Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Bí tích giải tội là bí tích của sự hòa giải và hiệp thông

Bí tích giải tội là bí tích của sự hòa giải và hiệp thông

http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Dưới ngòi bút của các tác giả thuộc trường phái Tư Tế và trường phái Giavít, trình thuật tạo dựng, hai chương 1 và 2 sách Sáng Thế, cho chúng ta thấy con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên có khả năng sống tình bạn và đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Bằng chứng là chiều chiều Giavê Thiên Chúa đến vườn Eden để đi dạo và nói chuyện với con người. Tuy chỉ là một thụ tạo được Thiên Chúa nắn ra từ đất sét, nhưng con người đã được Thiên Chúa phú ban cho linh hôn là chính hơi thở trao ban sự sống thiên linh của Người, nên con người trở thành một bản vị tự do và có tinh thần trách nhiệm, có khả năng bước vào trong tương quan với Thiên Chúa, trở thành kẻ đối tác với Người trong một cuộc sống thân tình và hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc hình ảnh và ơn gọi đó của con người đã bị sự kiêu căng và tự đủ của con người xóa nhòa và làm cho sai lệch đi. Khi căn dặn con người đừng ăn trái cây ”biết lành biết dữ” kẻo phải chết, Thiên Chúa cảnh báo cho con người biết rằng nó là thụ tạo tùy thuộc Người. Ngày nào con người khước từ chấp nhận thực tại đó và muốn chiếm địa vị của Thiên Chúa, muốn ăn trái cây biết lành biết dữ, là hình ảnh biểu tượng diễn tả sự toàn tri, là thuộc tính của duy một mình Thiên Chúa, thì con người tự tách rời khỏi suối nguồn sự sống là Thiên Chúa, và vì thế ngày đó con người sẽ phải chết. Tội kiêu căng và tự đủ của con người sẽ đưa con người tới chỗ chết, y như cành nho lìa khỏi thân nho, y như bóng đèn bị tắt vì dây bị rút khỏi dòng diện, không còn được cắm vào chỗ phát điện nữa. Đó là thảm cảnh con người phạm tội, vì nhẹ dạ nghe lời con rắn là Satan là qủy dữ lừa dối, rủ rê cám dỗ, như kể trong chương 3 sách Sáng Thế.

Hậu qủa là con người bị tha hóa, con người trở thành xa lạ với chính mình. Nó không phản ánh gương mặt thánh thiện tinh tuyền của Thiên Chúa nữa, và cũng không nhận ra gương mặt đó nơi tha nhân nữa. Con người nhận ra mình trần truồng, nghèo nàn, bất lực và khốn nạn, khi không còn ơn thánh Chúa và không được Thần Khí Chúa hướng dẫn. Con người đánh mất đi tương quan thân tình và hiệp thông với Thiên Chúa. Từ cuộc sống bạn hữu đối thoại thân tình với Thiên Chúa con người giờ đây sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa, coi Thiên Chúa là kẻ thù, và ẩn mặt đi, lấp sau bụi cây để che dấu sự trần truồng của mình.

Tội kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa đã khiến cho con người biến thái và làm đổ bể các tương quan của nó với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân và với mọi thụ tạo khác. Thiên Chúa trở thành kẻ thù, mà con người muốn khai trừ khỏi con tim và cuộc sống của nó, khỏi cuộc sống gia đình và cuộc sống xã hội. Đó đã là điều các chế độ vô thần, vô thần cộng sản cũng như vô thần tư bản, tìm thực hiện bằng mọi cách thức, kể cả việc dùng luật lệ và các phương thức gian ác, tàn bạo nhất. Con người bị đối xử như thú vật. Chủ thuyết Thiên Chúa không hiện hữu hay Thiên Chúa đã chết cũng phát xuất từ đó.

Vì không còn vô tội, trong sáng nữa nên con người cũng không có can đảm nhận lỗi và lãnh trách nhiệm của mình, mà lại đổ tội cho nhau: Ađam đổ tội cho vợ: ”Người đàn bà Chúa cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”; Evà đổ tội cho con rắn: ”Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Bên cạnh đó tất cả các chiều kích khác nhau trong ơn gọi của con người cũng hoàn toàn bị thay đổi: việc sinh con cái, tương quan vợ chồng, cuộc sống và việc làm, tương quan với thiên nhiên.

Và đây lời Thiên Chúa phán xử người nữ và người nam. Ngài nói với người đàn bà: ”Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thât nhiều khi thai nghén; ngươi đẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”. Nếu quan sát cảnh thú vật và phụ nữ sinh con chúng ta thấy có sự khác biệt rất lớn. Phụ nữ sinh con đau đớn, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, rên siết, quằn quại, la hét, khóc lóc, biết bao nhiêu! Trong khi súc vật sinh con rất tự nhiên không phải kêu la, quằn quại, đau đớn và la hét như con người. Như thế khổ đau là hậu qủa của tội lỗi. Nếu con người đã không phạm tội, thì việc mang thai và sinh nở có lẽ sẽ rất tự nhiên, vì thuộc tiến trình truyền sinh đi liền với ơn gọi của nó, mà không đớn đau khổ sở, gây kinh hãi đến độ có những phụ nữ sợ đau, không muốn có con để khỏi phải mang nặng đẻ đau, và sẵn sàng nhân con nuôi để khỏa lấp nhu cầu làm mẹ. Truyền sinh không còn là ơn gọi cao qúy tham gia vào quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa nữa, mà trở thành một gánh nặng, một nỗi lo sợ, mà con người muốn tránh né bằng mọi cách. Từ đó nảy sinh ra mọi tội chống lai sự sống. Người ta dùng thuốc ngừa thai, viên thuốc ngày hôm sau để không có con. Khi có con, người ta tìm phá thai bằng mọi cách, kể cả phương pháp tàn bạo dùng kìm bớp vỡ sọ thai nhi, và dùng dao kéo cắt chặt thai nhi thành từng mảnh nhỏ, rồi dùng ống hút ra ngoài. Có rất nhiều trường hợp thai nhi sinh ra còn sống bị người ta vứt thẳng vào thùng rác, như đồ phế thải. Và hằng năm trên thể giới có 50 triệu thai nhi bị giết bằng đủ mọi kỹ thuật. Trong các nước Á châu, sau Trung Quốc, có lẽ Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ giết thai nhi cao nhất, vài triệu mỗi năm, và các nghĩa trang đồng nhi mọc lên như nấm khắp nơi. Bên cạnh tội tàn sát các thai nhi lành mạnh, người ta còn tìm cách giết các bào thai tàn tật, hay nghi ngờ hoặc lấy cớ cho là tàn tật để loại bỏ. Hiện nay như dấu chỉ của ”nền văn minh duy vật tân tiên” trong hầu hết các nước trên thế giới các chính quyền đều ra luật cho phép phá thai. Từ chỗ giết chính con cái của mình chưa sinh ra, người ta ra luật loại bỏ người già cả tàn tật, qua luật nấp sau mỹ từ ”làm cho chết êm dịu”, hay ”trợ tự”. Xem ra xã hội thương xót họ, nhưng thực ra là loại bỏ họ, vì họ đã trở gánh nặng cho gia đình và cho xã hội, đã không có khả năng sản xuất tiêu thụ, lại còn gây thêm tốn kém cho xã hội. Do đó, họ không đáng và không có quyền sống nữa.

Trong sự biến thái ơn gọi đó tương quan là ”người phụ giúp tương xứng” của người nữ đối với người nam trong phẩm giá là hai bản vị bình đẳng yêu thương trợ giúp nhau, giờ đây không còn nữa, nhưng nó biến trở thành liên hệ thèm muốn và thống trị nhau. Người nam và người nữ không còn là các bản vị yêu thương nữa, mà trở thành đồ vật thỏa mãn các dục vọng và thèm khát của nhau: ”Ngươi sẽ thèm khát nó”. Tương quan giữa người nam và người nữ trở thành việc thống trị nhau: ”và nó sẽ thống trị ngươi”. Từ đó nảy sinh ra tất cả mọi thứ tội trong lãnh vực tính dục. Kỹ nghệ buôn bán tình dục khiến cho hằng chục triệu phụ nữ và trẻ em nam nữ trở thành nạn nhân của tình dục, bị mua bán như nô lệ, đến độ có cả kỹ nghệ du lịch tình dục, qua đó những người giàu của các nước tây âu có thể thỏa mãn các nhu cầu tình dục của họ trong các chuyến đi du lich tại các nước nghèo đang trên đường phát triển. Mọi dịch vụ được các hãng du lịch sắp xếp. Người ta tôn thờ thân xác và tìm thỏa mãn nhục dục bằng đủ mọi cách qua các phim ảnh báo chí khiêu dâm, đi kèm với kỹ nghệ tình dục, bao gồm cả việc dùng đủ mọi chất ma túy, rượu mạnh và âm nhạc kích dục. Đây là cảnh xảy ra nhất là vào mỗi cuối tuần trong các hộp đêm, các trung tâm khiêu vũ có hàng ngàn người tham dự, trong đó người trẻ và người không trẻ sống những giờ thác loạn.

Sau cùng chiều kích lao động trong ơn goi của con người cũng bị đảo lộn. Thiên Chúa phán với con người: ”Vì ngươi đã nghe lời vợ, và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng ”Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị ngyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đấi đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,17-19).

Như thế, lao động không còn là nhiệm vụ cao qúy canh tác và trông giữ vườn Địa đàng nữa, mà trở thành khổ sai con người dùng để trừng phạt, khai thác, bóc lột ức hiếp nhau. Từ đó nảy sinh ra mọi bất công trong lãnh vực lao động, khai thác sức lực của người khác. Đó là cảnh các chính quyền độc tài khai thác hàng triệu tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm trong hàng trăm ngàn các trại tập trung cải tạo lao động, như trong quần đảo Gulag bên Siberia của Nhà nước cựu cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như tại Trung Quốc, Bắc Hàn, Viêt Nam và Cuba. Đó là cảnh 250 triệu trẻ em năm châu tuổi từ 4 đến 15 phải lam lũ làm việc như nô lệ mỗi ngày, có khi tới 14 giờ, để kiếm miếng cơm manh áo cho mình và phụ giúp cha mẹ: trong các hầm mỏ bên châu Mỹ Latinh, trong các xưởng dệt thảm bên Ấn Độ, trong các hãng chế bóng đá bên Pakistan, trên các bãi rác khổng lồ ven các thành phố lớn như Manila bên Philipines. Các em sinh ra giữa bãi rác, lớn lên trên bãi rác và chết trên bãi rác. Bên Ấn Độ có hàng trăm ngàn trẻ em bị cha mẹ bán đi để trả nợ. Và chủ các hãng dệt xích chân các em vào máy dệt, để các em khỏi trốn. Các em làm việc, ăn ngủ bên máy dệt. Và cuộc đời nộ lệ của các em tới một lúc nào đó kết thúc vời cái chết vì thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, và làm việc qúa sức chịu đựng của các em.

Các trẻ em châu Mỹ Latinh làm việc trong các hầm mỏ không sống tới 30 tuổi vì lao lực và bệnh tật. Ngày nay với biết bao nhiêu chiến tranh, xung khắc, loan lạc đó đây trên thế giới, với chính sách cai trị hà khắc và tàn ác của nhiều chính quyền độc tài chà đạp các quyền con người và bách hại dân chúng, với các tai ương thiên nhiên gây ra hạn hán mất mùa đói kém, số người tị nạn lên đến trên 50 triệu. Và họ rất dễ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người và buôn nhân công, bị khai thác bóc lột sức lao động, làm thành lớp nô lệ mới của thế kỷ XXI.

Khi không còn ý thức đươc phẩm giá của mình và của người khác cũng như của thụ tạo, con người cũng đánh mất đi tinh thần trách nhiệm đối với thiên nhiên. Thay vì canh tác, và giữ gìn, thì con người tàn phá thiên nhiên, khai thác bừa bãi, vơ vét vô độ, tàn phá rừng già, cướp giật hải sản, sa thải mọi thứ cặn bã kỹ nghệ độc hại vào sông lạch, biển khơi, khiến cho thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, giết chết mọi sinh vật và thảo mộc là nguồn lương thực nuôi sống con người. Đó là các hậu qủa đớn đau tiêu cực của tội lỗi trong cuộc sống con người và trong cuộc sống của thế giới. Và theo nhãn quan của các soạn giả kinh thánh, lịch sử loài người càng tiến tới, thì tội lỗi chồng chất càng nhiều, và con người càng cách xa vườn Địa Đàng, mà không biết lối trở về nữa. Chí có Đấng Cứu Thế mới có thể giải thoát con người, thanh tẩy thánh hóa nó, để đưa nó trở về tình trạng sống ơn thánh của vườn Eden xưa kia. Đó là cảnh trời mới đất mới trong sách Khải Huyền.

Thần học kinh thánh 1169

Linh Tiến Khải




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét