Trang

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

11-09-2013 : THỨ TƯ TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ 11/09/2013
Thứ Tư sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 3, 1-11
"Anh em đã chết với Ðức Kitô. Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Vậy anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, tức là những điều trần tục: là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng. Vì những tội ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những người con phản nghịch. Xưa kia anh em cũng đã sống trong những tội ấy, khi anh em sống trong những thói hư nết xấu đó. Nhưng bây giờ, anh em hãy loại bỏ tất cả những điều đó, là sự giận dữ, phẫn nộ, độc ác, phạm thượng, và lời tục tĩu bởi miệng anh em. Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa; nhưng Ðức Kitô là mọi sự và ở trong mọi sự.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 10-11. 12-13ab
Ðáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài (c. 9).

Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.

Alleluia: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Các Mối Phúc Thật

Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Ðược lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để  làm gì và sẽ đi về đâu.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 23 TN1
Bài đọc: Col 3:1-11; Lk 6:20-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống như Đức Kitô đã dạy.

Có nhiều tín hữu chỉ có đạo trên danh nghĩa, vì đã lãnh nhận Phép Rửa Tội; nhưng không chịu thi hành những gì Đức Kitô giảng dạy. Một cuộc sống như thế có giúp cho phần rỗi linh hồn họ không? Chúa Giêsu trả lời rất rõ ràng: "không phải tất cả những ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa."

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc giải thích tại sao con người cần sống đạo bằng cách thực hành Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê: tuy họ đang sống nơi hạ giới, nhưng họ không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; mà phải luôn hướng lòng lên và sống theo tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới. Lý do vì họ đã được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, thánh Luca mô tả thế nào là đời sống mới trong Đức Kitô bằng 4 mối phúc thật và 4 mối khốn khổ. Đức Kitô đã đảo lộn hoàn toàn tiêu chuẩn đánh giá trị của thế gian: những gì thế gian cho là phúc, Ngài cho là khốn khổ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai tác động của Bí Tích Rửa Tội

Để hiểu những gì thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu Colossê, chúng ta cần hiểu thần học ngài dạy về Bí-tích Rửa Tội: Khi được dìm mình trong nước, chúng ta dìm mình trong cái chết của Đức Kitô; và khi chúng ta trồi lên, chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Ngài. Vì thế, hai ứng dụng trong đời sống mà các tín hữu phải làm:

1.1/ Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.

1.2/ Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội là mặc lấy Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định về lối sống của chính Ngài: Tôi sống, nhưng không còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.

2/ Phúc Âm: Khốn khổ dưới mắt con người lại là phúc thật trước mặt Thiên Chúa.

Nếu Chúa Giêsu sống và rao giảng Tin Mừng này cho những con người hôm nay, không biết có mấy người dám theo Ngài; vì Ngài đảo lộn hoàn toàn nấc thang giá trị của thế gian. Những gì con người cho là phúc, Ngài cho là khốn; và những gì con người cho là khốn, Ngài lại cho là phúc.

2.1/ Nghèo khó: Người thế gian thích được giầu có, vì "có tiền mua tiên cũng được." Họ tìm mọi cách thức và dùng mọi thời gian để tích trữ của cải, sao cho không phải làm ăn hay lo lắng gì cả trong suốt cuộc đời còn lại của họ; trong khi đó, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em."

Chúa Giêsu biết rõ bản chất con người: của cải anh em ở đâu, lòng trí anh em ở đó. Nếu của cải của con người đặt trên những giá trị vật chất, lòng trí của họ đâu còn mơ tưởng những giá trị tinh thần. Khi con người không chú trọng đến của cải vật chất, họ sẽ có nhiều thời gian để đi tìm những giá trị tinh thần.

2.2/ Đói khát: Người thế gian không những thích ăn no, mà còn thích ăn ngon; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng."

Chúa Giêsu chắc chắn không cổ động sự nghèo đói, vì Ngài đã hai lần làm phép lạ để nuôi dân chúng khi họ không có bánh ăn. Mối phúc này có liên hệ với mối phúc thứ nhất, và điều Chúa Giêsu muốn nói tới không phải là sự đói khát vật chất mà là sự đói khát về tinh thần. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự, họ không cảm thấy nhu cầu cần đi tìm Thiên Chúa; nhưng khi con người đói khổ, họ sẽ biết chạy đến với Chúa để xin Ngài lấp đầy những thiếu thốn. Thực tế nhiều lần chứng minh: khi con người đói khổ, họ biết chạy đến với Chúa; khi con người no lòng thỏa dạ, họ bỏ Chúa để chạy theo những thú vui bất chính, và thờ lạy đủ mọi tà thần.

2.3/ Than khóc: Người thế gian rất sợ bệnh tật, đau khổ, và chết chóc; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười."

Một câu hỏi mà con người luôn thắc mắc: "Tại sao Thiên Chúa uy quyền và nhân lành lại để đau khổ, bệnh tật, chết chóc xảy ra cho con người; nhất là xảy ra cho người ''vô tội"?" Khi cuộc đời toàn mầu hồng, rất ít người nghĩ tới việc cám ơn những hồng ân Thiên Chúa đổ xuống trên cuộc đời mình. Họ coi đó là bổn phận Thiên Chúa phải làm. Nhưng khi phải đương đầu với đau khổ, họ trách cứ Thiên Chúa không thương và không chu toàn bổn phận. Lẽ ra, thay vì trách Thiên Chúa, họ phải đấm ngực trách mình; vì đã không sống đúng như những người thụ ơn. Khi để đau khổ xảy ra, Thiên Chúa cho con người nhận ra chân lý: con người không thể sống thiếu Thiên Chúa.

2.4/ Bị truy tố: Con người thích được người khác nghe lời và mến chuộng; trong khi Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế."

Khi chọn lối sống của người môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã chọn con đường tử đạo; vì nó khác xa lối sống của người thế gian. Người thế gian chú trọng đến sự giả hình, trong khi Đức Kitô dạy phải chú trọng đến sự thành thật. Họ thích được khen ngợi cho dù chẳng có điều gì đáng khen và cần được thanh tẩy bao tội lỗi trong tâm hồn. Ngôn sứ của Thiên Chúa phải nói những sự thật, nhưng họ không sẵn sàng chấp nhận sự thật; vì thế, việc họ truy tố ngôn sứ là chuyện đương nhiên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không được sống theo tiêu chuẩn và giá trị của hạ giới; nhưng phải hướng lòng trí lên trời để tìm và sống theo những tiêu chuẩn và giá trị của thượng giới.

- Chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho lối sống này, nhưng sẽ tìm được niềm vui trong tâm hồn, vì đã sống theo những gì Đức Kitô răn dạy, và được bảo đảm cho phần rỗi linh hồn mai sau.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 23 –

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 6,20-26

A. Hạt giống...
Trong khi Thánh Mát-thêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi 4 lời chúc phúc kèm theo những lời quở trách.
- Những kẻ được chúc phúc là những người nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, bị bách hại.
- Những kẻ bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, được tâng bốc.
Điều nên chú ý là : không phải tự thân, sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, nhưng chúng mang lại hạnh phúc vì chúng giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân, sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất đời này.

B.... nẩy mầm.
1. Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó… Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” : Có một truyện phim được chiếu trên truyền hình, kể chuyện một gia đình nghèo nhưng hạnh phúc, về sau khi họ giàu lên thì không còn hạnh phúc nữa. Có lẽ dụng ý của Đài khi chiếu phim này là để đưa ra một lời cảnh giác cho mọi người trong thời kỳ đất nước đang mở cửa theo hướng kinh tế thị trường. Nghèo chưa hẳn là khổ, và giàu chưa hẳn là sướng. Sướng hay khổ là do lòng người, hay nói cho đúng hơn, do những giá trị mình theo đuổi. Như gia đình ấy khi còn nghèo thì mọi người biết lo lắng và hy sinh cho nhau ; đến khi giàu thì mạnh ai nấy lo hưởng thụ một cách ích kỷ.
2. Trong bài Tin Mừng này, thánh Luca chú ý ghi rõ những chữ “bây giờ” và “sẽ”. Nghĩa là có thể có sư thay đổi tình trạng. Bây giờ đang khổ nhưng sau này có thể sẽ hạnh phúc ; ngược lại bây giờ đang sung sướng nhưng sau này có thể sẽ khổ. Người đang khổ vật chất nhưng biết tìm kiếm những giá trị siêu nhiên thì sẽ hạnh phúc ; ngược lại kẻ đang sung sướng với những giá trị vật chất nhưng cứ bám vào chúng mà không vươn lên những giá trị siêu nhiên thì sẽ bất hạnh.
3. Chúa rất yêu thương và rất công bình : ngay cả những người đang khổ, Chúa cũng ban cho họ hạnh phúc, một thứ hạnh phúc lạ lùng mà sự khôn ngoan thế gian không nghĩ ra được.
Xin cho con đừng bi quan chán nản trong những cái khổ hiện tại của con, nhưng biết tìm trong đó nguồn hạnh phúc siêu nhiên.
4. Lời cầu nguyện của người nghèo :
Chúa ơi, sao Chúa lại sinh ra trong thân phận người nghèo ? Đói nghèo cực khổ lắm, Chúa không biết sao ? Vừa túng thiếu vừa vất vả nhọc nhằn, vừa bị người ta khinh bỉ, thiệt thòi đủ thứ. Chúa chọn cảnh nghèo làm chi vậy ? Nếu Chúa không phải là Chúa, thế nào người ta cũng chê là dại. Nhưng dần dần con đã hiểu : chỉ có Chúa thánh thiện, khôn ngoan và thương yêu vô cùng mới dám dại như thế. Thật vậy, việc Chúa chọn phận nghèo chính là một nguồn an ủi lớn cho con. Trước hết, với cuộc sống nghèo, Chúa đã tích cực chia sẻ cộc đời túng thiếu của con. Chúa chia sẻ thực sự bằng cách sống với người nghèo, trong cảnh nghèo, như người nghèo và cho người nghèo. Nhìn vào cuộc đời Chúa, con thấy Chúa còn nghèo hơn con. Nhưng nhờ đó con cảm thấy Chúa gần con như một người bạn, như một người thân. Chẳng ai dám chia sẻ đời nghèo của con đề sống gần con như thế. Có Chúa, con cảm thấy bớt cô đơn buồn tủi.
Ngoài ra, việc Chúa chọn phận nghèo còn dạy con giá trị cao quý của đau khổ. Chúa đã dùng đau khổ để cứu con và cứu nhân loại. Con không thể lên trời bằng con đường khác. Hiện giờ, đau khổ không thiếu, chỉ cần con chịu những đau khổ ấy với tâm tình mến Chúa và khao khát tìm Chúa, tức khắc đau khổ sẽ trở thành con đường đưa con về hạnh phúc bất diệt. Cũng nhờ đó, con mới nhận ra rằng cảnh nghèo không kéo dài hơn cuộc sống trần gian. Nó chỉ tạm thời rồi nó sẽ qua đi. Nếu nó có thể dùng vào việc mở cửa thiên đàng, thì nó không chỉ biết gây đau thương và bất hạnh. Tất nhiên, con sẽ cố gắng xoay sở làm ăn để đủ sống xứng đáng con người, nhưng nếu cảnh nghèo cứ bám chặt lấy đời con thì con phải lợi dụng để biến nó thành một phương tiện làm giàu thiêng liêng (Chờ đợi Chúa)
5. “Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ than khóc” (Lc 6,25)
Mày mò mấy tháng trời, tôi mới khám phá ra được cách chép nhạc bằng máy vi tính. Một mình trước máy vi tính, tôi thấy mình thật vui với một chút kiêu hãnh : mình vượt mấy thằng bạn trong lớp rồi.
Nhưng tôi cảm thấy như có cái gì đó “không ổn” trong kiểu suy nghĩ của mình. Tôi quyết định tận tình chỉ lại cho bạn bè như một sự chia sẻ niềm vui. Và kìa, lòng tôi sao hạnh phúc quá !
Thiên Chúa chắc chắn không thể chúc dữ chỉ vì tôi giàu có, no nê, vui cười ; nhưng nhất định Ngài sẽ chỉ trích khi tôi không biết chia sẻ những gì mình có cho anh em.
Giêsu ơi ! Con vẫn cảm thấy hạnh phúc, bình an và vui tươi khi chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Nhưng để chia sẻ cách thật tình hơn với những người ít thân hơn thì con lại ngần ngại. Lạy Chúa xin hãy dạy con, xin hãy dạy con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

11/09/13 THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26

HẠNH PHÚC TRÊN THẬP GIÁ CHÚA KI-TÔ
“Phúc cho anh em ...” (Lc 6,30)
Suy niệm: Trong giới trẻ ngày nay có lưu truyền một cách rất phổ biến cái tạm gọi là “chuẩn hạnh phúc” của thời đại “kỹ thuật số,” đó là 1 vợ (hoặc chồng), 2 con, 3 tầng, 4bánh (xe hơi, đời càng mới càng tốt), 5 châu (du lịch khắp năm châu lục, và rồi kết cuộc là 6 tấm (của cỗ quan tài), thế là hết chuyện. Dẫu biết rằng đó chỉ là một lối nói đùa vui, dẫu biết rằng những ước mơ hạnh phúc đó thật nhỏ bé giản dị thế mà, chua xót thay, vẫn nằm ngoài tầm tay với của nhiều người; dẫu biết thế, nhưng câu nói ấy phần nào cũng phản ánh một quan niệm hạnh phúc bị giới hạn trong cõi trần ai này. Chúa Giêsu đề nghị cho chúng ta một con số khác, không phải là 6 mà là 8 mối phúc thật: đó là nghèo khó, hiền lành, là “phải đói”, “phải khóc”, là “bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả” vì Đức Kitô. Con đường 8 mối phúc đầy nghịch lý ấy, chúng ta chỉ có thể hiểu được giá trị khi chúng ta đọc nó từ trên thập giá của Đức Kitô.
Mời Bạn: Bác sĩ Albert Schweitzer nói: “Tôi không biết số phận của bạn thế nào, nhưng có một điều tôi biết là trong số các bạn, những ai đi tìm và tìm ra cách làm thế nào để phục vụ, chỉ những người đó mới thực sự là hạnh phúc.” Lời chia sẻ của vị bác sĩ đạt giải Nobel Hoà Bình (1952) dành cả nửa đời người để phục vụ người nghèo, phong cùi tại Châu Phi, chỉ cho chúng ta cách để hiểu và sống những mối phúc trên thập giá của Đức Kitô. Bạn đã sẵn sàng sống các mối phúc của Đức Kitô chưa?
Sống Lời Chúa: Đừng để một ngày trôi qua mà bạn chưa làm gì để phục vụ những người nghèo khó quanh bạn.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.



Những Hạnh Phúc Bất Tiện
Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ rồi nói:
“Phúc cho anh em những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
Vì anh em sẽ được vui cười. (Lc. 6, 20-21)
Với lý trí chúng ta rất khó hiểu về các mối hạnh phúc này. Lý trí đành chịu thua. Chúng đả đảo lý luận con người. Chúng làm ta phát điên. Nhưng chúng lại làm ta kinh ngạc và chúng ta không dám từ bỏ chúng vì nghĩ đến những bao nhiêu quả phúc chúng đã sinh ra qua những thế hệ. Những hạnh phúc theo Thánh Lu-ca và Thánh Mát-thêu đều gây kinh ngạc, tuy hai Thánh có viết khác nhau, nhưng cùng một mục đích là hạnh phúc nước trời. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó, đến thái độ con tim. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến nghèo khó thật sự, nghèo khó của giai cấp xã hội chẳng có gì hết trơn hết trọi, giai cấp xã hội nghèo khó này đang qui tụ lại thành tín đồ của Tin Mừng Đức Giêsu. Thánh Mát-thêu kêu mời từ bỏ bên trong. Thánh Lu-ca kêu gọi cải tạo cơ cấu xã hội để giảm bớt những khổ đau trong xã hội.
Chính trong thảm trạng cụ thể của lịch sử mà Đức Kitô nói: “ Các bạn là những người nghèo khổ, đói khát, khóc lóc, bị khinh bỉ, ghen ghét, bị bắt bớ, bị nhục nhã, phúc cho các bạn. Vì nếu bây giờ các bạn chịu được như thế, ngày kia tất cả sẽ đổi lại, các bạn sẽ giầu có, no nê, vui cười, được mến chuộng trong nước Thiên Chúa”.
Có thật không hay trò đùa? Đức Kitô nói thế nào? có phải Ngài nói dỡn để cho những kẻ khốn khổ thể xác, tình cảm, tinh thần được vui chút ư? có phải Ngài là chú hề đã nói đến sự đền bù ở tương lai mơ hồ giả định ư? có phải chỉ là giấc mơ hạnh phúc có thể giúp cho người ta chịu khổ bây giờ để đè nén cho nguôi đi những đau đớn và uất ức chăng? hiểu sai lầm các mối phúc thật, như thế là độc ác và vô liêm sỉ. Đức Kitô không bao giờ phong thần đau khổ và bất hạnh. Người không ngừng làm giảm bớt nỗi đau khổ của con người suôt đời Ngài đã cứu chữa, an ủi những bệnh nhân, tật nguyền, nghèo khổ và tha thứ cho những tội nhân, giải phóng những kẻ bị ma quỷ xiềng xích. Ngài muốn chúng ta hiểu và chấp nhận thập giá như Ngài. Vì mến Chúa và yêu người. Lúc đó thập giá trở nên lời hứa thực hiện ơn cứu độ. Như vậy khác xa những thứ mỵ dân!
GF


Suy niệm
Qua bài giảng, Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ và cả chúng ta cách để đạt được hạnh phúc đích thực. Chúa Giêsu đã đưa ra những tiêu chuẩn thông thường nhưng bị đảo ngược, nhưng đó chính là thái độ sống mà người môn đệ phải có để đạt được hạnh phúc đích thực.
Đọc bài tin mừng chúng ta đừng hiểu lầm rằng Chúa Giêsu ghét những người giàu có và chúc dữ họ. Chúa Giêsu không hề dạy rằng, giàu có, no đủ vui cười, được người ta ca tụng là điều bất hạnh. Ngài chỉ muốn dạy những kẻ theo Ngài, nếu chỉ muốn chọn con đường dễ dãi, con đường đưa tới thú vui và lợi lộc trước mắt mà quên đi hạnh phúc đích thực, một đích tối hậu của con người thì thật là bất hạnh.
Sự giàu sang dễ trói buộc con người vào một thực tại trần thế, làm cho con người không thể vươn tới thực tại thiên quốc: người giàu có thật khó sống thanh thoát để buông mình trong sự tín thác trọn vẹn vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Ngược lại, những người nghèo khổ, những môn đệ của Chúa Kitô, được người bảo đảm rằng: mọi niềm hy vọng của họ không phải là vô căn cứ, hão huyền. Niềm hy vọng của họ về một cuộc sống hạnh phúc sẽ được thực hiện trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.
Là người Kitô hữu dù giàu sang hay nghèo khó chúng ta luôn được nhắc nhở để sống tỉnh thức. Tỉnh thức để tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc với những giá trị vĩnh cửu.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng mọi sự chúng con có đều là do tình thương của Chúa ban cho. Xin cho chúng con đừng chỉ lo tìm kiếm của cải vật chất bên ngoài mà quên đi mục đích của đời sống chúng con chính là tìm kiếm Chúa và những giá trị vĩnh cữu mai sau. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

11 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Khắc Khoải Mong Được Chiêm Ngắm Nhan Thánh Chúa

Trong cả Cựu và Tân Ước, con người sống trong thế giới hữu hình giữa những thực tại thế tục. Tuy nhiên con người ý thức sâu xa về sự hiện hữu của Thiên Chúa – một sự hiện diện định hình toàn bộ cuộc sống của họ.
Vị Thiên Chúa hằng sống ấy quả thực là bức tường thành bảo vệ con người giữa mọi thử thách và đau khổ của cuộc hiện sinh dương thế này. Khi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, con người khao khát chiếm hữu Ngài cách hoàn toàn. Con người cố tìm cách để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:

“Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến,
vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).

Trong khi con người cố gắng để biết Thiên Chúa – để chiêm ngắm dung nhan Ngài và để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài – thì Thiên Chúa hướng về phía con người để mạc khải chính sự sống của Ngài cho con người. Công đồng Vatican II nói nhiều về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới này. Công đồng giải thích rằng: “qua sự mạc khải của Ngài, Thiên Chúa muốn tự tỏ hiện và thông đạt chính Ngài cũng như ý muốn từ đời đời của Ngài về ơn cứu độ cho con người.” (MK 6).
Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân ái và là Đấng tự mạc khải chính Ngài, vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm khôn dò đối với con người. Và con người – người lữ khách kiếm tìm tuyệt đối – vẫn mãi mãi suốt đời kiếm tìm dung mạo của Thiên Chúa. Nhưng ở cuối hành trình đức tin, con người sẽ về đến “nhà Cha”. Và trong ngôi nhà thiên quốc này, con người hy vọng chiêm ngắm Thiên Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11-9
Cl 3, 1-11; Lc 6, 20-26


LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6, 20).

Trong cả bốn lời chúc phúc của Chúa Giêsu hoàn toàn đi ngược với quan niệm của con người đang sống trong trần gian. Nhất là trong xã hội hôm nay. Nhưng đây không phải là những lời chúc phúc không có nền tảng. Bởi khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của Chúa Giêsu. Chúng ta gặp phải lối sống của Ngài đầy nguy hiểm: đó là Ngài luôn khước từ quyền hành và những dối trá của nó. (ba cám dỗ trong hoang địa) Nhờ đó chúng ta mới thấy được những mối phúc đó là sự khôn ngoan của Chúa Giêsu; đưa Ngài vào sự tự do thật sự; đồng thời đánh đổ những gì thế gian cho là vững chắc, và phơi bày những giả tạo của quyền lực loài người cùng những thủ đoạn mưu chước của nó. Ước gì mỗi một Ki-Tô hữu được sống với lời chúc phúc của Chúa Giêsu; để cõi lòng mình được trong sạch, không làm cho ước muốn của mình đi lạc vào sự dối trá, để mai sau được ở trong Nước Thiên Chúa.


Mạnh Phương


11 Tháng Chín

Thuốc Dã Rượu

Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy lúy. Như thuốc tiên, mấy cú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: "Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men... Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác".

Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.

Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đãchối bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy... Từ đó, bất an đã trở thành số phận thường tình của con người.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài...
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ... Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống... Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình...

Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó...


(Lẽ Sống)

Thứ Tư 11-9
Thánh Cyprian
(k. 258)

Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.
Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.
Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.
Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Ðức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.
Là bạn thân của Ðức Giáo Hoàng Cornelius, Ðức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Ðức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Ðây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Ðức Cyprian không nao núng ngay cả khi Ðức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.
Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.
Ðức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Ðức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.
Lời Bàn
Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Ðức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.
Lời Trích
"Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Ðức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét