Trang

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

03-09-2013 : THỨ BA TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ BA 03/09/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật 22 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 5, 1-6. 9-11
"Người đã chết vì chúng ta, để chúng ta cùng được sống với Người".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. Khi người ta nói rằng: "Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó, tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.
Vì Thiên Chúa không đặt để chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng là để chúng ta chiếm lãnh ơn cứu độ nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chết vì chúng ta, để dù thức hay ngủ, chúng ta được cùng sống với Người. Bởi đấy, anh em hãy an ủi nhau, hãy lo xây dựng cho nhau, như anh em vẫn thường làm.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. - Ðáp.
3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 4, 31-37
"Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.
Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Lời Nói và Cuộc Sống

Ðược bầu làm Bề trên cộng đoàn, một Tu sĩ nọ đến hỏi một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện:
- Thưa cha, thế nào là một bài giảng hay?
Vị ẩn sĩ trả lời:
- Một bài giảng hay phải là bài giảng có nhập đề và kết luận hay, nhất là phần nhập đề và kết luận càng gần nhau càng tốt.
Khi nói đến khoảng cách giữa nhập đề và kết luận trong một bài giảng, hẳn vị ẩn sĩ muốn nói đến sự trung thực của lời nói. Một lời nói được xem là trung thực khi giữa lời nói và thực tế không có khoảng cách, nhưng có sự thống nhất giữa lời nói và cuộc sống.
Lời nói vốn là phạm trù cơ bản nhất trong Kitô giáo. Ở khởi đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa là nói, nhưng khi Thiên Chúa nói thì liền có vạn vật. Không có khoảng cách giữa lời của Thiên Chúa và hành động của Ngài. Lời của Thiên Chúa là lời chân thật, nghĩa là luôn được thể hiện bằng hành động và có hiệu quả. Khởi đầu Tin Mừng của ngài, thánh Gioan cũng xác quyết: "Từ khởi thủy đã có Lời và Lời đã hóa thành nhục thể". Nơi Chúa Giêsu, lời là thực tế, nghĩa là không có khoảng cách giữa lời Ngài và cuộc sống của Ngài. Và đó có thể là ý tưởng mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta.
Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền được áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: "Câm đi, hãy ra khỏi người này", thì phép lạ liền xẩy ra. Những người chứng kiến phép lạ đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các Luật sĩ đương thời.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Ngài không chỉ nói về sự giải phóng, mà còn chứng thực cho những người nghe Ngài biết được thế nào là giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt đối với Chúa Giêsu: giải phóng trước tiên là giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do thái: "Sự thật sẽ giải phóng các ngươi".
Lời Chúa là lời chân thật. Ước gì lời ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ xiềng xích của dối trá, để lời tuyên xưng và cuộc sống của chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống là lời nói có giá trị nhất.
(Veritas Asia)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 22 TN1

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Tội lỗi là một thực tại giam hãm và hủy diệt con người. Nhiều người ngày nay tuy sống trong tội lỗi, nhưng không còn nhận ra nguy hiểm nữa vì đã quá quen trong tội. Đức Kitô đến để nhắc nhở con người biết ý thức về tội lỗi và những nguy hiểm của tội lỗi gây ra. Ngài đến để hủy diệt tội lỗi và sự chết bằng cách chấp nhận cái chết trên Thập Giá, để thanh tẩy tội lỗi và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người luôn biết ý thức về tội lỗi và phải biết luôn chuẩn bị cho ngày tận thế của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu luôn biết chuẩn bị cho Ngày Chúa Đến, bằng cách chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức. Cách chuẩn bị hay nhất là sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Trong Phúc Âm, khi Chúa vào hội đường để giảng dạy, ma quỉ tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và ngăn ngừa Ngài đừng tiêu diệt chúng bằng việc dạy dỗ con người. Chúa thẳng thắn trục xuất chúng và dạy dỗ con người phải biết cẩn thận đề phòng để đừng làm nô lệ cho ma quỉ và tội lỗi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ngày của Chúa chắc chắn sẽ đến.

1.1/ Phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến: Con người chỉ sống một thời gian trên trái đất này, và sau đó sẽ từ giã cuộc đời để về với Chúa. Ngày Tận Thế có thể là Ngày Phán Xét, nhưng đúng hơn, nó là ngày cuối cùng của chính đương sự.
(1) Chúa đến vào thời gian con người không ngờ: Không ai biết được ngày cuối cùng của đời mình. Nhiều người nghĩ phải già, hay có bệnh nguy hiểm rồi mới chết; nhưng thực tế nhiều khi chứng minh ngược lại, nhiều người đã phải đau đớn thốt lên: "lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời!" Thánh Phaolô cũng viết thư khuyên các tín hữu Thessalonica: "Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: "Bình an biết bao, yên ổn biết bao!" thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được."
(2) Phải luôn sẵn sàng chuẩn bị: Vì không ai biết trước ngày giờ tận thế, nên các tốt nhất là luôn chuẩn bị sẵn sàng. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Thánh Phaolô khuyên: "Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.
Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối."

1.2/ Hãy luôn tỉnh thức và sống tiết độ: Làm thế nào để luôn chuẩn bị sẵn sàng? Các tín hữu Thessalonica chuẩn bị bằng cách không lo lắng làm việc chi hết, chỉ ngồi chờ ngày Chúa đến mà thôi. Thánh Phaolô đả kích cách chờ đợi này, ngài khuyên họ: "Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người."
Trước hết, phải năng nhắc cho nhau biết chuẩn bị cho ngày đó. Thứ hai, phải biết sống tiết độ: biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban cách khôn ngoan và chừng mực, tránh làm nô lệ cho bất kỳ một thói quen nào làm chúng ta lạc xa con đường cứu độ. Sau cùng, hãy luôn biết sống trong Đức Kitô: nghe lời Ngài dạy dỗ và bắt chước gương mẫu Ngài làm, sống kết hiệp với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện, và bằng ơn thánh Ngài ban qua các bí-tích, nhất là phép Thánh Thể.

2/ Phúc Âm: Hãy đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

2.1/ Chúa đến để khai trừ quyền lực ô uế ra khỏi con người: Trình thuật kể khi Chúa vào trong hội đường để giảng dạy, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Không lạ gì khi ma quỉ nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng Ngài là "Đấng Thánh của Thiên Chúa," vì ánh sáng và bóng tối luôn khai trừ nhau: chỗ nào có ánh sáng là không có bóng tối và ngược lại. Khi con người có Thiên Chúa, họ sẽ không có ma quỉ, quyền lực của bóng tối bị quyền lực của Thiên Chúa khai trừ. Ngược lại, khi một người để ma quỉ bố trí bao vây hết linh hồn, Lời Chúa khó mà thâm nhập vào linh hồn con người.
Ngày nay, ma quỉ vẫn làm chủ con người và vẫn tìm cách để nuốt chửng ánh sáng. Khi nghe Lời Chúa và những lời giảng dạy của linh mục trong thánh đường, ma quỉ vẫn tìm mọi cách để những lời ấy đừng vào tâm hồn các người nghe. Dụ ngôn "Người gieo giống" là một điển hình cho điều này. Chúng cám dỗ con người bằng mọi cách: ngủ gật, chia trí nhìn người khác, để hồn chu du các nơi, ngay cả những vùng cấm địa. Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn để vạch lá tìm sâu nơi người rao giảng và ngay cả việc phê bình, chỉ trích, bôi lọ, để nhà rao giảng không còn can đảm để nói sự thật.

2.2/ Chúa đến để dạy dỗ điều hay lẽ phải và thánh hóa con người: Con người có thể trở nên tốt lành bằng cách thực hiện hai điều sau:
(1) Lắng nghe lời dạy dỗ của Đức Kitô: Một trong những điều quan trọng giam hãm con người trong tội lỗi là sự u mê, không nghĩ mình có bệnh. Khi con người có thái độ này, họ không nghĩ mình đang mang bệnh và không cần sự chỉ dạy của ai cả. Một người nghiện rượu không nghĩ mình say, anh chẳng cần phải sửa tính nghiện rượu.
Để có thể chữa trị tội lỗi, con người cần nhận ra mình có tội. Để nhận ra tội, con người cần có thời gian học hỏi và suy niệm để Lời của Đức Kitô soi sáng, để con người có thể nhận ra tình trạng bệnh tật của mình. Ví dụ, khi Ngài nói: "Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa:" Con người cần tìm hiểu lý do tại sao Chúa nói như thế; nhất là nhìn vào cuộc đời của mình để xét xem, mình có bệnh tật đó hay không. Mình có đặt sự giầu có lên trên Thiên Chúa không? Mình có dùng thời giờ của Chúa ban để học hỏi Lời Chúa hay làm việc kiếm tiền để đếm cho sướng tay? Mình có dùng của dư giả để giúp người nghèo hay những nơi cần giúp, hay phung phí tiền của vào những nơi ăn chơi vô bổ?
(2) Lấy sức mạnh và ơn thánh của Đức Kitô để diệt trừ tội lỗi: Tội lỗi thấm nhập lâu ngày rất khó sửa trị, con người cần lấy sức mạnh của Lời Chúa và chính ơn thánh của Ngài ban qua các bí-tích. Ví dụ, khi Chúa nói với người thanh niên "hãy bán gia tài anh có và phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời." Hãy tìm hiểu Lời Chúa xem "kho tàng trên trời" bao gồm những điều gì. Niềm hy vọng vào kho tàng trên trời sẽ giúp con người có sức mạnh để dám hy sinh kho tàng dưới đất. Ngoài ra, con người cần ơn thánh Chúa ban qua các bí-tích, vì sức con người không đủ để chống trả lại sức mạnh của ba thù là ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Vì thế, con người cần thường xuyên lãnh nhận bí-tích Thánh Thể và Giao Hòa, để những ơn thánh từ hai Bí-tích này giúp con người có sức mạnh vượt qua những cám dỗ của ba thù.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tội lỗi làm con người trở thành nô lệ cho ma quỉ, và ngăn cản con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta hãy tìm mọi cách để khử trừ tội lỗi.
- Hãy học Kinh Thánh để Lời Chúa soi sáng chúng ta nhận ra tội lỗi, hãy áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống và năng lãnh nhận bí-tich để có sức mạnh khử trừ tội lỗi.

Lm. An- tôn ĐINH MINH TIÊN,OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 22 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 4,31-37

A. Hạt giống...
Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền :
- Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những bậc tôn sư tiến bối nào cả.
- và uy quyền trong hành động : Ngài đã khống chế sức mạnh của ma quỷ một cách rất dễ dàng và nhanh gọn.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng đầy uy quyền. Có lần, thính giả phải thừa nhận “Chưa từng có ai giảng dạy như ông ấy”. Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bậc tôn sư thức giả và mở ra cho con người một con đường sống tốt đẹp.
Con muốn được làm học trò trong trường của Chúa. Xin Chúa ngày ngày dạy dỗ con.
2. “Bấy giờ trong hội đường có một người bị quỷ ám” : người bị quỷ ám là người bị một thế lực xấu khống chế, người đó không còn tự do, người đó không còn là con người trọn vẹn.
Tôi có đang bị khống chế một cách nào đó không : bởi một tính xấu ? những thói quen xấu ? những đam mê lệch lạc ? v.v. Ngày xưa Chúa đã giải thoát cho người bị quỷ ám. Xin Chúa cũng giải thoát con.
3. Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sĩ, bác sĩ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở Châu Phi. Làm việc không biết mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải thường Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố : “Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện”. Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. “Ngài xuống Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát Ngài giảng dạy họ. Họ sửng sốt về cách Ngài giảng dạy, vì Lời Ngài có uy quyền” (Lc 4,31-32)
Thánh lễ là nơi tôi gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thưa chuyện với Ngài và Ngài giáo huấn tôi. Trong thinh lặng và trong khoảng không gian thánh thiện của giáo đường, Ngài hiện diện một cách sống động và không ngừng tác động trên tôi. Lời Ngài cũng vang lên một cách huyền nhiệm nơi giáo đường. Nhờ Lời, tôi cảm thấy mình được biến đổi. Sự thanh thản, nhẹ nhõm, bình an đến với tôi mỗi khi tôi đến với Ngài. Lo âu, sầu khổ, chán chường, thất bại hay thành công của tôi đều được Ngài chia sẻ, ủi an. Đấy không phải là phép lạ, là uy quyền sao ?
Như xưa Ngài đã làm cho dân miền Galilê sửng sốt thì Lời Ngài hôm nay cũng làm cho tôi phải ngỡ ngàng.
Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được quyền năng của Lời Chúa mỗi ngày một sâu sắc hơn trong đời con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

03/09/13 THỨ BA TUẦN 22 TN
Th. Ghêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh            
Lc 4,31-37

ĐỂ CHÚA CAN THIỆP ĐỜI TÔI
“Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi.” (Lc 4,31-37)
Suy niệm: Ma quỷ biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thiện hảo, đáng yêu mến. Thế nhưng chúng lại không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào đời chúng; với một lòng thù hận không thể rút lại, chúng không chấp nhận một mối tương giao nào với Thiên Chúa. Thế mà giờ đây chúng vẫn phải đối mặt với Ngài. Đó chính là nỗi thống khổ cùng cực của ma quỷ, của hoả ngục: muốn hoá thành hư không để khỏi đau khổ mà không thể được. Đó là lý do của tiếng kêu thét: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”
Mời Bạn: Con người ngày nay cậy vào trí thông minh, nại đến quyền tự do của mình để can thiệp vào tiến trình sự sống là điều vốn thuộc quyền Thiên Chúa: họ chế tạo ra vũ khí hạch nhân, hoá học giết người hàng loạt; họ cổ võ phá thai, sinh sản vô tính, v.v… Họ không chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời họ, không chấp nhận thuộc về Ngài qua việc tuân thủ những chuẩn mực luân lý, đạo đức của Ngài. Trong cuộc sống hằng ngày tôi có hành xử như thế không, khi tôi từ chối sống theo Lời Chúa răn dạy? Khi tôi không đón nhận những điều mà Chúa để cho xảy đến trong cuộc đời tôi? Tôi có phản kháng Ngài như ma quỷ: “Chuyện của tôi can gì đến ông?” hay không?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng thay đổi nếp sống của bạn, gia đình, cộng đoàn bạn mỗi khi bạn nhận thấy có điều gì lạc xa khỏi đường lối của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin thương giải thoát gia đình con, giáo xứ con, cộng đoàn con khỏi sự hoành hành của quỷ dữ. Xin cho chúng con biết để Chúa can thiệp vào cuộc đời chúng con. Amen.

Lời có uy quyền
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám. Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.

Suy nim:
Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông ? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này !”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


SUY NIỆM
Ma quỉ là một thế lực chống lại Thiên Chúa, tìm cách hại con người, làm cho con người sống xấu xa và lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa. Ma quỉ tìm cách mở rộng địa bàn và cám dỗ nhiều người theo chúng.
Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Ngài đã dùng quyền lực Thiên Chúa mà xua đuổi ma quỷ, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của của ma quỉ và cho con người sống hạnh phúc. Tình thương của Chúa luôn dạt dào. Chúa yêu thương tôi, muốn cứu tôi thoát khỏi tội lỗi, và thoát khỏi nô lệ của ma quỉ.

Tôi đang sống thánh thiện hay tội lỗi? Tôi đang chạy theo những cám dỗ và đam mê xấu của ma quỉ hay tôi đang sống theo Lời Chúa dạy?

Lạy Chúa xin Chúa tha thứ cho con vì những lần con bất trung với Cha. Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, khỏi mọi điều bất chính, để con mạnh dạn bước theo Chúa. Xin Chúa đổi mới tâm hồn chúng con để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa. Xin cho con được mặc lấy sự thánh thiện của Chúa, làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời nhiều bất ổn, nhiều thăng trầm và nhiều thử thách. Amen.

Bộ mặt đích thực của Giáo Hội
Khi Giáo Hội sống đúng ơn gọi và sứ mệnh của mình, Giáo Hội là một sức mạnh tinh thần khiến cho các chế độ chính trị phải trọng nể hay lo sợ. Sức mạnh ấy không tới từ thế giới hay những phương tiện Giáo Hội có trong tay.
Giáo Hội múc lấy sức mạnh từ chính uy quyền của Ðấng sáng lập là Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô đã hứa ngay cả cửa hỏa ngục cũng không thắng nổi Giáo Hội. Chúa Giêsu đã phú bẩm cho Giáo Hội uy quyền của chính Ngài. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Ngài và nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ thán phục vì Ngài giảng dạy như Ðấng có uy quyền.
Trong cách đánh giá thông thường, một người xem là có uy tín khi tài năng hay đức độ của người đó được nhìn nhận, lời nói của một người có uy tín có sức thuyết phục người khác, việc làm có uy tín của một người có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời nói và việc làm thường đi đôi với nhau, hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo. Chúa Giêsu giảng dạy như Ðấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống và những việc làm của Ngài. Ðây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu khi Giáo Hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo Hội chỉ thực sự thể hiện được bộ mặt đích thực của mình khi sống phục vụ mà thôi. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng tỏ ra là một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu có nghĩa vụ phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo Hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo Hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay qua các biểu dương của số đông mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá về ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo về thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.
Nguyện xin Chúa Giêsu, Ðấng giảng dạy với uy quyền, củng cố niềm tin, gia tăng đức mến và bảo toàn niềm trông cậy nơi chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Ba 3-9
Thánh Grêgôriô Cả
(540?--604)

Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp sau nổi tiếng hơn sự nghiệp trước. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó, ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức giáo hoàng, và ngài còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài được chọn làm giáo hoàng bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.
Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt, săn sóc những người Do Thái bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém. Ngài rất lưu tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.
Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard.
Một sử gia Anh Giáo đã viết: "Không thể nào tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ--thật lộn xộn, vô trật tự--nếu không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả."
Cuốn sách của ngài, Cách Chăm Sóc Mục Vụ, nói về nhiệm vụ và đặc tính của môät giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là "Cả", Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng cốt của Giáo Hội Tây Phương.
Lời Bàn
Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết khả năng để chu toàn nhiệm vụ.
Lời Trích
"Nói cho cùng có lẽ không khó để người ta từ bỏ của cải, nhưng chắc chắn là thật khó để từ bỏ chính mình. Khước từ những gì mình có là chuyện nhỏ; nhưng khước từ cái tôi của mình, đó mới thật đáng kể" (Thánh Grêgôriô, Bài Giảng về Phúc Âm).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét