỉ có việc sống lại là việc Chúa Giêsu Phục Sinh đến với chúng ta qua thân xác của người nghèo khó, kẻ mà không có bất cứ quyền lợi nào, không đất đai, không thức ăn, không chỗ nương thân, không sức khỏe.  Trong câu trả lời cuối cùng của ông Abraham thật là chóng vánh và quả quyết:  “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu.”  Và thế là kết thúc cuộc đối thoại! 

c)  Phần tìm hiểu thêm: 

Do bối cảnh xã hội bất công vào thời đại của Chúa Giêsu:

Vào năm 64 trước tây lịch, đế quốc La-Mã xâm chiếm đất Paléstin và áp đặt lên người dân một khoản thuế rất nặng nề.  Các bậc thức giả ước tính rằng trên dưới một nửa lợi tức gia đình phải dành ra để đóng thuế, các khoản thuế của chính quyền La-Mã.  Ngoài ra, đế quốc La Mã đã phối trí tổ chức lại địa lý chính trị trong vùng.  Trước khi cuộc xâm lăng của quân La-Mã, toàn thể lãnh thổtừ miền Tyrô đến vùng Siđon lên đến biên giới với Ai-Cập, được đặt dưới sự cai quản của nhà Asmonê, thuộc dòng dõi Máccabê.  Sau khi bị xâm chiếm, chỉ còn lại ba vùng nằm dưới chính quyền của người Do-Thái: Giuđêa, Pêrêra và Galilê.  Để có thể duy trì sự kiểm soát trên dân tộc bị trị với một sự mất mát tối thiểu và chi phí riêng của họ, đế chế La-Mã đã thâu dụng các người Sa-đốc, các trưởng lão, một số người thu thuế và một phần các thày cả.  Vì vậy, tất cả thay đổi này do cuộc xâm lăng của La-Mã đã khiến cho hầu hết những người Do-Thái đang sống ở các khu vực khác trong vùng phải di cư về Giuđêa và Galilê.  Hậu quả của việc này làdân số trong vùng Giuđêa và Galilê đã tăng lên gấp đôi và lợi tức gia đình bị giảm một nửa. Kế quả là: một mặt, sự nghèo đói tăng từ từ, nạn thất nghiệp, nạn hành khất, đói nghèo cùng cực.  Còn mặt khác, việc giàu có quá mức của dân địa phương, dưới sự hỗ trợ của đế quốc La-Mã.  Hình ảnh trung thực của tình trạng này được diễn tả trong dụ ngôn người hành khất Lazarô và người phú hộ không có lòng nhân ái.

Suy gẫm cuối về bài dụ ngôn

Người phú hộ có tất cả mọi thứ và tự mình sống khép kín, nhưng xa lìa Thiên Chúa, mất sự giàu sang, mất sự sống, đánh mất chính bản thân, mất tên tuổi, mất tất cả mọi thứ.  Người hành khất không có gì nhưng có Thiên Chúa, tìm được sự sống, có tên, đạt được tất cả.  Người hành khất là Lazarô, nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”.  Thiên Chúa đến với chúng ta trong hình ảnh người hành khất ngồi bên cửa nhà chúng ta, để giúp chúng ta qua được cái vực thẳm không thể vượt qua được tạo ra bởi những người giàu không có trái tim.  Lazarô cũng là Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai và người đày tớ nghèo, Người đã không được chấp nhận, nhưng cái chết của Người đã làm thay đổi tận gốc rễ tất cả mọi thứ.  Và trong ánh sáng cái chết của người hành khất, tất cả mọi thứ thay đổi.

Chốn hỏa ngục là tình trạng của những người không có Thiên Chúa.  Ngay cả khi người phú hộ nghĩ rằng ông ta có một tôn giáo và đức tin, ông ấy không biết làm cách nào để được đến gần bên Chúa bởi vì đã không mở cửa cho người nghèo khó như ông Da-kêu đã làm (Lc 19:1-10).
                                           
6.  Cầu Nguyện
Thánh Vịnh 15 (14):  Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?

Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét