Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

08-09-2013 : (P1) CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 08/09/2013
Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên năm C
(Phần 1)


BÀI ĐỌC I: Kn 9, 13-18
"Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn".

Trích sách Khôn Ngoan.
Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.
Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.
Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17
Đáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: 1) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người". - Đáp.
2) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. - Đáp.
3) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. - Đáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Plm 9b-10. 12-17
"Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.
Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Đức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.
Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 14, 25-33
"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.
"Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: 'Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi'.
"Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Quyết tâm từ bỏ tất cả để vác thập giá của mình

Nếu chúng ta đã chú ý lắng nghe Lời Chúa, chắc chắn không ai có thể yên tâm được. Lời Người đòi hỏi rõ ràng quá! Người dạy: phàm ai trong các ngươi không từ bỏ của cải mình đi hết thảy, thì không thể làm môn đệ của Ta. Ấy là chúng ta mới chỉ nhắc lại một Lời của Người đó thôi. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Người còn nói: Kẻ nào đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa, ắt không thể làm môn đệ của Ta. Những lời này phải hiểu thế nào đây? Không lẽ hiểu theo nghĩa đen; và như vậy thi hành thế nào được, vì kìa có ai làm như thế đâu? Các tu sĩ khổ hạnh cùng lắm cũng chỉ từ bỏ được của cải; nhưng họ đâu có ghét cha ghét mẹ. Ðàng khác Chúa không dạy phải thảo kính cha mẹ ư?
Do đó, Lời Chúa phải hiểu theo cách thức nào đây? Chúng ta muốn tìm một lối giải thích. Nhưng ý tứ, bài sách Khôn ngoan bảo chúng ta phải coi chừng.

1. Ai Nghĩ Ra Ðược Chúa Muốn Gì?
Quả thật tác giả là người khôn. Ông sống khoảng 100 năm trước Ðức Giêsu Kitô. Thời ấy người Do Thái tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp, nổi tiếng có nền triết học thâm thúy. Chắc chắn người Hy Lạp coi rẻ văn chương Do Thái, như dân mẫu quốc khinh khỉnh đối với sách vở của dân thuộc địa. Và chính nhiều người Do Thái cũng đâm ra mặc cảm, không thấy Sách Thánh của mình có giá trị tuyệt đối nữa, và xét theo nhiều phương diện còn kém tư tưởng của các nhà triết học. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy nẩy sinh loại văn chương khôn ngoan trong bộ Kinh Thánh. Nhiều học giả đạo đức trong dân Chúa đã được Chúa soi sáng và hướng dẫn để giúp anh em tín hữu biết đối thoại với nền văn hóa mới: Suy nghĩ các đề tài nền văn hóa này chú trọng cũng như hiểu rõ các chân lý đặc biệt của đạo Chúa. Công việc của những tác giả ấy còn khích lệ chúng ta hiện nay, và có thể nói hơn bao giờ hết. Bởi vì chưa bao giờ nhân loại tiến bộ như hiện nay. Các khám phá mới về khoa học và các tư tưởng táo bạo của thời đại chúng ta bó buộc niềm tin của chúng ta phải suy nghĩ, nếu không muốn nó bị người ngoài coi khinh và có thể khiến chúng ta tự ti mặc cảm cách nào đó trong đời sống hằng ngày. Bài sách Khôn ngoan hôm nay vắn tắt nhưng có thể trở thành lợi khí, nếu chúng ta biết hiểu.
Ðây là đoạn kết của lời kinh cầu nguyện mà tác giả dâng lên Thiên Chúa. Ông xin Người ban cho mình được sự khôn ngoan. Không phải vì ông thất học hay dốt nát. Ông mượn danh nghĩa của Salômon để viết ra tác phẩm "Khôn ngoan" này. Và sự khôn ngoan của Salômon đã trở thành vô địch, đến nỗi Nữ hoàng Phương Nam phải đến học khôn. Nhưng người thông thái thật không tưởng mình đã biết hết và chỉ kẻ thiển cận mới ba hoa tuyên bố các ngu xuẩn của mình.
Ðặc biệt, những người khôn ngoan luôn biết định mức các kiến thức của mình. Tác giả bài sách hôm nay là một trong những người như vậy. Ngay từ đầu, ông phân biệt rõ phạm vi ý định của Thiên Chúa và giới hạn tư tưởng của loài người. Thế giới của Thiên Chúa siêu việt. Khả năng của loài người bất lực trước các chân lý của Người. Ðiều này hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng còn hiển nhiên không kém, là tư tưởng của loài người cũng yếu ớt dễ sợ ngay trong phạm vi của mình. Kiến thức của họ lỏng chỏng chứ không bền vững. Và tác giả nói rõ lý do vì sao. "Quả thật xác hư nát đè nặng linh hồn, lều đất làm trĩu xuống linh hồn đăm chiêu".
Chúng ta có cảm tưởng ông muốn nói với người Hy Lạp và phê bình giá trị tư tưởng của họ. Họ tự phụ có nền triết học cao. Nhưng đấy cũng chỉ là sản phẩm của trí tuệ và linh hồn con người. Thế mà linh hồn cũng như trí tuệ ở trong xác mà con người Hy Lạp vẫn coi như tù ngục và vât chất. Xác thịt lôi cuốn tinh thần xuống, đè nặng trên các tư tưởng của con người, khiến triết học của họ yếu ớt và lỏng chỏng. Người ta ước lượng các việc dưới đất một cách khó khăn; và nhiều điều trước mắt người ta cũng phải vất vả mới nhìn ra được. Khổng Tử cũng không nói khác khi ông tuyên bố: Việc đời này tôi cũng chưa rành, tại sao lại phải hỏi tôi về việc đời sau?
Phải, sự khôn ngoan của con người có hạn. Kiến thức của họ lỏng chỏng yếu ớt. Người khôn phải có thái độ thế nào? Salômon tự thú: Nếu Thiên Chúa không ban, tôi không thể có được sự khôn ngoan. Nên tôi đã thưa với Chúa và cầu xin Người: Xin ban cho tôi khôn ngoan chung ngự ngai Người và đừng loại tôi khỏi số con cái của Người.
Ước gì chúng ta được lòng đạo đức ấy! Gặp nền văn hóa mới, gặp những tư tưởng mới, chúng ta noi gương tác giả sách Khôn ngoan. Chúng ta xin Chúa hướng dẫn và tìm trong Mạc khải của Người ánh sáng cứu độ cho cuộc đời trần gian. Thiên Chúa đã nói với chúng ta, nơi Ðức Giêsu Kitô là Ngôi Lời chung ngự ngai Thiên Chúa. Ngài đang mạc khải ý định của Ngài nơi Sách Thánh và trong Hội Thánh. Chúng ta có biết để các kiến thức của loài người dưới chân sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mới hy vọng nhận được ánh sáng soi dẫn cuộc đời trong chân lý. Giờ đây chúng ta cũng phải làm như thế để đón nhận lời dạy của Ðấng Khôn ngoan đang tuyên bố con đường cứu độ trường sinh.

2. Ai Muốn Làm Môn Ðệ Chúa
Chúa Giêsu nói với những ai muốn làm môn đệ Người. Người nói với quần chúng đông đảo, làm chứng Người muốn kêu gọi hết mọi người và muốn mọi người được hạnh phúc. Do đó, Lời của Người không dành riêng cho một nhóm người nào. Ðừng bảo những lời ấy chỉ có giá trị đối với người Do Thái đồng thời với Người. Cũng đừng nói ngày nay những lời ấy chỉ dành cho linh mục và tu sĩ. Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta ngày hôm nay. Người bảo: Muốn đến với Người và làm môn đệ của Người phải ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa. Lại phải vác khổ giá mình mà đi sau Người. Và phải từ bỏ của cải mình đi hết thảy.
Dĩ nhiên Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chua, thì hôm nay Người bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn: hoặc bỏ chúng để được Người, hoặc giữ chúng mà mất Người. Không có lối thoát nào khác. Không phải vì Chúa quá đòi hỏi; nhưng giữa ánh sáng và tối tăm, giữa tình yêu và hận thù, người ta phải lựa chọn.
Thế nên, tiếp theo Chúa bảo người ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Như người muốn xây tháp, như vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn.
Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Và theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Những người Do Thái đồng thời với Ðức Giêsu còn có thể hiểu lầm được, chứ ngày nay chúng ta đã thấy rồi, Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải mang lấy thập giá.
Tôi tưởng đây là câu chính trong bài Tin Mừng hôm nay. Kẻ muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải vác thập giá đi sau Ðấng đã vác thập giá mở đường cứu độ cho muôn người. Ðối với những thính giả ở thời Ðức Giêsu, điều này có một ý nghĩa rất cụ thể. Người ta vẫn thấy những tên tù tội phải vác thập giá đi đến nơi chịu tử hình. Ngày nay chúng ta đã thấy Ðức Giêsu đi như thế. Ai đi sau Người tất bị khai trừ bởi những ai phủ nhận đường lối Người đã đi. Không chấp nhận bị khai trừ như vậy không thể làm môn đệ của Người được. Và khi đi vào con đường thập giá như vậy, làm sao còn có thể bám vào của cải thế gian nữa? Do đó hãy hiểu hai đòi hỏi "ghét cha mẹ" và "từ bỏ của cải" như là điều kiện và hậu quả của việc lựa chọn đi vào đường lối của Chúa, khi tình yêu tự nhiên và của cải thế gian ngăn trở người ta bước đi sau Chúa để trở thành môn đệ của Người.
Có khi nào như vậy không? Thường ra thì không như trong trường hợp của chúng ta hiện nay. Cha mẹ, vợ con, anh chị em đâu có cản trở chúng ta đi theo đường lối của Chúa. Ngược lại, cha mẹ thường muốn con cái giữ luật Chúa, vợ ao ước chồng giữ các giới răn của Chúa, anh chị mong muốn các em sống đời đạo đức. Có khi vì vậy mà con cái ghét cha mẹ, chồng khó chịu với vợ, và các em giận hờn anh chị. Những sự ghét bỏ ở đây là tội lỗi và bất công. Nhưng hồi Ðức Giêsu giảng đạo tại thế, các môn đệ của Người phải bỏ cha mẹ, vợ con mới đi theo Người được. Và trong lịch sử nhiều cuộc cấm đạo, người đi theo Chúa buộc lòng phải ghét bỏ cả cha mẹ, vợ con, anh chị em và sự sống của mình mới có thể vác thập giá theo chân Chúa Giêsu đi đến chỗ tử đạo được, khi những người kia cản trở mình trung kiên trong đức tin.
Ðó là những trường hợp hy hữu và điển hình để khẳng định dứt khoát chân lý sau đây: không được yêu thích người nào, vật nào hơn Chúa; và phải kính yêu Người hơn hết thảy mọi sự, mọi người. Ðiều không phải là người ta không thi hành chân lý này mọi nơi, mọi lúc. Quá nhiều khi họ nghe theo cám dỗ, thích các ham muốn xác thịt hơn Luật Chúa và vị nể người này người khác mà không dám làm theo tiếng lương tâm. Họ không xứng đáng làm môn đệ của Chúa Giêsu, Ðấng đã vác thập giá đi trước để mở đường cứu độ cho những ai chấp nhận vác thập giá của mình đi sau.
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng đặt Philêmon trước một lựa chọn. Ông có thể xử sự theo lẽ tự nhiên hoặc thi hành tiếng gọi của Chúa? Ông sẽ lựa chọn theo sự khôn ngoan của loài người hoặc sẽ nhờ sức mạnh Thánh Thần khôn ngoan của Thiên Chúa mà hành động? Ông sẽ tỏ mình là môn đệ của Chúa hoặc chỉ sống như một người thế gian? Chúng ta đọc qua đọc lại đoạn thư này để thấy Lời Tin Mừng đòi buộc áp dụng cụ thể và chỉ những ai nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới có thể là môn đệ của Người.

3. Bạn Sẽ Xử Sự Thế Nào?
Philêmon là một người giàu có. Có thể chính Phaolô đã làm cho ông theo đạo. Ông có một tên nô lệ gọi là Ônêsimô. Anh này bỏ trốn. Phaolô đã gặp anh và làm cho anh theo đạo. Nhưng Người phải xử trí thế nào đây? Không trả Ônesimô lại cho Philêmon hoặc để anh trốn đi nơi khác, là bao che một kẻ phạm pháp và gây ra nhiều hiểu lầm tai hại cho Ðạo Thánh. Phaolô một mặt khuyên Ônêsimô trở về và mặt khác viết một thư để anh cầm theo mang đến cho Philêmon.
Lá thư vắn tắt nhưng thống thiết, chan chứa tình người và nhất là hối thúc đức ái siêu nhiên. Phaolô nại đến tuổi già của mình và hoàn cảnh đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô. Những lý do này khiến Người có thể đòi hỏi Philêmon bất cứ điều gì. Nhưng Người không muốn áp đặt mà chỉ muốn chính Philêmon phải lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn đi là tên nô lệ; nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của chúng ta.
Hơn nữa, anh đã được sinh ra trong tuổi già và xiềng xích của Phaolô. Philêmon sẽ đón nhận anh như một chủ thế gian gặp lại tên nô lệ đã trốn đi; hoặc ông sẽ cư xử như một môn đệ của Chúa, đón nhận anh như một đồng đạo, và do đó như một người anh em và bạn hữu? Chúng ta không được biết Philêmon xử trí như thế nào. Nhưng một bức thư thống thiết, đầy tình nghĩa và lý tưởng cao như vậy, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian và xã hội cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan và Thánh Thần của Thiên Chúa, để cư xử như một người môn đệ tốt của Chúa Giêsu Kitô, xứng đáng lưu tên tuổi lại trong bộ Kinh Thánh, trở thành gương mẫu cho chúng ta khi nghe tiếng Chúa kêu gọi trong những trường hợp rất cụ thể thuộc đời sống trần gian. Chúng ta ghi nhớ bài thư hôm nay để thấy rõ Lời Chúa rất cụ thể. Người kêu gọi chúng ta luôn biết từ bỏ thế gian xác thịt để trở thành môn đệ của Người. Và chúng ta chỉ làm được như vậy khi thâm tín Lời Chúa và lệnh truyền của Chúa là sự khôn ngoan Thánh Thần vượt xa mọi luận lý phàm nhân của chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin được thêm lòng xác tín mọi lệnh truyền của Chúa, được nhiều ơn Thánh Thần hơn để mạnh mẽ khước từ và ghét bỏ các cám dỗ, hầu sống xứng đáng là môn đệ của Chúa. Thánh lễ này muốn mang đến tất cả những ơn đó.
Ðặc biệt nơi bàn thờ sẽ nhắc nhở và thực hiện mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô không những vác thập giá mà còn chết trên thập giá để cống hiến Thịt Máu Người cho chúng ta được sống.
Chúng ta không thể đón nhận một tình yêu như vậy mà không quyết tâm từ bỏ tất cả để vác thập giá của mình và đi theo Người. Xin Người đến hộ sức cho chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 23 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Wis 9:13-18; Plm 1:9b-10, 12-17; Lk 14:25-33.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

 Khôn ngoan là một tĩnh từ mang nhiều hiểu lầm vì tính áp dụng quá rộng của nó: Thiên Chúa khôn ngoan, nhà khoa học khôn ngoan, người thợ kim hoàn khôn ngoan vì làm đồ giả như đồ thật, tên trộm khôn ngoan vì đánh lừa được chủ nhà. Đâu là sự khác biệt mà tĩnh từ khôn ngoan được áp dụng cho các thành phần này?
Trước hết, chúng ta cần phân biệt Đức Khôn Ngoan với sự hiểu biết: Đức Khôn Ngoan chỉ áp dụng cho Thiên Chúa và những sự thuộc về Ngài; trong khi hiểu biết nên áp dụng cho những sự thuộc về loài người. Hiểu biết cũng có nhiều loại: hiểu biết chung cho tất cả phạm vi của loài người được gọi là kiến thức (knowledge), hay cho những phạm vi chuyên môn gọi là khoa học (science)
Các bài đọc hôm nay chú trọng đặc biệt đến Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan trong cuộc đời con người, để họ biết sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa và đạt được mục đích của cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phân tích sự khác biệt giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và những hiểu biết của con người, và những lợi ích do Đức Khôn Ngoan mang lại. Trong bài đọc II, thánh Phaolô muốn cho Philemon nhận ra sự khác biệt to lớn khi một người biết sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ có thể biến một người vô tích sự thành một người hữu ích cho tha nhân. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi con người phải có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa thì mới có thể đáp ứng những đòi hỏi để trở thành môn đệ của Ngài được. Nếu một người chỉ sống theo những hiểu biết của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở thành môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức khôn ngoan của Thiên Chúa và trí khôn của con người

1.1/ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và sự hiểu biết của con người
Trước tiên, tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?” Có nhiều lý do cho sự không hiểu biết của con người: Thứ nhất, trí khôn con người có giới hạn, vì con người “là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Linh hồn con người bị chi phối bởi thân xác, mà thân xác bị chi phối bởi khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh, và nhất là những đòi hỏi về các ham muốn, lo âu và dục vọng. Thứ hai, con người chỉ có thể hiểu biết những gì thuộc thế giới hữu hình, chứ không hiểu biết được thế giới vô hình. Tác giả thú nhận: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng?” Sự thật của cuộc đời là thế, người tài giỏi lắm cũng chỉ biết những gì thuộc phạm vi của mình; ví dụ, trong nghành y khoa còn phải chia ra các phân khoa như: tim, phổi, thần kinh, xương, da...; trong ngành kỹ sư cũng chia ra các phân khoa như: điện đường, điện tử, cơ khí, cầu cống... Làm sao có thời giờ để quán thông mọi sự trong trời đất?

1.2/ Con người cần được Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan.
(1) Theo tác giả, Đức Khôn Ngoan là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người trong khi sự hiểu biết là do cố gắng hay kinh nghiệm mà con người đạt được.
Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không lệ thuộc vào trí khôn của con người, vì có người rất hiểu biết nhưng lại không có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa; trong khi có người ít hiểu biết nhưng lại có Đức Khôn Ngoan của Ngài; dĩ nhiên cũng có những người hiểu biết nhiều và sở hữu Đức Khôn Ngoan. Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:25; Lk 10:21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, sở dĩ có những người không có là vì họ quá kiêu ngạo, họ không nghĩ họ cần Đức Khôn Ngoan là những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.
(2) Những lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: Tác giả liệt kê 3 lợi ích mà Đức Khôn Ngoan mang lại cho con người: thứ nhất, họ được đẹp lòng Thiên Chúa; thứ hai họ biết sống theo trật tự của Thiên Chúa quan phòng nên họ được thành công và có sự bình an; sau cùng, họ đạt được ơn cứu độ là sự sống đời đời.

2/ Bài đọc II: Kẻ xưa kia là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi.

2.1/ Phaolô huấn luyện Onesimus theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa.
Onesimus là một người nô lệ của Philemon, sống tại Colossae. Vì một lý do nào đó, ông đã bỏ trốn chủ qua Rôma và đã gặp lại Phaolô đang lúc ngài bị giam tù lỏng. Sau một thời gian ở với Phaolô và được huấn luyện, ông đã thay đổi hoàn toàn và được chịu phép Rửa bởi Phaolô. Luật Rôma rất nghiêm nhặt đối với người nô lệ bỏ chủ chạy trốn, ông có thể bị tử hình. Phaolô tuy rất muốn giữ Onesimus ở với mình trong khi tù đày và già yếu; nhưng ông không muốn làm gì mà không có sự đồng ý của Philemon, chủ của Onesimus.
Phaolô coi Onesimus như người con ruột của mình, “đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích.” Phaolô xin Philemon nhận lại Onesimus, không phải như nhận lại một người nô lệ; nhưng như một người ruột thịt của ông, và như một người anh em trong Đức Kitô. Có thể nói Phaolô đã làm một cuộc cách mạng khi xin tha chết cho Onesimus, và xin Philemon đối xử với ông không như một người nô lệ.

2.2/ Thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến.
Phaolô muốn Philemon hoàn toàn tự do trong việc nhận lại Onesimus, và nếu Philemon đồng ý, gởi Onesimus lại để ở với Phaolô: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.”
Chỉ trong thời gian ngắn, Phaolô đã cảm hóa được Onesimus, đến nỗi có thể nói với Philemon “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Điều này là một chứng minh cho thấy cách giáo dục con người hay nhất là giáo dục theo đường lối và cách thức khôn ngoan của Chúa Giêsu là yêu thương hết mình và sống theo sự thật. Con người sẽ đáp trả khi họ được yêu thương thành thật và được tôn trọng phẩm giá như một con người.

3/ Phúc Âm: Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

3.1/ Những điều kiện để làm môn đệ của Đức Kitô:
Trình thuật cho biết có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Có lẽ những người này cũng muốn theo Người làm môn đệ, nên Người quay lại bảo họ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
Có ba điều kiện Chúa Giêsu đòi nơi người môn đệ:
(1) Bỏ cha mẹ và những người thân thuộc: Làm môn đệ của Đức Kitô là lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nếu người môn đệ nào quá lo lắng cho cha mẹ và gia đình, ông sẽ không còn thời gian để chu toàn sứ vụ được trao; vì thế, đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ đây không có nghĩa phải chấm dứt các mối liên hệ gia đình, nhưng phải dám hy sinh cho một sứ vụ, nhất là khi có xung đột.
(2) Bỏ chính mình: có lẽ đây là điều khó khăn hơn cả, vì người môn đệ bị đòi phải bỏ ý riêng và như thế toàn thể con người mình, để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nếu người môn đệ hiểu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa sẽ mang lại những lợi ích và nhất là ơn cứu độ, việc bỏ ý riêng mình là điều cần thiết và nên làm.
(3) Vác thập giá mà theo Chúa: con người thường có khuynh hướng chạy trốn đau khổ để tìm những sự an nhàn và dễ dãi. Người môn đệ bị đòi để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.

3.2/ Hai ví dụ của khôn ngoan: Để dẫn chứng sự hợp lý của những đòi hỏi trên, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ.
(1) Người xây tháp canh: Đây là một dự án đòi nhiều vật lực và nhân lực; vì thế, người xây phải ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.”
(2) Vua giao chiến: Ngày nay cũng như ngày xưa, thăng bằng lực lượng là điều cần thiết phải làm trước khi giao chiến. Nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ thăm dò mọi cách để biết lực lượng của đối phương: nếu cán cân lực lượng quá nghiêng về đối phương, ông sẽ phải hạ mình xuống để sai sứ giả cầu hòa để tránh tử vong cho mình, cho binh lính, và cho dân chúng; nếu biết lực lượng của mình mạnh hơn địch, ông sẽ an tâm giao chiến và nắm chắc phần thắng.
Trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô cũng vậy, người môn đệ bị đòi phải gạt những hiểu biết theo tính toán con người của mình qua một bên để sống theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nếu ngoan cố cứ sống theo cách riêng của mình, người môn đệ sẽ bỏ Đức Kitô nửa đường và không theo Ngài tới cùng được. Chúa Giêsu kết luận: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Kiến thức có được do trí khôn con người không đủ giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta cần cầu xin cho có được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Để có được, chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận những giới hạn của mình.
- Hãy giáo dục chính mình, con cái, và tha nhân theo đường lối và cách thức của Thiên Chúa: đó là yêu thương hết mình và luôn sống theo sự thật.
- Chúng ta phải dẹp bỏ mọi khôn ngoan tính toán theo cách thức con người và chấp nhận những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi thì mới có thể trở thành môn đệ của Ngài được.
- Chúng ta cần tránh thái độ “ếch ngồi đáy giếng,” chỉ biết những gì trong giếng và bầu trời bằng miệng giếng, để rồi chối từ tất cả những gì ngoài cái giếng nó ở!

Lm.An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.



Ngày 8-9-2013: NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU (Luca 14,25-33 – CN XXIII - C)

Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là một cuộc bước theo.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

1.- Ngữ cảnh
Được đặt vào trong bài tường thuật về hành trình lên Giêrusalem, cuộc nói chuyện của Đức Giêsu trong bữa ăn tại nhà một thủ lãnh người Pharisêu (Lc 14,1) nay đã đến lúc kết thúc. Tác giả Tin Mừng III lại giúp độc giả để ý đến bước tiến của Đức Giêsu lên Giêrusalem cũng như đến đám đông đang cùng đi với Người. Tác giả cho thấy Đức Giêsu nói về những điều kiện để làm người môn đệ đích thực (14,25-33). Khi tìm lại văn cảnh trước đó, ta gặp một lời mời gửi đến mọi người trên mọi nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ dậu, đến dự tiệc vương quốc, để “người ta vào đầy nhà cho ta” (c. 23). Nay Đức Giêsu thêm một nhận định mới: điều kiện phải giữ để được làm môn đệ trong Vương quốc. Để được vào Vương quốc, phải đáp ứng những điều kiện riêng, và phân đoạn 14,25-33 ở trong thế song đối đối nghĩa với phân đoạn 14,15-24. Nếu đặt vào trong ngữ cảnh rộng lớn hơn, là bài tường thuật về hành trình, phân đoạn này với nhiều chi tiết nói về việc bước theo Đức Giêsu, bước đi đàng sau Người, lên kế hoạch chuẩn bị cho một công trình, … cung cấp cho tác giả những chi tiết để ngài phác ra đời môn đệ của Đức Kitô.

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Mở đầu (14,25);
2) Điều kiện để đi theo Đức Giêsu (14,26-27);
3) Hai dụ ngôn (14,28-32):
a) Dụ ngôn Người xây tháp (cc. 28-30),
b) Dụ ngôn Vị vua ra trận (cc. 31-32);
4) Kết (14,33).

3.- Vài điểm chú giải
- dứt bỏ (26): dịch sát là “ghét” (miseô), ngược lại với agapaô, “yêu thương”. Động từ miseô đã được dùng ở Lc 6,22.27 để mô tả thái độ của những người ở ngoài đối với các môn đệ Đức Giêsu. Bây giờ động từ này lại được dùng để nói về tình yêu ưu tiên người ta phải dành cho Đức Giêsu.

- môn đệ tôi (27): Các môn đệ Đức Giêsu đã được nhắc đến ở Lc 5,30; 6,1.13.17.20; 8,9.22; 9,14.16.18.40.43b.54; 10,23;12,1.22. Sau đó họ lại được nhắc đến ở 16,1; 17,1.22; 18,15; 19,29.37.39; 20,45; 22,11.39.45. Trong sách Cv, từ ngữ mathêtai, “các môn đệ”, trở thành từ quen thuộc để gọi các Kitô hữu (6,1.2.7; 9,1.10.19.26.38; 11,26.29; 13,52; 14,20.22.28; 15,10; 16,1; 18,23.27; 19,1.9.30; 20,1.30; 21,4.26 (2x).

- một cây tháp (28): Đây là một tháp canh để bảo vê một ngôi nhà, một mảnh đất, một vườn nho.

- từ bỏ (33): Động từ Hy Lạp apotassomai, như ở 9,61, có nghĩa là “kiếu từ, từ giã” (say good-bye, say farewell). Lời khuyên này làm vọng lại lời khuyên ở 12,33, và sẽ được nhắc lại ở 18,22.

4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở đầu (25)
            
Điểm nổi bật nơi Đức Giêsu là sự cương quyết chấp nhận số phận bằng cách nhất định tiến về Giêrusalem. Trên đường đi, có rất nhiều người đi theo Người. Họ muốn ở với Người. Họ tưởng rằng Người có điều gì đó chắc chắn mà nói với họ và có điều gì đó bền vững mà ban cho họ. Họ bị Người thu hút. Đức Giêsu không xua đuổi họ. Nhưng Người cũng không muốn họ đi theo Người với những nỗi niềm chờ mong sai lạc. Người nói với họ rõ ràng.
           
Chúng ta thấy Đức Giêsu đã ba lần nêu lên những yêu cầu cho những ai muốn đi theo Người, và mỗi lần Người đều kết luận như nhau, “… thì không thể làm môn đệ tôi được” (cc. 26.27.33). Người khiến chúng ta có ấn tượng là Người muốn họ bỏ Người thay vì lôi kéo họ đến với Người.

* Điều kiện để đi theo Đức Giêsu (26-27)
           
Ai gắn bó với Đức Giêsu, thì cần biết mình phải đáp ứng những yêu cầu nào. Các điều kiện Người nêu ra không chỉ được đề nghị riêng cho một ít người tuyển chọn, nhưng cho tất cả những ai đang đi với Người.
           
Trước tiên, Người yêu cầu phải “ghét” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Chẳng phải là điều răn yêu thương người thân cận đã bị đảo lộn rồi sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự ghét bỏ đối với họ? Nhưng ý nghĩa của từ “ghét” ở đây được làm sáng tỏ nhờ Mt 10,37: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Điều này có nghĩa là ai muốn đi theo Đức Giêsu thì phải yêu mến Người hơn tất cả những người khác, kể cả những người gần gũi với mình nhất. Người ấy lại còn phải yêu mến Người hơn cả chính bản thân mình. Đức Giêsu yêu cầu người ta dành cho Người một vị trí đặc biệt và duy nhất. Vì thế, “ghét” đây cũng có thể phải hiểu là “dứt khoát” với những quan hệ nào đó nếu can, để có thể trung thành với Tin Mừng. Chính tương quan duy nhất với Đức Giêsu sẽ điều hành mọi tương quan của ta với những người khác.
           
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, mà là cái tôi, là tính ích kỷ, là tình yêu đối với chính mình. Cả cái tôi và sự sống của ta cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, thì phải vác thập giá của chính mình, phải đi theo Người trên con đường thập giá. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. 

* Hai dụ ngôn (28-32)
           
Rất có thể Đức Giêsu nhận thấy rằng nhiều thính giả bắt đầu nghĩ rằng Người phóng đại. Để giúp họ hiểu Người muốn nói gì, Người kể cho họ nghe hai dụ ngôn ngắn, đơn giản. Dụ ngôn thứ nhất nói về một người muốn bảo vệ hoa mầu khỏi trộm cướp và dã thú phá phách. Ông đã quyết định xây một cái tháp trong cánh đồng của mình. Trước khi bắt đầu công việc, ông đã tính toán phí tổn, để xem ông có đủ tiền mà thực hiện chăng (cc. 28-30). Dụ ngôn thứ hai nói về một vị vua quyết định ra trận. Tuy nhiên, ngay lúc đầu, ông phải lượng định về sức mạnh của đoàn quân của ông (cc. 31-32). Vào thời của Đức Giêsu, có một câu tục ngữ: “Nếu bạn muốn săn sư tử, hãy phóng cái lao của bạn xuống đất. Nếu bạn không thể phóng cái lao thật sâu, thì đừng đi săn sư tử!”. Bài học rất rõ: đừng tự lừa dối chính mình; bạn không phải là môn đệ Đức Giêsu chỉ nhờ nghe Tin Mừng của Người và cảm thấy hứng thú đối với Tin Mừng ấy. Bạn phải xem bạn có thể làm chăng những điều Người yêu cầu bạn.

Qua hai dụ ngôn, Đức Giêsu khuyên những người đang đi theo Người đừng quyết định làm môn đệ, nếu trước đó không cân nhắc kỹ càng trước. Người ta phải cứu xét đến không những các đòi hỏi phải thực hiện, nhưng cả những hậu quả của chuyện mới bắt đầu thì đã bỏ dở dang vì không có sức đi tới cùng. Các môn đệ phải xem lại là mình có những sức mạnh và tài nguyên nào.

Sau hai dụ ngôn, Đức Giêsu nêu ra điều kiện thứ ba: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (c. 33). Vấn đề không chỉ là bỏ ra một ít tiền để làm việc bác ái, mà là phải bỏ hết mọi sự.

* Kết (33)
           
Sau hai điều kiện (cc. 26.27), câu kết này là điều kiện thứ ba (c. 33), một đòi hỏi triệt để. Đức Giêsu kêu mời người ta từ bỏ tất cả các của cải vật chất, để có thể làm môn đệ Người.

Có những người đã giải quyết khó khăn này bằng cách chia các Kitô hữu thành “những người hoàn thiện” (linh mục, tu sĩ) một bên, còn bên kia là tất cả các Kitô hữu còn lại, những người có thể giữ tất cả những gì họ có và chấp nhận làm “Kitô hữu bất toàn”. Cách làm này đã chia họ các môn đệ Đức Giêsu thành hai, đánh mất sự hợp nhất thiêng liêng của họ. Nhưng lệnh đó được ban cho tất cả những ai muốn nên “xứng đáng” với Đức Giêsu. Để không một ai hiểu sai ý Người, Đức Giêsu đã nhắc lại giáo huấn này nhiều lần (Lc 12,33; 18,22; x. 5,11.28). 

+ Kết luận

Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vì trân trọng ý muốn của Ngài, người ta phải chấp nhận đau khổ, tủi nhục, bị khinh bỉ và tất cả những gì đối lập lại với một cuộc đời thú vị, thậm chí đến chỗ mất mạng sống mình. Hẳn là chúng ta muốn tạo ra một hình thái Kitô giáo vừa tầm với chúng ta, làm chúng ta vui thích. Đức Giêsu nói với người ta rằng họ chỉ có thể bước theo Người theo những điều kiện của Người. Ai muốn thuộc về Đức Giêsu, thì phải quyết định theo Đức Giêsu toàn thể, với trọn con đường của Người.

Đức Giêsu không nói rằng nếu ai muốn đi theo Người mà không từ bỏ những người than, mạng sống và mọi của cải, thì không thuận lợi bao nhiêu, mà nói là hoàn toàn vô ích, như muối không còn vị mặn nữa (x. Lc 14,34-35).


5.- Gợi ý suy niệm
1. Ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu, muốn thực sự làm Kitô hữu, thì cần phải biết các điều kiện được đề ra, và phải suy nghĩ xem mình có khả năng đáp ứng chăng. Nếu dừng lại giữa đường rồi bỏ cuộc, thì chẳng nghĩa lý gì. Đức Giêsu muốn người ta đi theo Người cách ý thức và có cân nhắc. Các điều kiện được nêu ra không chỉ có giá trị cho một thiểu số ưu tuyển, nhưng cho mọi người. Bước theo Đức Giêsu có nghĩa là tuyệt đối không bám víu vào các của cải vật chất, và phải sử dụng chúng tùy theo dây liên kết chúng ta với Đức Giêsu.

2. Dây liên kết người ta với Đức Giêsu phải có quyền ưu tiên hơn mọi liên hệ khác. Tình yêu đối với Người không loại trừ tình yêu đối với loài người, trái lại là đàng khác. Đức Giêsu muốn chúng ta yêu thương người thân cận. Và tình yêu đối với Người đòi hỏi chúng ta chu toàn ý muốn của Người. Nhưng tương quan với người thân cận phải được qui định bởi tương quan với Đức Giêsu và phải được tháp nhập vào trong tương quan này. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giêsu và một người gần gũi với ta, ta phải chọn Đức Giêsu. Đàng khác, ta phải đào luyện tương quan của mình với người thân cận thế nào để không gây rối cho tương quan của ta với Đức Giêsu. Tiêu chuẩn tối hậu của đời sống chúng ta không phải là nguyện vọng hoặc ý muốn của người thân cận, hoặc sở thích của người ấy, hay là sự hòa hợp với người ấy, nhưng là ý muốn của Đức Giêsu và con đường trên đó Người đang đi mà dẫn dắt chúng ta. Người Kitô hữu không được tìm cách sống hài hòa với người thân cận ngược lại với ý muốn của Đức Giêsu, nhưng là với và trong sự lệ thuộc ý muốn đó.

3. Bước theo Đức Giêsu: hoặc là một cuộc bước theo trọn vẹn, hoặc chẳng phải là một cuộc bước theo. Người ta không được chỉ chọn ra một vài nét thuộc về hành trình của Đức Giêsu  mà người ta thích. Hoặc là người ta sẵn sàng đi với Người trọn chuyến đi, hoặc có bắt đầu cũng chẳng ích gì. Thập giá của Đức Giêsu là dấu chỉ cụ thể về sự trung thành vô điều kiện của Người đối với thánh ý Chúa Cha, với định mệnh của Người và với sứ mạng của Người. Đối với Người, sự trung thành này còn quý giá hơn chính mạng sống Người.

4. Cộng đoàn Giêrusalem đã góp mọi sự lại, nên không còn có ai bị nghèo túng ở giữa họ (Cv 2,44-45; 4,32-35). Hẳn là các Kitô hữu hôm nay cũng có thể thứ những nẻo đường mới. Chắc chắn nếu chúng ta chọn bước theo Đức Kitô, chúng ta phải thay đổi thái độ của chúng ta đối với của cải của thế gian này.


Từ bỏ hết
Suy Niệm
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc…
Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…
Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.
Tắt Tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ là mẹ hơn qua những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pizza.
Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
Cầu từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình giàu có.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét