Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Giải đáp phụng vụ: Thứ Sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa

Giải đáp phụng vụ: Thứ Sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Các giáo hữu của tôi có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày thứ Sáu đầu tháng của chín tháng liên tiếp. Do một công tác mục vụ khác, khi tôi không thể cử hành Thánh lễ cho họ vào một trong các ngày thứ Sáu đầu tháng ấy, liệu tôi có thể chuyển qua cử hành thánh lễ Thánh Tâm vào ngày thứ Sáu thứ nhì trong tháng, thay vì thứ Sáu đầu tháng được không, thưa cha? - D. M., Nairobi, Kenya.


Đáp: Câu hỏi này liên quan đến lời hứa của Thánh Tâm Chúa với Thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690). Trong số các lời hứa, có lời Chúa nói:

"Với lòng thương xót quá bội của Thánh Tâm Cha, Cha hứa rằng: Tình Yêu toàn năng của Cha sẽ ban cho tất cả những ai Rước Lễ liên tiếp 9 ngày thứ sáu đầu tháng được ơn ăn năn thống hối trong giờ lâm tử. Họ sẽ không qua đời trong lúc còn mất ơn nghĩa cùng Cha và chưa kịp lãnh nhận các phép Bí Tích. Thánh Tâm Cha sẽ là nơi nương náu an toàn trong giây phút cuối cùng của đời họ”.

Trong khi lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được phổ biến sâu rộng sau khi Chúa hiện ra nhiều lần với Thánh Margarita Maria, nó không phụ thuộc vào các thị kiến ấy. Trong hình thức này hay hình thức khác, lòng sùng kính ấy được bắt nguồn từ Kitô giáo như là một cách đặc biệt để tiếp cận với Chúa Kitô. Như Thánh Augustinô nói, đó là đến với Chúa Kitô Thiên Chúa qua Chúa Kitô làm người.

Lòng sùng kính Thánh Tâm đã được ngụ ý nơi nhiều bậc thầy của đời sống thiêng liêng. Chân Phước Henry Suso, một tu sĩ Dòng Đa minh lấy cảm hứng từ Thánh Augustinô, đã nói: “Nếu con mong muốn đạt được sự hiểu biết thiên tính, cần phải bước dần dần theo con đường nhân tính của Ta và cuộc Khổ Nạn của nhân tính này là con đường dễ dàng nhất".

Lòng sùng kính Thánh Tâm đã được khắc sâu trong nhiều thế kỷ bởi các lần suy niệm về các vết thương của Chúa Kitô, và đặc biệt là vết thương cạnh nương long Chúa. Các suy tư này được hỗ trợ bởi các văn bản Kinh thánh như Ga 19, 34 và Is 53,5. Đặc biệt có ảnh hưởng nhất là Diễm Ca 4, 9: "Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, trái tim anh, em đã chiếm mất rồi!”. Nhiều nhà văn như Origen, Thánh Ambrôxiô và Thánh Gioan Kim Khẩu áp dụng văn bản này cho cuộc Thương Khó. Truyền thống sau đó đã được củng cố bởi phiên bản Phổ thông (Vulgate) của Kinh Thánh, vốn dịch câu văn là "làm bị thương" (vulnerasti) thay vì “chiếm”.

Trong thời Trung Cổ, các suy tư ban đầu đã được đào sâu và mở rộng với các ý tưởng mới, đặc biệt với các yếu tố cá nhân hơn và dịu dàng hơn. Trong số các nhà văn gây ảnh hưởng cho sự phát triển này, có Thánh Bede Vị Đáng kính, thánh Haimo thành Auxerre, và Gioan thành Fécamp, một tu sĩ Biển Đức. Suy niệm của các ngài về cuộc Thương Khó tạo cảm hứng cho nhiều người noi theo. Hình ảnh thánh Bernard thành Clairvaux thống trị thời đại của mình, và suy niệm của ngài về Diễm ca đã tạo xung động mới cho lòng tôn kính Thánh Tâm. Lòng sùng kính của ngài trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều người khác, như bạn ngài là Aelred thành Rievaulx và Ekbert thành Schönau, mà phần "Stimulus Dilectionis" của ngài được Thánh Bonaventura đưa vào trong các số 18-31 của tác phẩm "Lignum Vitae" của thánh nhân.

Các tác phẩm này cũng ảnh hưởng đến lòng đạo đức bình dân và các việc sùng kính, cũng như phụng vụ, với nhiều bài thánh thi và các ngày lễ liên quan đến chủ đề của cuộc Thương Khó, chẳng hạn lễ Thánh Tâm Chúa Kitô bị đâm thâu. Để làm ví dụ, chúng tôi cung cấp một bản dịch thô của bài thánh ca thế kỷ 12 "Summi Regis Cor Aveto", được sáng tác tại Đan viện Seinfield gần Cologne, Đức.

" Summi regis cor, aveto, te saluto corde laeto, te complecti me delectat, et hoc meum cor affectat, ut ad te loquar, animes. Quo amore vincebaris, quo dolore torquebaris, cum te totum exhaurires, ut te nobis impartires, et nos a morte tolleres?” (Hỡi Thánh Tâm Chúa cao cả của con, hãy để con hát cho Ngài nghe, và gửi đến Ngài lời chào vui vẻ và thân mật. Trái tim con ước mong ôm hôn Ngài một cách hân hoan. Nỗi đớn đau nào đã thâm nhập vào Ngài, đến nỗi Ngài tự hạ hoàn toàn, hỡi người con yêu mến, và chịu đau khổ vì chúng con, và như thế, Ngài cứu chúng con khỏi chết?)

Trong các thế kỷ sau đó, nhiều vị thánh khác ảnh hưởng đến sự phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm, chẳng hạn thánh Matilda và thánh Gertrude Cả, và các nữ tu Dòng Chartreuse của thánh Barbara thành Cologne. Trong số các đồ đệ của học thuyết được lan tỏa bởi đan viện là Thánh Phêrô Canisius và thánh Phêrô Fabro, hai tu sĩ Dòng Tên. Lòng sùng kính Thánh Tâm, được cổ vũ bởi các tu sĩ Dòng Tên thời đầu, chuẩn bị đất tốt mà nhiều năm sau đã dẫn Thánh Claude de la Colombiere, Dòng Tên, hiểu và chấp nhận các thị kiến của người xưng tội với ngài là Thánh Margarita Maria Alacoque. Nó cũng giải thích phần nào sự thúc đẩy mạnh mẽ và sự hỗ trợ lệnh truyền của Chúa, mà Dòng Tên đã làm cho lòng sùng kính Thánh Tâm trong nhiều thế kỷ.

Để trả lời cho câu hỏi chính xác trên đây, tôi tin rằng có hai giải pháp khả dĩ cho khó khăn này, liên quan đến việc không thể chu toàn các ngày thứ Sáu đầu tháng.

Trước hết, vì lời hứa được kết hợp với việc Rước lễ, và không nhất thiết phải tham dự Thánh Lễ, một phụng vụ Rước lễ có thể được sắp xếp vào ngày thứ sáu, khi Thánh Lễ không thể được cử hành. Việc này xem ra là giải pháp an toàn nhất.

Thứ đến, một vài tác giả cho rằng đối tượng của lòng sùng kính này là làm cho tâm hồn chúng ta cháy lửa yêu mến nồng nàn đối với Chúa Giêsu, và đền bù cho các xúc phạm đã làm với Chúa, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể. Bởi vì việc này có thể được thực hiện mỗi ngày, các tác giả gợi ý rằng các việc đạo đức gắn liền với thứ Sáu đầu tháng không bị giới hạn vào ngày đặc biệt này. Do đó, nếu một người nào bị ngăn trở cách hợp pháp để thực hiện việc đạo đức vào ngày thứ Sáu, người ấy có thể cử hành việc đạo đức ấy trong cùng một tinh thần vào một ngày khác.

Đây là một ý kiến hợp pháp, nhưng chưa phổ quát, dựa vào lòng lòng thương xót hải hà và sự hiểu biết vô cùng của Chúa. Hầu hết các tác giả không nhắc đến các luật ngoại trừ, vì ân sủng được gắn với một lời hứa đặc biệt được thực hiện trong một mặc khải riêng tư. Tuy nhiên, thật là rõ ràng rằng người nào thực hiện các việc đạo đức với mục đích thích hợp, sẽ được trợ giúp cách hợp lệ bởi ân sủng của Chúa.

Dường như không có luật nào của Giáo Hội về vấn đề này. Nói chung, ngoại trừ trong việc ban ân xá, Giáo Hội cố tránh đưa ra luật lệ về các vấn đề liên quan đến mặc khải riêng tư, ngay cả khi chúng được chính thức phê chuẩn và khuyến khích, chẳng hạn việc đạo đức sùng kính Thánh tâm. (Zenit.org 17-9-2013)

Nguyễn Trọng Đa 9/18/2013 (vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét