Diễn Từ của ĐTC Phanxicô dành cho các Giáo Lý Viên tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý
“Điều
đầu tiên đối với một môn đệ là được ở với Thầy, lắng nghe Người, học hỏi từ
Người. Và điều này phải luôn luôn, vì đó là một cuộc hành trình kéo dài suốt
đời!...Và đây là công việc của các giáo lý viên: liên tục thoát ra khỏi việc tự
yêu mình, để làm nhân chứng cho Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu cùng rao giảng Chúa
Giêsu.”
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ sáu ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Sảnh Đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến các các giáo lý viên hành hương về Rôma vào dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ sáu ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Sảnh Đường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến các các giáo lý viên hành hương về Rôma vào dịp Năm Đức Tin và tham dự Đại Hội Quốc Tế về Dạy Giáo Lý
* * *
Các Giáo lý viên thân mến, chào anh chị em!
Tôi rất vui mừng có cuộc gặp gỡ với anh chị em trong năm đức tin này: dạy giáo lý là một trụ cột của việc giáo dục đức tin, và chúng ta cần phải có những giáo lý viên tốt! Cảm ơn anh chị em vì việc phục vụ cho Hội Thánh và trong Hội Thánh này. Mặc dù việc này đôi khi khó khăn, phải làm việc cực nhọc, dấn thân mà không thấy kết quả mong muốn, giáo dục đức tin là điều tuyệt đẹp! Và có lẽ di sản đạo đức tốt nhất chúng ta có thể cung cấp là đức tin! Giáo dục người ta trong đức tin, làm cho nó lớn lên. Giúp đỡ trẻ em, thiếu niên, thanh niên, người lớn mỗi ngày một biết và yêu mến Chúa hơn là một trong những cuộc phiêu lưu giáo dục đẹp nhất, điều đó xây dựng Hội Thánh! “Là” giáo lý viên! Đừng làm việc như là các giáo lý viên: điều này không cần thiết! Tôi làm việc như một giáo lý viên vì tôi thích dạy học... Nhưng nếu anh chị em không phải là giáo lý viên, thì điều đó không đi đến đâu! Anh chị em sẽ không sinh hoa trái! Anh chị em sẽ không sinh hoa trái! Giáo lý viên là một ơn gọi: “là một giáo lý viên,” chính là ơn gọi, đừng làm việc như giáo lý viên. Hãy chú ý, tôi không nói “làm” giáo lý viên, nhưng “là” giáo lý viên, bởi vì nó liên hệ đến đời sống. Nghĩa là dẫn người ta đến gặp gỡ Đức Kitô bằng lời nói và cuộc sống của mình, bằng việc làm nhân chứng. Hãy nhớ những gì Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Hội Thánh không phát triển nhờ cải đạo. Hội Thánh phát triển nhờ sự thu hút.” Và điều thu hút người khác chính là việc làm chứng của chúng ta. Là một giáo lý viên có nghĩa là làm chứng cho đức tin; hãy trước sau như một trong cuộc sống của anh chị em. Và điều này không dễ dàng. Nó không dễ dàng! Chúng ta giúp đỡ họ, chúng ta đẫn họ đến gặp gỡ Đức Kitô trong lời nói và cuộc sống của mình, qua việc làm nhân chứng. Tôi muốn nhắc lại những lời Thánh Phanxicô Assisi nói với các huynh đệ của ngài: “Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng, và nếu cần thì bằng lời nói”. Những lời nói đến... nhưng việc làm nhân chứng đến trước: nếu người ta thấy được Tin Mừng trong đời sống chúng ta, thì họ có thể đọc Tin Mừng. Và việc “là” giáo lý viên đòi hỏi tình yêu, một tình yêu phải càng ngày càng khăng khít hơn với Đức Kitô, tình yêu đối với dân thánh của Người. Và tình yêu này không thể mua được trong các cửa tiệm, không thể mua được ngay cả ở đây, tại Roma. Tình yêu này đến từ Đức Kitô! Đó là một hồng ân của Đức Kitô! Đó là một món quà của Đức Kitô! Và nếu nó đến từ Đức Kitô, nó bắt đầu từ Đức Kitô và chúng ta phải bắt đầu lại từ Đức Kitô, từ tình yêu mà Người ban cho chúng ta. Bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa gì đối với một giáo lý viên, đối với anh chị em, đối với tôi, vì tôi cũng là một giáo lý viên? Điều này có nghĩa gì?
Tôi sẽ nói về ba điều: một, hai và ba, cũng như các tu sĩ Dòng Tên già ... một, hai, ba!
1 . Trước hết, hãy bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa là có một sự thân mật với Người, có sự thân mật này với Chúa Giêsu: Chúa Giêsu một mực khuyên nhủ các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, khi Người chuẩn bị ban cho chúng ta món quà cao quý nhất của tình yêu, là hy tế Thập Giá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho, mà nói rằng: các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, hãy tiếp tục gắn bó với Thầy, như một cành nho gắn liền với cây nho. Nếu chúng ta kết hợp với Chúa, chúng ta có thể trổ sinh hoa trái, và đó nghĩa là sự thân mật với Đức Kitô. Ở lại trong Chúa Giêsu! Đó là bám chặt vào Người, trong Người, với Người, truyện vãn với Người: ở lại trong Chúa Giêsu.
Điều đầu tiên đối với một môn đệ là được ở với Thầy, lắng nghe Người, học hỏi từ Người. Và điều này phải luôn luôn, vì đó là một cuộc hành trình kéo dài suốt đời! Tôi nhớ lại nhiều lần trong giáo phận, là một giáo phận mà tôi đã có trước đây, tôi đã thấy vào cuối của khóa học của viện giáo lý, các giáo lý viên đi ra và nói: “Tôi có tước hiệu giáo lý viên.” Điều đó không có ích gì, anh chị em không có gì, anh chị em mới đi được một bước đường nhỏ! Ai sẽ giúp anh chị em? Nhưng có điều này luôn luôn đúng! Đó không phải là một tước hiệu mà là một thái độ: ở lại với Người, và kéo dài suốt đời! Có nghĩa là ở trong sự hiện diện của Chúa, và để cho Người nhìn ngắm chúng ta. Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em ở trong sự hiện diện của Chúa như thế nào? Khi anh chị em đến với Chúa, khi nhìn vào Nhà Tạm, anh chị em làm gì? Không dùng lời nói ... “Nhưng tôi nói, tôi nói, tôi suy nghĩ, tôi suy niệm, tôi lắng nghe….” Rất tốt! Nhưng anh chị em có để cho Chúa nhìn ngắm anh chị em không? Chúng ta hãy để cho Chúa nhìn ngắm mình. Người nhìn chúng ta và đây chính là một cách cầu nguyện. Anh chị em có để cho Chúa nhìn ngắm mình không? Nhưng anh chị em làm thế nào? Hãy nhìn vào Nhà Tạm, và hãy để mình được Chúa nhìn ... thật đơn giản! Điều này hơi nhàm chán, tôi ngủ gật ... Cứ ngủ đi, cứ ngủ đi! Người vẫn sẽ nhìn ngắm anh chị em, Người vẫn sẽ nhìn ngắm anh chị em. Nhưng anh chị em chắc chắn rằng Người nhìn ngắm anh chị em! Và điều này quan trọng hơn nhiều so với tước hiệu giáo lý viên: đó là một phần của việc là một giáo lý viên. Điều này sưởi ấm tâm hồn tôi, giữ cho ngọn lửa tình bằng hữu với Chúa được cháy mãi, làm cho anh chị em cảm thấy rằng Người thực sự nhìn ngắm anh chị em, gần gũi và yêu thương anh chị em. Trong một chuyến thăm viếng của tôi ở đây tại Roma, vào lúc Thánh Lễ một người tương đối trẻ đến gần tôi và nói: “Chào cha, tôi rất vui mừng được gặp cha, nhưng tôi không tin gì cả! Tôi không có hồng ân đức tin.” Anh ta hiểu rằng đức tin là một món quà. “Tôi không có hồng ân đức tin! Cha sẽ nói gì với tôi đây?” “Đừng nản lòng. Người yêu bạn. Hãy để cho Người nhìn ngắm bạn! Đừng làm gì hơn.” Và tôi nói cùng điều đó với anh chị em: hãy để cho Chúa nhìn ngắm anh chị em! Tôi hiểu điều đó không đơn giản đối với anh chị em, đặc biệt là những người đã lập gia đình và có con, rất khó tìm ra thời gian lâu dài để yên tĩnh. Nhưng cảm tạ Chúa, không nhất thiết là tất cả mọi người đều phải làm cùng một cách; có nhiều ơn gọi và nhiều hình thức linh đạo trong Hội Thánh; điều quan trọng là phải tìm một cách thích hợp để ở lại với Chúa; và điều này có thể được, có thể được trong tất cả các bậc sống. Lúc này mỗi người có thể tự hỏi: Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu này? Đây là một câu hỏi mà tôi để lại cho anh chị em, “Tôi làm thế nào để sống việc “ở lại” với Chúa Giêsu, việc “nghỉ ngơi” trong Chúa Giêsu này?” Tôi có những giây phút ở trong sự hiện diện của Người, trong im lặng, hoặc để cho Người nhìn tôi không? Tôi có để cho lửa của Người sưởi ấm tâm hồn tôi không? Nếu trong tâm hồn chúng ta không có hơi ấm của Thiên Chúa, không có tình yêu và sự dịu dàng của Ngài, thì làm sao chúng ta, những tội nhân nghèo hèn, có thể sưởi ấm tâm hồn những người khác? Hãy suy nghĩ về điều này!
2. Yếu tố thứ hai là điều này. Thứ hai: bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa là bắt chước Người trong việc thoát ly chính mình và đến gặp những ngưởi khác. Đây là một kinh nghiệm đẹp, và một chút nghịch lý. Tại sao? Bởi vì những người đặt Đức Kitô làm trọng tâm của đời sống của họ, đều là những người bị lệch tâm! Anh chị em càng kết hợp Chúa Giêsu thì Người càng trở nên trung tâm của đời sống anh chị em, càng làm cho anh chị em thoát ly chính mình, ra khỏi trung tâm của mình và mở lòng ra cho những người khác. Đây là động lực thật của tình yêu, đây là chuyển động của Thiên Chúa! Thiên Chúa là trung tâm, nhưng Ngài luôn luôn là món quà tự hiến, là sự liên hệ, sự sống tự thông truyền ... Vì thế, chúng ta cũng trở thành như vậy nếu chúng ta tiếp tục kết hiệp với Đức Kitô, Người làm cho chúng ta thông phần vào động năng này của tình yêu. Ở đó có sự sống thật trong Đức Kitô, có sự mở lòng ra cho tha nhân, có một lối ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người khác nhân danh Đức Kitô. Và đây là công việc của các giáo lý viên: liên tục thoát ra khỏi việc tự yêu mình, để làm nhân chứng cho Chúa Giêsu và về Chúa Giêsu cùng rao giảng Chúa Giêsu. Điều này thật quan trọng bởi vì Người là Chúa: chính Chúa là Đấng thúc đẩy chúng ta đi ra.
Trái tim của giáo lý viên luôn luôn sống chuyển động này của “systole (thu tâm) – diastole (trương tâm)”: kết hiệp với Chúa Giêsu - gặp gỡ tha nhân. Đó là hai điều: Tôi kết hợp cùng Chúa Giêsu và đi ra gặp gỡ những người khác. Nếu thiếu một trong hai chuyển động này, thì trái tim sẽ ngừng đập, và chúng ta không còn sống được. Lãnh nhận hồng ân Tin Mừng (kerygma), rồi đến lượt mình ban tặng hồng ân ấy cho tha nhân. Ngôn từ nhỏ bé làm sao: “món quà”. Giáo lý viên ý thức rằng mình đã nhận được một món quà, hồng ân đức tin, và trao nó lại cho những người khác như một món quà. Và điều này là tuyệt đẹp. Chúng ta không giữ lại cho mình một phần nào! Tất cả những gì chúng ta nhận được chúng ta đều cho đi! Đây không phải là thương mại! Đây không phải là buôn bán! Đây là món quà tinh khiết: một món quà nhận được và một món quà trao đi. Và giáo lý viên có mặt ở đó, ở giao điểm này của việc trao đổi món quà. Đó cũng là điều ở trong chính bản chất của kerygma: đó là một món quà tạo ra sứ vụ, một sứ vụ luôn luôn thúc đẩy chúng ta vượt qua chính mình. Thánh Phaolô đã nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy chúng ta”, nhưng “thúc đẩy chúng ta” cũng có thể được dịch là “chiếm hữu chúng ta”. Thực sự là như thế: tình yêu thu hút chúng ta và sai chúng ta đi; nó kéo chúng ta vào và ban chúng ta cho người khác. Trong sự dằng co này con tim của Kitô hữu, đặc biệt là con tim của giáo lý viên, chuyển động. Tất cả chúng ta hãy tự hỏi: kết hiệp với Chúa Giêsu và gặp gỡ than nhân có phải là cách con tim tôi đập như một giáo lý viên không? Bằng chuyển động “thu tâm và trương tâm” này không? Chúng ta được nuôi dưỡng bằng một mối liên hệ với Người, nhưng để đem Người đến cho tha nhân chứ không giữ lại cho mình không? Tôi nói với anh chị em một điều: tôi không hiểu làm sao mà một giáo lý viên có thể vẫn còn đứng im mà không có chuyển động này. Tôi không hiểu!
3 . Và yếu tố thứ ba - ba - luôn luôn theo dòng này: bắt đầu lại từ Đức Kitô có nghĩa là không sợ đi với Người vào các vùng ngoại ô. Ở đây tôi nhớ đến câu chuyện về ông Giôna, một nhân vật thật kỳ thú, đặc biệt là trong thời đại thay đổi và thiếu chắc chắn của chúng ta. Ông Giôna là một người ngoan đạo, với một cuộc sống yên tĩnh, có trật tự; điều này làm cho ông có những khôn khổ rất rõ ràng và đánh giá tất cả mọi sự và mọi người theo những khuôn khổ này, một cách cứng nhắc. Đối với ông tất cả mọi sự đều rõ ràng, sự thật là thế. Ông ta thật cứng nhắc! Vì lý do đó mà khi Chúa gọi ông và truyền cho ông đi rao giảng cho dân thành Ninevê, một thành ngoại đạo lớn, ông Giôna không bằng lòng. Hãy đi đến đó! Nhưng tôi có toàn bộ sự thật ở đây. Ông không bằng lòng ... Ninevê nằm ngoài khuôn khổ của ông, ở vùng ngoại ô của thế giới của ông. Và vì thế ông bỏ trốn, ông lên đường đi sang Tây Ban Nha; ông trốn đi và lên một con tàu đưa ông đến đó. Hãy đọc Sách Giôna! Đó là một sách ngắn, nhưng là một chuyện ngụ ngôn rất hữu ích, đặc biệt là cho chúng ta là những người trong Hội Thánh.
Sách ấy dạy chúng ta những gì? Nó dạy chúng ta đừng sợ vượt ra ngoài khuôn khổ của mình để theo Chúa, vì Thiên Chúa luôn luôn đi xa hơn nữa. Nhưng anh chị em có biết điều này không? Thiên Chúa là không biết sợ! Anh chị em có biết điều đó không? Ngài không biết sợ! Ngài luôn luôn vượt ra ngoài khuôn khổ của chúng ta! Thiên Chúa không sợ các vùng ngoại ô. Nhưng nếu anh chị em đi đến các vùng ngoại ô, anh chị em sẽ tìm thấy Ngài ở đó. Thiên Chúa luôn luôn trung tín, Ngài có óc sáng tạo. Nhưng, xin lỗi, người ta không hiểu nổi tại sao một giáo lý viên không biết sáng tạo. Và óc sáng tạo như cột trụ làm thành một giáo lý viên. Thiên Chúa có óc sáng tạo, Ngài không khép kín, và vì thế Ngài không bao giờ cứng nhắc. Thiên Chúa không cứng nhắc! Ngài đón nhận chúng ta, đến gặp chúng ta, hiểu chúng ta. Để trở nên trung thành, có sáng kiến, chúng ta cần phải biết thay đổi. Biết thay đổi. Và tại sao tôi phải thay đổi? Để tôi có thể thích nghi với những hoàn cảnh mà trong đó tôi phải rao giảng Tin Mừng. Để ở lại với Thiên Chúa tôi phải biết đi ra ngoài, không được sợ đi ra ngoài. Nếu một giáo lý viên chịu thua sự sợ hãi, thì giáo lý viên ấy là một kẻ hèn nhát; nếu một giáo lý viên sống yên hàn, giáo lý viên ấy rốt cuộc sẽ thành một pho tượng trong viện bảo tàng: và chúng ta có rất nhiều! Chúng ta có rất nhiều! Làm ơn đừng thành những pho tượng trong viện bảo tàng! Nếu một giáo lý viên cứng nhắc, giáo lý viên ấy trở nên cằn cỗi và không sinh hoa trái. Tôi hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em muốn là một kẻ hèn nhát, một pho tượng trong viện bảo tàng hoặc không sinh hoa trái không? Có ai có ý muốn những điều này không? [Các giáo lý viên: “Thưa Không!”] Không? Anh chị em có chắc chắn không? Tốt lắm! Điều mà tôi sẽ nói bây giờ tôi đã nói với anh chị em nhiều lần, nhưng nó xuất phát từ con tim. Khi chúng ta, những Kitô hữu, tự khép kín trong nhóm của mình, trong phong trào của mình, trong giáo xứ của mìhn, trong môi trường của mình, chúng ta tiếp tục đóng kín, và những gì xảy ra cho tất cả những nơi đóng kín cũng xảy ra cho chúng ta: khi một căn phòng bị đóng kín người ta bắt đầu ngửi thấy mùi ẩm thấp. Và nếu một người bị đóng kín trong căn phòng đó, người ấy sẽ bị bệnh! Khi một Kitô hữu bị đóng kín trong nhóm của mình, trong giáo xứ của mình, trong phong trào của mình, người ấy bị đóng kín và ngã bệnh. Nếu một Kitô hữu đi ra ngoài các đường phố, ra các vùng ngoại ô, điều xảy ra một số người đi ngoài đường cũng có thể xảy ra cho người ấy: một tai nạn. Vì thế, nhiều lần chúng ta thấy tai nạn giao thông. Nhưng tôi nói với anh chị em: Tôi một ngàn lần thà có một Hội Thánh bị (thương tích vì) tai nạn hơn là một Hội Thánh bệnh hoạn! Một Hội Thánh, một giáo lý viên có can đảm chấp nhận rủi ro để đi ra ngoài, chứ không phải một giáo lý viên chịu khó học hành, biết tất cả mọi sự, nhưng luôn luôn đóng cửa: giáo lý viên ấy bị bệnh. Và đôi khi bị bệnh trên đầu....
Nhưng hãy cẩn thận! Chúa Giêsu không nói: hãy đi và tự mình làm mọi sự. Không, Chúa không nói thế! Chúa Giêsu nói: Hãy đi, Thầy ở cùng các con! Đó là vẻ đẹp và sức mạnh của chúng ta: nếu chúng ta đi, nếu chúng ta đi ra ngoài để đem Tin Mừng của Người với tình yêu, với tinh thần tông đồ đích thực, với sự chắc chắn (mạnh bạo), Người cùng đi với chúng ta, Người đi trước chúng ta, như chúng tôi nói trong tiếng Tây Ban Nha – Người “primerea” chúng ta. Chúa luôn luôn “primerea” chúng ta! Bây giờ anh chị em đã học được ý nghĩa của từ này. Và chính Thánh Kinh nói điều này, chứ không phải tôi nói. Trong Thánh Kinh, Chúa nói trong Thánh Kinh: Ta như hoa của cây hạnh nhân. Tại sao? Bởi vì đó là hoa đầu tiên nở trong mùa xuân. Người luôn luôn là “Primero”! Người là người đầu tiên! Điều này rất quan trọng đối với chúng ta: Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta! Khi chúng ta nghĩ đến việc đi xa, đến một vùng ngoại ô thật xa, và có thể chúng ta hơi chút sợ hãi, nhưng thực ra Người đã ở đó: Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta trong con tim của anh em chị em chúng ta, trong vết thương nơi da thịt của họ, trong đời sống bị áp bức của họ, trong tâm hồn thiếu đức tin của họ. Nhưng anh chị em có biết một trong những vùng ngoại ô làm cho tôi tổn thương rất nhiều mà tôi cảm thấy đau đớn không - tôi đã thấy điều ấy trước hết trong giáo phận mà tôi trông coi trước đây? Đó là những trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá. Ở Buenos Aires có rất nhiều trẻ em không biết làm Dấu Thánh Giá. Đây là một vùng ngoại ô! Anh chị em phải đi đến đó! Và Chúa Giêsu đang ở đó chờ anh chị em, chờ anh chị em giúp trẻ em làm Dấu Thánh Giá. Người luôn luôn ở đó trước chúng ta.
Các giáo lý viên thân yêu, đã hết ba điểm. Luôn luôn bắt đầu lại từ Đức Kitô! Tôi cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em làm, nhưng trên hết vì anh chị em ở trong Hội Thánh, ở trong Dân Thiên Chúa đang lữ hành, và anh chị em đồng hành với Dân Thiên Chúa trong cuộc hành trình này. Chúng ta hãy ở lại với Đức Kitô - ở trong Đức Kitô - chúng ta hãy luôn luôn cố gắng làm một với Người; chúng ta hãy theo Người, bắt chước Người trong cử chỉ yêu thương của Người, trong việc đi ra để gặp gỡ nhân loại; và chúng hãy ta đi ra ngoài, chúng ta hãy mở cửa, chúng ta hãy cả gan vạch ra những con đường mới cho việc loan báo Tin Mừng.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và Đức Mẹ đồng hành với anh chị em. Cảm ơn anh chị em!
Đức Mẹ là Mẹ chúng ta, Đức Mẹ luôn luôn dẫn chúng ta đến cùng Chúa Giêsu!
Chúng ta hãy dâng Đức Mẹ một lời cầu nguyện cho nhau.
[Kính Mừng Maria]
[Phép lành]
Cảm ơn anh chị em rất nhiều!
Phaolô Phạm Xuân Khôi 9/28/2013 http://giaoly.org/vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét