Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Các triển khai đại kết hiện nay

Các triển khai đại kết hiện nay

Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt ta tới đâu trong phong trào đại kết? Nhiều người cho rằng Người đang dẫn ta tới một mùa xuân đại kết mới, một cách tiệm tiến, thầm lặng và an bình. Mùa xuân này là kết quả của 5 thập niên đối thoại liên tục. Chúng ta đang gần kề việc hiệp thông trọn vẹn với các Kitô hữu khác, một điều Chúa Kitô rất muốn có (Ga 17:21). 

Được như thế là nhờ việc các Giáo Hội ngày nay càng ngày càng chú trọng tới khía cạnh truyền giáo và việc đóng góp của hàng ngũ giáo dân. Thực vậy, các môn đệ của Chúa Kitô đang tìm mọi cách để chia sẻ sứ điệp cứu rỗi của Chúa Kitô với người khác. Đối với người Công Giáo, thúc đầy truyền giáo này được phát biều qua việc tân phúc âm hóa. Giáo Hội không những vươn tay ra với những ai chưa hề nghe nói về Chúa Kitô mà còn mời gọi những ai từng đồng hành với chúng ta nhưng sau đó rẽ qua đường khác trở về với chúng ta nữa. 

Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Động Hợp Nhất Kitô Giáo hồi tháng Mười Một năm ngoái, Đức Bênêđúctô XVI cho hay: “Như đã biết, các nghị phụ (của Vatican II) có ý định nhấn mạnh tới mối liên kết chặt chẽ giữa trách vụ phúc âm hóa và việc thắng vượt các chia rẽ hiện nay giữa các Kitô hữu”. Ngài chỉ rõ: Chúa Giêsu từng cầu xin cho có sự hợp nhất giữa các môn đệ “để thế giới tin” (Ga 17:21). Sự hợp nhất này phục vụ mục đích sâu xa và hết sức quan trọng là thiện ích của nhân loại. 

Đức Bênêđíctô coi sự nghèo nàn thiêng liêng nơi nhiều người là thách đố lớn đối với các Kitô hữu. Làm thế nào ta có thể đem sứ điệp của Chúa Kitô một cách đầy hy vọng, hân hoan và thuyết phục, đến đổ đầy cái khoảng không thiêng liêng này và tạo ra sự bình an cho tâm hồn? 

Hoà giải và vấn đề luân lý 

Như thông lệ, trong bài diễn văn trên, Đức Bênêđíctô kêu gọi các Kitô hữu tự vấn lương tâm và xám hối để trở thành các chứng nhân hữu hiệu hơn. Ngài cho rằng: phong trào đại kết và tân phúc âm hóa “cả hai đều cần năng động tính của hồi tâm, hiểu như việc thành tâm mong ước theo Chúa Kitô và hoàn toàn gắn bó với thánh ý Chúa Cha”. Biến đổi bản thân là khúc dạo đầu của việc đem lời kêu mời tới người khác. 

Như thế, ta phải vào sâu một cách thiêng liêng hơn. Sự hợp nhất hữu hình đòi phải có việc hoà giải đích thực và lâu dài giữa các cộng đồng Kitô Giáo. Có lẽ kinh nghiệm hiện nay của việc hòa giải cộng đồng, được cổ vũ tại nhiều quốc gia do các nhóm như phong trào Focolare nổi tiếng quốc tế khởi xướng, có thể cung cấp cho các cộng đồng Kitô Giáo nhiều kế sách hoà giải. Ta hãy cầu xin cho có sự hoà giải này. 

Hiện đang có nhiều tiến bộ đối với hòa giải. Một trong các điển hình, dù ít được ai biết đến, là Đại Hội Tham Vấn Thần Học Chính Thống và Công Giáo Bắc Mỹ. Đại Hội này được triệu tập lần đầu vào năm 1965, họp hai lần mỗi năm và đã soạn thảo được ít nhất 25 tuyên bố chung. Các bên đối thoại đã thỏa thuận rằng một số biện pháp cần được đưa ra để chuẩn bị cho việc hiệp thông đầy đủ giữa các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo. Tuyên bố gần đây nhất, tựa là “Các Bước Tiến Tới Một Giáo Hội Tái Hợp Nhất”, được công bố năm 2010, chỉ ra con đường tiến tới.

Lẽ dĩ nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa được các Giáo Hội đồng thuận. Như vấn đề luân lý tính dục chẳng hạn. Các chuyên viên đối thoại đại kết thường bắt đầu với các vấn đề đã được các bên đồng thuận, rồi mới tiến qua các vấn đề trong đó các hiểu biết của các bên xem ra bổ túc cho nhau và cuối cùng mới bàn tới các vấn đề xem ra vẫn còn chia rẽ. Đồng thuận và bổ túc cho nhau có thể cho ta thấy lý do khiến các bên đối thoại vẫn còn chia rẽ. 

Sau cùng, các nhà đối thoại đại kết mới khởi sự thảo luận tới các vấn đề liên quan tới luân lý bản thân, như việc tan vỡ gia đình, sống chung, ngừa thai, triệt sản v.v... Cho tới gần đây, rất ít có cuộc thảo luận đại kết nào về các vấn đề có tính xúc cảm cao độ này. Cuộc đối thoại Anh Giáo và Công Giáo hiện nay đang xoay quanh việc nhận diện các điểm đồng thuận và các điểm dị biệt trong cách hiểu các vấn đề luân lý bản thân. Các cố gắng này rất có thể dẫn tới các khẳng định hỗ tương bất ngờ. 

Phó tế và việc tham gia của giáo dân

Hiệp Hội Viên Chức Đại Kết và Liên Tôn Giáo Phận Công Giáo, một tổ chức được thành lập năm 1971 để giúp các nhà lãnh đạo đại kết liên kết và trao đổi suy nghĩ, và các dòng tu có sứ mệnh truyền giáo như Dòng Paulist, Nữ Tu Phansinh hay Tu Huynh Đền Tội, mấy thập niên qua, vốn cung cấp cho Giáo Hội nhiều cán độ được huấn luyện cao trong vai trò lãnh đạo đại kết. Các linh mục và tu sĩ, với nhiều đặc sủng, luôn đóng vai trò thiết yếu trong các liên hệ đại kết, nhưng việc đóng góp này đang thay đổi khi con số linh mục và tu sĩ ngày một giảm đi. 

Các giáo dân nam nữ vốn đã đóng vai trò có ý nghĩa trong phong trào đại kết ngay từ đầu. Phong trào Focolare, chẳng hạn, đem các Kitô hữu của nhiều Giáo Hội lại với nhau. Linh đạo hợp nhất của phong trào này là nền tảng của việc huấn luyện đại kết cho các thành viên của phong trào và cho các “đối thoại viên bằng đời sống”. Đời sống yêu thương hàng ngày của họ đối với người lân cận rất lôi cuốn đối với những người tìm kiếm nó. 

Ngày nay, ta thấy Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn cho các phó tế vĩnh viễn và cho giáo dân Công Giáo để họ tiến lên phía trước một cách có ý nghĩa hơn nữa. Đây là một phần trong kế hoạch an bài của Thiên Chúa. Hiện nay tại Hoa Kỳ, các giáo phận thường có tới 16 phó tế làm viên chức đại kết cho mình. 

Giáo dân nam nữ tiếp tục phục vụ trong các hội đồng đại kết giáo phận và trong tư cách đại diện đại kết giáo xứ. Đại kết càng tiến triển, vai trò các đại diện giáo dân này càng tiếp tục mở rộng thêm. Các giáo dân vốn được huấn luyện trong các nét căn bản của phong trào đại kết sẽ giúp giáo phận trong nhiều liên hệ với anh chị em Kitô hữu khác. Chiều hướng này rất phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Trong “Sắc Lệnh về Đại Kết” (1964), Công Đồng Vatican II khuyên “mọi tín hữu Công Giáo nhận ra các dấu chỉ của thời đại và góp phần tích cực và thông minh vào công cuộc đại kết”. 

Các hình thức huấn luyện

Giáo dục là điều chủ yếu trong việc “góp phần tích cực và thông minh” vào phong trào đại kết, và việc giáo dục này có nhiều chiều kích khác nhau. Chắc chắn ai cũng cần phải biết những điều căn bản trong “Sắc Lệnh về Đại Kết” của Vatican II, cũng như tập “Hướng Dẫn Việc Áp Dụng Các Nguyên Tắc và Qui Luật Đại Kết” từng được Tòa Thánh tái duyệt và ấn hành năm 1993, thông điệp “Ut Unum Sint” của Đức Gioan Phaolô II và nhiều tuyên bố của Đức Bênêđíctô về chủ đề này. 

Ủy Ban Giám Mục về Đại Kết và Liên Tôn của HĐGM/Hoa Kỳ đang khởi sự khai triển nhiều mô thức mới để huấn luyện các nhà lãnh đạo địa phương. Các mô thức này sẽ bén rễ sâu vào truyền thống linh đạo của ta. Chúng sẽ bao gồm các video có sẵn trên trực tuyến và nhiều tài nguyên khác trên trang mạng của HĐGM Hoa Kỳ. Nhiều chương trình tổng hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của các linh mục, tu sĩ, phó tế và giáo dân đã được dự trù. Việc huấn luyện giáo dân phải bao gồm không chỉ những người phục vụ tại các hội đồng đại kết mà cả những ai cộng tác với các thừa tác vụ công bằng xã hội hoặc các cặp trong các cuộc hôn nhân đại kết. 

Một số công trình gần đây sẽ giúp phát huy việc giáo dục về đại kết. Điển hình đáng lưu ý là việc cho công bố tập Thu Hoạch Hoa Trái: Các Khía Cạnh Căn Bản của Đức Tin Kitô Giáo Trong Cuộc Đối Thoại Đại Kết (Continuum, 2009), tác giả là Đức HY by Walter Kasper, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo. Trong tập sách này, Đức HY Kasper gom góp một cách ngắn gọn và dễ đọc các kết quả của gần 50 năm đối thoại với bốn đối tác quốc tế chính là Anh Giáo, Giáo Hội Luthêrô, Giáo Hội Methodist và Giáo Hội Cải Cách. Ngài tổng hợp các đồng thuận trong 4 phạm vi, trong đó có chương rất phong phú về các tiến bộ trong cái hiểu về Giáo Hội. Đức HY Kasper cũng nhấn mạnh tới “các vấn đề còn bỏ ngỏ và các dị biệt còn tồn đọng”. 

Thành tựu trên có tiếng vang khắp nơi. Thí dụ, Đức HY Kurt Koch, người kế nhiệm Đức HY Kasper tại hội đồng giáo hoàng, gần đây lên tiếng kêu gọi ban hành một tuyên bố nhằm tóm lược các thành quả của cuộc đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo và cộng đồng đối tác. Các thành quả này nên được các Giáo Hội chính thức nhìn nhận. Bản tuyên bố này cũng sẽ cho thấy các vấn đề còn cần được thảo luận thêm. Lời kêu gọi của Đức HY Koch đã có tiếng vọng nơi một số nhà lãnh đạo Thệ Phản. 

Hàng thập niên cố gắng chung nhằm hàn gắn các vết thương của bất đồng quá khứ cuối cùng được trình bày cho nhiều người cùng đọc hơn. Trước đây, chỉ các nhà chuyên môn mới có thì giờ nghiên cứu hàng bộ sách trên các bục sách đại kết. Ngày nay, các bản tóm lược mỗi ngày mỗi có sẵn, tác động mạnh đối với việc cầu nguyện và thảo luận cộng đoàn tại địa phương dưới nhiều cách thức không ai dự đoán được. 

Tiếp nối công trình

Các chiều hướng trên hiện đang được tiếp diễn. Các tuyên bố được thỏa thuận hiện nay sẽ cung cấp nền tảng cho cuộc đối thoại thần học của ta với các bằng hữu Chính Thống, Thệ Phản và Anh Giáo. Điển hình là “Tuyên Bố Thoả Thuận về Phép Rửa” được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và bốn Giáo Hội Cải Cách là Giáo Hội Trưởng Lão, Giáo Hội Cải Cách Hoa Kỳ, Giáo Hội Hiệp Nhất Của Chúa Kitô và Giáo Hội Cải Cách Kitô Giáo, chấp nhận gần đây. 

Điển hình thứ hai là “Tuyên Bố Chung về Học Lý Công Chính Hóa” được Liên Minh Luthêrô Thế Giới và Tòa Thánh chấp thuận năm 1999. Hội Đồng Methodist (giám lý) Thế Giới cũng đã ký vào tuyên bố này năm 2006. Văn kiện này tuyên bố rằng “Chúng tôi cùng nhau tuyên xưng rằng: Nhờ ơn thánh mà thôi, nhờ đức tin vào công trình cứu rỗi của Chúa Kitô chứ không nhờ bất cứ công phúc nào của chúng tôi, chúng tôi được Thiên Chúa chấp nhận và tiếp nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới tâm hồn chúng tôi trong khi trang bị và kêu gọi chúng tôi làm việc lành”. Nhờ thế, vấn đề nổi bật nhất của Thệ Phản đã được đồng thuận một cách dị biệt (diffenrantiated consensus). Hai bên đã đạt được sự nhất trí về vấn đề cốt lõi, tuy nhiều vấn đề liên hệ vẫn chưa đạt được đồng thuận. Các nhà thần học hàng đầu sẽ còn phải dành ra nhiều thập niên nữa, nếu không muốn nói là nhiều thế kỷ nữa, để tranh luận các vấn đề này. 

Việc canh tân thiêng liêng sẽ luôn nằm ở tâm điểm của phong trào đại kết. Tương lai sẽ bớt tình trạng “anh đi đường anh tôi đi đường tôi” và càng ngày “chúng ta” càng cùng nhau biện phân ra đường hướng của Thiên Chúa dành cho mình nhiều hơn. Điều cần là ta phải bén rễ sâu hơn vào lời cầu nguyện. Ta cần có thì giờ dành cho im lặng và tĩnh lặng. Đó là thì giờ để lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Ta cần chăm chú lắng nghe các Kitô hữu khác. Học hỏi người khác đòi ta phải khiêm nhường. Nhờ thế, ta sẽ trở nên giống Chúa Giêsu hơn, Đấng luôn luôn hạ mình xuống. Mà càng cùng giống Chúa Kitô thì nhiên hậu phong trào đại kết càng kết trái đâm bông.


Vũ Văn An 9/14/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét