Trang

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Bài 8 : TINH THẦN CỦA ĐỨC MARIA (Phong cách 4)

LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN

Bài 8 : TINH THẦN CỦA ĐỨC MARIA (phong cách 4)


I. TINH THẦN CỦA ĐỨC MARIA LÀ GÌ ?
                Muốn biết tinh thần của Đức Maria, ta chỉ cần theo dõi cuộc đời của Mẹ đã được các sách Tin Mừng thuật lại : Từ khi Đức Maria được sứ thần loan báo cho biết Thiên Chúa muốn chọn người làm Mẹ Đức Giê-su, cho đến khi người sống những ngày cuối đời với các tông đồ trong cộng đồng Hội Thánh đầu tiên. Ta có thể nhận ra tinh thần của Đức Maria là tinh thần cộng tác chặt chẽ với Đức Ki-tô trong công cuộc cứu chuộc và tinh thần gắn bó mật thiết với Hội Thánh của Đức Ki-tto.

                1. Cộng tác chặt chẽ với Đức Ki-tô trong công cuộc cứu chuộc :
                Đức Maria khi hiểu được ý Thiên Chúa đoái thương chọn mình làm Mẹ Đấng Cứu Thế, người đã mau mắn thưa “xin vâng”(fiat) và cộng tác với Chúa Thánh Thần để thụ thai Đức Giê-su. Mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng và dạy Đức Giê-su, chứng kiến Đức Giê-su “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm an nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2,52).
                Khi Đức Giê-su đã được Đức Maria dạy dỗ để hiểu biết về phương diện loài người, Thánh Kinh và lịch sử, ý định của Thiên Chúa đối với dâncủa Người trong tôn thờ Chúa Cha.
                Khi Đức Giê-su đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, Đức Maria luôn chăm chú theo dõi và khi Đức Giê-su chịu chết để cứu chuộc loài người, Đức Maria đã có mặt dưới chân thập giá để hiệp thông sâu sắc với con mình, trở nên như bà Eva mới, mẹ của một nhân loại mới, mẹ của Hội Thánh.

                2. Gắn bó mật thiết với Hội Thánh Chúa Ki-tô.
                Đức Maria là thầy, là mẹ dạy dỗ Chúa Giê-su, nhưng người cũng là “môn đệ thứ nhất trong các môn đệ của Chúa Ki-tô” (còn gọi là môn đệ trọn lành của Đức Ki-tô).
-          Là môn đệ thứ nhất trong thời gian, vì ngay khi tìm được Đức Giê-su trong Đền thờ, Đức Maria nhận được từ cậu thiếu niên Giê-su, con của mình, bài học mà người giữ kín trong lòng (x.Lc 2,51) ; và thứ nhất một cách đặc biệt nữa, vì không ai đã được Thiên Chúa dạy dỗ cách cao siêu đến thế. Đức Maria đã trở nên “môn đệ gương mẫu” cho mọi môn đệ Đức Ki-tô trong Hội Thánh. Thánh Augustino còn mạnh dạn nói rằng :”Đối với Đức Maria, tư cách là môn đệ còn quan trọng hơn tư cách làm mẹ.”
-          Là Mẹ và là Thầy, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã quả quyết : Đức Maria là “một giáo lý sống động”, là Mẹ và là mẫu gương của giáo lý viên. Người là Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ của Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô và cùng với Hội Thánh, Người làm Mẹ, làm cho nhiều người sinh lại để trở nên con cái Hội Thánh.

II.TINH THẦN ĐỨC MARIA NƠI GIÁO LÝ VIÊN :


                Đức Maria là “môn đệ gương mẫu” và là “giáo lý viên gương mẫu” ở chính tinh thần cộng tác chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mệnh cứu chuộc và gắn bó mật thiết với Hội Thánh để sinh lại cho Chúa thật nhiều con cái. Vì thế, giáo lý viên cần phải có :
                1. Tinh thần cộng tác chặt chẽ với công cuộc cứu chuộc của Đức Ki-tô :
                Giáo lý viên được mời gọi để làm người  dạy dỗ, giáo dục đức tin cho các học viên, đó là công việc mà Đức Maria đã làm. Người vừa sinh ra vừa dạy dỗ trẻ Giê-su cho khôn lớn. Giáo lý viên học hỏi nơi Đức Maria cách dạy dỗ thế nào để các học viên của mình cũng giống như trẻ Giê-su, càng khôn lớn càng đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng mọi người.
                Và khi học viên lớn lên, giáo lý viên giúp họ trở thành môn đệ đích thực của Đức Ki-tô, sống đúng căn tính Ki-tô hữu bằng cách đi theo linh đạo phù hợp với căn tính của họ, như chính giáo lý viên đi theo linh đạo của mình vậy.

                2. Tinh thần gắn bó mật thiết với Hội Thánh Đức Ki-tô :
                Giáo lý viên đã được Hội Thánh tuyển chọn và ủy thác để tham gia vào sứ mệnh Phúc Âm hóa của Hội Thánh. Giáo lý viên cũng được Hội Thánh huấn luyện để trở thành môn đệ Đức Ki-tô và trở thành giáo lý viên, cộng tác trong sứ mệnh tông đồ để xây dựng Hội Thánh của Đức Ki-tô.
                Giáo lý viên gắn bó mật thiết với Hội Thánh bằng cởi mở với Hội Thánh, để cũng mang trong lòng mình mối ưu tư của Hội Thánh ở địa phương hôm nay, đó là ưu tư để Phúc Âm hóa cho số rất đông người chưa thấm nhuần hoặc chưa biết đến Tin Mừng, hạnh phúc  của Đức Ki-tô
                Đồng thời giáo lý viên luôn vâng theo hướng dẫn của Đức Giám Mục và các Linh Mục coi sóc mình, sẵn sàng hy sinh thời giờ và công sức để học tập và thi hành nhiệm vụ giáo lý viên của mình cách tích cực và hăng say trong tình hiệp thông với các giáo lý viên khác chung quanh.

III. LIÊN QUAN GIỮA TINH THẦN ĐỨC MARIA VÀ LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN :
                Linh đạo giáo lý viên được biểu hiện trong bốn phương cách : cởi mở với Lời Chúa, đời sống thống  nhất và chân thực, nhiệt tâm truyền giáo và ting thần Đức Maria. Sau khi đã học hỏi và hiểu biết, giáo lý viên có thể nhận ra mối liên quan giữa tinh thần Đức Maria tức là phong cách bốn với ba phong cách trên và với linh đạo giáo lý viên.

                1. Tinh thần Đức Maria là phong cách tóm lược và kết hợp ba phong cách trên :
                Ta biết mỗi Ki-tô hữu có một căn tính : linh mục, tu sĩ, giáo dân, giáo lý viên ... Ai có căn tính nào phải sống theo linh đạo phù hợp với căn tính ấy. Đức Maria làm mẹ Đức Ki-tô, làm Mẹ Hội Thánh, nhưng là một Ki-tô hữu giáo dân gương mẫu, một giáo lý viên gương mẫu. Vì Mẹ đã nuôi dưỡng, dạy dỗ Chúa Giê-su thời niên thiếu, để trẻ Giê-su càng lớn lên càng làm đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người. Giáo lý viên sống tinh thần Đức Maria, sống đúng linh đạo giáo lý viên, mới có thể giáo dục các học viên của mình, càng lớn lên, càng đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người giống như Đức Giê-su thời niên thiếu.
                 Thật vậy, Đức Maria là giáo lý viên gương mẫu sống đúng linh đạo giáo lý viên. Người có đủ ba phong cách kể trên :
-          Đức Maria cởi mở với Lời Chúa bằng xin vâng ý Đức Chúa Cha, hiệp thông với Chúa Ki-tô, Con của Người và sẵn sàng để Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn.
-          Đức Maria cởi mở với Hội Thánh mới bằng cách “chuyên cần cầu nguyện”, vởi mở với mọi người bằng cách mau mắn giúp bà Elizabeth, giúp tiệc cưới Cana.
-          Đức Maria luôn thống nhất đời sống và sống chân thực theo thánh ý Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và cảm nghiệm về Thiên Chúa (thể hiện trong lời kinh Ngợi khen của Đức Maria – Lc 1,56).
-          Đức Maria có nhiệt tâm truyền giáo ở mức độ cao nhất nhờ đồng công cứu chuộc trong cuộc tử nạn của Đức Ki-tô, mang lại ơn cứu chuộc cho mọi người.
Giáo lý viên có được tinh thần của Đức Maria là có đủ phong cách để sống đúng linh đạo của giáo lý viên.

2. Càng có tinh thần của Đức Maria sâu sắc, càng sống linh đạo giáo lý viên trọn hảo và hữu hiệu :
Công Đồng Vatican II đã xác nhận như sau : “Quả thật đời sống Đức Trinh Nữ đã làm mẫu gương cho tình mẫu tử, tình mẫu tử ấy phải là động lực cho tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Hội Thánh đang hoạt động nhằm tái sinh nhân loại.” Đức Maria làm mẹ đã sinh dưỡng giáo dục Đức Giê-su, làm Mẹ của Hội Thánh như Eva mới, Mẹ của nhân loại mới, hằng quan tâm cứu giúp mọi người với tình mẫu tử để họ trở về làm con Thiên Chúa.
Giáo lý viên có lòng thành thật tôn sùng Đức Maria, là gương mẫu của tình mẫu tử,là gương mẫu của giáo lý viên. Lòng thành thật sùng kính Đức Maria phải được biểu hiện trong việc noi gương của Đức Maria.
Giáo Lý viên cùng với cộng đoàn của mình sống tinh thần Đức Maria, sẽ làm cho cộng đoàn mình sống như ban đầu, một cộng đoàn được toàn dân thương mến.
               


                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét