Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

14-09-2013 : (p2) SUY TÔN THÁNH GIÁ - Lễ Kính

Ngày 14 tháng 9
Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Lễ Kính
(phần II)

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”
(Ds 21, 4b-9 và Ga 3, 13-17)

Dân Chúa kinh nghiệm về tội của mình đối với Đức Chúa trong dòng lịch sử, và những suy tư về kinh nghiệm này đã làm cho Dân Chúa khám phá bản chất của tội. Suy tư này được trình bày bằng ngôn ngữ biểu tượng trong trình thuật St 2-3, mặc khải cho chúng ta bản chất hay yếu tính của tội, nghĩa là cái có mặt trong mọi thứ tội. Và mọi tội đều tự nó có “nọc độc” gây chết chóc cho mình và cho người khác.

Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Ki-tô (Ga 3, 14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12, 7-10). Các trình thuật này nêu ra cho chúng ta ba câu hỏi:
Ø     Tại sao lại là rắn ?
Ø     Tại sao Con Người cũng sẽ phải được giương cao, như con rắn đồng trong sa mạc ?
Ø     Tại sao cái nhìn có khả năng chữa lành?

1. Tại sao lại là con rắn ?

a. Nghi ngờ Thiên Chúa
Đi trong sa mạc trong một thời gian dài, thiếu ăn thiếu uống. Đó là một thử thách rất thật và rất lớn, vì của ăn của uống là nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Tuy nhiên, vấn đề là lòng họ hướng về đâu ? Họ tìm gì khi bỏ Ai Cập ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa dưới sự hướng dẫn của Mô-sê ? Nếu con tim của họ chỉ hướng về việc thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi, thì tất yếu đến một lúc nào đó, họ sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nhu cầu thì không có cùng tận.

Trước hết là nhu cầu của cái nhìn, họ đi theo Chúa dưới sự hướng dẫn của Môsê là nhằm để thỏa mãn cái nhìn. Vì thế, họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa (Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày ? Ngang qua một vài dấu lạ, họ được mời gọi trao ban lòng tin, lên đường và đi đến cùng. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời. Lúc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin”. Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin, cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề” (Tv 116, 10). Trong thực tế cuộc sống, như mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm, và chính Dân được Đức Chúa tuyển chọn cũng có cùng một kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách :

Tôi tự bảo : điều làm tôi đau đớn,
là Đấng tối cao chẳng còn ra tay nữa.
(Tv 77, 11)
Hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta cũng thế, chúng ta nhận ra dấu lạ nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín của Chúa và chúng ta đáp lại suốt đời ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày rất đỗi bình thường cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn. Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ.

Mà ham muốn nhìn cũng chính là ham muốn ăn: đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi, rồi thì cũng chán: “chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Những chuyện như vậy cứ lập đi lập lại nhiều lần : điều Ngài đã làm hôm qua, Ngài sẽ làm hôm nay không ? Đức Chúa có ở giữa chúng ta hay không ? (Xh 17, 7) Làm sao « biết » được đây ? Ham muốn của cái nhìn, ham muốn của cái bụng, ham muốn của cái biết gặp gỡ nhau. Và cuối cùng, thái độ của con người được hình thành, khi kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? » À ra như thế, Thiên Chúa muốn chúng ta chết, Mô-sê muốn chúng ta chết. Đó chính là thái độ « thử thách ».

Trong Kinh Thánh, câu nói “thử thách Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là không tin Thiên Chúa: trong sa mạc, Dân Chúa thử thách Thiên Chúa đến 10 lần, nghĩa là lúc nào cũng thử thách Thiên Chúa, cũng không tín thác nơi Thiên Chúa (Ds 14, 22: thử thách 10 lần; Tv 106, 14); và tội nguyên tổ cũng là một dạng của hành vi thử thách Thiên Chúa, nghĩa là không tin Thiên Chúa không tín thác nơi Chúa trong thực tế cuộc sống. Vì thế, yếu tính của tội nguyên tổ, nghĩa là của mọi tội, là không tin nơi Thiên Chúa, không tín thác nơi ngài trong thiếu thốn, trong gian nan khổ đau của thân phận con người. Hành vi vi phạm giới răn chỉ là hệ quả của một thái độ nội tâm, quên ơn huệ và vì thế nghi ngờ Thiên Chúa.

Như thế, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã làm cho họ trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành kế hoạch giết chết. Chúng ta hãy dừng lại đây thật lâu để nghiệm được hết mức độ nghiêm trọng của những lời dân Israen thốt ra đây. Đó là chính là thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, và tội nghi ngờ Thiên Chúa tất yếu dẫn đến những hành vi gây chết chóc, gây chết chóc cho chính mình và cho người khác. Nghi ngờ Thiên Chúa, nên họ quay ra thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng có vẻ “linh” hơn; “linh” có nghĩa là có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, phát xuất từ lòng ham muốn ; ham muốn nhìn, ăn và biết của họ. Và vì nghĩ rằng mình được dẫn vào sa mạc là để bị bỏ mặc cho chết (trong khi mục đích của hành trình là Đất Hứa, nghĩa là Miền Đất Sự Sống trong Đức Chúa), nên họ nổi loạn ném đá toan giết chết Môsê (x. Xh 17).

b. Con rắn
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: « chẳng chết chóc gì đâu ! » Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình ; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chếhắc chắn ngươi sẽ phải chết » (St 2, 17). Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy rõ, Lời Chúa là chân thật.

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.

Chắc chắc chúng ta cũng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ ý định tốt lành của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được làm người và sống trong một ơn gọi : Tại sao Chúa lại sinh ra con như thế này: thiếu đủ thứ, kém cỏi đủ thứ, thua thiệt đủ thứ ? Sao con không như anh kia, chị nọ? Tại sao con lại ra nông nỗi này, rơi vào tình cảnh khổ sở như thế này, Chúa dẫn vào đây để làm gì? Những lúc khủng khoảng như thế, chúng ta cũng kinh nghiệm được những hậu qủa tại hại của thái độ nghi ngờ. Trong khi đó, mỗi người chúng ta, theo Tv 139, là một tuyệt tác, mà nhiều khi chúng ta lại mù quáng không nhận ra: « Chúa dựng nên con cách lạ lùng ».

2. Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” ?
Đức Giê-su, ngay từ những lời nói đầu tiên trong đời sống công khai, trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (3, 14), đã đặt mầu nhiệm Thập Giá mà Người sẽ sống trong tương quan rất trực tiếp với hình ảnh « con rắn », biểu tượng của Tội và Sự Dữ :

Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Theo lời này của chính Đức Ki-tô, chúng ta nên hình dung ra, hay tốt hơn là vẽ ra, một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13)Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:

·        thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối;
·        đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị;
·        chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính;
·        và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

3. Tại sao cái nhìn có khả năng chữa lành?
Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.

Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đấng Chịu Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.

Ơn chữa lành. Đúng là Thánh Gía mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của tội. Nghi ngờThiên Chúa là căn bệnh nan y, nhưng được chữa lành tận căn bằng Thập Giá: Tình yêu đi đến mức “điên rồ” đến như thế; chúng ta cũng được mời gọi yêu Chúa “điền rồ” như thế.

Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết (St 3 và Ds 21). Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phân con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống.

Giuse Nguyễn Văn Lộc

Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Theo Trần Văn Trí

Suy Tôn Thánh Giá: Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa
Hằng năm, Giáo Hội Công Giáo dành ngày 14 tháng 9 làm Lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ kính...
Thánh Giá là ảnh tượng được tôn kính, sùng mộ, rất thân thuộc trong đời sống đạo đức của người Kitô hữu. Nhưng, dần dần vì quá quen người tín hữu có thể giảm bớt hoặc mất đi sự quan tâm. Ngay cả dấu Thánh Giá, nhiều lúc, vì ảnh hưởng của thói quen, chỉ được giáo hữu “làm dấu” qua loa lấy lệ, không còn nhớ đến ý nghĩa cao quý về hồng ân châu báu Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế để lại dưới thế trần.
 Để góp phần cùng quý giáo hữu dọn lòng sốt sắng, tăng thêm tinh thần đạo đức tôn vinh Thánh Giá một cách có ý thức trọn vẹn, chúng tôi xin giới thiệu một ít học hỏi về Thánh Giá; về nghi lễ biểu dương Thánh Giá; về lễ Suy Tôn Thánh Giá; về dấu Thánh Giá và mầu nhiệm Thập Giá.

Thánh Giá
Thập giá hay cái “giá” hình chữ “thập” mang xác Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên được gọi là Thánh Giá. Ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi vào thế kỷ thứ nhất, vì biết lòng mến mộ Thánh Giá gia tăng lòng đạo đức, ảnh hưởng đến việc mở mang Kitô Giáo, các vua chúa quan quyền, từ các hoàng đế Roma đến quan chức tại Trung Đông, đã tìm đủ mọi cách quyết xóa bỏ niềm tin vào Thánh Giá. Thập giá được dùng để thử thách, cưỡng bách người có đạo bước qua hoặc chà đạp trước khi lãnh án “tử vì đạo”.
Thâm độc nhất là hơn hai thế kỷ đầu theo niên lịch công nguyên, Kitô Giáo bị đàn áp và bách hại kịch liệt. Vua Adriano ( 76 – 138 ), khi lên ngôi hoàng đế Roma ( 117 – 138 ) đã ra lệnh triệt hạ hay phá hủy các di tích về Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, như nơi Chúa Chịu Khổ Nạn, Chịu Chết và Mai Táng. Rồi khoảng năm 135, ông còn cho xây nhiều đền thờ bụt thần trên Mộ Thánh của Đức Kitô và tìm mọi cách chôn giấu Thánh Giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh, không cho giáo hữu tôn kính. Dù vậy, trong khi đó tại Giêrusalem, Giáo Hội lại đi tiên phong trong các lễ nghi và nghi thức Phụng Vụ liên quan đến Đấng Cứu Thế cũng như tôn vinh Thánh Giá.
Mãi đến thế kỷ thứ tư, thời vua Constantino ( khoảng năm 270, 280 đến 337 ), làm hoàng đế Roma ( 306 – 337 ), đạo Chúa mới được tự do. Sau khi nhờ phép lạ Thập Giá để được đại thắng quân xâm lăng của Maxentio, vua ban hành lệnh tự do tôn giáo, dẹp bỏ đàn áp bắt bớ Kitô Giáo. Ông trở lại đạo và bà Helena, mẹ vua, cũng trở lại đạo Công Giáo. Vì lòng kính mến Chúa Giêsu Cứu Thế và nhiệt thành sùng mộ Thánh Giá, năm 326, dù đã 80 tuổi, bà cũng thân hành qua Thánh Địa, cộng tác chặt chẽ với Đức Cha Macario, Giám Mục thành Giêrusalem, để cho tiến hành tìm các nơi Thánh, di tích sau hết của cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Nhờ các nguồn thông tin có cơ sở, bà cho xúc tiến đào bới về khảo cổ tại chân núi Calvario và đã lần lượt tìm được các di tích về Khổ Nạn, Chịu Chết và Mai Táng Chúa Giêsu trong Mộ. Thành công lớn lao nhất là tìm được ba cây Thập Giá: một của Đức Kitô và hai của hai tên trộm. Theo nghiên cứu về Thánh địa, Linh Mục Jaud cho biết: Nhờ phép lạ cứu sống một bệnh nhân đang hấp hối và một người đã chết được sống lại, khi mỗi người chạm đến gỗ Thánh, Đức Giám Mục Macario xác định thập giá thực trên đó Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và gọi tên là Thánh Giá.

Nghi lễ biểu dương Thánh Giá
Sự tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Giáo Hội Giêrusalem là nghi lễ biểu dương Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh mà dần dần lan rộng trong Giáo Hội Đông và Tây Phương. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Gregorio ( 590 – 604 ) đưa vào Phụng Vụ Roma như nghi lễ Thứ sáu Tuần Thánh ngày nay. Chính yếu là việc biểu dương “Gỗ thập giá”, với lời kêu mời long trọng: Ecce lignum Crucis. Xướng: Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian. Đáp: Chúng ta hãy đến thờ lạy. ( Ecce lignum crucis in quo salus mundi pependit. Venite adoremus. )
Vì thế, khi tham dự nghi lễ Thờ lạy Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta hãy nhớ đến ý chỉ chính của phụng vụ là tôn vinh “Gỗ thập giá” ( chứ không phải Thánh Giá có hình Chúa Giêsu. )

Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Lòng mến mộ và tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Kitô Giáo. Cụ thể, khi đề cập đến Giáo Hội từ thời sơ khởi, vào thế kỷ đầu của ngàn năm thứ nhất, nhiều chuyên gia về giáo sử, đặc biệt như Giáo Phụ Tertuliano, đều cho biết: “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, người Kitô hữu đều làm dấu Thánh Giá.” Thậm chí người Kitô hữu có thói quen làm dấu Thánh Giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Nhưng, phải đến thế kỷ thứ 4 trở đi mới có ngày lễ dành để tôn vinh Thánh Giá.
Đầu tiên, khi tìm được di tích Thánh Giá vào năm 326, bà Helena cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại Mộ Thánh ở Thánh Địa. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Giêrusalem vào hai ngày 13 và 14 tháng 9 để mừng Đền Thờ Calvario và Mộ Thánh. Năm 335, ngày 14 tháng 9 cũng mừng kính ngày tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326. Vì gỗ Thánh Giá thực rất quý, nên được phân ra nhiều phần rất nhỏ, chia cho các Giáo Hội tại mỗi nơi. Thành Constantinopoli được phần Gỗ Thánh lớn hơn và phần còn lại được lưu niệm tại Giêrusalem. Từ đó, ở Giêrusalem lễ tìm được Thánh Giá mừng kính trọng thể vào ngày 14 tháng 9.
Tiếp đến, Lễ Suy Tôn Thánh Giá được thiết lập tại Giêrusalem vào 14.9.629 như chứng tích sau:
Thế kỷ thứ 6, khi giặc giã nổi lên, vua Ba Tư Khosroès 1 ( 531 – 579 ), đem quân đến Cận Đông và đánh thắng quân của đế quốc Roma ở Phương Đông, chiếm đóng và tàn phá Thánh Địa, rồi cướp luôn cả Thánh Giá thực ở Giêrusalem. May thay, lúc ấy có ông Heraclius ( 575 – 641 ), vị tướng tài giỏi mới 35 tuổi, con của tổng trấn thành Carthage, đã lật đổ bạo chúa Phocas, rồi lên nắm quyền ở Constantinopoli ngày 3.10.610, và làm hoàng đế Byzantin, lấy hiệu là vua Heraclius 1 ( 610 – 641 ). Ông đã anh dũng điều khiển trận đánh và chiến thắng đầu tiên ngày 12.12.627. Ông rượt đuổi vua Khosroès 1 đến Ctésiphon, và tại đây, con trai của Khosroès là Siroes Shirva đã giết cha và giao nộp Thánh Giá thực lại cho vua Heraclius 1.
Năm 629, Thánh Giá được kiệu về Constantino, rồi từ đó rước khải hoàn về Giêrusalem. Vua Heraclius muốn vác Thập Giá vào đền thờ để tạ ơn Chúa. Ông mặc vương phục và đội mũ hoàng đế. Nhưng khi vác Thánh Giá lên vai, ông thấy quá nặng. Tức thì, Đức Zacharias, Giáo Chủ Giêrusalem, liền nói với vua: “Xin hoàng đế thận trọng vì với mũ miện và y phục vương quyền mà ngài đang mặc, ngài không hợp để vác Thập Giá giống như thân phận khó nghèo, khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô.”
Nhà vua nghe theo lời Đức Giáo Chủ, bỏ hết mũ miện, vương phục. Tức thì gỗ Thập Giá trở nên nhẹ nhàng và Heraclius 1 vác Thập giá gỗ vào đền thờ. Với gỗ Thập giá Thánh, Thiên Chúa còn ban nhiều phép lạ, trong số có một người chết được sống lại; bốn người bất toại được lành bệnh; mười người phong cùi được trở nên sạch sẽ, bình phục; mười lăm người mù được sáng mắt; vô số người bị quỷ ám được giải thoát...” ( Viết theo nghiên cứu của Abbé L. Jaud, Vie des Saints, 1950 )
Từ đó, tại Giêrusalem, Đức Giám Mục đã cử hành trọng thể lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 9 năm 629, mà sau này trở thành Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14 tháng 9 ngày nay.

Dấu Thánh Giá
Suy tôn Thánh Giá có ý nghĩa nhất là suy gẫm và làm Dấu Thánh Giá cách sốt sắng.
Sự tích Dấu Thánh Giá như sau: Điềm đã xảy đến đem lại chiến thắng cho hoàng đế Roma Constantino là “một dấu chỉ lạ về Thập Giá”. Khi phải tuyên chiến với quân của Maxentio xâm lược nước Ý, vua Constantino 1 ( 306 – 337 ) đã nhìn thấy xuất hiện trên trời điềm lạ “một thập giá sáng ngời” với lời phán: “Dưới dấu chỉ này, người sẽ chiến thắng – In hoc signo vinces”. Vua ra lệnh giương cao “dấu Thánh Giá – signum Crucis” làm cờ hiệu và đã chiến thắng quân Maxentio tại chân tường Roma, gần cầu Milvian, vào ngày 28.10.312. Vua nhìn nhận đó là “dấu chỉ Thiên Chúa ban ơn”, nên đã ra lệnh dep bỏ mọi hình thức bắt đạo và truyền loan “Kitô Giáo là tôn giáo chính thức của hoàng triều Roma.”

Làm dấu Thánh Giá
Theo Phụng Vụ, Thánh Giá được tôn vinh trong Giáo Hội Đông và Tây Phương.
Thông thường, khi làm Dấu Thánh Giá trên mình, người Kitô hữu đọc kinh: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Nhưng vẫn có nhiều trường hợp làm Dấu Thánh Giá mà không đọc Kinh Dấu Thánh Giá, như trong Thánh Lễ với câu: “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa”, và sau Kinh cáo mình: “Xin Thiên Chúa toàn năng...” Hoặc, trước khi đọc Phúc Âm, vị Chủ Tế hoặc Phó Tế làm Dấu Thánh Giá nhỏ trên khởi đầu Tin Mừng, rồi làm Dấu Thánh Giá nhỏ trên trán, trên môi miệng và trên ngực.
Hoặc, trong Phụng Vụ Giờ Kinh khi đọc “Lạy Chúa, xin hãy phù trợ chúng tôi – Deus in adjutorium nostrum intende”, hay khởi đầu các bài “Magnificat”, “Benedictus”, hay “Nunc Dimitis”, hoặc làm một Dấu Thánh Giá nhỏ trên môi khi đọc: “Lạy Chúa xin mở môi con ra – Domine labia mea aperies”.
Trong Giáo Hội Chính Thống Giáo, việc làm Dấu Thánh Giá được thực hiện nghiêm chỉnh bằng “bàn tay phải với ba ngón tay “ngón trỏ, ngón chỉ và ngón giữa” tụm lại, tiêu biểu niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa; còn hai ngón đeo nhẫn và ngón út thì sát vào nhau, để chỉ sự kết hợp của “thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu”.

Mầu nhiệm Thánh Giá
Giáo huấn của Hội Thánh rất phong phú về Suy Tôn Thánh Giá. Theo hướng dẫn của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, suy tôn Thánh Giá chính là:
1. Minh chứng Đức Tin qua gương Mẹ Maria. “Khi chứng kiến Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, Đức Tin của Mẹ không bao giờ dao động vì Mẹ tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa của Ngài cứu chuộc nhân loại.” ( Giáo Lý 149 ).
2. Cổ võ sự thống hối và tôn thờ Thiên Chúa, như được ghi trong Sách Công Vụ Tông Đồ: “Khi nói cùng toàn thể nhà Ítraen, Phêrô quả quyết: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập giá thì Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài là Chúa và là Đức Kitô.” ( Cv 2, 36; Giáo Lý 440 ).
3. Kêu gọi yêu thương, hiệp nhất, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ: “Chúa Kitô bị treo trên Thập Giá thu hút mọi người đến với Ngài” ( Ga 12, 32; Giáo Lý 160 ), “lôi cuốn hết thảy cùng hiệp nhất với nhau.” ( Giáo Lý 542 ).
4. Tuyên rao Nước Chúa trị đến, như lời ca tôn vinh gỗ Thập Giá “Vexilla Regis” Thứ Sáu Tuần Thánh ghi lại: “Chính nhờ cây Thánh Giá của Chúa Kitô mà Nước Thiên Chúa được thiết lập cách dứt khoát... Thiên Chúa đã cai trị từ trên cây gỗ này” ( Giáo Lý 550 ).
5. Thánh Giá là bằng chứng Chúa Giêsu tiếp tục bênh vực cho chúng ta trên Nước Trời. Thánh Phaolô Tông Đồ nói: “Sự nâng lên trên cây Thập Giá ngụ ý và báo trước việc Chúa lên Trời. Ngài là Đấng ra trước Thiên Chúa để bênh vực chúng ta” ( Dt 9, 24; Giáo Lý 662 ).
Công Đồng Vaticano 2 ( 1962 – 1965 ) khai triển Suy Tôn Thánh Giá hướng đến:
Mầu nhiệm Phục Sinh. “Sau khi chịu chết trên Thập giá, Đức Kitô đã phục sinh” ( GH ). “Nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, thế gian đã được giải thoát” ( MV, 2 ).
Thánh Lễ: Mỗi lần hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế” ( 1Cr 5, 7 ) thì công trình cứu chuộc được thực hiện” ( GH, 3 ).
Ơn cứu độ. “Nhờ Người đã hoàn tất công trình cứu chuộc trên Thập Giá, mang lại cho con người ơn cứu độ và tự do” ( TD, 11 ).
Hòa giải. “Đức Kitô đã hòa giải con người với Chúa Cha bằng Thập Giá” ( MV, 78 ).
Vác Thánh Giá theo chân Chúa Giêsu. “Tưởng niệm Thập Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô, người tín hữu vác Thập Giá bước theo Chúa Giêsu” ( TĐ, 4; GH, 41 ).

Ghi chú các chữ tắt: GH = Hiến chế Tín lý về Giáo Hội; MV = Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay; TD = Tuyên ngôn về Tự Do tôn giáo.


Suy niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá
ĐGM. Phaolô Maria Cao Đình Thuyên

Một nhà thông thái nằm mơ thấy mình để cả cuộc đời đi tìm một cuốn sách hay nhất gồm tóm mọi sự trên đời, cuốn sách đó chỉ tóm gọn trong một trang hay nhất, rồi trang ấy gồm trong một dòng hay nhất, rồi dòng ấy trong một chữ hay nhất. Ông giật mình tỉnh dậy, trên bàn ông có một chữ to tướng: Crux, Thánh Giá.
Phải, Thánh Giá là chữ hay nhất gồm tóm những bài học hay nhất, của một dòng chữ hay nhất, của một trang hay nhất, của một cuốn sách hay nhất. Vậy Thánh Giá là gì? Chắc chắn ta không nhìn và giải thích về mặt thể lý: 2 thanh gỗ, sắt, đồng, chì, vàng, bạc đóng vào nhau thành hình chữ thập, dù có gắn ảnh chuộc tội hay không.
Thánh Giá là tình thương vô biên của Thiên Chúa qua Chúa Kitô, đã tỏ cho loài người bằng cách hứng chịu mọi đau khổ trên thập giá để cứu độ chúng ta, và ngược lại, Chúa muốn chúng ta cũng qua Thánh Giá đóng góp phần mình vào ơn cứu độ để cứu mình và anh em, để tất cả được sống lại vinh quang với Chúa. Chỉ một vài dòng đơn sơ, nhưng nói đến Thánh Giá là động chạm đến bao vấn đề hết sức quan trọng và sâu sắc.
Trước hết, Thánh Giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Tình yêu Thiên Chúa cốt tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính là Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua việc Ngài đã sai Con Một Ngài vào trong thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta”. Như thế, tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi. Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay vì Ngài cần chúng ta, nhưng chỉ vì Chúa tốt lành vô song. Tiên tri Giêrêmia đã nói rất cảm động: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn đời, bởi thế Ta đã giữ bền ân nghĩa với con” (Giêrêmia 31,3). Thánh Augustin cũng nói: “Nguồn nước có được lợi gì khi kẻ khát nước đến uống ở đó, mặt trời có lợi gì khi con mắt được ánh sáng chiếu tới”. Nhà thần học Don Scot dòng Phanxicô, vào thế kỷ 14 còn nói mạnh hơn: “Giả thiết loài người không phạm tội thì vì yêu ta Chúa cũng có thể làm người và chịu nạn chịu chết”. Giả thiết vậy để kích thích ta thêm lòng đạo đức, đào sâu thêm huyền nhiệm tình yêu, chứ thực tế loài người đã phạm tội và Chúa đã sai con Ngài xuống thế gian thật để cứu chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài, mà cao điểm là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Trước một tình yêu cao cả và vô vị lợi như thế sao ta lại dễ thất vọng chán nản mỗi khi gặp thử thách? Là con cái Chúa, là tu sỹ, nhất là tu sỹ Mến Thánh Giá lại ngã lòng mỗi khi Chúa muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá với Ngài? Phải chăng ta còn quá ích kỷ trong việc mến yêu Chúa? Ta yêu Ngài chỉ vì ta cần đến Ngài chẳng khác gì coi Ngài như cái vòi nước, khi cần thì đến vặn dùng, xong lại đóng sập lại ngay. Một nhà mục sư Tin Lành giảng về câu Kinh Thánh của Thánh Gioan trên rất hay: 2 gia đình, 1 Công giáo, 1 Tin lành đi lại với nhau rất thân, gia đình Công giáo có 5 người con, ông bà Tin lành đã già mà không có con. Họ quý mến nhau lắm và mọi sự thông cảm chia sẻ với nhau rất quảng đại. Một hôm ông bà Tin lành mạnh dạn nói với ông bà Công giáo: Cả 2 ta cùng thờ một Chúa Giavê, một Chúa Kitô, tuy là 2 Hội Thánh nhưng chúng ta vẫn quý mến nhau vì cũng gặp ở một Chúa. Chúa cho gia đình bác nhiều cô cậu, còn tôi trong cảnh già nua buồn bã, tôi muốn xin bác cho chúng tôi 1 cô hoặc 1 cậu để ông bà làm vui. Tôi hứa sẽ yêu thương giáo dục cháu hết sức! Ông bà Công giáo cảm động quá về bàn với nhau xem nên cho đứa nào.
- Con cả là một cậu trai tuấn tú, thông minh, ngoan ngoãn, nhất định không được. Vả ai lại cho trưởng nam đi.
- Con thứ là một cô gái xinh đẹp đạo đức lại vừa đính hôn với một thanh niên xứ bạn, ai lại cho đi đứa con chỉ vài ba tháng nữa sẽ về nhà chồng.
- Con thứ ba là cậu trai tàn tật, què chân. Hai vợ chồng buồn bã cho số phận hẩm hiu của con nên càng đem lòng ưu ái con để bù thiệt cho nó, thì sao có thể cho nó đi và lại cho bạn một đứa con tàn tật, làm sao coi được.
- Con thứ tư là một cô thiếu nữ 10 tuổi. Vừa nói tới bà đã khóc tru trếu vì bà coi cô như hòn ngọc. Bà coi cô là hình ảnh sống động của mình vì lời ăn tiếng nói, nụ cười, cả dáng đi đều giống hệt như bà.
- Con thứ 5 là cậu trai út, 4 tuổi, suốt ngày nói nói cười cười, khi ngồi trên gối mẹ, lúc lại nằm trên tay cha. Đi nhà thờ, đi dạo chơi luôn kèm theo mẹ cha sao có thể rời được. Rút cuộc đành phải báo lại cho ông bạn Tin lành là không thể cho ông bạn được đứa nào cả
Nhà mục sư cao giọng: Con người thân thiết nhau đến thế mà người có 5 con không thể cho ông bạn 1 đứa. Thế mà Thiên Chúa và nhân loại có thân thiết nhau được như thế không? Tội lỗi đã làm con người nên tử thần với Chúa, Chúa Cha lại chỉ có 1 người con vô cùng quý hóa, ấy mà Ngài lại cho con mình xuống trần gian tội lỗi chịu trăm ngàn đau khổ mà cao điểm là Thánh Giá để loài người được an vui.
Chúng ta nghĩ sao về tình yêu Chúa đối với ta và tình mến ta với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho nỗi vong ân bội nghĩa của chúng con!
Cũng vì thế mà đứng trước Thánh Giá chúng con vẫn không một chút mủi lòng. Vì không cảm hết được tình yêu Chúa đã tự triệt tiêu mình vì chúng con. Chúng con mang Thánh Giá trong mình mà chúng con lại mau mắn xua đuổi Thánh Giá đi xa dù chỉ là một Thánh Giá nhỏ nhẹ – một chút nhức đầu sổ mũi, một lời nói đùa cợt, một sự góp ý xây dựng đã đủ làm con phản ứng gay gắt, đỏ mày đỏ mặt, cử chỉ thô bạo, lắm lúc còn ấm ức tìm cách báo thù.
Ôi thật là lạ lùng! Thế mà con còn dám hãnh diện vì mình là người yêu Thánh Giá. Lạy Chúa, nghĩ lại chúng con thật đáng xấu hổ thẹn thùng. Thật đáng Chúa quở trách: Bọn này thờ ta bằng môi bằng miệng. Chúng con thật đáng liệt vào hạng ngoại giáo, thu thuế và bọn Biệt phái trong Phúc Âm.
Cũng vì không cảm hết được tình Chúa yêu con đến triệt tiêu mình cho con, nên con thường mắc bệnh chủ quan và luôn nhìn và phóng đại đau khổ mình mà không biết nhìn đến những thánh giá kẻ khác. Đau khổ mình thì dùng kính hiển vi mà phóng đại để tủi thân, để phàn nàn, để than trách. Còn đau khổ kẻ khác thì lại coi nhẹ, cho là việc nhà giàu đứt tay, không đáng kể. Ôi thật là ích kỷ! Sao con không nhìn lên Thánh Giá với những đau khổ dữ dằn hồn xác của Chúa đã gánh chịu cho con và cho tha nhân con. Tự hào là những người yêu Thánh Giá hơn ai, mến Chúa hơn ai mà con lại không biến cải những Thánh Giá chúng con thành những cây Thánh Giá để nên giống Chúa, để biểu lộ tình yêu Chúa yêu tha nhân? Thánh Têrêxa Avila thì nói: “Hoặc đau khổ hoặc chết”. Thánh Mađalêna de Passi: “Không chết nhưng xin đau khổ mãi mãi”. Thánh Rosa Lima: “Lấy vòng gai có mũi nhọn đội lên đầu, vác cây khổ giá nặng lâu giờ trong một ngày, ban đêm tự treo 2 tay lên khổ giá để kết hợp với Chúa hấp hối trên thánh giá xưa. Thế mà con, tu sỹ Thánh Giá thì lạikhiếp sợ Thánh Giá, chê chối tránh né Thánh Giá. Thật dân này chỉ mến ta bằng môi bằng miệng. Nhà văn Montalenebat viết trong cuốn “Các đan sỹ Phơng Tây” miêu tả lời than của cây gỗ Thánh Giá rất cảm động như sau: Từ năm xửa năm xưa, lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ nữa, lúc đó tôi mọc ở khu rừng, họ đã hạ tôi xuống đất, cưa chặt và mang tôi đi. Những kẻ thù thô lỗ đã chiếm lấy tôi để thành một trò hề. Họ đem tôi lên một ngọn núi và chôn tôi xuống đất. Ở đó tôi thấy Chúa tể loài người trong uy quyền đi tới trèo lên tôi. Để khỏi bất tuân với người tôi không dám gẫy cũng không dám cong, tôi cảm thấy đất run rẩy dưới chân tôi. Tôi cũng run khi thấy vị anh hùng ôm lên lấy tôi, nhưng tôi không dám cúi mình xuống, cũng không dám lún sâu xuống đất. Dù sao tôi cũng phải đứng thẳng và vươn lên để dương cao trên dân chúng Đấng là vua cao cả, là Chúa trời đất. Họ xuyên thủng tôi bằng những cái đinh màu xám, những vết thương còn biểu hiện trên mình tôi ngày nay. Cả Ngài lẫn tôi đều bị chửi rủa. Máu từ cạnh sườn Ngài loang đổ trên mình tôi. Mặt trời tối sẫm, cả vũ trụ than khóc vua họ bị ngã xuống. Trong cuộc thương khó trên Núi Sọ, cây gỗ giá đã đồng hóa mình với Chúa Giêsu, đã góp phần vào ơn cứu chuộc – Cây gỗ giá đã tuyên bố không dám gãy không dám cong mà cứ đứng thẳng và vươn lên. Còn ta, những người tự hào mình là kẻ hợp tác với ơn cứu độ, chuyền thông ơn cứu độ lại không dám đồng hóa với Chúa Kitô, không dám vươn lên, không dám vươn cao cho thế giới biết Đấng chịu đóng đinh là Chúa Trời Đất yêu thương ta vô cùng sao? Lạy Chúa, xin cho con can đảm như Cha Charle de Foucauld: Khi tôi ôm lấy Thánh Giá thì một trật tôi ôm lấy Chúa Kitô chịu đóng đinh vào đó./.
Bài 2
Lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành vào hôm nay 14/9 hằng năm nhắc nhở cho ta một biến cố hết sức quan trọng. Đó là biến cố Đức Giêsu, Chúa chúng ta, bị treo trên cây thập tự như một tội nhân bị án tử. Nhưng tội nhân đó đã không bị khuất phục trước cái chết nhục nhã đó, mà từ cõi chết Ngài đã sống lại vinh quang toàn thắng. Như vậy, suy tôn Thánh Giá không phải là đề cao một hình phạt hay để vui thỏa một cách bệnh hoạn trong các đau khổ vật chất, mà là ca ngợi tình yêu vô biên của Đấng đã hy sinh vì người mình yêu. Nơi Thánh Giá không những tình yêu Thiên Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn. Cũng nơi Thánh Giá chân lý về con người được tỏ bày một cách trong sáng nhất, vì con người chỉ là con người và chỉ có thể sống cho ra người khi họ biết hiến thân vô vị lợi. Nhưng ý nghĩa đó đã dần dần lu mờ đi trong đời sống người Kitô hữu. Thay vì nhìn Thánh Giá như một dấu hiệu, như một ngọn cờ bách chiến bách thắng để giúp mình can đảm hiến thân hy sinh theo gương Chúa Giêsu, để cứu rỗi thế gian, để giải phóng đồng loại, chúng ta lại thường biến Thánh Giá, như đồ trang sức, đồ trang trí phòng ốc để trang điểm con người.
Ta nên nhớ Giáo Hội thiết lập lễ Suy Tôn Thánh Giá không những chỉ là để biểu lộ lòng tôn kính đối với cây gỗ đã được hạnh phúc mang thân xác Con Chúa trong ngày cuối đời, cây gỗ đã được sử dụng làm phương tiện để cứu rỗi nhân loại, mà còn để chúng ta biết Thánh Giá chính là biểu tượng của lòng tin. Tin ở một đường hướng, một giải pháp. Đường hướng đó chính Chúa Kitô đã tự chọn để cứu độ, để giải phóng chúng ta. Đướng hướng đó, giải pháp đó chính là bước đi qua hy sinh gian khổ, đi qua Thánh Giá để rồi đến sự sống lại, sự toàn thắng.
Như thế, mầu nhiệm Thánh Giá là một mầu nhiệm cơ bản. Công đồng Vatican II đã đề cập đến trong nhiều bản văn, nhất là trong Hiến chế Tông Đồ Giáo Dân. Công đồng nói: Những kẻ có lòng tin như thế hy vọng sẽ được Chúa mạc khải cho như Chúa đã thương mạc khải cho con cái Ngài, nhờ lòng trí họ luôn tưởng nhớ đến Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô (số 15).
Kitô hữu là những kẻ tin ở Chúa, mong mỏi được làm như Chúa, được hưởng như Chúa Kitô. Vậy thì tất nhiên họ cũng phải luôn cắm mắt vào Thánh Giá của Chúa như một mục tiêu, một đường hướng. Muốn sống lại như Ngài, muốn thành công như Ngài, muốn vinh quang như Ngài, họ phải kinh qua Thánh Giá, phải chấp nhận hy sinh gian khổ như Ngài. Thánh Matthêu viết: Con Người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại (Mt 17, 22).
Là mầu nhiệm cơ bản, nhưng mầu nhiệm Thánh Giá không đi một mình. Nó luôn đi kèm theo mầu nhiệm Phục Sinh. Đường Thánh Giá không chỉ dừng lại ở chặng 14 – chôn xác Chúa. Chôn xác của Chúa không phải là chặng cuối cùng mà chính là sự sống lại, lên Trời của Ngài.
Người Kitô hữu đã tin vào Chúa, vào mầu nhiệm Thánh Giá, vào mầu nhiệm Phục Sinh, vì thế đáng lý họ phải là những kẻ dám hy sinh, dám dấn thân hơn ai hết. Bởi vì đã tin chắc kinh qua hy sinh gian khổ, thì nhất định sẽ đi đến toàn thắng, đến vinh quang. Người Kitô hữu mà không dám chấp nhận hy sinh để xây dựng Nước Trời, để xây dựng xã hội thì đó chỉ là người mang danh Kitô hữu thôi, chứ chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giêsu Kitô, chưa phải là kẻ được đổi mới và có khả năng đổi mới.
Nói người rồi nghĩ đến ta: Là những người mang danh hiệu Tu sỹ Mến Thánh Giá, chúng ta đã thực sự có một tầm nhìn đúng về mình chưa? Chúng ta đã thực sự là những người mến Thánh Giá, là những người sẵn sàng hy sinh, phấn khởi dành dật Thánh Giá để cùng với Chúa mà cứu rỗi các linh hồn, mà xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội chưa?
Thánh Giá với Chúa Kitô đã trở thành quy luật cho sự đổi mới, cho mọi thành công. Thế thì ai chưa dám hy sinh, chưa vui đón gian khổ, đó chính là những người chỉ muốn chuốc lấy thất bại, chỉ muốn nằm lỳ trong tình trạng khô cứng…
Một công chúa được ơn gọi vào dòng. Cô đến gõ cửa một Dòng Mến Thánh Giá và xin nhập hộ. Bà mẹ Bề trên thấy một công chúa, một người đã từng sống trong cảnh sung sướng đầy đủ nên ngần ngại. Nhưng để chối từ cách khéo, bà đã dẫn cô đi tham quan các nhà trong dòng: nhà học, nhà ngủ, nhà thờ, nhà ăn…
Năm 1627, khi Cha Đắc lộ đến khởi đầu cuộc giảng đạo ở Việt Nam ta, Ngài dựng một cây Thánh Giá lớn trên quả núi cao nhìn xuống Cửa Bạng. Đâu xa cũng nhìn thấy Thánh Giá. 300 năm giảng đạo là 300 năm máu chảy đầu rơi. 13 vạn người đã hy sinh xương máu, liều mất mạng sống mình để cứu lấy anh em.
Lạy Chúa, thật Thánh Giá là luật khó hiểu, các môn đệ Chúa đã bực bội can ngăn. Nhưng đó là mầu nhiệm tình thương, mầu nhiệm cứu độ, là nguồn gốc sự sống. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu và can đảm vác thập giá hằng ngày để theo Chúa, để cùng thưa với Chúa như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Lạy Chúa Giêsu của con, Chúa đã làm việc đủ rồi. Chúa đã khóc đủ 33 năm sống trên nơi khổ ải này, hôm nay Chúa hãy nghỉ, đến lượt con đi chiến đấu và chịu đau khổ (Têrêxa Hài Đồng Giêsu)./.
Bài 3
Nhà Dòng Cistaciens cũ ở Oliva gần Danzier trên biển Baltique có một nhà nguyện. Đặc sắc của nó là có một cây Oliva lạ lùng. Thân cây là một ống chì to có rất nhiều chi nhánh và lá to nhỏ bằng đồng. Cây ấy được thông với một ống dẫn thủy đêm ngày luôn tung tóe ra muôn vàn tia nước rất đẹp. Ngày nay nó đã mất tích vì tai họa chiến tranh. Nhưng khắp Giáo Hội trong các nguyện đường, thánh đường của ta lại còn có một thứ cây trên mọi thứ cây lạ lùng hơn gấp bội – lạ lùng vì cái tuổi thời gian của nó: đã hơn 2000 năm nay mà vẫn tươi xanh mãnh liệt như hôm qua và sẽ ngày càng phát triển mãi cho đến tận thế – lạ lùng nữa vì những hiệu quả vô cùng sung mãn và tác động hữu hiệu trên toàn cõi nhân loại. Thứ cây lạ lùng ta đã thấy, đã dùng và đã nếm qua bao nhiêu ảnh hưởng tốt đẹp của nó. Thứ cây lạ lùng ấy chính là cây Thánh Giá của Chúa, thứ cây mà hôm nay cùng toàn thể Giáo Hội ta đang trọng thể suy tôn và sốt sáng ngưỡng vọng.
Để chúng ta thêm lòng yêu mến cây Thánh Giá lạ lùng đó và để thu nhiều kết quả tốt đẹp bổ ích cho đời sống hằng ngày, giờ đây ta cùng nhau suy về 2 cái tia đặc sắc hơn của nó: Cây Thánh Giá tràn chảy tình thương cho nhân loại; Cây Thánh Giá tuôn đổ nguồn sinh lực cho ta.
1/ Cây Thánh Giá chính là biểu hiệu rõ rệt nhất của tình Chúa yêu ta. Chính người đã nói: “Không ai yêu bạn mình cho bằng kẻ hy sinh mạng sống vì bạn”, thì đây chính Chúa tự nguyện xác minh lời đó trước nhất: Chúa đã chết thay cho nhân loại. Ôi, ai trong chúng ta khi chăm chú nhìn lên Thánh Giá mà không cảm thấy được điều đó. Lời Dym Bossence nói: Sao? Không phải chính ở Thánh Giá mà Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc, đã dâng hiến lên trước tòa Chúa Cha, không phải những của lễ vô linh tính mà chính là xác Thánh của Người để làm của lễ đền tội cho ta. Không phải chính ở trên Thánh Giá mà Ngài đã giao hòa ta cùng Thiên Chúa bằng sự tẩy sạch tâm hồn ta với dòng máu đào của Ngài ư? Loài người đã phản nghịch với Thiên Chúa. Phép công thẳng Chúa đang sẵn sàng tràn đổ xuống để gìm họ xuống vực thẳm hỏa ngục với ma quỷ mà họ đã cam tâm làm nô lệ và học đòi những thái độ láo xược của chúng. Nhưng căng mình trên Thánh Giá, là bàn thờ, Người đã dùng máu đào để chuộc cái tội kiêu căng cho loài người và Người đã giăng tay tinh khiết ngăn cản cơn oai nộ của Chúa Cha, biến oai nộ thành một dòng suối tình vô tận. Ôi! hy sinh cao cả, ôi tình yêu lạ lùng. Lạy Chúa Giêsu con Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, Chúa đã yêu tôi chính lúc tôi còn phản bội lại với Chúa. Sau khi đã chuốc đủ mọi nhuốc hỗ, đã chịu đủ mọi cực hình, đã phải hấp hối chết trong vườn Giệt, đã bị Giuđa phản bội, các môn đệ bỏ rơi, đã bị giam hãm, bị khạc nhổ, đã bị tát tai, đã bị bỏ vạ, bị đánh đòn đóng mão gai, bị chế nhạo, bị lột áo, và như để cho toàn nhân loại thấy rõ thì Chúa lại treo lên một cách ô nhục trên Thánh Giá giữa 2 tên đạo tặc để cứu rỗi tôi, cứu rỗi nhân loại. Ôi! Mầu nhiệm thay! Trách gì mà Thánh Phaolô khi suy đến đã dám táo bạo gọi đó là một sự điên cuồng của tình yêu! Người ta kể, một triết gia đã phải loay hoay nhiều với cái tham vọng muốn tóm gọn cả một cuốn sách vào một trang, rồi cả trang ấy vào chỉ 1 câu, và nữa, cả câu ấy vào chỉ 1 chữ! Nhà triết học đã không thể, nhưng Chúa đã làm, Chúa đã tóm gọn vào một tiếng tất cả mọi mầu nhiệm của đạo, mọi giáo lý của Phúc Âm thư, mọi chương trình của phần rỗi nơi tình yêu của Thiên Chúa: Tiếng ấy là Thánh Giá. Tôi không còn phải bỡ ngỡ nữa khi thấy các Thánh đã say sưa yêu mến Thánh Giá, say sưa đến quên ăn quên ngủ, say sưa đến vui lòng bỏ hết mọi vinh hoa phú quý, đến cả dòng máu đào mình cũng không từ, là vì các Ngài đã đọc được ở cuốn sách lạ lùng ấy cả một tình yêu mênh mông vô hạn đang bao trùm lấy các Ngài.
2/ Thánh Giá nói lên tình yêu vô tận của Chúa và đồng thời Thánh Giá cũng làm nổi bật cuộc chiến thắng oanh liệt của Ngài – “Dominum regnarit a ligino”. Vừa tắt thở trên Thánh Giá, Chúa đã tiêu diệt được quyền lực của hỏa ngục, uy thế của bụt thần và cả lòng kiêu căng của nhân loại. Phải, từ ngày cây Thánh Giá được dựng lên trên trái đất, hỏa ngục đã bị mất mặt. Chúng không còn uy hiếp được loài người một cách tự do như tới nay nữa. Là vì với cây Thánh Giá, loài người đã có một lợi thế vô cùng sắc bén và hữu hiệu bảo đảm thắng lợi hoàn toàn cho họ. Và ở đâu bóng cây Thánh Giá tỏa đến là ở đó ma quỷ phải rút lui. Ma quỷ hỏa ngục đã phải rút lui thì bụt thần, con đẻ của nó, còn có nghĩa lý gì! Và thế là nhân loại được giải phóng! Và dần dần thế giới đã quay về gục đầu trước một người Do Thái bị đóng đinh. Ôi, thật lạ lùng! Bị hành hung, bị khinh rẻ khi còn tại thế, Chúa Giêsu lại bắt đầu thống trị khi tắt thở trên Thánh Giá. Cái giáo lý siêu phàm của Ngài lẽ ra làm Ngài được sùng bái khắp nơi thì lại làm Ngài phải chịu treo trên thập giá. Và cái thập giá ô nhục đáng thiên hạ khinh chê thì lại làm Ngài được tôn kính khắp nơi. Ngài vừa giăng tay ra trên Thánh Giá, mọi người đã vội vả đón nhận ấp yêu: Thật là hạt miến quẳng xuống đất bị thối rửa để làm mọc lên muôn vàn cây khác xanh tươi. Phải chăng lời tiên báo Chúa đã thực hiện: Ngày nào treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta. Thánh Giá đã lan rộng khắp nơi, khi khiêm tốn hiền từ trong khung cảnh nhỏ hẹp gia đình, khi oai vệ hiên ngang giữa trời xanh lồng lộng. Thánh Giá đã đập tan mọi bóng tối lầm lạc. Thánh Giá đã tỏa ánh sáng chân lý, nhân đức tự do, danh dự văn minh cho trần thế – Thánh Giá vạch cho ta một con đường đơn giản để đến quê Trời. Cũng vì thế mà nhân loại xô nhau về với Thánh Giá. Theo Jean Drias: Nhân loại thi nhau hàng phục Thánh Giá. Rồi họ say sưa, họ trìu mến, họ sống chết với Thánh Giá, và rõ ràng nhất là các tu sỹ Mến Thánh Giá. Bởi vì đúng như tên mà đấng sáng lập đã chọn, Hội Dòng này luôn sống trong tinh thần khổ chế hy sinh vì tình yêu. Họ tha thiết yêu Chúa Jésus chịu đóng đinh trên Thánh Giá, Đấng đã thí mạng sống và tình yêu cho Chúa Cha và nhân loại. Họ yêu Thánh Giá của Người và sẵn lòng đón nhận Thánh Giá của bản thân với xác tín là hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nổi khổ đau Chúa Kitô phải chịu trong thân mình Ngài là Giáo Hội. Họ say mê gắn bó với thập giá là nhằm để đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh qua sự suy niệm và noi theo cuộc đời lữ thứ lữ sinh của Người. Như vậy, tức là đáp ứng lời mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian và tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô – bằng việc cầu nguyện và đời sống thánh thiện, nhằm giúp hoán cải lương dân và các tín hữu tội lỗi, nhất là nhằm phục vụ thế giới, giới trẻ trong các lãnh vực văn hóa xã hội, y tế, luân lý, đức tin.

Là những tu sỹ Mến Thánh Giá, chúng ta phải can đảm hội nhập vào đoàn hùng binh của Chúa Giêsu để tiếp nối công cuộc cứu độ của Ngài. Hãy góp nhặt những Thánh Giá nhỏ nhẹ rải rác trong đời sống để kết vào Thánh Giá Chúa Giêsu làm ta có thể thưa với Chúa Giêsu như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Lạy Chúa Giêsu của con, Chúa đã làm việc đủ rồi. Chúa đã khóc đủ 33 năm sống trên nơi khổ ải. Hôm nay Chúa hãy nghỉ, đến lượt con đi chiến đấu và chịu đau khổ. Amen./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét