LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN
Bài 7 : NHIỆT TÂM TRUYỀN GIÁO (Phong cách 3)
I. TRUYỀN GIÁO : TIẾNG
GỌI KHẨN CẤP
Giáo lý
viên là Ki-tô hữu và còn là Ki-tô hữu có ơn gọi làm giáo lý viên không thể làm
ngơ trước tiếng gọi khẩn cấp : truyền giáo hay loan báo Tin Mừng.
1. Phát xuất từ cởi mở với Lời Chúa :
Khi giáo lý viên cởi mở để
đón nhận Lời Chúa, hiểu biết và sống thân tình với Chúa luôn thì không thể nào
lại không tìm cách làm cho người khác hiểu biết và sống thân tình với Người. Cởi
mở với Lời Chúa đòi hỏi vừa đón nhận, vừa đem Lời Chúa cho người khác để họ cũng cởi mở với Lời Chúa như mình để cùng được Lời Chúa cứu độ.
2. Phát xuất từ chính Chúa Ki-tô :
Giáo lý viên không thể bỏ
ngoài tai, tiếng gọi khẩn cấp của Chúa Ki-tô :”Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa
chúng về.” (Ga 10,16). Cũng không thể quên lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su
đã được ban bố trước khi Ngài về trời :”Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
(Mc 16,15).
3. Phát xuất từ hoàn cảnh cụ thể
hôm nay :
Giáo lý viên đang sống trong
xứ truyền giáo ; cứ 100 người thì chỉ có 3 người là Công giáo, còn 97 người
chưa thuộc về đàn chiên của Chúa. Ấy là chưa nói đến toàn thể Châu Á ngày nay với
gần 4 tỷ người mà chỉ có 100 triệu người Ki-tô giáo, mà riêng Philippin đã có
50 triệu. Giáo lý viên là một Ki-tô hữu đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Thêm
Sức, lại được mời gọi làm giáo lý viên, nên không thể không quan tâm đến tỷ lệ
quá cách biệt giữa người đã chịu phép Rửa tội và người lương dân.
II. GIÁO LÝ VIÊN PHẢI
CÓ THÁI ĐỘ NÀO TRƯỚC TIẾNG NÓI KHẨN CẤP ẤY :
Dạy giáo lý cho các em là một
cách đáp lại tiếng gọi của Chúa. Tuy nhiên, giáo lý viên luôn ý thức mình đang ở
xứ truyền giáo và luôn sẵn sàng :
1. Để cho tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách :
Giáo lý viên đã biết tiếng gọi
và lệnh truyền của Chúa Ki-tô nên phải khắc ghi trong lòng để suy niệm. Suy nghĩ
để có thể nhận ra và cảm nhận rằng Chúa Ki-tô đã yêu thương ngỏ lời với mình
thì mình không thể hưởng thụ tình yêu ấy cho riêng mình, mà phải để cho “tình
yêu Chúa Ki-tô thúc bách” (2Cr 5,14), khiến cho mình “không thể không nói ra những gì mình đã nghe
và đã thấy.” (Cv 4,20). Dẫu có bị cấm
cách, ngăn cản hay bách hại, giáo lý viên không bao giờ hổ thẹn vì Tin Mừng của
Chúa (x. Rm 1,16).
2. Tích cực dấn thân làm cho nhiều người
khác nữa biết đến Chúa Ki-tô :
Được tình yêu Chúa Ki-tô
thúc bách, giáo lý viên đã dứt khoát không chạy theo xu hướng của người đời chỉ
lo kiếm tiền bạc danh vọng để hưởng thụ. Nhưng chọn lựa tìm kiếm vinh dự nơi
Chúa Ki-tô và không muốn loan báo điều gì khác ngoài Chúa Ki-tô là sức mạnh và
là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Quyết
tâm chọn lựa để tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách và tìm kiếm vinh dự trong việc
loan báo Chúa Ki-tô để cho mọi người biết và tin theo Người, đó là điều kiện để
cho nhiệt tâm truyền giáo phát triển.
III. GIÁO LÝ VIÊN
PHÁT TRIỂN NHIỆT TÂM TRUYỀN GIÁO :
Giáo lý viên có thể làm cho
nhiệt tâm truyền giáo phát triển bằng cách :
1. Quyết tâm chú ý kiếm tìm chiên lạc cho kỳ
được :
Giáo lý viên đã yêu mến Chúa
Ki-tô và khao khát làm cho nhiều người nữa biết Người, thì phải bắt chước tấm
lòng của Người đến với chiên lạc. Đó là những người đáng được chú ý hơn đến nỗi
Chúa Ki-tô ví họ như con chiên lạc mà người mục tử “để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con
chiên bị mất.” (Lc 15,4). Chúa Ki-tô còn so sánh nhiệt tâm ấy như tấm lòng
của người phụ nữ nghèo “đánh mất một đồng,
lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ?” (Lc 15,8).
2. Quyết tâm làm bất cứ việc gì
có thể để cứu được một số người :
Đã cảm nhận tình yêu Chúa
Ki-tô thúc bách mình và hiểu được tình trạng mất mát của các chiên lạc đang cần
dẫn đưa về đàn ; giáo lý viên noi gương vị tông đồ Phaolô có nhiệt tâm rất cao,
đã sẵn sàng trở nên tất cả cho mọi người “để
bằng mọi cách cứu được một số người.” (1Cr 9,22).
Nhiệt
tâm truyền giáo thôi thúc thánh Phaolô đến nỗi ngài thú nhận rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng
không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.
Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16)
IV. DẤU CHỈ CỦA NHIỆT
TÂM CHÂN THỰC :
Giáo lý viên đã đem hết nhiệt
tâm để đáp lại tiếng gọi khẩn cấp của Chúa Ki-tô và của chính các chiên lạc
chưa thuộc về đàn, giáo lý viên biểu hiện nhiệt tâm ấy trong những lời nói tha
thiết với việc truyền giáo ; hoặc dành nhiều thời gian để lo hoạt động truyền
giáo. Tuy nhiên, nhiệt tâm chân thực truyền giáo của giáo viên được biểu hiện
như sau :
1. Giáo lý viên khắc họa được nơi sâu thẳm nhất của mình : dấu Thánh
Giá vinh quang của Chúa Ki-tô.
Thật vậy, Đức Ki-tô mà giáo lý
viên học hỏi là “Đức Ki-tô chịu đóng đinh.” (1Cr 2,2), Đấng mà giáo lý viên
loan báo cũng chính là “Đức Ki-tô chịu
đóng đinh”. Nhưng Đấng ấy cũng là Đức Ki-tô đã phục sinh từ cõi chết. Dấu chỉ
nhiệt tâm chân thực là giáo lý viên luôn xác tín rằng : mình không thể được
vinh quang với Chúa Ki-tô nếu không đi qua đường thập giá (x.Lc 24,26).
2. Giáo lý viên sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan, thử thách,đau khổ
trong đời truyền giáo :
Một khi khắc họa nơi sâu thẳm của
lòng mình dấu Thánh Giá vinh quang của
Chúa Ki-tô thì giáo lý viên sẵn sàng sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của
Chúa Ki-tô với niềm hy vọng phấn khởi.
Sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Ki-tô tức là trong mỗi hoàn cảnh sống của mình, dù có gặp những
hạn chế, bất lực hay những đau khổ nơi bản thân mình, những nghịch cảnh trong
gia đình mình, những khó khăn trở ngại trong công tác tông đồ, giáo lý viên
luôn quyết tâm đi cho trọn con đường Chúa đã đi, với ý hướng là :”Những
gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức,
vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1,24).
KÉT LUẬN :
Nhiệt tâm truyền giáo là phong cách thứ 3 giúp giáo lý viên biểu hiện cách rõ
ràng cho học viên cũng như cho mọi người nhận ra giáo lý viên thực sự sống linh
đạo giáo lý viên. Nhiệt tâm truyền giáo là kết quả cụ thể của việc cởi mở với Lời
Chúa, vừa đón nhận vừa ra đi loan báo Lời Chúa và cũng là dấu hiệu của một đời
sống thống nhất và chân thực. Vì giáo lý viên chỉ lo thi hành Lời Chúa, thực hiện
đúng thánh ý Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Như vậy, cả ba phong
cách gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau để giáo lý viên sống đúng linh đạo,
đúng căn tính của giáo lý viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét