Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

THINH LẶNG

THINH LẶNG


Giữa thế giới quá ồn ào, ý cầu nguyện chung tháng 9 Năm Đức Tin gợi lên một nhu cầu sống đạo xem ra “khác thường, nghịch lý” trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, đó là thinh lặng: “Xin cho con người thời đại chúng ta thường tràn ngập bởi tiếng ồn, tìm được giá trị của thinh lặng và biết lắng nghe tiếng Chúa và của anh chị em.”

Không ai phủ nhận thế giới ngày nay quá ồn ào, náo nhiệt và ngày càng gia tăng âm thanh làm náo động cuộc sống con người. Các phương tiện kỹ thuật càng hiện đại, càng khuých đại âm lượng cho sự sôi động của cuộc sống. Nhiều cuộc vui hay tổ chức, người ta đo mức mộ “hoành tráng” bằng cao độ của nhiều âm sắc sôi động, như thể càng huyên náo, rùm beng càng thu hút, càng ấn tượng. Phải lên tiếng, phải phô trương, phải quảng cáo, phải rêu rao chào hàng mới có thể gây sự chú ý của khách hàng. Một sự canh tranh âm thanh với nhiều hình thức đang bùng nổ.

Đánh mất sự thinh lặng không chỉ bởi tiếng động đập vào tai, kích thích thính giác của con người, mà còn bởi nhiều hình thức khác từ màu sắc, ánh sáng, tốc độ sống, các cuộc tương tác với những phương tiện truyền thông hiện đại… đôi khi nhẹ nhàng, có lúc liên tục “tra tấn” mọi giác quan của con người. Ngày xưa, một mình ở trong phòng riêng có thể có được những giây phút thinh lặng dễ dàng, nhưng ngày nay, nếu ta không chủ động tìm đến sự thinh lặng, thì tuy ở một mình, bạn có thể bị khoáy động mãnh liệt bởi TV, vi tính, Ipad, Iphone… lang thang cả trên thế giới, gặp gỡ với hàng triệu người, hay cả những nhân vật ảo, hoặc tệ hơn tương tác với các đối tượng xấu… Thinh lặng bây giờ thật khó !

Thế nhưng thinh lặng thật cần. Và vì sự cần thiết ấy mà Hội Thánh mời gọi chúng ta tìm lại nó để sống đạo trong hoàn cảnh ngày nay. Khuynh hướng sống “quá động” có thể làm cho người ta đánh mất giá trị của thinh lặng, hay coi thường sự thinh lặng và người thích thinh lặng. Thinh lặng là thái độ thụ động, yếm thế chăng ? Thật ra, thinh lặng không phải là vì không biết nói gì, làm gì của một con người trống rỗng, nhưng là thái độ sống của một tâm hồn tĩnh lặng, điềm đạm, tự chủ, quân bình, biết chắc lọc những âm thanh cần thiết giữa bao tiếng ồn ào của xã hội. Người quí chuộng sự thinh lặng muốn mở lòng đón nhận những âm thanh quan trọng hơn trong cuộc sống, đó là tiếng Chúa và tiếng nói tích cực của tha nhân.

Thánh Vịnh 131 câu 2 nói đến giá trị của một tâm hồn biết thinh lặng “Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui.” Còn sáchCách Ngôn cho ta thấy rằng, người thinh lặng, im tiếng không phải là “dốt” không biết gì, mà ngược lại là người trí : “Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu”. (Cn17, 28). Sách Huấn Ca nói nhiều hơn về cách thinh lặng và giá trị thinh lặng : “Có lời trách mắng không đúng lúc, có kẻ thinh lặng mà lại biết điều. Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét. Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi, có kẻ thinh lặng để chờ thời. Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt,  còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may.” (Hc 20, 1.5-7)

Thiền, Yoga đang được quí chuộng như một phương thế phục hồi sức khoẻ thể xác và tinh thần ngày nay, là bằng chứng cuộc sống con người cần đến sự tĩnh lặng.

Tĩnh tâm, “cấm phòng” là hoạt động bắt buộc trong đời sống của người linh mục tu sĩ, và ngày nay nhiều giáo dân tự nguyện thực hành khi tìm đến các đan viện để thực tập các hình thức linh thao. Đó là bước vào nơi cô tịnh lắng nghe lòng mình, đón nhận tiếng Chúa và thấu hiểu anh chị em hơn. Tất cả phải diễn ra trong bầu khí của thinh lặng, một sự thinh lặng theo ý nghĩa mới là không chỉ không có tiếng nói chuyện ồn ào, mà còn biết tạm cắt đứt các mối tương quan bên ngoài, bước vào sa mạc, vào hoang địa như Gioan Tiền Hô đã sống gần gũi Thiên Chúa và thiên nhiên-công trình tạo dựng tự nhiên tốt đẹp của Chúa.

Người ta nhận ra rằng, càng hiện đại, càng phát triển thiếu quân bình, càng tạo sự náo động quay cuồng con người. Khi trở về với thiên nhiên, gần gũi với tự nhiên, con người càng tìm được sự tĩnh lặng nội tâm. Du lịch sinh thái ngày một được quí chuộng là để tránh xa đô thị ồn ào, tìm về với thiên nhiên tĩnh lặng, trong lành. Đức giáo hoàng Phanxicô, theo gương thánh Phanxicô Assisi, vị thánh bảo vệ môi trường thiên nhiên, mời gọi chúng ta gìn giữ, chăm sóc bảo toàn và gần gũi với công trình sáng tạo tự nhiên của Chúa, cũng gián tiếp tạo cho ta sống bầu khí thinh lặng.

Ngài còn trực tiếp dạy ta sự thinh lặng khi trong đại lễ bế mạc Đại hội Giới Trẻ thế giới vào Chúa Nhật 28.07.2013 vừa qua tại bãi biễn Copacabana ở Rio de Janeiro-Brazil, ngài chỉ giảng hơn 10 phút, và sau đó mời gọi 3,7 triệu người hiện diện trong thánh lễ thinh lặng suy niệm. Trở về Rôma, đến viếng Đức Mẹ tại đền thờ Đức Bà Cả để tạ ơn sau chuyến tông du đầu tiên ngoài nước Ý, đến Brazil gần gũi dân chúng trong chiếc xe mui trần khá mão hiểm được bình an, ngài chỉ cầu nguyện 30 phút bằng thinh lặng. Điều Đức thánh cha đã và đang làm chính là thực hành yếu tố “thinh lặng” được qui định trong Qui chế tổng quát sách lễ Rôma năm 2000, số 45 :“Sự thinh lặng thánh, kể như thành phần của việc cử hành Thánh Lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng.

Trước khi cử hành, rất nên giữ thinh lặng trong thánh đường, trong phòng thánh và những nơi kế cận để mọi người dọn mình cách sốt sắng tham dự các lễ nghi thánh.” Theo hướng dẫn này, chúng tôi cũng đã từng dâng những thánh lễ bớt đi lời kinh, ca hát, mà gia tăng giây phút thinh lặng thánh, để cá nhân biết gặp gỡ Chúa cách tích cực hơn. Và trong các giờ chầu Thánh Thể, sau khi lắng nghe sự hướng dẫn hay đọc kinh chung, luôn có giây phút thinh lặng cầu nguyện riêng…

Nhớ thời ở chủng viện, các chủng sinh luôn được nhắc nhở giữ thinh lặng ở những thời khắc và nơi cần thiết. Ngoài những lúc cất cao lời kinh, lời ca tiếng hát chúc tụng tôn vinh Chúa, rất nhiều lần trong ngày, hàng trăm chủng sinh đi lại trong thinh lặng cầu nguyện lần chuỗi, viếng Chúa, suy tư riêng. Có lúc một tập thể khoảng 300 thanh niên nặng động im lặng như tờ.

Cần thinh lặng để tập chiêm niệm. GLHTCG dạy cách cầu nguyện chiêm niệm : “Chiêm niệm là thinh lặng, "biểu tượng của thế giới đang tới", hay của "tình yêu thầm lặng". Trong tâm nguyện lời nói không phải là diễn từ, nhưng chỉ là những cọng rơm giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn cháy sáng. Trong sự thinh lặng này, sự thinh lặng mà "kẻ hướng ngoại" không thể giữ nổi, Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người : Ngôi Lời đã nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; và Thần Khí nghĩa tử sẽ dạy ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su.”(số 2717)

Thinh lặng, điều kẻ hướng ngoại không thể giữ nổi ấy lại là một việc không thể thiếu của người tín hiểu sống đức tin trưởng thành. Bốn mươi ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trước khi hoạt động công khai chẳng phải là mẫu gương thinh lặng cần thiết cho người môn đệ tiếp nối sứ vụ cứu độ đó sao? “Biết thinh lặng đợi chờ, đợi chờ ơn cứu độ của ĐỨC CHÚA, đó là một điều hay.” (Ac 3, 26) “Còn ĐỨC CHÚA, Người ngự trong thánh điện, toàn thể cõi đất, hãy thinh lặng trước nhan Người! (Hbc 2, 20). Thinh lặng chiêm ngắm Chúa, thinh lặng lắng nghe Chúa, thinh lặng đợi chờ Chúa, thinh lặng gặp gỡ Chúa để biết ra đi gặp gỡ tha nhân, lắng nghe tha nhân cách tích cực hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thinh lặng, để biết lên tiếng hữu hiệu hơn, trong công cuộc Tân Phúc Âm hoá ngày nay. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét