Trang

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Việc công bố đền tội công khai trong lịch sử sám hối

Việc công bố đền tội công khai trong lịch sử sám hối

http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Như đã biết, vào thời Giáo Hội khai sinh và các thế kỷ đầu của Giáo Hội đã không có hình thức giải tội cá nhân như ngày nay, mà chỉ có hình thức xưng thú lỗi lầm chung. Và nếu tín hữu phạm các tội trọng, thì có hình thức đền tội công khai, bằng cách mang áo của những hối nhân, không đựơc lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh thể. Khi tham gia các lễ nghi hay xuất hiện trong một số nơi công cộng, thì phải ngồi ở chỗ dành riêng cho các hối nhân và là thành phần của hiệp hội hối nhân. Các biện pháp đối với kẻ có tội nhằm giúp tín hữu hoán cải cuộc sống. Cho tới thời Công Đồng Chung Trento việc sám hối đền tội có tính cách pháp lý, và trở thành một hình phạt trên bình diện giáo hội và trong lãnh vực phụng vụ. Người có tội bị loại trừ khỏi một số sinh hoạt của cộng đoàn. Chẳng hạn các người phải đền tội công khai, có thể tham dự Thánh Lễ, nhưng chỉ được tham dự phần phụng vụ Lời Chúa. Sau bài giảng của vị chủ tế, họ được mời ra ngoài và không được tham dự phần cử hành bí tích Thánh Thể và rước Mình Thánh Chúa sau đó. Tuy các hình phạt này của Giáo Hội không bảo đảm các phương thế giúp sống tinh thần sám hối, nhưng nó cũng là dịp giúp hối nhân ý thức được các thiệt hại họ gây ra cho sự thánh thiện và toàn vẹn của cộng đoàn giáo hội, là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô. Vì khi một chi thể đau yếu, toàn thân mình phải chịu ảnh hưởng. Thật ra từ thế kỷ XII nền thần học kinh viện đã tìm cách hòa hợp khía cạnh cá nhân và sự can thiệp bí tích của Giáo Hội trong việc sám hối.

Từ sau Công Đồng Chung Trento nền tu đức sám hối tìm cách diễn tả ngoài khung cảnh pháp lý của việc dứt phép thông công với cộng đoàn giáo hội. Điều này tạo thuận tiện cho thói quen xưng tội riêng như là bí tích cáo giải, hay bí tích hòa giải hối nhân với Thiên Chúa, với cộng đoàn và với chính họ.

Các người phải đền tội công khai tu tập nhau thành hiệp hội các hối nhân để nâng đỡ nhau ý thức sống chiều kích sám hối, thanh tẩy tội lỗi và tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô: từ việc sống theo xác thịt bước sang cuộc sống tinh thần phục sinh trong Chúa hiển vinh. Hiệp hội các hối nhân cũng nhắc nhớ cho biết tuy là kẻ có tội nhưng họ vẫn có thể tham dự vào mầu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, hy vọng nơi ơn cứu độ Chúa Kitô cống hiến cho họ, nhìn lên Chúa, khẩn cầu Người và tin tưởng nơi ý muốn cứu rỗi của Người. Sau cùng hiệp hội các hối nhân cững công bố cho biết những ai sống bác ái là những người được ân xá, vì thiên Chúa có trăm phương nghìn cách để cứu rỗi những người thành tâm thống hối.

Kiểu tuyên bố việc đền tội công khai trong Giáo Hội đã thay đỗi tùy theo thời điểm cứu độ. Trong cộng đoàn giáo hội thời khai sinh hiệp hội các hối nhân, một cách chủ quan, ám chỉ tình trạng của những người tội lỗi đã hối cải, và vì thế đã đươc chấp nhận vào sự thực hành việc đền tôi công khai. Trong khi trong cộng đoàn giáo hội thời nay nó bao gồm những người không có đủ sức mạnh trong việc ra khỏi một tình trạng có tội công khai. Nếu những người thuộc loại đầu tiên đã là những người hoán cải, thì những người thuộc loại thứ hai này là những người còn cần phải hoán cải. Nếu những người thuộc loai thứ nhất là những thành phần hữu hiệu của Giáo Hội, thì

những người thuộc loại thứ hai vẫn còn ở bên lề cộng đoàn giáo hội. Nếu những người thuộc loại thứ nhất đã làm chứng cho lòng thương xót nhận lãnh được từ Thiên Chúa trong Chúa Kitô, thì những người thuộc loại thứ hai khẩn nài lòng thương xót đó, để nó đươc biểu lộ nơi họ. Nếu những người thuộc loại đầu tiên chỉ cho thấy ngay từ bây giờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô biến đổi họ một cách sâu đậm, thì những người thuộc loại thứ hai đã tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho họ ơn của một kinh nghiệm vượt qua trong một lúc nào đó của cuộc đời họ.

Các hối nhân công khai ngày nay không phải tưởng tượng rằng trong họ không có ơn thánh một cách tuyệt đối. Tất cả tùy thuộc nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, trong tương quan với thái độ nội tâm của họ. Nghĩa là tùy nơi sự kiện hối nhân có thực sự chân thành thống hối tội lỗi và nỗ lực ăn năn sám hối đền tội hay không. Ngay cả nơi những người ý thức được tội lỗi của họ, có thể là Thần Khí tìm thấy trong những lúc nào đó một sự sẵn sàng nào đó trong việc bẻ gẫy liên hê với tội lỗi, cả khi sau đó tình trạng sự dữ lại cuốn hút họ vào trong lạc hướng tội lỗi. Khi ơn của đức ái, chỉ trong chốc lát, có thể đối diện với tâm hồn của người tội lỗi, thì kẻ có tôi được phép hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ. Hối nhân hay người đền tội công khai giống như một người bị đắm tầu, thấy mình có lúc còn trồi được lên trên mặt nước, cảm thấy có thể hy vọng nơi một sự trợ giúp có thể cứu sống họ.

Trong cộng đoàn giáo hội việc đền tội được sống trong các mức độ, kiểu cách, điều kiện và sự sâu đậm khác nhau. Từ tổng thể các kinh nghiệm sám hối người ta đưa ra một công thức sám hối chung của giáo hội, cho dù nó luôn luôn ít thích hợp trong tương quan với mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô. Tuy nhiên, một việc sám hối chung của Giáo Hội, nếu được nhìn trong âm giai nhiều màu sắc và đa âm thanh của lịch sử cứu rỗi, xem ra nó vẫn có giá trị rất lớn. Nền tu đức sám hối được mở ra trong tiến trình trở thành của lịch sử, bởi vì Thần Khí phục sinh của Chúa Kitô thấm nhập tất cả nội dung thực tại xã hội, văn hóa, giáo hội, bởi vì cộng đoàn giáo hội sống việc sám hối đền tội theo ơn thánh phù hợp cho mỗi thời. Một việc sám hối đền tội từ cái chết bước vào cuộc sống, trong cộng đoàn kitô là việc nhắc nhớ tới niềm vui sâu xa của lễ hội. Niền vui lễ hội ấy đã được thánh sử Luca trình bầy trong chương 15 với ba dụ ngôn giới thiệu niềm vui của ba nhân vật. Niền vui thứ nhất là của người mục tử có một trăm con chiên, lạc mất một con. Ông liền để chín mươi chín con chiên trong sa mạc, lang thang đi tìm con chiên lạc. Tìm thấy nó, ông vác chiên lên vai vui sướng ra về, đến nhà ông mời bạn bè hàng xóm lại, xin ho chia vui với ông vì đã tìm được con chiên bị mất. Và Chúa Giêsu kết luận: ”Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Kc 15,7).

Dụ ngôn thứ hai là đồng bạc bị đánh mất. Người đàn bà nọ có có mười đồng bạc, bị mất một đồng. Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Tìm được rồi, bà ấy mời chị em bạn bè hàng xóm lại, và xin họ chung vui với bà vì đã tìm được đồng bạc đã mất. Và Chúa Giêsu kết luận: ”Cũng thế, giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).

Nhưng sâu sắc nhất là dụ ngôn người cha nhân hậu. Khi nghe người con út đòi chia gia tài, ông tôn trọng ý muốn của nó, im lặng chia gia tai cho hai con. Anh con út thu vén mọi sự và bỏ nhà đi hoang, ăn chơi phung phí hết tiền của cha cho với đĩ điếm và bạn bè xấu, là lũ diều hâu rúc rỉa của cải của anh. Khi hết tiền của, lại gặp cơn đói trong vùng, anh bèn xin đi chăn heo. Đói qúa thèm ăn bã đậu muồng của heo cũng chẳng ai cho. Trong cơn khốn quẫn cùng cực anh mới thức tỉnh, suy nghĩ lại, và quyết định đứng lên trở về với cha. Thực ra cho tới lúc đó anh trở về vì đói, chứ không phải vì thực sự hối hận đã phạm tội xúc phạm đến tình yêu của cha và tàn phá cuộc đời mình.

Kể từ khi đứa con út bỏ nhà đi hoang, người cha già thương nhớ khôn nguôi, nên ngày ngày ra ngõ mong ngóng con trở về. Khi thấy con từ xa, tuy nó gầy gò, tiều tụy, ốm yếu, rách rưới, bẩn thỉu, hội hám đầy mùi phân heo, nhưng ông đã nhận ra nó. Ông chạy ra đón con, ngã vào người nó, ôm lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để. Ông cũng không để cho con nói hết câu thú tội với mình, nhưng hò gia nhân đem áo đẹp mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm tiệc ăn mừng. ”Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng” (Lc 15,23-24)

Tình yêu thương vô bờ của người cha khiến cho ông vẫn nhận ra con, cho dù cuộc sống ăn chơi, trác táng hoang đàng đã khiến cho anh hoàn toàn biến dạng. Ông không trông thấy, ông không ngửi thấy mùi gì khác ngoài hình ảnh và mùi của đứa con yêu. Ông không trách mắng chủi bới đánh đập con, nhưng hồi phục chức là con cho nó, và mở tiệc ăn mừng con trở về.

Khi người anh cả ngoài đồng trở về, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì. Khi nghe biết thằng em đi hoang trở về và cha làm thịt con bê béo mở tiệc ăn mừng vì thấy nó khỏe mạnh, anh giận dữ và từ chối vào nhà chung vui với cha. Khi người cha già ra ngoài năn nỉ, anh đã trút tất cả sự ghen tức với em, bắt đầu kể công và xỉa xói cha già: ”Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để con ăn mừng với bạn hè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng”. Nhưng người cha nói với anh ta: ”Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,29-31).

Thế là người anh cả đã để rơi chiếc mặt nạ vâng phục hiếu đễ của mình, và cho thấy tâm hồn và con tim bần tiện của anh. Cha đã chia gia tài cho cả hai, tức anh ta cũng đã có phần riêng của mình, nhưng anh lại không đám tự mua lấy một con dê con để ăn nhậu với bạn bè, mà phải chờ cha cho. Và tất cả những gì anh làm cho cha chỉ là để có một con dê con. Giá anh xin cha, thì một con, chứ mười đê con cha cũng cho để anh sống tươi vui, hăng say, quảng đại, thoải mái, hạnh phúc cuộc sống làm con. Đàng này thì không. Thế là nổi tiếng là ”luôn ở với cha, bên cha và phục vu cha”, nhưng thật ra anh phục vụ chính mình, sống rất xa cha, không hiểu và không có được một chút tâm tình nào của cha, và điều đáng tiếc hơn là anh cũng không biết rằng ”tất cả những gì của cha là của anh”. Vì thế giờ đây anh đứng ngoài sân, còn thằng em đi hoang lại ở trong nhà cha.

Thiên Chúa vui sướng biết bao nhiêu, mỗi khi có người tội lối sám hối ăn năn trở về với Người. Cả thiên đàng đều vui mừng, khi kẻ có tội chân thành hoán cải trở về với Chúa. Vì thế bí tích giải tội là bí tích của lễ hội tươi vui của sự hòa giải và tình yêu thương giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và từng người với chính mình.

Thần học kinh thánh 1168

Linh Tiến Khải 
www.vi.radiovaticana.va


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét